Bài 8 (Thứ Tư ngày 18-2-1998)
Con Thiên Chúa Mang Đến
Một Ơn Cứu Độ Toàn Vẹn
T
rong lời hoạch chương Chúa Giêsu nói ở hội đường Nazarét lúc bắt đầu tác vụ của mình, Người đã áp dụng cho Người lời tiên tri Isaia nói đến Đấng Thiên Sai như một Đấng được sai đến để loan báo “sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm” (Lk.4:18; x.Is.61:1-2).
Chúa Giêsu đến để hiến cho chúng ta một ơn cứu độ, một ơn cứu độ mặc dù đặt nền tảng trên việc giải thoát khỏi tội lỗi, cũng là một ơn cứu độ bao gồm cả toàn hữu thể của chúng ta, cùng với những nhu cầu và ước vọng sâu xa nhất của nó. Chúa Kitô giải cứu chúng ta khỏi gánh nặng cũng như mối đe dọa này, và mở đường cho việc hoàn tất trọn vẹn định mệnh của chúng ta.
2- Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Phúc Aâm là tội lỗi làm cho con người ở vào tình trạng nô lệ: “Thật thế, thật thế, Tôi nói cho qúi vị hay, ai phạm tội thì người ấy làm nô lệ cho tội lỗi” (Jn.8:34).
Những người nghe lời Chúa Giêsu lại nghĩ đến một tình trạng tự do theo nghĩa nổi nang bề ngoài, khi họ hãnh diện dựa vào đặc ân cho mình là một thứ dân của Giao Ước: “Chúng tôi là con cháu Abraham, chưa bao giờ làm tôi cho bất cứ ai” (cùng đoạn Phúc Aâm, câu 31). Chúa Giêsu mong kéo chú ý của họ đến một tình trạng tự do sâu xa hơn, một tình trạng tự do không bị đe dọa từ bên ngoài cũng như từ những cạm bẫy nơi chính cõi lòng con người. Ai bị đàn áp bởi quyền năng thống trị và hủy hoại của tội lỗi sẽ không thể nào chấp nhận được sứ điệp của Chúa Giêsu, càng không thể chấp nhận bản thân Người, nguồn mạch tự do chân thực duy nhất: “Nếu Con giải thoát cho qúi vị thì qúi vị sẽ được thực sự tự dọ” (cùng đoạn Phúc Aâm, câu 36). Chỉ có một mình Con Thiên Chúa mới là Đấng có thể, bằng việc thông truyền sự sống thần linh của Người ra, làm cho con người được chia sẻ với tình trạng tự do sống như con cái của Người.
3- Việc giải thoát được Chúa Kitô ban tặng đây chẳng những loại trừ tội lỗi mà còn cả những chướng ngại làm cản trở đến mối thân hữu cùng liên hệ giao ước với Thiên Chúa nữa. Theo quan điểm này thì đây là một việc hòa giải.
Thánh Phaolô đã viết cho Kitô hữu giáo đoàn Côrintô: “Thiên Chúa... đã giải hòa chúng ta với Ngài nơi Đức Kitô” (2Cor.5:18). Việc hòa giải này có được là do hy tế Thập Giá. Từ đó mới phát sinh ra một niềm an bình, ở tại sự hòa hợp sâu xa giữa ý muốn con người với ý muốn thần linh.
Niềm an bình này chẳng những tác hiệu nơi mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn ảnh hưởng đến cả mối liên hệ giữa con người với nhau nữa. Đức Kitô “là sự bình an của chúng ta”, vì Người liên kết tất cả những ai tin vào Người, khi hòa giải họ “với Thiên Chúa trong một thân thể” (x.Eph.2:14-16).
