THÔNG ĐIỆP SPE SALVI

 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

gửi Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín Hữu Giáo Dân

về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

 

Dẫn Nhập           

1.         SPE SALVI facti sumus” – chúng ta được cứu độ bằng niềm hy vọng, Thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Rôma,  cũng như nói với chúng ta (Rm 8:24). Theo đức tin Kitô Giáo thì “việc cứu chuộc” – cứu độ – không phải chỉ là một thứ ban tặng. Việc cứu chuộc được cống hiến cho chúng ta theo chiều hướng chúng ta lãnh nhận được niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin tưởng, nhờ đó chúng ta mới có thể đương đầu đối diện với hiện tại của mình, một hiện tại mà cho dù có gian khổ vẫn có thể sống và chấp nhận nếu nó dẫn con người đạt đến đích điểm, nếu chúng ta nắm vững được cái đích điểm này, và nếu cái đích điểm ấy cao cả đủ, xứng với nỗ lực thực hiện cuộc hành trình. Vậy vấn đề tức khắc được nẩy lên đó là thứ hy vọng nào có thể chứng thực cho câu nói chúng ta được cứu chuộc nhờ niềm hy vọng này và chỉ vì niềm hy vọng ấy hiện hữu? Và ở đây bao gồm loại tin tưởng nào? 

Đức Tin là Niềm Hy Vọng

2.        Trước khi chú ý tới những vấn đề hợp thời này, chúng ta cần phải cẩn thận lắng nghe hơn nữa chứng từ của Thánh Kinh về niềm hy vọng. Thật thế, “hy vọng” là chữ chính yếu theo đức tin Thánh Kinh – đến nỗi có những đoạn “đức tin” và “hy vọng” dường như là những gì khả hoán với nhau. Bởi thế Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đã liên kết chặt chẽ “tầm mức trọn vẹn của đức tin” (10:22) với “việc tuyên xưng dứt khoát niềm hy vọng của chúng ta” (10:23). Cũng thế, nếu bức Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô huấn dụ Kitô hữu hãy luôn sẵn sàng ứng đáp về cái logos – tức cái ý nghĩa và lý do – nơi niềm hy vọng của mình, thì “hy vọng” đồng nghĩa với “đức tin”. Chúng ta thấy quan trọng ra sao việc tự nhận thức của các Kitô hữu sơ khai đã được hình thành bởi việc họ lãnh nhận tặng ân của một niềm hy vọng đáng tin tưởng, nếu chúng ta so sánh đời sống Kitô hữu với đời sống trước khi có đức tin, hay với tình trạng của thành phần môn đồ của các tôn giáo khác. Thánh Phaolô đã nhắc nhở Kitô hữu Êphêsô là trước khi họ được gặp gỡ Chúa Kitô thì họ “chẳng có hy vọng gì và chẳng có Thiên Chúa ở trên đời này” (Eph 2:12). Tất nhiên là ngài biết rằng họ có các vị thần linh, ngài biết rằng họ theo một đạo giáo nào đó, song các thần linh của họ đã trở thành những gì khả vấn, và chẳng có hy vọng gì xuất phát từ những chuyện hoang đường mâu thuẫn của họ cả. Cho dù có các vị thần linh, họ vẫn sống “không có Thiên Chúa” và vì thế họ cảm thấy họ sống trong một thế giới tối tăm, đối diện với một tương lai tăm tối. In nihil ab nihilo quam cito recidimus - mau chóng là chừng nào chúng ta từ hư không lại rơi trở về với hư không (Corpus Inscriptionum Latinarum VI, no. 26003): một mẩu văn mộ chí của thời đó đã viết như thế. Trong câu này chúng ta thấy được rất rõ ràng vấn đề được Thánh Phaolô đang muốn nói tới. Cũng thế, ngài đã nói với Kitô hữu Thessalonica rằng anh chị em không được “than khóc như những kẻ chẳng có hy vọng gì hết” (1Thess 4:13). Cả ở đây nữa, chúng ta thấy được dấu hiệu nổi bật của Kitô hữu đó là sự kiện họ sống có tương lai, không phải ở chỗ họ biết được những chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, mà họ biết được một cách tổng quan là đời sống của họ sẽ không kết thúc một cách vô vọng trống rỗng. Chỉ khi nào tương lai chắc chắn như là một thực tại tích cực thì nó mới khả dĩ sống hiện tại nữa. Bởi vậy chúng ta có thể nói rằng Kitô Giáo không phải chỉ là “tin mừng” – là vấn đề truyền thông về một nội dung cho đến nay vẫn chưa được biết tới. Theo ngôn ngữ của mình, chúng ta có thể nói rằng sứ điệp của Kitô Giáo không phải chỉ là những gì “thông tín” ( informative) mà là những gì “thi hành” (performative). Tức Phúc Âm không phải chỉ là vấn đề thông truyền những điều có thể biết đượcPhúc Âm là những gì làm cho các sự thể xẩy ra và làm biến đổi cuộc sống. Cánh cửa tăm tối của thời gian, của tương lai, đã được bật mở. Ai biết hy vọng thì sống khác biệt; ai hy vọng thì được ban tặng một cuộc sống mới.

