THÔNG ĐIỆP SPE SALVI
của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
gửi Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín Hữu Giáo Dân
về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
“Những Khung Cảnh” để học và thực hành hy vọng
III- Cuộc phán xét như là một khung cảnh để học biết và thực hành niềm hy vọng
41. Ở đoạn kết của phần chính trong Kinh Tin Kính chính của Giáo Hội – phần về mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ cuộc hạ sinh vĩnh hằng từ Cha và cuộc hạ sinh vào trần gian từ Trinh Nữ Maria, qua Thập Giá và Phục Sinh của Người đến lần đến thứ hai – chúng ta thấy có câu: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Từ những thời xa xưa nhất, viễn ảnh của Cuộc Phán Xét đã ảnh hưởng đến Kitô hữu nơi cuộc sống hằng ngày của họ như là một tiêu chuẩn để hướng dẫn đời sống hiện tại của họ, như một lời hiệu triệu cho lương tâm của họ, và đồng thời như niềm hy vọng nơi đức công minh của Thiên Chúa. Niềm tin tưởng vào Chúa Kitô không bao giờ chỉ là những gì ngoảnh cổ lại hay chỉ là những gì ngước nhìn lên, nhưng bao giờ cũng hướng tới giờ khắc của sự công chính được Chúa liên lỉ loan báo. Cái nhìn hướng tới này đã hiến cho Kitô giáo tầm vóc quan trọng của nó đối với giây phút hiện tại. Trong việc sắp xếp dàn dựng các dinh thự thánh của Kitô giáo, những dinh thự cố ý được xây dựng lên để hữu hình hóa chiều kích bao trộng về lịch sử và vũ trụ của niềm tin tưởng vào Cúa Kitô, nó trở nên quen thuộc trong việc vẽ tả việc Chúa trở lại như một đức vua – biểu hiệu của niềm hy vọng – ở góc hướng đông; trong khi bức tường phía tây thường vẽ Cuộc Phán Xét Chung như một biểu hiệu về trách nhiệm đối với đời sống của chúng ta – một cảnh có thành phần tín hữu ra đi tái diễn công việc làm thường nhật của mình. Tuy nhiên, khi hình ảnh về Cuộc Chung Thẩm được triển khai thì càng ngày càng xuất hiện những khía cạnh quái gở và kinh hoàng, những gì hiển nhiên là thu hút thành phần nghệ sĩ hơn là sự rạng ngời của niềm hy vọng, tất cả thường bị che giấu kỹ ở bên dưới những cái rùng rợn.
42- Trong kỷ nguyên tân tiến này, ý tưởng về Cuộc Chung Thẩm đã bị phôi phai mờ nhạt thành bối cảnh, ở chỗ, đức tin Kitô giáo đã bị cá nhân hóa và chính yếu hướng đến sự cứu độ cho linh hồn riêng của tín hữu, trong khi đó thì việc suy tư về lịch sử thế giới lại hầu hết bị thống trị bởi ý nghĩ về tiến bộ. Nội dung sâu xa của việc chờ đón một cuộc chung thẩm dù sao vẫn chưa biến mất, ở chỗ, nó chỉ hoàn toàn mặc lấy một hình thức khác. Chủ nghĩa vô thần của các thế kỷ 19 và 20 – theo nguyên thủy và mục đích của nó – là một loại răn bảo: một cuộc chống lại sự bất công của thế giới cũng như của lịch sử thế giới. Một thế giới bị ghi dấu quá nhiêà bởi những gì là bất công, bởi tình trạng khổ đau vô tội, và bởi cái ngạo mạn của quyền lực không thể là việc làm của một Vị Thiên Chúa tốt lành. Một Vị Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm với một thế giới như thế không phải là một Vị Thiên Chúa công minh, lại càng không phải là một Vị Thiên Chúa tốt lành. Chính vì tính cách luân lý mà Vị Thiên Chúa này cần phải được tranh đoạt. Vì không phải là Thiên Chúa tạo nên công lý, dường như là chính con người giờ đây được kêu gọi để thiết lập công lý. Nếu vì khổ đau của thế giới này vấn đề chống đối Thiên Chúa là những gì có thể hiểu được, thì việc cho rằng nhân loại có thể