THÔNG ĐIỆP SPE SALVI
của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
gửi Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín Hữu Giáo Dân
về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
“Những Khung Cảnh” để học và thực hành hy vọng
I- Cầu nguyện như là một học đường của niềm hy vọng
32- Khung cản h thiết yếu đầu tiên để học hy vọng đó là cầu nguyện. Khi không có ai lắng nghe tôi nữa thì Thiên Chúa vẫn lắng nghe tôi. Khi tôi không còn nói với bất cứ một ai hay không thể kêu gọi bất cứ người nào, tôi vẫn có thể nói với Thiên Chúa. Khi không càn một người nào giúp tôi giải quyết nhu cầu hay niềm mong đợi vượt khả năng trần gian đối với niềm hy vọng thì Ngài là Đấng có thể trợ giúp tôi (25). Khi tôi chìm ngập trong tình trạng hoàn toàn cô quạnh…; nếu tôi biết cầu nguyện tôi sẽ không hoàn toàn lẻ loi. Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một tù nhân 13 năm, 9 năm sống trong nơi biệt giam, đã để lại cho chúng ta một cuốn sách nhỏ quí giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong 13 năm trong tù, ở một tình trạng dường như hoàn toàn vô vọng, sự kiện mà ngài có thể nghe và nói cùng Thiên Chúa đối với ngài đã trở thành một quyền lực hy vọng gia tăng, một quyền lực giúp ngài, sau khi được thả ra, có thể trở thành một chứng nhân của niềm hy vọng cho dân chúng khắp nơi trên thế giới – niềm hy vọng cao cả không tàn phai ngay cả trong những đêm tăm tối cô quạnh.
33- Thánh Âu Quốc Tinh, trong bài giảng về Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, đã diễn tả một cách tuyệt vời mối liên hệ thân mật giữa việc cầu nguyện và niềm hy vọng. Con người được dựng nên cho sự cao cả - cho chính Thiên Chúa; họ được dựng nên để được tràn đầy Thiên Chúa. Thế nhưng trái tim của họ lại quá nhỏ bé cho sự cao cả họ được dựng nên để chiếm đạt. Nó cần phải được nở rộng. “Bằng việc trì hoãn (tặng ân của mình), Thiên Chúa làm cho ước muốn của chúng ta nên mãnh liệt; nhờ ước muốn Ngài nới rộng linh hồn của chúng ta và bằng việc nới rộng nó, Ngài gia tăng khả năng của nó (cho việc lãnh nhận Ngài)”. Thánh Âu Quốc Tinh đã đề cập tới Thánh Phaolô, vị nói về bản thân mình như vươn tới những gì sẽ tới (x Phil 3:13). Đoạn ngài sử dụng một hình ảnh rất đẹp để diễn tả tiến trình nới rộng và sửa soạn cho cõi lòng của con người ấy. “Chẳng hạn Thiên Chúa muốn làm cho anh chị em đầy những mật ong (một biểu hiệu cho sự dịu dàng và lòng thiện hảo của Thiên Chúa); nhưng anh chị em lại đầy những dấm chua thì anh chị em đựng mật ong ở chỗ nào chứ?” Bình đựng này, tức là cõi lòng của anh chị em, trước hết cần phải được mở rộng và sau đó được nên sạch, khỏi thứ dấm chua cùng với mùi vị của nó. Điều này đòi phải vất vả và đớn đau, thế nhưng chỉ nhờ có thế chúng ta mới trở nên xứng hợp với những gì chúng ta được dựng nên để chiếm đạt (26). Cho dù Thánh Âu Quốc Tinh trực tiếp nói đến khả năng của chúng ta đối với Thiên Chúa thôi, vấn đề vẫn hiển nhiên là nhờ nỗ lực này mà chúng ta được thoát khỏi dấm chua cùng với vị dấm, chúng ta chẳng những được trở nên tự do cho Thiên Chúa mà chúng ta còn hướng cả về người khác nữa. Chỉ khi nào trở thành con cái của Thiên Chúa cúng ta mới có thể ở với Vị Cha chung của chúng ta. Cầu nguyện không phải là việc bước ra ngoài lịch sử và thu mình vào một xó hạnh phúc riêng tư nào. Nếu chúng