9- Năm 1999 được dọn mừng như thế nào?
Năm 1999 được dọn mừng như sau:
- Để tôn kính Thiên Chúa Ngôi Cha
- Hành trình cải thiện về nhà Cha
- Nhấn mạnh đến thần đức yêu mến
- Dấn thân cho công lý và hòa bình
- Đương đầu với khuynh hướng tục hóa
- Đối thoại liên tôn
- Theo gương sống đức mến của Mẹ Maria
Để tôn kính Thiên Chúa Ngôi Cha
"Năm 1999, năm thứ ba và là năm cuối cùng của việc sửa soạn, sẽ nhắm đến việc mở rộng những chân trời cho tín hữu, để họ thấy được những sự vật theo quan điểm của Chúa Kitô: theo quan điểm của 'Cha là Đấng ở trên trời' (x.Mt.5:45), từ Ngài mà Chúa Kitô được sai đến và đã trở về với Ngài (x.Jn.16:28).
"'Đây là sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất, và Giêsu Kitô Cha sai' (Jn.17:3). Tất cả đời sống của người Kitô hữu giống như một cuộc lữ hành dài tiến về nhà Cha, Đấng mà chúng ta hằng ngày lại cảm nhận được tình yêu nhưng không đối với mọi người, nhất là đối với đứa con hoang đàng (x.Lk.15:11-32). Cuộc lữ hành này diễn ra trong lòng của mỗi người, trải ra cộng đồng tín hữu, để rồi tiến đến toàn thể nhân loại.
"Như thế, cuộc mừng, được đặt trọng tâm vào con người của Chúa Kitô, trở nên một tác động cao trọng trong việc chúc tụng Chúa Cha: 'Chúc tụng Thiên Chúa và Cha của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chúc lành cho chúng ta trong Đức Kitô bằng mọi phúc lành thiêng liêng ở trên trời, kể cả việc trước khi có thế gian Ngài đã chọn chúng ta trong Người, để chúng ta được thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài' (Eph.1:3-4)" (đoạn 49).
Hành trình cải thiện về nhà Cha
"Trong năm thứ ba này, ý nghĩa về cuộc đang lữ hành về cùng Cha phải làm cho mọi người phấn khởi chấp nhận, bằng cách gắn bó với Chúa Kitô cứu tinh của con người, một cuộc hành trình cải thiện đích thực. Cuộc cải thiện đích thực này bao gồm cả hai phương diện, phương diện tiêu cực là giải thoát khỏi tội lỗi, và phương diện tích cực là chọn lựa sự thiện, chấp nhận những giá trị đạo đức được tỏ hiện nơi luật tự nhiên, một thứ luật mà Phúc Âm đã xác nhận và đào sâu. Việc cải thiện đích thực này còn có một liên hệ thích đáng với niềm cảm nhận mới, cũng như với việc chú trọng lãnh nhận hơn bí tích thống hối theo ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Tiếng gọi cải thiện, như một điều kiện không thể châm chước của tình yêu Kitô giáo, có một tầm quan trọng đặc biệt trong xã hội hiện thời, nơi mà những căn bản nhất của nhân sinh quan đúng đắn về đạo lý dường như vẫn thường hay bị mất đi" (đoạn 50).
Nhấn mạnh đến thần đức yêu mến
"Chính vì thế mà, đặc biệt trong năm nay, cần phải nhấn mạnh đến thần đức yêu mến, nhớ lại những lời quan trọng và sâu đậm trong Thư Thứ Nhất của thánh Gioan: 'Thiên Chúa là tình yêu' (4:8,16). Đức Ái, theo bản chất lưỡng đôi của mình, là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, là tóm tắt cuộc sống luân lý của tín hữu. Thần đức này bắt nguồn từ Thiên Chúa và qui về Thiên Chúa" (đoạn 50)
Dấn thân cho công lý và hòa bình
"Theo quan điểm này, nếu chúng ta nhớ lại rằng Chúa Giêsu đến 'để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó' (Mt.11:5; Lk.7:22), thì làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua không nhấn mạnh hơn về việc Giáo Hội quan tâm đặc biệt đếán kẻ nghèo nàn và kẻ vô loài? Thật vậy, cần phải nói rằng, cuộc dấn thân cho công lý và hòa bình trong một thế giới như của chúng ta đây, một thế giới bị ghi dấu bởi quá nhiều giằng co, với những tình trạng thiếu quân bình về xã hội cũng như về kinh tế không thể nào chấp nhận được, là một điều kiện cần thiết cho việc sửa soạn và cử hành cuộc mừng kỷ niệm này. Bởi thế, theo tinh thần của Sách Lêvi (25:8-12), Kitô hữu cần phải lên tiếng thay cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới, lấy cuộc mừng kỷ niệm này như một thời điểm thích thuận, để đưa ra ý tưởng, cùng với các điều khác, về việc giảm bớt thật nhiều, nếu không hoàn toàn hủy bỏ, số nợ quốc tế (international debt) là cái hằng đe dọa tương lai của nhiều quốc gia một cách trầm trọng. Cuộc kỷ niệm mừng này cũng có thể là một dịp để suy nghĩ về những thách đố khác trong thời điểm của chúng ta, như những khó khăn trong việc đối thoại giữa các thứ văn hóa khác nhau, và những vấn nạn liên hệ đến việc tôn trọng các quyền của người phụ nữ, cũng như đến việc đề cao gia đình và hôn nhân" (đoạn 51).
