Bài 79: (Thứ Tư ngày 5-1-2000)
Mẹ Maria,
Nữ Tử Dấu Ái của Chúa Cha
S
au mấy ngày mở màn cho Cuộc Đại Mừng Kỷ Niệm, hôm nay, Tôi muốn bắt đầu Buổi Triều Kiến Chung lần đầu tiên trong Năm 2000 đây bằng việc gửi đến hết mọi người lời chúc mừng thân ái nhất của Tôi cho Năm Mừng Kỷ Niệm: chớ gì Năm Mừng Kỷ Niệm này thực sự là một thời gian ân sủng, hòa giải và canh tân nội tâm.
Năm ngoái đây, năm cuối cùng để sửa soạn gần cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm, chúng ta đã cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm Chúa Cha. Hôm nay đây, để chấm dứt loạt bài suy niệm ấy, cũng là để đặc biệt mở đầu cho loạt bài giáo lý về Năm Thánh, một lần nữa, chúng ta hãy ưu ái hướng đến con người của Đức Maria.
Nơi Mẹ, “Nữ Tử dấu ái của Chúa Cha” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 53), dự án thần linh yêu thương nhân loại được tở hiện. Vì nhắm tuyển lựa Mẹ làm mẹ cho Con của mình, Chúa Cha đã chọn Mẹ giữa tất cả mọi tạo vật và đã nâng Mẹ lên tới một phẩm vị cao cả nhất cũng như lên tới một sứ vụ trọng đại nhất trong việc phục vụ dân của Ngài.
Dự án của Chúa Cha bắt đầu được mạc khải qua “Protoevangelium” (phúc âm tiên khởi), khi mà, sau lúc Adong và Evà sa ngã phạm tội, Thiên Chúa loan báo cho biết rằng Ngài sẽ gây mối thù giữa con rắn và người nữ: chính người con trai của người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn (x.Gen 3:15).
Lời hứa này đã được nên trọn trước hết ở biến cố Truyền Tin, khi Mẹ Maria được mời gọi trở nên một Người Mẹ của Đấng Cứu Thế.
2- “Hãy vui lên hỡi đầy ân phúc” (Lk 1:28). Lời đầu tiên Chúa Cha nói với Mẹ Maria, qua thiên thần của Ngài, là một thể thức chào mừng có thể được coi như một lời kêu mời hãy hân hoan vui mừng, một lời kêu mời âm vang lời tiên tri Zacaria nói với toàn thể dân Yến Duyên: “Hãy vui mừng hớn hở, hỡi nữ tử Sion! Kìa đức vua của các cô đang đến với các cô” (Zec 9:9; xem Zep 3:14-18). Qua lời nói đầu tiên với Mẹ Maria ấy, Chúa Cha đã tỏ cho thấy chủ ý Ngài muốn thông đạt niềm vui chân thực và hoàn toàn cho nhân loại. Niềm vui của Chúa Cha, ở chỗ có Con của Ngài ở với Ngài, được hiến ban cho hết mọi người, nhưng trước hết được ký thác cho Mẹ Maria, để niềm vui ấy được từ Mẹ lan ra khắp cộng đồng nhân loại.
3- Đối với Mẹ Maria, lời kêu mời hãy vui lên ấy có liên quan đến một tặng ân đặc biệt Mẹ được Chúa Cha ban cho, đó là tặng ân “Đầy ơn phúc”. Kiểu diễn tả “kecharitoméne” theo Hy ngữ thường được chuyển dịch, không phải là không có lý do, thành nghĩa “đầy ơn phúc”: thật vậy, đó là một tình trạng dồi dào đã đạt đến mức độ cao nhất.
Chúng ta có thể thấy rằng lời diễn đạt ấy như thể nói lên chính dang xưng của Mẹ Maria, một “tên gọi” Chúa Cha đặt cho Mẹ từ khi Mẹ bắt đầu hiện hữu. Thật vậy, từ giây phút đầu thai trong lòng thai mẫu, linh hồn của Mẹ đã được đầy mọi phúc lành, khiến Mẹ sống thánh thiện trổi vượt trọn cả cuộc sống trần gian của Mẹ. Dung nhan của Mẹ phản ánh dung nhan huyền diệu của Chúa Cha. Nét êm ái dịu dàng vô cùng của Thiên Chúa Tình Yêu được tỏ hiện nơi những đặc tính từ mẫu của Mẹ Chúa Giêsu.
