40 Năm Nhìn Lại
Tổng Hợp: Một Công Đồng Vui Mừng Và Hy Vọng
ĐTC PHAOLÔ IV: MỘT CÔNG ĐỒNG NHÂN BẢN NHƯNG ĐỐI THẦN
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Một Công Đồng Theo Chiều Hướng Thánh Mẫu
Tổng Hợp: Một Công Đồng Vui Mừng Và Hy Vọng
I.- Ảnh Hưởng toàn cầu của Công Đồng
Công Đồng Chung Vaticanô II chẳng những là một biến cố quan trọng đối với riêng Giáo Hội Công Giáo và Kitô Giáo mà còn đối với chung lịch sử thế giới nữa. Thật thế, căn cứ vào 16 văn kiện của một Công Đồng Chung ở vào đầu thập niên 1960 trong thế kỷ 20, một thế kỷ đầy hận thù với hai chế độ độc tài sắt máu là Nazi Đức quốc và Cộng sản này, có thể nói Công Đồng Chung Vaticanô II là Công Đồng về Giáo Hội và cho Thế Giới, một chiều hướng Công Đồng về Giáo Hội và cho Thế Giới được gói ghém và biểu hiện qua ý nghĩa của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến là “Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes”. Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị được Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI, qua cuộc phỏng vấn nhân Ngày Gioan Phaolô II 16/10/2005 ở Balan, công nhận “là người của Công Đồng”, đã đồng ý với quan điểm này trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 18) ban hành ngày 10/11/1994 như sau:
· “Chúng ta có thể xác nhận rằng Công Đồng Chung Vaticanô II là một biến cố quan phòng, nhờ đó, Giáo Hội bắt đầu sửa soạn trực tiếp hơn cho cuộc mừng thiên niên thứ ba. Công Đồng này là một công đồng cũng giống như các công đồng trước kia, song lại khác hẳn; đó là một công đồng chú trọng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, đồng thời lại vươn mình ra với thế giới. Thái độ vươn mình ra của Giáo Hội là một đáp ứng có tính cách phúc âm đối với những đổi thay trong thế giới này, những đổi thay bao gồm cả những kinh nghiệm về tình trạng hỗn loạn sâu rộng của thế kỷ 20, một thế kỷ rùng rợn với hai cuộc Đại Chiến I và II, với kinh nghiệm về những trại tập trung cùng với những cuộc tàn sát khủng khiếp. Tất cả những biến cố này đã chứng tỏ một cách hết sức hùng hồn là thế giới cần phải được thanh tẩy; nó cần phải cải thiện lại”.
Sự kiện trùng hợp giữa biến cố Công Đồng Chung Vaticanô II được khai mạc vào ngày Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa bấy giờ là ngày 11/10/1962, với biến cố lịch sử của thế giới lúc ấy đang ở vào tình trạng nguy biến của một Thế Chiến Thứ Ba, thế chiến nguyên tử, một thế chiến sắp sửa bùng nổ giữa hai cường quốc lãnh đạo hai khối tư bản là Hoa Kỳ và vô sản là Nga Sô, tại Vịnh Cuba, nơi đầu đạn nguyên tử của Nga Sô đang nhắm vào Hoa Kỳ, làm cho cả thế giới hồi hộp nghẹt thở cả một tuần lễ đầu Tháng Mười 1962, ngay trước thời điểm khai mạc Công Đồng Chung Vaticanô II.
Ngoài ra, ngay khi chưa kết thúc Công Đồng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã bắt đầu thực hiện những cuộc tông du thế giới, bắt đầu là cuộc ngài tông du hành hương Thánh Địa vào dịp Lễ Hiển Linh ngày 4-6/1/1964, một biến cố chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, và là một cuộc tông du mở màn cho 104 cuộc tông du khắp thế giới sau này của Đức Gioan Phaolô II, những cuộc tông du chẳng những có tính cách mục vụ nội bộ mà còn có cả tính cách đối thoại liên tôn, tính cách đại kết Kitô giáo, tính cách công lý và hòa bình nữa. Đến nỗi, thành quả của 104 chuyến tông du khắp thế giới của ngài đó là một thế giới đổ dồn về Rôma tham dự Thánh Lễ An Táng có thể nói vô tiền khoáng hậu của vị Giáo Hoàng thứ 264 đến từ một nước Cộng sản Balan này.
Chưa hết, nếu vấn đề hiệp thông giáo phẩm trong Giáo Hội cũng đã được Công Đồng này đề cao và nhấn mạnh, đến nỗi đã trở thành như một tiếp nối liên tục của Công Đồng Chung Vaticanô II qua các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới trung bình ở vào khoảng 2 năm một lần, thì một biến cố hiệp thông giáo phẩm ngoại lệ đã trực tiếp liên quan đến và ảnh hưởng tới lịch sử thế giới, đó là biến cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hiệp cùng với tất cả mọi vị giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/1984, ngày kết thúc Năm Cứu Chuộc, và đúng 1 năm sau, vào tháng 3/1985, vị lãnh đạo cuối cùng của khối cộng sản liên sô xuất hiện để làm biến đổi thế giới Cộng Sản Đông Âu và Nga.
Hôm Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này để nhắc lại việc Ngài hiệp thông với hàng giáo phẩm thế giới để thực hiện một việc liên quan tới vận mệnh thế giới như sau:
· “Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.
Nếu cuối cùng, như Sách Khải Huyền tiên báo về Giáo Hội cánh chung xuất hiện như “một Giêrusalem, thành thánh, xuống từ nơi Thiên Chúa, diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón phu quân của mình” (Rev 21:2), thì Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965) chính là Công Đồng về Giáo Hội, Công Đồng chủ trương canh tân Giáo Hội để Giáo Hội trở thành “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium), mang “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) cho Thế Giới Tân Tiến, bằng “Lời Chúa” (Dei Verbum) và bằng đời sống hiệp thông Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).
Trong 16 văn kiện (4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn) của Công Đồng canh tân Giáo Hội này, 4 Hiến Chế có tên được kể đến ngay đoạn trên đây là trụ cột của Công Đồng. Công Đồng Chung này đã được Đức Gioan XXIII (28/10/1958-3/6/1963) khai mở, sau đó được Đức Phaolô VI (21/7/1963-6/8/1978) tiếp nối và áp dụng, để rồi cả Đức Gioan Phaolô II (16/10/1978-2/4/2005) lẫn tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI (19/4/2005) đều minh nhiên chủ trương áp dụng Công Đồng. Căn cứ vào đường hướng của mỗi giáo triều từ Công Đồng này thì:
Giáo triều Đức Phaolô VI là giáo triều của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, với thông điệp đầu tiên của ngài về Giáo Hội mang tên “Giáo Hội của Người - Ecclesiam Suam” (ban hành ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964), đã tuyên tụng Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội” trong cuộc ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium ngày 21/11/1964, và đã qua đời vào chính Lễ Chúa Biến Hình hiển sáng (bức thông điệp đầu tiên cũng vào Lễ Biến Hình hiển sáng).
Giáo triều Đức Gioan Phaolô II là giáo triều của Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội “Vui Mừng và Hy Vọng” của “Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến”, với lời kêu gọi thế giới ngay khi khai triều (22/10/1978) của mình là “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” (Thông Điệp đầu tiên ngày 4/3/1979), và đã thực hiện 104 cuộc tông du khắp thế giới để đưa con người “vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” (nhan đề tác phẩm về triết lý thời sự xuất bản năm 1994) là Đại Năm Thánh 2000 hầu tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo. Ngoài ra, ngài còn là vị nghị phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II trong ủy ban soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui Mừng và Hy Vọng" nữa, như ngài xác nhận trong cuốn “vượt qua ngưỡng cửa hy vọng” của ngài (ấn bản Anh ngữ trang 159).
Giáo triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI là giáo triều của Hiến Chế Phụng Vụ Thánh và Lời Chúa, vì giáo triều này được bắt đầu (19/4/2005) ngay giữa Năm Thánh Thể (17/10/2004-23/10/2005), và vị giáo hoàng 265 này chẳng những đã đặt ưu tiên hàng đầu mối hiệp thông Giáo Hội (trực tiếp liên quan đến Đại Kết Kitô giáo) theo chiều hướng Thánh Thể là Bí Tích Hiệp Thông, mà còn nhận danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức, vị Thánh Tổ Phụ của Dòng Khổ Tu Tây Phương là vị thánh chủ trương “tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô”. Ngoài ra, vị Giáo Hoàng này, với tư cách là 1 vị linh mục thần học gia trẻ thời Công Đồng đang diễn tiến, đã góp phần vào việc soạn thảo Hiến Chế Tín Lý về Lời Chúa "Dei Verbum", như ngài thừa nhận khi nói với 400 tham dự viên hội nghị quốc tế (14-18/11/2005) về chủ đề “Thánh Kinh trong Đời Sống của Giáo Hội” hôm 16/9/2005, ở sân vườn tông dinh nghỉ mát của ngài: “Hiến Chế Tín Lý ‘Lời Chúa – Dei Verbum’, một văn kiện bản thân tôi đã được chứng dự như một thần học gia trẻ trung, tham dự vào những cuộc bàn luận sống động...”
Ngày 20/4/2005, tức ngay sau ngày được bầu làm giáo hoàng, trong bài giảng cho hồng y đoàn tại Nguyện Đường Sistine, nơi mật nghị hồng y đoàn bầu giáo hoàng vừa diễn ra, vị Tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công khai tuyên bố ý định của mình là tiếp tục theo đuổi Công Đồng Chung Vaticanô II cho giáo triều của ngài như sau:
· “Đặc biệt trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để lại cho chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một Giáo Hội mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và không sợ hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào ngàn năm mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc đọc lại một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng để chúng ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư thiêng liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời gian rất dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế kỷ 20 ấy để cống hiến cho chúng ta’.
“Cả tôi nữa, để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay chính là năm kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng này (8/12/1965). Qua giòng thời gian, các văn kiện của công đồng đã không mất đi tính cách hợp thời của mình; giáo huấn của các văn kiện ấy vẫn cho thấy đặc biệt thích hợp với các nhu cầu cấp bách mới của Giáo Hội cũng như với xã hội đang được toàn cầu hóa hiện nay”.
