Bài 69: (Thứ Tư ngày 22-9-1999)
Hòa Giải với Thiên Chúa và với nhau
Đ
ể tiếp tục suy nghĩ về bí tích Thống Hối, hôm nay, chúng ta hãy đi sâu vào chiều kích làm nên một trong những đặc tính thiết yếu của bí tích này, đó là việc hòa giải. Khía cạnh hòa giải này nơi bí tích hòa giải đóng vai trò như là một thứ chất hóa giải hay là một phương dược chữa trị bản chất phá hoại của tội lỗi. Khi phạm tội, con người chẳng những làm cho mình xa cách Thiên Chúa, mà còn gieo hạt giống chia rẽ nơi bản thân mình, cũng như nơi mối liên hệ với kẻ khác nữa. Bởi thế, tiến trình của việc trở về với Thiên Chúa bao hàm cả việc phục hồi tình trạng hiệp nhất đã bị tội lỗi gây nguy hại nữa.
2- Hòa giải là một tặng ân của Chúa Cha: tặng ân này chỉ có nơi một mình Ngài. Đó là lý do tại sao mới có lời kêu gọi từ trên cao: “Nhân danh Chúa Kitô, anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2Cor.5:20). Như Chúa Giêsu cắt nghĩa trong dụ ngôn người con hoang đàng (x.Lk.15:11-32), thì việc thứ tha cho con người và hòa giải con người với chính mình, đối với Ngài, đó là một việc cử hành. Trong đoạn Phúc Âm này cũng như những đoạn khác, Chúa Cha chẳng những ban tặng ơn tha thứ và hòa giải của Ngài, mà còn đồng thời cũng chứng tỏ cho con người thấy những tặng ân này là nguồn mạch vui mừng cho mọi người ra sao nữa.
Trong Tân Ước, giữa tình cha và việc cử hành niềm vui mừng hớn hở có một liên hệ quan trọng. Vương quốc của Thiên Chúa được so sánh với một cuộc lễ vui vẻ do Chúa Cha thực sự đứng ra tổ chức (x. Mt.8:11, 22:4, 26:29). Việc hoàn thành tất cả lịch sử cứu độ cũng được diễn tả bằng hình ảnh của một bữa tiệc do Thiên Chúa Cha sửa dọn cho bữa tiệc cưới của Con Chiên (x.Rev.19:6-9).
3- Việc hòa giải do Chúa Cha ban là ở nơi bản thân Chúa Kitô, Con Chiên vô tì tích được hy hiến vì tội lỗi của chúng ta (1Pt.1:19; Rev. 5:6, 12:11). Chúa Giêsu Kitô chẳng những là Nhà Hòa Giải, mà còn là chính Việc Hòa Giải nữa. Như Thánh Phaolô dạy, việc chúng ta trở nên một tạo vật mới, được Thần Linh canh tân, “bởi Thiên Chúa mà có, Đấng hòa giải chúng ta với Ngài, nhờ Chúa Kitô và trao cho chúng tôi thừa tác vụ hòa giải; tức là, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Ngài, bỏ qua các vấp phạm của họ và trao phó cho chúng tôi sứ điệp hòa giải” (2Cor.5:18-19).
Chính nhờ mầu nhiệm Thập Giá, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã làm chủ được thảm trạng chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa. Thật vậy, mầu nhiệm về tình thương vô cùng của Chúa Cha đã thấu đến những góc tối tăm nhất của lầm lỗi loài người. Nếu sẵn sàng đón nhận, chúng ta sẽ được tác động của ân sủng làm cho chúng ta nếm hưởng cái ngọt ngào của việc được hoàn toàn hòa giải.
Cái hố thẳm đớn đau và bị ruồng bỏ của Chúa Kito như thế đã trở nên một nguồn mạch yêu thương cảm thông và hòa giải. Đấng Cứu Chuộc vẽ lại con đường về cùng Cha, làm cho con người có thể được tái cảm nghiệm thấy mối liên hệ làm con cái đã bị mất đi, cùng ban cho họ sức mạnh cần thiết để họ bảo tồn được mối hiệp thông sâu xa này với Thiên Chúa.
