6- Giai đoạn một được sửa soạn mừng ra sao?
Giai đoạn một được sửa soạn mừng như sau:
- Theo chiều hướng Kitô học.
- Có tính cách liên kết và hiện thực.
- Thời gian thống hối.
- Thời gian tự kiểm.
- Dịp để thực hiện bộ chứng tích.
- Dịp để nhóm họp giám mục từng lục địa.
Theo chiều hướng Kitô học
"Thời kỳ thứ nhất vì thế có đặc tính của việc tiền chuẩn bị; nó có một mục đích là làm sống lại nơi người Kitô hữu nhận thức về giá trị và ý nghĩa của cuộc mừng năm 2000 theo lịch sử loài người. Là một cuộc tưởng niệm việc Chúa Giêsu giáng sinh, cuộc kỷ niệm mừng này phải được đi sâu vào chiều kích Kitô học".
Có tính cách liên kết và hiện thực.
"Trong việc tiếp tục tỏ ra đức tin Kitô giáo bằng lời nói cũng như bí tích, nhất là trong cuộc kỷ niệm đặc biệt này, cũng cần phải liên kết giữa việc tổ chức tưởng niệm và việc tổ chức cử hành, để không phải chỉ tưởng niệm biến cố theo tư tưởng, mà còn làm cho tầm quan trọng cứu độ được hiện diện qua việc cử hành các bí tích nữa. Cuộc cử hành kỷ niệm mừng này phải làm cho những Kitô hữu hôm nay đây vững mạnh trong đức tin của họ nơi Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình ra qua Đức Kitô, nâng đỡ đức cậy của ho, cho nó vươn lên theo lòng mong ước muốn được hưỏng sự sống đời đời, và thắp lại đức mến của họ trong việc tích cực phục vụ anh chị em của mình.
"Trong giai đoạn thứ nhất (1994-1996)... Vấn đề là làm sao, bằng một đường lối nào đó, có một sự liên tục giữa điều được thực hiện trong giai đoạn sửa soạn xa thì đồng thời cũng kéo dài cả trong giai đoạn tiếp tới, để mang lại một cảm nhận sâu xa hơn về những phương diện quan hệ nhất đến cuộc cử hành kỷ niệm mừng này" (đoạn 31).
Thời gian thống hối.
"Niềm vui của mọi cuộc mừng, trước hết, là niềm vui được đặt trên việc thứ tha tội lỗi, trên nỗi hân hoan cải thiện. Vì thế, cũng cần nhấn mạnh một lần nữa đến chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1984 về thống hối và hòa giải (tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, 2/12/1984)... một việc cải hối về phía cá nhân cũng như cộng đồng, cần phải có trước khi đi đến việc hòa giải với Thiên Chúa (đoạn 31).
"Bởi thế, trong khi thiên niên thứ hai gần hết, Giáo Hội càng cần phải hoàn toàn nhận thức được tội lỗi của con cái mình, nhớ lại tất cả những lúc, trải qua theo giòng lịch sử, họ đã xa rời tinh thần của Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, thay vì hiến cho thế giới một chứng từ của một đời sống được thúc đẩy bởi những giá trị đức tin, thì lại tìm thỏa mãn bằng những cách suy tư cũng như bằng tác hành dưới những hình thức thực sự phản chứng tá và gây gương mù..." (đoạn 32).
"... Giáo Hội không thể nào bước qua ngưỡng cửa của một thiên niên mới mà không thôi thúc con cái của mình, bằng việc thống hối, thanh tẩy những lỗi lầm quá khứ cũng như những lúc bất trung, bất nhất và hành động chậm chạp" (đoạn 33).
"Trong số những tội lỗi cần phải dứt khoát thống hối và cải thiện, chắc chắn phải kể tới những tội lỗi đã làm thiệt hại đến niềm hiệp nhất theo ý Thiên Chúa muốn nơi dân của Người. Trong giòng lịch sử 1000 năm mà giờ đây đang đến hồi kết thúc, việc hiệp thông hội thánh, còn hơn cả trong ngàn năm đầu, đã bị tổn thương một cách xót đau, một sự kiện "mà có những lúc cả hai bên đều phải trách mình" (sắc lệnh Unitatis Redintegratio, đoạn 3). Những vết thương như thế hiển nhiên là phản lại với ý muốn của Chúa Kitô và gây gương mù cho thế giới (cùng đoạn sắc lệnh trên). Những tội lỗi quá khứ này, bất hạnh thay, vẫn còn đè nặng trên chúng ta và vẫn từng là những thử thách hiện nay. Cần phải thực hiện những bổ khuyết cho chúng, và tha thiết xin Chúa Kitô thứ tha... (đoạn 34).
"Một chương lịch sử đau thương khác mà các đứa con nam nữ của Giáo Hội phải quay về với một tinh thần thống hối, đó là chương lịch sử, nhất là trong một số thế kỷ, về việc chiều theo tính bất nhẫn, và ngay cả việc dùng bạo lực, để phụng sự cho chân lý..." (đoạn 35).
