Bài 66: (Thứ Tư ngày 1-9-1999) 

Giáo Hội xin tha tội lỗi cho các phần thể của mình 

 

 

“C

húc tụng Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của cha ông chúng tôi… Vì chúng tôi đã lỗi phạm và vi phạm bởi xa lìa Ngài, chúng tôi đã làm mọi điều gian ác. Chúng tôi đã không nghe theo và tuân giữ các giới luật của Ngài” (Dn.3:26,29-30). Đó là cách thức những người Do Thái cầu nguyện sau thời gian Lưu Đầy (cũng xem Bar. 2:11-13), khi chấp nhận trách nhiệm lỗi lầm do cha ông của họ vấp phạm. Bắt chước gương của họ, Giáo Hội cũng xin thứ tha cho các tội lỗi của con cái mình trong giòng lịch sử.

Thật vậy, trong thế kỷ của chúng ta đây, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thúc đẩy mạnh việc Giáo Hội canh tân, để, như một cộng đồng của thành phần được cứu độ, Giáo Hội càng ngày càng trở nên một hình ảnh sống động hơn bao giờ hết của sứ điệp Chúa Giêsu gửi cho thế giới. Trung thành với giáo huấn của Công Đồng Chung gần đây nhất, Giáo Hội càng ngày càng nhận ra rằng, Giáo Hội chỉ có thể cống hiến cho thế giới một chứng từ trước sau như một về Chúa, bằng việc liên tục thanh tẩy các phần thể của mình mà thôi. Thế nên, “vừa thánh hảo lại luôn cần thanh tẩy, (Giáo Hội) hằng đi theo đường lối thống hối và canh tân” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 8).

 

2-         Nhận thức thấy những hàm chứa tội lỗi nơi cộng đồng của mình, Giáo Hội cảm thấy được thôi thúc để ngỏ ý xin thứ tha cho các tội lỗi do con cái mình gây ra trong giòng “lịch sử”. Giáo Hội được đánh động để làm điều này vào dịp cao qúi Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000, một dịp tiện, theo giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, để lật sang một trang sử mới, bằng việc thắng vượt các chướng ngại còn đang phân rẽ con người nói chung và Kitô hữu nói riêng.

Bởi thế, trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Tôi ngỏ ý xin rằng, ở vào thời điểm kết thúc ngàn năm thứ hai này, “Giáo Hội phải ý thức hơn về lỗi lầm của con cái mình, bằng cách nhớ lại tất cả những lúc trong giòng lịch sử họ đã xa lìa tinh thần của Chúa Kitô cũng như lìa xa Phúc Âm của Người, và thay vì hiến cho thế giới chứng từ của một đời sống được thúc đẩy bởi những giá trị đức tin, thì lại tìm thỏa mãn bằng những cách suy tư, cũng như bằng những tác hành, có tính cách thực sự phản chứng tá và gây ra gương mù” (đoạn 33).

 

3-         Việc nhận thức các tội lỗi trong giòng lịch sử cần phải nắm vững được các biến cố thực sự xẩy ra, và là các biến cố mà chỉ có việc bình tĩnh và hoàn toàn tái tạo lịch sử mới có thể cho thấy rõ ràng thôi. Ngoài ra, việc luận xét các biến cố lịch sử không thể được suy đoán căn cứ vào việc tìm hiểu sự thực về hoàn cảnh gây ra bởi các tương quan văn hóa riêng tư nào đó, trước khi qui trách nhiệm luân lý cho các cá nhân.

Giáo Hội chắc chắn không sợ sự thật do lịch sử chứng tỏ, và sẵn sàng công nhận bất cứ lỗi lầm nào thấy được, nhất là những lỗi lầm liên quan đến việc tôn trọng phải có đối với các cá nhân và các cộng đồng. Giáo Hội không chấp nhận thái độ vơ đũa cả nắm trong việc tố cáo hay lên án những giai đoạn lịch sử khác nhau. Giáo Hội tin tưởng trao phó việc tra cứu quá khứ cho sự tái kiến tạo nhẫn nại, chân thành và thức giả, một sự tái kiến tạo không bị thành kiến về niềm tin hay ý hệ, liên quan đến cả việc tố cáo Giáo Hội cùng với những sai lầm Giáo Hội phải chịu.

