Bài 65: (Thứ Tư ngày 25-8-1999)
Tội lỗi cá nhân dội lại trên xã hội
Đ
ể tiếp tục việc chúng ta suy tư về vấn đề cải thiện đời sống, một việc được bảo trì bằng niềm tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha, hôm nay, chúng ta sẽ tập trung suy tư về ý nghĩa của tội lỗi, cả ở phương diện cá nhân lẫn xã hội.
Trước hết chúng ta hãy nhìn đến thái độ của Chúa Giêsu, vì Người đến để cứu con người khỏi tội lỗi và khỏi bị Satan kiềm chế.
Tân Ước đã nhấn mạnh thật nhiều đến quyền bính của Chúa Giêsu trên ma qủi, thành phần Người đã trừ khử “bằng ngón tay Thiên Chúa” (Lk.11:20). Theo quan điểm Phúc Âm, việc giải cứu những người khỏi bị ma qủi ám (x.Mk.5:1-20) có một ý nghĩa rộng hơn ý nghĩa chữa lành thuần túy về thể lý, ở chỗ, coi bệnh hoạn về phần xác có liên quan đến bệnh hoạn về tâm hồn. Bệnh hoạn được Chúa Giêsu chữa lành, theo căn nguyên của nó, đó là chứng bệnh tội lỗi. Chính Chúa Giêsu đã cắt nghĩa điều này khi Người chữa lành cho người bất toại: “’Để qúi vị biết rằng Con Người có quyền tha tội trên trái đất’ - Người nói cùng người bất toại - ‘Tôi truyền cho anh hãy đứng lên vác chõng mà về’” (Mk.2:10-11). Ngay cả trước khi ra tay chữa trị bệnh nạn tật nguyền, Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi rồi, bằng việc Người chế ngự “các chước cám dỗ” do ma qủi gợi lên cho Người, trong thời gian Người ở trong hoang địa sau khi đã lãnh nhận phép rửa của Gioan (x.Mk.1:12-13; Mt.4:1-14; Lk.4:1-13). Để chiến đấu với tội lỗi hằng cám dỗ trong chúng ta và chung quanh chúng ta, chúng ta phải theo chân Chúa Giêsu, và phải học lấy cảm thức “xin vâng” liên lỉ của Người đối với ý định yêu thương của Chúa Cha. Tiếng “xin vâng” này đòi chúng ta phải hoàn toàn dấn thân, song chúng ta sẽ không thể nào thưa được như vậy, nếu không có sự trợ giúp của ân sủng, do chính Chúa Giêsu lập được cho chúng ta nhờ việc cứu chuộc của Ngươêi.
2- Giờ đây, nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta phải công nhận rằng có một sa sút đáng kể trong ý thức về tội lỗi. Vì tình trạng đầy những dửng dưng đối với đạo nghĩa, hay tình trạng phủ nhận tất cả những gì được lý trí chân chính và Mạc Khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, mới có nhiều người nam nữ thiếu hụt cảm quan về Giao Ước của Thiên Chúa, cũng như về các giới luật của Ngài. Tất cả cảm quan của con người về trách nhiệm thường bị lu mờ bởi việc con người đòi phải được quyền tự do tuyệt đối, một quyền tự do cho rằng mình bị Thiên Chúa là nhà lập luật tối cao đe dọa và dung hòa.
Tình trạng thê thảm hiện nay, một tình trạng cho thấy đã bỏ đi một số những giá trị luân lý trọng yếu, phần nhiều là do việc mất đi cảm quan tội lỗi. Sự kiện này làm cho chúng ta nhận thấy khoảng cách khổng lồ cần phải được lấp đầy bằng việc truyền bá phúc âm hiện đại. Lương tri con người phải lấy lại cảm quan về Thiên Chúa, về tình thương của Ngài, về các ân ban nhưng không của Ngài, để có thể nhận ra cái nặng nề của tội lỗi, là những gì khiến con người chống lại Đấng Hóa Công của mình. Niềm tự do cá nhân cần phải được nhìn nhận và bảo vệ như một tặng ân qúi báu của Thiên Chúa, bằng cách chống lại khuynh hướng làm cho nó mất đi theo các cấu trúc của hoàn cảnh xã hội, hay hất nó ra khỏi cái qui chiếu bất khả xa cách đối với Đấng Hóa Công.
