BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA
35.. Người Cải Cách đặc biệt nhấn mạnh đến điều này, đó là, giữa thử thách
cám dỗ, người tín hữu không được cậy dựa vào mình mà phải hoàn toàn cậy dựa vào
Chúa Kitô và tin tưởng nơi một mình Người. Bằng việc tin tưởng vào lời hứa của
Thiên Chúa, chứ không bao giờ cậy dựa vào bản thân, họ nắm chắc được phần rỗi
của mình.
36. Người Công Giáo có thể chung một quan tâm với người Cải Cách trong việc
đặt đức tin vào thực tại khách quan của lời Chúa Kitô hứa, trong việc bỏ đi cảm
nghiệm riêng tư của mình, cũng như trong việc tin tưởng vào nguyên lời thứ tha
của Chúa Kitô mà thôi (cf Mt 16:19, 18:18). Theo Công Đồng Chung Vaticanô II,
người Công Giáo cho rằng sống đức tin là hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, Đấng
giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi cùng sự chết và làm cho chúng ta bừng
lên sự sống đời đời. Bởi thế, con người không thể tin tưởng nơi Thiên Chúa, đồng
thời lại coi lời hứa thần linh là không đáng tin tưởng. Không ai được ngờ vực
tình thương của Thiên Chúa và công nghiệp của Chúa Kitô. Tuy nhiên, mọi người có
thể quan tâm đến phần rỗi của mình khi họ thấy mình yếu đuối và kém cỏi. Thế
nhưng, nhận thấy mình sa ngã, tín hữu mới có thể tin là Thiên Chúa muốn cứu độ
họ.
4.7- Các Việc
Lành Phúc Đức của Người Được Công Chính Hóa
37. Cùng nhau chúng ta tuyên xưng rằng, các việc lành phúc đức – một đời sống
Kitô hữu sống đức tin, đức cậy và đức mến – là do việc công chính hóa và là hoa
trái của việc công chính hóa. Khi thành phần được công chính hóa sống trong Đức
Kitô và hoạt động theo ân sủng nhận được, là họ làm trổ sinh trái tốt, theo từ
ngữ thánh kinh. Bởi Kitô hữu chống chọi với tội lỗi suốt cuộc đời của mình, họ
cũng buộc phải chiếm được thành quả của việc công chính hóa ấy. Thế nên, cả Chúa
Giêsu lẫn các Sách Thánh tông tuyền đều khuyên giục Kitô hữu hãy làm trổ sinh
các việc yêu thương.
38. Theo người Công Giáo hiểu thì các việc lành phúc đức, được thực hiện nhờ
ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, góp phần vào việc lớn lên trong ân
sủng, nhờ đó đức chính trực do Thiên Chúa ban cho được bảo tồn, và cũng nhờ đó
việc hiệp thông với Chúa Kitô được sâu đậm hơn. Khi người Công Giáo xác nhận
tính chất ‘công nghiệp’ của các việc lành phúc đức, là họ muốn nói lên rằng,
theo chứng từ thánh kinh, phần thưởng trên trời được hứa ban cho những việc làm
ấy. Họ có ý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người đối với hành động của mình,
chứ không đặt vấn đề tính chất nơi những việc làm như là các tặng ân ấy, và họ
lại càng không chối bỏ việc công chính hóa bao giờ cũng là một quà tặng nhưng
không của ân sủng.
39. Người Luthêrô cũng chủ trương quan niệm về việc bảo trì ân sủng và việc
lớn lên trong ân sủng cùng đức tin. Họ thực sự nhấn mạnh là đức chính trực được
Thiên Chúa ban cho và việc thông phần vào đức chính trực của Chúa Kitô là những
gì luôn luôn trọn vẹn. Họ đồng thời cũng cho rằng, các hiệu quả của những sự ấy
có thể được phát triển trong đời sống Kitô hữu. Tuy nhiên, khi họ quan niệm về
các việc lành phúc đức của người Kitô hữu như là hoa trái và dấu chỉ của việc
công chính hóa, chứ không phải là các ‘công nghiệp’ riêng của con người, thì họ
cũng hiểu được sự sống đời đời, theo ý nghĩa của Tân Ước, là một ‘phần thưởng’
nhưng không trong việc người tín hữu làm trọn lời hứa của Thiên Chúa.
