III
THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO
"Vào lúc tuyệt đỉnh sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng tất cả chủ thể thần linh của mình: như là một Đấng đang tiếp tục công việc cứu độ được bắt đầu nơi hy tế Thập Giá. Thực ra, Chúa Giêsu đã trao phó cho loài người công việc này, tức cho các vị Tông Đồ, cho Giáo Hội. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân siêu việt và chính yếu nơi các Vị và qua các Vị trong vấn đề hoàn thành công việc ấy, trong tâm linh nhân loại cũng như trong lịch sử thế giới” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem – ngày 18/5/1986 – đoạn 42: AAS 78 – 1986 – 857).
Chúa Thánh Thần thực sự là tác nhân chính yếu cho toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Tác động của Ngài nổi bật trong việc truyền giáo ad gentes, như chúng ta đã thấy nơi Giáo Hội sơ khai: như trường hợp trở lại của gia đình Cornêliô (x. Acts 10), trường hợp giải quyết các rắc rối xẩy ra (x. Acts 15), trường hợp chọn lựa các vùng cũng như các dân để truyền bá phúc âm hóa (x. Acts 16:6ff). Thần Linh đã làm việc qua các Vị Tông Đồ, thế nhưng, Ngài cũng đồng thời tác động cả nơi những ai nghe các Vị nói nữa: “Nhờ tác động của Ngài, Tin Mừng được hình thành nơi tâm trí con người và được lan truyền qua giòng lịch sử. Chính Thánh Linh là Đấng ban sự sống đã làm việc này” (Ibid., đoạn 64: loc. cit., 892).
Được Sai Đi “Đến Tận Cùng Trái Đất”
22- Tất cả các Thánh Ký, khi trình thuật về việc Chúa Kitô Phục Sinh gặp gỡ các Tông Đồ của Người, đều kết luận bằng một “lệnh truyền giáo”: “Thày được toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ nơi mọi dân nước, ... này đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:18-20; x. Mk. 16:15-18; Lk 24:46-49; Jn 20:21-23).
Đó là một việc sai Thần Linh đến, như rõ ràng thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan: Chúa Kitô đã sai những người của mình vào thế gian, như Cha đã sai Người, bởi vậy mà Người đã ban Thần Linh cho các vị. Về phần mình, Thánh Luca nối kết chặt chẽ giữa việc các Vị Tông Đồ phải làm chứng cho Chúa Kitô với hoạt động của Thần Linh, Đấng giúp các vị hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo mà các vị đã lãnh nhận.
23- Những câu Phúc Âm khác nhau về “lệnh truyền giáo” đều chất chứa những yếu tố chung cũng như những đặc tính thích hợp với nhau. Tuy nhiên, có hai yếu tố ở trong tất cả các câu Phúc Âm này. Yếu tố thứ nhất, có một chiều kích phổ quát đại đồng nơi công việc được trao phó cho các Vị Tông Đồ, thành phần được sai đến với “tất cả mọi dân nước” (Mt 28:19); được sai “đi khắp thế giới ... cho mọi tạo vật” (Mk 16:15); được sai đến với “mọi dân nước” (Lk 24:47); “cho tới tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Yếu tố thứ hai, đó là lời Chúa bảo đảm với các Vị Tông Đồ rằng các Vị sẽ không đơn độc làm việc này một mình, song các Vị sẽ nhận được sức mạnh và phương tiện cần thiết để thực hiện sứ vụ của các Vị. Điều muốn nói đến ở đây là việc hiện diện và quyền năng của Thần Linh cùng với ơn trợ giúp của chính Chúa Giêsu: “Thế rồi các Vị ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng làm việc với các Vị” (Mk 16:20).
