Bài 76: (Thứ Tư ngày 24-11-1999)
Tình Phụ Tử của Thiên Chúa Ngôi Cha
qua Phẩm Vị và Ơn Gọi của Nữ Giới
T
rong số những thách đố của giây phút lịch sử mà Cuộc Mừng Kỷ Niệm Trọng Thể thôi thúc chúng ta phải suy nghĩ đến đây đã được Tôi lưu ý trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 51) về vấn đề tôn trọng quyền lợi của nữ giới. Hôm nay Tôi muốn nhắc lại một vài khía cạnh về vấn đề phụ nữ cũng đã được Tôi nói đến trong một vài dịp.
Thánh Kinh đã chiếu sáng về đề tài thăng tiến nữ giới này, qua hai trình thuật về dự án của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ trong công cuộc tạo dựng.
Trình thuật thứ nhất cho thấy rằng: “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của mình, Ngài đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” (Gn 1:27). Câu Thánh Kinh này là nền tảng cho nhân loại học của Kitô Giáo, vì câu ấy cho thấy căn bản của phẩm vị con người như là một người khi được dựng nên “tương tự như” Thiên Chúa. Đoạn văn này cũng còn rõ ràng cho thấy rằng, không chỉ riêng người nam hay riêng người nữ là hình ảnh của Đấng Tạo Thành, song cả người nam lẫn người nữ hỗ tương nhau. Cả hai đều là kỳ công ngang nhau được Thiên Chúa tạo dựng.
Nơi trình thuật thứ hai về việc tạo dựng, qua biểu tượng của việc nữ giới được xuất phát từ xương sườn của nam giới, Thánh Kinh muốn nhấn mạnh là nhân tính chưa thực sự trọn vẹn cho đến khi nữ giới được dựng nên (x. Gn 2:18-24). Nữ giới được gọi bằng một danh xưng, mà việc nhấn mạnh về nguyên âm phát ra của danh xưng này trong tiếng Hy Bá cho thấy mối liên hệ của nữ giới với nam giới (is/issah). “Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ với nhau và muốn hai giới sống cho nhau” (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 371). Không được nghĩ phái nữ xuất hiện như là một “trợ nhân xứng hợp của con người” (Gn 2:18) thì trở thành đầy tớ của người nam – “trợ nhân” đây không đồng nghĩa với “đầy tớ”; tác giả thánh vịnh đã thưa cùng Thiên Chúa rằng: “Ngài là sự trợ giúp của tôi” (Ps 70:5; x. Ps 115:9, 10, 11; Ps 118:7; Ps 146:5); trái lại, trọn cả câu kinh thánh này có ý nói rằng, nữ giới có thể hợp tác với nam nhân, vì nữ giới bổ khuyết cho nam nhân một cách trọn hảo. Nữ giới không phải là một thứ “cái tôi” khác nơi nhân tính chung của hai giới, một nhân tính gồm cả nam lẫn nữ với một phẩm vị hoàn toàn ngang nhau.
2- Đáng lấy làm vui mừng ở chỗ là, trong việc suy tư về văn hóa hiện đại đối với những gì mang ý nghĩa nữ nhân đã dẫn tới một kiến thức sâu xa hơn về con người, liên quan đến việc “sống cho kẻ khác” theo mối hiệp thông liên bản vị. Ngày nay, việc nghĩ đến người khác, theo chiều hướng hiến bản thân mình đi, đang trở thành một vấn đề nguyên tắc. Tiếc thay, nó lại bị coi thường ở mức độ áp dụng thực hành. Bởi thế, cần phải mạnh mẽ lên án những cuộc tấn công phẩm giá con người, những cuộc tấn công lan tràn phạm đến phẩm giá của nữ giới, được bộc lộ qua việc khai thác con người và thân xác của họ. Phải cương quyết chống lại tất cả những việc xúc phạm đến tự do hay nữ tính của họ, như việc “du lịch cầu dâm”, việc mua bán các em gái xuân thì, việc bừa bãi phá hủy bộ phận sinh sản, nói chung là chống lại mọi hình thức phạm đến phái tính khác.
