Bài 77: (Thứ Tư ngày 1-12-1999)

Toàn Thể Xã Hội lệ thuộc vào Sự Vững Chắc các Gia Đình  

Đ

ể sửa soạn xứng đáng cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm Trọng Thể, cộng đồng Kitô hữu phải hết sức cố gắng tái nhận thức gía trị của đời sống gia đình và hôn nhân (x. Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 51). Điều này lại càng khẩn trương hơn nữa, vì ngày nay, người ta đã đặt lại gía trị ấy ở nhiều mức độ văn hóa và xã hội. Không những chỉ có một số kiểu mẫu sống đời gia đình đang gặp phải khó khăn, những kiểu mẫu sống đời gia đình đang đổi thay theo áp lực của các chuyển biến xã hội cũng như theo các điều kiện làm việc mới. Chính quan niệm về gia đình như là một cộng đồng được thiết lập trên nền tảng đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ, một quan niệm bị con người tấn công nhân danh chủ nghĩa đạo đức tương đối, một chủ nghĩa đang lan tràn rộng rãi về mặt chung kiến cũng như trong chính ngành lập pháp dân sự.

Tình trạng khủng hoảng về đời sống gia đình này lại trở thành nguyên nhân khủng hoảng về xã hội. Nhiều hiện tượng về căn bệnh – từ cô đơn đến bạo lực và nghiện hút – cũng chỉ vì sự kiện là các gia đình đã mất đi căn tính và mục đích của mình. Bất cứ nơi nào gia đình bị đổ vỡ thì xã hội cũng mất đi thớ thịt gắn liền với  mình, bằng những hậu quả thảm khốc làm ảnh hưởng đến cá nhân, nhất là đến thành phần yếu kém nhất, từ trẻ em tới vị thành niên, đến người khuyết tật, kẻ bệnh hoạn và người già lão v.v. 

2-         Bởi thế, cần phải can đảm suy nghĩ, một việc chẳng những giúp cho các tín hữu mà còn cho tất cả mọi người có thiện chí tái nhận thức được giá trị của hôn nhân và gia đình. Chúng ta đã đọc thấy trong sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 2207): “Gia đình là tế bào đầu tiên của đời sống xã hội. Nó là một xã hội tự nhiên, trong đó vợ chồng được kêu gọi hiến thân cho nhau trong yêu thương và trong việc ban tặng sự sống. Quyền bính, sự vững chắc và đời sống liên hệ trong gia đình đặt nền tảng vững chắc cho tự do, an sinh và huynh đệ trong xã hội”. Lý trí tự mình cũng có thể tái nhận thức được đời sống gia đình, bằng việc nghe theo lề luật luân lý được ghi khắc trong tâm can con người. Là một cộng đồng “được xây dựng và ban phát sự sống bằng yêu thương” (x. Tông Huấn Familiaris Consortio, đoạn 18), gia đình lấy được sức mạnh của mình từ giao ước yêu thương vĩnh viễn, giao ước khiến con người nam nữ hiến mình cho nhau, trở nên những người cùng nhau hợp tác với Thiên Chúa trong việc ban tặng sự sống. Được bắt nguồn từ mối liên hệ yêu thương trọng yếu này, những mối liên hệ giữa các phần tử khác trong gia đình với nhau cũng phải được tình yêu điều khiển và phải được đánh dấu bằng tình cảm mến nhau cùng tương trợ lẫn nhau. Tình yêu đích thực, chẳng những không đóng khung gia đình lại, còn hướng nó tới toàn thể xã hội nữa, vì gia đình nội tại nhỏ bé với đại gia đình của toàn thể nhân loại không phản nghịch nhau, song liên hệ chặt chẽ nguyên sơ với nhau. Cội nguồn của tất cả những điều này chính là mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm phản ảnh đặc biệt nơi đời sống gia đình. Thật vậy, như Tôi đã viết mấy năm trước đây trong Bức Thư Gửi Cho Các Gia Đình (đoạn 6), “theo chiều hướng của Tân Ước, chúng ta có thể nhận thức được kiểu mẫu nguyên sơ của đời sống gia đình phải như thế nào nơi chính Thiên Chúa, nơi mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi của Ngài, ‘Cái Chúng Ta’ thần linh là mẫu thức đời đời cho ‘cái chúng ta’ nhân loại, nhất là cho ‘cái chúng ta’ thành nên bởi người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh thần linh và tương tự như thần linh”.  