và cần phải làm những gì Thiên Chúa không thực sự làm hay có thể làm đều cho thấy cái tự phụ và sai lầm tự bản chất. Không phải ngẫu nhiên mà ý nghĩ này đã dẫn đến những hình thức to lớn nhất của sự hung ác và những vi phạm đến công lý; trái lại, nó bắt nguồn nơi chính cái sai lầm nội tại của chủ trương ấy. Một thế giới cần phải tạo nên công lý riêng của mình là một thế giới vô vọng. Không có một ai và không một sự gì có thể giải quyết cho các thế kỷ của đau khổ. Không có một ai và không một sự gì có thể bảo đảm rằng cái ngạo mạn này của quyền lực – bất cứ có đeo một thứ mặt nạ nào – sẽ không còn thống trị thế giới này. Đó là lý do tại sao các đại tư tưởng gia của Trường Phái Frankfurt, Max Horkheimer và Theodor W. Adorno, có những nhận định như nhau về chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hữu thần. Horkheimer đã cực lực loại trừ khả năng có thể tìm thấy được một thứ thế giới thay cho Thiên Chúa nhưng đồng thời lại phủ nhận hình ảnh về một Vị Thiên Chúa tốt lành và công chính. Căn cứ vào chiều hướng cực bảo thủ của Cựu Ước cấm đoàn về các thứ hình ảnh, ông nói tới một “niềm mong mỏi một Cái Khác hoàn toàn”, một Cái Khác vẫn là những gì bất khả đạt – một tiếng kêu vang vọng của niềm mong đợi nhắm tới lịch sử thế giới. Adorno cũng mạnh mẽ chấp nhận việc hoàn toàn phủ nhận các thứ hình ảnh là những gì tự nhiên nhắm đến chỗ loại trừ bất cứ “hình ảnh” nào về một Vị Thiên Chúa yêu thương. Ngược lại, ông cũng liên lỉ nhấn mạnh đến cái biện chứng “tiêu cực” này và chủ trương rằng công lý – thứ công lý thật – cần phải có một thế giới là “nơi chẳng những loại trừ khổ đau hiện có mà còn tháo cởi cả cái quá khứ bất khả vãn hồi nữa” (30). Tuy nhiên, để diễn tả nó một cách tích cực và vì thế đối với ông là những biểu hiệu quà quặt, thì điều ấy có nghĩa là không thể nào có công lý nếu không có sự phục sinh của kẻ chết. Tuy thế, điều ấy không cần phải liên quan tới “việc sống lại của xác thịt, một việc hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa duy tâm và lãnh giới của Thuần Túy tinh thần“ (31).
43. Kitô hữu cũng có thể và cần phải liên lỉ học từ việc ttriệt để loại trừ các thứ hình ảnh được chất chứa trong giới răn thứ nhất của Thiên Chúa (cf. Ex 20:4). Sự thật về khoa thần học tiêu cực đã được Công Đồng Latêranô Bốn nhấn mạnh, một công đồng đã minh nhiên nói rằng cho dù có lớn lao đến thế nào chăng nữa nơi tính chất giống nhau được thiết lập giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật, thì tính chất không giống nhau giữa cả hai bao giờ cũng to hơn (32). Dù sao, đối với tín hữu, việc phủ nhận loại trừ các thứ hình ảnh cho tới nay không thể nào thi hành để người ta có thể tiến đến chỗ, như Horkheimer và Adorno muốn, nói “không” với cả hai luận đề – vô thần và hữu thần. Thiên Chúa đã cống hiến cho chính mình một “hình ảnh”, đó là ở nơi Chúa Kitô là Đấng đã hóa thân làm người. Việc chối bỏ những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa đã lên đến cực điểm nơi Người, Đấng bị đóng đinh. Giờ đây Thiên Chúa mạc khải dung nhan đích thực của mình ra nơi hình ảnh của thành phần khổ đau, thành phần chia sẻ thân phận bị Thiên Chúa bỏ rơi của con người bằng việc tự gánh vác nó. Con người khổ đau vô tội này đã đạt được cái vững chắc của niềm hy vọng, đó là có một Vị Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể tạo nên công lý một cách