4- Thật là an ủi khi nghĩ đến việc Chúa Giêsu không giới hạn Người vào việc chỉ giải cứu cõi lòng con người khỏi ngục tù vị kỷ, mà còn thông truyền tình yêu thần linh cho mỗi một người nữa. Trong Bữa Tiệc Ly, Người đã ban giới răn mới làm nên đặc tính của cộng đồng Người thiết lập: “Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã thương yêu các con” (Jn.13:34,15:12). Cái mới mẻ trong chỉ thị yêu thương này là ở những lời: “như Thày đã yêu thương các con”. Cái “như” ở đây nói lên Thày là mẫu mực phải được các môn đệ bắt chước, đồng thời, nó cũng nói lên nguyên gốc hay nguồn mạch của một tình yêu hỗ tương nơi Người. Chúa Kitô truyền đạt cho các môn đệ của Người quyền năng để yêu thương như Người đã thương yêu, Người thăng hóa tình yêu của các vị làm cho nó lên tới mức siêu việt của chính Người, và thúc giục các vị lật đổ những chướng ngại ngăn cách con người.
Ước vọng của Người là dứt điểm tất cả mọi kỳ thị cũng như kỵ trừ nhau, như được thấy một cách mãnh liệt trong Phúc Aâm. Người chế ngự những chướng ngại không cho phép giao tiếp với các người cùi là thành phần bị xã hội tách loại một cách đau thương. Người vi phạm đến cả các lề thói và qui lệ có khuynh hướng cô lập thành phần bị coi là “tội nhân”. Người không chấp nhận những việc gây tổn thương đến người phụ nữ khi đặt họ vào một vị thế thấp hèn, song Người đã nhận họ vào trong số thành phần theo Người và cho họ phục vụ vương quốc của Người.
Các môn đệ của Người phải bắt chước gương mẫu của Người. Việc tình yêu Thiên Chúa thấu nhập cõi lòng con người đặc biệt được thể hiện trong việc chúng ta buộc phải yêu thương kẻ thù của mình: “Còn Thày thì bảo các con, hãy yêu thương kẻ thù mình và cầu nguyện cho những ai bắt bớ các con, để các con được là con cái của Cha các con ở trên trời; vì Ngài cho mặt trời mọc lên trên cả kẻ dữ lẫn người lành, và làm mưa xuống trên cả người công chính lẫn kẻ bất chính” (Mt.5:44-45).
5- Ơn cứu chuộc, được Chúa Giêsu mang đến, từ cõi lòng lan đến các lãnh vực khác nhau của cuộc sống con người: tâm thần cũng như thể chất, cá nhân cũng như xã hội. Nhờ chiến thắng tội lỗi bằng việc Tử Giá của mình, Chúa Kitô đã khai mở một phong trào giải phóng chân chính. Trong cuộc đời công khai của mình, chính Người đã chữa trị bệnh nhân, khu trừ ma qủi cũng như giảm gánh đau thương cho con người, những việc làm biểu hiệu cho vương quôc của Thiên Chúa. Người đã bảo các môn đệ của mình cũng phải làm như thế khi các vị đi rao giảng Phúc Aâm (x.Mt.10:8; Lk.9:2,10:9).
Các vị môn đệ của Chúa Kitô được kêu gọi chủ động đóng góp vào việc loại trừ những căn nguyên gây nên đau khổ đọa đầy và phiền nhiễu con người, nếu không bằng những phép lạ là những gì cần phải có thần linh can thiệp, thì bằng các việc làm theo tình bác ái huynh đệ, cũng như bằng việc dấn thân hoạt động cho công bình chính trực.
Dĩ nhiên, sẽ không thể nào dùng cách này để hoàn toàn chế ngự được khổ đau. Mối phiền muộn về sự chết vẫn hiện diện trên khắp mọi nẻo đường đời của con người. Thế nhưng, tất cả mọi sự đã nhận được một luồng ánh sáng mới phát tỏa từ mầu nhiệm vượt qua. Khổ đau mà lấy yêu thương chịu đựng và liên kết với khổ đau của Chúa Kitô là khổ đau sẽ mang lại hoa trái cứu độ: nó trở nên “một khổ đau cứu độ”. Ngay cả đến sự chết cũng thế, nếu lấy đức tin mà đối diện với nó, nó sẽ mang tính cách bảo toàn cho cuộc vượt qua để tiến đến sự sống đời đời, trong niềm trông đợi xác thịt phục sinh. Như thế, chúng ta có thể hiểu được ơn cứu độ do Chúa Kitô mang đến phong phú và sâu xa là chứng nào. Người đã đến để chẳng những cứu rỗi tất cả mọi người mà còn trọn cả con người nữa.
(tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 25/2/1998)