Bài 78: (Thứ Tư ngày 15-12-1999)

Dấn Thân Xây Đắp Văn Minh Yêu Thương

“K

hi nhớ lại những lời của Chúa là ‘nếu các con yêu thương nhau thì nhờ đó tất cả mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày’ (Jn 13:35), người Kitô hữu không còn mong mỏi gì hơn là tha thiết phục vụ con người qua mọi thời đại bằng một tấm lòng quảng đại và hữu hiệu mỗi ngày một hơn” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 93).

            Công việc làm này, một công việc được Công Đồng Chung Vaticanô II trao cho chúng ta ở đoạn cuối của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, là việc giải quyết cuộc thách đố hấp dẫn trong việc xây đắp nên một thế giới được dậy men bởi lề luật yêu thương, bởi một nền văn minh yêu thương, một nền văn minh “được dựa trên những giá trị phổ quát về hòa bình, đoàn kết, công lý và tự do, là tất cả những gì được nên trọn trong Chúa Kitô” (Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 52).

            Nền văn minh này được đặt nền tảng trên việc nhận biết thượng quyền phổ quát của Thiên Chúa Cha, mạch nguồn yêu thương bất tận. Chính vì chấp nhận giá trị căn bản này chúng ta mới cần phải thực hiện một cuộc thẩm vấn chân thành ở vào lúc cuối thiên niên đây cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng Năm 2000, để sẵn sàng bắt đầu cho một tương lai đang chờ đón chúng ta.

            Chúng ta đã thấy tình trạng suy bại của các ý hệ, những ý hệ đã làm cho rất nhiều người trong anh chị em chúng ta bị hụt hẫng những điểm tựa thiêng liêng, các ý hệ trổ sinh những trái tục hóa độc hại khiến cho tình trạng khô đạo tiếp tục tồn tại, nhất là nơi những nơi phát triển. Việc quay về với tính cách tôn giáo lẫn lộn, gây ra bởi những nhu cầu cần được khỏa lấp một cách mong manh, cũng như nhu cầu tìm kiếm quân bình thuộc thế giới tâm linh, một tính cách tôn giáo được thể hiện nơi nhiều mẫu tôn giáo mới mẻ bất cần siêu việt tính và bất cần vị Thiên Chúa bản vị, chắc chắn không phải là một giải quyết tốt đẹp cho tình trạng này.

            Trái lại, chúng ta phải cẩn thận phân tách lý do tại sao có tình trạng mất đi cảm quan về Thiên Chúa ấy, và can đảm loan báo sứ điệp về dung nhan Chúa Cha, một dung nhan được Chúa Giêsu Kitô tỏ ra cho con người thấy trong ánh sáng của Thần Linh. Việc mạc khải này chẳng những không làm giảm sút mà còn thăng hoa phẩm giá con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu nữa.

2-         Trong những thập niên gần đây, tình trạng mất đi cảm quan về Thiên Chúa đã xẩy ra trùng hợp với đà phát triển của nền văn hóa buông thả, một nền văn hóa làm giảm giá trị ý nghĩa sự sống con người, và về phương diện đạo lý, làm tương đối hóa ngay cả những giá trị nền tảng của gia đình cũng như của lòng tôn trọng sự sống. Tình trạng này thường không xẩy ra một cách rõ ràng, mà xẩy ra trong một đường lối tinh xảo của chiều hướng khô đạo, một chiều hướng làm cho tất cả mọi thứ hành vi cử chỉ trở thành thường tình, khiến các vấn nạn về luân lý không còn coi ra gì nữa. Thật ngược đời khi chính quyền thừa nhận như là ‘quyền lợi’ nhiều thể thức tác hành đe dọa đến sự sống con người, nhất là thành phần yếu đuối nhất và bất lực nhất, chưa kể đến những khó khăn khổng lồ trong việc chấp nhận người khác vì họ khác với mình, vì họ bất lợi, vì họ là ngoại quốc, vì họ bệnh hoạn tật nguyền. Chính tình trạng phủ nhận người khác, vì cái khác của họ, xẩy ra hơn bao giờ hết đây đã làm nhức nhối lương tâm tín hữu chúng ta. Tôi đã viết trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống (đoạn 12): “Chúng ta đang đối đầu với một thực tại to tát hơn, một thực tại có thể được diễn tả như là một cấu trúc tội lỗi thực sự… do tình trạng phát hiện của một nền văn hóa chối bỏ tính cách đoàn kết, và trong nhiều trường hợp, còn mặc lấy cả hình thức ‘văn hóa tử vong’ thực sự nữa”.

