Bài 68: (Thứ Tư ngày 15-9-1999)
Thống hối là gặp gỡ Người Cha thương xót
C
uộc hành trình về cùng Cha, như được phác họa để đặc biệt suy tư trong năm dọn mừng Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng này, cũng bao hàm cả việc tái nhận thức về ý nghĩa sâu xa của bí tích Thống Hối như là một một gặp gỡ với Đấng thứ tha cho chúng ta trong Thần Linh nhờ Chúa Kitô (cf. Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio Adveniente, đoạn 50). Có những lý do khác nhau cho thấy tại sao trong Giáo Hội chúng ta rất cần phải thực hiện một việc suy tư nghiêm chỉnh về bí tích này. Trước hết, nó được mời gọi bởi sứ điệp yêu thương của Chúa Cha, một sứ điệp căn bản cho đời sống và tác hành Kitô giáo liên quan đế xã hội hiện đại, một xã hội thường bị mờ mịt mất cái nhãn quan đạo lý về đời sống con người. Nếu nhiều người đã mất đi quan niệm về lành dữ, thì chính là bởi vì họ đã bị mất đi cái cảm quan về Thiên Chúa, cắt nghĩa tội lỗi theo quan điểm về tâm lý hay xã hội mà thôi. Sau nữa, công việc mục vụ cần phải thực hiện một đà tiến mới cho hành trình đức tin, một đà tiến chú trọng đến giá trị về tinh thần cũng như về việc thực hành lòng thống hối cho suốt cuộc đời sống Kitô hữu.
2- Theo thánh kinh thì chiều kích “thống hối” này được coi như là một quyết tâm thống hối liên tục. Thực hiện việc thống hối được cho là một cuộc biến đổi lương tâm theo ơn của Chúa. Nhất là theo Tân Ước, việc hoán cải cần phải có như là một chọn lựa trọng yếu của những ai nghe rao giảng về nước Chúa: “Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mk.1:15; cf. Mt.4:17). Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình bằng những lời ấy, loan báo việc thời gian đã nên trọn và việc nước trời trị đến. “Hãy thống hối” (tức metanoeite theo Hy ngữ) là một lời mời hãy gọi thay đổi đường lối suy nghĩ và hành động của mình.
3- Lời mời gọi hoán cải này làm nên tất cả những gì trọng yếu trong việc rao giảng của các vị Tông Đồ sau ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lời mời gọi ấy cho thấy trọn vẹn nội dung của sứ điệp: nó không còn là một thứ “vương quốc” trông trống vậy thôi, mà là chính công việc của Chúa Giêsu làm nên một phần của dự án thần linh đã được các tiên tri loan báo từ trước. Việc loan báo về những gì đã xẩy ra nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã chết đi, sống lại và hiện sống trong vinh quang của Chúa Cha, được tiếp nối bằng lời mời gọi tha thiết hãy “hoán cải”, là việc liên quan đến cả ơn thứ tha tội lỗi. Tất cả những điều này đã được chứa đựng rõ ràng trong bài diễn từ của Thánh Phêrô ở ngọ môn Solomon: “Những gì Thiên Chúa đã báo trước qua miệng hết mọi tiên tri, tức là Đức Kitô của Ngài phải chịu đau khổ, thì Ngài đã làm trọn. Bởi vậy, anh em hãy thống hối và quay đầu trở lại thì tội lỗi của anh em mới được xóa bỏ” (Acts 3:18-19).
Trong Cựu Ước, việc thứ tha tội lỗi được Thiên Chúa hứa này có liên quan đến “Tân Ước” sẽ được Ngài thực hiện với dân Ngài (x.Jer.31:31-34). Thiên Chúa sẽ viết lề luật của Ngài nơi tâm can của họ. Theo quan điểm ấy thì việc hoán cải là một đòi hỏi của Giao Ước vĩnh viễn đối với Thiên Chúa, và là một thái độ vĩnh tại nơi những ai chấp nhận nội dung của sứ điệp Phúc Âm để tham gia hoạt động lịch sử và cánh chung của vương quốc Thiên Chúa.
4- Bí tích Hòa Giải truyền đạt và hiện hữu hóa một cách nhiệm mầu những giá trị nền tảng được Lời Chúa loan báo ấy. Bí tích này đem con người trở lại với tương quan cứu độ của Giao Ước và mở lại cho họ con đường đến cùng sự sống của Chúa Ba Ngôi, tức đến cùng cuộc đối thoại ân sủng, đến cùng giòng điện yêu thương, đến cùng việc ban tặng và chấp nhận Thánh Thần Thiên Chúa.