chúng ta không thể nào quan niệm được, tuy nhiên chúng ta có thể bắt đầu nắm bắt được nó bằng đức tin. Phải, có sự phục sinh của xác thịt (33). Có công lý (34). Có một thứ “tháo cởi” niềm khổ đau quá khứ, một thứ sửa chữa giúp cho các thứ được trở nên đâu vào đó. Đó là lý do niềm tin tưởng vào Cuộc Chung Thẩm là niềm hy vọng đầu tiền và trên hết – một nhu cầu càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết ở những cuộc biến động xẩy ra trong các thế kỷ vừa qua. Tôi tin tưởng rằng vấn đề công lý là lập luận thiết yếu, hay là lập luận mạnh nhất trong bất cứ trường hợp nào, thuận lợi cho niềm tin tưởng vào sự sống đơờ đời. Nhu cầu thuần cá nhân đối với một thứ viên trọn là những gì chúng ta bị chối từ ở trong đời sống này, vì một thứ tình yêu vĩnh cửu được chúng ta đang đợi trông mới thực sự là một động lực quan trọng để tin rằng con người được dựng nên cho cõi vĩnh hằng; thế nhưng chỉ ở nơi mối liên hệ với tính chất bất khả đối với tình trạng bất công của lịch sử phải trở thành phán quyết cuối cùng cho việc cần đến cuộc trở lại của Chúa Kitô cũng như cho việc sự sống mới hoàn toàn trở nên đáng tin.
44. Nhân danh công lý để chống đối Thiên Chúa thì chẳng có lợi gì. Một thế giới phi Thiên Chúa là một thế giới vô vọng (cf. Eph 2:12). Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới là Đấng tạo nên công lý. Và đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng Ngài đã làm như thế. Hình ảnh về Cuộc Chung Thẩm thật ra không phải là một hình ảnh kinh hoàng mà là một hình ảnh hy vọng; đối với chúng ta nó thậm chí còn là hình ảnh quyết liệt của niềm hy vọng nữa. Phải chăng nó cũng là một hình ảnh hoảng sợ? Theo tôi: nó là một hình ảnh gợi lên trách nhiệm, do đó nó là một hình ảnh về một nỗi lo sợ được Thánh Hilary đã nói tới là tất cả những nỗi sợ hãi của chúng ta đều ở trong tình yêu thương (35). Thiên Chúa là Đấng công minh và tạo nên công lý. Điều này là niềm an ủi của chúng ta và là niềm hy vọng cho chúng ta. Và trong đức công minh của Ngài cũng có cả ân sủng nữa. Chúng ta biết được điều này khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Cả hai điều này – công lý và ân sủng – cần phải được thấy đúng như mối liên hệ nội tại của chúng. Ân sủng không hủy bỏ công lý. Nó không biến sai thành đúng. Nó không phải là một miếng vải ẩm ớt lau chùi sạch hết mọi sự, nhờ đó bất cứ điều gì người ta làm trên trái đất này cuôá cuùg có cùng một giá trị như nhau. Dostoevsky chẳng hạn đã đúng khi chống lại loại Thiên Đường này cũng như thứ ân sủng ấy trong cuốn tiểu thuyết The Brothers Karamazov của mình. Thành phần hành ác, cuối cùng, không ngồi chung lộn đồng bàn ở bữa tiệc vĩnh cửu bên thành phần nạn nhân của mình, như thể đã không có gì xẩy ra. Ở đây tôi muốn trích một đoạn của Plato là những gì bày tỏ cho thấy cái linh cảm về một cuộc phán xét công minh mà ở nhiều khía cạnh vẫn còn đúng với cả Kitô hữu chúng ta nữa. Cho dù sử dụng các hình ảnh có tính chất huyền thoại, ông diễn tả hết sức rõ ràng sự thật ấy, khi ông nói rằng cuối cùng các linh hồn sẽ trần truồng trước vị thẩm phán. Bất kể họ đã sống ra sao trong giòng lịch sử mà chỉ còn lại duy những gì họ là trong chân lý thôi: “Thường xẩy ra là khi vua hay một quân vương nào đó hoặc một kẻ thống trị mà vị quan án phải xét xử, ông thấy rằng không có một cái gì là tốt lành nơi tâm hồn ấy cả; ông thấy nó bị quằn quại