Bài 62: (Thứ Tư ngày 4-8-1999) 

Luyện Ngục là
việc Thanh Tẩy Cần Thiết

N

hư chúng ta đã thấy trong hai bài giáo lý vừa rồi, căn cứ vào việc chọn lựa dứt khoát theo Thiên Chúa hay chống lại Thiên Chúa, con người thấy rằng mình phải đương đầu với một trong hai giải pháp: hoặc là sống với Chúa trong vĩnh phúc hay là cứ bị xa khỏi nhan của Ngài.

            Đối với những người thấy rằng mình hướng về Thiên Chúa song vẫn chưa được hoàn toàn thì cuộc hành trình tiến đến cõi toàn phúc đòi họ phải được thanh tẩy, một việc được đức tin của Giáo Hội nói đến nơi giáo huấn về “Luyện Ngục” (x. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1030-1032).

2-         Trong Thánh Kinh, chúng ta có thể nắm được một số yếu tố giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của giáo huấn này, mặc dù ý nghĩa này không được diễn tả một cách chính thức. Các yếu tố ấy nói lên niềm tin là chúng ta không thể tiến đến cùng Thiên Chúa mà lại thoát khỏi việc cần phải được thanh tẩy.

            Theo luật tôn giáo của Cựu Ước, những gì dành cho Thiên Chúa phải toàn hảo. Bởi thế, việc tinh tuyền về thể lý cũng đặc biệt cần phải có đối với những thực tại được giao tiếp với Thiên Chúa, chẳng hạn, ở lãnh vực hiến tế, như thú vật hiến tế (x.Lv.22:22), hay ở lãnh vực cơ cấu, như trường hợp các vị tư tế hay các vị thừa tác phụng vụ (x.Lv.21:17-23). Theo truyền thống của giáo huấn cao cả trong Sách Nhị Luật, việc toàn hiến cho vị Thiên Chúa của Giao Ước, một việc cần phải có một tính cách tinh tuyền về thể lý này, là việc đòi hỏi nơi cá nhân cũng như nơi xã hội như là một khối chung (x.1Kgs.8:61). Nó là vấn đề yêu mến Thiên Chúa bằng cả hữu thể của mình, bằng con tim tinh tuyền và bằng chứng từ việc làm (x.ibid.10:12f).

            Cần phải tinh tuyền rõ ràng là việc thiết yếu sau khi qua đời để được trọn vẹn và hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa. Những ai không có sự tinh tuyền này phải được thanh tẩy. Đó là điều do Thánh Phaolô đã cho thấy ở một đoạn văn của ngài. Thánh Tông Đồ nói về giá trị nơi việc làm của mỗi người là những gì được sáng tỏ trong ngày phán xét thế này: “Nếu việc người ta làm dựa trên nền tảng (là Chúa Kitô) tồn tại thì họ sẽ nhận được phần thưởng. Bằng việc người ta làm bị thiêu rụi đi, họ sẽ bị mất mát, mặc dù chính họ sẽ được cứu, nhưng chỉ nhờ qua lửa mà thôi” (1Cor.3:14-15). 

3-         Để tiến đến trạng thái hoàn toàn tinh tuyền, có những lúc cần đến việc cầu bầu hay trung gian của con người. Chẳng hạn, Moisen đã xin được ơn tha thứ cho dân chúng bằng lời cầu xin mà ông dùng để nhắc lại công việc cứu độ Thiên Chúa thực hiện trong qúa khứ, và cầu xin Thiên Chúa trung thành với lời Ngài thề hứa với các vị tổ phụ của ông (x.Ex.32:30,11-13). Hình ảnh của Người Tôi Tớ Chúa, được phác họa trong Sách Tiên Tri Isaia, cũng cho thấy vai trò của Người trong việc cầu bầu và đền bù tội lỗi cho nhiều người, vào tận cùng khổ đau của mình Người “sẽ thấy ánh sáng” và “sẽ công chính hóa nhiều người”, khi mang lấy các lỗi lầm của họ (x.Is.52:13-53:12, nhất là các câu 53:11).

Theo quan điểm Cựu Ước, Thánh Vịnh 51 có thể được coi như một tổng luận về tiến trình của việc được tái tinh tuyền: đó là việc tội nhân thú nhận và công nhận lầm lỗi của mình (câu 3), tha thiết xin cho được tinh tuyền hay “thanh tẩy“ (các câu 2,9,10,17) để công bố vinh hiển của Thiên Chúa (câu 15). 

