VIII
LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO
Hoạt động truyền giáo đòi phải có một linh đạo đặc biệt, một linh đạo áp dụng riêng cho tất cả những ai được Thiên Chúa kêu gọi để trở thành những nhà truyền giáo.
Được Thần Linh Dẫn Dắt
Linh đạo này trước hết được thể hiện nơi một đời sống hoàn toàn dễ dạy đối với Thần Linh. Thần Linh sẽ uốn nắn đời sống được chúng ta phó thác cho Ngài, để nhờ đó chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Kitô mà lại không phản chiếu hình ảnh của Người, một hình ảnh được làm cho sống động trong chúng ta, nhờ ân sủng và quyền năng của Thần Linh. Như thế, tấm lòng dễ dạy này làm cho chúng ta nhận được các ơn mạnh bạo và khôn ngoan là những yếu tố thiết yếu cho linh đạo truyền giáo.
Điển hình cho linh đạo này là gương của các vị Tông Đồ trong đời sống công khai của Chúa Kitô. Mặc dù các vị yêu mến Người và quảng đại đáp lại lời Người kêu gọi, các vị vẫn tỏ ra cho thấy các vị không thể nào hiểu được những lời của Người và tỏ ra lưỡng lự theo Người trên con đường khổ đau và hèn hạ. Thần Linh đã biến đổi các vị thành những chứng nhân can trường của Chúa Kitô, cũng như thành những con người khôn ngoan loan truyền lời của Chúa Kitô. Chính Thần Linh là Đấng đã hướng dẫn các vị qua khó khăn thử thách và theo những đường lối mới của việc truyền giáo.
Ngày nay, cũng như trong quá khứ, việc truyền giáo vẫn gặp khó khăn thử thách và phức tạp, đòi phải có lòng can đảm và ánh sáng của Thần Linh. Chúng ta thường cảm nghiệm thấy tình trạng thảm thương của cộng đồng Kitô giáo tiên khởi, một cộng đồng đã chứng kiến thấy những lực lượng không chịu tin tưởng và hận thù “hợp nhau chống lại Chúa và Đấng Xức Dầu của Ngài” (Acts 4:26). Giờ đây, cũng như hồi ấy, chúng ta phải cầu nguyện để Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng mạnh dạn rao giảng Phúc Âm; chúng ta phải chú ý tới những đường lối nhiệm mầu của Thần Linh và để cho Ngài dẫn dắt mình vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).
Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, “Đấng được sai đi”
88- Một đặc tính thiết yếu của linh đạo truyền giáo là sống hiệp thông thân mật với Chúa Kitô. Chúng ta không thể hiểu biết và thi hành việc truyền giáo được, trừ phi chúng ta đối chiếu nó với Chúa Kitô là Đấng đã được sai đi truyền bá phúc âm hóa. Thánh Phaolô đã diễn tả thái độ của Chúa Kitô như sau: “Tác hành của anh em phải giống như của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mặc dù mang danh phận là Thiên Chúa song cũng không cho mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã hủy mình ra hư không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như con người. Và trong hình dạng làm người, Người đã tự hạ và đã vâng lời cho đến chết, cho dù có phải chết trên Thập Giá” (Phil 2:5-8).
Như thế, Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc được cho thấy như là một việc hoàn toàn tự hư không hóa bản thân mình, nhờ đó Chúa Kitô có thể sống trọn vẹn thân phận con người, trong việc chấp nhận làm theo tất cả dự án của Cha. Cuộc tự hủy bản thân mình ra hư không này là một cuộc tự hủy bản thân mình chan hòa những yêu thương và nói lên lòng yêu thương. Việc truyền giáo đi theo cùng một đường lối như vậy, và là việc truyền giáo dẫn đến chân Thập Giá.
Nhà truyền giáo cần phải “từ bỏ chính mình và mọi sự cho đến bấy giờ họ cho là của mình, để làm cho mình nên mọi sự cho mọi người” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 24). Họ làm điều này bằng một đức khó nghèo khiến họ thanh thoát sống cho Phúc Âm, bằng việc thắng vượt lòng dính bén với con người cũng như sự vật bao quanh họ, để họ có thể trở nên anh chị em cho những ai họ được sai tới và nhờ đó họ mang Chúa Kitô Cứu Thế đến cho những người đó. Đó là mục tiêu của linh đạo truyền giáo: “Đối với người yếu đuối tôi trở nên người yếu đuối...; tôi trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách có thể cứu được một số nào đó. Tôi làm tất cả những điều này là vì Phúc Âm...” (1Cor 9:22-23).