II.- Văn Kiện của Công Đồng
16 Văn Kiện với 4 Hiến Chế (HC), 9 Sắc Lệnh (SL) và 3 Tuyên Ngôn (TN)
1963: 2 (1HC, 1SL – 4/12)
1964: 3 (1 HC, 2 SL – ngày 21/11)
1965: 11 (2HC, 6 SL và 3TN – ngày 28/10: 5; 18/11: 2; 7/12: 4)
4 Hiến Chế:
HC Tín Lý về Phụng Vụ Thánh Sacrocanctum Concilium (4/12/1963);
HC Tín Lý về Mạc Khải Thần Linh Dei Verbum (18/11/1965)
HC Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (21/11/1964)
HC Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes (7/12/1965)
9 Sắc Lệnh
SL về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Inter Mirifica (4/12/1963)
SL về Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum (21/11/1964)
SL về Đại Kết Kitô Giáo Unitatis Redintegratio (21/11/1964)
SL về Nhiệm Vụ Giám Mục Christus Dominus (28/10/1965)
SL về Đời Tận Hiến Perfectae Caritatis (28/10/1965)
SL về Việc Đào Luyện Linh Mục Optatem Totius (28/10/1965)
SL về Việc Tông Đồ Giáo Dân Apostolicam Actuositatem (18/11/1965)
SL về Việc Truyền Giáo Ad Gentes (7/12/1965)
SL về Thiên Chức Linh Mục Presbyterorum Ordinis (7/12/1965)
3 Tuyên Ngôn
TN về Giáo Dục Kitô Giáo Gravissimum Educationis (28/10/1965)
TN về Liên Tôn Nostra Aetate (28/10/1965)
TN về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae (7/12/1965)
Nhìn chung, trước hết, nếu so sánh về giá trị về giáo huấn thì thứ tự cấp độ được đi từ trên xuống dưới như sau: 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 4 Tuyên Ngôn. Vì 4 Hiến Chế liên quan tới tín lý của Giáo Hội về những vấn đề được bàn luận, 9 Sắc Lệnh liên quan tới những áp dụng thực hành theo tín lý, và 4 Tuyên Ngôn liên quan tới chủ trương của Giáo Hội Công Giáo.
Sau nữa, về đối tượng của các văn kiện thì, ở cấp độ Hiến Chế có 2 về Giáo Hội, 1 về Mạc Khải và 1 về Phụng Vụ; ở cấp độ Sắc Lệnh có 1 về Giám Mục, 2 về Linh Mục, 1 về Tu Sĩ, 1 về Giáo Dân, 1 về Truyền Giáo, 1 về Truyền Thông và 2 về Đại Kết; ở cấp độ Tuyên Ngôn có 1 về Giáo Dục và 2 về Tôn Giáo.
Sau hết, về cốt lõi hay tụ điểm của toàn bộ văn kiện này chính là Giáo Hội, bởi thế, đối nội có Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân”, và đối ngoại, có Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội là “Vui Mừng Và Hy Vọng”; các văn kiện khác đều xoay chung quanh cái trục Giáo Hội vừa đối nội lẫn đối ngoại này: đối nội, Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân” cần phải trở về với nguồn với “Lời Chúa” là Mạc Khải được ghi nhận nơi Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền của mình, cũng như với Sự Sống Thần Linh nơi “Phụng Vụ Thánh”, đồng thời canh tân hàng ngủ đủ mọi thành phần của mình là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân, nhờ đó, Giáo Hội mới có thể trở thành “Vui Mừng và Hy Vọng” cho thế giới tân tiến, trong việc thi hành sứ vụ tông đồ nhân chứng của mình qua việc Truyền Giáo, Truyền Thông, Đại Kết, Liên Tôn và Giáo Dục.
Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến (đoạn 19-20) ban hành ngày 10/11/1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tóm gọn nội dung và mối liên hệ của các văn kiện Công Đồng Chung Vaticanô II như thế này:
· “Công Đồng, cho dù không bắt chước tính cách nghiêm trọng của thánh Gioan Tẩy Giả là vị trên bờ sông Dược-Đăng đã kêu gọi thống hối và cải thiện (x.Lk.3:1-7), cũng đã tỏ ra cho thấy một điều của vị tiên tri xưa, đó là, bằng một nghị lực mới, Công Đồng đã chỉ cho con người nam nữ của ngày hôm nay thấy rằng Chúa Giêsu Kitô là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian" (Jn.1:29), Đấng cứu chuộc nhân loại và là Chúa của lịch sử. Trong Công Đồng, theo lòng ước ao thật sự muốn hoàn toàn trung thành với thày mình, Giáo Hội đã tự vấn về căn tính riêng của mình, và đã nhận thức lại mầu nhiệm của mình là thân thể và là hiền thê của Chúa Kitô. Khiêm tốn lắng nghe lời Thiên Chúa, Giáo Hội đã tái xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát; đã phác họa điều khoản về việc canh tân phụng vụ là nguồn mạch và là thượng đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội; đã thúc đẩy việc canh tân cho nhiều phương diện trong sinh hoạt của Giáo Hội, ở cả lãnh vực hoàn vũ cũng như ở các Giáo Hội địa phương; đã cố gắng khơi dậy những ơn gọi Kitô giáo khác nhau, từ những ơn gọi của người giáo dân đến những ơn gọi Tu Trì, từ sứ vụ của các thày sáu đến sứ vụ của các linh mục và giám mục; và nhất là Giáo Hội đã nhận thức lại được tính cách tập đoàn của hàng giáo phẩm, đó là một thể hiện đặc biệt của việc mục vụ được thi hành bởi các vị giám mục hiệp thông với vị thừa kế thánh Phêrô. Trên căn bản của cuộc canh tân sâu xa này, Công Đồng vươn mình đến các Kitô hữu của các giáo phái khác, với các môn đệ của các tôn giáo khác và với tất cả mọi người của thời đại chúng ta. Không có Công Đồng nào đã từng nói rõ ràng về cuộc hiệp nhất Kitô giáo, về việc đối thoại với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của cựu ước đối với dân Ích Diên, về những truyền thống văn hóa khác nhau mà trong đó Giáo Hội phải thực hiện công cuộc truyền giáo của mình, và về phương tiện truyền thông xã hội.
“Toàn bộ giáo huấn phong phú lớn lao của Công Đồng, cùng với cung cách mới mẻ đáng phục để trình bày nội dung giáo huấn này, đã thật sự làm nên một tuyên ngôn cho những thời điểm mới. Các giáo phụ của Công Đồng đã nói bằng ngôn ngữ của Phúc Âm, ngôn ngữ của Bài Giảng trên Núi và của các Phúc Đức. Trong sứ điệp của Công Đồng, Thiên Chúa được trình bày theo chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi sự, nhưng cũng là một Đấng bảo đảm tính cách tự động chính thực của những thực tại trần thế. Bởi thế, việc sửa soạn hay nhất cho một tân thiên niên chỉ có thể được thể hiện bằng một cuộc dấn thân mới trong việc mang ra áp dụng, một cách trung thành bao nhiêu có thể, những giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II vào đời sống của mọi người cũng như vào sinh hoạt của cả Giáo Hội. Theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ, những việc sửa soạn trực tiếp liên quan đến cuộc Đại Hỷ năm 2000 thật sự bắt đầu từ Công Đồng Chung Vaticanô II. Nếu chúng ta tìm một so sánh theo phụng vụ thì có thể nói là Mùa Vọng hằng năm là mùa có ý nghĩa sát với tinh thần của Công Đồng nhất. Vì Mùa Vọng là mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và phải đến (x.Rev.4:8)”.
Ở đây, nếu chú ý, chúng ta thấy có một điều rất lạ như sau. Công Đồng Chung Vaticanô II được khai mở và bế mạc vào chính ngày Lễ của Mẹ Maria: Lễ Mẹ Thiên Chúa (bấy giờ) 11/10/1962 và Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1965, nhất là được chính Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên nhận Mẹ là “Mẹ Giáo Hội” vào Lễ Mẹ Dâng Mình 21/11/1964, khi ban hành Hiến Chế tín lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium”, thế mà, trong 16 văn kiện bao gồm tất cả giáo thuyết hiện đại của Giáo Hội không hề có một văn kiện riêng nào về Thánh Mẫu cả.
Đây cũng là một dấu chứng tỏ Công Đồng Chung Vaticanô II là Công Đồng về Giáo Hội, với hai Hiến Chế chính, một về bản chất của Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân” và một về sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay là “Vui Mừng và Hy Vọng”. Tuy nhiên, để được như thế, tức để sống đúng với bản chất và sứ vụ của mình, Giáo Hội phải sống như Mẹ Maria là chi thể tuyệt đẳng của mình (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân khoản 53), ở chỗ là một Trinh Mẫu như Mẹ, tức vừa làm mẹ vừa là một trinh nữ, như chính Công Đồng đã xác nhận trong của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân như sau :
“Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và là Trinh Nữ. Đức Nữ Trinh Maria đã đi tiên phong, khi tỏ ra là một người mẹ và là một trinh nữ tuyệt vời hiếm có” (khoản 63)
“Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ diệu và noi gương bác ái của Đức Maria cũng như của việc Mẹ trung thành chu toàn Thánh Ý Chúa Cha, Giáo Hội, vì trung thành lãnh nhận lời Thiên Chúa, cũng được làm mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và do Thiên Chúa mà sinh ra, để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã gìn giữ toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đối với vị Phu Quân của mình; và noi gương Người Mẹ của Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Linh, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy vững bền và một đức mến chân tình” (khoản 64).
III.- Thành Quả của Công Đồng
Có thể nói, kể từ Công Đồng Chung thứ 21 này của Giáo Hội trong thế kỷ 20 của lịch sử loài người, với một lực lượng của hàng giáo phẩm 2904 nghị phụ được mời, đời sống của chung Giáo Hội cũng như của riêng Kitô hữu Công giáo đã được hoàn toàn biến đổi, đặc biệt qua 5 phương diện chính yếu và nổi bật là cử hành phụng vụ, hiệp thông giáo phẩm, đại kết Kitô giáo, đối thoại liên tôn và vai trò giáo dân.
Thứ nhất, về cử hành Phụng Vụ: Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ, thay vì tiếng Latinh; phần Phụng Vụ Lời Chúa dồi dào phong phú hơn, được chia làm 3 chu kỳ A, B, C cho Chúa Nhật và chẵn lẻ cho ngày thường; giáo dân tham dự vào việc cử hành Thánh Thể cách tích cực và chủ động hơn; chủ tế quay xuống cộng đồng Dân Chúa và có thể cử hành bằng cách đồng tế; được rước lễ bằng tay v.v.
