Tổng Quan
Thông Điệp Thánh Thể của ĐTC Gioan Phaolô II
(Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến bản tóm lược Bức Thông Điệp này cùng ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 với Đức Thánh Cha ban hành)
Bức Thông Điệp thứ 14 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được ban hành với mục đích cống hiến một ý thức sâu xa hơn về mầu nhiệm Thánh Thể liên quan đến Giáo Hội. Bản văn kiện tương đối ngắn nhưng quan trọng về khía cạnh thần học, qui luật và mục vụ. Bản văn sẽ được ký ban hành vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh Lễ Tiệc Ly, nơi khung cảnh phụng vụ mở màn cho Tam Nhật Vượt Qua (the Paschal Triduum).
Hý Tế Thánh Thể, “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo”, chất chứa tất cả những gì phong phú thiêng liêng của Giáo Hội đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình cho Chúa Cha vì phần rỗi của thế giới. Trong việc cử hành “mầu nhiệm đức tin” này, Giáo Hội làm cho Tam Nhật Vượt Qua trở thành “đương thời” với con người nam nữ ở hết mọi thế hệ.
Chương thứ nhất, chương về Nhiệm Đức Tin”, là chương cắt nghĩa về bản tính hy hiến của Thánh Thể là hy hiến, nhờ thừa tác vụ của linh mục, được làm cho hiện thực một cách bí tích nơi từng Thánh Lễ mình Chúa Kitô “đã trao nộp” và máu Người “đã đổ ra” để cứu độ thế gian. Việc cử hành Thánh Thể không phải là việc lập lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, hay việc làm cho cuộc khổ nạn này được lập đi lập lại nhiều lần trong thời gian và không gian; Thánh Thể là một hy tế Thập Giá duy nhất được tái hiện thực cho tới năm cùng tháng tận. Theo lời Thánh Ignatio Antiochia, Thánh Thể là “một thứ thuốc bất tử, một thứ chất kháng tử”. Là một hứa hẹn Nước Trời mai hậu, Thánh Thể cũng nhắc nhở tín hữu về trách nhiệm của họ đối với hiện thế, trong đó, thành phần yếu kém, thành phần bất lực nhất và thành phần bần cùng nhất đang mong được giúp đỡ từ những ai biết đoàn kết có thể cho họ thấy lý do của niềm hy vọng.
“Thánh Thể Xây Dựng Giáo Hội” là đầu đề của chương thứ hai. Khi tín hữu đến với bữa tiệc thánh này, họ chẳng những lãnh nhận Chúa Kitô mà còn được Người lãnh nhận nữa. Bánh và Rượu được thánh hiến là lực phát sinh sự hiệp nhất của Giáo Hội. Giáo Hội được nên một với Chúa của mình, Đấng ẩn thân dưới các hình Thánh Thể, ngự trong Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội. Giáo Hội tôn thờ Người chẳng những nơi chính Thánh Lễ mà còn ở tất cả mọi lúc khác nữa, khi ân cần sống với Người như “bảo tàng” trân quí nhất của mình.
Chương thứ ba là chương suy tư về “Tính Cách Tông Đồ của Thánh Thể và Giáo Hội”. Như tất cả thực tại của Giáo Hội không thể nào hiện hữu nếu không có việc tông truyền thế nào thì cũng không có Thánh Thể thực sự nếu không có Giám Mục như vậy. Vị linh mục cử hành Thánh Thể là tác hành thay cho Chúa Kitô là Đầu; vị linh mục không chiếm hữu Thánh Thể như làm chủ Thánh Thể mà là làm tôi phục vụ lợi ích cho cộng đồng thành phần được cứu độ. Cũng thế, cộng đồng Kitô hữu không “chiếm hữu” Thánh Thể mà là lãnh nhận hồng ân Thánh Thể.
Những suy tư này được khai triển ở chương thứ bốn, chương “Thánh Thể và Mối Hiệp Thông Giáo Hội”. Giáo Hội, với tư cách là thừa tác viên của mình và máu Chúa Kitô cho phần rỗi thế giới, trung thành với tất cả những gì chính Chúa Kitô thiết lập. Trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ, gắn bó với qui luật của các phép bí tích, Giáo Hội cũng cần phải tỏ ra một cách hữu hình mối hiệp nhất vô hình của mình nữa. Thánh Thể không thể bị “sử dụng” như phương tiện hiệp thông; trái lại, Thánh Thể bao hàm mối hiệp thông như vốn đã hiện hữu và củng cố mối hiệp thông này. Theo chiều hướng này cần phải để ý nhấn mạnh đến việc dấn thân đại kết là những gì làm nên đặc tính của tất cả mọi người môn đệ Chúa Kitô, vì Thánh Thể kiến tạo nên mối hiệp thông và xây dựng mối hiệp thông này, khi Thánh Thể được cử hành một cách chân thực. Thánh Thể không thể trở thành một thứ vồ vập của cá nhân cũng như của các cộng đồng riêng biệt.
“Phẩm Chất của Việc Cử Hành Thánh Thể” là vấn đề của chương thứ năm. Việc cử hành “Thánh Lễ” được đánh dấu bằng những dấu hiệu bề ngoài nhắm đến việc đề cao niềm vui qui tụ cộng đồng lại chung quanh tặng ân Thánh Thể khôn sánh. Các thứ kiến trúc, điêu khác, hội họa, âm nhạc, văn chương và một cách tổng quan hơn, hết mọi hình thức nghệ thuật, đều cho thấy Giáo Hội qua các thế kỷ đã không sợ phung phí nơi việc Giáo Hội làm chứng cho tình yêu đã liên kết Giáo Hội với Phu Quân thần linh của Giáo Hội. Các cuộc cử hành ngày nay cũng cần phải lấy lại cảm quan mỹ lệ.
Chương thứ sáu, chương về “Tại Học Đường Maria, ‘Người Nữ của Thánh Thể’”, là một suy tư hợp thời và vốn có về hình ảnh tương tự giống nhau lạ lùng giữa Mẹ Thiên Chúa, Vị trở thành ‘nhà tạm” đầu tiên khi cưu mang thân thể của Chúa Giêsu trong lòng Mẹ, và Giáo Hội là nơi bảo trì và ban tặng cho thế gian mình máu Chúa Kitô. Thánh Thể được ban cho các tín hữu để sự sống của họ được trở thành một bài ca vịnh Ngợi Khen liên tục tôn vinh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Đoạn Kết đòi những ai muốn theo đuổi con đường thánh thiện không cần phải có “các thứ chương trình” mới. Chương trình này vốn đã hiện hữu, đó là chính Chúa Kitô, Đấng muốn được nhận biết, mến yêu, bắt chước và loan truyền. Việc áp dụng tiến trình này được thực hiện nhờ ở Thánh Thể. Điều này được thấy nơi chứng từ của các Vị Thánh, thành phần lúc nào trong cuộc sống cũng chỉ biết làm giãn cơn khát của mình nơi nguồn mạch vô tận của mầu nhiệm này, cũng như chỉ biết kín múc từ mạch nguồn ấy một thứ mãnh lực thiêng liêng cần thiết để sống trọn vẹn ơn gọi rửa tội của mình mà thôi.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 17/4/2003)