3- Tội lỗi do cá nhân gây ra thật sự cũng bị ảnh hưởng bởi xã hội nữa. Trong khi tội nhân xúc phạm đến Thiên Chúa và hại đến bản thân mình, họ cũng phải chịu trách nhiệm về gương mù cùng những ảnh hưởng xấu do bởi hành vi cử chỉ của họ gây ra. Cho dù họ có phạm tội ở trong lòng đi nữa, nó vẫn gây ra tệ hại cho thân phận con người, và làm suy yếu đi việc đóng góp, mà mọi người được kêu gọi thực hiện, cho việc tiến bộ về tinh thần của cộng đồng nhân loại.
Ngoài ra, tội lỗi của cá nhân còn làm vững mạnh thêm các hình thức tội lỗi xã hội nữa, thứ tội lỗi thực ra cũng là thành qủa chồng chất từ nhiều tội lỗi riêng tư. Dĩ nhiên, trách nhiệm thực sự là ở nơi cá nhân, miễn là cơ cấu xã hội không phải là chủ thể của các tác động về luân lý. Tông Huấn Hậu Cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Reconciliatio et Paenitentia nhắc nhở là: “Khi Giáo Hội nói về các trường hợp tội lỗi, hay khi Giáo Hội lên án một số trường hợp hay tác hành chung của một số nhóm xã hội nào đó, lớn hay nhỏ, thậm chí cả một quốc gia hay phe nhóm trong nước, như là thứ tội lỗi thuộc về xã hội, thì Giáo Hội nhìn nhận và công bố rằng, những trường hợp tội lỗi thuộc về xã hội này là thành qủa chồng chất và kết tụ từ nhiều tội lỗi tư riêng… Bởi thế, trách nhiệm thực sự là ở nơi cá nhân” (đoạn 6).
Tuy nhiên, còn một sự kiện không thể chối cãi, như Tôi thường vạch ra, đó là những cơ cấu tội lỗi trong thế giới hôm nay, xẩy ra là bởi mối liên thuộc về các cơ cấu xã hội, kinh tếù và chính trị (x. Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, đoạn 36; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1869). Sự dữ đẩy mạnh quyền lực thu hút khiếp đảm của nó đã khiến cho nhiều mẫu thức tác hành được con người coi là “bình thường” và “bất khả tránh”. Thế rồi, sự dữ được đà phát triển, bằng việc tàn phá các ảnh hưởng của lương tâm, một lương tâm bị hỏa mù, thậm chí không thể nhận thức được nữa. Bởi vậy mà, người ta có nghĩ đến những cơ cấu tội lỗi, những gì làm ngăn trở tình trạng tiến triển của những người bất lợi nhất theo quan điểm kinh tế và chính trị (x. Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, đoạn 37), hầu như họ sẽ phải đầu hàng trước sự dữ luân lý mà họ cho là bất khả tránh. Thế nên, nhiều người cảm thấy mình bất lực và bối rối trước một tình trạng ngoài sức tưởng tượng làm cho họ có vẻ bị bó tay. Thế nhưng, việc loan báo Chúa Kitô chiến thắng sự dữ đã khiến chúng ta tin tưởng rằng, “những cơ cấu sự lành” (x.Ibid. đoạn 39) vẫn có thể chế ngự và thay thế những cơ cấu sự dữ vững chắc nhất.
4- Truyền bá phúc âm tân thời là việc phải đương đầu với cuộc thách đố này. Nó phải thực hiện làm sao để bảo đảm việc người ta lấy lại được nhận thức rằng, nơi Chúa Kitô, sự dữ có thể bị sự thiện chiến thắng. Người ta phải được dạy cho biết nhận thức trách nhiệm cá nhân, một trách nhiệm có liên hệ mất thiết với những đòi hỏi về luân lý cũng như với ý thức về tội lỗi. Con đường cải thiện đời sống bao gồm cả việc loại trừ đi tất cả những gì là đồng lõa với những cơ cấu tội lỗi mà, nhất là hôm nay đây, ảnh hưởng đến con người qua những liên hệ phức tạp khác nhau trong cuộc sống.
Cuộc Mừng Kỷ Niệm Năm 2000 cho cá nhân và cộng đồng một cơ hội thuận lợi để tiến theo đường hướng ấy, bằng việc phát động một “metanoia”, tức là phát động một cuộc đổi thay về tâm thức, một cuộc đổi thay sẽ giúp tạo nên những cơ cấu chính trực và nhân bản hơn cho lợi lộc của ích chung.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 1/9/1999)