Thứ hai, về hiệp thông giáo phẩm, chúng ta thấy có các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới và các cuộc Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục. Các khóa họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI đề xướng vào thời gian gần kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, bằng văn kiện Apostolica Sollicitudo ban hành ngày 15-9-1965, với kỳ họp đầu tiên đã được bắt đầu từ tháng 10 năm 1967, sau Công Đồng 2 năm. Phần ĐTC GPII, từ sau Biến Cố Đông Âu, ngài bắt đầu các Thượng Nghị Giám Mục Châu Lục, từ năm 1991 sau biến cố Đông Âu sụp đổ, nhất là từ năm 1994, để sửa soạn long trọng mừng Đại Năm Thánh 2000. Cuộc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI (2-23/10/2005) đã được diễn ra trong năm kỷ niệm 40 năm Công Đồng bế mạc. Ngoài ra, cũng từ Công Đồng Chung Vaticanô II, các hội đồng giám mục quốc gia cũng trở thành một cơ cấu chiíh yếu của Giáo Hội bản quốc và tích cực hoạt động mục vụ và tông đồ tại bản quốc. Chưa hết, các hội đồng giám mục chư quốc còn được Tòa Thánh tham vấn những việc chung, như trong việc thực hiện cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo từ năm 1986 đến 1992.
Thứ ba, về đại kết Kitô giáo, chúng ta thấy có những cuộc viếng thăm thân thiện hơn giữa nội bộ Kitô giáo với Giáo Hội Công Giáo, không còn căng thẳng hay thậm chí hận thù nhau như trước; hay có các cuộc viếng thăm trao đổi giữa Giáo Hội Chính Thống Hoàn Vũ và Giáo Hội Công Giáo vào hai ngày lễ Thánh Tông Đồ chính của mỗi Giáo Hội (Lễ Thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ ngày 29/6 ở Vatican, và Lễ Thánh Anrê ngày 30/11 ở Contanstinople Thổ Nhĩ Kỳ); hoặc có các cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và các Giáo Hội khác, như Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Liên Hiệp Thế Giới Luthêrô v.v., với thành quả đáng kể nhất là bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Thế Giới Luthêrô được ký kết tại Augsburg Đức quốc ngày 31/10/1999.
Thứ bốn, về đối thoại liên tôn, chúng ta thấy, nhờ nỗ lực chủ động và tích của Giáo Hội Công Giáo từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II và theo tinh thần của Tuyên Ngôn Nostra Aetate, các tôn giáo lớn trên thế giới đã xích lại gần nhau hơn với Giáo Hội Công Giáo: điển hình nhất là các cuộc hội ngộ liên tôn Assissi cầu hòa bình thế giới trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, lần nhất vào ngày 27/10/1986, lần hai ngày 9-10/1/1993, và lần ba vào ngày 24/1/2002 sau biến cố 911 ở Hoa Kỳ; riêng Do Thái Giáo, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm Hội Đường Do Thái ở Rôma ngày 13/4/1984, và Đức Giáo Hoàng Biển Đức tới thăm Hội Đường Do Thái ở Đức Quốc ngày 19/8/2005; ngoài ra, Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách về Đối Thoại còn gửi su1 dưiệp đến cho các đạo giáo khác vào những ngày lễ chính của họ, như Ấn Giáo vào Lễ Ánh Sáng đầu tháng 11 hằng năm, hay Phật Giáo vào Lễ Phật Đản hằng năm, hoặc Hồi Giáo vào Mùa Chay Tịnh Ramada hằng năm.
Thứ năm, về vai trò giáo dân, chúng ta thấy giáo dân chẳng những được tích cực góp phần vào việc cử hành Thánh Lễ, như đọc sách Thánh, dâng của lễ, làm thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, thậm chí được chia sẻ vào chức thánh và thi hành thừa tác vụ thày sáu vĩnh viễn, mà còn được khuyến khích tham gia làm chính trị nói riêng, và các lãnh vực khác nói chung, đặc biệt lãnh vực văn hóa và truyền thông, để, về phương diện tiêu cực, hoạt động bênh vực nhân quyền, sự sống và phẩm vị con người, và về phương diện tích cực, để cổ võ văn hóa sự sống, công lý và hòa bình, nhờ đó, nhờ chứng từ của thành phần giáo dân như muối đất men bột có trực tiếp với các môi trường mà chỉ giáo dân như họ mới liên hệ được và được liên hệ, làm cho Giáo Hội hiện diện sống động và đi sâu vào lòng đời, từ đó, Thánh Thần Chúa qua Giáo Hội biến đổi và canh tân bộ mặt trái đất.
IV.- Khủng Hoảng hậu Công Đồng
Tuy nhiên, song song với các biến đổi và thành quả tích cực trên đây của Công Đồng Chung Vaticanô II và từ Công Đồng này, chúng ta cũng cảm thấy những phản ứng phụ, hết sức bất lợi và nhức nhối, chẳng khác gì như cỏ lùng được mọc lên chung với lúa (x Mt 13:30). Chẳng hạn như, 1) về phương diện phụng vụ, Thánh Lễ ngả theo chiều ngang nặng tính cách xã hội hơn theo chiều dọc có tính cách linh thiêng cao cả; 2) về phương diện hiệp thông phẩm trật, các hội đồng giám mục, ở những cường quốc, có khuynh hướng muốn tự trị, không muốn cái gì cũng phải trình báo cho Tòa Thánh, chẳng hạn như việc chuyển dịch Sách Phụng Vụ hay Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo; 3) về phương diện đại kết Kitô giáo, càng ngày tín hữu Công giáo càng bỏ Giáo Hội sang các tân giáo phái, đặc biệt đang xẩy ra ở Nam Mỹ Châu; 4) về phương diện đối thoại liên tôn, tín hữu Công giáo, thậm chí kể cả thành phần có chức thánh, các thần học gia, cũng thiên về và đề cao các phương pháp cầu nguyện của những đạo giáo Đông phương, bỏ bê hay chê những phương pháp chiêm niệm theo tu đức truyền thống của Kitô giáo, nhất là chủ trương đạo nào cũng là đạo, hòa đồng tôn giáo, đạo mình cũng chẳng khác gì đạo người; 5) về phương diện vai trò giáo dân, chúng ta thấy khuynh hướng đòi Giáo Hội phải phong chức linh mục cho nữ giới, chon am nhân có gia đình, hay ngược lại, cho linh mục được lập gia đình, những vấn đề vẫn còn sôi nổi và nóng bỏng trong Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XI (2-21/10/2005) vừa rồi.
Tại sao lại Công Đồng Chung Vaticanô II là biến cố làm thay đổi nội bộ Giáo Hội và ảnh hưởng sâu xa mãnh liệt tới thế giới lại có những phản ứng phụ bất lợi như thế, đến nỗi, trở thành một cuộc khủng hoảng về đức tin, nhất là nơi thế giới Tây phương là chính thế giới Kitô giáo, một cuộc khủng hoảng chẳng những có triệu chứng khô đạo mà còn phản đạo và rối đạo nữa, ở những thứ pháp luật phi nhân bản phản luân thường đạo lý, như luật cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính và triệt sinh an tử v.v.? Chúng ta thường nghe người ta, thường là thành phần bảo thủ, qui trách tất cả là do Công Đồng và từ Công Đồng! Và chúng ta cũng hay thấy, nhất là từ thành phần cấp tiến, cứ muốn thay đổi những gì đã được Công Đồng qui định theo ý nghĩ chủ quan của họ, với lý lẽ biện minh là cần phải thích nghi theo ‘tinh thần’ Công Đồng này.
Vậy đâu là sự thật: Công Đồng Chung Vaticanô II là một Công Đồng gây tai hại cho Giáo Hội hơn là mang lại lợi ích cho Giáo Hội? Lý do là vì tinh thần quá cởi mở và vào đời của Công Đồng?
Để biết được chính xác vấn đề, chúng ta hãy nghe chính hai tham dự viên của Công Đồng này, một là Đức Gioan Phaolô II, và hai là đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông Thư Tiến Đến Ngàn Năm Thứ Ba ban hành ngày 10/11/1994, (ở đoạn 18), đã cho thấy tính cách Truyền Thống hiện đại hóa của Công Đồng như sau:
· “Công Đồng Chung Vaticanô II thường được coi như bắt đầu một kỷ nguyên mới trong sinh hoạt của Giáo Hội. Điều này đúng, nhưng đồng thời nó cũng khó bỏ qua sự kiện là Công Đồng đã rút tỉa rất nhiều kinh nghiệm và suy tư của một qúa khứ vừa qua, nhất là từ di sản tinh thần do Đức Piô XII để lại. Trong lịch sử của Giáo Hội, cái ‘cũ" và cái ‘mới’ luôn luôn đan kết chặt chẽ với nhau. Cái mới phát xuất từ cái cũ, và cái cũ được diễn đạt trọn vẹn nơi cái mới. Điều này đã xẩy ra với Công Đồng Chung Vaticanô II, cũng như với hoạt động của các vị giáo hoàng có liên hệ với công đồng, bắt đầu từ Đức Gioan XXIII, tiếp đến Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô I, cho đến vị giáo hoàng đương kim.
“Điều mà những vị giáo hoàng này đã hoàn tất trong thời gian và từ thời gian Công Đồng, qua giáo huấn của các ngài cũng như qua hoạt động mục vụ của các ngài, chắc chắn đã đóng góp một cách đáng kể vào việc sửa soạn cho một mùa xuân mới của sinh hoạt Kitô giáo, một mùa xuân sẽ được tỏ hiện nhờ cuộc Đại Hỷ, nếu các Kitô hữu tỏ ra dễ dậy đối với tác động của Chúa Thánh Thần”.
Phần vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị Giáo Hoàng đã ban Ơn Toàn Xá cho ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005, ngày kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung cuối cùng trong 21 công đồng rất đặc biệt này của Giáo Hội, khi còn là vị hồng y tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, ngài cũng đã nhận định và đề nghị trong tác phẩm “The Ratzinger Report”, ấn bản Anh ngữ, do Ignatius Press xuất bản năm 1985, trang 30-31, 42-43, như sau:
· “Công Đồng Chung Vaticanô II, với những chính thức ban bố của mình, với những văn kiện chân thực của mình, không thể bị cho rằng phải chịu trách nhiệm về cuộc biến chuyển này, một cuộc biến chuyển, trái lại, hoàn toàn nghịch lại về cả phương diện văn từ lẫn tinh thần của các Vị Nghị Phụ Công Đồng.
