Mùa Xuân Cứu Rỗi 

 

 

Thế nhưng, Mùa Xuân Cứu Rỗi này như thế nào và được sửa soạn ra sao? Nói cách khác, tiến trình thay mùa hay đổi mùa từ Mùa Đông Lịch Sử đến Mùa Xuân Cứu Rỗi sẽ diễn tiến thế nào? Mùa Đông Lịch Sử sẽ được kết thúc ra sao cho Mùa Xuân Cứu Rỗi xuất hiện, hay chỉ cần Mùa Xuân Cứu Rỗi đến thì tự nhiên Mùa Đông Lịch Sử sẽ qua đi?

 

Thật ra, tiến trình đổi mùa kỳ diệu này, đổi từ Mùa Đông Lịch Sử sang Mùa Xuân Cứu Rỗi, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi ngay từ đầu giáo triều của ngài, như ngài chia sẻ với đồng hương Ba Lan của mình ngày 16-10-1998, dịp họ sang Rôma mừng kỷ niệm 20 năm làm giáo hoàng của ngài, như sau:

 

·        “Khi Tôi bắt đầu sứ vụ thừa kế Thánh Phêrô của mình trong Giáo Hội 20 năm trước đây, Tôi đã nói: ‘Hãy mở cửa cho Chúa Kitô’. Hôm nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, những lời này lại càng đặc biệt khẩn thiết hơn… Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – những cánh cửa văn hóa, kinh tế, chính trị, gia đình, đời sống cá nhân cũng như xã hội… Việc mở cửa cho Chúa Kitô nghĩa là việc cởi mở con người mình ra cho Người cũng như cho giáo huấn của Người: để trở nên các chứng nhân cho đời sống, cho cuộc khổ nạn và tử nạn của Người. Tức là hiệp nhất với Người bằng nguyện cầu và các bí tích thánh. Không liên kết với Chúa Kitô thì tất cả mọi sự mất ý nghĩa của mình và biên giới giữa lành dữ sẽ bị mờ mịt”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 25-11-1998, trang 9, đoạn 4)

 

Nếu, về phía chung loài người, “không liên kết với Chúa Kitô thì tất cả mọi sự mất ý nghĩa của mình và biên giới giữa lành dữ sẽ bị mờ mịt”, tức nếu không “mở rộng cửa cho Chúa Kitô – những cánh cửa văn hóa, kinh tế, chính trị, gia đình, đời sống cá nhân cũng như xã hội”, Mùa Đông Lịch Sử bình thường sẽ khó lòng chấm dứt cho Mùa Xuân Cứu Rỗi xuất hiện. Thế nhưng, cũng chính vì thế giới đang sống trong Mùa Đông Lịch Sử mới cần Mùa Xuân Cứu Rỗi, tức bóng tối tự mình bao giờ cũng là bóng tối và sẽ không thể nào tự tan biến nếu ánh sáng không chiếu soi thế nào, thì chỉ cần Mùa Xuân Cứu Rỗi sang là tự nhiên Mùa Đông Lịch Sử sẽ qua đi. Phải chăng đó là ý nghĩa của lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ ngày 6-6-1998 với các vị giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dịp các ngài sang Rôma ad limina đợt 7:

 

·        Việc tân phúc âm hóa, một việc có thể làm cho thế kỷ 21 thành một mùa xuân của Phúc Âm, là một công việc đối với toàn thể Dân Chúa, thế nhưng sẽ lệ thuộc một cách quyết liệt vào thành phần tín hữu hoàn toàn nhận thức được ơn gọi rửa tội của mình và trách nhiệm mang tin mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho văn hóa và xã hội của họ… Điều kiện trước tiên cho việc tân  phúc âm hóa là việc thực sự làm chứng của Kitô hữu,  thành phần sống bởi Phúc Âm: ‘Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt con người, để họ thấy những việc lành của các con làm mà tôn vinh Cha các con là Đấng ở trên trời’ (Mt.6:15). Vì giáo dân ở ngay tuyến đầu của công cuộc Giáo Hội truyền bá phúc âm cho tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt trần thế – gồm có công xưởng, các lãnh vực khoa học và y khoa, lãnh vực chính trị và lãnh vực văn hóa khác nhau – họ phải đủ cứng cát và đủ giáo lý ‘để chứng tỏ cho thấy rằng đức tin Kitô giáo làm nên một đáp ứng duy nhất bảo đảm… cho các vấn đề và các niềm hy vọng mà cuộc sống áp đặt lên mỗi người cũng như xã hội’ (Tông Huấn Tín Hữu Giáo Dân, 34)”

