Bài 74: (Thứ Tư ngày 27-10-1999)

Giáo Hội ưu ái người nghèo

 

Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh đến chiều kích đặc biệt của đức ái, một chiều kích thôi thúc chúng ta theo gương Chúa Kitô tiến đến với những người nghèo khổ nhất: “Chúa Kitô được Chúa Cha sai đến ‘để mang tin mừng cho người nghèo khổ… chữa lành tâm can sầu muộn’ (Lk 4:18), ‘để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư đi’ (Lk 19:10). Cũng thế, tình yêu của Giáo Hội thương cảm tất cả những ai bị hoạn nạn khốn khó, và nhận thấy nơi những người nghèo khổ cũng như những người sầu đau hình ảnh vị sáng lập bần cùng và thương đau của mình. Giáo Hội làm tất cả những gì trong tầm tay của mình để đáp ứng nhu cầu của họ và cố gắng phục vụ Chúa Kitô nơi họ” (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 8). Hôm nay, chúng ta hãy nhìn kỹ vào giáo huấn của Thánh Kinh về những lý do tại sao Giáo Hội ưu ái kẻ nghèo khổ.

 

2-         Trước hết, cần phải để ý là, việc đánh giá người nghèo cũng như về tình trạng của họ đạt được một mức tiến triển từ Cựu Ước đến Tân Ước. Trong Cựu Ước, chúng ta thường thấy ý nghĩ chung của con người cho rằng giầu sang thì tốt hơn nghèo khổ và cho rằng giầu sang là phần thưởng chính đáng cho người ngay thẳng cũng như cho người kính sợ Thiên Chúa: “Phúc cho người kính sợ Chúa, cho kẻ hân hoan hớn hở nơi các giới luật của Ngài… Giầu sang phú quí thuộc về nhà họ” (Ps 112:1,3). Nghèo nàn bị coi như là một hình phạt đối với những ai không tuân giữ giáo huấn khôn ngoan (x. Prv. 13:18).

            Tuy nhiên, theo một quan niệm khác, người nghèo lại là đối tượng được chú trọng đặc biệt khi họ trở thành những nạn nhân của bất công sai quấy. Những lời các tiên tri nguyền rủa để chống lại việc khai thác người nghèo đã cho thấy rõ điều đó. Tiên tri Amos (x. 2:6-15) bao gồm cả việc đàn áp người nghèo vào trong các lời lẽ ông lên án Yến-Duyên: “Họ bán kẻ công chính lấy vàng bạc và kẻ bần cùng lấy đôi giầy đi – họ là thành phần chà đạp đầu kẻ nghèo khổ cho thành bụi đất và loại trừ đi đường lối kẻ sầu đau” (ibid., các câu 6-7). Tiên tri Isaia còn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa nghèo nàn và bất công: “Khốn cho những ai truyền khiến những chỉ thị bất công và khốn cho những người mưu đồ đàn áp, loại trừ kẻ túng bấn ra khỏi đức công minh và bóc lột quyền lợi của kẻ nghèo khổ trong dân của Ta, biến người góa bụa thành đồ trộm cướp và kẻ mồ côi thành mồi ngon của mình” (10:1-2).

            Mối tương quan này còn cho thấy tại sao có nhiều khoản luật bảo vệ người nghèo và những ai yếu kém nhất trong xã hội: “Các ngươi không được làm khốn một người góa bụa hay một kẻ mồ côi nào. Nếu các ngươi thực sự làm khốn họ, và họ kêu đến Ta, Ta chắc chắn sẽ nghe lời họ” (Ex 22:22-23; x. Prv 22:22-23; Sir 4:1-10). Bảo vệ người nghèo là việc tôn kính Thiên Chúa, Cha của bần nhân. Bởi thế, lòng quảng đại đối với họ được coi là một việc làm chính đáng và là việc được khích lệ làm (Dt 15:1-11, 24:10-15; Prv 14:21, 17:5).

            Thời gian sau này cho thấy việc tiến triển suy tư về đề tài người nghèo đã có được một giá trị đạo đức. Thiên Chúa đã nói về kẻ nghèo “của mình” (x. Is 49:13), thành phần được đồng hóa với “phần còn sót lại của dân Yến-Duyên”, được tiên tri Zephania (x. 3:12) cho thấy như là một đám dân khiêm tốn và thấp hèn. Đấng Thiên Sai sau này cũng được cho thấy là Người sẽ ưu ái kẻ nghèo khổ và kẻ bị áp bức, như tiên tri Isaia đã nói trong đoạn nổi tiếng về một chồi sẽ mọc lên từ gốc Jesse: “Người sẽ phân xử người nghèo một cách công minh chính trực, và sẽ công bằng phán quyết cho kẻ hiền lành trên mặt đất” (Is 11:4).

