Bài 61: (Thứ Tư ngày 28-7-1999)

Hoả Ngục là Trạng Thái của những kẻ chối bỏ Thiên Chúa
 

T

hiên Chúa là Cha vô cùng tốt lành và thương xót. Thế nhưng, bất hạnh thay, được kêu gọi đáp lại Ngài một cách tự do, con người lại có thể tự mình vĩnh viễn dứt khoát chối bỏ tình yêu và ơn tha thứ của Ngài, làm cho mình đời đời tách khỏi niềm hiệp thông hoan lạc với Ngài. Tình trạng bi thảm thực sự này đã được giáo huấn Kitô Giáo giải thích khi nói đến việc bị trầm luân đời đời hay là hoả ngục. Nó không phải là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống ở bề ngoài, mà là một việc phát triển của những thành tích do người ta tạo nên trên đời này. Chính chiều kích bất hạnh xuất phát từ thân phận u tối ấy, một cách nào đó, có thể cảm nhận thấy trong ý nghĩa của một số kinh nghiệm khiếp đảm chúng ta phải chịu đã làm cho đời sống, như người ta thường nói, thành “hoả ngục”.

            Tuy nhiên, theo ý nghĩa thần học, hoả ngục là một cái gì khác: nó là hậu quả tối hậu của chính tội lỗi tác hại chính con người phạm tội. Nó là trạng thái của những kẻ vĩnh viễn phủ nhận tình thương của Chúa Cha, kể cả cho đến giây phút cuối cùng của cuộc sống mình. 

2-         Để diễn tả thực tại này, Thánh Kinh đã dùng một thứ ngôn ngữ biểu hiệu được dần dần thích nghĩa. Trong Cựu Ước, thân phận của kẻ chết chưa hoàn toàn được Mạc Khải cho thấy. Hơn thế nữa, kẻ chết được cho rằng bị chồng chất trong Sheol, một miền đất tối tăm mù mịt (x.Ez.28:8,31:14; Jb.10:21f,38:17; Ps.30:10,88:7,13), một hố sâu con người không thể nào lên khỏi đó (x.Jb.7:9), một chốn không thể chúc tụng Thiên Chúa (x.Is.38:18; Ps.6:6).

            Tân Ước đã chiếu ánh sáng mới về thân phận của kẻ chết, trước hết, loan báo rằng Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết bằng cuộc phục sinh của Người, và đã vươn quyền lực giải thoát của Người cho tới cả vương quốc của kẻ chết nữa.

            Tuy nhiên, việc cứu chuộc vẫn là một tặng ân cứu độ tùy con người ta tự do chấp nhận. Đó là lý do tại sao tất cả mọi người sẽ chịu phân xử “bởi những gì họ (đã làm)” (Rev.20:13). Bằng những hình ảnh sử dụng, Tân Ước cho thấy nơi ấn định cho những kẻ hành ác như là một lò lửa, nơi con người ta sẽ phải “khóc lóc và nghiến răng” (Mt.13:42; x.25:30,41), hay như là Gehenna với “lửa không hề tắt” (Mk.9:43). Tất cả những điều này được thuật lại trong dụ ngôn người phú hộ, một dụ ngôn cho thấy hoả ngục là chốn muôn đời khổ đau, không thể thoát khỏi, hay được nhẹ bớt khổ đau (x.Lk.16:19-31).

            Sách Khải Huyền cũng bóng bẩy diễn tả những kẻ loại trừ mình ra khỏi sổ hằng sống ở trong một “hồ lửa”, tức bị “chết lần thứ hai” (Rev.20:13f). Bởi thế, ai cứ đóng cửa lòng mình lại trước Phúc Âm là đang tiến đến “chỗ đời đời bị diệt vong và bị loại trừ khỏi nhan Chúa cũng như khỏi vinh quang quyền năng của Ngài” (2Thes 1:9).  

3-         Những hình ảnh về hoả ngục do Thánh Kinh cho chúng ta thấy phải được cắt nghĩa đúng đắn. Chúng nói lên một tình trạng hoàn toàn thảm bại và trống rỗng của một sự sống không có Thiên Chúa. Còn hơn là một nơi chốn, hoả ngục là một trạng thái của những kẻ tự do và vĩnh viễn tách lìa bản thân mình khỏi Thiên Chúa, nguồn mạch của tất cả mọi sự sống và niềm vui. Đó là điều Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã tóm tắt các chân lý đức tin về vấn đề này: “Việc chết đi trong khi mắc tội trọng mà không biết thống hối và chấp nhận tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa tức là cứ theo ý muốn tự do của mình đời đời tách khỏi Ngài. Trạng thái vĩnh viễn loại trừ mình khỏi việc hiệp thông với Thiên Chúa và với thành phần vinh phúc được gọi là hoả ngục” (số 1033).

            Thế nên, “việc trầm hư đời đời” không được qui về cho sáng kiến của Thiên Chúa, vì theo tình yêu nhân hậu của mình, Ngài chỉ có thể mong muốn cứu độ các hữu thể Ngài đã tạo dựng nên mà thôi. Thực thế, chính tạo vật khép mình lại trước tình yêu của Ngài. Việc trầm hư thực sự là ở chỗ vĩnh viễn tách mình khỏi Thiên Chúa, một việc do con người tự do chọn lựa và được xác nhận bởi cái chết đóng dấu tác động chọn lựa muôn đời của họ. Phán quyết của Thiên Chúa chỉ là việc phê chuẩn cho trạng thái ấy.  

4-         Đức tin Kitô Giáo dạy rằng trong việc thách đố thưa “vâng” hay “không vâng”, một việc nói lên tự do của con người tạo vật, thì có một số thưa không vâng. Họ là những tạo vật linh thiêng phản loạn chống lại tình yêu của Thiên Chúa và được gọi là ma qủi (x. Công Đồng Chung Latêranô IV, DS 800-801). Điều đã xẩy ra cho họ là một cảnh giác cho chúng ta: nó là một lời liên tục kêu gọi tránh khỏi thảm trạng dẫn đến tội lỗi và kêu gọi làm cho đời sống của chúng ta nên giống đời sống của Chúa Giêsu, Đấng đã sống cuộc đời của mình bằng việc thưa “vâng” với Thiên Chúa.

            Việc trầm hư đời đời vẫn là một việc thực sự có thể xẩy ra, thế nhưng chúng ta không thể tự mình, nếu không có mạc khải thần linh đặc biệt, biết được có hay không hoặc những ai trong loài người thực sự bị như thế. Tư tưởng về hoả ngục – dù cho các hình ảnh thánh kinh có ít được sử dụng thích đáng đi nữa – cũng không được tạo nên nỗi lo âu hay thất vọng, song phải là một nhắc nhở cần thiết và lành mạnh về niềm tự do, trong việc loan báo rằng Chúa Giêsu phục sinh đã chiến thắng Satan, Người ban cho chúng ta Thần Linh của Thiên Chúa là Đấng khiến chúng ta kêu lên “Abba, lạy Cha!” (Rm.8:15; Gal.4:6).

            Viễn quan đầy những hy vọng này nổi bật trong việc rao giảng của Kitô Giáo. Nó thực sự được phản ảnh nơi truyền thống phụng vụ của Giáo Hội, như những lời của Roman Canon chứng thực: “Lạy Cha, xin chấp nhận việc hiến dâng này của toàn thể gia đình của Cha… xin cứu chúng con khỏi bị muôn đời trầm hư, và kể chúng con vào số những người được Cha tuyển chọn”. 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 4/8/1999)