Mở Đầu
Việc truyền giáo mà Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc đã ủy thác cho Giáo Hội cần phải hoàn tất thì còn rất xa vời. Trong lúc đệ nhị Thiên Niên kể từ khi Chúa Kitô giáng sinh sắp qua đi, tình hình nhân loại tổng quan cho thấy rằng việc truyền giáo ấy mới chỉ là bắt đầu, nên chúng ta cần phải hết sức dấn thân cho công việc này. Chính Thần Linh là Đấng thôi thúc chúng ta loan truyền các việc cao cả của Thiên Chúa: “Nếu tôi rao giảng Phúc Âm thì đâu có gì để mà tự hào. Vì đó là phận sự tôi cần phải làm. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!” (1Cor.9:16).
Tôi cảm thấy rất cần phải nhân danh toàn thể Giáo Hội lập lại tiếng kêu ấy của Thánh Phaolô. Từ đầu Giáo Triều của mình, Tôi đã muốn đi đến tận cùng thế giới để nói lên mối quan tâm truyền giáo này rồi. Việc Tôi trực tiếp gặp gỡ các người chưa nhận biết Chúa Kitô đã làm tôi càng xác tín hơn nữa về việc khẩn thiết của hoạt động truyền giáo, chủ đề của Bức Thông Điệp Tôi Tôi đang viết đây.
Công Đồng Chung Vaticanô II đã tìm cách canh tân đời sống và hoạt động của Giáo Hội theo chiều hướng cần thiết của thế giới hiện đại. Công Đồng nhấn mạnh đến “bản chất truyền giáo” của Giáo Hội, căn cứ vào việc sinh động nơi chính sứ vụ của Chúa Ba Ngôi. Bởi đó, trọng tâm của việc truyền giáo là ở chính bản tính của đời sống Kitô giáo, đồng thời nó cũng là nguồn mạch cho việc đại kết: “để tất cả họ được nên một... cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Jn.17:21).
2- Công Đồng đã gặt hái được nhiều hoa trái trong lãnh vực hoạt động truyền giáo. Hoạt động truyền giáo đã tăng tiến tại các Giáo Hội địa phương, bao gồm Giám Mục, giáo sĩ và các nhân viên làm việc tông đồ. Việc hiện diện của các cộng đồng Kitô hữu lại càng rõ ràng hơn trong sinh hoạt của các quốc gia, và việc hiệp thông giữa các Giáo Hội đã dẫn tới một cuộc trao đổi sống động những lợi ích và tặng ân thiêng liêng. Việc dấn thân của thành phần giáo dân trong việc truyền bá phúc âm hóa đang làm thay đổi sinh hoạt của giáo hội, trong khi đó, các Giáo Hội riêng lại càng mong muốn gặp gỡ các phần tử của những Giáo Hội Kitô giáo khác, cũng như của những tôn giáo khác, để đối thoại và hợp tác với họ. Nhất là đang có một ý thức mới về hoạt động truyền giáo là một vấn đề của tất cả mọi Kitô hữu, của hết mọi giáo phận và giáo xứ, của các tổ chức và đoàn thể trong Giáo Hội.
Tuy nhiên, trong “mùa xuân mới” này của Kitô giáo, vẫn còn có một khuynh hướng tiêu cực không thể phủ nhận được, một khuynh hướng khiến Tôi phải viết Văn Kiện này để phác ra cách thức thắng vượt nó. Hoạt động truyền giáo đặc biết nhắm đến “các dân nước” (ad gentes) như thể đang xìu xuống, và khuynh hướng này chắc chắn không hợp với những chiều hướng của Công Đồng, cũng như không hợp với các lời kêu gọi của Huấn Quyền sau Công Đồng. Những khó khăn cả trong lẫn ngoài đã làm suy yếu đi lực đẩy làm việc truyền giáo của Giáo Hội hướng tới các người ngoài Kitô giáo, một sự kiện cần phải được tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô quan tâm lưu ý đến. Bởi vì, động lực truyền giáo bao giờ cũng là dấu chỉ sinh động trong lịch sử của Giáo Hội thế nào, thì việc yếu kém truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng đức tin như vậy (xem ĐTC Phaolô VI, Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 1972, Insegnamenti X – 1972 – 522).
Hai mươi lăm năm sau khi Công Đồng kết thúc và phổ biến Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo Ad Gentes, mười lăm năm sau Tông Huấn Evangelii Nuntatiandi do Đức Phaolô VI ban bố, và để tiếp tục giáo huấn thuọâc huấn quyền của các vị tiền nhiệm của mình (xem Đức Bênêđíctô XV, Tông Thư Maximum Illud ngày 30-11-1919: AAS 11 – 1919, 440-455; Đức Piô XI, Thông Điệp Rerum Ecclesiae ngày 28-2-1926: AAS 18 – 1926 – 65-83; Đức Piô XII, Thông Điệp Evangelii Praecones ngày 2-6-1951: AAS 43 – 1951 – 497-528; Thông Điệp Fidei Donum ngày 21-4-1957: AAS 49 – 1957 – 225-248; Đức Gioan XXIII, Thông Điệp Peinceps Pastorum ngày 28-11-1959: AAS 51 – 1959 – 833-864), Tôi muốn kêu mời Giáo Hội hãy canh tân lại việc dấn thân truyền giáo của mình. Văn kiện này nhắm đến việc canh tân nội tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo. Vì hoạt động truyền giáo giúp vào việc canh tân Giáo Hội, vào việc làm tái sinh động đức tin cũng như căn tính Kitô giáo, và vào việc làm bừng lên lòng nhiệt thành và niềm phấn khởi mới. Đức tin được tăng cường khi đem đức tin ban phát cho kẻ khác! Chính trong khi dấn thân thực hiện việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội lại chính là lúc làm cho việc truyền bá phúc âm hóa mới mẻ của dân Kitô giáo được khởi sắc và đỡ nâng.
