Bài 7 (Thứ Tư ngày 4-2-1998)
Chúa Giêsu đã hiến mạng
sống mình làm giá chuộc cho nhiều người
C
húa Kitô đã tỏ mình ra, nơi trọn cuộc sống trần gian của Người, như là một Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc thế giới. Chính tên “Giêsu” của Người cũng đã nói lên sứ vụ này của Người. Tên gọi này thực sự có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”.
Đây là một tên gọi Người đã được đặt cho như trời cao chỉ định: cả Mẹ Maria và thánh Giuse (Lk.1:31; Mt.1:21) đều nhận được lệnh đặt tên này cho Người. Trong sứ điệp dành cho thánh Giuse, ý nghĩa của tên gọi này còn được giải thích là: “vì Người sẽ cứu dân Người cho khỏi tội lỗi của họ”
2- Chúa Kitô đã xác định sứ vụ cúu chuộc của Người như là một việc phục vụ, một việc phục vụ sẽ được bộc lộ tuyệt vời nhất nơi việc Người hiến mạng sống mình cho nhân loại: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mk.10:45; Mt.20:28). Những lời này, được nói lên để đối lại với xu hướng nơi các tông đồ trong việc tìm kiếm chỗ nhất trong nước trời, chỉ có ý làm thức tỉnh nơi các vị một tâm thức mới, một tâm thức hợp hơn với tâm thức của Người là Thày của các vị .
Trong Sách Tiên Tri Daniel, nhân vật được diễn tả như một “nhân vật là con người” tỏ hiện đầy những hiển vinh xứng với các vị lãnh đạo được cả thế giới tôn kính: “mọi dân tộc, đất nước và ngôn ngữ sẽ phục vụ người” (Dn 7:14). Chúa Giêsu đã đối chiếu nhân vật này tương phản với Con Người, Đấng đặt mình vào vị thế phục vụ mọi người. Là một ngôi vị thần linh, Người hoàn toàn có quyền được hầu hạ. Thế nhưng, khi nói mình đã “đến để phục vụ”, Người cho thấy tính cách nghịch đảo nơi hành vi của Thiên Chúa: tức là, mặc dầu Người có quyền lợi và quyền năng làm cho mình được hầu hạ, Người cũng tự đặt mình “ở vị thế phục vụ” tạo vật của Người.
Chúa Giêsu đã nói lên ước vọng phục vụ này một cách hùng hồn và cảm kích ở Bữa Tiệc Ly, khi Người rửa chân cho các môn đệ của Người, một tàc động tiêu biểu sẽ trở thành một luật sống muôn đời lưu lại trong ký ức các môn đệ: “Các con cũng phải rửa chân cho nhau” (Jn.13:14).
3- Khi nói Con Người đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người, Chúa Giêsu ám chỉ đến lời tiên tri về Người Tôi Tớ thương đau là Đấng “hiến mình làm của lễ đền tội” (Is.53:10). Đây là một hy tế con người, hoàn toàn khác hẳn với những hy tế con vật trong việc phụng thờ xưa kia. Đó là sự sống được trao ban “như giá chuộc cho nhiều người”, tức là, cho muôn vàn con người, cho “tất cả mọi người”.
Như thế, Chúa Giêsu xuất thân như Đấng Cứu Chuộc hoàn vũ: tức là tất cả mọi người, theo ý định thần linh, được chuộc lại, được giải thoát và được cứu độ bởi Người. Thánh Phaolô nói: “Vì tất cả đã phạm tội và làm mất đi vinh hiển của Thiên Chúa, mà họ đã được công chính hóa, nhờ ơn sủng như một tặng ân của Người, do ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô” (Rm 3:24). Ơn cứu độ là một tặng ân mỗi người có thể nhận lãnh theo lòng muốn tự do và việc tự nguyện cộng tác của mình.
4- Là một Đấng Cứu Chuộc hoàn vũ, Chúa Kitô cũng là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Thánh Phêrô đã minh xác chân lý này: “Ơn cứu độ không có nơi một người nào cả, vì không có một danh hiệu nào khác dưới gầm trời này được ban cho con người để nhờ đó chúng ta được cứu độ” (Acts 4:12).
Tương tự như thế, Người cũng được tuyên xưng là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, như Thư Thứ Nhất gửi Timôthêu xác quyết: “Vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người” (1Tim.2:5-6). Là Thiên-Chúa-làm-Người, Chúa Giêsu là vị trung gian tuyệt hảo, Đấng nối kết con người với Thiên Chúa, mang lại cho họ những thiện hảo của ơn cứu độ và sự sống thần linh. Đây là một sự trung gian đặc thù, loại trừ mọi thứ trung gian tương khắc hay tương đương, mặc dù nó cũng tương hợp với những thể thức tham dự vào việc làm trung gian (x.Thông Điệp Redemptoris Missio, đoạn 5).
Như thế, bất cứ nguồn mạch hay đường lối cứu độ tự động nào khác cũng không thể nào chấp nhận được, nếu tách biệt khỏi Chúa Kitô. Bởi vậy, nơi những tôn giáo lớn, những tôn giáo được Giáo Hội tôn trọng theo tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II, Kitô hữu nhận thấy có những yếu tố cứu độ, những yếu tố dù sao cũng chịu ảnh hưởng ân sủng của Chúa Kitô. Thế nên, những tôn giáo này, nhờ tác động nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần là Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Jn.3:8), có thể trợ giúp con người trên con đường tiến đến hạnh phúc đời đời, tuy nhiên, vai trò trợ giúp này cũng là hoa trái từ hoạt động cứu độ của Chúa Kitô. Đối với các tôn giáo khác, Chúa Kitô Cứu Thế cũng nhiệm mầu hoạt động là như thế. Trong công việc này, Người liên kết mình với Giáo Hội, một Giáo Hội được hiểu là “bí tích hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất nơi toàn thể con người” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 1).
5- Tôi muốn kết thúc ở đây bằng một đoạn văn tuyệt vời trong Cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của Thánh Louis de Montfort, một đoạn văn nói lên đức tin Kitô học của Giáo Hội: “Chúa Giêsu Kitô là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cùng đích mọi sự... Người là thày dạy duy nhất mà chúng ta phải học hỏi; là Chúa duy nhất chúng ta phải lụy thuộc; là Đầu duy nhất chúng ta phải hiệp nhất và là mẫu mực duy nhất chúng ta phải bắt chước. Người là Thày Thuốc duy nhất có thể chữa lành chúng ta; là Mục Tử duy nhất có thể nuôi dưỡng chúng ta; là Đường Lối duy nhất có thể dẫn dắt chúng ta; là Sự Thật duy nhất chúng ta có thể tin tưởng; là Sự Sống duy nhất có thể làm chúng ta linh hoạt. Một mình Người là tất cả cho chúng ta và một mình Người mới có thể thỏa mãn mọi ước vọng của chúng ta... Mỗi người tín hữu không liên kết với Người thì giống như một cành nho tách lìa khỏi thân nho. Nó rụng xuống, héo tàn và chỉ đáng quăng vào lửa. Nếu chúng ta sống trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu sống trong chúng ta, chúng ta khỏi phải sợ bị trầm luân. Dù các thần trời hay ngục qủi, hay bất cứ một tạo vật nào đi nữa có thể hãm hại chúng ta, vì không một loại thụ sinh nào có thể phân cách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta có thể làm được mọi sự và qui mọi danh dự cùng vinh quang về cho Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần; chúng ta có thể trở nên hoàn hảo và trở thành hương thơm sự sống đời đời cho anh em của mình” (đoạn 61).
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 11/2/1998)