Dẫn Nhập1. Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Chân lý này không chỉ nói lên một thứ cảm nghiệm đức tin thường ngày mà còn nhắc lại trọng tâm của mầu nhiệm Giáo Hội nữa. Bằng những cách thức khác nhau, Giáo Hội hoan hỉ cảm nghiệm thấy việc liên lỉ hoàn tất lời hứa “Này Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20), thế nhưng, nơi Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Chúa, Giáo Hội hoan hưởng nơi sự hiện diện này một cách say sưa chuyên nhất. Ngay từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mà Giáo Hội, thành phần Dân Tân Ước, bắt đầu cuộc hành trình lữ thữ của mình hướng về quê hương thiên quốc, thì Bí Tích Thần Linh này đã tiếp tục đánh dấu thời gian trôi qua của Giáo Hội, làm cho thời gian này tràn đầy tin tưởng hy vọng.
Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý công bố rằng hy tế Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo” (1). “Vì Bí Tích Thánh Thể tuyệt hảo chất chứa tất cả nguồn phong phú linh thiêng của Giáo Hội đó là chính Chúa Kitô, cuộc vượt qua và là bánh sự sống của chúng ta. Bằng xác thịt của mình, một xác thịt giờ đây được Thánh Linh làm cho sống động và ban sự sống, Người cống hiến sự sống cho con người” (2). Bởi thế, Giáo Hội luôn gắn mắt vào Chúa của mình là Đấng hiện diện nơi Bí Tích trên Bàn Thờ, một bí tích trong đó Giáo Hội nhận ra được tất cả những gì tình yêu vô biên của Người muốn bộc lộ.
2. Trong Đại Năm Thánh 2000, Tôi đã có dịp cử hành Thánh Thể tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, nơi mà, theo truyền thống, là nơi đã được chính Chúa Giêsu cử hành đầu tiên. Căn Thượng Lầu đó đã là nơi thiết lập Bí Tích rất thánh này. Chính ở nơi đó Chúa Kitô đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: ‘Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn: này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (x Mk 26:26; Lk 22:19; 1Cor 11:24). Đoạn Người cầm lấy chén rượu mà phán với họ: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống: này là chén máu Thày, máu tân ước vĩnh cửu. Máu sẽ đổ ra cho các con cũng như cho tất cả mọi người hầu thứ tha tội lỗi” (x Mk 14:24; Lk 22:20; 1Cor 11:25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho Tôi được lập lại điều này ở cùng một nơi đó để đáp lại lệnh truyền của Người: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), những lời Người đã nói hai ngàn năm trước.
Các vị Tông Đồ tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói hay chăng? Có lẽ không. Những lời ấy chỉ có thể hoàn toàn sáng tỏ ở vào lúc kết thúc Tam Nhật thánh mà thôi, thời điểm từ tối Thứ Năm tới sáng Chúa Nhật. Những ngày này bao hàm mầu nhiệm vượt qua myste-rium paschale; chúng cũng bao hàm cả mầu nhiệm thánh thể mysterium eucharisticum nữa.