“Tôi tin rằng tình trạng thiệt hại này mà chúng ta thấy xẩy ra trong 20 năm qua (tác phẩm xuất bản sau Công Đồng này bế mạc 20 năm) không phải là do Công Đồng ‘thực sự’, mà là bởi tình trạng bung tỏa của những lực lượng ngấm ngầm tranh cãi và xa lìa trong Giáo Hội; và ngoài Giáo Hội, bởi việc đụng độ với một cuộc cách mạng về văn hóa ở Tây phương…
“Để bênh vực truyền thống thực sự của Giáo Hội ngày nay có nghĩa là bênh vực Công Đồng này. Chúng ta cũng có lỗi nữa nếu có những lúc chúng ta viện lý (dù khuynh ‘hữu’ hay khuynh ‘tả’ cũng thế) coi Công Đồng Chung Vaticanô II như là một thứ ‘ly khai’ và loại bỏ truyền thống. Trái lại, đó là một sự liên tục không cho phép trở về với quá khứ hay thừa thắng xông lên, cũng không được có những trông mong lầm lẫn hay được tỏ ra bất nhẫn vô lý. Chúng ta cần phải trung thành với cái hôm nay của Giáo Hội, chứ không phải cái hôm qua hay cái ngày mai. Và cái hôm nay của Giáo Hội là những văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II, không cố thủ kẻo làm chúng bị cắn xén, cũng không độc đoán kẻo làm méo mó chúng đi”.
“Không được quên rằng, hết mọi công đồng, trước hết, là một cuộc canh tân từ ‘thượng đỉnh’, một cuộc canh tân rồi phải được lan xuống đáy tín hữu. Có nghĩa là hết mọi công đồng, để thực sự sinh hoa kết trái, cần phải được tiếp diễn bởi một triều sóng thánh đức nữa. Điều này đã xẩy ra sau Công Đồng Chung Triđentinô, và công đồng này đã thực sự đạt được mục đích của mình vì lý do ấy. Ơn cứu độ đối với Giáo Hội xuất phát từ bên trong lòng Giáo Hội, thế nhưng như thế không có nghĩa là xuất phát từ các sắc lệnh của hàng giáo phẩm. Công Đồng Chung Vaticanô II cùng với các thành quả của công đồng này có được coi như là một giai đoạn rạng ngời của lịch sử Giáo Hội hay chăng sẽ lệ thuộc vào tất cả mọi người Công giáo là thành phần được kêu gọi để hiến cho Công Đồng sức sống. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói trong việc ngài tưởng nhớ về Thánh Borromeo ở Milan thì ‘Giáo Hội ngày nay không cần bất cứ một tân cánh mạng gia nào. Giáo Hội cần đến những vị thánh’”.
V.- Cảm Nhận về Công Đồng
ĐTGM Szymanski Ramírez, 83 tuổi, vị lãnh đạo hưu trí của TGP San Luis Potosi, đã bày tỏ cảm nhận của mình vào ngày bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, cuộc phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 6/12/2005 như sau:
Vấn: ĐTGM nhớ được những gì về ngày bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II?
Đáp: Tôi nghĩ rằng những gì đã đạt được là những điều vị Giáo Hoàng hiện nay là Chân Phước Gioan XXIII đã dự tính thực hiện khi triệu tập công đồng, đó là: “Hãy mở cửa sổ Giáo Hội để khí mát lùa vào”, mặc dù có người hơi sợ rằng có những thứ khí nho nhỏ khác lọt vào nữa.
Giáo Hội cũng bắt đầu trở thành những tín liệu – một vấn đề mà trước đó không có, ít là ở Mễ Tây Cơ.
Tôi nghĩ rằng những lời này tiếp tục có hiệu lực về vị Đại Giáo Hoàng Phaolô VI hôm 7/12/1965, trong khóa họp bế mạc Công Đồng này, đó là “Tôn giáo của Vị Thiên Chúa làm người gặp gỡ tôn giáo của con người thành chúa”.
Vấn: Theo ĐTGM thì việc đóng góp chính của Công Đồng này cho đời sống Giáo Hội là gì?
Đáp: Chắc chắn là những bản văn kiện của công đồng này, những bản văn kiện cần phải được biết đến it1 là bởi toàn thể Giáo Hội chứ không phải chỉ có bởi các vị giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ mà thôi.
Có bao nhiêu phần tử của Giáo Hội sẽ bị rớt nếu khảo sát về việc họ hiểu biết các bản văn kiện này của công đồng – tất cả đều rất quan trọng đối với thế giới – cũng như về việc nghiên cứu sâu xa cùng áp dụng thực hành những văn kiện ấy!
Niềm xác tín của tôi vẫn còn hiệu lực đó là việc có những văn kiện này của Công Đồng, việc tìm hiểu sâu xa những bản văn ấy và áp dụng chúng, là một nhu cầu hiện tại, nếu chúng ta thực sự muốn có một Giáo Hội thực sự “aggiornata” (cập nhật hóa), thậm chí giờ đây còn hơn như vậy nữa. Ở Công Đồng, mặc dù có những quan đệm đối chọi nhau về một số vấn đề, tất cả đều được thực hiện theo chiều hướng yêu mến hơn nơi Kitô hữu nhất là trong Giáo Hội. Điều này đã đạt được chưa?
Khi bế mạc công đồng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Đó là niềm hy vọng phấn khích chúng ta ở vào lúc bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II này và vào lúc khởi sự cho việc canh tân về nhân bản và về đạo giáo là những gì được công đồng này đề ra để nghiên cứu và khơi lên…. như thế chúng ta hy vọng nó là để cho toàn thể nhân loại, thành phần chúng ta từng biết mến yêu và phục vụ tốt đẹp hơn”.
Vấn: Những yếu tố nào của Công Đồng này chưa được thi hành trong Giáo Hội?
Đáp: Tôi tin rằng đây là một câu hỏi mà mỗi một người Kitô hữu chúng ta cần phải hỏi chính mình xem những thứ phò và chống được thực hiện từ Công Đồng này.
Tôi nghĩ sẽ là một nỗ lực rất tích cực trong việc phát động vấn đề này nơi tất cả mọi người, và với những bản văn kiện của Công Đồng trong tay, hay coi xem những gì còn cần phải thực hiện hay đã được thực hiện một cách yếu kém.
Tôi chắc rằng khi nhìn vào những văn kiện ấy bằng một tinh thần kiểm điểm để hiểu được những gì đã làm, một cách tốt đẹp hay yếu kém, và những gì vẫn cần phải làm, Kitô hữu sẽ có được một chất liệu tuyệt vời để củng cố và sống niềm tin.
Khi con người tự hỏi mình rằng: Có đúng hay chăng để nói về một thời điểm trước và sau Công Đồng này, bằng cách bỏ qua đời sống của Giáo Hội trước công đồng? Thì câu hỏi này có một giải đáp tiêu cực, như được diễn tả bởi một thần học gia uy tín, vị không có gì là bảo thủ, đó là Urs von Balthasar, vị được Đức Gioan Phaolô II phong hồng y, đã nói: “Chúng ta cần phải đặt mình vào tâm điểm của Giáo Hội, một Giáo Hội không đổi thay và sẽ không bao giờ thay đổi về yếu tính, vì Giáo Hội là Truyền Thống sống động được hỗ trợ bởi lòng trung thành với đức tin và việc thích ứng mục vụ”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
ĐTC PHAOLÔ IV: MỘT CÔNG ĐỒNG NHÂN BẢN NHƯNG ĐỐI THẦN
|
Sau đây là những lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ngỏ cùng các vị nghị phụ tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II ở khóa họp cuôá cùng ngày 7/12/1965, khóa kết thúc công đồng là “biến cố cả thể nhất của Giáo Hội trong thế kỷ thứ 20”, như vị nghị phụ linh mục thần học gia bấy giờ là Joseph Ratzinger cảm nhận hôm Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005, với tư cách là Giáo Hoàng sau 40 năm bế mạc công đồng này, một cảm nhận được ngài bày tỏ trong Huấn Từ Truyền Tin vào buổi trưa ngày lễ này. Nguyên văn toàn bài bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II của Đức Thánh Cha Phaolô VI bằng tiếng Latinh này được Tòa Thánh chuyển dịch sang Anh ngữ (và được người chuyển dịch sang Việt ngữ đây phân thêm thành những tiểu đoạn in nghiêng đậm cho dễ cảm nhận) như sau:
Một Công Đồng Đầy Sinh Động
|
Hôm nay chúng ta kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II. Chúng ta bế mạc công đồng này với một mức độ tràn đầy hiệu năng của công đồng, ở chỗ, việc có rất nhiều chư huynh hiện diện nơi đây đã rõ ràng cho thấy như thế; thể thức được tổ chức chu đáo của cuộc qui tụ này làm chứng về điều ấy; việc kết thúc một cách bình thường công cuộc được công đồng thực hiện cũng xác nhận như thế (biệt chú của người dịch Việt ngữ này ở đây là sở dĩ ĐTC Phaolô VI sử dụng chữ “bình thường” chỗ này có thể là vì ngài muốn so sánh với cuộc kết thúc bất bình thường của Công Đồng Chung Vativanô I năm 1870, một cuộc kết thúc bấy giờ xẩy ra có thể nói là Công Đồng Chung Vaticanô I không thể chính thức bế mạc); việc hòa hợp về những cảm thức và các quyết định tuyên bố như vậy. Và nếu có một ít vấn đề được nêu lên trong giai đoạn của công đồng này vẫn còn chờ được giải đáp cách thích đáng thì điều này cho thấy nỗ lực của công đồng giờ đây tới hồi kết thúc không phải là vì nhọc nhằn mà là ở trong một trạng thái sinh động được công đồng hoàn vũ này làm bừng lên. Nếu Chúa muốn, trong giai đoạn hậu công đồng, tình trạng sinh động này sẽ áp dụng những năng lực dồi dào và được thiết bị đàng hoàng của mình vào việc nghiên cứu các vấn đề như vậy.
Công đồng này để lại cho lịch sử hình ảnh về Giáo Hội Công Giáo là những gì biểu hiệu cho công nghị này, một công nghị thực sự đầy những vị mục tử của các linh hồn tuyên xưng cùng một đức tin, hít thở cùng một đức ái, liên kết trong cùng mối hiệp thông của việc nguyện cầu, của kỷ cương, của hoạt động và của một điều duy nhất hết sức ước mong lạ lùng biết bao đó là hiến mình như Chúa Kitô, Vị Sư Phụ và là Chúa của chúng ta, cho sự sống của Giáo Hội cũng như cho phần rỗi của thế giới. Công đồng này truyền lại cho hậu thế chẳng những hình ảnh của Giáo Hội mà còn cả gia sản giáo huấn cùng với các huấn điều của Giáo Hội nữa, một “kho tàng” Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô và suy tư qua qua thế kỷ, sống động và giờ đây bày tỏ và làm sáng tỏ rất nhiều yếu tố của kho tàng ấy, ổn dịnh và dàn xếp kho tàng này một cách trọn vẹn. Kho tàng này, tức là những gì sống động bởi quyền năng chân lý và ân sủng thần linh đã cấu tạo nên kho tàng ấy, mà bởi thế đã có thể làm sinh động những ai tiếp nhận mình và trở thành của sinh dưỡng cho cuộc sống làm người của họ.