Khi chúng được xác định bởi việc tìm hiểu lịch sử nghiêm chỉnh, Giáo Hội cảm thấy có nhiệm vụ phải công nhận các lỗi lầm nơi phần thể của mình, và xin Thiên Chúa cũng như anh chị em của mình thứ tha cho những lỗi lầm ấy. Việc xin tha thứ này không được cho là một việc làm bởi lòng khiêm nhượng giả tạo, hay như là việc chối bỏ hai ngàn năm lịch sử của mình, một lịch sử không thể chối cãi là đã xứng đáng làm phong phú  những lãnh vực bác ái, văn hóa và thánh đức. Song Giáo Hội chỉ đáp lại những đòi hỏi cần thiết về sự thật mà, dù có những khía cạnh tích cực, cũng cho thấy cả những hạn hẹp và yếu đuối ở nơi các thế hệ thành phần môn đệ của Giáo Hội.

 

4-         Việc tiến đến cuộc Mừng Kỷ Niệm Năm 2000 kêu gọi chúng ta chú ý đến một số kiểu cách tội lỗi, trong quá khứ cũng như hiện tại, mà chúng ta đặc biệt cần đến lòng thương xót của Chúa Cha.

Trước hết, Tôi đang nghĩ đến thực tại phân rẽ đau lòng giữa các người Kitô hữu với nhau. Những vết thương trong quá khư, chắc chắn gây ra là do lỗi lầm của cả đôi bên, vẫn tiếp tục làm gương mù cho thế giới. Tác động thống hối thứ hai liên quan đến thái độ chiều theo việc chấp nhận, thậm chí chiều theo việc sử dụng bạo lực trong hành động bảo vệ sự thật (x. Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 35). Nhiều người bấy giờ đã hành động theo thiện ý, tuy nhiên, chắc chắn phúc âm không dạy là cần phải dùng sức mạnh để áp đặt chân lý. Bởi thế nhiều Kitô hữu mới không đủ nhận thức trong những trường hợp vi phạm đến quyền lợi căn bản của con người. Việc xin thứ tha áp dụng cho bất cứ những gì cần phải được thực hiện hay ầm thầm đã để qua đi, gây ra bởi tính yếu đuối hay phán đoán tệ hại, cũng như cho bất cứ những gì đã làm hay đã nói một cách không dứt khoát hoặc không thích đáng.

Về điểm này hay những điểm khác, “việc xét đến những căn cớ để làm cho sự việc nhẹ hơn đi nữa, Giáo Hội cũng thể nào miễn trừ cho mình việc cần phải tỏ ra niềm tiếc xót sâu xa đối với những yếu đuối nơi rất nhiều con cái nam nữ của mình, những yếu đuối đã làm ám muội đi dung nhan Giáo Hội, khiến Giáo Hội không hoàn toàn phản chiếu hình ảnh của một vị Chúa tử giá, là mẫu chứng siêu việt cho một tình yêu nhẫn nhịn và cho một một đức hiền lành khiêm hạ” (ibid. đoạn 35).

Bởi thế, thái độ thống hối của Giáo Hội trong thời của chúng ta đây, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, không phải là một thái độ duyệt xét lại lịch sử thuận lợi, một thái độ dầu sao cũng bị cho là vô dụng. Thật ra, Giáo Hội hướng mắt về quá khứ, và về việc nhận thức lỗi lầm của mình, để lấy kinh nghiệm cho một chứng từ sáng tỏ hơn trong tương lai.  

 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 8/9/1999)