Chính vì được “sai” mà nhà truyền giáo nghiệm thấy sự hiện diện an ủi của Chúa Kitô, Đấng ở với họ mọi giây phút trong cuộc sống – “Đừng sợ... vì Ta ở với con” (Acts 18:9-10) – và là Đấng chờ đợi họ nơi cõi lòng của mọi người.
Yêu Mến Giáo Hội và Nhân Loại như Chúa Kitô
89- Linh đạo truyền giáo cũng được đánh dấu bằng đức ái tông đồ, đức ái của Chúa Kitô, Đấng đã đến “để tụ họp con cái Thiên Chúa bị phân tán khắp nơi về một mối” (Jn 11:52), đức ái của Vị Mục Tử Nhân Lành biết chiên của mình, tìm kiếm chúng và hiến mạng sống mình cho chúng (x. Jn 10). Những ai có tinh thần truyền giáo cảm thấy tình yêu khát khao các linh hồn của Chúa Kitô và tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội.
Nhà truyền giáo bị thôi thúc bởi “lòng nhiệt thành đối với các linh hồn”, một lòng nhiệt thành do đức ái của Chúa Kitô thúc đẩy, dưới hình thức quan tâm, dịu dàng, thương cảm, cởi mở, sẵn sàng và chú trọng tới các vấn đề của con người. Tình yêu của Chúa Kitô rất sâu xa: Ngài là Đấng “biết những gì nơi con người” (Jn 2:25), đã yêu thương mọi người bằng việc hiến cho họ ơn cứu chuộc và chịu đựng khổ đau khi bị ruồng bỏ.
Nhà truyền giáo là một con người của đức ái. Để loan truyền cho tất cả mọi anh chị em của mình là những người anh chị em ấy được Thiên Chúa yêu thương và có khả năng yêu thương, nhà truyền giáo phải chứng tỏ tình yêu đối với tất cả mọi người, bằng việc hiến cuộc sống mình cho tha nhân. Nhà truyền giáo là “anh chị em của hết mọi người”, khi mang nơi bản thân mình tinh thần của Giáo Hội, tấm lòng cởi mở và nỗi quan tâm của Giáo Hội đối với tất cả mọi dân tộc và mọi người, nhất là đối với những anh chị em thấp kém và nghèo hèn nhất. Sống như vậy, nhà truyền giáo mới thắng vượt được những trở ngại và phân rẽ về chủng tộc, giai cấp hay ý thức hệ. Nhà truyền giáo là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa trên thế giới này – một tình yêu không phân biệt hay thiên vị.
Sau hết, như Chúa Kitô, nhà truyền giáo phải yêu mến Giáo Hội: “Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mạng sống mình cho Giáo Hội” (Eph 5:25). Tình yêu thương này, cho đến độ hiến mạng sống mình, là đích điểm họ nhắm đến. Chỉ có tình yêu sâu xa đối với Giáo Hội mới có thể bảo trì lòng nhiệt thành của nhà truyền giáo mà thôi. Cái thôi thúc hằng ngày của nhà truyền giáo, như Thánh Phaolô nói, đó là “mối quan tâm lo cho tất cả mọi Giáo Hội” (2Cor 11:28). Đối với hết mọi nhà truyền giáo, “lòng trung thành với Chúa Kitô không thể nào tách lìa khỏi lòng trung thành với Giáo Hội” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống của Các Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 14).
Nhà Thừa Sai Đích Thực là Một Vị Thánh
90- Ơn gọi hoạt động truyền giáo, tự bản chất của mình, là một ơn gọi phát xuất từ ơn gọi nên thánh. Một nhà truyền giáo thực sự như vậy chỉ khi nào họ dấn thân sống theo con đường thánh thiện: “Thánh Thiện phải được gọi là một tiên quyết căn bản và là một điều kiện không thể thay thế đối với mọi người trong việc hoàn tất sứ mệnh cứu độ trong Giáo Hội” (Tông Huấn Christifideles Laici, 17: loc. cit., 419).
Ơn gọi phổ quát nên thánh gắn liền với ơn gọi phổ quát truyền giáo. Mọi phần tử tín hữu đều được kêu gọi nên thánh và truyền giáo. Đây là điều Công Đồng hết sức tha thiết ước mong, một Công Đồng hy vọng có thể “soi sáng cho tất cả mọi dân nước bằng ánh quang của Chúa Kitô, một ánh quang phát tỏa trên khuôn mặt của Giáo Hội, bằng việc rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 1). Linh đạo truyền giáo của Giáo Hội là một cuộc hành trình tiến đến sự thánh thiện.