Một Công Đồng với những giá trị về đạo giáo
Vậy công đồng này là gì? Công đồng đã thành đạt những gì? Câu trả lời cho những vấn nạn này sẽ là đề tài hợp lý cho việc suy niệm của chúng ta đây. Thế nhưng, nó cần rất nhiều đến việc chú trọng và thời gian của chúng ta, ở chỗ, giờ phút cuối cùng rất quan trọng này đây có lẽ sẽ không cống hiến cho chúng ta đủ tĩnh lặng tâm hồn để thực hiện một việc tổng luận như thế. Chúng ta sẽ giành giây phút quí hóa này cho một tư tưởng duy nhất là những gì vừa làm cho tinh thần của chúng ta khiêm hạ vừa nâng nó lên tuyệt đỉnh cho những nỗi khát vọng của chúng ta. Tư tưởng đó là thế này: Đâu là giá trị về tôn giáo của công đồng này? Chúng ta đề cập đến công đồng này như là một công đồng về tôn giáo là vì việc công đồng này trực tiếp liên hệ với Vị Thiên Chúa hằng sống, một mối liên hệ là lý do hiện hữu của Giáo Hội, của tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng, hy vọng và mến yêu; của tất cả những gì Giáo Hội là và Giáo Hội làm.
Chúng ta có thể nào nói về việc tôn vinh Thiên Chúa, về việc tìm cách nhận biết và yêu mến Ngài, về việc chúng ta cố gắng tiến triển trong vấn đề chiêm ngưỡng Ngài, trong vấn đề chúng ta thiết tha tôn kính Ngài cũng như trong nghệ thuật loan báo Ngài cho những con người nhìn lên chúng ta như những vị mục tử và những vị thành thạo về sự sống của Thiên Chúa hay chăng? Với tất cả lòng thành, chúng ta nghĩ rằng câu trả lời là đúng thế. Từ mục đích chính yếu này đã phát hiện một nguyên tắc hướng dẫn cần thiết cho hướng đi của công đồng trong tương lai. Chúng ta vẫn còn nhớ nguyên những lời lẽ được thốt lên ở đền thờ này từ môi miệng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan XXIII, vị chúng ta thực sự gọi là khởi xướng viên của đại công nghị này. Trong lời khai mạc công đồng này của mình ngài đã nói như thế này: “Mối quan tâm lớn nhất của công đồng chung này là ở chỗ kho tàng linh thánh tín lý Kitô giáo cần phải được canh giữ và truyền dạy một cách hiệu nghiệm…. Chúa đã nói rằng ‘Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài’. Chữ ‘trước hết’ đây là những gì thể hiện hướng đi cho việc tiến bước của tâm tưởng và nghị lực của chúng ta” ("Discorsi," 1962, p. 583).
Mục đích trọng đại của ngài giờ đây đã đạt tới. Để cảm nhận được nó, thật là thích đáng trong việc cần phải nhớ đến thời điểm nó được hiện thực, đó là thời điểm được mọi người công nhận là đang hướng tới cuộc chiến thắng của vương quốc trần thế này hơn là vương quốc thiên đình; một thời điểm tình trạng Thiên Chúa bị lãng quên trở thành quen thuộc, và dường như được thúc đẩy một cách sai lầm bởi sự tiến bộ của khoa học; một thời gian tác hành trọng yếu của con người, một con người giờ đây càng ý thức hơn về bản thân mình và quyền tự do của mình, càng hướng chiều về tính cách tự động tuyệt đối của mình trong việc thoát ly khỏi mọi thứ luật lệ siêu việt; một thời điểm chủ nghĩa trần thế dường như là hậu quả hợp lý của tư tưởng tân tiến và của lẽ khôn ngoan thượng đẳng nơi trật tự trần thế của xã hội; một thời điểm, ngoài ra, linh hồn của con người đã chìm sâu vào những gì là phi lý và hoang tàn; một thời điểm, sau hết, được đánh dấu bằng những đột biến và bằng một cuộc suy đồi không ngờ cho tới nay, thậm chí cả ở nơi những đại tôn giáo lớn trên thế giới.
Một Công Đồng Chú Trọng về Giáo Hội
Chính trong một thời điểm như thế mà công đồng của chúng ta đây được tổ chức để tôn kính Thiên Chúa, nhân danh Chúa Kitô và theo sự thúc động của Thần Linh là Đấng “biết được tất cả mọi sự”, “làm cho chúng ta hiểu được các tặng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta” (x 1Cor 2:10-12), và là Đấng giờ đây đang làm tươi mát Giáo Hội, ban cho Giáo Hội một cái nhìn vừa sâu xa vừa trọn vẹn ôm ấp cuộc sống của thế giới. Quan niệm về con người và vũ trụ có tính cách thần trung và thần học này, hầu như bất chấp vấn đề bị cho là lỗi thời và không thích đáng, đã được công đồng này tái đề cao bằng những chủ trương bị thế giới thoạt tiên cho là ngu xuẩn, thế nhưng, lại là những chủ trương, chúng ta hy vọng rằng, sau này sẽ được nhìn nhận thật sự là nhân bản, khôn ngoan và bổ ích: Ở chỗ, Thiên Chúa là và, hơn thế nữa, Ngài là thực hữu, Ngài sống động, một vị Thiên Chúa cá vị quan phòng, vô cùng tốt lành; và chẳng những thiện hảo nơi chính mình mà còn thiện hảo khôn lường đối với chúng ta nữa. Ngài được chúng ta nhận biết như Đấng Tạo Dựng của chúng ta, là sự thật của chúng ta, là hạnh phúc của chúng ta; đến nỗi việc nỗ lực nhìn lên Ngài và việc chú tâm vào Ngài được chúng ta gọi là chiêm niệm là tác động cao cả nhất, là hoàn hảo nhất của tinh thần, tác động cho dù ngày nay vẫn có thể và phải là tột đỉnh của tất cả mọi hoạt động của con người.
Con người sẽ nhận ra rằng công đồng này chú trọng không nhiều lắm về các chân lý thần linh, trái lại và chính yếu là vào Giáo Hội – vào bản chất và cấu tạo của Giáo Hội, vào ơn gọi toàn cầu của Giáo Hội, vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội. Xã hội đạo giáo trần thế là Giáo Hội này đã nỗ lực thực hiện tác động phản ảnh về chính bản thân mình, để biết mình rõ hơn, để xác nhận mình hơn, nhờ đó, để đưa ra một cách đúng đắn những gì được Giáo Hội cảm nhận và được Giáo Hội truyền dạy. Thật đúng như vậy. Tuy nhiên, việc tự cảm nhận này tự nó không phải là tất cả, không phải chỉ đơn thuần là việc thi hành về vấn đề hiểu biết của con người hay về một thứ văn hóa thuần trần tục. Giáo Hội đã cùng nhau thu mình lại trong một nhận thức linh thiêng sâu xa, không phải để tung ra một thứ phân tích nghiên cứu về thứ triết lý đạo giáo, hay một bản tường trình về các kinh nghiệm của Giáo Hội, thậm chí cũng không phải để tái xác nhận các thứ quyền hạn của mình và giải thích về các thứ luật lệ của Giáo Hội nữa. Trái lại, chính là để tìm thấy nơi bản thân mình, những gì là chủ động và sống động, là Thánh Linh, là lời Chúa Kitô; cũng như để đào sâu hơn nữa những gì là nhiệm mầu, là dự án và là sự hiện diện của Thiên Chúa trên Giáo Hội và trong Giáo Hội; để làm tái sinh nơi chính mình cái đức tin là bí mật của những gì tin tưởng và khôn ngoan của Giáo Hội, và cái tình yêu thôi thúc Giáo Hội không ngừng hát lên chúc tụng Thiên Chúa. “Cantare anamtis est” (Bài ca là biểu hiệu của người yêu), Thánh Âu Quốc Tinh đã nói như thế (Serm. 336; P.L. 38, 1472).
Những văn kiện của công đồng – nhất là những văn kiện về Mạc Khải thần linh, về phụng vụ, về Giáo Hội, về linh mục, tu sĩ và giáo dân – là những gì rộng mở để thấy được ý hướng về đạo giáo chính yếu và chú trọng này, cũng như để thấy được giòng suối thiêng liêng rạng ngời, tươi mới và phong phú là chứng nào, một giòng suối thiêng liêng liên hệ với Thiên Chúa hằng sống làm vọt lên trong lòng Giáo Hội và từ Giáo Hội tuôn ra trên những hoang tàn cằn cỗi của thế giới chúng ta đây.
Một Công Đồng với Thế Giới Tân Tiến
Thế nhưng, chúng ta không thể bỏ qua việc cứu xét quan trọng nơi vấn đề phân tích của mình về ý nghĩa đạo giáo của công đồng này: đó là việc công đồng hết sức dấn thân vào việc nghiên cứu về thế giới tân tiến. Có lẽ chưa từng có trước đây, nhiều như vào dịp này, Giáo Hội đã cảm thấy nhu cầu cần phải hiểu biết, gần gũi, thông cảm, thấu nhập, phục vụ và truyền bá phúc âm hóa xã hội Giáo Hội đang sống; và để nắm bắt được nó, hầu như là chạy theo sau nó, về tình trang đổi thay nhanh chóng và liên tục của nó. Thái độ này, một đáp ứng cho khoảng cách và phân chia chúng ta đã chứng kiến thấy qua mấy thế kỷ gần đây, trong thể kỷ vừa qua đặc biệt là trong thế kỷ của chúng ta đây, giữa Giáo Hội và xã hội trần thế – thái độ này vẫn mãnh liệt và không thôi hoạt động tại công đồng; nhiều đến nỗi có một số vị đã có khuynh hướng nghi ngờ rằng việc đáp ứng dễ dàng và quá trớn với thế giới ngoại tại, với các biến cố qua đi, với các kiểu cách thời trang, với những nhu cầu trần thế, một đường lối suy nghĩ lạ lẫm… có thể gây chao đảo cho những con người và những hoạt động của công đồng chung này, tác hại tới việc trung thành cần phải có đối với truyền thống, và điều này gây tác hại cho chiều hướng đạo giáo của chính công đồng nữa. Chúng ta không tin rằng cái thiếu sót ấy là những gì cần phải qui lỗi cho công đồng, cho những ý hướng thực sự và sâu xa của công đồng, cho những biểu lộ chân chính của công đồng.
