6- Thông điệp "Dives in Misericordia" có được phản ảnh qua
tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến" không?
Có, theo tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến thì: "Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình". Thông điệp Dives in Misericordia trước đó đã cảm nhận là: "Người cha của đứa con hoang đàng trung thực với tình phụ tử của mình, trung thực với tình yêu mà ông luôn luôn tràn ban cho đứa con của mình. Lòng trung thực này được thể hiện trong dụ ngôn, chẳng những bằng việc sẵn sàng đón nhận ngay nó vào nhà lúc nó trở về sau khi đã phung phá hết gia tài của mình; nó còn được thể hiện trọn vẹn hơn nữa nơi niềm vui, một niềm vui tỏ ra hớn hở đối với đứa con phung phá sau khi nó trở về, một niềm hớn hở thật là bao dung, đến nỗi đã làm cho người anh phải bất mãn và hận ghét, một con người không bao giờ bỏ cha mà đi cũng như không bao giờ bỏ nhà mà đi".
6- "Hình ảnh đích thực về tình trạng tâm trí của người con hoang đàng làm cho chúng ta hiểu rõ ràng về nội dung của tình thương Thiên Chúa. Trong việc phân tách đơn sơ song thấm thía (ở đoạn 5 trước đoạn 6) này, hình ảnh của một người cha chắc chắn tỏ ra cho chúng ta thấy được Thiên Chúa như là một người Cha. Hành động của người cha trong dụ ngôn, cũng như tất cả mọi cử chỉ hành vi của ông, là những gì biểu lộ thái độ bên trong của ông, cho phép chúng ta tái khám phá ra những móc nối riêng lẻ trong quan niệm của Cựu Ước về tình thương nơi một tổng luận hoàn toàn mới mẻ, đầy giản dị và sâu xa. Người cha của đứa con hoang đàng trung thực với tình phụ tử của mình, trung thực với tình yêu mà ông luôn luôn tràn ban cho đứa con của mình. Lòng trung thực này được thể hiện trong dụ ngôn, chẳng những bằng việc sẵn sàng đón nhận ngay nó vào nhà lúc nó trở về sau khi đã phung phá hết gia tài của mình; nó còn được thể hiện trọn vẹn hơn nữa nơi niềm vui, một niềm vui tỏ ra hớn hở đối với đứa con phung phá sau khi nó trở về, một niềm hớn hở thật là bao dung, đến nỗi đã làm cho người anh phải bất mãn và hận ghét, một con người không bao giờ bỏ cha mà đi cũng như không bao giờ bỏ nhà mà đi.
"Lòng trung thực của người cha đối với chính mình - một đặc tính đã được biết đến nơi từ ngữ hesel trong Cựu Ước - cũng đồng thời được thể hiện trong một thể thức đặc biệt theo lòng cảm thương. Thật vậy, theo chúng ta đọc được thì, khi người cha thấy đứa con hoang đàng trở về nhà, 'ông đã động lòng thương (compassion), chạy ra đón nó, ôm lấy cổ nó mà hôn' (Lk.15:20). Chắc chắn ông làm điều này do lòng cảm thương thúc đẩy, và điều này cũng nói lên lòng bao dung của ông đối với con mình, một lòng bao dung làm cho người con lớn cả giận. Tuy nhiên, những căn cớ của niềm cảm xúc này còn được thấy ở một mức độ sâu xa hơn. Hãy để ý mà coi, người cha nhận thức được rằng có một sự thiện căn gốc đã cứu lại được: đó là sự thiện nhân tính con của ông. Mặc dầu người con đã phung phá sản nghiệp của mình, thế mà nó lại giữ được nhân tính của nó. Thật vậy, một cách nào đó, nó đã được tìm thấy. Những lời của người cha nói với đứa con lớn tỏ cho thấy điều này: 'Cần phải ăn mừng và hân hoan, vì em con đã chết đi nay vẫn sống; nó đã mất nay lại tìm thấy' (Lk.15:32)... Lòng trung thực của người cha với chính ông hoàn toàn nhắm vào nhân tính của đứa con thất lạc, vào phẩm vị của nó. Điều này trước hết nói lên tất cả mọi cảm xúc hoan lạc lúc đứa con trở về nhà.
"Tiếp đến, người ta có thể nói rằng tình yêu đối với người con, tình yêu phát xuất từ chính yếu tính của tình phụ tử, một cách nào đó, buộc người cha phải quan tâm đến phẩm vị của đứa con mình. Mối quan tâm này là mức độ tình yêu của ông, một tình yêu mà Thánh Phaolô đã viết: 'Yêu thương thì nhẫn nại và từ ái'... và 'yêu thương không bao giờ cùng' (1Cor.13:4-8). Tình thương - như Chúa Kitô tỏ bày trong dụ ngôn người con hoang đàng - có một hình thái nội tại của tình yêu mà trong Tân Ước gọi là agape (đức ái). Tình yêu này có thể đến với mọi đứa con hoang đàng, với mọi cùng khốn nhân loại, nhất là với mọi hình thức khốn cùng về luân lý, với tội lỗi. Khi điều này xẩy ra, con người là đối tượng của tình thương không cảm thấy bị nhục nhã, trái lại, tìm thấy được và 'phục hồi được giá trị'. Người cha, đầu tiên và trên hết, tỏ cho họ thấy niềm vui của ông, ở chỗ 'tìm lại được' họ và họ 'đã sống lại'. Niềm vui này nói lên rằng một sự thiện vẫn còn nguyên: cho dù họ có là một đứa con hoang đàng, một đứa con vẫn không thôi thực sự là con của cha mình; nó cũng nói lên rằng một sự thiện đã được tìm thấy, một sự thật ở trường hợp của đứa con hoang đàng là việc nó trở về với sự thật của bản thân...
"Dụ ngôn người con hoang đàng diễn tả một cách giản dị nhưng sâu xa thực tại của việc cải thiện. Cải thiện là một diễn đạt cụ thể nhất của công cuộc yêu thương cũng như của việc hiện diện tình thương nơi thế giới con người. Tuy nhiên, ý nghĩa chân thực và xứng hợp của tình thương không chỉ ở tại việc nhìn vào sự dữ luân lý (moral), thể lý (physical) hay (material) vật lý một cách thấm thía và thương hại: Tình thương được biểu hiện qua bộï mặt chân thực và xứng hợp của nó là khi nó phục hồi được giá trị, nâng cao và rút tỉa được sự thiện từ tất cả mọi hình thức của sự dữ đang hiện diện nơi thế giới cũng như nơi con người. Hiểu như thế, tình thương tạo nên một nội dung căn bản trong sứ điệp thiên sai của Đức Kitô cũng như quyền năng chính yếu nơi sứ vụ của Người. Các môn đệ (disciples) và các đồ đệ (followers) của Người đã hiểu và thực hành tình thương cũng như vậy. Tình thương không bao giờ ngừng tỏ mình ra, nơi tâm can của họ cũng như trong hành động của họ, như một chứng cớ tạo tác đặc biệt của tình yêu không để cho mình 'bị sự dữ khống chế', trái lại chế ngự 'sự dữ bằng sự thiện' (x.Rm.12:21). Cho dù không tránh khỏi bị nhiều tổn thương, tình thương vẫn đặc biệt cần thiết đối với thời điểm của chúng ta".