5. Tầm Quan Trọng
và Mục Tiêu nhắm đến của Việc Đồng Ưng Thuận
40. Việc tìm hiểu về tín lý công chính hóa được trình bày trong Bản Tuyên
Ngôn này cho thấy rằng, người Luthêrô và người Công Giáo đã cùng nhau chấp nhận
những sự thật căn bản của tín lý về việc công chính hóa. Theo chiều hướng đồng
ưng thuận này, thì những khác nhau còn lại về ngôn ngữ, về việc diễn giải theo
thần học, và về các điểm được nhấn mạnh trong việc hiểu biết về vấn đề công
chính hóa ở các đoạn từ 18 đến 39, đều được chấp nhận. Bởi thế, những cắt nghĩa
về việc công chính hóa của người Luthêrô và người Công Giáo khác nhau thì hướng
đến nhau và không làm tiêu hủy việc đồng thuận liên quan đến các sự thật căn bản
này.
41. Do đó, những điều lên án nhau về tín lý ở thế kỷ 16 liên quan đến tín lý
về việc công chính hóa có một chiều hướng mới, đó là: Giáo huấn của các giáo hội
Luthêrô được trình bày trong Bản Tuyên Ngôn này không bị rơi vào số các luận bác
của Công Đồng Chung Triđentinô. Những bác bỏ trong Các Điều Tuyên Tín của bên
Luthêrô cũng không áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo Rôma được trình
bày trong Bản Tuyên Ngôn này.
42. Như thế, không có gì làm mất đi tính cách nghiêm trọng của các điều lên
án liên quan đến tín lý về việc công chính hóa cả. Một số điều lên án này không
phải là hoàn toàn vô bổ đâu. Đối với chúng ta, chúng vẫn là ‘những cảnh giác
công hiệu’ làm cho chúng ta phải lưu ý về việc giảng dạy và việc thực hành của
chúng ta.
43. Việc đồng thuận của chúng ta nơi các sự thật căn bản của tín lý về việc
công chính hóa phải gây tác dụng trên đời sống cũng như nơi các giáo huấn của
giáo hội chúng ta. Việc đồng thuận này phải tự chứng tỏ cho thấy là ở chỗ đó. Về
khía cạnh này, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng khác nhau cần phải được làm cho
sáng tỏ hơn. Trong số những vấn đề đó là vấn đề về mối liên hệ giữa Lời Chúa và
tín lý giáo hội, cũng như vấn đề giáo hội học, vấn đề quyền bính giáo hội, vấn
đề hiệp nhất giáo hội, vấn đề thừa tác vụ, vấn đề các bí tích, và vấn đề liên hệ
giữa việc công chính hóa với đạo đức xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, việc chúng
ta tiến đến vấn đề đồng thuận này cống hiến cho chúng ta một căn bản vững chắc
cho việc làm sáng tỏ ấy. Các giáo hội Luthêrô và Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ cùng
nhau tiếp tục gắng sức đào sâu vào việc tìm hiểu chung về việc công chính hóa
này, để làm cho việc tìm hiểu ấy sinh hoa kết trái trong đời sống cũng như trong
giáo huấn của các giáo hội.
44. Chúng ta tạ ơn Chúa cho bước tiến trọng yếu hướng tới đường lối thắng
vượt tình trạng chia rẽ của giáo hội này. Chúng ta xin Thánh Linh dẫn chúng ta
tiến xa hơn nữa tới việc hiệp nhất hữu hình theo ý muốn của Chúa Kitô.
BẢN
TUYÊN NGÔN của THÁNH BỘ TÍN LÝ ĐỨC TIN
VAI TRÒ CHUYÊN
NHẤT
CỦA CHÚA KITÔ VÀ
GIÁO HỘI
Giáo Hội Công Giáo, kể
từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đã phát động và hết sức nỗ lực thực hiện việc
Đại Kết Kitô Giáo khẩn thiết, để có thể phục hồi tình trạng Giáo Hội Chúa Kitô
hoàn toàn được hiệp nhất nên một như ý muốn của Chúa Kitô, cũng như để khỏi gây
ngãng trở trong việc truyền giáo, và trong giáo triều của mình, Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II cũng đã đẩy mạnh việc Đối Thoại Liên Tôn hơn bao giờ hết. Thế mà,
Tòa Thánh, qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vừa chính thức ban bố một văn kiện, như
phản ứng của một số nhân vật cho thấy, một văn kiện có thể gây nguy hại đến tiến
trình Đại Kết Kitô Giáo đang xích lại gần nhau, cũng như đến công cuộc Đối Thoại
Liên Tôn đang diễn tiến tốt đẹp. Vậy:
-
Bản văn kiện này là gì?
