Bài 73: (Thứ Tư ngày 20-10-1999)

Tình yêu là tặng ân cao cả nhất của Thần Linh 

“N

ếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình thí đó là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương anh em mình là thành phần họ thấy được cũng không thể kính mến Thiên Chúa là Đấng họ không trông thấy. Đây là giới răn chúng tôi nhận lãnh từ Ngài, đó là ai yêu mến Thiên Chúa cũng phải yêu thương anh em mình nữa” (1Jn 4:20-21).

            Nhân đức đối thần yêu mến được chúng ta nói đến trong buổi giáo lý lần trước ấy được thể hiện qua hai chiều kích: chiều kích yêu mến Thiên Chúa và chiều kích yêu thương tha nhân. Cả hai chiều kích này đều là hoa trái phát sinh từ năng lực của sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa trong chúng ta.

            Thật vậy, tình yêu được bắt nguồn từ Chúa Cha; được hoàn toàn tỏ hiện nơi Cuộc Vượt Qua của Người Con tử giá và phục sinh, và được Chúa Thánh Thần phú bẩm trong chúng ta. Nhờ có tình yêu này, Thiên Chúa cho chúng ta được thông phần vào tình yêu của Ngài.

            Nếu chúng ta thật tình yêu thương bằng tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu thương anh chị em mình như Thiên Chúa yêu thương họ. Đó là điều mới mẻ đáng kể của Kitô giáo: người ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu họ không yêu thương anh em mình, bằng việc tạo nên mối hiệp thông yêu thương sâu xa và bền bỉ với họ.

 

2-         Giáo huấn của Thánh Kinh về vấn đề này rất rõ ràng. Những người dân Yến-Duyên đã được thúc giục yêu thương nhau: “Các người không được báo oán hay thù hằn đồng bào của mình, trái lại, các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình” (Lv 19:18). Thoạt nghe thì giới luật này có vẻ chỉ áp dụng cho các người dân Yến-Duyên mà thôi, thế nhưng, dần dần giới luật ấy càng có một ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả những người lạ sống chung với họ, vì chính dân Yến-Duyên cũng đã là người lạ ở đất Ai Cập (x. Lv 19:34; Dt 10:19).

            Trong Tân Ước, tình yêu này trở thành một mệnh lệnh có một ý nghĩa đại đồng rõ rệt: tình yêu này không nghĩ đến việc phân biệt tha nhân (x. Lk 10:29-37), thậm chí còn bao gồm cả kẻ thù mình nữa (x. Mt 5:43-47). Rất cần phải lưu ý là, tình yêu thương tha nhân được coi như là việc họa lại và là việc vươn dài thiện tính xót thương của Cha trên trời, Đấng đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi người không trừ ai (x. ibid. câu 45). Tuy nhiên, tình yêu này vẫn phải gắn liền với tình yêu Thiên Chúa: thật vậy, hai giới luật mến yêu là tổng hợp và tóm tắt lề luật và các tiên tri (x. Mt 22:40). Chỉ có những ai làm trọn hai giới luật này mới gần với vương quốc của Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong câu trả lời cho một luật sĩ đã lên tiếng hỏi Người (x. Mk 12:28-34).

 

3-         Có thấm nhập những hướng dẫn liên kết tình yêu tha nhân với tình yêu Thiên Chúa, và liên kết cả hai tình yêu này với sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta, chúng ta mới có thể dễ dàng hiểu tại sao tình yêu ấy được Tân Ước cho thấy như là hoa trái của Thần Linh, một hoa trái đầu tiên trong số nhiều tặng ban được liệt kê trong Bức Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galata: “Hoa trái của Thần Linh là yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, tốt lành, trung tín, hiền lành, tự chủ” (5:22).

            Truyền thống thần học vừa liên kết vừa phân biệt giữa các nhân đức đối thần, các tặng ân và các hoa trái của Chúa Thánh Thần với nhau (x. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, các số 1830-1832). Nếu các nhân đức là những trạng thái tồn tại nơi con người để họ thực hiện được các việc siêu nhiên cần phải làm, và nếu các tặng ân làm hoàn hảo cả các thần đức lẫn luân đức, thì các hoa trái của Thần Linh là những hành động nhân đức người ta hoàn thành một cách dễ dàng, theo thói quen và trong hoan hỉ (x. Thánh Tôma, Summa Theologiae, I-II, q. 70 a. 1, ad 2).

            Những phân biệt này không ngược lại với điều Thánh Phaolô nói có liên quan đến hoa trái Thần Linh ở số ít. Thật  vậy, Thánh Tông Đồ muốn vạch ra cho thấy rằng hoa trái thượng hạng cũng chính là đức ái thần linh, nằm ở tâm điểm của mọi hành động nhân đức. Như ánh sáng được tỏ hiện trong một loạt vô số các mầu sắc thế nào, tình yêu cũng được tỏ hiện qua muôn vàn hoa trái của Thần Linh như vậy.

 

4-         Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê đã nói về vấn đề này như sau: “Đức ái vượt hơn tất cả những điều ấy, một đức ái liên kết mọi sự lại với nhau một cách hoàn toàn hòa hợp” (3:14). Bản thánh ca yêu thương được chất chứa nơi Bức Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô (x. đoạn 13) đề cao tính cách trổi vượt của tình yêu đối với tất cả các tặng ân khác (x. các câu 1-3), thậm chí trên cả đức tin và đức cậy (x. câu 13). Thánh Tông Đồ viết: “Tình yêu không bao giờ kết thúc” (câu 8).

            Tình yêu tha nhân có cùng nhịp điệu Kitô học, vì tình yêu này phải hợp với việc Chúa Kitô hy hiến mạng sống mình: “Chúng ta nhận biết được tình yêu là ở chỗ Người đã hiến mạng sống cho chúng ta; nên chúng ta cũng phải hiến mạng sống mình cho anh em” (1Jn 3:16). Vì được đo lường bằng tình yêu của Chúa Kitô mà tình yêu được gọi là một “giới răn mới”, một giới răn cho thấy ai là người môn đệ đích thực: “Thày ban cho các con một giới răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau; như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu nhau như thế. Nhờ đó, tất cả mọi người mới nhận ra các con là môn đệ của Thày, nếu các con yêu thương nhau” (Jn 13:34-35). Ý nghĩa yêu thương tha nhân theo Kitô học sẽ được sáng tỏ vào lần đến thứ hai của Chúa Kitô. Thật vậy, vào chính lúc ấy mới thấy rằng cái cân lường dùng để phán quyết thành phần tin vào Chúa Kitô chính là việc hằng ngày họ biểu lộ tình yêu đối với anh chị em khốn khó nhất của họ: “Ta đói các ngươi đã cho ta ăn…” (x. Mt 25:31-46).

            Chỉ có những ai gắn liền với tha nhân cũng như gắn liền với các nhu cầu của họ một cách cụ thể mới chứng tỏ cho thấy tình yêu của họ đối với Chúa Giêsu. Đóng cửa lòng mình lại và lạnh lùng dửng dưng trước “kẻ khác” tức là đóng cửa lòng mình lại trước Chúa Thánh Thần, bằng cách bỏ quên Chúa Kitô và chối bỏ tình yêu đại đồng của Chúa Cha.

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 27/10/1999