THÔNG ĐIỆP SPE SALVI
của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
gửi Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín Hữu Giáo Dân
về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
“Những Khung Cảnh” để học và thực hành hy vọng
II- Hoạt động và đau khổ như những khung cảnh để học biết hy vọng
35- Tất cả mọi tác hành nghiêm chỉnh và ngay chính của con người đều là niềm hy vọng qua hành động. Điều này trước hết có nghĩa là như thế chúng ta nỗ lực để hiện thực các niềm hy vọng lớn nhỏ của chúng ta, để hoàn thành công việc này hay công việc kia cần thiết đối với cuộc hành trình bên ngoài của chúng ta, hay chúng ta hoạt động hướng tới một thế giới sáng tươi và nhân bản hơn nhờ đó mở đường cho tương lai. Tuy nhiên, các nỗ lực hằng ngày của chúng ta trong việc theo đuổi cuộc sống của mình cũng như trong việc hoạt động cho tương lai của thế giới một là làm cho chúng ta nhọc nhằn hay trở thành cuồng tín, trừ phi chúng ta được soi động bởi cái rạng ngời của một niềm hy vọng cao cả không thể bị hủy hoại ngay cả bởi những thất bại nhỏ bé hay bởi tình trạng sụp đổ nơi những vấn đề có tầm vóc lịch sử. Nếu chúng ta không thể nào hy vọng hơn những gì có thể hiệu nghiệm khả đạt vào bất cứ lúc nào, hay hơn những gì được các thẩm quyền về chính trị hay kinh tế hứa hẹn, thì đời sống của chúng ta sẽ sớm trở thành vô vọng. Rất cần phải biết rằng tôi luôn có thể tiếp tục hy vọng, thậm chí trong đời sống của mình, hay trong giai đoạn lịch sử tôi đang sống, dường như không có gì để hy vọng cả. Một niềm hy vọng thật chắc chắn duy nhất đó là đời sống của tôi và chung lịch sử, bất chấp mọi thất bại, được nắm vững bởi quyền lực bất khả hủy diệt của Tình Yêu, và quyền lực này cống hiến cho đời tôi và lịch sử ý nghĩa và tầm quan trọng, chỉ có niềm hy vọng này bấy giờ mới có thể mang lại lòng can đảm để tác hành và kiên trì. Thật sự chúng ta không thể nào “xây dựng” Vương Quốc của Thiên Chúa bằng các nỗ lực riêng của mình – những gì chúng ta xây dựng bao giờ cũng là vương quốc của con người với tất cả mọi giới hạn hợp với bản chất của con người. Vương Quốc của Thiên Chúa là một tặng ân, và chính vì thế, vương quốc này cao cả và tuyệt đẹp, và tạo nên tác động đáp ứng cho niềm hy vọng của chúng ta. Và chúng ta không thể nào – theo kiểu diễn tả xưa – “chiếm được” Nước Trời bằng các việc làm của chúng ta. Nước Trời bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta có thể lập công chiếm hữu, như vấn đề được yêu thương không bao giờ lại là những gì “có công”, mà bao giờ cũng là một tặng ân. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có hoàn toàn ý thức được rằng Nước Trời vượt xa những gì chúng ta có thể lập công chiếm hữu, thì vấn đề bao giờ cũng chân thật ở chỗ hành vi của chúng ta không phải là những gì vô thưởng vô phạt trước nhan Thiên Chúa và vì thế không phải là những gì trung lập đối với việc hiện lộ của lịch sử. Chúng ta có thể cởi mở bản thân mình và thế giới cho Thiên Chúa tiến vào: chúng ta có thể cởi mở trước chân lý, trước yêu thương, trước những gì là tốt lành. Đó là những gì các thánh đã làm, những vị, là “đồng nghiệp của Thiên Chúa”, đã góp phần vào ơn cứu độ của thế giới (cf. 1 Cor 3:9; 1 Th 3:2). Chúng ta có thể giải thoát cuộc đời của chúng ta và thế giới khỏi những độc dược và ô nhiễm có thể hủy diệt hiện tại và tương lai. Chúng ta có thể khám phá ra các nguồn liệu của thiên nhiên tạo vật và gìn giữ chúng tinh tuyền, nhờ đó chúng ta có thể sử dụng đúng đắn thiên nhiên tạo vật là những gì đến với chúng ta như một ân ban, theo những đòi hỏi nội tại của nó và mục đích tối hậu của nó. Điều này cũng dễ hiểu cho dù bề ngoài chúng ta chẳng đạt được gì hay dường như bất lực trước những quyền lực hận thù choáng ngợp. Bởi vậy mà một đàng các hoạt động của chúng ta làm phát sinh niềm hy vọng cho chúng ta và cho người khác, đồng thời nó cũng là niềm hy vọng cao cả được căn cứ vào những lời hứa của Thiên Chúa, niềm hy vọng mang lại lòng can đảm cho chúng ta và hướng dẫn hành động của chúng ta trong lúc thuận lợi tốt đẹp cũng như bất lợi.
