2-Tại Sao Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II

viết Thông Điệp "Dives in Mesericordia"

 

            Vì nhu cầu tâm linh trầm trọng của thời đại văn minh hiện nay liên quan đến sự thật về con người trong mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa. 

            1- "Theo giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như chú trọng tới những nhu cầu đặc biệt của thời điểm chúng ta, Tôi đã dùng thông điệp Redemptor Hominis để nói đến sự thật về con người, một sự thật được tỏ cho chúng ta một cách hoàn toàn và sâu xa nơi Chúa Kitô. Một nhu cầu cũng không kém quan trọng trong thời điểm khủng hoảng và khó khăn này đã thôi thúc Ta, một lần nữa, trong Chúa Kitô, gây nên một sự chú ý đến dung nhan của một 'Người Cha giầu tình thương và Thiên Chúa của mọi niềm ủi an' (2Cor.1:3). Chúng ta đọc thấy trong Hiến Chế Gaudium et Spes: 'Chúa Kitô là một tân Adong... hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao qúi của họ', và Người làm như thế 'bằng chính việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha' (đoạn 22). Những lời mà Tôi vừa trích dẫn là chứng cớ rõ ràng cho thấy sự kiện là con người không thể nào được thể hiện hoàn toàn phẩm vị của bản tính mình mà lại không có liên quan gì với Thiên Chúa, chẳng những ở mức độ tư tưởng mà còn ở cả cách thức hiện hữu chuyên chính nữa.

            "Đó là lý do giờ đây đã đến lúc cần phải suy niệm về mầu nhiệm này. Nó được kêu mời từ những kinh nghiệm khác nhau của Giáo Hội cũng như của con người đương thời. Nó cũng được đòi hỏi bởi những kêu cầu từ tâm can con người, từ những khổ đau và hy vọng của họ, từ những lo âu và mong đợi của họ...

            "Sứ vụ của Giáo Hội càng hướng về con người - tức là nó càng nhân trung (anthropocentric) - thì nó lại càng phải được xác định và hiện thực với một tính cách thần trung (theocentrically), nghĩa là nó phải được nhắm vào Chúa Kitô để đến với Ngôi Cha. Trong khi có những luồng tư tưởng con người, cả trong qúa khứ cũng như hiện tại, đã và còn đang hướng chiều về việc tách biệt chủ trương thần trung (theocentrism) với chủ trương nhân trung (anthropocentrism), ngay cả việc đặt chúng tương phản với nhau, thì Giáo Hội, theo Chúa Kitô, tìm cách nối liền chúng lại trong lịch sử loài người, bằng một đường lối sâu xa và thứ tự... Hôm nay đây, Tôi muốn nói lên rằng việc vươn mình ra tới Chúa Kitô, Đấng, như Vị Cứu Chuộc thế giới, đã hoàn toàn 'tỏ cho họ biết được chính mình họ', chỉ có thể đạt được bằng một mối liên hệ sâu xa hơn bao giờ hết về Chúa Cha và về tình yêu của Ngài. 

            2- "Tâm thức ngày nay (the present-day mentality), có lẽ hơn cả của con người trong qúa khứ, tỏ ra chống lại với một vị Thiên Chúa của tình thương, và thực tế cho thấy có khuynh hướng loại trừ ra khỏi đời sống và lấy nó ra khỏi cõi lòng con người ngay cả tư tưởng về tình thương nữa. Từ ngữ và ý niệm về 'tình thương' như gây nên một cái gì bất ổn nơi con người, thành phần mà, nhờ việc tiến triển khổng lồ về khoa học và kỹ thuật chưa bao giờ có trong lịch sử, đã trở nên chủ nhân ông của trái đất, và đã cai trị cùng thống trị nó (x.Gen.1:28). Việc thống trị trái đất này, đôi khi được hiểu một chiều và nông cạn, xem ra không còn chỗ cho tình thương nữa. Tuy nhiên, theo chiều hướng này, để có lợi hơn, chúng ta có thể nghĩ đến hình ảnh về tình trạng của 'con người trong thế giới ngày nay', như được diễn tả ở đầu Hiến Chế Gaudium et Spes. Đây, chúng ta hãy đọc những câu như sau: 'Trong ánh sáng của những yếu tố trước, thì xem ra như có một cuộc lưỡng phân (dichotomy) nơi một thế giới mà cùng một lúc vừa quyền năng lại vừa yếu nhược, có khả năng làm được cả cái cao qúi lẫn cái hạ đẳng, vừa mong được tự do lại bị nô lệ, vừa phát triển lại lụn bại, vừa liên đới huynh đệ lại hận thù ghét ghen. Con người càng ngày càng ý thức được rằng những mãnh lực mà họ đã thả tung ra đang nằm ở trong bàn tay của họ, và tùy họ biết kiềm chế chúng hay là làm nô lệ cho chúng' (đoạn 9).

