Bài 67: (Thứ Tư ngày 8-9-1999) 

Chúa Giêsu tỏ cho thấy
Dung Nhan Nhân hậu của Chúa Cha

 

Đ

ể tiếp tục suy tư về ý nghĩa hoán cải, hôm nay chúng ta cũng sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của ơn thứ tha tội lỗi, một ơn do Chúa Kitô ban cho chúng ta qua việc Giáo Hội làm trung gian hòa giải bằng bí tích.

Trước hết, chúng ta xét đến sứ điệp của thánh kinh về việc Thiên Chúa thứ tha tội lỗi: tức là sứ điệp được khai triển rộng rãi trong Cựu Ước và tiến đến mức độ trọn vẹn nơi Tân Ước. Giáo Hội đã đưa điều khoản thuộc về đức tin của mình này vào chính Kinh Tin Kính, là kinh Giáo Hội thực sự tuyên xưng có ơn tha tội: Credo in remissionem peccatorum.

 

2-         Cựu Ước nói với chúng ta về việc thứ tha tội lỗi bằng nhiều cách khác nhau. Về khía cạnh này, chúng ta thấy có một số từ ngữ như: tội lỗi được “thứ tha”, được “tẩy xóa” (Ex.32:32), được “luyện lọc” (Is.6:7), bị “quăng ra sau lưng” (Is.38:17). Chẳng hạn, Thánh Vịnh 103 viết “Đấng tha thứ hết mọi lỗi tội của ngươi, Đấng chữa lành hết mọi bệnh nạn của ngươi” (câu 3). “Ngài là Đấng không đối xử với chúng tôi theo lỗi tội của chúng tôi, và không trả đũa theo lầm lỗi của chúng tôi… Như người cha xót thương con cái mình thế nào, Chúa cũng xót thương những kẻ kính sợ Ngài như vậy” (các câu 10, 13).

            Việc Thiên Chúa tự tình thứ tha tội lỗi cũng không làm giảm bớt trách nhiệm và nhu cầu cần hoán cải của con người. Tuy nhiên, như tiên tri Êzêkiên nhấn mạnh, nếu kẻ gian ác bỏ những hành vi sai trái của mình thì tội lỗi của họ sẽ không còn được nhớ đến nữa, và họ sẽ được sống” (cf. Ez. 18, nhất là các câu 19-22).

 

3-         Trong Tân Ước, việc Thiên Chúa thứ tha được mạc khải qua lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã tỏ dung nhan nhân hậu của Cha ra lúc Người tha thứ tội lỗi. Khi chống lại một vài khuynh hướng đạo nghĩa có tính cách ngặt nghèo một cách giả hình đối với tội nhân, Người đã tỏ ra, trong một số trường hợp, tình thương xót của Cha cao cả và sâu xa là dường nào đối với tất cả mọi con cái của Ngài (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1443).

            Cao điểm của mạc khải này có thể được thấy nơi dụ ngôn tuyệt vời thường được gọi là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, mà thật ra phải gọi là dụ ngôn “người cha thương xót” (Lk.15:11-32) mới đúng. Trong dụ ngôn này, thái độ của Thiên Chúa được trình bày cho thấy thực sự vượt ngoài sức tưởng tượng, so với tiêu chuẩn và ước vọng của loài người. Hành động của người cha trong dụ ngôn có thể hiểu trọn vẹn theo nguyên gốc của nó, nếu chúng ta để ý đến mối tương quan xã hội vào thời của Chúa Giêsu, đó là vấn đề con cái làm việc ở nhà cha mẹ mình là chuyện bình thường, như hai người con trai của một ông chủ vườn nho được Người nói đến trong một dụ ngôn khác (x.Mt.21:28-31). Lề lối này tiếp tục cho tới khi người cha qua đời, và chỉ đến lúc ấy con cái mới chia gia tài sự nghiệp họ được thừa hưởng mà thôi. Thế nhưng, trong trường hợp chúng ta đang xét đến đây, người cha lại đồng ý chia cho người con thứ phần gia tài nó được thừa hưởng, và đem phân chia gia tài của mình cho nó cũng như cho người anh của nó (x.Lk.15:12).

 

4-         Việc người con thứ quyết định thoát ly gia đình, phung phá các của cải được cha chia cho vào cuộc sống buông thả (x.ibid.15:13), là một việc ruồng bỏ mối hiệp thông gia đình một cách vô liêm sỉ. Việc lìa bỏ nhà cha của mình rõ ràng cho thấy tội lỗi mang một ý nghĩa như là một hành động phản loạn vô ơn bất hiếu chất chứa những hậu quả đau thương nơi con người. Theo lý luận tự nhiên loài người, một cách nào đó được thể hiện nơi nỗi bất mãn của người anh, thì nên có một sự trừng phạt nghiêm thẳng xác đáng đối với việc đứa con thứ quyết định thoát ly gia đình, trước khi nó được hoàn toàn tái hợp với gia đình.