4-         Trong Tân Ước, Chúa Kitô hiện lên như là một vị cầu bầu, Đấng lãnh nhận các phận vụ của vị thượng tế trong ngày đền bồi tội lỗi (x.Heb.5:7;7:25). Thế nhưng, nơi Người, thiên chức linh mục được trình bày theo một thể thức mới mẻ và dứt khoát. Người đã vào cung thánh thiên đình một lần vĩnh viễn để chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta (x.Heb.9:23-26, nhất là câu 24). Người vừa là linh mục vừa là “tế vật đền bù” cho tội lỗi của cả thế giới (x.1Jn.2:2).

            Là vị cầu bầu cao cả, Đấng đền bù tội lỗi cho chúng ta, Chúa Giêsu sẽ hoàn toàn tỏ mình ra vào cuối cuộc sống của chúng ta, khi Người cho thấy Người cùng với tặng ân thương xót, cũng như với phán quyết không thể bỏ qua đối với những kẻ chối từ tình yêu và ơn tha thứ của Chúa Cha.

          Tặng ân thương xót này cũng không loại trừ phận sự của chúng ta phải trình diện mình trước nhan Thiên Chúa, tinh tuyền và toàn vẹn, phong phú trong một tình yêu được Thánh Phaolô gọi là “(mối) giây hòa hợp trọn hảo” (Col.3:14).

 

5-         Theo lời huấn dụ của Phúc Âm về việc nên trọn lành như Cha trên trời (x.Mt.5:48) trong đời sống trần gian của mình, chúng ta được kêu gọi để lớn lên trong yêu thương, lành mạnh và toàn vẹn trước Thiên Chúa là Cha “khi Đức Giêsu Chúa chúng ta đến cùng với tất cả các thánh của Người” (1Thes.3:12f). Hơn nữa, chúng ta được mời gọi để “thanh tẩy chính mình khỏi mọi tì ố của thân xác và tâm thần” (2Cor.7:1; x.1Jn.3:3), vì việc gặp gỡ Thiên Chúa đòi phải tuyệt đối tinh tuyền.

            Mọi tì vết gắn bó với sự dữ đều phải được loại trừ, mọi bất toàn của linh hồn đều phải được sửa chữa. Việc thanh tẩy phải được hoàn tất, và thực sự đó chính là điều Giáo Hội có ý dạy về luyện ngục. Từ ngữ này không có nghĩa là một nơi chốn mà là một tình trạng hiện hữu. Sau khi chết, những ai hiện hữu trong trạng thái thanh tẩy đã được ở trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng cất khỏi họ những gì bất toàn còn sót lại (x. Công Đồng Chung Florence, Decretum pro Graecis: DS 1304; Công Đồng Chung Triđentinô, Decretum de iïïustificatione: DS 1580; Decretum de purgatorio: DS 1820).

            Cần phải thêm là trạng thái thanh tẩy không phải là việc kéo dài thân phận trần thế, như thể sau khi chết con người còn được ban cho một dịp khác để làm thay đổi định mệnh của mình. Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này rất rõ ràng và được Công Đồng Chung Vaticanô II tái xác nhận khi dạy rằng: “Vì chúng ta không biết được ngày nào hay giờ nào nên chúng ta cần phải theo lời khuyên của Chúa mà canh chừng, để khi cuộc sống trần gian duy nhất của chúng ta hoàn tất (x.Heb.9:27), chúng ta có thể được cùng với Người vào dự lễ cưới và thuộc về số thành phần vinh phúc, chứ không, như thành phần gian ác và các người tôi tớ ươn hèn, bị truyền khiến đi vào lửa đời đời, vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi ‘con người sẽ khóc lóc và nghiến răng’ (Mt.22:13 và 25:30)” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 48).

 

6-         Một khía cạnh quan trọng sau hết mà truyền thống Giáo Hội đã luôn luôn vạch ra phải được ngày nay nhắc lại, đó là chiều kích “hiệp thông”. Thật vậy, những ai thấy rằng mình ở trong trạng thái thanh tẩy là thành phần được hiệp nhất với cả thành phần vinh phúc đang hoan hưởng sự sống trường sinh cũng như với chúng ta trên thế gian đang tiến về nhà Cha (x. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1032).

Như trong đời sống trần gian của mình, các tín hữu được hiệp nhất nơi Nhiệm Thể duy nhất thế nào, thì sau khi chết, những ai sống trong trạng thái thanh tẩy cũng nghiệm thấy cùng một mối liên kết giáo hội như vậy bởi lời cầu nguyện, những kinh nguyện cho người quá cố cùng với tình yêu thương đối với anh chị em của mình trong đức tin. Việc thanh tẩy được sống trong mối liên kết thực sự giữa những ai sống trên thế gian này và những ai hoan hưởng vinh phúc. 

 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 11-18/8/1999)