II 

VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA

 

 

"Chính ‘Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót’ được Chúa Giêsu Kitô tỏ cho thấy như là một người Cha: Chính Con Ngài đã biểu lộ Ngài và tỏ Ngài ra cho chúng ta nơi bản thân của Người” (Thông Điệp Dives in Mesericordia, đoạn 1: loc. cit., 1177). Tôi đã viết điều này ở đầu Bức Thông Điệp Dives in Misericordia của Tôi để trình bày cho thấy rằng Chúa Kitô là mạc khải và là hiện thân của lòng thương  Chúa Cha. Ơn cứu độ ở tại việc tin tưởng và chấp nhận mầu nhiệm của Chúa Cha và mầu nhiệm tình yêu của Ngài, một mầu nhiệm được biểu lộ và ban tặng một cách tự do trong Chúa Giêsu nhờ Thần Linh. Vương Quốc của Thiên Chúa đã được hoàn tất bằng cách ấy, một Vương Quốc được sửa soạn trong Cựu Ước, được trị đến nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và được Giáo Hội loan truyền cho tất cả mọi dân tộc, một Giáo Hội hoạt động và nguyện cầu cho Vương Quốc này được trọn vẹn và vĩnh viễn trị đến.

 

Cựu Ước chứng thực là Thiên Chúa đã tuyển chọn và thành hình một dân tộc cho Ngài, để mạc khải và thực thi dự án yêu thương của Ngài. Thế nhưng, đồng thời Thiên Chúa cũng là Đấng Hóa Công và là Cha của tất cả mọi dân tộc; Ngài chăm lo và cung ứng cho họ, trải rộng phúc lành của Ngài cho tất cả mọi dân nước (x. Gen 12:3); Ngài đã thiết lập giao ước với họ tất cả (x.Gen 9:1-17). Dân Yến Duyên cảm nhận được một vị Thiên Chúa cá thể và cứu độ (x. Dt 4:37, 7:6-8; Is 43:1-7), và đã trở nên nhân chứng và phát ngôn viên của Ngài cho các dân tộc. Trong giòng lịch sử của mình, dân Yến Duyên đã nhận thức rằng, việc họ được tuyển chọn có một ý nghĩa phổ quát (chẳng hạn xem Is 2:2-5, 25:6-8, 60:1-6; Jer 3:17, 16:19).

 

Chúa Kitô hiện thực Vương Quốc Thiên Chúa

 

13-       Chúa Giêsu Nazarét đã làm cho dự án của Thiên Chúa nên trọn. Sau khi nhận được Thánh Linh lúc chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ ơn gọi thiên sai của mình: Người đi khắp Galilêa “rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa mà nói: ‘Thời điểm đã trọn, Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn thống hối và hãy tin vào Phúc Âm” (Mk 1:14-15; x. Mt 4:17; Lk 4:43). Việc loan báo và thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa là mục tiêu đối với sứ mệnh của Người: “Tôi được sai đến là vì mục đích này” (Lk 4:43). Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chúa Giêsu còn là chính “Tin Mừng” nữa, như Người tuyên bố ngay khi mở màn cho sứ vụ của Người ở hội đường Nazarét, lúc Người áp dụng vào mình những lời của tiên tri Isaia về Đấng Được Xức Dầu do Thần Linh Chúa sai đi (x. Lk 4:14-21). Vì “Tin Mừng” là Chúa Kitô, nên giữa sứ điệp và sứ giả, giữa lời nói, việc làm và con người chỉ là một. Quyền năng của Người, cái bí mật hiệu năng nơi các hoạt động của Người, có được là do Người hoàn toàn đống nhất với sứ điệp Người loan báo: Người loan báo “Tin Mừng” không phải bằng những gì Người nói hay làm, mà ở chỗ Người là.