Việc đọc kỹ lại Ordo Paenitentiae (Nghi Thức Thống Hối) trong cuộc Mừng Kỷ Niệm sẽ giúp rất nhiều trong việc chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn những yếu tố thiết yếu của bí tích này. Mức độ trưởng thành của đời sống giáo hội phần lớn lệ thuộc vào việc tái nhận thức của mình. Bí tích Hòa Giải không chỉ giới hạn trong việc cử hành theo phụng vụ, mà còn khiến chúng ta có một thái độ thống hối trong cả đời sống theo chiều hướng liên tục của cảm nghiệm Kitô hữu nữa. Nó là “một việc xích gần đến mức thánh thiện của Thiên Chúa, là việc con người tái nhận thức về căn tính thực sự của mình đã bị tội lỗi làm đảo lộn và lũng đoạn, là một cuộc giải phóng tận thẳm cung con người của mình, nhờ đó lấy lại được niềm vui đã bị mất mát, niềm vui được cứu độ, một niềm vui đa số con người trong thời đại chúng ta không còn cảm nhận được nữa” (Tông Huấn Reconciliatio et Paenetentia, đoạn 31.III)
5- Về ý nghĩa tín lý của bí tích này, Tôi xin các con xem Tông Hiến Hòa Giải và Thống Hối Reconciliatio et Paenitentia (các đoạn 28-34), Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (các số 1420-1484), cũng như các văn kiện khác của Giáo Huấn Giáo Hội. Ở đây Tôi chỉ muốn nhắc lại tính cách quan trọng của việc chăm sóc mục vụ cần thiết, để làm cho Dân Chúa thấm nhiễm được cái cảm nhận hơn nữa về bí tích này, nhờ đó, sứ điệp hòa giải, con đường hoán cải và chính việc cử hành bí tích ấy có thể làm rung động sâu xa hơn nữa tâm can của con người nam nữ trong thời đại chúng ta.
Tôi muốn đặc biệt nhắc nhở các vị mục tử là, để trở thành những cha giải tột tốt lành, chính các vị phải là những hối nhân địch thực. Các vị linh mục cũng biết rằng, các vị được trao phó cho một quyền năng từ trời, đó là quyền năng tha tội do họ ban phát “là dấu chỉ can thiệp hiệu lực của Chúa Cha” (Tông Hiến Reconciliatio et Paenitentia, đoạn 31, III), một quyền năng làm cho con người phục sinh từ trong cõi chết thiêng liêng. Bởi thế, khi thi hành một lãnh vực thiết yếu như vậy trong thừa tác vụ của mình, bằng một lòng khiêm nhượng và đơn thành theo Phúc Âm, các cha giải tội không được lơ là với việc thăng tiến và canh tân chính bản thân mình, để các vị không bao giờ bị hụt thiếu những tính chất nhân bản cũng như thiêng liêng rất cần thiết cho mối liên hệ giữa các vị với lương tâm con người.
Thế nhưng, cùng với các vị mục tử của mình, toàn thể cộng đồng Kitô hữu cũng phải cộng tác vào việc canh tân mục vụ về vấn đề Hòa Giải nữa. Điều này cần phải có do bởi “bản tính giáo hội” của chính bí tích. Cộng Đồng Hội Thánh là một vòng tay ôm giang ra đón nhận tội nhân thống hối được ơn tha thứ, thậm chí ngay trước đó nữa, còn tạo cơ hội thuận lợi cho cuộc hành trình trở về cùng Cha. Trong một cộng đồng được hòa giải và thực hiện việc giải hòa như thế, tội nhân có thể tìm lại được con đường họ đã lạc xa, cùng với việc trợ giúp của anh chị em mình. Sau hết, nhờ một cộng đồng Kitô hữu như thế, con đường sáng ngời bác ái lại hiện lên, một con đường, qua việc hành thiện, rõ ràng cho thấy lại ơn thứ tha, cho thấy sự dữ được bù đắp, cho thấy niềm hy vọng một lần nữa có thể cảm nghiệm được niềm ấp ủ xót thương của Cha.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 22/9/1999