36- Như tác hành, đau khổ cũng thuộc về cuộc sống loài người chúng ta. Đau khổ một phần xuất phát từ cái hạn hẹp của chúng ta, và một phần từ khối tội lỗi được chất chồng qua giòng lịch sử, và tiếp tục không ngừng gia tăng cho tới ngày nay. Chắc chắn là cúng ta cần phải làm những gì có thể để giảm bớt khổ đau: để tránh bao nhiêu có thể tình trạng khổ đau của thành phần vô tội; để giảm nhẹ đớn đau; để trợ giúp vào việc chế ngự nỗi khổ về tâm thần. Đó là những trách nhiệm thuộc về cả đức công bằng và yêu thương, và chúng đưoơc bao gồm trong số những đòi hỏi nồng cốt của đời sống Kitô giáo cũng như của hết mọi cuộc sống đích thực của loài người. Việc chống lại sự đớn đau về thể lý đã đạt được nhiều tiến bộ; tuy nhiên, những khổ đau của thành phần vô tội và tình trạng khổ đau về tâm thần dường như gia tăng trong các thập niên gần đây. Thật vậy, chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để chế ngự khổ đau, thế nhưng việc hoàn toàn loại trừ nó khỏi thế giới này lại không phải là những gì ở trong tầm tay của chúng ta. Điều này xẩy ra chỉ vì chúng ta không thể thoát được cái hạn hẹp của mình và vì không ai trong chúng ta có thể loại trừ quyền lực của sự dữ, của tội lỗi, là những gì như chúng ta thường thấy luôn là nguồn mạch của khổ đau. Chỉ duy có Thiên Chúa mới có thể làm điều ấy: chỉ có Vị Thiên Chúa đã đích thân đi vào lịch sử bằng việc làm cho mình thành người và chịu khổ trong lịch sử. Chúng ta biết rằng Vị Thiên Chúa này hiện hữu, và vì thế, quyền lực “xóa tội trần gian” (Jn 1:29) đang hiện diện trong thế giới này. Nhờ tin tưởng vào sự hiện diện của quyền lực ấy mới xuất hiện trong lịch sử niềm hy vọng chữa lành của thế giới. Tuy nhiên, nó là niềm hy vọng chưa nên trọn; niềm hy vọng mang lại cho chúng ta lòng can đảm để đặt mình vào phe của sự thiện, ngay cả trong những trường hợp dường như vô vọng, với ý thức rằng, bao lâu còn quan tâm tới giòng lịch sử ở bên ngoài thì quyền lực của tội lỗi sẽ tiếp tục trở thành một sự hiện diện kinh hãi.