 

Tác vụ của Chúa Giêsu đã được trình thuật theo diễn tiến của những cuộc Người hành trình tại quê hương xứ sở của Người. Trước Phục Sinh, sứ vụ của Người nhắm vào dân Yến-Duyên. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy một yếu tố mới hết sức quan trọng. Thực tại cánh chung không tiêu biểu cho một “tận thế” xa vời, mà đã sát cận và hoạt động giữa chúng ta rồi. Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến (x. Mk 1:15); việc vương quốc này trị đến đã được nguyện xin (x. Mt 6:10); đức tin có thể thoáng thấy được rằng vương quốc ấy đã hoạt động nơi các dấu hiệu như phép lạ (x. Mt 11:4-5) và trừ quỉ (x. Mt 12:25-28), trong việc chọn 12 Vị (x. Mk 3:13-19), cũng như trong việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (x. Lk 4:18). Việc Chúa Giêsu gặp gỡ Dân Ngoại cho thấy rõ ràng là vấn đề được vào Vương Quốc Thiên Chúa là do đức tin và do việc cải thiện đời sống (x. Mk 1:15), chứ không phải chỉ căn cứ vào chủng tộc.

 

Vương Quốc được Chúa Giêsu khai mở là Vương Quốc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải vị Thiên Chúa này là ai, Đấng mà Người thân thưa bằng một lời thân tình “Abba”, Cha (x. Mk 14:36). Thiên Chúa, như được mạc khải đặc biệt qua các dụ ngôn (x. Lk 15:3-32; Mt 20:1-16), nhậy cảm trước những nhu cầu và khổ đau của mọi người: Người là một Người Cha đầy yêu thương và thương cảm, Đấng ban ơn tha thứ và tự ý ban phát các ơn con người cầu xin cùng Ngài.

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Bởi thế, mọi người đều được mời gọi “hối cải” và “tin tưởng” vào tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ phát triển ở chỗ mọi người biết trở về cùng Thiên Chúa trong nguyện cầu thân thiết với Ngài như một Người Cha (x. Lk 11:2; Mt 23:9) và nỗ lực để làm theo ý của Ngài (x. Mt 7:21).

 

Những Đặc Tính và Đòi Hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa

 

14-       Chúa Giêsu dần dần mạc khải cho thấy những đặc tính và đòi hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa, bằng lời Người nói, việc Người làm và bản thân của Người.

 

Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến toàn thể nhân loại, và tất cả mọi dân tộc đều được kêu gọi trở nên công dân của vương quốc này. Để nhấn mạnh đến sự kiện ấy, Chúa Giêsu đã đặc biệt đến gần những ai sống bên lề xã hội, và tỏ ra ưu ái loan truyền Tin Mừng cho họ. Khi bắt đầu mở màn cho tác vụ của mình, Người đã công bố rằng, Người được “xức dầu... để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó” (Lk 4:18). Đối với tất cả những ai là nạn nhân bị  ruồng bỏ và khinh miệt, Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho người nghèo các con” (Lk 6:20). Hơn thế nữa, Người còn cho những người ấy cảm nghiệm thấy họ được giải phóng ngay lúc bấy giờ, bằng việc Người ở gần họ, đến ăn uống tại nhà của họ (x Lk 5:30, 15:2), đối xử với họ ngang vai với mình và như bạn hữu của mình (x. Lk 7:34), khiến cho họ cảm thấy họ được Thiên Chúa yêu thương, nhờ đó, Người tỏ cho họ thấy việc Thiên Chúa dịu dàng chăm sóc thành phần nghèo khó và tội nhân (x Lk 15:1-32).

Việc giải phóng và ơn cứu độ từ Vương Quốc của Thiên Chúa đến với con người theo cả chiều kích thể lý cũng như tâm linh. Có hai cử chỉ nói lên đặc tính nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, đó là chữa lành và tha thứ. Nhiều vụ chữa lành của Chúa Giêsu tỏ cho thấy rõ ràng lòng Người hết sức thương cảm đối với tình trạng thảm não của con người, nhưng chúng cũng nói lên rằng, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ không còn bệnh tật hay khổ đau, và sứ vụ của Người, ngay từ ban đầu, là giải phóng con người khỏi những sự dữ ấy. Đối với Chúa Giêsu, các vụ chữa lành còn là dấu hiệu cứu độ về tâm linh nữa, tức là dấu hiệu của việc giải phóng khỏi tội lỗi. Bằng việc chữa lành, Người mời gọi con người tin tưởng, hoán cải và xin ơn tha thứ (x. Lk 5:24). Một khi đã tin tưởng, thì việc chữa lành lại là một thôi thúc tiến xa hơn nữa: nó dẫn đến ơn cứu độ (x. Lk 18:42-43). Những vụ giải thoát cho khỏi bị quỉ ám – là sự dữ trên hết và là biểu hiệu cho tội lỗi cũng như cho việc phản chống Thiên Chúa – là những dấu hiệu thật sự cho thấy “Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến với các người” (Mt 12:28).