3.       Tuy nhiên, đến đây một vấn đề được đặt ra là: niềm hy vọng này tự bản chất thực sự chất chứa những gì là “cứu chuộc”? Nội dung của câu trả lời được tìm thấy nơi câu nói trong Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô đã được trích dẫn trên đây: Những Kitô hữu thành Êphêsô, trước khi gặp gỡ Chúa Kitô, đã sống chẳng có hy vọng gì, vì họ “không có Thiên Chúa ở trên đời này”. Việc nhận ra Thiên Chúa – Vị Thiên Chúa chân thật – tức là việc lãnh nhận niềm hy vọng. Ai luôn sống bằng quan niệm của Kitô Giáo về Thiên Chúa, và trở thành quen thuộc với nó, thì hầu như không còn nhận nhận thấy rằng chúng ta sở hữu một niềm hy vọng bắt nguồn từ một cuộc thực sự gặp gỡ vị Thiên Chúa này. Mẫu gương của một vị thánh trong thời đại của chúng ta, ở một mức độ nào đó, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của một cuộc thực sự gặp gỡ Thiên Chúa lần đầu tiên. Tôi đang nghĩ đến một người Phi Châu là Josephine Bakhita, vị được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh. Vị này được sinh ra vào khoảng năm 1869 – chính ngài cũng chẳng nhớ rõ ngày tháng – ở Darfur xứ Sudan. Vào năm 9 tuổi, ngài đã bị bắt cóc bởi thành phần buôn bán nô lệ, bị đánh đập cho tới khi xưng mình mẩy, và bị bán đi bán lại năm lần ở những khu chợ nô lệ xứ Sudan. Sau đó ngài làm nô lệ cho một người mẹ và là người vợ của một viên tướng, và ở đó, ngài đã bị quất đánh mỗi ngày cho đến khi bầm da tím thịt; hậu quả là ngài đã có 144 vết sẹo trong cả cuộc đời của ngài. Sau cùng, vào năm 1882, ngài đã được một thương gia người Ý mua cho vị lãnh sự Ý là Callisto Legnani, vị đã trở về Ý như là những Người Hùng được thăng quan tiến chức. Ở đây, sau khi gặp phải những “vị chủ nhân ông” rùng rợn đã sở hữu ngài cho tới bấy giờ, Thánh Bakhita đã nhận ra một loại “chủ nhân ông” (master) hoàn toàn khác hẳn - theo thổ ngữ Venetian là ngôn ngữ ngài đang học hỏi bấy giờ, thì ngài đã sử dụng danh xưng “paron’ cho Thiên Chúa hằng sống, Vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô. Cho đến lúc ấy ngài chỉ biết những vị chủ nhân tỏ ra khinh bỉ và đối xử tàn tệ với ngài, hay cùng lắm coi ngài là một con nô tỳ hữu dụng thôi. Thế mà, giờ đây, ngài lại nghe thấy có một “paron” còn hơn tất cả mọi vị chủ nhân ông nữa, là Chúa các chúa, và vị Chúa này là Đấng tốt lành, bản thân thiện hảo. Ngài đã tiến đến chỗ nhận ra rằng vị Chúa này thậm chí còn biết cả ngài nữa, Đấng đã dựng nên ngài – Đấng đã thực sự yêu thương ngài. Ngài cũng được yêu thương nữa, mà không phải bởi ai khác ngoài Vị “Paron” tối cao này, Đấng tất cả mọi vị chủ nhân ông khác tự mình chỉ là những người tôi tớ hèn hạ. Ngài đã được biết đến, đã được yêu thương và ngài đã được chờ đợi. Ngoài ra, vị chủ nhân ông này đã đích thân chấp nhận thân phận bị đòn vọt và giờ đây Người đang chờ đợi ngài “ở bên hữu Chúa Cha”. Thế là ngài đã có được một “niềm hy vọng” – không phải chỉ là một niềm hy vọng tầm thường trong việc kiếm được một vị chủ nhân ông ít hung dữ tàn bạo, mà là một niềm hy vọng cao cả: “Cuối cùng tôi cảm thấy được yêu thương và bất cứ điều gì xẩy ra cho mình – tôi đều mong đợi được gửi đến cho tôi từ Tình Yêu này. Nhờ đó mà đời sống của tôi trở nên tốt đẹp”. Nhờ kiến thức về niềm hy vọng này mà ngài đã “được cứu chuộc”, không còn là một kẻ nô lệ nữa, mà là một người con tự do của Thiên Chúa. Ngài đã hiểu được những gì Thánh Phaolô nói tới khi thánh nhân nhắc nhở Kitô hữu thành Êphêsô rằng trước đó họ chẳng có niềm hy vọng gì và chẳng có Thiên Chúa trên  trần gian này – thiếu hy vọng không có Thiên Chúa. Bởi thế, khi ngài sắp sửa đưa về lại Sudan, Thánh Bakhita đã cự tuyệt; ngài đã không muốn bị tách khỏi một lần nữa vị “Paron” của ngài. Vào ngày 9/1/1890, ngài đã được rửa tội và thêm sức cùng Rước Lễ lần đầu từ bàn tay của vị Giáo Chủ thành Venice. Vào ngày 8/12/1896, ngài đã tuyên  khấn trong Dòng Nữ Tu Canossian và từ đó trở đi, ngoài công việc của ngài ở phòng áo (gian đồ phụng tự) cũng như ở phòng trực của tu viện, ngài đã thực hiện  một số cuộc hành trình khắp Ý quốc để cổ động những sứ vụ: việc giải phóng mà ngài đã lãnh nhận được nhờ việc ngài gặp gỡ Vị Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, ngài cảm thấy ngài phải quảng bá, nó cần  phải được truyền đạt cho những người khác nữa, cho thật là nhiều người bao nhiêu có thể. Niềm hy vọng xuất phát nơi ngài, niềm hy vọng đã cứu chuộc ngài, ngài không thể chỉ giữ lấy cho bản thân ngài; niềm hy vọng ấy cần phải vươn tới nhiều người khác nữa, tới hết mọi người.