Chúng ta muốn nêu lên vấn đề đức bác ái từng là tính chất đạo giáo chính yếu của công đồng này. Giờ đây không ai có thể trách móc theo ý muốn của mình về chiều hướng căn bản liên quan tới vấn đề đạo giáo hay vấn đề bất trung với Phúc Âm này, khi chúng ta nhớ lại rằng chính Chúa Kitô là Đấng đã dạy chúng ta rằng tình yêu thương anh em của chúng ta là dấu hiệu đặc biệt nơi thành phần môn đệ của Người (x Jn 13:35); khi chúng ta lắng nghe những lời của vị tông đồ: “Nếu ai cống hiến việc phục vụ tinh tuyền và vô trách cứ trước nhan Thiên Chúa là Cha của chúng ta thì họ cũng phải chăm sóc nhu cầu cho kẻ mồ côi góa bụa, và giữ mình khỏi bị thế gian làm dơ bẩn” (James 1:27), và một câu nữa: “Ai thấy anh em mình mà không thương yêu họ thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa họ chẳng bao giờ thấy được hay chăng?” (1Jn 4:20).
Phải, Giáo Hội của công đồng này đã được quan tâm tới, không phải với chính mình và với mối liên hệ của cuộc hiệp nhất cùng Thiên Chúa, mà còn với con người như họ thực sự ở ngày hôm nay đây: một con người sống động, một con người co quắp lấy bản thân mình, một con người chẳng những lấy mình làm tâm điểm của mọi lợi lộc riêng mình mà còn dám tuyên bố rằng họ là nguyên tố và là điều giải cho tất cả mọi thực tại nữa. Hết mọi yếu tố khả thị nơi con người, hết mọi thứ chiêu bài muôn mặt của họ, ở một nghĩa nào đó, đã được các vị Nghị Phụ công đồng hoàn toàn bày tỏ, những vị, về phía mình, chỉ là những con người, song tất cả đều là những vị mục tử và là những người anh em đóng vai trò đong đầy quan tâm và ưu ái. Trong số những chiêu bài này, chúng ta có thể kể ra việc con người như là một diễn viên thê luơng của vở kịch họ đóng; con người là một siêu nhân của ngày hôm qua và hôm nay, hằng mỏng dòn, vô thực, vị kỷ và tàn bạo; con người không cảm thấy hạnh phúc với chính bản thân mình khi họ cười cười khóc khóc; con người là một diễn viên linh hoạt sẵn sàng đóng bất cứ phần trình diễn nào; con người là kẻ sùng mộ hẹp hòi chỉ duy một thực tại về khoa học ngoài ra không còn gì khác; con người thực sự là một tạo vật suy tư, yêu thích, lao nhọc và luôn mong chờ một điều gì đó, thành “một người con tăng trưởng” (Gen 49:22); con người linh thánh vì tình trạng ngây thơ vô tội thiếu thời của mình, vì mầu nhiệm bần cùng của mình, vì việc dâng hiến nỗi đớn đau của họ; con người như một cá nhân và con người sống trong xã hội; con người sống trong những thứ vang bóng quá khứ và những ước mộng vinh hiển của tương lai; con người thội nhân và con người thánh nhân, v.v.
Một Công Đồng Phục Vụ Con Người
Chủ nghĩa nhân bản thế tục, khi cho thấy thực tại chống giáo sĩ kinh hoàng của nó, ở một nghĩa nào đó, đã tỏ ra bất chấp công đồng này. Thứ đạo giáo của Vị Thiên Chúa hóa thân làm người đã gặp gỡ thứ đạo giáo (thật sự là như thế) của con người muốn làm Thiên Chúa. Thế rồi những gì đã xẩy ra? Đã xẩy ra một cuộc đụng độ, một trận chiến, một vụ lên án hay chăng? Đó là những gì có thể, nhưng lại chẳng có gì xẩy ra cả. Câu truyện xưa về người Samaritanô đã là mô thức cho linh đạo của công đồng này. Một xúc động cảm thông vô biên đã thấm đậm toàn thể công đồng. Điều công đồng của chúng ta chú trọng tới đã được thu hút bởi việc khám phá ra các nhu cầu của con người (những nhu cầu tăng phát hợp với tầm mức cao cả được con cái loài người cảm thấy là họ nắm trong tay). Thế nhưng, chúng ta kêu gọi những ai tự gán cho mình là thành phần nhân bản gia tân tiến, và những ai từ bỏ giá trị siêu việt của các thực tại tối hậu, hãy cảm nhận nơi công đồng này ít là về một tính chất duy nhất, và hãy nhìn nhận cái kiểu mẫu mới mẻ về nhân bản của chúng ta, ở chỗ, thật vậy, cả chúng ta nữa, hơn bất cứ một ai khác, chúng ta cũng tôn vinh nhân loại.
Cuộc hội nghị long trọng này đã nghiên cứu khía cạnh nhân bản nào đây? Công đồng đã đề ra cho mình mục đích nào theo thần hứng đây? Công đồng cũng chú ý tới chiều kích luôn có hai mặt của nhân loại, đó là tình trạng con người khốn khổ và cao cả, tình trạng hết sức yếu hèn của họ – một tình trạng không thể chối cãi và tự họ bất khả chữa trị – và cái sự thiện tồn tại nơi họ là những gì cho thấy một vẻ đẹp kín đáo và một thứ thanh thản bất khả chiếm đoạt. Thế nhưng, người ta cần phải nhận thấy rằng công đồng này, một công đồng con người có thể nhận định, đã chú trọng rất nhiều đến phương diện tích cực của con người hơn là phương diện tiêu cực của họ. Thái độ của công đồng là một thái độ rất ư là lạc quan cân nhắc. Hãy nhận biết những gì công đồng này tỏ ra cảm mến và cảm phục đối với thế giới tân tiến của nhân loại. Thật ra những lồi lầm đã bị lên án, vì đức bác ái cũng như sự thật đòi phải làm như thế, song đối với chính con người thì chỉ cần cảnh báo, tôn trọng và yêu thương mà thôi. Thay vì những chẩn đoán buồn thảm là những phương thức phấn chấn; thay vì những điềm báo thảm thương là những lời lẽ tin tưởng được công đồng gửi cho thế giới hiện đại. Các giá trị của thế giới tân tiến này là những gì chẳng những được tôn trọng mà còn được tôn vinh nữa, những nỗ lực của nó được chấp nhận, những ước vọng của nó được thanh tẩy và chúc phúc.
Chẳng hạn, quí huynh thấy đó, vô vàn ngôn ngữ của các dân tộc ngày nay đã được tham phần vào việc diễn đạt phụng vụ trong vấn đề con người giao tiếp với Thiên Chúa và Thiên Chúa giao tiếp với con người: Đối với con người, như thế là nhìn nhận điều đòi hỏi căn bản của họ trong việc họ muốn được hoan hưởng tất cả quyền sở hữu các thứ quyền hạn của họ cùng với định mệnh siêu việt của họ. Các ước vọng cao cả của họ về sự sống, về phẩm vị con người, về quyền tự do chính đáng, về văn hóa, về việc cải tiến lãnh vực xã hội, về công lý và hòa bình đều là những gì đã được thanh tẩy và cổ võ; và lời mời gọi mục vụ và truyền giáo để làm rạng ngời Phúc Âm là những gì đã được ngỏ cùng tất cả mọi người.
Giờ đây chúng ta chỉ nói rất vắn tới rất nhiều vấn đề bao rộng, liên quan đến phúc lợi của con người là những gì được công đồng bàn tới. Công đồng không cố ý giải quyết tất cả mọi vấn đề của đời sống tân tiến; một số những vấn đề này cần phải được nghiên cứu hơn nữa, những vấn đề Giáo Hội có ý trình bày chúng theo những chiều hướng rất giới hạn và tổng quan, và đó là lý do chúng cần được nghiên cứu hơn nữa và cần được đem ra áp dụng một cách khác nhau.
Thế nhưng, ở đây cần phải ghi nhận một điều là quyền giảng dạy của Giáo Hội, cho dù không muốn ban hành những tuyên bố về tín lý đặc biệt, quyền này cũng là những gì đã hoàn toàn cho thấy việc giảng dạy có uy tín của mình về một số các vấn đề ngày nay đang đè nặng trên lương tâm và hoạt động của con người, có thể nói đang tiến tới chỗ đối thoại với họ, song bao giờ cũng bảo toàn thẩm quyền và quyền lực của mình; quyền giảng dạy này đã nói bằng một giọng điệu thân tình thích ứng của một đức ái mục vụ; mọi người đều đã nghe thấy và hiểu được ước muốn của quyền giảng dạy ấy; nó không chỉ chú trọng tới việc hiểu biết về tri thức mà còn tìm cách bày tỏ chính mình một cách đơn thành, cập nhật hóa và đối thoại, được xuất phát từ kinh nghiệm thực sự cũng như từ một đường lối chân tình là những gì làm cho nó sống động hơn, thu hút hơn và đáng phục hơn; nó đã nói với con người tân tiến như họ là.
Chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh đến một điểm khác ở đây là: Tất cả giáo huấn phong phú này chỉ hướng về một chiều hướng duy nhất, đó là chiều hướng phục vụ nhân loại, một nhân loại thuộc mọi thân phận, đầy yếu hèn và thiếu thốn của nó. Bởi thế Giáo Hội đã tuyên bố mình là tôi tớ của nhân loại, vào chính lúc việc Giáo Hội thi hành vai trò giảng dạy và việc quản trị mục vụ của mình, nhờ tính cách trọng đại của công đồng, đã trở nên rạng ngời hơn và mạnh mẽ hơn: Ý tưởng về phục vụ đã trở thành vấn đề chính yếu.
Một Công Đồng Nhân Bản nhưng Đối Thần
Người ta có thể nói rằng tất cả những sự này và mọi sự khác được chúng tôi nói về các giá trị nhân bản của công đồng này đã lái quan tâm của Giáo Hội nơi công đồng theo chiều hướng của văn hóa tân tiến tập trung vào con người. Chúng tôi có thể nói là không phải là lạc hướng cho bằng đúng hướng. Bất cứ một quan sát viên cẩn trọng nào về chiều hướng chủ yếu của công đồng đối với các thứ giá trị nhân bản và trần thế của công đồng này đều không thể phủ nhận được rằng chính từ tính chất mục vụ mà công đồng đã thực sự thực hiện chương trình của mình, cũng như phải công nhận rằng chiều hướng này không bao giờ tách rời khỏi chiều hướng đạo giáo trung thực nhất, cho dù vì đức ái là hồn sống duy nhất của công đồng (đâu có đức ái đấy có Thiên Chúa!), hay vì những nỗ lực liên lỉ tỏ tường của công đồng trong việc liên kết các giá trị nhân bản và trần thế với những giá trị đặc biệt thiêng liêng, đạo giáo và vĩnh hằng; mối quan tâm của công đồng là những gì ở nơi con người cũng như ở nơi trần thế, nhưng mối quan tâm này lại vươn tới vương quốc của Thiên Chúa.