Đối với những điểm nhấn mạnh khác nhau nơi mỗi bản văn Phúc Âm, Thánh Marcô cho thấy truyền giáo như là việc loan báo hay là việc rao giảng tiên khởi: “Các con hãy rao giảng Phúc Âm” (Mk 16:15). Mục đích của Người là dẫn thính giả đến việc lập lại lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô: “Thày là Đức Kitô” (Mk 8:29), cũng như đến việc tuyên xưng như viên đại đội trưởng Rôma khi đứng trước thân xác của Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Người này thực là Con Thiên Chúa!” (Mk 15:39). Nơi Phúc Âm Thánh Mathêu, việc truyền giáo được đặt nặng trên nền tảng Giáo Hội và căn cứ vào Giáo Huấn của Giáo Hội (x. Mt 28:19-20; 16:18). Theo Người, lệnh truyền giáo nói lên rằng việc loan truyền Phúc Âm cần phải được hoàn tất bằng việc đặc biệt dạy giáo lý về giáo hội và về các bí tích. Nơi Phúc Âm Thánh Luca, việc truyền giáo được cho thấy như là một việc làm chứng (x. Lk 24:48; Acts 1:8), đặc biệt làm chứng cho Biến Cố Phục Sinh (x. Acts 1:22). Nhà truyền giáo được mời gọi tin tưởng vào quyền năng biến đổi của Phúc Âm, cũng như được mời gọi để loan báo điều Thánh Luca trình bày rất khéo, đó là loan báo việc trở về với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, một cảm nghiệm thấy mình hoàn toàn được giải phóng khỏi căn gốc của mọi sự dữ là tội lỗi.
Thánh Gioan là Thánh Ký duy nhất minh nhiên nói về “lệnh truyền”, một chữ tương đương với “sứ vụ”. Thánh Ký trực tiếp liên kết sứ vụ Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người với sứ vụ chính Người đã lãnh nhận từ Cha: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Khi thân thưa cùng Cha của mình, Chúa Giêsu nói: “Như Cha đã sai Con vào thế gian thế nào, Con cũng sai họ vào thế giới như vậy” (Jn 17:18). Tất cả ý nghĩa về việc truyền giáo nơi Phúc Âm Thánh Gioan đều được diễn tả trong “lời cầu tư tế”: “Sự sống đời đời là thế này, đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Jn 17:3). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là giúp cho con người được thông phần vào mối hiệp thông giữa Cha và Con. Các môn đệ phải sống hiệp nhất với nhau, khi ở lại trong Cha và Con, để làm cho thế giới nhận biết và tin tưởng (x. Jn 17:21-23). Đây là một bản văn về truyền giáo rất quan trọng. Bản văn này làm cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta là các nhà truyền giáo trước hết bởi cái chúng ta là, là một Giáo Hội với sự sống nội tại hiệp nhất trong yêu thương, ngay trước cả khi chúng ta trở nên những nhà truyền giáo bằng lời nói hay việc làm.
Vì thế, bốn Phúc Âm đều làm chứng cho thấy tính cách đa dạng nào đó trong mối hiệp nhất căn bản của cùng một sứ vụ, một tính cách đa dạng phản ảnh những cảm nghiệm và trường hợp khác nhau nơi các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Tính cách đa dạng này cũng là kết quả bởi lực đẩy của chính Thần Linh; tính cách đa dạng này khuyến khích chúng ta chú trọng tới những gì khác nhau nơi các đặc sủng truyền giáo cũng như tới những gì khác nhau nơi các hoàn cảnh và dân tộc. Tuy nhiên, Thánh Ký nào cũng nhấn mạnh là sứ vụ của các môn đệ là sứ vụ cộng tác vào sứ vụ của Chúa Kitô: “Này đây Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20). Thế nên, việc truyền giáo không do bởi khả năng của con người mà do bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh.
Thần Linh Hướng Dẫn Việc Truyền Giáo của Giáo Hội
24- Sứ vụ của Giáo Hội, giống như sứ vụ của Chúa Kitô, là việc của Thiên Chúa làm, hay như Thánh Luca thường nói, là việc của Thần Linh làm. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên, các Vị Tông Đồ cảm thấy có một mãnh lực làm biến đổi các vị, đó là cảm nghiệm Thánh Thần Hiện Xuống. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống làm cho các vị trở thành những chứng nhân và tiên tri (x. Acts 1:8, 2:17-18). Biến cố này khiến cho các vị đầy những dũng lực can trường, thúc đẩy các vị truyền sang cho các người khác cảm nghiệm của mình về Chúa Giêsu và về niềm hy vọng kích động các vị. Thần Linh ban cho các vị khả năng làm chứng cho Chúa Giêsu một cách “kiên cường” (chữ Hy Lạp “parrhesia” cũng có nghĩa là nhiệt liệt hay hăng say; xem Acts 2:29, 4:13,29,31, 9:27-28, 13:46, 14:3, 18:26, 19:8,26, 28:31).