 

15-       Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối liên hệ loài người; Vương Quốc này dần dần phát triển ở chỗ con người từ từ biết yêu thương, tha thứ và phục vụ nhau. Chúa Giêsu tóm tắt cả Lề Luật bằng việc tập trung vào giới răn yêu thương (x. Mt 22:34-40; Lk 10:25-28): “Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 13:34, x.15:12). Tình Chúa Giêsu yêu thương nhân loại được bộc lộ đến tuyệt đỉnh ở chỗ Người hiến mạng sống mình vì nhân loại (x. Jn 15:13), một tình yêu cho thấy Chúa Cha yêu thương thế gian (x. Jn 3:16). Bởi thế, bản chất của Vương Quốc Thiên Chúa là một bản chất hiệp thông tất cả loài người – hiệp thông với nhau cũng như với Thiên Chúa.

 

Vương Quốc của Thiên Chúa là một mối bận tâm của mọi người: cá nhân, xã hội và thế giới. Hoạt động cho Vương Quốc này tức là nhìn nhận và đề cao hoạt động của Thiên Chúa đang hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Vương Quốc này tức là hoạt động để giải phóng con người khỏi tất cả mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, Vương Quốc của Thiên Chúa là trọn vẹn dự án cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và hiện thực.

 

Nơi Chúa Kitô Vương Quốc Thiên Chúa

được Hoàn Tất và Loan Báo

 

16-       Bằng việc phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, và nơi Chúa Giêsu, Ngài đã vĩnh viễn mở màn cho Vương Quốc của Ngài. Trong cuộc sống trần gian của mình, Chúa Giêsu là Vị Tiên Tri của Vương Quốc này; sau cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên, Người thông dự vào quyền lực của Thiên Chúa cũng như vào quyền thống trị thế gian với Thiên Chúa (x. Mt 28:18; Acts 2:36; Eph 1:18-21). Cuộc Phục Sinh làm cho sứ điệp của Chúa Kitô, hành động của Người, cũng như toàn thể sứ vụ của Người có một chiều hướng phổ quát đại đồng. Các môn đệ của Người nhận ra rằng, Vương Quốc của Thiên Chúa đã hiện diện nơi con người Chúa Giêsu, và đang từ từ được thiết lập trong con người cũng như trong thế giới qua mối giây liên kết mầu nhiệm với Người. 

 

Thật vậy, sau Cuộc Phục Sinh, các môn đệ của Chúa Kitô đã rao giảng Vương Quốc này bằng việc loan truyền Chúa Giêsu Tử Giá và Phục Sinh từ trong cõi chết. Ở Samaria, Thánh Philiphê “đã rao giảng tin mừng về Vương Quốc của Thiên Chúa và danh của Chúa Giêsu Kitô” (Acts 8:12). Ở Rôma, chúng ta thấy Thánh Phaolô “rao giảng Vương Quốc của Thiên Chúa và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô” (Acts 28:31). Các Kitô hữu tiên khởi cũng loan báo về “Vương Quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa” (Eph 5:5; x. Rev 11:15, 12:10), hay về “Vương Quốc của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta” (1Pt 1:11). Việc giảng dạy của Giáo Hội sơ khai tập trung vào việc loan truyền về Chúa Giêsu Kitô là Đấng được đồng hóa với Vương Quốc Thiên Chúa. Bởi thế cho nên cần phải liên kết việc loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa (nội dung của “lời rao giảng tiên khởi” của Chúa Giêsu) với việc loan báo biến cố về Chúa Kitô (“lời rao giảng tiên khởi” của các Tông Đồ) với nhau. Hai việc loan báo này bổ xung cho nhau; làm cho nhau nên sáng tỏ.