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10-6-1998, đoạn 3 và 4)

 

Thật vậy, truyền bá phúc âm chính là ngọn gió Thánh Linh thổi vào Mùa Đông Lịch Sử để “canh tân bộ mặt trái đất” (đáp ca Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), kể từ Thời Điểm Hồng Aân là Năm Thánh 2000 này, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 26-9-1998 chia sẻ với các phần tử của Hội Dòng Bác Aùi (Rosminians) dịp họ họp công đồng tại Rôma như sau:

 

·        Trong khi Giáo Hội sửa soạn tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo thì việc truyền bá phúc âm cho văn hóa là một phần khẩn thiết của những gì Tôi gọi là ‘tân phúc âm hóa’… Thứ văn hóa nổi bật ngày nay tôn thờ tự do và tự quyết, trong khi nó lại thường đi theo những đường lối sai lạc dẫn đến những hình thức nô lệ mới. Văn hóa của chúng ta vật vờ giữa duy lý và duy tín dưới nhiều dạng thức, như không thể nào dung hòa giữa đức tin và lý trí. Kitô hữu đôi khi cũng bị lôi kéo đi trệch khỏi việc hủy mình ra không (kenosis) của Thập Giá Chúa Giêsu Kitô, ưa chuộng những đường lối kiêu căng, quyền năng và thống trị”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 7-10-1998, trang 6)

 

Chính vì chiều hướng truyền bá phúc âm này mới có các cuộc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới, nhất là các cuộc Thượng Hội Giám Mục Các Châu (được tổ chức ngay trong thời gian dọn mừng Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000), như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 21, như sau:

 

·        “Góp phần trong việc sửa soạn cho Năm 2000 đang đến là một loạt các cuộc công nghị bắt đầu từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II: những cuộc công nghị chung cùng với các công nghị theo đại lục, theo miền, theo quốc gia, theo giáo phận. Chủ đề chính của tất cả các cuộc công nghị này là việc truyền bá phúc âm hay đúng hơn là việc tân phúc âm hóa, mà nền tảng của những vấn đề tân phúc âm hóa này được bắt nguồn từ Tông Huấn Evangilii Nuntiandi (về việc truyền bá phúc âm trong thế giới tân tiến) của Đức Phaolô VI, được ban hành năm 1975 theo sau khóa họp chung lần thứ ba của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới. Các công nghị này tự mình cũng là một phần trong công cuộc tái phúc âm hóa: Chúng phát sinh từ viễn ảnh về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II”.

 

Việc Giáo Hội truyền bá phúc âm để đem Mùa Xuân Cứu Rỗi đến cho Mùa Đông Lịch Sử loài người trong Thời Điểm Hồng Ân từ Năm 2000 này hoàn toàn hợp với, nếu không muốn nói là làm hiện thực, ý định của Vị Chúa Xuân, Đấng “là tất cả trong mọi sự” (1Cor.15:28), như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chia sẻ trong bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 đầu tiên ngày 19-11-1997, đoạn 5, như sau:

 

·        “Thiên Chúa là Chúa của thời gian không những như đấng hoá công của thế giới, mà còn như tác giả của một cuộc tân tạo trong Đức Kitô nữa. Ngài nhúng tay vào việc chữa lành và cải hoá thân phận con người đã bị tội lỗi đả thương sâu nặng. Ngài đã dùng nhiều thời gian trong việc sửa soạn dân Ngài cho quang vinh của cuộc tân tạo này, đặc biệt qua lời của các vị tiên tri: ‘Này đây, Ta tác tạo trời mới và đất mới; rồi những cái trước kia sẽ không còn được tưởng nhớ hay gợi nhớ nữa. Hãy vui mừng và hoan hỉ luôn mãi nơi cái mà Ta tạo dựng; này đây, Ta tạo cho Gialiêm niềm hoan lạc và dân thành niềm vui sướng’ (Is.65:17-18).

 

“Lời hứa của Ngài đã nên trọn 2000 năm trước đây qua việc hạ sinh của Đức Kitô. Theo ý nghĩa này, biến cố kỷ niệm mừng là một lời mời gọi cử hành một kỷ nguyên Kitô giáo như là một giai đoạn canh tân đối với nhân loại cũng như đối với vũ trụ. Cho dù khó khăn và khổ đau, những năm qua đã là 2000 năm ân phúc.