Luật luân lý, một luật chủ trương phẩm giá của nữ giới là một con người được dựng nên theo hình ảnh Hiệp Thông của Thiên Chúa, đòi chúng ta phải có một thái độ hoàn toàn khác hẳn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, khoa nhân loại học theo thánh kinh về tính cách liên hệ, một tính cách giúp chúng ta thực sự hiểu được căn tính của con người trong mối liên hệ với kẻ khác, nhất là giữa người nam và người nữ. Nhìn vào con người theo “tính cách liên hệ” của họ, chúng ta thấy được dấu vết của mầu nhiệm Thiên Chúa, như là một hiệp nhất chính yếu, trong mối hiệp thông giữa ba Ngôi Vị thần linh, được mạc khải nơi Đức Kitô. Theo chiều hướng của mầu nhiệm này, chúng ta mới hiểu được dễ dàng lời của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (đoạn 24) là, loài người, “loài tạo vật duy nhất trên mặt đất này được Thiên Chúa dựng nên vì họ, mới có thể hoàn toàn hiểu được bản thân đích thực của họ, trong việc họ chân thành hiến bản thân mình đi”. Cái khác nhau giữa người nam và người nữ cần đến mối hiệp thông liên bản vị, và việc suy niệm về phẩm giá cũng như ơn gọi của nữ giới là những gì điều làm vững mạnh quan niệm về loài người theo chiều hướng hiệp thông (x. Thông Điệp về Phẩm Giá và Ơn Gọi của Nữ Giới Mulieris Dignitatem, đoạn 7).
3- Thực vậy, khả năng để hiệp thông này, một hiệp thông mạnh mẽ thu hút chiều kích nữ giới, khiến chúng ta suy nghĩ về tình phụ tử của Thiên Chúa, nhờ đó tránh được những dự phóng mơ tưởng của một thứ vai trò làm cha rất khó khăn gay cấn, không phải là vô căn cớ, ở nơi một số luồng văn chương hiện đại. Thật thế, đó là vấn đề nhận thức được dung nhan của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thiên Chúa có Ba Ngôi, tức là, trong mầu nhiệm Thiên Chúa hoàn toàn hiệp nhất theo ngôi vị. Vai trò của Cha cần phải được thấy lại ở trong mối liên hệ với Con, Đấng từ đời đời đã hướng về Cha (x. Jn 1:1) trong niềm hiệp thông Thánh Linh. Cũng cần phải nhấn mạnh là Con Thiên Chúa làm người vào thời gian viên trọn và được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria (x. Gal 4:4), cả sự kiện này nữa cũng chiếu sáng chiều kích nữ giới, khi cho thấy Đức Maria như là mô phạm của nữ giới theo ý muốn của Thiên Chúa. Biến cố cao cả nhất trong lịch sử loài người đã xẩy ra nơi Người và nhờ Người. Tình phụ tử của Thiên Chúa Ngôi Cha chẳng những liên hệ với Thiên Chúa Ngôi Con trong mầu nhiệm đời đời của Ngôi Con, mà còn liên hệ với việc Nhập Thể của Ngôi Con trong lòng của một người phụ nữ nữa. Nếu Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng “sinh ra” Ngôi Con từ thuở đời đời, đoái thương đến một người phụ nữ là Đức Maria, để “sinh ra” mình trên thế gian, nhờ đó làm cho Người trở thành một Người Mẹ của Thiên Chúa Theotokos, thì sự kiện này không phải là một sự kiện tầm thường để hiểu được thế nào là phẩm vị của nữ giới trong dự án thần linh của Thiên Chúa.
4- Bởi thế, sứ điệp Phúc Âm về tình phụ tử của Thiên Chúa, chẳng những không thu hẹp phẩm giá và vai trò của nữ giới, mà còn giúp vào việc bảo đảm cho những gì “nữ tính” tiêu biểu theo nhân bản, tức là tiêu biểu cho việc tiếp nhận, chăm sóc con người và hạ sinh sự sống. Tất cả những điều này đều được bắt nguồn, một cách siêu việt, nơi mầu nhiệm “sinh hạ” thần linh đời đời. Tình phụ tử của Thiên Chúa đã hẳn hoàn toàn là một mối tình thiêng liêng.
Tuy nhiên, tình phụ tử này cho thấy tính chất hỗ tương và liên hệ đời đời ấy, những tính chất thực sự thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa và là nguồn gốc của tất cả mọi tình phụ tử và tình mẫu tử, là nền tảng phong phú chung cho cả nam lẫn nữ.
Việc suy tư về vai trò và sứ vụ của nữ giới rất thích hợp trong năm nay, một năm được dâng kính Thiên Chúa Ngôi Cha, và là việc suy tư thôi thúc chúng ta nỗ lực hoạt động hơn nữa, để tất cả những gì có thể xứng hợp cho nữ giới ở trong Giáo Hội cũng như ở ngoài xã hội được công nhận.
(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 1/12/1999)