Đương đầu với khuynh hướng tục hóa
"Khi nhớ lại rằng 'Đức Kitô... bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Ngài, hoàn toàn tỏ cho con người biết chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi siêu việt của họ' (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22), chúng ta cần phải có hai việc quyết tâm làm nên tính cách đặc biệt cho năm sửa soạn thứ ba này: đó là việc đương đầu với thách đố của khuynh hướng tục hóa, và việc đối thoại với những tôn giáo lớn.
"Về việc quyết tâm làm thứ nhất, cần phải bắt đầu bàn đến vấn đề lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng văn minh, một cuộc khủng hoảng văn minh đã trở nên hiển nhiên, đặc biệt ở Tây phương, nơi phát triển nhiều về phương diện kỹ thuật, nhưng nội tâm lại kiệt quệ, bởi khuynh hướng lãng quên Thiên Chúa hay xa lánh Ngài. Cuộc khủng hoảng văn minh này phải được đương đầu bằng một nền văn minh yêu thương, một nền văn minh được xây dựng trên những giá trị phổ quát về hòa bình, đoàn kết, công lý và tự do, là những gì hoàn toàn được đạt thành nơi Chúa Kitô" (đoạn 52).
Đối thoại liên tôn
"Ngoài ra, đối với việc nhận thức về đạo giáo, thì theo chiều hướng diễn tiến của những thập niên vừa qua, thời gian sát cận năm 2000 sẽ là một dịp rất thuận tiện cho việc đối thoại liên tôn (interreligious dialogue), theo những chỉ dẫn được Công Đồng Chung Vaticanô II phác họa trong tuyên ngôn Nostra Aetate về việc liên hệ giữa Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Trong cuộc đối thoại (liên tôn giáo) ở đây, Những người Do Thái và Hồi Giáo phải chiếm được một chỗ ngoại hạng. Nếu Thiên Chúa muốn, để đẩy mạnh những ý hướng này, cũng có thể tổ chức các cuộc họp chung nhau (joint meetings), ở những địa điểm quan trọng đối với những tôn giáo đơn thần lớn ở đây.
Về vấn đề này, phải để ý tìm cách sắp xếp những buổi gặp gỡ ở những nơi có tính cách tiêu biểu đặc biệt, chẳng hạn ở Bêlem, ở Gia-Liêm và ở Núi Sinai, như một cách thức để đối thoại hơn nữa với những người Do Thái và những môn đồ của Hồi Giáo, và cũng sắp xếp những buổi gặp gỡ giống như thế ở một nơi nào đó với các vị lãnh đạo của những tôn giáo lớn trên hoàn vũ. Tuy nhiên, phải luôn để ý đừng gây ra những hiểu lầm tai hại, tránh mắc phải chủ trương hòa hợp niềm tin (syncretism) cũng như chủ trương cầu an (irenicism) dễ dãi và giả tạo" (đoạn 53).
Theo gương sống đức mến của Mẹ Maria
"Theo quan điểm sâu rộng của những quyết tâm làm này, Mẹ Maria chí thánh, nữ tử rất ưu ái của Chúa Cha, sẽ hiện lên trước con mắt của tín hữu như là một mẫu gương yêu thương đối với cả Thiên Chúa lẫn tha nhân. Như chính Mẹ nói trong ca vịnh 'Ngợi Khen', Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, danh Ngài là thánh (x.Lk.1:49). Chúa Cha đã chọn Mẹ cho một sứ mệnh đặc thù trong lịch sử cứu độ: đó là sứ mệnh làm mẹ của đấng cứu thế bao đời đợi trông. Trinh Nữ Maria đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng một cõi lòng hoàn toàn cởi mở: 'Này tôi là nữ tỳ của Chúa' (Lk.1:38). Vai trò làm mẹ của Người, bắt đầu ở Nazarét và được thể hiện mạnh mẽ nhất ở Gia-Liêm dưới chân thập giá, trong năm nay phải được cảm nhận như là một lời mời gọi yêu thương và khẩn thiết mà Người ngỏ với tất cả con cái của Thiên Chúa, nhờ đó họ mới có thể về nhà Cha, khi họ nghe tiếng hiền mẫu: 'Các con hãy làm những gì Chúa Kitô bảo các con' (x.Jn.2:5)" (đoạn 54).