4- Mẹ Maria là người mẹ duy nhất, khi nói về Chúa Giêsu, Mẹ có thể nói “con của Mẹ”, cũng như Chúa Cha nói: “Con là Con của Cha” (Mk 1:11). Về phần mình, Chúa Giêsu gọi Chúa Cha là “Abba, lạy Cha”, “Ba” (x. Mk 14:36), trong khi đó Người gọi Mẹ Maria là “Má”, bằng tất cả lòng cảm mến của mình khi xưng hô như vậy.
Gặp lại mẹ, sau khi đã bỏ mẹ mình ở lại Nazarét mà lên đường, Người đã gọi Mẹ là “bà” để nhấn mạnh rằng giờ đây Người chỉ làm theo lệnh truyền của một mình Cha của Người thôi, đồng thời Người cũng tuyên bố cho biết Mẹ chẳng những là một người mẹ theo xác thể, mà Mẹ còn có một sứ mệnh cần phải làm hoàn tất với tư cách là một “nữ tử Sion” cũng như với tư cách là người mẹ của dân Tân Ước nữa. Mục tiêu Mẹ Maria nhắm tới là luôn luôn hoàn toàn theo ý muốn của Chúa Cha.
Trường hợp của Mẹ không phải là trường hợp của tất cả mọi người trong gia đình của Chúa Giêsu. Phúc Âm thứ bốn đã cho chúng ta thấy rằng các người thân thuộc “không tin vào Người” (Jn 7:5), và Thánh Marcô nói “họ đến bắt Người vì họ nói ‘Hắn ngớ ngẩn rồi’” (Mk 3:21). Chúng ta có thể đoan chắc một điều là những tâm tưởng của Mẹ Maria hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta tin như vậy, khi căn cứ vào Phúc Âm Thánh Luca, một Phúc Âm thuật lại việc Mẹ Maria tỏ mình ra như là một “người tôi tớ (thấp hèn) của Chúa” (Lk 1:38). Có như thế chúng ta mới hiểu được câu trả lời của Chúa Giêsu, lúc mà Người “được cho biết ‘Mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng ở ngoài muốn được gặp Ngài’ (Lk 8:20; x. Mt 12:46-47; Mk 3:32); Chúa Giêsu đáp rằng: ‘Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành’ (Lk 8:21). Thật vậy, Mẹ Maria là gương mẫu của việc nghe Lời Thiên Chúa (x. Lk 2:19,51), và cũng là gương mẫu cho tính chất đơn sơ dễ dạy đối với Lời của Thiên Chúa.
5- Đức Nữ Trinh vẫn kiên trì lập lại việc Mẹ hoàn toàn sẵn lòng đã tỏ ra trong Ngày Truyền Tin. Đặc ân bao la và sứ mệnh cao cả trong việc làm Mẹ Con Thiên Chúa không làm đổi thay việc Mẹ khiêm hạ phục tùng dự án của Chúa Cha. Trong số những khía cạnh thuộc dự án thần linh này, Mẹ đã đảm trách việc giáo dục theo vai trò làm mẹ của mình. Một người mẹ chẳng những sinh con mà còn phải chủ động trong việc huấn luyện và phát triển nhân cách của đứa con mình nữa. Tác hành của Mẹ Maria chắc chắn đã ảnh hưởng tới việc làm của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, người ta có thể nghĩ rằng hành động rửa chân (x. Jn 13:4-5), lưu lại cho các môn đệ một mẫu gương để noi theo, đã phản ánh những gì chính Chúa Giêsu thấy được từ nhỏ nơi hành động của Mẹ Maria, khi Mẹ rửa chân cho khách trong tinh thần phục vụ khiêm tốn. Theo chứng từ Phúc Âm, trong thời gian ở Nazarét, Chúa Giêsu đã “vâng lời” Mẹ Maria và Thánh Giuse (x. Lk 2:51). Như thế là Người đã thực sự được Mẹ Maria giáo dục cho nên thân nên người. Trái lại, Mẹ Maria cũng tìm hiểu và học hỏi nơi Con Mẹ. Trong việc tỏ mình ta từ từ của Chúa Giêsu, Mẹ đã càng ngày càng nhận ra Chúa Cha sâu xa hơn và dâng lên Ngài tất cả tấm lòng của mình trong việc tôn kính mến yêu Ngài. Giờ đây việc của Mẹ là giúp cho Giáo Hội bước theo chân Chúa Kitô như Mẹ đã thực hiện.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 12/1/2000)