 

“Những năm tới đây, cũng thế, ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Tương lai của con người, trước hết là tương lai của Thiên Chúa, theo nghĩa là chỉ có một mình Ngài biết nó, sửa soạn cho nó và thực hiện nó. Dĩ nhiên, Ngài kêu gọi và mời con người cộng tác, thế nhưng, Ngài không ngừng là ‘vị chủ trì’ siêu việt của lịch sử.

 

“Nắm vững như vậy, chúng ta ra tay thực hiện việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tương lai sẽ ra sao. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng trong bất cứ một biến cố nào nó cũng sẽ là một tương lai ân phúc; nó sẽ là việc hoàn tất ý định yêu thương thần linh đối với toàn thể loài người cũng như đối với mỗi một người trong chúng ta. Đó là lý do tại sao, khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta tràn đầy hy vọng và không sợ hãi. Cuộc hành trình tiến đến việc Mừng Kỷ Niệm là một cuộc hành trình hy vọng cao vời”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 26-11-1997)

 

Nếu “cuộc hành trình tiến đến việc Mừng Kỷ Niệm là một cuộc hành trình hy vọng cao vời”, thì nó cũng là “một chặng hành trình của nhân loại hướng về định mệnh chung cuộc của thời gian”, theo lời Đức Thánh Cha chia sẻ trong bài Giáo Lý Năm 2000 ngày 10-12-1997, đoạn 4, như sau:

 

·        “Nếu thời gian nơi Chúa Kitô được nâng lên tới một mức độ cao hơn, khi nhận đuợc khả năng tiến tới vĩnh cửu, thì có nghĩa là việc ngàn năm đang tiến tới không được coi như một tiến bước thuần túy theo giòng thời gian, mà là như một chặng hành trình của nhân loại hướng về đinh mệnh chung cuộc của nó.

 

“Năm 2000 không phải chỉ là cửa qua một ngàn năm khác; nó là cửa cho cõi trường sinh mà, trong Chúa Kitô, tiếp tục mở ra trong thời gian để ban cho nó một hướng đi đích thực cũng như một ý nghĩa chuyên chính.

           

“Năm 2000 tỏ bày cho tâm trí và cõi lòng của chúng ta một cái nhìn bao rộng hơn liên quan đến tương lai. Thời gian thường không được tri nhận. Nó dường như làm con người thất vọng về tình trạng bất ổn của nó, về việc trôi qua nhanh chóng của nó, khiến cho tất cả mọi sự thành vô dụng. Thế nhưng, nếu vĩnh cửu đã hội nhập thời gian, thì không thể chối bỏ được cái giá trị phong phú của chính thời gian. Việc trôi đi dứt khoát không phải là một hành trình tiến đến hư vô, mà là một hành trình tiến về vĩnh cửu.

           

“Cái nguy hiểm thực sự không phải là việc trôi theo thời gian, mà là sử dụng nó một cách tệ hại, khi chối bỏ sự sống đời đời được Chúa Kitô hiến ban. Ước vọng được sự sống và hạnh phúc trường sinh phải được tái thức tỉnh không ngừng nơi tâm can con người. Việc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm có một ý nghĩa đích thực là làm tăng phát niềm ước vọng này, giúp cho các tín hữu và con người của thời đại chúng ta mở lòng mình ra cho một cuộc sống vô biên”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 17/24-12-1997)

 

Nếu “việc cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm có một ý nghĩa đích thực là làm tăng phát niềm ước vọng này, giúp cho các tín hữu và con người của thời đại chúng ta mở lòng mình ra cho một cuộc sống vô biên”, thì phải chăng Mùa Xuân Cứu Rỗi đến từ Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000 này chính là thời kỳ xẩy ra sau Mùa Đông Lịch Sử của lạnh giá và tối tăm: lạnh giá ở chỗ “lòng người ra nguội lạnh” (Mt.24:12), và tối tăm ở chỗ “các tiên tri giả sẽ xuất hiện vô số để lừa đảo nhiều người” (Mt.24:11), một Mùa Xuân Cứu Rỗi đã được Chúa Kitô báo trước trong Phúc Âm như một “dấu chỉ thời đại” (Mt.16:3) tỏ tường về ngày cánh chung của thế giới:

 

·        “Tin mừng về nước Thiên Chúa sẽ được rao giảng khắp thế giới như là một chứng từ cho mọi dân nước. Chỉ sau đó mới tới cùng tận” (Mt.24:14).

  

(Bài chia sẻ thứ hai này của người dịch đã được phổ biến

trên các Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu 6/1999 và Dân Chúa Mỹ Châu 7/1999)