BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA
 

 

5-       Bản Tuyên Ngôn Chung đây có ý định ấy, ý định là trình bày cho thấy rằng, nhờ việc đối thoại của mình, các giáo hội Luthêrô liên hệ và Giáo Hội Công Giáo Rôma giờ đây có thể nói lên rõ ràng việc hiểu biết chung về việc công chính hóa của chúng ta nhờ ơn Thiên Chúa qua đức tin vào Chúa Kitô. Bản Tuyên Ngôn Chung này không bao gồm tất cả những gì giáo hội hai bên giảng dạy về việc công chính hóa; nhưng bản tuyên ngôn này thực sự bao gồm việc đồng ý với nhau về những sự thật căn bản nơi khoản tín lý công chính hóa, và cho thấy rằng những khác nhau nơi việc cắt nghĩa khoản tín lý này không còn là cớ để kết án nhau về tín lý nữa. 

 

6-       Bản Tuyên Ngôn của chúng ta đây không phải là một trình bày mới mẻ không có dính dáng gì tới các bản tường trình và văn kiện đối thoại từ trước đến nay, một bản trình bày thay thế cho những bản tường trình và văn kiện này. Trái lại, như phần phụ đính của các nguồn liệu cho thấy (cùng nguồn, trang III và IV), bản tuyên ngôn đây lập lại các điều cần phải căn cứ cùng những luận cứ của các điều cần phải căn cứ ấy. 

 

7-       Như chính các cuộc đối thoại, Bản Tuyên Ngôn Chung này cũng được dựa vào niềm xác tín là, trong việc thắng vượt các vấn đề tranh luận và lên án nhau về tín điều xưa kia, giáo hội hai bên không được coi nhẹ các điều lên án ấy, cũng như không được chối bỏ quá khứ của mình. Ngược lại, Bản Tuyên Ngôn này được thành nên bởi niềm xác tín là, theo giòng lịch sử tương kính của mình, giáo hội hai bên chúng ta đã có những cái nhìn thấu đáo mới mẻ. Có những phát triển đã diễn tiến, những phát triển chẳng những khả dĩ mà còn đòi giáo hội hai bên phải khảo sát các vấn nạn về việc phân rẽ cùng với các điều lên án nhau nữa, và nhìn vào những điều lên án nhau này theo chiều hướng mới.

 

  

1-     SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

8.       Con đường cùng nhau lắng nghe lời Chúa trong Thánh Kinh đã dẫn chúng ta đến một cái nhìn thấu đáo mới mẻ như vậy. Chúng ta đã cùng nhau nghe thấy lời phúc âm là ‘Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến ban Con một của mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời’ (Jn 3:16). Tin mừng này đã được trình bày trong Thánh Kinh bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong Cựu Ước, chúng ta đã nghe lời Chúa về vấn đề tội lỗi của con người (Ps 51:1-5; Dan 9:5f; Eccl/Qo 8:9f; Ezra 9:6f) và việc con người bất phục tùng (Gen 3:1-19; Neh 9:16f, 26), cũng như về ‘đức chính trực’ của Thiên Chúa (Is 46:13, 51:5-8, 56:1 [cf 53:11]; Jer 9:24) và về ‘phán quyết’ của Ngài (Eccl/Qo 12:14; Ps 9:5f, 76:7-9).  
 

9.       Tân Ước cũng có những trình bày khác nhau về ‘đức chính trực’ và ‘việc công chính hóa’, nơi các bản văn của Thánh Mathêu (5:10, 6:33, 21:32), Thánh Gioan (16:8-11), Thư gửi Do Thái (5:3, 10:37f), và Thánh Giacôbê (2:14-26). Trong các thư của Thánh Phaolô cũng thế, tặng ân cứu độ được trình bày bằng nhiều cách thức khác nhau: ‘vì tựï do mà Chúa Kitô đã giải cứu chúng ta’ (Gal 5:1-13; cf Rm 6:7), ‘đã giải hòa chúng ta với Thiên Chúa’ (2Cor 5:18-21; cf Rm 5:11), ‘làm hòa với Thiên Chúa’ (Rm 5:1), ‘tạo vật mới’ (2Cor 5:17), ‘sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô’ (Rm 6:11, 23), hay ‘được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô’ (cf 1Cor 1:2, 1:30; 2Cor 1:1). Trong số những đoạn này có đoạn về ‘việc công chính hóa’ con người tội lỗi bởi ơn Chúa nhờ đức tin (Rm 3:23-25), một đoạn đã chiếm được một địa vị trọng yếu đặc biệt vào thời Cải Cách.  
 