37- Chúng ta hãy trở về với đề tài của chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng hạn chết khổ đau, chiến đấu chống lại nó, thế nhưng chúng ta không thể nào loại trừ nó. Khi chúng ta cố gắng tránh né đau khổ bằng việc rút lui khỏi bất cứ những gì gây thương tổn, khi chúng ta cố gắng tự châm chước cho mình nỗ lực và sự đớn đau trong việc tìm kiếm chân lý, yêu thương và sự thiện hảo, là chúng ta trôi dạt vào một đời sống trống rỗng, ở đó có thể không có đớn đau, nhưng cái cảm giác tăm tối của những gì là vô nghĩa và bỏ rơi lại càng to lớn hơn thế nữa. Không phải việc chúng ta tránh sang một bên hay đào tẩu khỏi khổ đau là chúng ta được chữa lành, trái lại, bằng việc chúng ta chấp nhận đau khổ, nhờ nó mà trưởng thành và tìm được ý nghĩa bằng mối hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng chịu đựng khổ đau bằng một tình yêu vô biên. Theo chiều hướng ấy, tôi muốn trích một đoạn từ bức thư được viết bởi vị tử đạo Việt Nam Phaolô Lê Bảo Tịnh (+ 1857) để dẫn chứng cho việc biến đổi khổ đau này bằng quyền lực của niềm hy vọng xuất phát từ đức tin. “Tôi là Phaolô, bị xích xiềng vì danh Chúa Kitô, muốn thuật lại cho anh em biết về những thử thách hằng ngày vây quanh tôi, nhờ đó anh em có thể bùng cháy tình yêu mến Thiên Chúa và hợp cùng tôi ca khen chúc tụng Ngài, vì tình Ngài xót thương cho đến muôn đời (Ps 136 [135]). Ngục tù ở đây là hình ảnh thực sự của Hỏa Ngục đời đời: những thứ hành hạ dữ dội đủ mọi loại – gông cùm, giây sắt, khóa tay – cùng với hận thù, báo oán, vu khống, tục ngôn, cãi cọ, hành ác, chửi thề, nguyền rủa, cũng như khổ ải và buồn thương. Thế nhưng Vị Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát 3 trẻ khỏi lò lửa luôn ở cùng tôi; Ngài đã giải thoát tôi khỏi những nỗi thống khổ này và làm cho chúng nên ngọt ngào, vì tình thương của Ngài muôn đời muôn kiếp. Giữa những cực hình ấy, những thứ cực hành thường làm cho kẻ khác khiếp sợ, thì nhờ ơn Chúa, tôi lại cảm thấy tràn đầy hân hoan và vui sướng, vì tôi không lẻ loi một mình – Chúa Kitô ở với tôi… Làm sao tôi có thể hằng ngày chịu đựng được cảnh thấy các vị hoàng đế, các quan chức, và thành phần hầu cận của họ lộng ngôn phạm đến thánh danh của Chúa, Ôi Chúa, Đấng ngự trên Thần Cherubim và Seraphim? (cf. Ps 80:1 [79:2]). Kìa, đám dân ngoại đạo chà đạp Thánh Giá của Chúa dưới chân! Đâu là vinh quang của Chúa? Khi con trông thấy tất cả những điều ấy, vì tình con thiết tha yêu mến Chúa, tôi thà bị xạu xé tứ chi và chết đi như một nhân chứng cho tình yêu của Chúa. Ôi Chúa, xin hãy tỏ quyền năng của Chúa ra, xin hãy cứu con, hãy nâng đỡ con, để trong nỗi hèn yếu của con, quyền năng của Chúa được tỏ hiện và được hiển vinh trước các quốc gia… Anh em thân mến, khi anh em nghe thấy tất cả những điều ấy chớ gì anh em hãy hân hoan dâng lời tạ ơn khôn cùng lên Thiên Chúa là Đấng hết mọi sự tốt lành xuất phát; xin hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, vì tình Ngài xót thương cho tới muôn đời… Tôi viết cho anh em những điều này để đức tin của anh em và của tôi được liên kết. Ở giữa cơn bão tố này, tôi tung cái neo của tôi về phía ngai tòa của Thiên Chúa, cái neo này là niềm hy vọng sống động trong cõi lòng của tôi” (28). Đây là một bức thư từ “Hỏa Ngục”. Nó cho thấy hết tất cả những gì là rùng rợn của một trại tập trung, nơi những cực hình do các tay tàn bạo giáng xuống thành phần nạn nhân của mình, được kèm theo cả sự bùng nổ của sự dữ nơi chính thành phần nạn nhân, đến độ về phần mình thành phần nạn nhân này trở thành những thứ dụng cụ một lần nữa cho cái bạo tàn của những kẻ bách hại họ. Đó thực là một bức thư từ Hỏa Ngục, thế nhưng nó cũng tỏ cho thấy sự thật của bài Thánh Vịnh là “Nếu tôi lên trời thì Ngài ở đó; nếu tôi xuống lòng đất Ngài cũng ở đó… Nếu tôi nói ‘bóng tối thật sự sẽ bao phủ tôi và đêm tối sẽ là ánh sáng của tôi’ – thì đối với Ngài chính tối tăm lại không tăm tối, và đêm lại chiếu sáng như ban ngày; tối tăm và ánh sáng như nhau” (Ps 139 [138]:8-12; cf. also Ps 23 [22]:4). Chúa Kitô đã xuống “Hỏa Ngục” và vì thế gần với những ai bị quăng vào đó, biến đổi tối tăm của họ thành ánh sáng. Đau khổ và cực hình vẫn là những gì kinh khiếp và không thể nào chịu đựng cho nổi. Tuy nhiên, ánh sao của niềm hy vọng đã mọc lên – cái neo của cõi lòng vươn lên tới chính ngai tòa của Thiên Chúa. Thay vì sự dữ bung tỏa nơi con người, thì ánh sáng lại chiếu tỏa rạng ngời: khổ đau – không ngừng là đau khổ – bất chấp mọi sự, trở thành một bản thánh ca chúc tụng.