Khi những nhà truyền bá phúc âm hóa tiên khởi từ Giêrusalem ra đi, thì Thần Linh lại càng trở thành một “vị chỉ đạo”, giúp họ chọn lựa về thành phần họ phải đi tới và cả những nơi họ cần phải thực hiện cuộc hành trình của mình. Hoạt động của Thần Linh được biểu lộ đặc biệt nơi tác lực thúc đẩy để thực hiện việc truyền giáo, một việc truyền giáo, theo lời của Chúa Kitô, trải rộng từ Giêrusalem đến khắp Giuđêa và Samaria, cho tới tận cùng trái đất.
Sách Tông Vụ ghi nhận sáu bản tóm tắt về “những bài diễn giảng truyền giáo” được ngỏ cùng các người Do Thái trong thời gian Giáo Hội phôi thai (x. Acts 2:22-39, 3:12-26, 4:9-12, 5:29-32, 10:34-43, 13:16-41). Những bài giảng mẫu này được Thánh Phêrô và Phaolô phát ngôn, loan báo Chúa Giêsu và mời gọi những người nghe hãy “cải hối”, tức là mời gọi họ hãy lấy đức tin chấp nhận Chúa Giêsu và hãy để cho Thần Linh biến đổi họ trong Người.
Thánh Phaolô và Banabê được Thần Linh thúc đẩy đi đến với Dân Ngoại (x. Acts 13:46-48), một việc phát triển không phải là không có những căng thẳng và rắc rối. Làm sao những người Dân Ngoại này có thể sống niềm tin của mình vào Chúa Giêsu được? Họ có buộc phải tuân giữ các truyền thống Giuđa và luật cắt bì chăng? Ở Công Đồng Chung đầu tiên, một công đồng qui tụ những phần tử từ các Giáo Hội khác nhau lại họp với các Vị Tông Đồ ở Giêrusalem, vấn đề đã được giải quyết, một giải quyết được công nhận do Thần Linh soi sáng, đó là quyết định Dân Ngoại không cần phải giữ Luật Do Thái để trở thành Kitô hữu (x. Acts 15:5-11,28). Từ đó trở đi, Giáo Hội mở cửa ra, trở thành nhà cho tất cả mọi người được vào, một nhà ai cũng cảm thấy thân tình, trong khi đó họ vẫn sống theo văn hóa và những tập tục riêng của họ, nếu những điều này không trái với Phúc Âm.
25- Các nhà truyền giáo tiếp tục đi con đường này, ở chỗ để ý đến các niềm hy vọng và ước mong của con người, để ý tới nỗi buồn thương và đau khổ của họ, cũng như đến văn hóa của họ, để loan báo cho họ ơn cứu độ nơi Chúa Kitô. Những bài diễn giảng ở Lystra và Nhã Điển (x. Acts 14:15-17, 17:22-31) được công nhận như những mẫu rao giảng đối với việc truyền bá phúc âm hóa cho Dân Ngoại. Trong hai bài diễn giảng này, Thánh Phaolô đi vào vấn đề “đối thoại” với các giá trị về văn hóa và tôn giáo của các dân nước khác nhau. Đối với dân Lycaoniô, một dân theo đạo thiên nhiên, thánh nhân chia sẻ các cảm nghiệm liên quan đến vũ trụ vạn vật. Đối với những người Hy Lạp, thánh nhân bàn đến triết lý và trích dẫn lời các thi sĩ của họ nói (x. Acts 17:18,26-28). Vị Thiên Chúa Thánh Phaolô muốn tỏ cho thấy đã hiện diện nơi đời sống của họ; thật vậy, Vị Thiên Chúa này đã tạo dựng nên họ và đang mầu nhiệm hướng dẫn các quốc gia và lịch sử. Thế nhưng, nếu họ nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật ấy, họ phải loại trừ các thần giả tạo do họ làm nên, và phải hướng về Đấng được Thiên Chúa sai đến để chữa trị tình trạng vô tri của họ cũng như để làm thỏa nguyện các ước vọng của cõi lòng họ. Đó là những bài diễn giảng mẫu mực cho việc Phúc Âm hội nhập văn hóa.