Tâm trí tân tiến, một tâm trí quen thuộc với việc thẩm định mọi sự theo tính cách hữu dụng, sẽ sẵn sàng nhìn nhận rằng giá trị của công đồng này lớn lao chỉ vì đã chú ý tới mọi sự có tính cách hữu dụng cho con người. Bởi thế mà không ai được nói rằng một tôn giáo như Công Giáo là đồ vô dụng, vì khi nó biết tự nhận thức nhất và có được tính cách tác hiệu nhất, như tỏ hiện nơi công đồng, thì nó tự tuyên bố mình hoàn toàn đứng về bên con người và phục vụ con người. Như thế, Công Giáo và đời sống con người tái xác nhận mối liên minh với nhau của mình, một sự kiện đồng qui vào một thực tại nhân loại duy nhất, đó là Công Giáo là tôn giáo cho nhân loại. Ở một nghĩa nào đó, Công Giáo là sự sống của nhân loại. Sở dĩ như thế là vì tôn giáo của chúng ta cống hiến một dẫn giải hết sức chính xác và cao quí về nhân loại (chắc chắc tự mình con người là một mầu nhiệm đối với bản thân họ) và cống hiến việc diễn nghĩa này theo kiến thức của mình về Thiên Chúa: một kiến thức về Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết cho kiến thức về con người như con người thực sự là, với tất cả tầm vóc trọn vẹn của con người; vì chứng cớ về điều này giờ đây chỉ cần nhắc lại lời diễn đạt nồng nàn của Thánh Catherine Siena: “Lạy Thiên Chúa Hằng Hữu, con sẽ biết được bản tính của con nơi bản tính của Chúa”. Công Giáo là sự sống của con người vì nó cho thấy bản chất và định mệnh của sự sống; nó cống hiến cho sự sống ý nghĩa thực sự, nó thiết lập một thứ luật tối hậu về sự sống và thẩm thấu sự sống bằng hoạt động nhiệm mầu mà chúng ta có thể nói là thần linh hóa sự sống.
Bởi thế, hỡi chư huynh đáng kính và tất cả anh chị em là con cái của chúng tôi qui tụ lại nơi đây, nếu chúng ta nhớ làm sao ở nơi mọi người chúng ta có thể và phải nhận ra dung nhan của Chúa Kitô (x Mt 25:40) là Con Người, nhất là khi những giọt nước mắt và buồn đau làm cho dung nhan này hiện lên rõ nét, và nếu chúng ta có thể và cần phải nhận thấy nơi dung nhan của Chúa Kitô chân dung của Cha trên trời: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9), thì chủ nghĩa nhân bản của chúng ta trở thành Kitô Giáo, Kitô Giáo của chúng ta là tôn giáo tập trung vào Thiên Chúa; như thế, chúng ta có thể nói một cách khác rằng kiến thức về con người là điều kiện tiên quyết cho kiến thức về Thiên Chúa.
Bởi vậy, không phải hay sao, công đồng này, một công đồng chính yếu chú trọng tới con người, có mục đích đề ra một lần nữa cho thế giới ngày nay cái thang dẫn họ tới tự do và niềm an ủi? Tóm lại, không phải hay sao công đồng này là một giáo huấn đơn sơ, mới mẻ và trọng thể dạy yêu thương con người để mến yêu Thiên Chúa? Chúng ta muốn nói rằng việc yêu thương con người không phải là một phương tiện mà là bước đầu tiên hướng tới đích điểm cuối cùng và siêu việt, một đích điểm là nền tảng và là căn nguyên cho hết mọi yêu thương. Bởi vậy, công đồng này có thể được tóm gọn lại nơi ý nghĩa về đạo giáo tối hậu của mình, một ý nghĩa chính là lời mời gọi khẩn trương và thân ái con người ngày nay hãy tái nhận thức nơi tình yêu thương huynh đệ Vị Thiên Chúa “là Đấng xa lìa Ngài thì gục ngã, hướng về Ngài thì phục hồi, ở với Ngài thì an toàn … về với Ngài thì tái sinh, ở trong Ngài là sống động” (Thánh Âu Quốc Tinh, Solil. I, 1, 3; PL 32, 870).
Đó là niềm hy vọng của chúng ta ở vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II này, cũng như vào lúc mở màn cho cuộc canh tân nhân bản và đạo giáo được công đồng này phác họa để nghiên cứu và phát động; đó là niềm hy vọng của chúng tôi giành cho chư huynh là các vị Nghị Phụ của công đồng; đó là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại chúng ta đã học được ở nơi đây để yêu thương hơn và phục vụ hơn.
Để đạt được mục đích ấy, một lần nữa, chúng ta chạy đến với việc chuyển cầu của Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Giuse là những vị quan thày của công đồng chung này; của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là những nền tảng và các cột trụ của Hội Thánh; và của cả Thánh Ambrôsiô là vị giám mục chúng ta mừng lễ hôm nay, vì nơi ngài liên kết Giáo Hội Đông Tây. Chúng ta cũng thiết tha nài xin sự bảo trợ của Rất Thánh Maria là Mẹ của Chúa Kitô và bởi đó chúng ta cũng gọi Mẹ là Mẹ của Giáo Hội. Đồng thanh nhất trí, chúng ta dâng lời tạ ơn và tôn vinh vị Thiên Chúa hằng sống và chân thực, vị Thiên Chúa duy nhất và thống trị, là Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches/1965/documents/hf_p-vi_spe_19651207_epilogo-concilio_en.html
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Một Công Đồng Theo Chiều Hướng Thánh Mẫu
Bài Giảng Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Đền Thờ Thánh Phêrô 8/12/2005
Quí Huynh trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục thân mến,
Anh Chị Em thân mến,
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã long trọng bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II ở quảng trường trước Đền Thờ Thánh Phêrô 40 năm trước đây, ngày 8/12/1965. Công Đồng này đã được khai mạc, theo ý của Đức Gioan XXIII, vào ngày 11/10/1962 là ngày Lễ Mẹ Thiên Chúa bấy giờ, và kết thúc vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm.
Một Công Đồng với Khủng Cảnh Thánh Mẫu và Chiều Hướng Thánh Mẫu
Công Đồng này đã diễn ra trong khung cảnh Thánh Mẫu. Thật sự còn hơn là một khung cảnh nữa: Nó chính là đường hướng cho tất cả tiến trình của Công Đồng. Nó hướng chúng ta, như nó đã hướng các Vị Nghị Phụ Công Đồng bấy giờ về hình ảnh của Vị Trinh Nữ lắng nghe và sống Lời Chúa, vị trinh nữ ấp ủ trong lòng mình những lời được Thiên Chúa ngỏ cùng Mẹ, và tìm hiểu những lời ấy (x Lk 2:19,51) bằng cách ghép những lời của Ngài lại thành nên như một bức tranh vi thạch.
Nó hướng chúng ta về một Vị Đại Tín Hữu, một con người đầy đức tin, đặt mình trong tay Thiên Chúa, phó mình cho ý muốn của Ngài; nó hướng chúng ta về Người Mẹ khiêm hạ, vị đã dự phần vào sứ vụ của Người Con đòi hỏi, đồng thời nó cũng hướng chúng ta về người nữ can trường đứng dưới chân Thập Giá trong lúc các môn đệ đã tẩu thoát.
Trong bài diễn từ của mình vào dịp ban hành hiến chế tín lý về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã diễn tả Mẹ Maria như “tutrix huius Concilii” – “Nữ Bổn Mạng của Công Đồng này” (cf. "Oecumenicum Concilium Vaticanum II, Constitutiones Decreta Declarationes," Vatican City, 1966, p. 983), và, bằng một hiển nhiên ám chỉ đến trình thuật của Thánh Luca về ngày Lễ Ngũ Tuần (x Acts 1:12-14), đã nói rằng các vị Nghị Phụ qui tụ lại ở Sảnh Đường Công Đồng “cum Maria, Matre Iesu – cùng với Maria, Mẹ của Chúa Giêsu” và cũng nhân danh mẹ mà rời Công Đồng (p. 985).
Tôi không thể nào quên được lúc mà khi nghe thấy những lời của ngài: "Mariam Sanctissimam declaramus Matrem Ecclesiae" – “Chúng tôi tuyên bố Maria là Mẹ Rất Thánh của Giáo Hội”, thì các Vị Nghị Phụ liền tự động đứng lên để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, một cử chỉ đứng lên vỗ tay hoan nghênh.
Thật vậy, bằng tước hiệu này, vị Giáo Hoàng ấy đã tóm tắt giáo huấn Thánh Mẫu của Công Đồng và đã cung cấp cái mấu chốt để có thể hiểu được công đồng. Mẹ Maria chẳng những có liên hệ đặc thù với Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng, là người, đã muốn trở nên Con của Mẹ. Vì Mẹ hoàn toàn được liên kết với Chúa Kitô mà Mẹ cũng hoàn toàn thuộc về chúng ta. Phải, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria gần gũi với chúng ta hơn bất cứ một con người nào khác, vì Chúa Kitô đã trở nên con người cho tất cả mọi con người nam nữ, và toàn hữu thể của Người là “hữu thể cho chúng ta trên đời này”.
Các Vị Giáo Phụ đã nói rằng Chúa Kitô là Đầu bất khả phân ly với Thân Thể của Người là Giáo Hội, có thể nói cùng với Giáo Hội làm thành một chủ thể sống động duy nhất. Mẹ của Đầu cũng là Mẹ của toàn Giáo Hội; có thể nói bản thân Mẹ hoàn toàn trống rỗng; Mẹ đã trọn vẹn hiến mình cho Chúa Kitô và cùng với Người hiến mình như một tặng vật cho tất cả mọi người chúng ta. Thật vậy, con người càng hiến mình thì càng là mình.
Công Đồng này đã có ý nói với chúng ta là: Mẹ Maria được đan kết với đại mầu nhiệm Hội Thánh, đến nỗi Mẹ và Giáo Hội bất khả phân ly, như Mẹ và Chúa Kitô bất khả phân ly vậy. Mẹ Maria phản ảnh Giáo Hội, báo trước Giáo Hội nơi bản thân Mẹ, và trong tất cả mọi cuộc biến loạn ảnh hưởng tới một Giáo Hội chiến đấu khổ đau thì Mẹ bao giờ cũng vẫn là Ngôi Sao cứu độ. Nơi Mẹ chất chứa một tâm điểm đích thực cho chúng ta tin tưởng, dù những thứ ngoại vi của cái tâm điểm này rất thường là những gì gây tác dụng trên linh hồn của chúng ta.