ta cầu nguyện một cách thích hợp thì chúng ta trải qua một tiến trình của việc thanh tẩy nội tâm hướng chúng ta về Thiên Chúa và nhờ đó về anh chị em đồng loại của chúng ta nữa. Trong nguyện cầu chúng ta cần phải biết những gì chúng ta thực sự có thể xin với Thiên Chúa – những gì xứng đáng với Thiên Chúa. Chúng ta cần phải biết rằng chúng ta không thể nào cầu nguyện phạm đến người khác. Chúng ta cần phải biết rằng chúng ta không thể xin cho được những điều nông cạn và dễ chịu cúng ta ước muốn vào lúc này – một thứ hy vọng hao gầy lệch lạc đẩy chúng ta xa khỏi Thiên Chúa. Chúng ta cần phải thanh tẩy những ước muốn của chúng ta và các niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta cần phải giải thoát chúng ta khỏi những thứ giả dối do chính chúng ta tự lừa đảo mình. Thiên Chúa thấy rõ chúng và khi chúng tar a trước nhan Chúa cả chúng ta nữa cũng buộc phải nhìn nhận chúng. Thánh Vịnh gia nguyện cầu rằng “thế nhưng ai có thể nhận ra được các lỗi lầm của mình đây? Xin hãy làm cho con thấy rõ những lỗi lầm thầm kín” (19:12 [18:13]). Việc tôi không nhìn nhận lỗi lầm của mình, cái ảo tưởng về tình trạng vô tội của tôi, không biện minh cho tôi và không cứu được tôi, vì tôi là kẻ đáng khiển trách về tình trạng tê liệt lương tâm của tôi và về việc bất lực không thể nhận thấy sự dữ như thế nào trong tôi. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, có lẽ tôi cần phải tìm kiếm nương thân nơi những thứ gian dối ấy, vì không ai có thể tha thứ cho tôi; không ai là qui chuẩn đích thực cả. Tuy nhiên, việc tôi gặp gỡ Thiên Chúa làm bừng tỉnh lương tâm của tôi ở chỗ nó không còn nhắm đến việc tự bào chữa biện mình nữa, và nó cũng không còn là một phản ảnh thuần túy về tôi và về thành phần đương thời đang ảnh hưởng đến tư tưởng ý nghĩ của tôi, nhưng nó trở thành một khả năng lắng nghe chính Sự Thiện.
34. Để phát triển khả năng thanh tẩy này cho việc cầu nguyện, một đàng cần phải có một cái gì đó rất riêng tư, một cuộc gặp gỡ giữa bản thân sâu xa của tôi với Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, cần phải được liên lỉ hướng dẫn và soi dẫn bởi các kinh nguyện cao cả của Giáo Hội cũng như của các vị thánh, bởi kinh phụng vụ, những kinh nguyện Chúa luôn dạy chúng ta làm sao để cầu nguyện một cách xứng hợp. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, trong cuốn sách về linh thao của mình, đã nói với chúng ta rằng trong đời sống của ngài, có những giai đoạn dài ngài không thể cầu nguyện và ngài cứ theo các bản kinh nguyện của Giáo Hội như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và các kinh phụng vụ (27). Việc cầu nguyện bao giờ cũng cần phải bao gồm việc hòa trộn kinh nguyện chung và riêng này. Đó là cách thức chúng ta có thể nói với Thiên Chúa và cách Thiên Chúa nói với chúng ta. Nhờ đó chúng ta trải qua những thứ thanh tẩy để chúng ta trở nên cởi mở với Thiên Chúa và chúng ta trở thành các thừa tác viên của niềm hy vọng cho người khác. Niềm hy vọng theo cảm quan Kitô giáo bao giờ cũng là niềm hy vọng cho cả kẻ khác nữa. Nó là một niềm hy vọng chủ động, niềm hy vọng chúng ta cố gắng để ngăn cản những gì tiến đến “cùng đích sai lạc”. Niềm hy vọng chủ động này còn có nghĩa là chúng ta giữ cho thế giới hướng về Thiên Chúa. Chỉ có thế nó mới tiếp tục là một niềm hy vọng thực sự của nhân loại.