Theo Thần Linh thúc đẩy, đức tin Kitô giáo cuối cùng đã hướng tới các “dân nước”. Chứng từ cho Chúa Kitô vươn tới những trung tâm quan trọng nhất ở vùng phía đông Địa Trung Hải rồi tới Rôma cũng như tới các miền xa ở Phía Tây. Chính Thần Linh là nguồn mạch thúc đẩy thực hiện một cuộc truyền giáo thực sự đại đồng này, chẳng những về địa dư mà còn vượt ra ngoài cả chủng tộc và tôn giáo.
Thánh Linh Khiến Toàn Thể Giáo Hội
Thành Truyền Giáo
26- Thần Linh đưa nhóm tín hữu đến việc “thành lập một cộng đồng”, trở thành một Giáo Hội. Sau bài giảng tiên khởi của Thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần làm cho nhiều người trở lại thì việc thành hình một cộng đồng đầu tiên đã xẩy ra (x. Acts 2:42-47, 4:32-35).
Một trong những mục đích chính của việc truyền giáo đó là qui tụ người ta lại với nhau trong việc nghe lời Phúc Âm, trong mối hiệp thông huynh đệ, trong nguyện cầu và trong việc cử hành Thánh Thể. Sống trong “mối hiệp thông huynh đệ” (koinonia) tức là trở nên “một lòng một trí” (Acts 4:32), bằng cách kiến tạo mối thông giao ở mọi quan điểm về nhân bản, tâm linh và thể chất. Thật vậy, một cộng đồng Kitô giáo đích thực cũng thực hiện cả việc phân phối các sản vật trần thế nữa, để không ai bị túng thiếu, và để tất cả có thể nhận được những sản vật này “tùy theo nhu cầu của mình” (x. Acts 2:45, 4:35). Các cộng đồng đầu tiên, được cấu tạo nên bởi “các tấm lòng hân hoan và quảng đại” (Acts 2:46), đều là các cộng đồng cởi mở và truyền giáo, ở chỗ họ được “thiện cảm với mọi người” (Acts 2:47). Ngay trước khi bắt tay vào việc thì truyền giáo đã có nghĩa là làm chứng và là lối sống sáng soi cho người khác rồi vậy (Xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41-42: loc. cit., 31-33).
27- Sách Tông Vụ cho thấy là việc truyền giáo, một việc trước hết hướng đến dân Yến-Duyên, rồi sau đó mới tới Dân Ngoại, được phát triển ở nhiều cấp độ. Trước hết và trên hết là nhóm 12 Vị do Thánh Phêrô lãnh đạo như một khối duy nhất để loan truyền Phúc Âm. Rồi tới một cộng đồng tín hữu, theo cách sống và hoạt động của mình, làm chứng cho Chúa và hoán cải Dân Ngoại (x. Acts 2:46-47). Sau đó có những nhóm sứ giả đặc biệt được sai đi loan truyền Phúc Âm. Bởi thế, cộng đồng Kitô hữu ở Antiôkia mới sai các phần tử của mình đi truyền giáo; đang khi ăn chay, cầu nguyện và cử hành Thánh Thể, cộng đồng nhận ra Thần Linh đã chọn “sai đi” (x. Acts 13:1-4) Phaolô và Banabê. Thế nên, theo nguồn gốc của mình, truyền giáo được coi như là một việc dấn thân của cộng đồng, một trách nhiệm của Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội cần đến “các nhà truyền giáo” để tiến tới những giới tuyến mới. Sánh vai với những người được sai đi còn có những người khác nữa, thành phần làm chứng một cách tự nhiên cho sự sống mới, một sự sống đã biến đổi cuộc đời của họ, cũng là thành phần sau này tạo nên mối liên kết giữa các cộng đồng đang nẩy nở với Giáo Hội Tông Truyền.