 

Vương Quốc Thiên Chúa

Liên Hệ với Chúa Kitô và Giáo Hội

 

17-       Ngày nay người ta hay nói đến Vương Quốc này, nhưng không luôn luôn theo chiều hướng thiên về việc nghĩ đến Giáo Hội. Thật vậy, có những ý nghĩ về ơn cứu độ và về việc truyền giáo, có thể được gọi là “đặt trọng tâm vào nhân loại học”, đã làm giảm mất ý nghĩa của từ ngữ, vì những ý nghĩ ấy chú trọng đến những nhu cầu trần thế. Theo quan điểm này, Vương Quốc của Thiên Chúa có khuynh hướng trở thành một điều gì đó hoàn toàn nhân bản và tục hóa; cái có giá trị chỉ là những dự án và việc đấu tranh giải phóng về phương diện kinh tế xã hội, chính trị và ngay cả văn hóa trong chiều hướng dính liền với siêu việt tính. Cả ở mức độ này đi nữa, người ta cũng thấy được rằng có những giá trị được đề cao, tuy nhiên, quan niệm ấy vẫn nằm trong phạm trù của một vương quốc nhân loại, thiếu mất các chiều kích chuyên chính và sâu xa của nó. Một quan niệm như vậy sẽ dễ dàng biến thành một quan niệm thiên về ý thức hệ thuần túy trong lãnh vực tiến bộ trần thế. Trong khi đó, Vương Quốc của Thiên Chúa lại “không thuộc về thế gian này... không bởi thế gian này” (Jn 18:36).

 

Cũng có những quan niệm cố ý nhấn mạnh đến Vương Quốc này và cho thấy đó là những quan niệm lấy “Vương Quốc của Thiên Chúa làm chính”. Họ chú trọng tới hình ảnh của một Giáo Hội không quan tâm gì đến bản thân mình, mà chỉ hoàn toàn lo việc làm chứng và phụng sự Vương Quốc này. Đó là một “Giáo Hội sống cho người khác”, giống như Chúa Kitô là “con người sống cho kẻ khác” vậy. Công việc của Giáo Hội, theo họ cho thấy, như thể đã tiến theo hai chiều hướng: một chiều hướng đề cao những giá trị về Vương Quốc của Thiên Chúa”, như hòa bình, công lý, tự do, tình huynh đệ v.v., còn chiều hướng kia là việc phát động vấn đề đối thoại giữa các dân tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhờ việc làm cho nhau nên phong phú này, những giá trị ấy có thể giúp vào việc canh tân thế giới và giúp cho thế giới tiến đến gần Vương Quốc của Thiên Chúa hơn nữa.

 

Song song với những khía cạnh tích cực, những quan niệm này cũng thường để lộ ra cho thấy cả những khía cạnh tiêu cực nữa. Khía cạnh tiêu cực thứ nhất, đó là việc họ không nói gì đến Chúa Kitô hết: Vương Quốc họ nói đến được căn cứ “chủ yếu theo thần học”, bởi vì, theo họ, Đức Kitô là Đấng không thể nào hiểu nổi đối với những người thiếu đức tin Kitô giáo, trong khi đó, các dân tộc khác, các nền văn hóa khác và các tôn giáo khác lại có thể gặp nhau nơi cùng một thực tại thần linh duy nhất, được gọi bằng một danh xưng nào đó. Cùng một lý do ấy, họ nhấn thật mạnh đến mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm được phản ảnh nơi tính cách đa diện của các văn hóa và niềm tin, trong khi đó, họ không đếm xỉa gì tới mầu nhiệm cứu chuộc cả. Ngoài ra, theo họ hiểu, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa, vai trò của Giáo Hội không có là bao nhiêu, hay chẳng có giá trị gì mấy so với “khuynh hướng lấy giáo hội làm chính” xưa kia, đối với họ, chính Giáo Hội chỉ là một dấu chỉ, mà đã là một dấu chỉ thì không thể nào tránh khỏi tính cách mập mờ.