Thế nhưng, điều làm Tôi càng mạnh mẽ hơn nữa trong việc công bố tính cách khẩn thiết của vấn đề truyền giáo phúc âm hóa, đó là sự kiện vấn đề truyền giáo phúc âm hóa này là công việc trọng yếu Giáo Hội có thể đem cống hiến cho mọi người, cũng như cho cả loài người trong thế giới tân tiến ngày nay, một thế giới đã đạt được những thành đạt tuyệt vời, song cũng là một thế giới hình như đã mất đi cảm quan về những thực tại tối thượng và về chính việc hiện hữu của mình. Tôi đã viết trong Bức Thông Điệp đầu tiên của Tôi là, “Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc đã hoàn toàn tỏ cho con người thấy được bản thân họ... Con người muốn thấu triệt được mình... phải... đến gần Chúa Kitô... Ơn Cứu Chuộc được thực hiện nhờ Thập Giá đã hoàn toàn phục hồi cho con người phẩm vị của họ và trả lại ý nghĩa cho đời sống của họ trên thế gian này” (Redemptor Hominis –4/3/1979 – đoạn 10: AAS 71 – 1979 – 274f).
Tôi cũng còn có những lý do và mục tiêu khác nữa: đó là để đáp lại nhiều lời yêu cầu xin ban bố một văn kiện như thế này; để làm sáng tỏ những ngờ vực và mập mờ liên quan đến hoạt động truyền giáo ad gentes, cũng như để công nhận việc những anh chị em gương mẫu đã dấn thân cho hoạt động truyền giáo và tất cả những ai nâng đỡ họ; để nuôi dưỡng các ơn gọi truyền giáo; để khích lệ các thần học gia trong việc tìm tòi và quảng diễn một cách có phương pháp những khía cạnh khác nhau của hoạt động truyền giáo; để tạo nên một động lực mới mẻ cho hoạt động truyền giáo, bằng cách nuôi dưỡng việc dấn thân của các Giáo Hội riêng – nhất là những giáo hội mới được hình thành – trong việc trao đổi các thừa sai; và để bảo đảm với những người ngoài Kitô giáo, nhất là các chính quyền của các xứ sở đang có hoạt động truyền giáo rằng, tất cả những điều này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là phụng sự con người bằng việc tỏ ra cho họ tình yêu Thiên Chúa được bộc lộ nơi Chúa Giêsu Kitô.
3- Hỡi các dân tộc khắp mọi nơi, hãy mở cửa cho Chúa Kitô! Phúc Âm của Người không bao giờ làm mất đi tự do của con người, mất đi việc tôn trọng cần phải có đối với mọi nền văn hóa cũng như với bất cứ những gì tốt lành nơi mỗi một tôn giáo. Bằng việc chấp nhận Chúa Kitô là quí vị tự mở lòng mình ra cho Lời tối hậu của Thiên Chúa, cho Đấng mà trong Người Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình ra và đã chỉ cho chúng ta đường lối đến cùng Ngài.
Con số những người không biết Chúa Kitô và không thuộc về Giáo Hội tăng liên tục. Thật vậy, nó đã tăng gần như gấp đôi kể từ khi kết thúc Công Đồng. Nếu chúng ta để ý đến phần nhân loại rất đông được Chúa Cha yêu thương và sai Con Ngài đến vì họ này, thì mới thấy rõ được tính cách khẩn thiết của việc Giáo Hội truyền giáo.
Ngoài ra, thời điểm của chúng ta đây còn hiến cho Giáo Hội những cơ hội mới trong lãnh vực này: đó là cơ hội sụp đổ của những triết thuyết áp đảo và những thể chế chính trị, như chúng ta chứng kiến thấy; cơ hội thế giới mở mang ranh giới và xích lại gần gũi nhau hơn, nhờ vấn đề phát triển phương tiện truyền thông; cơ hội con người biết xác nhận các giá trị Phúc Âm, được Chúa Giêsu thể hiện trong cuộc sống của Người (như bình an, công chính, tình huynh đệ, quan tâm đến thành phần nghèo); và cơ hội phát triển của một thứ kinh tế và kỹ thuật vô hồn chỉ thúc đẩy con người tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa, về con người và về ý nghĩa của chính cuộc sống.
Thiên Chúa đang mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời nhân loại hết sức thuận lợi cho việc gieo vãi Phúc Âm. Tôi cảm thấy rằng đã đến lúc tất cả năng lực của Giáo Hội cần phải dấn thân vào một việc truyền bá phúc âm hóa mới, cũng như vào việc truyền giáo ad gentes. Không một tín hữu nào tin tưởng vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội được phép tránh né nhiệm vụ trên hết này: đó là nhiệm vụ phải loan truyền Chúa Kitô cho tất cả mọi dân nước.