Bài 64: (Thứ Tư ngày 18-8-1999) 

Quyết chiến với sự dữ tội lỗi 

 

T

rong các đề tài đặc biệt được đề ra cho Dân Chúa suy tư trong năm thứ ba để sửa soạn Mừng Kỷ Niệm Trọng Thể Năm 2000 này, chúng ta thấy có đề tài về việc cải thiện đời sống, một đề tài bao gồm cả việc cứu thoát cho khỏi sự dữ (x. Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 50). Đề tài này có một tác dụng sâu xa nơi kinh nghiệm của chúng ta. Thật vậy, tất cả lịch sử cá nhân cũng như cộng đồng là một cuộc đối chọi với sự dữ. Lời nguyện cầu: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, hay cho khỏi “Tên Gian Ác”, trong Kinh Lạy Cha, nhấn mạnh đến lời chúng ta cầu xin cho được chiến thắng tội lỗi và cho được cứu khỏi mọi hướng chiều về sự dữ. Lời cầu xin này nhắc chúng ta về cuộc đối chọi hằng ngày của chúng ta, nhất là về bí thuật để thắng vượt sự dữ: bí thuật đó là sức mạnh của Thiên Chúa, được tỏ hiện và ban cho chúng ta nơi Chúa Giêsu (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2853).

 

2-         Sự dữ về luân lý thì gây ra khổ đau, một thứ khổ đau đặc biệt được Cựu Ước trình bày cho thấy như là một hình phạt dính liền với việc phản nghịch lề luật Thiên Chúa. Ngoài ra, Sách Thánh còn cho thấy rằng, sau khi sa ngã phạm tội, người ta vẫn có thể xin Chúa xót thương, tức là xin Ngài thứ tha cho lỗi lầm và chấm dứt khổ đau do tội lỗi gây ra. Việc thành tâm trở về cùng Chúa và việc giải cứu cho khỏi sự dữ là hai khía cạnh của một tiến trình. Bởi thế mà, chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia thôi thúc dân chúng: “Những đứa con cái bất trung ơi, các ngươi hãy quay đầu trở lại, thì Ta sẽ chữa lành tính bất trung của các ngươi” (Jer.3:22). Cuốn Ai Ca đã cho thấy viễn ảnh trở về cùng Chúa (x.5:21) và cảm nghiệm được tình Ngài xót thương: “Tình Chúa yêu bền vững không bao giờ ngừng; những việc Ngài xót thương không bao giờ cùng; sáng nào cũng mới mẻ; lòng Ngài thủy chung cao vời” (3:22, x.v.32). 

 

Tất cả lịch sử của dân Yến-Duyên được thuật lại theo chiều hướng biện chứng: “tội lỗi, giáng phạt, thống hối – xót thương” (chẳng hạn xem Jgs.3:7-10): đó là cái nhân trung cho truyền thống của Sách Nhị Luật. Thật vậy, việc vương quốc và thành Gialiêm thua bại theo lịch sử được hiểu là do Thiên Chúa trừng phạt, vì dân Yến Duyên đã bất trung thành với Giao Ước của Ngài.

 

3-         Trong Thánh Kinh, những lời dân chúng than van kêu lên Thiên Chúa, khi họ trở thành nạn nhân của khổ đau, đều được đi kèm theo với việc họ nhận biết mình đã lỗi lầm vấp phạm, cũng như được kèm theo lòng tin tưởng rằng Ngài sẽ ra tay cứu thoát họ. Việc thú nhận tội lỗi là một trong những yếu tố làm dậy lên lòng tin tưởng ấy. Bởi thế, mới thấy rõ ràng có một số câu thánh vịnh đã diễn tả một cách hùng hồn việc con người thú nhận tội lỗi và ăn năn thống hối vì lầm lỗi của mình (x.Ps.38:18;41:4). Việc nhận lỗi, như đoạn Thánh Vịnh 51 khéo diễn tả, là điều kiện cần có để bắt đầu làm lại cuộc sống. Việc thú tội của con người cho thấy những phản ứng nơi đức công chính của Thiên Chúa: “Tôi đã lỗi phạm đến Ngài, đến một mình Ngài, và tôi đã làm điều gian ác trước nhan Ngài, do đó, Ngài có lý để mà kết tội và không trách được việc Ngài phán quyết” (câu 4). Qua những câu Thánh Vịnh, chúng ta sẽ tiếp tục thấy được lời nguyện xin ơn trợ giúp và thấy được lòng trông mong tin tưởng nơi việc dân Yến Duyên được giải thoát (x.Ps.88:130). Trên cây Thánh Giá, chính Chúa Giêsu cũng đã cầu nguyện, bằng những lời của Thánh Vịnh 22, để xin Cha hãy ưu ái can thiệp vào giây phút cuối cùng của Người.