Thời gian tự kiểm.
"Nhiều vị hồng y và giám mục đã tỏ ý muốn, trước hết, phải có một cuộc khảo sát lương tâm cẩn thận về phiá Giáo Hội hôm nay. Trước ngưỡng cửa của một tân thiên niên, Kitô hữu cần phải khiêm tốn đặt mình trước nhan Chúa, xét mình về trách nhiệm mà họ cũng phải gánh chịu đối với những sự dữ của thời điểm chúng ta. Thật vậy, tuy có nhiều sáng sủa, thời hiện đại này cũng không phải là không có ít nhiều bóng tối.
"Chẳng hạn, chúng ta làm sao có thể giữ im lặng về tình trạng lạnh nhạt đạo đức làm cho nhiều người hiện nay sống như không có Thiên Chúa, hay sống theo một lòng đạo mơ hồ, không có khả năng nắm vững vấn đề chân lý, cần phải trước sau như một. Thêm vào đó, còn phải kể đến tình trạng mất đi một cách sâu rộng cái ý nghĩa siêu việt về sự sống con người, cũng như phải kể đến tình trạng lẫn lộn trong lãnh vực đạo lý, ngay cả về những giá trị căn bản trong việc tôn trọng sự sống và gia đình. Về mặt này, ngay những người con nam nữ của Giáo Hội nữa cũng cần phải xét mình lại. Họ đã bị nhuốm phải bầu khí của phong trào tục hóa (secularism) và khuynh hướng đạo lý tương đối (ethical relativism) đến đâu? Và họ phải gánh chịu trách nhiệm nào trong việc làm cho tình trạng thiếu lòng đạo tăng lên, vì họ không chứng tỏ được dung nhan chân thật của Thiên Chúa, bởi đã 'không sống theo cuộc sống tôn giáo, luân lý hay xã hội của mình' (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 19)?
"Không thể nào phủ nhận được rằng, đối với nhiều Kitô hữu, cuộc sống tâm linh của họ đang trải qua một thời gian chao đảo, gây ảnh hưởng cho chẳng những đời sống luân lý của họ mà cả đến đời sống cầu nguyện cũng như tư tưởng đúng đắn về thần học theo đức tin của ho nữạ. Đức tin, bị thử thách bởi những thách đố của thời đại chúng ta đã vậy, đôi khi còn bị hướng dẫn lệch lạc bởi những quan điểm thần học sai lầm, gây ra bởi tệ nạn đang sôi động lan truyền trong việc ngang nhiên bất phục tùng quyền giáo huấn của Giáo Hội .
"Về vấn đề liên quan đến Giáo Hội trong thời đại của chúng ta đây, làm sao chúng ta không ngậm ngùi trước tình trạng thiếu ý thức, thậm chí có những lúc nhiều Kitô hữu còn ưng theo việc phạm đến những quyền làm người căn bản, gây ra bởi những chế độ độc tài chuyên chế? Và chúng ta cũng không tiếc xót sao được, trong số những bóng tối nơi thời điểm của chúng ta, trách nhiệm mà rất nhiều Kitô hữu phải gánh chịu đối với những hình thức bất công và tẩy chay? Vấn đề được đặt ra là có bao nhiêu Kitô hữu thực sự hiểu biết và thực hành những nguyên tắc giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.
"Cuộc khảo sát lương tâm cũng phải xét đến thái độ tỏ ra đón nhận thế nào đối với Công Đồng Vaticanô II, một tặng ân cao cả mà Thần Linh đã ban cho Giáo Hội vào cuối đệ nhị thiên niên..." (đoạn 36)
Dịp để thực hiện bộ chứng tích.
"...Việc tôn phụng cao cả nhất mà tất cả Giáo Hội có thể dâng lên cho Chúa Kitô trước ngưỡng cửa của thiên niên thứ ba này, đó là việc biểu dương sự hiện diện toàn năng của Đấng Cứu Thế, qua các hoa trái tin, cậy, mến nơi các người nam nữ thuộc nhiều ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau, những người đã theo Chúa Kitô bằng nhiều hình thức khác nhau của ơn gọi Kitô giáo.
"Công việc của Hội Thánh, trong cuộc sửa soạn cho năm 2000, sẽ là việc cập nhật hóa các sổ bộ chứng tích cho Giáo Hội hoàn vũ, chú trọng cẩn thận đến nhân đức thánh thiện của những vị sống trọn vẹn theo chân lý của Chúa Kitô thuộc thời đại chúng ta..." (đoạn 37)
Dịp để nhóm họp giám mục từng lục địa.
"Các vị hồng y và giám mục cũng nhấn mạnh đến một nhu cầu khác nữa, đó là nhu cầu các cuộc nhóm họp (Hội Đồng Giám Mục) từng lục địa, theo gương các cuộc nhóm họp của (Hội Đồng Giám Mục) Âu Châu và Phi Châu... (sẽ đến phiên Mỹ Châu, Á Châu và Đại Dương Châu)" (đoạn 38).