Bài 53 (Thứ Tư ngày 21/4/1999)
Đối thoại liên tôn là một phần trong sứ vụ cứu độ của Giáo Hội
“C
hỉ có một Thiên Chúa và là Cha của tất cả chúng ta, Đấng ở trên tất cả, nơi tất cả và trong tất cả” (Eph.4:6).
Theo ý nghĩa của những lời trong Thư Thánh Tông Đồ Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô này, hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về cách làm chứng cho Thiên Chúa là Cha trong việc đối thoại với các tín đồ của tất cả mọi tôn giáo.
Trong buổi suy niệm này, chúng ta có hai qui chiếu điểm: thứ nhất là Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Chung Vaticanô II về “Mối Tương Quan của Giáo Hội với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo”, và thứ hai là mục đích của Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng nay đã gần đến.
Tuyên Ngôn Nostra Aetate đã đặt nền tảng cho cung cách đối thoại mới trong mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác nhau.
Còn Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000 là một dịp đặc ân để chứng tỏ cho thấy cung cách ấy. Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Tôi đã kêu mời người ta, nhất là trong năm dâng kính Thiên Chúa là Cha này, để ý hơn đến việc đối thoại với các đại tôn giáo, những cuộc đối thoại bao gồm các cuộc gặp gỡ ở những địa điểm có một tầm vóc quan trọng đối với các tôn giáo này (xem các đoạn 52-53).
2- Trong Thánh Kinh, chủ đề về một Thiên Chúa duy nhất liên quan đến phổ quát tính của các dân tộc tìm kiếm cứu độ dần dần được khai triển cho tới khi đạt tới tột đỉnh của tất cả mạc khải nơi Chúa Kitô. Vị Thiên Chúa của dân Yến-Duyên, được tác giả sách thánh diễn tả là Tetragrammaton (biệt chú riêng của người dịch: theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “bốn chữ”, ám chỉ bốn chữ YHWH theo tiếng Do Thái, tức Yahweh dịch ra tiếng Anh hay Giavê dịch ra tiếng Việt), là Vị Thiên Chúa của các tổ phụ, Vị Thiên Chúa hiện ra với Moisen nơi bụi gai bốc cháy (x.Ex.3) để giải thoát Yến-Duyên và làm cho họ thành một dân giao ước. Sách Gioduệ cho biết cách thức họ đã chọn Chúa ở Shechem, nơi rất đông dân chúng tụ họp lại để nhất quyết chọn Vị Thiên Chúa tỏ ra lòng lành và biết đáp ứng, bằng việc từ bỏ tất cả các thần khác (x.Jos 24).
Theo nhận thức về tôn giáo của Cựu Ước thì việc chọn lựa này càng ngày càng có hình thức khuynh hướng độc thần sát nghĩa và phổ quát. Nếu Chúa là Thiên Chúa của Yến-Duyên không phải là vị thần duy nhất trong nhiều vị thần mà là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, thì tất cả mọi dân nước phải được Ngài cứu độ “cho tới tận cùng trái đất” (Is.49:6). Việc cứu độ phổ quát sẽ biến đổi lịch sử loài người thành một cuộc hành hương của các dân tộc hướng về cùng một đích điểm là Gialiêm thành, song vẫn không mất đi những khác nhau về văn hóa sắc dân tộc của mình (x.Rev.7:9). Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách sống động cái nhìn này bằng hình ảnh của một con đường nối liền giữa Ai Cập với Assyria, khi tiên tri nhấn mạnh đến phép lành thần linh sẽ liên kết Yến-Duyên, Ai-Cập và Assyria (x.Is.19:23-25). Tất cả mọi dân nước, vẫn hoàn toàn giữ lấy căn tính của mình, được kêu gọi để càng ngày càng hướng về Vị Thiên Chúa duy nhất là Đấng đã tỏ mình ra cho dân Yến-Duyên.