-
Tại sao được phổ biến??
-
Nội dung như thế nào???
BẢN CHẤT CỦA VĂN KIỆN
Sáng ngày 5 tháng 9 năm
2000, tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã cho phổ biến
một Bản Tuyên Ngôn mang tựa đề “Chúa Giêsu - Dominus Jesus”, liên quan đến Duy
Nhất Tính của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội cùng Phổ Quát Tính Cứu Độ của Chúa
Giêsu Kitô và của Giáo Hội. Hiện diện trong cuộc họp báo để ban bố văn kiện
lịch sử quan trọng này, người ta thấy có Đức Hồng Y Tổng Trưởng, Giuse Ratzinger,
Tổng Thư Ký Thánh Bộ, Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, SDB, và hai vị tham
vấn là Đức Ông Fernando Ocariz và Cha Angelo Amato, SDB.
Trong phần vấn đáp trước
khi kết thúc cuộc họp báo, có hai vấn đề tế nhị được các phóng viên báo chí nêu
lên. Vấn đề thứ nhất là bức văn kiện có thể gây nguy hại cho việc Đại Kết Kitô
Giáo và Đối Thoại Liên Tôn hay chăng? Cha Angelo Amato đã trả lời cho biết, về
vấn đề Đại Kết Kitô Giáo, bản văn kiện không nói một điều gì mới lạ, ngoài việc
lập lại những gì đã được Công Đồng Chung Vaticanô II xác tín; còn về vấn đề Đối
Thoại Liên Tôn, bản văn kiện chỉ đề ra một đường hướng hòa hợp, an bình và tương
kính, do đó, sẽ không gây trở ngại gì. Vấn đề thứ hai là bức văn kiện có được
tham khảo với các vị Giám Mục Á Châu hay chăng? Đức Tổng Giám Mục Bertone, Tổng
Thư Ký của Thánh Bộ, cho biết bản văn kiện đã được tham vấn với các Hội Đồng
Giám Mục Á Châu, đặc biệt riêng với các Giám Mục Ấn Độ qua một số phiên họp.
Đức Tổng Thư Ký còn cho
biết, sở dĩ bức văn kiện này được gọi là “Bản Tuyên Ngôn”, vì nó “không truyền
dạy những tín lý mới mẻ..., hơn là chỉ tái khẳng định và tóm gọn tín lý của đức
tin Công Giáo đã được xác nhận và truyền dạy trong các văn kiện trước đây thuộc
Huấn Quyền; từ đó, bản văn kiện đưa ra những giải thích chân thực đối với những
sai lầm cũng như những mập mờ về tín lý đang lan tràn trong phạm vi thần học và
giáo hội học tân tiến”. Tuy nhiên, Đức Tổng Thư Ký cũng nhấn mạnh đến giá trị
đức tin của văn kiện này, ở chỗ, cho dù là một Bản Tuyên Ngôn của một Thánh Bộ,
nhưng vì được Đức Thánh Cha minh nhiên chuẩn nhận trong buổi triều kiến ngày
16/6/2000, qua công thức phê chuẩn ở đoạn cuối cùng của Bản Tuyên Ngôn: “certa
scienta et apostolica Sua auctoritate” (bằng ý thức rõ ràng và theo tông quyền
của mình), bức văn kiện ấy cũng thuộc về Huấn Quyền của Giáo Hội: “Công thức này
cho thấy tầm quan trọng và chính yếu của tín lý được trình bày trong bản tuyên
ngôn: tức là những gì trong bản tuyên ngôn đều là những chân lý thuộc đức tin
thần linh Công Giáo, hay là những sự thật của tín lý Công Giáo cần phải được
mạnh mẽ nắm giữ... Bởi thế, tín hữu buộc phải cương quyết và dứt khoát chấp nhận”.