 

3-         Đối diện với nền văn hóa yêu chuộng chết chóc này, trách nhiệm là người Kitô hữu chúng ta được thể hiện nơi việc dấn thân thực hiện việc “tân truyền bá phúc âm hóa”, mà một trong những hoa trái của việc truyền bá phúc âm hóa này là nền văn minh yêu thương.

            “Phúc Âm cùng với việc truyền bá phúc âm hóa hoàn toàn khác với văn hóa và độc lập với tất cả mọi nền văn hóa” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 20), thế nhưng cả hai đều thủ đắc khả năng tái phát sinh có thể tác dụng một cách tốt đẹp trên văn hóa. Sứ điệp Kitô giáo không hạ giá các nền văn hóa, ở chỗ hủy hoại đi những tính chất riêng biệt của nó; trái lại, sứ điệp này sinh động nơi văn hóa, tạo nên một năng lực tinh nguyên nhất được thể hiện nơi khả năng bẩm sinh của văn hóa. Ảnh hưởng của Phúc Âm đối với văn hóa thanh tẩy và thăng hoa những gì là nhân bản, làm cho cuộc sống thành duyên dáng mỹ miều, kiến tạo nên tình trạng hòa hợp nơi cuộc chung sống an lành, và thực hiện tính cách nguyên tuyền nhờ việc mọi người đóng góp làm sáng ngời cộng đồng nhân loại. Ảnh hưởng này trở nên mãnh liệt là do tình yêu không áp đặt song xếp đặt, căn cứ vào việc ưng thuận theo tự do, bằng một thái độ tương kính và chấp nhận lẫn nhau.

 

4-         Sứ điệp yêu thương của Phúc Âm giải thoát những nhu cầu nhân bản và giá trị nhân bản, như tình đoàn kết, niềm mong đợi hòa bình và bình đẳng, và việc tôn trọng tính chất đa dạng nơi những thể thức phát biểu. Nền tảng của văn minh yêu thương là việc nhận biết giá trị của con người, thực tế là của tất cả mọi con người. Việc đóng góp cao cả của Kitô giáo được công nhận chính là ở lãnh vực này. Thật vậy, giáo huấn nhân loại học về con người như là một hữu thể tương quan dần dần được khai triển chính từ tư tưởng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và từ ngôi Lời nhập thể. Việc nhận thức quí báu này làm nẩy sinh ra tư tưởng về một xã hội lấy con người làm khởi điểm và đích điểm. Học thuyết về xã hội của Giáo Hội, một học thuyết được tinh thần của cuộc Mừng Kỷ Niệm kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại, cũng giúp vào việc đặt nền móng cho các thứ luật lệ sống chung trong xã hội theo các quyền lợi của con người. Nhãn quan của Kitô giáo về con người là hình ảnh Thiên Chúa thực sự bao gồm cả ý nghĩa là các quyền lợi của con người, tự bản chất của chúng, cần phải được tôn trọng trong xã hội là tổ chức không tạo nên chúng mà là công nhận chúng (x. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 26).

 

5-         Giáo Hội nhận thức rằng học thuyết này có thể chỉ là một văn kiện chết, nếu đời sống xã hội không được lên men bởi tác dụng của cảm nghiệm đạo nghĩa đích thực, nhất là bởi chứng từ Kitô giáo được liên tục nuôi dưỡng bởi tác động sáng tạo và chữa lành của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội biết rằng cuộc khủng hoảng của xã hội cũng như của con người đương thời phần nhiều là do bởi tình trạng suy giảm chiều kích thiêng liêng riêng biệt nơi con người.

            Kitô giáo góp phần vào việc xây dựng một xã hội loài người nhân bản hơn chính là ở việc cung cấp cho xã hội loài người một hồn sống, cũng như ở việc loan truyền các mệnh lệnh của lề luật Thiên Chúa, một thứ lề luật mà tất cả mọi tổ chức và ngành lập pháp xã hội phải dựa vào, nếu họ muốn nhắm đến việc bảo đảm cho tình trạng tiến bộ của con người, bảo đảm cho việc giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ, cũng như bảo đảm cho tình trạng phát triển thực sự.

                Giáo Hội thực hiện phần đóng góp này chính yếu là nhờ việc các Kitô hữu, nhất là thành phần giáo dân, làm chứng, qua cuộc sống thường nhật của họ. Thật vậy, con người đương thời chấp nhận sứ điệp yêu thương qua chứng từ hơn là qua các thày dạy, và nếu họ không chấp nhận sứ điệp này qua các thày dạy, thì đó là bởi vì các vị thày này là những chứng nhân (xem Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41). Đây là một cuộc thử thách cần phải đương đầu để các chân trời mới được mở ra cho tương lai Kitô giáo cũng như cho chính nhân loại.

 

 

(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 22/12/1999)