3. Giáo Hội được hạ sinh bởi mầu nhiệm vượt qua. Chính vì lý do ấy, Thánh Thể, bí tích đặc biệt của mầu nhiệm vượt qua, ở ngay tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Điều này hiển nhiên từ những hình ảnh sơ khai của Giáo Hội như Sách Tông Vụ cho thấy: “Họ chuyên chú vào giáo huấn và việc hiệp thông của Các Tông Đồ, vào việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2:42). “Việc bẻ bánh” liên quan đến Thánh Thể. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục sống lại hình ảnh nguyên thủy ấy của Giáo Hội. Ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được sống lại một cách linh thiêng Tam Nhật vượt qua, sống lại các biến cố của tối Thứ Năm Tuần Thánh, của Bữa Tiệc Ly cũng như của những gì xẩy ra sau đó. Việc thiết lập Thánh Thể hướng đến một cách bí tích những biến cố sắp sửa xẩy ra, bắt đầu từ cuộc khổ tâm trong Vườn Gethsemane. Một lần nữa chúng ta Chúa Giêsu như đang rời Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, cùng với các môn đệ đi xuống thung lũng Kidron để tới Vườn Cây Dầu. Thậm chí cho tới ngày nay Ngôi Vườn đó vẫn còn một số chính những cây dầu ngày xưa. Có lẽ chúng đã chứng kiến thấy những gì đã xẩy ra ở dưới bóng của chúng vào buổi tối hôm ấy, khi mà Chúa Kitô nguyện cầu với đầy những buồn đau “và Người đã toát cả mồ hôi như những giọt máu nhỏ xuống đất” (x Lk 22:44). Thứ máu mà trước đó ít lâu Người vừa ban cho Giáo Hội làm của uống cứu độ nơi bí tích Thánh Thể bắt đầu đổ ra; việc đổ máu này sau đó sẽ được hoàn tất trên đồi Gongôta hầu trở nên phương tiện cứu chuộc cho chúng ta: “Chúa Kitô… với tư cách là vị thượng tế của những gì tốt lành sau này…, đã tiến vào Nơi Thánh một lần dứt khoát, không phải bằng máu chiên bò mà bằng chính máu của Người, nhờ đó mang lại ơn cứu chuộc trường sinh” (Heb 9:11-12).
4. Đó là giờ khắc cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù hết sức khổ tâm, Chúa Giêsu cũng không bỏ chạy trước “giờ khắc” của Người. “Biết nói sao đây? ‘Lạy Cha, xin hãy cứu con khỏi giờ khắc này?’ Thế nhưng, chính vì để làm điều này mà con đã đến với giờ khắc ấy” (Jn 12:27). Người đã muốn các môn đệ của Người ở với Người, song Người vẫn cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi: “Thì ra các con không thể thức với Thày một giờ đồng hồ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện hầu các con khỏi bị sa chước cám dỗ” (Mt 26:40-41). Chỉ có một mình tông đồ Gioan là có mặt dưới chân cây Thập Giá, bên cạnh Mẹ Maria và các người nữ trung thành. Cuộc khổ tâm ở vườn Diệtsimani là mở màn cho cuộc khổ nạn Thập Giá của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là giờ thánh, giờ khắc cứu chuộc thế giới. Bất cứ khi nào Thánh Thể được cử hành tại ngôi mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem đều cho thấy một dấu hiệu rõ ràng nhất trong việc trở lại với “giờ khắc” này của Người, một giờ khắc Thập Giá và vinh quang. Hết mọi vị linh mục cử hành Thánh Lễ, cùng với cộng đồng Kitô hữu tham dự, theo tinh thần, đều trở về với nơi chốn ấy và giờ khắc ấy.
“Người đã bị đóng đanh, Người đã chịu chết và được mai táng; Người đã xuống với kẻ chết; vào ngày thứ ba Người đã sống lại”. Những lời tuyên xưng đức tin làm vang vọng những lời lẽ chiêm niệm và công bố: “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Đó là lời mời gọi Giáo Hội muốn gửi đến tất cả mọi người vào những giờ phút ban chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Thế rồi Giáo Hội tiếp tục bài ca của mình trong mùa Phục Sinh để công bố rằng: “Chúa đã sống lại từ trong mồ đá, Người đã vì chúng ta mà bị treo lên cây Thập Giá, Alleluia”.