3-         Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch siêu việt cho tất cả mọi tình phụ tử và mẫu tử của con người. Khi thiết tha chiêm ngưỡng tình phụ tử của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy mình cần phải tái nhận thức rằng sự phong phú của mối hiệp thông, của việc truyền sinh và của sự sống là những gì làm nên đặc tính hôn nhân và gia đình.

 Những mối tương quan liên bản vị phát triển nơi các gia đình, khiến cho mỗi một phần tử trong gia đình nắm giữ một công việc đặc biệt, cho dù không theo những mẫu mực cứng ngắc. Ở đây Tôi không có ý nói đến những vai trò thuộc về xã hội và hành sự, cho thấy những tương quan đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Trái lại, Tôi đang nghĩ đến tầm quan trọng của người nam và người nữ, trong mối liên hệ phối ngẫu với nhau cũng như trong việc cùng nhau dấn thân làm cha làm mẹ, vì họ được kêu gọi để nhận ra những đặc tính tự nhiên của mình, qua mối hiệp thông sâu xa, phong phú và tương kính. “Thiên Chúa đã ủy thác cho ‘mối hiệp nhất giữa hai người’ này chẳng những công việc truyền sinh và đời sống gia đình, mà còn cả việc tạo nên chính lịch sử nữa” (Bức Thư Gửi Phụ Nữ, đoạn 8).

 

4-         Thế nên, con cái phải được coi như là việc thể hiện cao cả nhất của mối hiệp thông giữa người nam và người nữ, hay đúng hơn, của việc họ ban nhận nhau, một việc được nên trọn và siêu việt nơi “ngôi thứ ba”, nơi chính đứa con của họ. Đứa con là một ơn phúc Thiên Chúa ban cho. Ngài biến đổi người chồng và người vợ thành người cha và người mẹ (x. Tông Huấn Familiaris Consortio, đoạn 21). Cả hai “phát xuất từ chính mình” và thể hiện mình nơi một con người, một con người khác với họ, mặc dù là hoa trái của tình họ yêu thương nhau.

Lý tưởng được diễn tả trong lời nguyện cầu tư tế của Chúa Giêsu, lời cầu Người nguyện xin cho việc hiệp nhất giữa Người với Cha được thực hiện cả nơi các môn đệ (x. Jn 17:11) và nơi những ai tin vào lời các vị nữa (x. Jn 17:20-21), cũng được đặc biệt áp dụng vào đời sống gia đình. Các gia đình Kitô hữu, “các giáo hội tại gia” (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 11), đặc biệt được kêu gọi để chiếm lấy lý tưởng hiệp thông trọn hảo này.

 

5-         Bởi thế, đang khi tiến đến lúc tận kết của năm được dâng hiến để suy niệm về Thiên Chúa Ngôi Cha, chúng ta hãy tái nhận thức về đời sống gia đình theo chiều hướng của tình phụ tử thần linh. Việc chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ngôi Cha làm cho chúng ta hết sức quan tâm đặc biết đến những thách đố của giây phút lịch sử này đây. Nhìn ngắm Thiên Chúa Ngôi Cha tức là hiểu được gia đình là nơi đón nhận và sinh dưỡng sự sống, là xưởng luyện tình yêu huynh đệ, nơi mà, được Thần Linh của Chúa Kitô trợ giúp, “lòng yêu huynh đệ và tình đoàn kết mới, một ý thức chân thực về mầu nhiệm trao nhận nhau xứng với Ba Ngôi Chí Thánh” (Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đoạn 76) được kiến tạo nơi loài người. Nhờ kinh nghiệm của những gia đình Kitô Giáo được đổi mới, Giáo Hội mới tự mình biết cách nuôi dưỡng chiều kích giống như gia đình hơn nữa nơi tất cả mọi phần tử của cộng đồng, bằng việc chấp nhận và khích lệ cái cung cách liên hệ theo nhân bản và huynh đệ hơn (x. Tông Thư Familiaris Consortio, đoạn 64).

 

 

(Tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ,  8/12//1999)