và hằn vết những hành động khác nhau của việc thề thốt tầm bậy và việc làm sai trái…; nó bị xoắn lại và cong queo bởi những gì là dối trá và phù vân, và không có gì là ngay thẳng vì sự thật không tham dự gì vào việc phát triển của nó. Quyền lực, xa hoa, kiêu hãnh và trụy lạc trác táng đã lưu lại nơi nó đầy những gì bất cân xứng và xấu xa ghê tởm mà khi ông thanh tra nó ông tống ngay nó vào tù, nơi đến đó nó sẽ phải trải qua hình phạt thích đáng… Mặc dù là thế, đôi khi con mắt của vị thẩm phán cũng nhìn thấy một linh hồn khác đã sống một cách trong sạch và trong chân lý… thì ông tỏ ra cảm mến và cho họ tới những hải đảo hạnh phúc” (36). Trong dụ ngôn về người giầu có và Lazarô (cf Lk 16:19-31), Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta qua hình ảnh của một linh hồn bị hủy diệt bởi ngạo mạn và giầu sang, người đã tạo nên một vực thẳm không thể vượt qua giữa bản thân họ và con người người nghèo ấy; một vực thẳm không thể vượt qua của việc bị bẫy sập trong những khoái lạc vật chất; một vực thẳm không thể vượt qua của việc quên đi kẻ khác, của việc bất lực yêu thương, một tình yêu bấy giờ trở thành một cơn khát bừng bừng bất khả nguôi ngoai. Chúng ta cần phải nhận thấy rằng nơi dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nói tới số phận cuối cùng sau Cuộc Chung Thẩm, nhưng lập lại một quan niệm ở trong, inter alia, Do Thái giáo ban đầu, tức là quan niệm về một tình trạng ở ngay giữa sự chết và sự phục sinh, một tình trạng mà bản án tối hậu chưa được phán quyết.
45. Ý tưởng của Do Thái giáo lúc ban đầu này về tình trạng lưng chừng bao gồm quan niệm là những linh hồn ấy không phải chỉ ở trong một tình trạng tạm giam giữ, mà còn, như dụ ngôn của người giầu minh chứng, đã bị trừng phạt hay đang trải qua một hình thức hạnh phúc tạm thời. Cũng có ý nghĩ là tình trạng này có thể bao gồm cả việc thanh tẩy và chữa lành làm cho linh hồn trọn vẹn để hiệp thông với Thiên Chúa. Giáo Hội sơ khai đã chấp nhận những quan niệm này, và ở Giáo Hội Tây phương, những tư tưởng ấy dần dần khai triển thành tín lý về Luyện Ngục. Chúng ta không cần khảo sát ở đây những đường lối phức tạp về lịch sử của việc khai triển này; chiỏ cần hỏi nó thực sự có nghĩa là gì. Bằng cái chết, việc chọn lựa sự sống của chúng ta trở thành vĩnh viễn – đời sống của chúng ta phải trả lẽ cùng vị thẩm phán. Việc chọn lựa của chúng ta, một chọn lựa trong suốt cuộc đời mặc lấy một hình thức nào ấy, có thể có một vài hình thức. Có thể là một con người hoàn toàn hủy diệt ước muốn tìm kiếm chân lý của mình và việc sẵn sàng tỏ ra yêu thương, một con người mà mọi sự trở thành gian dối, một con người đã sống để hận thù ghen ghét và đã đè nén tất cả tình yêu trong họ. Đó là một ý nghĩ kinh hoàng, thế nhưng những hình bóng báo động về loại người này có thể được thấy nơi một số nhân vật nào đó trong lịch sử của chúng ta. Nơi con người ấy, tất cả mọi sự đều vượt ra ngoài biện pháp cứu chữa và việc hủy hoại sự thiện là những gì bất khả vãn hồi: đó là những gì chúng ta có ý nói nơi chữ Hỏa Ngục (37). Đàng khác, còn có những người lại hoàn toàn tinh tuyền, hoàn toàn được thấm nhiễm Thiên Chúa, nhờ đó hoàn toàn hướng về tha nhân của họ – con người mà đối với họ mối hiệp thông với Thiên Chúa là những gì hướng dẫn trọn vẹn con người của họ và việc họ hành trình tiến tới Thiên Chúa chỉ làm hoàn trọn những gì họ vốn là (38).
46. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, chúng ta biết rằng cả hai trường hợp trên không có một trường hợp nào là bình thường trong đời sống con người. Vì đối với đại đa số dân chúng – chúng ta cho là như thế – ở tận thâm cung con người của họ, vẫn có một hướng chiều nội tâm sâu xa về chân lý, về tình yêu, về Thiên Chúa. Tuy nhiên, nơi nhữn g chọn lựa cụ thể trong cuộc sống, cái hướng chiều này bị bao phủ bởi những thỏa hiệp hằng mới mẻ với sự dữ – nhiều thứ bẩn thỉu bao lấy cái tinh tuyền, thế nhưng cơn khát về sự tinh tuyền vẫn có đó và vẫn liên tục tái hiện từ tất cả những gì là hạ cấp và vẫn hiện diện trong linh hồn. Những gì xẩy ra cho những cá nhân ấy khi họ ra trước Vị Thẩm Phán? Phải chăng tất cả những gì là ô uế họ đã bôi bẩn cả đời họ bỗng dưng không thành vấn đề nữa hay sao? Những gì nữa sẽ xẩy ra? Thánh Phaolô, trong Thư Thứ Nhất gửi cho Côrintô, đã cống hiến cho chúng ta một ý nghĩ về tác dụng khác nhau của việc Thiên Chúa phán xét tùy theo hoàn cảnh đặc biệt của mỗi người. Thánh nhân đã làm điều này khi sử dụng những thứ hình ảnh cố gắng bày tỏ một cách nào đó cái vô hình, mà thiếu cái vô hình này chúng ta không thể nào có thể quan niệm hóa được những hình ảnh ấy – chỉ vì chúng ta không thể thấy được trong một thế giới ở bên ngoài chết chóc hay chúng ta không có kinh nghiệm về nó (26). Thánh Phaolô bắt đầu bằng việc nói rằng đời sống Kitô giáo được xây dựng trên một nền tảng chung đó là Chúa Giêsu Kitô. Nền tảng này thì bền vững. Nếu chúng ta đứng vững trên nền tảng này và xây dựng đời sống của chúng ta trên đó, chúng ta thấy rằng chúng ta không bị mất đi nền tảng ấy co dù chết chóc. Đoàn Thánh Phaolô tiếp: “Vậy nếu ai xây trên nền tảng là vàng, bạc, những thứ đá quí, gỗ, cổ khô, rơm rạ – công việc của mỗi người sẽ lộ ra; vì Ngày ấy sẽ phơi bày nó, vì nó sẽ bị tỏ lộ với lửa cháy, và lửa cháy này sẽ thử xem đâu là loại việc mỗi người đã làm. Nếu việc nào được người ta làm có nền tảng thì sẽ tồn tại, họ sẽ được tưởng thưởng. Nếu việc làm của ai bị thiêu rụi họ sẽ bị mất mát, cho dù bản thân họ có được cứu độ nhưng chỉ nhờ lửa mà thôi” (1Cor 3:12-15). Nơi đoạn thư này, rõ ràng là việc cứu độ của chúng ta có thể mặc các hình thức khác nhau, một số những gì được xây dựng có thể bị thiêu rụi, để được cứu mỗi người chúng ta cần phải qua “lửa” để hoàn toàn trở nên cởi mở trong việc lãnh nhận Thiên Chúa và có thể được ngồi vào bàn tiệc vĩnh hôn.
