Bài 54 (Thứ Tư ngày 28-4-1999)
Do Thái và Kitô Giáo được thừa hưởng chung rất nhiều
V
iệc đối thoại liên tôn mà Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến đã khuyến khích như một tính chất riêng biệt của năm đặc biệt dâng kính Thiên Chúa là Cha (x. các đoạn 52-53), trước hết liên quan đến người Do Thái, “người anh lớn” của chúng ta, như Tôi gọi họ trong dịp gặp gỡ đáng ghi nhớ của Tôi với cộng đồng Do Thái ở Rôma ngày 13-4-1986 (Tuần San L’Observatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 21-4-1986, trang 6). Suy tư về phần gia nghiệp thiêng liêng mà chúng ta cùng nhau chia sẻ, Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate, đã đề ra một chiều hướng mới cho mối liên hệ của chúng ta đối với Do Thái Giáo. Chúng ta phải suy nghĩ sâu xa hơn nữa về giáo huấn này, và Cuộc Mừng Kỷ Niệm Năm 2000 có thể là một dịp trọng đại để gặp nhau ở những địa điểm quan trọng đối với các tôn giáo độc thần lớn (x. Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 53).
Chúng ta biết rằng, ngay từ những lúc ban đầu của Giáo Hội cho tới thế kỷ của chúng ta đây, rất tiếc là những mối giây liên hệ với người anh chị em Do Thái của chúng ta đã gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, trải qua một lịch sử dài thê thảm này, cũng đã có những dịp đối thoại hài hòa và xây dựng. Về vấn đề này chúng ta cần nhắc lại văn phẩm thần học quan trọng mang tựa đề “Đối Thoại” do triết gia kiêm vị tử đạo Justinô có ý viết về cuộc thánh nhân gặp gỡ Trypho là một người Do Thái ở thế kỷ thứ hai. Cũng nên để ý đến chiều kích đối thoại linh động được trình bày đậm nét trong văn chương tân Do Thái hiện đại, một chiều kích nặng ảnh hưởng tư tưởng triết thần của thế kỷ 20 này.
2- Thái độ đối thoại giữa người Kitô Hữu và Do Thái chẳng những cho thấy giá trị chung của việc đối thoại liên tôn, mà còn cho thấy một cuộc hành trình dài cả hai cùng nhau được chia sẻ từ Cựu Ước đến Tân Ước. Người Kitô Hữu và Do Thái có thể cùng nhìn thấy được một giai đoạn lịch sử cứu độ dài. “Thật vậy, “niềm tin của dân Do Thái, không giống như các tôn giáo không phải Kitô Giáo, đã là một đáp ứng đối với mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 839). Lịch sử này đã được sáng tỏ nơi một nhóm đông đảo những con người thánh đức với cuộc sống chứng thực cho việc chiếm hữu trong đức tin những gì họ ngưỡng vọng. Thật vậy, Bức Thư gửi cho các Người Do Thái đã nhấn mạnh đến việc đức tin đáp ứng này dọc suốt cả lịch sử cứu độ (x. Heb. 11).
Ngày nay, việc can trường minh chứng cho đức tin cũng phải đánh dấu cuộc hợp tác giữa người Kitô Hữu và Do Thái trong việc loan báo và hiện thực dự án cứu độ của Thiên Chúa giành cho tất cả loài người. Nếu dự án của Ngài được cắt nghĩa khác nhau liên quan đến việc chấp nhận Chúa Kitô, thì điều này rõ ràng là dính dáng đến điểm chủ yếu khác nhau ở ngay từ nguồn gốc của chính Kitô Giáo, thế nhưng nó không làm thay đổi sự kiện là vẫn còn có nhiều yếu tố chung khác nữa. Chúng ta vẫn có phận sự phải cùng nhau hoạt động trong việc đề cao thân phận con người là những gì càng rất hợp với dự án của Thiên Chúa. Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000, một cuộc mừng kỷ niệm thực sự được căn cứ vào truyền thống mừng các năm kỷ niệm của dân Do Thái, hướng đến một nhu cầu khẩn trương cho nỗ lực chung này trong việc phục hồi hòa bình và công chính xã hội. Khi nhận biết quyền thống trị của Thiên Chúa trên tất cả mọi loài thụ tạo, nhất là trên địa cầu (Lev.25), tất cả mọi người tin vào Ngài đều được kêu gọi chuyển dịch đức tin của mình thành một cuộc dấn thân cụ thể trong việc bảo toàn cái linh thiêng nơi sự sống của con người dưới mọi hình thức, cũng như trong việc bảo vệ phẩm vị của mọi người anh chị em mình.