10.    Thánh Phaolô đã trình bày phúc âm như là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ con người là thành phần bị rơi vào tay quyền lực tội lỗi, như là sứ điệp loan báo ‘đức chính trực của Thiên Chúa được mạc khải cho thấy qua đức tin và cho đức tin’ (Rm 1:16f), và đức chính trực của Ngài làm cho con người được ‘công chính hóa’ (Rm 3:21-31). Thánh nhân công bố Chúa Kitô như là ‘đức chính trực của chúng ta’ (1Cor 1:30), khi áp dụng vào Chúa phục sinh những gì tiên tri Giêrêmia đã loan báo về chính Thiên Chúa (Jer 23:6). Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, tất cả mọi chiều kích nơi công việc cứu độ của Người đều có nguồn gốc của mình, vì Người là ‘Chúa chúng ta, Đấng đã bị giết chết vì các vấp phạm của chúng ta và đã phục sinh cho chúng ta được công chính hóa’ (Rm 4:25). Tất cả loài người đều cần đến đức chính trực của Thiên Chúa, ‘vì tất cả mọi người đã phạm tội và bị mất đi vinh quang của Thiên Chúa’ (Rm 3:23; cf Rm 1:18-3:20, 11:32; Gal 3:22). Trong thư Galata (3:6) và Rôma (4:3-9), Thánh Phaolô cho thấy đức tin của Abraham (Gen 15:6) như là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng công chính hóa tội nhân (Rm 4:5), và thánh nhân dựa vào chứng từ của Cựu Ước để làm nổi bật phúc âm ngài rao giảng, đó là đức chính trực của Thiên Chúa sẽ được áp dụng cho tất cả những ai, như Abraham, tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. ‘Vì kẻ chính trực sẽ sống bằng đức tin’ (Hab 2:4; cf Gal 3:11; Rm 1:17). Đức chính trực của Thiên Chúa, qua các bức thư của Thánh Phaolô, cũng chính là quyền năng của Ngài đối với những kẻ có lòng tin (Rm 1:16f; 2Cor 5:21). Thiên Chúa dùng quyền năng của mình để làm cho chúng ta được nên công chính trong Đức Kitô (2Cor 5:21). Chúng ta được công chính hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô, ‘Đấng Thiên Chúa muốn làm như một hy tế đền tội bằng máu của Người, mang lại công hiệu nơi đức tin’ (Rm 3:25; xem 3:21-28). ‘Vì bởi ân sủng, anh em đã dược cứu độ nhờ đức tin, và đó không phải là việc anh em làm; đó là tặng ân của Thiên Chúa – không phải là thành quả của việc làm’ (Eph 2:8f).

 

11.    Việc công chính hóa là việc thứ tha tội lỗi (cf Rm 3:23-25; Acts 13:39; Lk 18:14), là việc giải thoát khỏi quyền lực thống trị của tội lỗi và sự chết (Rm 5:12-21) cũng như khỏi tình trạng khốn nạn của lề luật (Gal 3:10-14). Việc công chính hóa là việc chấp nhận hiệp thông với Thiên Chúa, ngay lúc này đây, nhưng toàn vẹn khi vương quốc Thiên Chúa trị đến (Rm 5:1f). Việc công chính hóa liên kết với Đức Kitô và cuộc tử nạn cũng như phục sinh của Người (Rm 6:5). Việc công chính hóa được thực hiện trong việc chấp nhận Chúa Thánh Thần nơi phép rửa và là việc gia nhập một thân thể duy nhất (Rm 8:1f, 9f; 1Cor 12:12f). Tất cả những việc này đều do bởi một mình Thiên Chúa làm vì Đức Kitô, bằng ân sủng, qua đức tin vào ‘phúc âm của Con Thiên Chúa’ (Rm 1:1-3).

 

12.    Người được công chính hóa sống bởi đức tin, một đức tin phát xuất từ Lời của Đức Kitô (Rm 10:17), và là một đức tin hoạt động qua đức mến (Gal 5:6), hoa trái của Thần Linh (Gal 5:22f). Thế nhưng, vì người được công chính hóa bị tấn công cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi những quyền lực cũng như bởi các ước muốn (Rm 8:35-39; Gal 5:16-21) và đã sa ngã phạm tội (1Jn 1:8, 10), nên họ phải liên lỉ nghe lại các lời hứa của Thiên Chúa, phải xưng thú tội lỗi của mình (1Jn 1:9), phải tham dự vào mình máu Chúa Kitô, và phải được khuyên nhủ sống chính trực theo ý muốn của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Tông Đồ nói với thành phần được công chính hóa rằng: ‘Anh em hãy lo sợ và gắng sức để làm sao cho được cứu độ; vì Thiên Chúa là Đấng hoạt động nơi anh em, giúp anh em chẳng những muốn mà còn làm hài lòng Ngài’ (Phil 2:12f). Thế nhưng, tin mừng vẫn là ở chỗ ‘giờ đây không còn luận phạt cho những ai sống trong Chúa Giêsu Kitô’ (Rm 8:1), cũng như cho những ai được Chúa Giêsu sống động trong họ nữa (Gal 2:20). ‘Tác động chính trực’ của Đức Kitô ‘làm chúng ta nên công chính và sống cho tất cả mọi người’ (Rm 5:18).