            Thế nhưng, người cha, vừa thấy bóng nó xa xa đã hết sức cảm kích (hay nói đúng hơn, “động lòng thương”, theo nguyên văn của bản Hy Lạp ở câu 20) chạy đến gặp nó, âu yếm ôm chầm lấy nó và muốn mọi người cùng với mình ăn mừng nữa.

            Tình thương của người cha thậm chí còn tỏ lộ đến độ ông đã nhẹ nhàng trách móc người anh trong việc ông anh này đòi hỏi quyền lợi của mình (x.ibid.15:29f), và mời hắn đến chung vui tiệc mừng. Vấn đề pháp lý thuần túy đã bị tình yêu bao dung và nhưng không của người cha át đi, một tình yêu vượt tầm mức chính trực theo phương diện loài người và mời gọi cả hai anh em hãy ngồi lại với nhau nơi cùng một bàn tiệc của người cha.

            Thứ tha chẳng những hệ tại việc nhận lại đứa con đã bỏ nhà đi trở về sống chung dưới một mái nhà mẹ cha, mà còn hệ tại việc vui mừng đón nhận nó được tái hiệp thông với gia đình, được chết đi sống lại. Đó là lý do tại sao “cần phải vui mừng và hoan hỉ” (ibid. 15:32).

            Người Cha nhân hậu ôm ấp đứa con hoang đàng này nhất định là hình ảnh Thiên Chúa được Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta thấy. Trước hết và trên hết, Ngài là Cha. Chính Thiên Chúa Cha là Đấng đã giang đôi cánh tay ra ban phúc và thứ tha, hằng đợi chờ, song không bao giờ ép buộc, bất cứ đứa con nào của mình. Đôi bàn tay của Ngài nâng đỡ, nắm chặt, truyền sức, và đồng thời, an ủi, vổ về và âu yếm. Đó là đôi bàn tay của cả người cha lẫn người mẹ.

            Người cha nhân hậu trong dụ ngôn này có và có hơn tất cả những đặc tính của người làm cha làm mẹ. Trong việc nhào đến ôm lấy cổ đứa con trai của mình, ông giống như một người mẹ âu yếm đứa con trai của bà và mến thương quấn quít lấy nó. Theo ý nghĩa của mạc khải về dung nhan và tấm lòng của Thiên Chúa là Cha này, chúng ta mới hiểu được lời Chúa Giêsu nói rất trái ngược với lý luận của loài người: “Trên trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn trở lại hơn là 99 người công chính không cần thống hối” (ibid. 15:7). Và: “Một tội nhân ăn năn hối cải thì làm cho các triều thần của Thiên Chúa vui mừng” (ibid.15:10). 

5-         Mầu nhiệm “trở về với gia đình” nói lên một cách tuyệt vời việc gặp gỡ giữa Chúa Cha và nhân loại, giữa tình thương và cùng khốn, trong một tình yêu bao gồm chẳng những chạm đến chính đứa con bị thất lạc mà còn vươn đến tất cả mọi người nữa.

            Lời người cha mời gọi đứa con lớn đến chung dự tiệc mừng có ý nói đến huấn dụ của Cha trên trời kêu gọi tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại cũng hãy tỏ ra nhân từ xót thương nữa.

            Cảm nghiệm thấy việc Thiên Chúa làm cha cũng bao hàm cả việc chấp nhận “tình huynh đệ”, chỉ vì Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, là Cha ngay cả của những người anh chị em lầm lạc của chúng ta nữa.

            Kể lại dụ ngôn này, Chúa Giêsu chẳng những nói về Chúa Cha, mà còn cho chúng ta thấy được những cảm tình riêng của Người. Đối với các người Pharisiêu và luật sĩ, thành phần tố cáo người là tiếp nhận đám tội nhân và ăn uống chung với thứ người này (x.ibid.15:2), Người cho thấy rằng, Người để ý đến các tội nhân và giới thu thuế, thành phần tin tưởng đến với Người (x.ibid.15:1), bởi đó, Người tỏ ra là Người được sai đến để biểu lộ tình thương xót của Chúa Cha. Tình thương này đã sáng ngời đặc biệt trên đồi Golgôta, qua hy tế Chúa Kitô hiến dâng để xin ơn thứ tha tội lỗi (x.Mt.26:28). 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 15/9/1999