5. “Mysterium fidei! – Mầu Nhiệm Đức Tin!”. Khi vị linh mục đọc hay hát những lời này, thì tất cả mọi người hiện diện liền hô lên: “Ôi Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Bằng những lời này hay những lời tương tự, Giáo Hội, trong khi hướng đến mầu nhiệm khổ nạn của Người đồng thời cũng tỏ ra cho thấy chính mầu nhiệm của mình: Ecclesia de Eucharistia. Nhờ tặng ân Thánh Linh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã được hạ sinh và bắt đầu ra đi trên mọi nẻo đường thế giới, nhưng giây phút quyết liệt nhất trong việc hình thành của mình phải là việc thiết lập Thánh Thể trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly. Nền tảng và nguồn mạch của Giáo Hội là tất cả Tam Nhật vượt qua, thế nhưng tam nhật này đã được vĩnh viễn qui tụ, tiên báo và “tập trung” nơi tặng ân Thánh Thể. Ở tặng ân này, Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho Giáo Hội của Người việc thường trực hiện thực hóa mầu nhiệm vượt qua. Nhờ đó Người làm nên “mối hiệp nhất về thời gian” một cách huyền nhiệm giữa Tam Nhật Thánh với các niên đại thời gian.
Ý nghĩ ấy làm cho chúng ta cảm thấy ngất ngây và cảm mến. Trong biến cố vượt qua và Thánh Thể làm cho biến cố vượt qua hiện thực qua các thế kỷ, có một “khả năng” thực sự lớn lao có thể bao gồm tất cả một thứ lịch sử đóng vai lãnh nhận ân sủng cứu chuộc. Giáo Hội qui tụ lại để cử hành Thánh Thể bao giờ cũng phải cảm thấy tràn đầy nỗi ngất ngây ấy. Vì chính vị được ban cho thẩm quyền nơi bí tích truyền chức linh mục đã làm tác hiệu việc thánh hiến này. Chính vị ấy nói bằng quyền được ban cho mình từ Chúa Kitô trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con. Đây là chén máu Thày đổ ra cho các con…”. Vị linh mục nói những lời ấy, hay đúng hơn ngài dùng tiếng nói của mình thay cho Đấng phán những lời ấy ở Căn Thượng Lầu Tiệc Ly và là Đấng muốn các lời ấy phải được lập lại qua mọi thế hệ bởi tất cả những ai thông phần thừa tác vụ chức vị tư tế của Người trong Giáo Hội.
6. Tôi muốn khêu lên “nỗi ngất ngây” Thánh Thể này bằng Thông Điệp đây, để tiếp tục di sản Năm Thánh mà Tôi đã để lại cho Giáo Hội trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ Novo Millennio Ineunte cũng như trong Tông Thư tôn vinh Thánh Mẫu của năm này là Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria Rosarium Virginis Mariae. Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là “chương trình” Tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ, kêu gọi Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử bằng lòng nhiệt thành thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa. Việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô bao gồm việc có thể nhận biết Người bất cứ Người tỏ mình ra ở đâu, qua rất nhiều hình thức hiện diện của Người, mà trên hết ở nơi bí tích sống động của mình máu Người. Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Chúa Kitô trong Thánh Thể; Giáo Hội được Người nuôi dưỡng và được Người soi sáng. Thánh Thể vừa là mầu nhiệm đức tin vừa là “mầu nhiệm ánh sáng” (3). Bất cứ khi nào Giáo Hội cử hành Thánh Thể là tín hữu có thể sống lại một cách nào ấy cảm nghiệm của hai người môn đệ trên đường đi Emmau: “Mắt họ đã mở ra và nhận ra Người” (Lk 24:31).
7. Từ khi Tôi bắt đầu sứ vụ Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi lúc nào cũng đã đánh dấu Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của thiên chức linh mục, bằng việc gửi một bức thư cho tất cả mọi vị linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ 25 Giáo Triều của mình, Tôi muốn cả Giáo Hội tham dự vào việc suy niệm Thánh Thể trọn vẹn hơn, như một cách thức tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Thể và chức linh mục: “Tặng Ân và Mầu Nhiệm” (4). Bằng việc công bố Năm Mân Côi, Tôi muốn đặt điều này, biến cố mừng kỷ niệm 25 năm giáo triều của Tôi đây, dưới sự bảo trợ của việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu tại học đường Maria. Bởi vậy, Tôi không thể để cho Ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2003 này qua đi mà không dừng lại trước “dung nhan Thánh Thể” Chúa Kitô và hướng Giáo Hội đến tâm điểm Thánh Thể bằng một nghị lực mới.
Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Nơi thứ “bánh sự sống” này, Giáo Hội được nuôi dưỡng. Làm sao Tôi lại không cảm thấy cần phải thúc giục hết mọi người hãy cảm nghiệm Thánh Thể một cách mới mẻ hơn bao giờ hết?
8. Khi Tôi nghĩ đến Thánh Thể, và nhìn vào đời sống của Tôi với tư cách là một vị linh mục, một vị Giám Mục và là vị Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi tự nhiên nghĩ đến nhiều lần và nhiều nơi Tôi đã cử hành Thánh Thể. Tôi nhớ nhà thờ xứ Niegowíc, nơi Tôi thi hành bài sai đầu tiên của mình, nhà thờ Thánh Florian ở Krakow cho sinh viên đại học, Vương Cung Thánh Đường Wawel, Đền Thờ Thánh Phêrô và nhiều đền thờ và nhà thờ ở Rôma cũng như trên khắp thế giới. Tôi đã có thể cử hành Thánh Lễ ở những nguyện đường dọc các sườn núi, trên các bờ hồ và các ven biển; Tôi đã cử hành Thánh Thể trên các bàn thờ dựng lên ở các thao trường cũng như ở các công viên thành phố… Cảnh trí của những lần cử hành Thánh Thể khác nhau này đã hiến cho Tôi một cảm nghiệm mãnh liệt về tính chất đại đồng và có thể nói tính chất vũ trụ của Thánh Thể. Phải, vũ trụ! Vì ngay cả khi Thánh Thể được cử hành ở bàn thờ thô sơ của một nhà thờ thôn quê thì Thánh Thể, một cách nào đó, bao giờ cũng được cử hành trên bàn thờ thế giới. Thánh Thể liên kết trời đất lại với nhau. Thánh Thể bao gồm và thấm nhập tất cả thiên nhiên tạo vật. Con Thiên Chúa đã làm người để phục hồi tất cả thiên nhiên tạo vật, bằng một tác động chúc tụng duy nhất tối cao, về cho Đấng đã tạo nên nó từ hư không. Là Vị Thượng Tế Hằng Hữu, bằng máu Thập Giá của mình, Người đã tiến vào thánh cung vĩnh cửu, nhờ đó trả về cho Đấng Hóa Công và là Cha tất cả mọi tạo sinh đã được cứu chuộc. Người làm như thế bằng thừa tác vụ tư tế của Giáo Hội cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin mysterium fidei, một mầu nhiệm được nên trọn nơi Thánh Thể, ở chỗ, thế giới phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa Hóa Công giờ đây trở về với Ngài do Chúa Kitô cứu chuộc.
9. Với sự hiện diện cứu độ của Chúa kitô nơi cộng đồng tín hữu và như lương thực thiêng liêng cho cộng đồng này, Thánh Thể là sản vật quí nhất Giáo Hội có được trong cuộc lữ hành của mình qua giòng lịch sử. Đó là lý do Giáo Hội đã luôn luôn tỏ ra quan tâm đến mầu nhiệm Thánh Thể, một quan tâm được phản ảnh trung thực nơi công việc của các Công Đồng cũng như của các vị Giáo Hoàng. Làm sao chúng ta lại không khen ngợi những trình bày về tín lý của các Sắc Lệnh về Thánh Thể Rất Thánh cũng như về Hy Tế Thánh Lễ do Công Đồng Chung Triđentinô ban bố? Qua các thế kỷ, các Sắc Lệnh này đã hướng dẫn khoa thần học và việc dạy giáo lý, chúng còn là một qui chiếu tín điều cho việc liên tục canh tân và phát triển của Dân Chúa trong đức tin và đức mến đối với Thánh Thể. Ở vào thời điểm gần chúng ta hơn, có ba bức Thông Điệp cần phải đề cập đến, đó là Thông Điệp Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII ban hành ngày 28/5/1902 (5), Thông Điệp Mediator Dei của Đức Piô XII ban hành ngày 20/11/1947 (6), và Thông Điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI ban hành ngày 3/9/1965 (7).