 

 

2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT

 

13.    Nguyên nhân chính gây ra chia rẽ nơi Giáo Hội Tây Phương, đưa tới cả việc lên án nhau về tín lý vào thế kỷ 16, đã phản lại các điều dẫn giải và áp dụng của sứ điệp thánh kinh về việc công chính hóa. Bởi thế, dứt khoát cần phải cùng nhau tìm hiểu về việc công chính hóa để vượt qua tình trạng chia rẽ này. Bằng việc chấp nhận những cái nhìn thấu đáo từ các cuộc tìm hiểu thánh kinh cận đại, cũng như bằng việc rút lấy những cứu xét tân thời về lịch sử thần học và tín điều, cuộc đối thoại đại kết hậu Công Đồng Chung Vaticanô II đã dẫn đến một điểm đồng qui về việc công chính hóa, nhờ đó, Bản Tuyên Ngôn Chung này mới có thể phác họa nên việc đồng thuận về các sự thật căn bản liên quan đến tín lý công chính hóa. Theo chiều hướng đồng thuận này, những điều lên án nhau về khoản tín lý liên hệ thuộc thế kỷ 16 không còn áp dụng cho đôi bên hiện nay nữa.

 

 

3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA

 

14.    Các giáo hội Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma đã cùng nhau lắng nghe tin mừng do Thánh Kinh loan báo. Việc cùng nhau lắng nghe này, cùng với việc trao đổi về thần học trong những năm gần đây, đã dẫn nhau đến việc hiểu biết chung về việc công chính hóa. Điều này bao gồm cả việc đồng thuận với nhau về những sự thật căn bản; những giải thích khác nhau qua các câu phát biểu riêng biệt đều hợp với việc đồng thuận này.

 

15.    Theo đức tin, chúng ta cùng nhau xác tín rằng, công chính hóa là việc Thiên Chúa Ba Ngôi làm. Chúa Cha sai Chúa Con vào thế gian để cứu độ các tội nhân. Nền tảng và điều kiện tiên quyết để được công chính hóa là việc nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Bởi thế, việc công chính hóa nghĩa là chính Chúa Kitô là sự chính trực của chúng ta, một sự chính trực chúng ta được thông phần nhờ Chúa Thánh Thần theo ý muốn của Chúa Cha. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng: Chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng canh tân cõi lòng của chúng ta để trang bị và kêu gọi chúng ta làm những việc lành, hoàn toàn là do ân sủng, bởi niềm tin tưởng vào công việc cứu độ của Chúa Kitô, chứ không phải bởi bất cứ công lênh nào của chúng ta.

 

16.    Tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi lãnh nhận ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Chúng ta được công chính hóa bởi duy một mình Chúa Kitô mà thôi, khi chúng ta lấy đức tin để lãnh nhận ơn cứu độ này. Chính đức tin cũng là một tặng ân của Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bằng lời nói và bằng bí tích nơi cộng đồng các tín hữu, và cũng là Đấng dẫn tín hữu đến việc canh tân đời sống sẽ được Thiên Chúa hoàn tất ở sự sống đời đời.

 

17.    Chúng ta cũng chia sẻ niềm xác tín là, sứ điệp về việc công chính hóa đặc biệt hướng chúng ta đến tâm điểm của chứng từ Tân Ước đối với hoạt động cứu độ của Thiên Chúa thực hiện trong Chúa Kitô: chứng từ này cho chúng ta thấy rằng, là tội nhân, đời sống mới của chúng ta hoàn toàn là do tình thương tha thứ và canh tân Thiên Chúa ban cho chúng ta như là một tặng ân, một tặng ân chúng ta lấy đức tin lãnh nhận, chứ không phải bởi công lênh gì của chúng ta bao giờ cả.

 

18.  Bởi thế, căn cứ vào sứ điệp và những dẫn giải ấy, tín lý về việc công chính hóa còn hơn là một phần thuộc tín lý Kitô Giáo nữa. Khoản tín lý này có liên hệ chính yếu đến tất cả những chân lý đức tin khác, những chân lý đức tin có liên hệ nội tại với nhau. Khoản tín lý này là một qui luật liên lỉ giúp vào việc hướng tất cả mọi giáo huấn và thực hành của các giáo hội chúng ta về Chúa Kitô. Khi bên Luthêrô nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc thù của qui luật này, họ cũng không chối bỏ mối liên hệ chung và tầm quan trọng của tất cả các chân lý đức tin. Khi bên Công Giáo buộc phải theo một số qui luật, họ cũng không phủ nhận vai trò đặc biệt của sứ điệp công chính hóa. Cả Luthêrô và Công Giáo cùng nhắm đến mục tiêu tuyên xưng Chúa Kitô trong tất cả mọi sự, một mình Người là Đấng duy nhất phải được tin tưởng trên hết mọi sự như là Đấng Trung Gian duy nhất (1Tim 2:5f), Đấng mà nhờ Người Thiên Chúa ban mình cho chúng ta trong Chúa Thánh Thần và tràn ban các tặng ân canh tân của Ngài cho chúng ta.