38- Tầm mức đích thực của nhân loại được ấn định một cách thiết yếu nơi mối liên hệ với sự đau khổ và với kẻ khổ đau. Điều này thực sự là thế đối với cá nhân cũng như xã hội. Một xã hội không thể chấp nhận các phần tử đau khổ của mình và không thể giúp chia sẻ nỗi khổ đau của họ và cảm được nó bên trong bằng “lòng cảm thương” (com-passion) là một xã hội dã man và phi nhân bản. Tuy nhiên, xã hội không thể chấp nhận những phần tử khổ đau của mình và nâng đỡ họ trong những cơn thử thách của họ trừ phi chính cá nhân có thể làm như thế; hơn nữa, cá nhân này không thể chấp nhận nỗi khổ đau của kẻ khác, trừ phi chính bản thân họ có thể thấy được ý nghĩa nơi đau khổ, thấy được đường lối của việc thanh tẩy và trở thành chín chắn trưởng thành, thấy được một cuộc hành trình hy vọng. Thật vậy, để chấp nhận “kẻ khác” là người chịu khổ đau, nghĩa là tôi nhận lấy nỗi đau khổ của họ đến độ nó cũng trở thành của tôi. Vậy vì nó trở thành một nỗi khổ đau chung, cho dù, trong đó có sự hiện diện của người khác, nỗi đau khổ này được thẩm thấu bằng ánh sáng của tình yêu. Tiếng Latinh con-solatio, tức “niềm an ủi”, diễn tả điều này một cách tuyệt vời. Nó cho thấy việc ở với – being with người khác trong nỗi cô quạng lẻ loi của họ, nhờ đó không còn là nỗi quạnh hiu nữa. Ngoài ra, khả năng chấp nhận khổ đau vì sự thiện, sự thật và công lý là một tiêu chuẩn thiết yếu của nhân loại, vì nếu tình trạng phúc hạnh của tôi và sự an toàn của tôi tối hậu quan trọng hơn là sự thật và công lý thì quyền lực của kẻ mạnh sẽ thắng thế, để rồi bạo động và giả dối lên ngôi chủ trị. Sự thật và công lý cần phải đứng bên trên tình trạng thoải mái dễ chịu và phúc hạnh thể lý của tôi, bằng không chính đời sống của tôi trở thành một thứ dối trá. Cuối cùng, thậm chí cái “ưng thuận” yêu thương cũng là nguồn mạch của khổ đau, vì tình yêu bao giờ cũng đòi phải truất phế cái “tôi” của mình, một tác động tôi để cho bản thân mình bị cắt tỉa và tổn thương. Tình yêu không thể nào hiện hữu một cách giản dị mà lại thiếu sự từ bỏ bản thân đớn đau ấy, vì bằng không, nó trở thành vị kỷ thuần túy và vì vậy không còn là tình yêu.
39- Việc chịu khổ với người khác và cho người khác; việc chịu khổ vì chân lý và công lý; việc chịu khổ vì yêu và để trở thành một con người thực sự yêu thương – đó là những yếu tố nền tảng của nhân loại, và loại trừ chúng đi sẽ hủy diệt chính con người. Tuy nhiên, một lần nữa vấn đề được đặt ra là: chúng ta có thể làm được như thế hay chăng? Phải chăng người khác quan trọng đủ để bắt tôi vì họ trở thành một con người chịu khổ? Sự thật có liên hệ gì với tôi cho đáng phải chịu khổ? Phải chăng cái hứa hẹn của tình yêu cao cả đến độ có thể biện minh cho việc hiến bản thân mình của tôi? Trong lịch sử của nhân loại, chính đức tin của Kitô giáo đã lập công đặc biệt ở chỗ làm phát sinh trong con người một khả năng mới mẻ và sâu xa hơn đối với các loại khổ đau quyết liệt cho nhân tính của họ ấy. Đức tin Kitô giáo đã cho chúng ta thấy rằng chân lý, công lý và tình yêu không phải chỉ là những thứ lý tưởng, mà là những thực tại trọng đại lớn lao. Nó đã cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa – Đấng là Chân Lý và Tình Yêu – đã muốn chịu khổ cho chúng ta và với chúng ta. Thánh Bênađô Clairvaux đã nêu lên một câu diễn tả tuyệt vời: Impassibilis est Deus, sed non