Việc canh tân động lực cho việc truyền giáo ad gentes đòi phải có những nhà truyền giáo thánh đức. Việc cập nhật hóa những kỹ thuật mục vụ, tổ chức và điều hành các nguồn lực của giáo hội, hay nghiên cứu sâu xa vào nền tảng thánh kinh và thần học về đức tin, cũng chưa đủ. Điều cần là lòng phấn khởi cho “việc hăng say nên thánh” mới mẻ nơi các nhà truyền giáo, cũng như nơi khắp các cộng đồng Kitô giáo, đặc biệt nơi những ai làm việc gần gũi nhất với các nhà truyền giáo (xem Bài Diễn Từ ở Cuộc Họp CELAM, tại Port-au-Prince, ngày 9/3/1983: AAS 75 năm 1983, 771-779; Bài Giảng Khai Mạc cho “Novena of Years” do CELAM phat động, Santo Domingo, ngày 12/10/1984: Insegnamenti VII/2 năm 1984, 885-897).
Anh Chị Em thân mến: chúng ta hãy nhớ đến lòng nhiệt thành truyền giáo của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Bất chấp phương tiện di chuyển và truyền thông hạn hẹp vào những thời ấy, việc loan truyền Phúc Âm vẫn nhanh chóng tiến đến tận cùng trái đất. Đó là tôn giáo của một Con Người chết trên thập giá, của “một viên đá vấp phạm cho người Do Thái và ngu xuẩn cho Dân Ngoại” (1Cor 1:23)! Bên dưới cái năng động truyền giáo này chính là đời sống thánh thiện của các Kitô hữu và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi vậy.
91- Thế nên, Tôi muốn ngỏ lời với những phần tử mới được rửa tội nơi các cộng đồng trẻ cũng như nơi các Giáo Hội trẻ. Hôm nay, các con là niềm hy vọng của Giáo Hội hai ngàn tuổi của chúng ta đây: là con người trẻ trung về đức tin, các con phải như những Kitô hữu tiên khởi, chiếu tỏa nhiệt tình và lòng can đảm, trong việc quảng đại hiến thân cho Thiên Chúa và tha nhân. Tóm lại, các con phải dấn thân trên con đường thánh thiện. Chỉ có thế các con mới là dấu chứng của Thiên Chúa trên thế giới này, và mới làm sống lại nơi quê hương xứ sở của các con truyền sử của Giáo Hội sơ khai. Các con cũng mới là men tinh thần truyền giáo cho các Giáo Hội lâu đời.
Về phần mình, các nhà truyền giáo phải phản chiếu tặng ân được mời gọi của mình nơi nhiệm vụ nên thánh cần phải có nơi họ, phải lập lại trong tâm trí mỗi ngày, và cố gắng cập nhật hóa việc huấn luyện về tín lý cũng như về mục vụ. Nhà truyền giáo phải là một “nhà chiêm niệm trong hoạt động”. Họ tìm thấy những giải đáp cho các vấn đề theo ánh sáng của lời Chúa, cũng như trong lời cầu nguyện chung riêng. Việc Tôi tiếp xúc với các vị đại biểu của các truyền thống linh đạo ngoài Kitô giáo, nhất là những vị ở Á Châu, đã làm cho Tôi tin tưởng theo chiều hướng là, tương lai của việc truyền giáo phần lớn lệ thuộc vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo nếu không phải là một người chiêm niệm thì họ không thể nào loan truyền Chúa Kitô một cách khả tín được. Họ là chứng nhân cho cảm nghiệm về Thiên Chúa, và họ phải nói được như các vị Tông Đồ: “những gì chúng tôi trông thấy... liên quan đến lời sự sống, ... thì chúng tôi cũng đem loan truyền cho anh em” (1Jn 1:1-3).
Nhà truyền giáo là một người của các Phúc Đức. Trước khi sai 12 Vị đi truyền bá phúc âm hóa, Chúa Giêsu, trong “bài nói về truyền giáo” (x. Mt 10), đã dạy cho các vị biết những đường lối hoạt động truyền giáo: đó là nghèo khó, khiêm nhu, chấp nhận khổ đau và bách hại, mong ước công lý và hòa bình, đức ái – tức là, các Phúc Đức được thực hành trong đời sống tông đồ (x. Mt 5: 1-12). Khi sống các Phúc Đức, nhà truyền giáo cảm thấy và chứng tỏ cho thấy một cách cụ thể rằng, Vương Quốc của Thiên Chúa đã trị đến, và họ đã chấp nhận Vương Quốc này. Đặc tính của hết mọi cuộc sống truyền giáo chân chính đó là niềm vui nội tâm do đức tin mà có. Trong một thế giới bị quằn quại và dập dụi bởi quá nhiều rối ren, một thế giới có xu hướng bi quan, thì con người loan truyền “Tin Mừng” phải là một con người tìm được niềm hy vọng thực sự nơi Chúa Kitô.