3- Trong việc suy nghĩ về mầu nhiệm dân Yến-Duyên cũng như “ơn gọi bất khả vãn hồi” của họ (x. Insegnamenti IX/1 [1986], trang 1028), Kitô Hữu cũng nhận ra được mầu nhiệm của gốc rễ mình. Nơi các nguồn thánh kinh mà họ chia sẻ với những người anh chị em Do Thái, họ thấy được những yếu tố không thể thiếu cho việc họ sống đức tin và đào sâu đức tin của mình. Điều này có thể thấy trong phụng vụ chẳng hạn. Cũng như Chúa Giêsu, theo trình thuật của Thánh Luca, mở sách tiên tri Isaia ra trong hội đường Nazarét (x.Lk.4:16ff) thế nào, Giáo Hội cũng đã rút lấy từ kho tàng phụng vụ của dân Do Thái. Giáo Hội đã sắp xếp phụng vụ giờ kinh, phụng vụ lời Chúa và ngay cả cấu trúc của các kinh nguyện Thánh Thể theo những mẫu thức của truyền thống Do Thái. Một số các lễ lớn như Phục Sinh hay lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng nhắc lại phụng niên của dân Do Thái và là những dịp tuyệt vời để nhớ cầu nguyện cho dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến (x. Rm.11:2). Ngày nay, đối với người Kitô hữu, đối thoại tức là ý thức hơn nữa những yếu tố mang chúng ta xích lại gần nhau hơn ấy. Như chúng ta chú ý tới “giao ước Thiên Chúa không bao giờ rút lại” (x. Insegnamenti, 1980, [III/2], trang 1272-1276) thế nào, chúng ta cũng phải xét đến giá trị nội tại của Cựu Ước nữa, như thể giá trị này chỉ đạt được ý nghĩa trọn vẹn của mình trong ánh sáng Tân Ước và chứa đựng những lời hứa được nên trọn nơi Chúa Giêsu. Không phải việc Chúa Giêsu cắt nghĩa các lời Thánh Kinh của dân Do Thái đã làm cho lòng các vị môn đệ “bừng nóng lên” trên con đường các vị đi Emmau (Lk.24:32), khiến các vị nhận ra Chúa Kitô phục sinh khi Người bẻ bánh hay sao?
4- Người Kitô Hữu và Do Thái đối thoại với nhau chẳng những về một lịch sử chung mà còn phải nhắm đến cả tương lai nữa (x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 840), thực sự trở nên như một “memoria futuri” (Chúng Ta Tưởng Nhớ: Một Phản Tỉnh về Biến Cố “Shoah”; tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 18-3-1998, trang 6). Việc tưởng nhớ đến những biến cố đau thương và thảm khốc này của qúa khứ có thể mở đường cho một cảm thức huynh đệ mới là hoa trái của ơn Thiên Chúa ban, cũng như mở đường cho việc làm những mầm mống mang khuynh hướng chống người Do Thái và giống người Semites không bao giờ còn đâm rễ trong lòng con người ta nữa.
Là một dân tộc xây dựng đức tin của mình trên lời Thiên Chúa hứa với Abraham: “Ngươi sẽ là cha của nhiều dân nước” (Gen.17:4; Rm.4:17), dân Yến-Duyên tỏ cho thế giới thấy rằng Gialiêm là nơi tiêu biểu cho cuộc lữ hành hướng đến cánh chung của các dân nước hiệp lời chúc tụng Đấng Tối Cao. Tôi hy vọng rằng, ở vào thời điểm bình minh của ngàn năm thứ ba, cuộc đối thoại chân tình giữa các người Kitô Hữu và Do Thái sẽ giúp cho việc tạo nên một nền văn minh mới trong một Thiên Chúa duy nhất, thánh hảo và xót thương, cũng như trong việc bảo dưỡng một nhân loại hòa giải trong yêu thương.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 5/5/1999)