Việc đọc Sách Tông Vụ giúp chúng ta nhận ra là, ở vào thuở ban đầu của Giáo Hội, việc truyền giáo ad gentes, trong khi có những nhà truyền giáo hiến “cả đời sống” cho ơn gọi đặc biệt này, thì thật sự đã được coi là hoa trái tự nhiên của đời sống Kitô hữu, một hoa trái mà mọi tín hữu phải thực hiện bằng chứng từ của tác hành cá nhân, cũng như bằng việc loan truyền Phúc Âm khi nào có thể.
Thần Linh Hiện Diện và Sinh Động
ở Mọi Nơi và Mọi Lúc
28- Thần Linh tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo Hội cũng như nơi các phần thể của Giáo Hội. Tuy nhiên, việc hiện diện và hoạt động của Ngài có tính cách phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874f). Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại rằng, Thần Linh đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những “hạt giống Lời Chúa”, được thể hiện nơi những khởi động của con người – bao gồm cả những khởi động về tôn giáo – cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 11, 15; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93).
Thần Linh ban cho loài người “ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng ơn gọi cao cả nhất của mình”; nhờ Thần Linh, “bằng đức tin, nhân loại đạt tới viêïc chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm của dự án Thiên Chúa”; thật vậy, “chúng ta buộc phải tin rằng Thánh Linh ban cho mọi người cơ hội để được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách chỉ có Thiên Chúa biết” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10, 15, 22). Giáo Hội “biết rằng nhân loại được Thần Linh Thiên Chúa liên tục khơi động và vì thế không bao giờ lại hoàn toàn dửng dưng với các vấn đề tôn giáo”, và “con người bao giờ ... cũng muốn biết được cái ý nghĩa của đời sống, hoạt động và cái chết của mình” (Ibid. đoạn 41). Như thế, Thần Linh ở ngay chính nguồn gốc của việc con người vấn nạn về cuộc sống và tôn giáo của họ, một việc vấn nạn có những lúc nổi lên không phải chỉ bởi các trường hợp liên quan đến chúng gây ra mà còn bởi chính cấu trúc nơi con người của họ” (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 875f).
Việc Thần Linh hiện diện và hoạt động có tác dụng chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi cả xã hội lẫn lịch sử, nơi cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo nữa. Thật thế, Thần Linh là nguồn gốc của các lý tưởng, cũng như của công việc cao quí là những gì mang lại lợi ích cho loài người trong cuộc hành trình của họ qua giòng lịch sử: “Bằng việc quan phòng khôn ngoan, Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn diễn tiến của các thời đại và canh tân bộ mặt trái đất” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 26). Chúa Kitô Phục Sinh “hiện nay đang hoạt động nơi cõi lòng con người bằng sức mạnh của Thần Linh Người, chẳng những bằng việc khơi lên ước vọng hướng đến một thế giới mai sau, mà còn làm sinh động, thanh tẩy và vững chắc những khát vọng cao quí thúc đẩy gia đình nhân loại làm cho đời sống của mình thành một đời sống nhân bản hơn và hướng toàn thể trái đất về đích điểm này” (ibid. đoạn 38, xem cả đoạn 93). Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo “các hạt giống Lời Chúa” hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 15).
29- Như thế, Thần Linh, Đấng “thổi đâu thì thổi” (x.Jn 3:8), Đấng “đã hiện diện trong thế gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 4), và là Đấng “tràn đầy thế gian, ... nắm giữ tất cả mọi sự lại với nhau (và) biết những gì phải nói” (Wis 1:7), đã mở rộng cái nhìn của chúng ta để suy nghĩ về hoạt động của Ngài ở mọi thời và mọi nơi (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874). Tôi thường nhớ đến sự việc này, một sự việc đã hướng dẫn Tôi trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các thành phần dân chúng khác nhau. Mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác phải tỏ ra một lòng tôn trọng lưỡng diện: “Tôn trọng con người, nơi việc họ cần đến những giải đáp cho các vấn đề sâu xa nhất của cuộc đời họ, và tôn trọng tác động của Thần Linh nơi con người” (Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, tại Madras, ngày 5/2/1986: AAS 78 – 1986 – 767; xem Sứ Điệp gửi Dân Chúng Á Châu, Manila, ngày 21/2/1981, 2-4: AAS 73 – 1981 – 392f; Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của Các Tôn Giáo Khác, Tokyo, ngày 24/2/1981, 3-4: Insegnamenti IV/I – 1981 – 507f). Bỏ ra ngoài những cắt nghĩa sai lạc, thì việc gặp gỡ liên tôn ở Assisi là để chứng thực cho thấy niềm xác tín của Tôi về “mọi lời cầu nguyện chân thực đều được Chúa Thánh Thần tác động, Ngài là Đấng hiện diện nhiệm mầu nơi hết mọi cõi lòng con người” (Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và ngày 22/12/1986, đoạn 11: AAS 79 – 1987 – 1089).