 

4-         Thưa cùng Cha những lời này, Chúa Giêsu đã góp tiếng nói lên lòng trông mong được giải thoát khỏi sự dữ, một giải thoát, theo quan điểm kinh thánh, chỉ xẩy ra nơi người chấp nhận khổ đau cùng với giá trị đền bù tội lỗi của khổ đau: đó là trường hợp xẩy ra cho hình bóng của một Người Tôi Tớ Chúa trong Sách Tiên Tri Isaia (42:1-9, 49:1-6, 50:4-9, 52:13-53:12). Những hình ảnh khác cũng thể hiện vai trò này, như vị tiên tri chịu khổ để đền bù lại các lầm lỗi của dân Yến-Duyên (x.Ez.4:4-5), nhân vật bị họ đâm thâu, họ hướng mắt về (x.Zec.12:10-11; Jn.19:37; x.Rev.1:7), như những vị tử đạo chấp nhận khổ đau để đền bù tội lỗi của dân mình (x.2Mc.7:37-38).

            Chúa Giêsu là tổng hợp của tất cả những hình ảnh này và đã tái diễn giải những hình ảnh ấy. Chỉ ở nơi Người và nhờ Người, chúng ta mới nhận ra sự dữ và kêu xin Cha cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.

            Kinh Lạy Cha cho thấy rõ ràng việc ám chỉ về sự dữ; ở đây, chữ ponerós (Mt.6:13), tự mình ở dưới dạng của một tĩnh từ, có thể cho thấy việc nhân cách hóa sự dữ. Trên thế gian, sự dữ được khơi lên bởi một hữu thể thiêng liêng, theo mạc khải kinh thánh, được gọi là ma qủi hay Satan, kẻ tự lên mặt chống lại Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2851 và các số sau đó). “Sự dữ” của loài người do Tên Gian Ác tạo nên hay do hắn tiêm nhiễm vào, cũng được hiện lên trong thời đại của chúng ta, bằng một hình thức hấp dẫn lôi kéo tâm trí con người, khiến cho con người mất đi chính cảm quan về sự dữ cũng như về tội lỗi. Đó là vấn đề của “mầu nhiệm sự dữ” Thánh Phaolô nói đến (x.2Thes.2:7). Mầu nhiệm sự dữ này chắc chắn có dính dáng đến tự do của con người, “song sâu xa trong bản thể của con người, có những yếu tố tác động vượt ra ngoài lãnh vực thuần nhân, ở ngay biên giới lương tri, ý muốn và cảm quan của con người giao tiếp với những mãnh lực tăm tối, theo Thánh Phaolô, những mãnh lực đang hoạt động trong thế giới và hầu như làm chủ thế giới này” (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia, đoạn 14).

            Bất hạnh thay, con người lại có thể trở thành tay sai cho sự dữ, tức là, trở thành “giòng dõi gian ác và ngoại tình” (Mt.12:39).

 

5-         Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan một lần vĩnh viễn, nhờ đó, khiến cho chúng ta không còn phải sợ hắn nữa. Đối với mọi thế hệ, Giáo Hội, như Thánh Phêrô đã thực hiện trong cuộc diễn từ của ngài với Cornêliô, là tiêu biểu cho hình ảnh giải thoát của Chúa Giêsu Nazarét, Đấng “đã đi đây đó ra tay làm lành và chữa lành tất cả những gì bị ma qủi đè nén áp bức, vì Thiên Chúa ở cùng Người” (Acts 10:38).

Nếu ma qủi đã bị thảm bại bởi Chúa Giêsu, thì việc Chúa chiến thắng phải được mỗi người chúng ta chấp nhận, cho đến khi sự dữ hoàn toàn bị loại trừ. Thế nên, cuộc đối chọi chống lại sự dữ đòi chúng ta phải cương quyết và luôn tinh khôn. Việc giải thoát cuối cùng cho khỏi sự dữ chỉ có thể được nhìn theo quan điểm cánh chung này mà thôi (x.Rev.21:4).

Những lời an ủi của Chúa Kitô sau đây vững bền hơn và trên các nỗ lực, thậm chí hơn và trên cả thua bại của chúng ta: “Trên thế gian các con sẽ chịu khốn khó, nhưng hãy tin tưởng, Thày đã thắng thế gian” (Jn.16:33). 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 25/8/1999, trang 7,

cùng một số báo với bài giáo lý tuần vừa rồi)