 

3-         Đó là lý do tại sao trong Tân Ước tin mừng giải phóng được loan báo cho người nghèo, như chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh, khi áp dụng vào mình lời tiên tri của Sách Isaia: “Thần Linh Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi để tôi rao giảng tin mừng cho người nghèo khổ. Ngài đã sai tôi đi loan báo việc giải cứu cho các kẻ bị cầm tù và phục quang cho kẻ mù lòa, giải phóng cho những người bị áp bức, loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lk 4:18; x. Is 61:1-2).

            Để chiếm được “nước trời”, cần phải có một thái độ nội tâm của kẻ nghèo khó (x. Mt 5:3; Lk 6:20). Trong dụ ngôn ngày hội lớn, kẻ nghèo khó, què quặt, đui mù và khập khễnh – nghĩa là những hạng khổ đau và ở ngoài lề xã hội nhất – được mời đến dự tiệc (x. Lk 14:21). Thánh Giacôbê sau này nói rằng, Thiên Chúa đã “chọn những ai nghèo khổ trên thế gian để trở nên giầu có trong đức tin và là những kẻ được thừa hưởng nước trời Ngài đã hứa ban cho những ai yêu mến Ngài” (2:5).

 

4-         Đức nghèo khó “phúc âm” luôn luôn bao hàm lòng yêu thương cao cả đối với kẻ nghèo khổ nhất trên thế gian này. Trong năm thứ ba dọn mừng Cuộc Mừng Kỷ Niệm Trọng Thể đây, chúng ta phải tái nhận thức được Thiên Chúa là Người Cha quan phòng, Đấng thương cảm nỗi khổ đau nhân loại để đáp ứng tất cả những ai gặp khó khăn hoạn nạn. Đức ái của chúng ta cũng phải được thể hiện trong việc chia sẻ cũng như trong việc phát triển nhân bản theo chiều hướng phát triển toàn diện của mỗi một người.

            Suốt giòng lịch sử loài người, mầm mống Phúc Âm đã thôi thúc nhiều người môn đệ của Chúa Giêsu tìm kiếm sự khó nghèo, đến độ bán đi những sản vật mình có để làm phúc bố thí. Sự khó nghèo ở đây trở thành một nhân đức, mà ngoài việc làm nhẹ gánh nặng cho thân phận của người nghèo, còn trở nên một linh đạo tiến đến sự giầu sang chân thực, tức là tiến đến một kho tàng tồn tại trên trời (x. Lk 12:32-34). Tình trạng nghèo khó về vật chất không bao giờ chấm dứt được, thế nhưng, nó lại là một phương tiện để theo Chúa Kitô, Đấng được Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côrintô là “tuy giầu có, Người cũng đã vì anh em mà trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Người anh em được trở nên giầu có” (2Cor 8:9).

 

5-         Ở đây, Tôi chỉ có thể nhấn mạnh lại một lần nữa là người nghèo đang trở thành một thách đố hiện nay, nhất là đối với những người giầu có trên thế giới, nơi mà nhiều triệu người đang sống trong những điều kiện vô nhân bản và nhiều người đang thực sự chết đói. Chúng ta không thể rao giảng Thiên Chúa là Cha cho những người anh em này mà lại không dấn thân cùng nhau nhân danh Chúa Kitô hoạt động để xây dựng một xã hội công bằng chính trực hơn.

            Giáo Hội đã luôn luôn nỗ lực chú trọng đến vấn đề của thành phần hết sức nghèo khổ này, nhất là qua Huấn Quyền về xã hội từ Thông Điệp Tân Sự Rerum Novarum đến Thông Điệp Bách Niên Centesimus Annus. Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000 phải là một dịp hoán cải tâm can, để Thần Linh nhờ đó có thể tạo nên các chứng nhân mới hoạt động cho lợi ích của người nghèo. Cùng với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí, Kitô hữu phải góp phần, bằng những mức độ về kinh tế cũng như chính trị thích đáng, vào những đổi thay hữu dụng rất cần thiết cho việc giải thoát nhân loại khỏi nạn nghèo khổ (x. Thông Điệp Bách Niên, đoạn 57).

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 3/11/1999