Năm 2000:
Ngưỡng Cửa Hy Vọng!
"Cuộc hành trình (để sửa soạn thẳng vào việc Mừng năm 2000) này sẽ dẫn chúng ta đến ngưỡng Cửa Thánh (the threshold of the Holy Door) sẽ được mở ra, nếu Thiên Chúa muốn, vào đêm Giáng Sinh 1999 để khai mạc cho cuộc Đại Hỷ". (Lời ĐTC giảng trong buổi kinh tối Thứ Bảy 30-11-1996, áp Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, để khai mạc giai đoạn sửa soạn thẳng mừng năm 2000. L'Osservatore Romano, English Edition, No.49, 12/4/1996, đoạn 4).
Phải, theo Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, vị đã khởi xướng, phát động và phác họa toàn bộ chương trình Mừng Đại Năm Thánh 2000, thì đêm Giáng Sinh 1999 là thời điểm để "Cửa Thánh sẽ được mở ra". Thế nhưng, bên trong Ngưỡng Cửa Thánh này là gì, nếu không phải là chính Mầu Nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại", một mầu nhiệm "phải giúp cho chúng ta nhận thức được vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô" (cùng nguồn và đoạn trên).
Nếu Mầu Nhiệm Nhập Thể, theo thời gian, được hoàn toàn thể hiện vào Đêm Giáng Sinh, thì chính Đêm Giáng Sinh, tức thời gian Giáng Sinh, cũng thuộc về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Đúng thế, tại sao "Lời đã hóa thành nhục thể" (Jn.1:14) không Giáng Sinh vào một thời điểm thuận tiện và xứng hợp nào khác, như vào một buổi bình minh tươi sáng hay ban ngày rạng sáng, và vào mùa xuân tươi mới hay mùa hè nhiệt nồng, mà lại vào một mùa đông lạnh lẽo và vào ngay nửa đêm là lúc tăm tối nhất của một ngày sống?
Phải chăng vì việc Nhập Thể của Người như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Jn.1:5) mà Người đã chọn một thời điểm Giáng Sinh làm sao cho thích hợp với ý nghĩa của nó, tức thời điểm ngay giữa một đêm của mùa đông cách đây 2000 năm. Hiện tượng tối tăm của một nửa đêm và lạnh lẽo của một mùa đông thuộc về thời gian đây biểu hiệu cho những gì, nếu không phải cho chính thực tại của sự dữ là tội lỗi và sự chết, những gì mà "vì một người đã đột nhập vào thế gian" (Rm.5:12).
Thực tại của sự dữ là tội lỗi và sự chết này, hơn bao giờ hết, như hai con mãnh thú trong Khải Huyền (x.Rev.12:1,11), một con biểu hiệu cho tội lỗi từ biển lên, và một con biểu hiệu cho sự chết từ đất đến, càng ngày càng hiện nguyên hình thù hung dữ và tàn bạo khủng khiếp của chúng trên thế giới này, kể từ thập niên 1960 đến nay là hạ bán của thập niên 1990, thời điểm ngay trước Ngưỡng Cửa Năm 2000.
Đúng thế, chưa lúc nào trong lịch sử loài người lại cho thấy tối tăm đang bao phủ thế giới như lúc này, ở chỗ: "Tội lỗi của thế kỷ này là mất đi cảm thức tội lỗi", đúng như Đức Thánh Cha Piô XII nhận định qua lời phát thanh ngày 26-10-1946 cho Hội Nghị Giáo Lý Toàn Quốc Hoa Kỳ ở Boston. Thực tế và kinh nghiệm đã cho thấy bóng tối tâm linh này còn tối tăm hơn cả bóng tối của đêm đông, một bóng tối làm cho người ta trở thành mù lòa và dẫn nhau đâm xuống hố diệt vong (x.Mt.15:4), bằng những luập phép cho ly dị và giết người hiện nay.
Tuy nhiên, ly dị và giết người một cách hợp pháp này chỉ là hiện tượng bề ngoài mà thôi, một hiện tượng rõ ràng và phũ phàng phản ảnh mức độ tâm linh đông lạnh của con người, một tâm linh không còn biết yêu thương là gì nữa: "Ai không yêu thương thì ở trong sự chết" (1Jn.3:14). Chính vì tình trạng đông lạnh nội tâm của con người hiện nay, mà xã hội loài người đang sống trong một giai đoạn lịch sử mùa đông, một giai đoạn lịch sử của "văn hóa tử vong" (thành ngữ của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, thường được phát biểu trong các văn thư của ngài, nhất là trong thông điệp "Phúc Âm Sự Sống" ban hành ngày 25-3-1995).