Cũng cùng một Vị Thần Linh này là Đấng đã hoạt động trong việc Nhập Thể và trong đời sống, trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, và là Đấng hoạt động trong Giáo Hội. Thế nên, Ngài không phải là một vị thay thế cho Chúa Kitô, cũng không phải là vị điền vào chỗ trống, đôi khi được cho là xẩy ra, giữa Chúa Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi các đạo giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16), và chỉ có thể được hiểu liên quan đến Chúa Kitô, Lời nhập thể bởi quyền năng của Thần Linh, “để như một con người toàn vẹn, Người cứu lấy tất cả loài người và qui tụ tất cả mọi sự lại với nhau” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 45; xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 876).
Ngoài ra, hoạt động phổ quát của Thần Linh cũng không được tách khỏi hoạt động riêng biệt của Ngài trong Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Thật vậy, bao giờ cũng là Thần Linh hoạt động, cả khi Ngài ban sự sống cho Giáo Hội và thúc đẩy Giáo Hội loan báo Chúa Kitô, cũng như khi Ngài gieo mầm và làm nẩy nở các tặng ân của Ngài nơi tất cả mọi người cũng như mọi dân tộc, khi hướng dẫn Giáo Hội khám phá ra những tặng ân ấy, nuôi dưỡng những tặng ân ấy và tiếp nhận bằng việc đối thoại. Mọi hình thức hiện diện của Thần Linh phải được đón nhận với lòng tôn kính và tri ân, song Giáo Hội có trách nhiệm trong việc nhận thức về việc hiện diện này, một trách nhiệm được Chúa Kitô ban Thần Linh của Người cho để dẫn dắt Giáo Hội vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).
Hoạt Động Truyền Giáo Mới Chỉ Bắt Đầu
30- Thời đại của chúng ta đây, theo đà nhân loại đang tiến triển và không ngừng tìm kiếm, cần phải có một cuộc phục hưng hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Những chân trời và cơ hội truyền giáo đang rộng mở hơn bao giờ hết, Kitô hữu chúng ta được kêu gọi can đảm làm việc tông đồ bằng lòng tin tưởng nơi Thần Linh. Ngài là tác nhân chính của việc truyền giáo!
Lịch sử nhân loại đã cho thấy có nhiều khúc quanh chính đã kích thích việc dấn thân truyền giáo, và Giáo Hội, được Thần Linh dẫn dắt, đã luôn luôn hết mình đáp ứng tại những khúc quanh này một cách khôn ngoan. Không thiếu gì những thành quả đã gặt hái được. Cách đây không lâu, chúng ta đã mừng kỷ niệm một ngàn năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa của dân Rus’ và dân Slav, nay chúng ta lại đang sửa soạn cử hành để mừng kỷ niệm năm trăm năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa Mỹ Châu. Cũng thế, chúng ta vừa tưởng niệm một trăm năm của công việc truyền bá đầu tiên tại một số quốc gia ở Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu. Ngày nay Giáo Hội phải đương đầu với các thách đố khác và tiến tới những giới tuyến mới, cả về việc truyền giáo ban đầu ad gentes cũng như về việc tân truyền bá phúc âm hóa cho những dân nước đã nghe loan truyền về Chúa Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, cả Giáo Hội riêng cũng như Giáo Hội hoàn vũ, đều được kêu gọi có cùng một lòng dũng cảm đã phấn khích các nhà truyền giáo trong quá khứ, và có cùng một tấm lòng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Linh.