47. Một số nhà thần học gần đây có ý nghĩ là ngọn lửa vừa thiêu rụi vừa cứu độ đó là chính Chúa Kitô, Vị Thẩm Phán và Đấng Cứu Độ. Cuộc gặp gỡ Người là một tác động phán xét quyết liệt. Trước ánh mắt của Người, tất cả mọi lầm lạc đều tan biến. Cuộc gặp gỡ Người ấy, khi nung nấu chúng ta, biến đổi chúng ta và giải thoát chúng ta, cuộc gặp gỡ ấy giúp chúng ta có thể trở nên chính bản thân mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời sống của chúng ta có thể trở thành những gì thuần rơm rạ, toàn khoác lác và đổ nát. Tuy nhiên, trong cái đớn đau của cuộc gặp gỡ này, khi mà cái ô nhơ và bệnh hoạn của đời sống chúng ta trở thành sáng tỏ trước mắt chúng ta thì ở nơi ấy lại thấy ơn cứu độ. Ánh mắt của Người, sự va chạm của trái tim Người là những gì chữa lành chúng ta bằng một cuộc chắc chắn biến đổi đớn đau “như qua lửa”. Thế nhưng, nó lại là một cái đau diễm phúc, một cái đau được quyền lực thánh hảo của tình yêu Người nung đốt trong chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta có thể hoàn toàn trở nên chính mình, và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thế nên, mối liên hệ nội tại giữa công lý và ân sủng cũng trở thành rõ ràng: cách thức chúng ta soông cuộc đời của mình không phải là những gì vô chất thể, nhưng cái vẩn đục của chúng ta không làm dơ bẩn chúng ta mãi mãi nếu chúng ta ít là tiếp tục vươn tới Chúa Kitô, vươn tới sự thật và vươn tới tình yêu. Thật vậy, nó bao giờ cũng bị tan chảy ra bởi cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Ở vào lúc phán xét chúng ta cảm nghiệm và chúng ta hấp thụ được quyền năng thắng vượt của tình yêu Người trên tất cả mọi sự dữ ở thế giới này cũng như nơi bản thân chúng ta. Cái đau của tình yêu trở nên phần rỗi của chúng ta và niềm vui của chúng ta. Hiển nhiên là chúng ta không thể tính toán được “khoảng thời gian kéo dài” của việc nung nấu biển đổi này bằng những đo lường về niên đại của thế giới đây. “Giây phút” biến đổi của cuộc gặp gỡ này vượt trên việc tính toán thời gian trên trần thế – nó là thời gian của con tim, nó là thời gian của “cuộc vượt qua” để hiệp thông với Thiên Chúa nơi Thân Mình của Chúa Kitô (39). Phán quyết của Thiên Chúa là những gì hy vọng, vì phán quyết của Ngài vừa là công lý vừa là ân sủng. Nếu phán quyết này chỉ là ân sủng, làm cho tất cả mọi sự trần thế không thành vấn đề nữa, thì Thiên Chúa sẽ mắc nợ chúng ta câu giải đáp về công lý – một vấn đề trọng yếu được chúng ta đặt ra về lịch sử và về Thiên Chúa. Nếu phán quyết ấy chỉ là công lý thì cuối cùng nó chỉ gây ra sợ hãi cho tất cả chúng ta. Việc nhập thể của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã liên kết hết sức chặt chẽ cả hai lại với nhau – phán quyết và ân sủng – để công lý được vững vàng thiết lập, ở chỗ, tất cả chúng ta đều giải quyết về việc cứu độ của mình “một cách sợ hãi và kinh khiếp” (Phil 2:12). Tuy nhiên, ân sủng khiến cho tất cả chúng ta cảm thấy hy vọng, và tin tưởng tiến đến gặp Vị Thẩm Phán là Đấng chúng ta biết là ‘vị biện hộ” của chúng ta, hay parakletos (cf. 1Jn 2:1).