4- Tiếc thay, ngay cả trong cuộc sống đã được cứu chuộc, con người vẫn còn cơ hội tái phạm tội lỗi, và vì thế họ cần phải luôn luôn khôn ngoan tỉnh táo. Ngoài ra, ngay sau khi được ơn tha thứ, “dấu vết tội lỗi” vẫn còn, cần phải được loại trừ và sửa trị bằng một chương trình thống hối, nhất định hành thiện hơn nữa. Điều này, trước hết, đòi hỏi phải đền bù những lầm lỗi về thể lý hay luân lý gây ra cho chung hoặc riêng. Như thế, vấn đề hoán cải trở thành một hành trình liên tục mà qui điểm và khởi điểm của nó là ở việc hòa giải theo bí tích.
Việc gặp gỡ một Chúa Kitô thứ tha làm tăng lên trong lòng chúng ta năng động của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, như Nghi Thức Thống Hối đã diễn tả như sau: “Nơi bí tích Thống Hối, Chúa Cha nhận lấy con cái hối nhân trở về cùng mình, Chúa Kitô vác con chiên lạc trên vai mang về với đàn chiên, và Chúa Thánh Thần tái thánh hóa những người là đền thờ của Thiên Chúa hay là Ngài sẽ ngự trị nơi họ trọn vẹn hơn nữa. Tất cả những điều này được thể hiện nơi việc chia sẻ nơi bàn tiệc của Chúa, được bắt đầu lại hay càng sốt sắng hơn nữa; việc con cái trở về từ xa như vậy mang lại niềm vui lớn lao nơi bàn tiệc của Giáo Hội Chúa” (đoạn 6, cũng xem cả các đoạn 5 và 19).
5- Trong công thức xá tội, “Nghi Thức Thống Hối” nói lên mối liên hệ giữa ơn tha thứ và sự bình an được Thiên Chúa Cha ban cho con người nơi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Con Ngài, cũng như nơi “thừa tác vụ Giáo Hội làm trung gian hòa giải” (Ordo Paenitentiae, đoạn 46). Trong khi bí tích biểu hiệu cho và mang lại tặng ân hòa giải, bí tích cũng nhấn mạnh đến sự kiện là việc hòa giải liên quan đến mối liên hệ của chúng ta chẳng những với Thiên Chúa là Cha mà còn với anh chị em chúng ta nữa. Hai khía cạnh này của việc hòa giải liên kết chặt chẽ với nhau. Việc Chúa Kitô hòa giải thực hiện trong Giáo Hội. Giáo Hội không thể tự mình thực hiện việc hòa giải, mà chỉ là dụng cụ sống động cho việc Chúa Kitô thứ tha mà thôi, căn cứ vào chính lệnh của Chúa (x.Jn.20:23; Mt.18:18). Việc hòa giải trong Chúa Kitô này đạt được một cách tuyệt vời khi cử hành bí tích Thống Hối. Thế nhưng, theo chiều kích cộng đồng này thì tất cả bản chất nội tại của Giáo Hội được đánh dấu bằng quyền năng ban ơn hòa giải mãi mãi.
Trong cách thức suy nghĩ về việc hòa giải, chúng ta cần phải thắng vượt một vài khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, đó là phải nghĩ rằng cả Giáo Hội cộng tác vào việc hoán cải tội nhân nữa, bằng nguyện cầu, huấn dụ, sửa lỗi trong tình huynh đệ và yêu thương nâng đỡ. Không hòa giải với anh chị em mình, tình yêu sẽ không thể hiện ở nơi con người mình. Như tội lỗi làm hư hại đến cơ phận của Thân Mình Chúa Kitô thế nào thì việc hòa giải cũng lấy lại được tình đoàn kết nơi Dân Chúa như vậy.
6- Việc thực hành thống hối cổ xưa đã nhấn mạnh đến khía cạnh cộng đồng giáo hội của việc hòa giải, nhất là ở vào lúc cuối cùng, khi vị Giám Mục xá tội để cho hối nhân được tái gia nhập vào cộng đồng. Giáo huấn của Giáo Hội và kỷ luật về việc thống hối được ban bố sau Công Đồng Chung Vaticanô II cũng khuyến giục tín hữu hãy tái nhận thức và phục hồi lại việc tôn trọng khía cạnh Hòa Giải có tính cách cộng đồng giáo hội này (x. Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 11, cũng như Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, đoạn 27), trong khi vẫn giữ nguyên tín lý về nhu cầu cần phải xưng tội theo cá nhân.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 29/9/1999