3- Tính cách “phổ quát” được gợi lên nơi Cựu Ước này đã được khai triển rộng hơn nơi Tân Ước là phần cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tim.2:4). Niềm xác tín Thiên Chúa thực sự đang sửa soạn phần rỗi cho tất cả mọi người làm nên căn bản cho việc đối thoại giữa Kitô hữu với tín đồ của các niềm tin đạo giáo khác. Công Đồng Chung Vaticanô II đã diễn tả thái độ của Kitô hữu đối với các tôn giáo ngoài Kitô Giáo như thế này: “Giáo Hội rất coi trọng cung cách sống và tác hành, các huấn thị và giáo điều, mặc dầu khác nhiều với giáo huấn của mình, tuy nhiên cũng thường phản ánh tia sáng của sự thật chiếu soi tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội công bố, và buộc phải không ngừng loan báo theo phận sự của mình, rằng Chúa Kitô là ‘đường, là sự thật và là sự sống’ (Jn.14:6). Nơi Người là Đấng Thiên Chúa hòa giải mọi sự với Ngài, con người đạt đến tầm vóc trọn vẹn của đời sống tôn giáo của mình” (Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đoạn 2).
Trong những năm qua, có một số người coi việc đối thoại với tín đồ của các tôn giáo khác là phản lại việc loan báo tin mừng, một phận sự căn bản trong việc truyền giáo của Giáo Hội. Thật vậy, đối thoại liên tôn là một phần nguyên trọn trong sứ mệnh truyền bá phúc âm của Giáo Hội (x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 856). Như Tôi vẫn thường hay nhấn mạnh, nó là nền tảng đối với Giáo Hội, là diễn đạt sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội và là cuộc đối thoại cứu độ (x.Insegnamenti VII/1 [1984], pp.595-599). Như thế, việc đối thoại liên tôn không có nghĩa là loại trừ việc rao giảng tin mừng, mà là đáp ứng tiếng gọi thần linh, nhờ đó, việc trao đổi và chia sẻ có thể dẫn đến một chứng từ hỗ tương theo quan điểm tôn giáo riêng của con người, đến một kiến thức sâu xa hơn về các niềm xác tín của nhau và đến việc đồng ý với nhau về một số giá trị cốt yếu.
4- Bởi thế, việc chứng tỏ cho “vai trò làm cha” phổ quát của Thiên Chúa không phải chỉ là việc nói lên tính cách đại đồng mơ hồ vậy thôi, mà còn phải được sống bởi Kitô hữu với tất cả kiến thức về cuộc đối thoại cứu độ được phát sinh từ vai trò trung gian của Chúa Giêsu cũng như từ tác động của Thần Linh Người nữa. Do đó, chẳng hạn, khi nhận thấy nơi các tôn giáo, như Hồi Giáo, niềm xác tín mạnh mẽ về một bản vị Tuyệt Đối Thể là Đấng siêu vượt trên vũ trụ và con người, thì về phần mình, chúng ta có thể chứng tỏ Thiên Chúa nơi sự sống Ba Ngôi nội tại của Ngài, ở chỗ cho thấy Thiên Chúa Ba Ngôi không giảm thiểu chính mối hiệp nhất thần linh song đặc tính hóa mối hiệp nhất này.
Thế nên, trong các hành trình đạo giáo dẫn đến ý niệm độc nhất tính về thực tại tối cao như là một “Bản Vị” bất phân biệt bao gồm hết mọi sự, Kitô giáo cũng nhận được tiếng gọi cần phải tôn trọng ý nghĩa sâu xa nhất của mầu nhiệm thần linh vượt trên mọi lời nói và quan niệm loài người. Thế nhưng, Kitô Giáo cũng không ngần ngại xác nhận siêu việt tính cá vị của Thiên Chúa, khi loan truyền vai trò làm cha đại đồng và yêu thương của Ngài, được hoàn toàn mạc khải nơi mầu nhiệm của Người Con tử giá và phục sinh của Ngài. Chớ gì Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng trở thành một dịp qúi báu cho tín đồ của tất cả mọi tôn giáo lớn lên trong kiến thức, trong cảm nhận và yêu thương nhau, nhờ việc đối thoại sẽ là một cuộc gặp gỡ cứu độ cho tất cả mọi người!
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 28/4/1999)