48. Một vấn đề nữa cần phải được đề cập đến ở đây, vì nó quan trọng cho việc thực hành niềm hy vọng Kitô giáo. Tư tưởng của Do Thái giáo ban đầu bao gồm tư tưởng là người ta có thể giúp cho người quá cố là thành phần đang ở trong tình trạng lưng chừng bằng lời cầu nguyện (chẳng hạn ở cuốn hai sách Macabê 12:38-45; thế kỷ thứ nhất trước Chúa Kitô giáng sinh). Việc thực hành tương đương như thế đã được Kitô hữu làm theo và trở thành thông dụng chung cho cả Giáo Hội Đông phương lẫn Tây phương. Đông phương không công nhận việc thanh tẩy và khổ đau đền bồi của các linh hồn ở đời sau, thế nhưng Đông phương quả thực công nhận có những mức độ khác nhau về hạnh phúc và về khổ đau ở tình trạng giữa vời. Tuy nhiên, các linh hồn của người quá cố có thể cảm thấy “an ủi và bồi dưỡng” nhờ Thánh Thể, lời cầu nguyện và việc làm phúc. Niềm tin tưởng rằng tình yêu có thể vươn tới đời sau, rằng có thể thực hiện việc trao đổi hỗ tương, khiến lòng mến thương của chúng ta đối với nhau tiếp tục vượt ngoài giới hạn chết chóc – đó là một niềm xác tín sâu xa của Kitô giáo qua các thời đại và ngày nay vẫn là một nguồn ủi an. Ai là người không cảm thấy cần trao chuyển cho những người yêu dấu qua đời của mình một dấu hiệu từ ái, một cử chỉ biết ơn hay thậm chí một lời xin tha thứ? Vậy một vấn đề nữa được đặt ra, đó là nếu “Luyện Ngục” chỉ là việc thanh tẩy bằng lửa trong cuộc gặp gỡ với Chúa là Vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế thì làm sao người thứ ba có thể can thiệp, cho dù họ đặc biệt gần gũi với nhau? Khi chúng ta đặt ra câu hỏi này, chúng ta cần phải nhớ lại rằng không ai là một hòn đảo, hoàn toàn tự mình. Đời sống của chúng ta có liên quan tới nhau, qua vô vàn những thứ tương tác họ vốn liên hệ với nhau. Không ai sống một mình. Không ai phạm tội một mình. Không ai được cứu một mình. Đời sống của những người khác tiếp tục tràn đổ vào đời sống của tôi: nơi những gì tôi nghĩ tưởng, nói năng, thực hiện và chiếm đạt. Ngược lại, đời sống của tôi tuôn tràn vào đời sống của những người khác: để họ nên tốt hơn hay thành tệ hơn. Bởi vậy, lời cầu nguyện của tôi cho người khác không phải là những gì dư thừa đối vơớ người đó, một cái gì bề ngoài, kể cả không phải sau khi qua đời. Trong mối liên hệ về Hưũ Thể, lòng tri ân của tôi đối với người khác – lời cầu nguyện của tôi cho họ – có thể đáng một vai trò nhỏ trong việc thanh tẩy của họ. Và vì thế không cần biến đổi thời gian trần thế thành thời gian của Thiên Chúa: trong mối hiệp thông của các linh hồn, thời gian tầm thường trần thế được thay thế. Không bao giờ quá chậm trong việc chạm tới cõi lòng của kẻ khác, hay không bao giờ nó lại luống công vô ích cả. Như thế, chúng ta làm sáng tỏ hơn nữa một yếu tố quan trọng của quan niệm Kitô giáo về niềm hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta bao giờ cũng thiết yếu là niềm hy vọng cho kẻ khác; chỉ có thế nó mới thực sự là niềm hy vọng cho cả tôi nữa (40). Là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ giới hạn mình vào vấn đề làm sao tôi có thể cứu được bản thân mình? Chúng ta cần phải hỏi rằng tôi có thể làm gì để người khác có thể được cứu và để ngôi sao hy vọng có thể mọc lên cho cả họ nữa? Như thế tôi sẽ làm hết sức mình cho cả phần rỗi của bản thân tôi nữa.