 

18-       Đó không phải là Vương Quốc của Thiên Chúa như Mạc Khải đã tỏ cho chúng ta biết. Vương Quốc này không thể nào tách lìa với Chúa Kitô hay với Giáo Hội.

 

Như đã nói tới, Chúa Kitô chẳng những loan báo về Vương Quốc này, mà chính Vương Quốc này còn được thể hiện và nên trọn nơi Người nữa. Điều này xẩy ra chẳng những qua lời Người nói và việc Người làm: “Trên hết, ... Vương Quốc này được biểu lộ nơi chính con người của Đức Kitô, Con Thiên Chúa cũng là Con Người, Đấng đến ‘để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mk 10:45)” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 5). Vương Quốc của Thiên Chúa không phải là một quan niệm, một tín lý hay là một hoạch định muốn cắt nghĩa sao cũng được, mà trước hết là một con người, dưới dung nhan và danh xưng Giêsu Nazarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 22). Nếu Vương Quốc này tách khỏi Chúa Giêsu sẽ không còn là Vương Quốc của Thiên Chúa như Người mạc khải nữa. Hậu quả sẽ là việc làm mất đi ý nghĩa về Vương Quốc này, một vương quốc có thể bị biến đổi thành mục tiêu thuần nhân loại hay mục tiêu theo ý thức hệ, và hậu quả cũng còn là hình ảnh méo mó về căn tính của Chúa Kitô, Đấng không còn là Vị Chúa một ngày kia sẽ làm chủ tất cả mọi sự nữa (x. 1Cor 15:27).

 

Cũng thế, người ta không được phép tách Vương Quốc Thiên Chúa khỏi Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội không phải là cùng đích của chính mình, vì Giáo Hội phải hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa mà Giáo Hội là hạt mầm, là dấu chỉ và là dụng cụ. Tuy nhiên, dù biệt lập khỏi Chúa Kitô và Vương Quốc này, Giáo Hội cũng phải liên kết bất khả phân ly với cả Chúa Kitô và Vương Quốc Thiên Chúa. Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội là Thân Thể của Người tất cả các ơn ích và phương tiện cứu độ. Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội, làm cho Giáo Hội sống động bằng các tặng ân và đặc sủng của Ngài, thánh hóa, dẫn dắt và không ngừng canh tân Giáo Hội (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 4). Bởi thế mới có một mối liên hệ duy nhất và đặc biệt, trong đó bao gồm cả tác động của Chúa Kitô và của Thần Linh thực hiện ở bên ngoài giới hạn hữu hình của Giáo Hội, mối liên hệ làm cho Giáo Hội đóng một vai trò chuyên biệt và cần thiết; vì mối liên hệ đặc biệt với Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như với Vương Quốc của Chúa Kitô này mà Giáo Hội có “sứ mệnh loan truyền và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như  Vương Quốc của Chúa Kitô nơi mọi dân nước” (ibid. 5).

 

19-       Thực tại của Vương Quốc này phải được hiểu theo quan điểm toàn diện ấy. Vương Quốc của Thiên Chúa chắn chắn cần phải đề cao các giá trị nhân bản cũng như những giá trị đáng gọi là “của phúc âm”, vì chúng gắn liền với “Tin Mừng”. Thế nhưng, việc đề cao hằng được Giáo Hội ôm ấp này không được tách khỏi hay phản lại với những công việc khác, như việc loan báo Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, cũng như việc thiết lập và xây dựng những cộng đồng là những gì làm hiện thực và linh hoạt hình ảnh sống động của Vương Quốc ấy. Người ta bởi thế không nên sợ bị rơi vào một hình thức “lấy giáo hội làm chính”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vị đã xác nhận có “một mối liên kết sâu xa giữa Chúa Kitô, Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hóa” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 16: loc. cit., 15), cũng là vị nói rằng, Giáo Hội “không lấy chính mình làm cùng đích, mà chỉ hết lòng lo sao cho mình được hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, ở trong Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô, cũng như hoàn toàn thuộc về con người, ở giữa con người và sống cho con người” (Diễn Từ khai mạc Khóa Ba Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 14-9-1964: AAS 56 – 1964 – 810).