            "Tình hình của thế giới hôm nay chẳng những đang phô diễn các biến đổi tạo nên những lý do để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho con người trên trái đất, mà còn tỏ ra có rất nhiều những mối đe dọa nguy hơn cả những mối đe dọa từ trước tới nay. Không thôi vạch ra những mối đe dọa này trong một số trường hợp, (như trong các bài diễn từ tại UNO cho UNESCO, cho FAO và những nơi khác), Giáo Hội đồng thời còn phải khảo sát chúng trong ánh sáng của chân lý phát ra từ Thiên Chúa nữa.

            "Chân lý, được mạc khải nơi Chúa Kitô, về Thiên Chúa là 'Người Cha giầu lòng thương xót' (2Cor.1:3), cho chúng ta 'thấy' Ngài đặc biệt gần gũi với con người, nhất là khi con người chịu khổ đau, khi họ bị đe dọa ở ngay chính giữa cuộc hiện hữu và phẩm vị của mình. Và đó là lý do tại sao, trong tình trạng của Giáo Hội và thế giới ngày nay, có nhiều người cũng như nhiều nhóm, được hướng dẫn bởi một cảm quan đức tin sống động, đang tìm về, có thể nói hầu như một cách tự nhiên, với tình thương của Thiên Chúa. Họ được đánh động làm như thế chắc chắn phải là do chính Chúa Kitô, Đấng tác hành nơi tâm can con người bằng Thần Linh của Người. Vì mầu nhiệm về Thiên Chúa là 'Người Cha giầu lòng thương xót' được Chúa Kitô mạc khải, trong sự tương quan với những mối đe dọa hiện nay đối với con người, đã thực sự trở thành một lời kêu xin thiết tha đặc biệt ngỏ với Giáo Hội.

            "Trong bức thông điệp đây, Tôi xin chấp nhận lời kêu xin thiết tha này; Tôi muốn rút ra từ ngôn ngữ đời đời, cùng với tính cách chân chất và sâu xa của nó, một ngôn ngữ khôn sánh của mạc khải và đức tin, để qua ngôn ngữ ấy, một lần nữa, trình bày trước nhan Thiên Chúa và trước mặt nhân loại những nỗi lo âu của thời điểm chúng ta.

            "Thật ra, mạc khải và đức tin dạy chúng ta chẳng những suy niệm một cách trừu tượng về mầu nhiệm của Thiên Chúa là 'Người Cha giầu lòng thương xót', mà còn phải chạy đến với tình thương này nhân danh Đức Kitô và hiệp với Người nữa. Đức Kitô đã không nói rằng, Cha của chúng ta, Đấng 'thấy nơi kín nhiệm' (Mt.6:4,6,18), luôn luôn đợi chờ chúng ta chạy đến với Ngài mỗi khi cần, và luôn luôn chờ đợi chúng ta đến để học biết mầu nhiệm của Ngài: mầu nhiệm về một Người Cha và về tình yêu thương của Ngài.

            "Bởi thế, Tôi muốn những suy xét sau đây làm cho mầu nhiệm này gần gũi với mọi người hơn. Đồng thời, Tôi cũng muốn những suy xét ấy thành một lời kêu xin tha thiết thật tình mà Giáo Hội dâng lên tình thương, một tình thương thật là cần thiết cho nhân loại và cho thế giới tân tiến này. Họ cần tình thương cho dù họ thường không nhận ra nó".