Thế nhưng, chính vì thế giới đang sống trong một thời điểm tối tăm và đông lạnh càng ngày càng dữ dội mà "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại", Đấng "là ánh sáng thế gian" (Jn.8:12), "là sự sống lại và là sự sống" (Jn.11:25), phải đến, sắp đến và chắc chắn sẽ đến, đến vào lúc tối nhất, lạnh nhất, tức lúc con người không ngờ nhất (x.Mt.24:44), lúc con người tất cả đều mệt mỏi thiếp ngủ (x.Mt.25:5).
Theo dụ ngôn 10 cô phù dâu Chúa Giêsu nói với các môn đệ về ngày Chúa đến lần thứ hai, thì lúc Người đến sẽ xẩy ra vào "nửa đêm" (Mt.25:6), nghĩa là lúc tối tăm nhất, và cũng là lúc mọi người "thiếp ngủ" (Mt.25:5), tức lúc mà cây đèn đức tin của họ đã tắt mất lửa đức mến (x.Mt.25:7), hay là lúc không "còn đức tin trên thế gian này" (Lk.18:8).
Tuy nhiên, theo tình hình hiện nay cho thấy, các cô phù dâu là Kitô hữu nói chung và các vị chủ chăn nói riêng tất cả vẫn chưa thiếp ngủ hoàn toàn. Trái lại, thế giới càng tối tăm và đông lạnh từ thập niên 1960, thì cũng từ thời điểm này, tức từ biến cố trùng hợp với Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965), Giáo Hội càng thực sự trở nên "ánh sáng muôn dân" ("Lumen Gentiium", tên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội).
Thêm vào đó, việc long trọng dọn mừng Đại Năm Thánh 2000 kể từ năm 1994, nhất là từ năm 1997, thời điểm sửa soạn thẳng vào việc mừng này của cả Giáo Hội Công Giáo đã nói lên việc Giáo Hội vẫn còn "cầm đèn cháy sáng trong tay" (Mt.25:1) chờ "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" đến. Như thế, Giáo Hội chính là "vui mừng và hy vọng" ("Gaudium et Spes", tên của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội) trong thế giới tân tiến và cho thế giới tân tiến ngày nay. Và Đêm Giáng Sinh 1999 sẽ là Ngưỡng Cửa Hy Vọng cho tất cả nhân loại cũng như cho lịch sử thế giới!
TGP/Los Angeles 16/12/96, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
"Cuộc Đại Hỷ (the Great Jubilee) không những là một tặng ân mà còn là một công việc đòi hỏi (demanding task) nữa. Nó kêu gọi một nỗ lực cả thể trong việc đáp ứng với nhu cầu tâm linh khẩn thiết (the pressing spiritual needs) của thời điểm chúng ta...
"Cuộc Mừng Năm 2000, trước hết, là một lời kêu mời khẩn thiết (a pressing invitation) tất cả mọi người Kitô hữu trong việc tái quyết tâm thánh hóa cuộc sống (recommit themselves to holiness of life)...
"Việc tiến đến ngàn năm thứ ba cũng tạo nên một thách đố khẩn trương (the urgent challenge) cho công cuộc tái phúc âm hóa..."
(Sứ điệp của ĐTC Gioan-Phaolô II đề ngày 9-11-96 và gửi cho Hội Nghị Quốc Tế lần thứ 7 của tổ chức 'The Catholic Fraternity of Covenant Communities and Fellowships. L'Osservatore Romano, số 47, 20/11/96, bản Anh Ngữ, đoạn 3 và 4)
"Tất cả chương trình sửa soạn cho ngàn năm thứ ba phải giúp chúng ta nhận thức được vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô" (Lời ĐTC giảng trong buổi kinh tối Thứ Bảy 30-11-1996, áp Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, để khai mạc giai đoạn sửa soạn thẳng vào việc mừng Đại Năm Thánh 2000. L'Osservatore Romano, English Edition, No.49, 12/4/1996, đoạn 4).