 

Giáo Hội Phục Vụ Vương Quốc Thiên Chúa

 

20-       Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa một cách hiệu nghiệm và cụ thể. Điều này được thấy đặc biệt nơi việc Giáo Hội giảng dạy, đó là lời mời gọi cải hối. Việc rao giảng là việc đầu tiên và căn bản Giáo Hội làm để Vương Quốc này được trị đến nơi cá nhân cũng như nơi xã hội loài người. Ơn cứu độ cánh chung được bắt đầu ngay từ bây giờ ở nơi sự sống mới trong Chúa Kitô: “Những ai tin tưởng vào Người, những ai tin vào danh Người thì Người ban cho họ khả năng trở nên con cái của Thiên Chúa” (Jn 1:12).

 

Giáo Hội bởi thế mới phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa, bằng việc thiết lập các cộng đồng và đặt nền móng cho các Giáo Hội tân lập riêng, cũng như bằng việc hướng dẫn các Giáo Hội mới này tới một đức tin và đức ái trưởng thành hướng đến người khác, trong việc phục vụ cá nhân cùng xã hội, và trong việc hiểu biết cùng tôn trọng những cơ cấu tổ chức của loài người.

 

Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc lan truyền khắp thế giới “các giá trị Phúc Âm”, là biểu hiện Vương Quốc này và là những gì giúp cho con người chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Thực tại sơ khởi về Vương Quốc Thiên Chúa thật sự cũng có thể được thấy bên ngoài giới hạn của Giáo Hội, ở các dân tộc khắp nơi, qua việc họ sống “các giá trị Phúc Âm” và cởi mở trước hoạt động của Thần Linh, Đấng thổi lúc nào và ở đâu tùy ý của Ngài (x. Jn 3:8). Thế nhưng, phải nói ngay là, chiều kích tạm thời này của Vương Quốc Thiên Chúa vẫn bất toàn cho tới khi được liên hệ với Vương Quốc của Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội và vươn tới tầm mức viên trọn cánh chung (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntandi, đoạn 34: loc. cit., 28).

 

Nhiều chiều kích của Vương Quốc Thiên Chúa (xem Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Các Đề Tài Giáo Hội Học Chọn Lọc vào Dịp Kỷ Niệm 20 Năm Kết Thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 7-12-1985, đoạn 10: “The Eschatological Character of the Church: Kingdom and Church”) cũng không làm suy yếu các nền tảng và mục đích của hoạt động truyền giáo, trái lại, còn làm kiên cường và nới rộng các hoạt động này nữa. Giáo Hội là một bí tích cứu độ của toàn thể nhân loại, và hoạt động của Giáo Hội không chỉ hạn hẹp nơi thành phần chấp nhận sứ điệp của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội là một năng động trong việc nhân loại hành trình tiến về chung cuộc của Vương Quốc Thiên Chúa, là dấu chỉ và là cổ động viên cho các giá trị Phúc Âm (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 39). Giáo Hội đóng góp vào việc loài người lữ hành trở về cùng dự án của Thiên Chúa qua chứng từ của mình, cũng như qua các hoạt động, như đối thoại, đề cao nhân bản, dấn thân cho công lý và hòa bình, cho việc giáo dục con người và việc chăm sóc bệnh nhân, cho việc trợ giúp người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, khi thực hiện những hoạt động này, Giáo Hội bao giờ cũng đặt ưu tiên cho những thực tại siêu việt và linh thiêng là những cơ bản của việc cứu độ cánh chung.

 

Sau hết, Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc chuyển cầu của mình, vì Vương Quốc này, tự bản chất, là tặng ân và là việc làm của Thiên Chúa, như các dụ ngôn trong Phúc Âm cũng như lời kinh Chúa Giêsu dạy nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải cầu xin cho được Vương Quốc này, đón nhận Vương Quốc này và làm cho Vương Quốc này lớn lên trong chúng ta; thế nhưng, chúng ta cũng phải cùng nhau hoạt động để Vương Quốc này được đón nhận và phát triển nơi tất cả mọi dân nước, cho đến lúc Chúa Kitô “trao về cho Thiên Chúa là Cha Vương Quốc này” để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cor 15:24,28).