Công Đồng Chung Vaticanô II, dù không ban hành một văn kiện đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể, cũng đã xét đến những khía cạnh khác nhau của Thánh Thể nơi các văn kiện của mình, nhất là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium và Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium.
Bản thân Tôi, trong những năm đầu thừa tác vụ tông truyền Thừa Kế Thánh Phêrô, đã viết Bức Tông Thư Dominicae Cenae ban hành ngày 24/2/1980 (8), một bức tông thư Tôi đã bàn đến một số khía cạnh về mầu nhiệm Thánh Thể cùng tính cách quan trọng của Thánh Thể đối với đời sống của những vị là thừa tác viên Thánh Thể. Hôm nay đây, Tôi lại tiếp tục đi sâu vào luận đề này, bằng một lòng cảm nhận và cảm mến sâu xa hơn nữa, thực sự âm vang những lời của vị Tác Giả Thánh Vịnh: “Tôi sẽ lấy gì trả lại cho Chúa về tất cả ơn lành Ngài đã ban tặng cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ và kêu cầu danh Chúa” (116:12-13).
10. Việc quyết tâm của Huấn Quyền trong việc loan báo mầu nhiệm Thánh Thể vẫn là những gì tương hợp với việc phát triển nội tâm của cộng đồng Kitô hữu. Việc canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II chắc chắn đã góp phần vào việc tín hữu tham dự ý thức hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào Hy Tế Thánh trên Bàn Thờ. Ở nhiều nơi, việc tôn thờ Bí Tích Thánh còn là một việc quan trọng được thực hiện hằng ngày, và đã trở thành một mạch nguồn vô tận thánh đức. Việc tín hữu sốt sắng tham dự vào việc rước kiệu Trọng Thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô là một ân huệ Chúa ban đã mang lại hằng năm niềm vui cho những ai dự phần.
Những dấu hiệu tích cực khác về đức tin và đức mến Thánh Thể cũng cần phải được nhắc đến nữa.
Tiếc thay, song song với những điểm sáng này, còn có những bóng tối. Ở một số nơi, việc thực hành tôn thờ Thánh Thể hầu như đã bị loại bỏ. Ở những phần khác nhau trong Giáo Hội lại xẩy ra những thứ lạm dụng, tiến đến chỗ lầm lẫn liên quan đến đức tin lành mạnh và tín lý Công Giáo về bí tích tuyệt vời này. Có những lúc người ta đụng phải một kiến thức hết sức giảm thiểu về mầu nhiệm Thánh Thể. Bị lột tước ý nghĩa hy tế của mình, Thánh Thể được cử hành như thể một bữa tiệc huynh đệ mà thôi. Ngoài ra, nhu cầu linh mục thừa tác được bắt nguồn từ vấn đề tông truyền có những lúc đã bị lu mờ đi, và bản tính bí tích của Thánh Thể đã biến thành tính cách công dụng thuần túy như là một hình thức công bố vậy thôi. Điều này đã dẫn đến những việc làm đại kết đó đây, những việc làm Thánh Thể cho hài lòng người, dù có ý tốt chăng nữa, cũng phản lại qui luật Giáo Hội đặt ra để diễn tả đức tin của mình. Làm sao chúng ta lại không bày tỏ lòng đau buồn sâu xa về tất cả những điều ấy chứ? Thánh Thể là một tặng ân cao cả không thể bị lu mờ và giảm giá.
Tôi hy vọng rằng bức Thông Điệp này đây sẽ hiệu nghiệm giúp vào việc đánh tan những đám mây mù bất khả chấp về tín lý cũng như thực hành, nhờ đó Thánh Thể tiếp tục chiếu sáng tất cả mầu nhiệm rạng ngời của mình.