incompassibilis (29) – Thiên Chúa không thể nào khổ đau nhưng Ngài có thể chịu khổ đau với. Con người có giá đến độ cính Thiên Chúa đã làm người để chịu khổ với con người một cách hết sức thực sự – nơi huyết nhục – như được tỏ cho chúng ta thấy nơi trình thuật Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Bởi thế, nơi tất cả mọi đau khổ của con người, chúng ta được liên kết bởi Đấng cảm nghiệm thấy và chịu đựng cái đau khổ ấy với chúng ta; thế nên con-solatio - sự an ủi hiện diện nơi tất cả mọi đau khổ, sự an ủi của tình yêu thương cảm của Thiên Chúa – và như thế hiện lên ngôi sao của niềm hy vọng. Chắc chắn là trong nhiều nỗi đau khổ và thử thách khác nhau của mình, chúng ta bao giờ cũng cần đến cả những niềm hy vọng lớn nhỏ nữa – như một cuộc viếng thăm tử tế, việc chữa lành các thương tích bên trong và bên ngoài, việc giải quyết thuận lợi cho một cuộc khủng hoảng, v.v. Trong những cuộc thử thách nhỏ thì những thứ niềm hy vọng này thậm chí đủ rồi. Thế nhưng, ở những cuộc thử thách thực sự to lớn, lúc chúng ta cần phải thực hiện một quyết định dứt khoát trong việc đặt chân lý trước cả csự phúc hạnh của tôi, nghề nghiệp và quyền sở hữu của tôi, tôi cần đến cái vững chắc của niềm hy vọng cao cả thực sự được chúng ta đề cập đến nơi đây. Đối với cả niềm y vọng này nữa, chúng ta cũng cần đến thành phần chứng nhân – các vị tử đạo – những vị đã hoàn toàn hiến mình, nhờ đó cho chúng ta thấy được con đường tiến bước – ngày này qua ngày khác. Chúng ta cần đến các vị ấy nếu chúng ta ccoi thiện hảo hơn dễ chịu, thậm chí trong cả những việc chọn lựa nho nhỏ chúng ta hằng ngày gặp phải – biết rằng đó là cách chúng ta sống cuộc đời trọn vẹn. Chúng ta hãy lập lại một lần nữa: khả năng chịu khổ vì chân lý là tầm vóc của nhân loại. Tuy nhiên, khả năng chịu khổ này lại lệ thuộc vào thứ loại và tầm mức của niềm hy vọng chúng ta ấp ủ trong lòng và dựa vào. Các thánh nhân có thể thực hiện cuộc hành trình cao cả của cuộc sống con người theo đường lối Chúa Kitô đã thực hiện trước các vị, vì các vị được tràn ngập niềm hy vọng lớn lao vĩ đại.
40 Đến đây tôi muốn thêm một nhận định ngắn về một số những gì liên quan tới cuộc sống hằng ngày. Đã có một hình thức đạo đức – có lẽ ngày nay ít được thực hành nhưng lại rất phổ thông trước đây không lâu – một hình thức đạo đức liên quan tới ý nghĩa của “việc hiến dâng” những sự khốn khó nhỏ nhoi hằng ngày, những khốn khó tiếp tục khiến chúng ta cảm thấy như là “những châm chọc” khó chịu, để làm cho chúng có được một ý nghĩa nào đó. Dĩ nhiên, đã có một số thái quá và có lẽ những áp dụng thiếu lành mạnh về việc đạo đức này, thế nhưng chúng ta cần tự hỏi xem dầu sao lại chẳng lẽ không có một cái gì đó thiết yếu và hữu ích trong việc đạo đức này hay sao. Đâu là ý nghĩa của việc hiến dâng một điều gì đó? Những ai đã thực hành việc đạo đức này thâm tín rằng họ có thể liên kết những khó chịu nhỏ nhoi ấy với “lòng cảm thương” cao cả của Chúa Kitô, để chúng một cách nào đó được thuộc về kho tàng của lòng cảm thương hết sức cần thiết cho nhân loại. Như thế, cho dù là những bất tiện nho nhỏ của cuộc sống thường nhật cũng có thể chiếm được ý nghĩa và góp phần vào công cuộc của tình yêu nhân lành và tình yêu nhân bản. Có lẽ chính chúng ta cần phải xét xem có chí lý hay chăng trong việc làm sống lại việc thực hành này.