Trong bối cảnh của việc ban bố hiến chế về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đã làm sáng tỏ tất cả những điều ấy bằng một tước hiệu mới đã được sâu xa bắt nguồn từ Truyền Thống, với mục đích thực sự là để chiếu soi cái cấu trúc nội tại nơi giáo huấn của Giáo Hội là những gì đã được Công Đồng khai triển. Công Đồng Chung Vaticanô II đã công bố về các thánh phần thuộc cơ cấu của Giáo Hội: về các vị giám mục và về Giáo Hoàng, về các linh mục, giáo dân và tu sĩ, về mối hiệp thông của họ cũng như về những liên hệ của họ; Công Đồng đã phải diễn tả Giáo Hội đang lữ hành này, “khi ôm ấp trong lòng mình các tội nhân, đồng thời lại thánh hảo và luôn cần được thanh tẩy…” ("Lumen Gentium," No. 8).
Tuy nhiên, chiều kích “Phêrô” của Giáo Hội lại được bao gồm trong chiều kích “Thánh Mẫu” ấy. Nơi Mẹ Maria, Vị Vô Nhiễm Tội, chúng ta thấy được yếu tính của một Giáo Hội không bị méo mó lệch lạc. Chính chúng ta phải học nơi Mẹ để trở nên “hồn sống của giáo hội”, như các Vị Giáo Phụ đã nói, nhờ đó, cả chúng ta nữa cũng có thể, theo lời Thánh Phaolô, tỏ mình “một cách tinh tuyền” trước nhan Chúa, như Chúa muốn chúng ta như thế ngay từ thuở ban đầu (x Col 1:21; Eph 1:4).
Một Chiều Kích Thánh Mẫu với Hai Hình Ảnh Tương Phản
Thế nhưng, giờ đây chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: “Maria, Vị Vô Nhiễm Tội” đây nghĩa là gì? Phải chăng tước hiệu này có một cái gì đó muốn nói cho chúng ta? Hôm nay, phụng vụ chiếu tỏ nội dung của những lời này cho chúng ta nơi hai hình ảnh lớn lao.
Trước hết là trình thuật tuyệt vời về biến cố truyền tin cho Mẹ Maria là Vị Trinh Nữ Nazarét biết đến việc Đấng Thiên sai tới. Lời chào của Vị Thiên Thần được đan kết với những chi tiết của Cựu Ước, nhất là của Tiên Tri Zephaniah. Tiên tri này cho thấy rằng Mẹ Maria, người thôn nữ tầm thường xuất thân từ một giòng dõi tư tế và mang nơi mình gia sản tư tế cao cả của dân Yến Duyên, là “truyền nhân thánh hảo” của dân Yến Duyên, thành phần được các tiên tri nói tới trong tất cả mọi giai đoạn thử thách và tăm tối.
Nơi Mẹ hiện diện một Sion đích thực là chốn cư ngụ tinh tuyền, sống động của Thiên Chúa. Chúa cư ngụ nơi Mẹ, Ngài tìm thấy nơi Mẹ chốn nghỉ ngơi của Ngài. Mẹ là gia cư sống động của Thiên Chúa, Đấng không cư trú ở các dinh thự bằng đá nhưng ở trong lòng trí của con người sống động. Mẹ là chồi nẩy lên gốc Đavít trong một đêm đông tăm tối của lịch sử. Những lời của Thánh Vịnh đã được nên trọn nơi Mẹ: “Mặt đất đã sản sinh ra hoa trái của nó” (Ps 67:7).
Mẹ là cái chồi từ đó mọc lên cây cứu chuộc và thành phần được cứu chuộc. Thiên Chúa đã không thất bại, như thể trước đây đã xẩy ra vào lúc mở màn lịch sử với Adong và Evà, hay như trong giai đoạn lưu đầy ở Babylon, và như được tái diễn vào thời của Mẹ Maria, lúc mà dân yean Duyên đã trở thành một dân chẳng có giá gì ở trong một vùng bị chiếm cứ, với rất ít dấu hiệu cho thấy thánh đức của dân này.
Thiên Chúa đã không thất bại. Trong cảnh hèn mạt của ngôi nhà ở Nazarét có một con người Yến Duyên thánh hảo, một truyền nhân tinh tuyền. Thiên Chúa đã cứu độ và đang cứu độ dân của Ngài. Từ một thân cây đổ xuống, lịch sử của Yến Duyên đã lại chiếu ngời, trở thành một quyền lực sống động hướng dẫn và thấm nhập thế giới. Mẹ Maria là nhân vật Yến Duyên thánh hảo: Mẹ thưa “vâng” cùng Chúa, Mẹ hoàn toàn phó mình cho Ngài sử dụng, nhờ đó trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa.
Hình ảnh thứ hai là hình ảnh khó hiểu hơn nhiều và mập mờ hơn nhiều. Hình ảnh ẩn dụ này của Sách Khởi Nguyên nói với chúng ta từ một khoảng cách lịch sử rất xa xôi và chỉ có thể hiểu được một cách khó khăn; chỉ có thể hiểu được sâu xa hơn những gì nó muốn nói tới qua giòng lịch sử mà thôi.
Điều được báo trước là sẽ xẩy ra một cuộc tranh đấu giữa nhân loại và con rắn, tức là giữa con người và các lực lượng sự dữ, sẽ tiếp tục xẩy ra suốt giòng lịch sử. Tuy nhiên, điều cũng được báo trước là “miêu duệ” của một người nữ có ngày sẽ chiến thắng và sẽ đạp chết đầu con rắn; điều được báo trước rằng miêu duệ này của người nữ ấy – và nơi miêu duệ này người nữ cũng chính là người mẹ ấy – sẽ chiến thắng và như thế, qua con người, Thiên Chúa sẽ vinh thắng.
Nếu chúng ta cùng với Giáo Hội tin tưởng nguyện cầu lắng nghe bài Sách Thánh này chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu được thế nào là nguyên tội, là nhiễm tội, và thế nào là việc bảo vệ cho khỏi cái nhiễm tội ấy và thế nào là ơn cứu chuộc.
Đoạn Sách Thánh này cho chúng ta thấy hình ảnh ra sao? Con người không tin tưởng Thiên Chúa. Bị con rắn cám dỗ, họ tỏ ra nghi ngờ rằng cuối cùng Thiên Chúa sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi cuộc sống của họ, rằng Thiên Chúa là một tay đối thủ cướp mất tự do của chúng ta, và chúng ta sẽ thành một con người trọn vẹn chỉ khi nào chúng ta loại trừ Ngài đi; tóm lại, chỉ có thế chúng ta mới hoàn toàn chiếm đạt quyền tự do của mình mà thôi.
Con người sống trong sự nghi ngờ là tình yêu Thiên Chúa tạo nên một thứ lệ thuộc và họ cần phải dứt mình ra khỏi sự lệ thuộc ấy nếu họ muốn hoàn toàn là mình. Con người không muốn lãnh nhận từ Thiên Chúa việc hiện hữu của họ và tầm vóc viên trọncủa đời sống họ.
Chính họ muốn từ cây biết lành biết dữ chiếm được quyền năng hình thành thế giới này, biến mình thành chúa tể, nâng mình lên tầm cấp Thiên Chúa, và chế ngự sự chết và tối tăm bằng nỗ lực riêng của mình. Họ không muốn cậy dựa vào tình yêu là những gì đối với họ không đáng tin cậy, họ chỉ tin tưởng hoàn toàn vào kiến thức riêng của họ, vì nó ban cho họ quyền lực. Thay vì tin tưởng vào tình yêu thì họ lại tin tưởng vào quyền lực là những gì họ muốn sử dụng để tự động nắm trong tay sự sống của họ. Làm như thế là họ tin tưởng vào sự dối trá hơn là vào chân lý, do đó họ nhận chìm sự sống của họ vào cái trống rỗng, vào sự chết chóc.
Tình yêu không phải là một thứ lụy thuộc mà là một tặng ân làm cho chúng ta sống. Tự do của con người là thứ tự do của một hữu thể hữu hạn, bởi thế tự bản chất nó cũng hữu hạn. Chúng ta có thể chiếm hữu được nó chỉ như là một thứ tự do chia sẻ mà thôi, một thứ tự do hiệp thông mà thôi: Chỉ khi nào chúng ta sống một cách đúng đắn, với nhau và cho nhau, thì tự do mới có thể phát triển mà thôi.
Chúng ta sống một cách đúng đắn nếu chúng ta sống theo sự thật của hữu thể chúng ta, tức là sống hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì ý muốn của Thiên Chúa đối với con người không phải là một thứ luật lệ bị áp đặt từ bên ngoài và là những gì kềm kẹp họ, mà là cái chuẩn mức nội tại thuộc bản tính của họ, một chuẩn mức đã được in ấn trong họ và làm cho họ trở thành hình ảnh Thiên Chúa, nhờ đó, thành một tạo vật tự do.
Nếu chúng ta sống ngược với tình yêu và nghịch lại sự thật này – phản lại Thiên Chúa – thì chúng ta hủy hoại lẫn nhau và hủy hoại thế giới. Để rồi chúng ta không tìm thấy sự sống mà là tác hành theo những xu hướng của chết chóc. Tất cả những điều này là những gì lập lại các hình ảnh mãi tồn tại nơi lịch sử sa ngã từ ban đầu của con người cũng như nơi việc con người bị loại trừ khỏi vườn Địa Đường trần gian.
Giọt Độc Dược Nguyên Tội
Anh chị em thân mến, nếu chúng ta thành tâm suy nghĩ về mình và về lịch sử của chúng ta, chúng ta phải nói rằng trình thuật này đã cho thấy chẳng những lịch sử thời nguyên thủy mà còn lịch sử của mọi thời đại nữa, và tất cả chúng ta mang trong bản thân mình một giọt độc dược của cách thức suy tư được thấy rõ nơi các hình ảnh của Sách Khởi Nguyên này.
Chúng ta gọi giọt độc dược này là “nguyên tội”. Chính trong ngày lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội này mà chúng ta thấy được mối ngầm ngờ vực là một con người không phạm tội thực sự phải nói rằng họ là một con người buồn tẻ, và đời sống của họ thiếu vắng một cái gì đó: đó là chiều kích bi thảm của việc sống tự động, đó là quyền tự do chối từ, quyền tự do đi sâu vào những vùng tăm tối của tội lỗi và tự do làm những gì mình muốn; đó là chỉ tới bấy giờ chúng ta mới có thể thực hiện tối đa tất cả những gì là to tát và sâu xa của hữu thể nam nữ chúng ta, của việc thực sự là mình; đó là chúng ta cần phải thử cái tự do của mình, cho dù có phản nghịch lại Thiên Chúa, để thực sự hoàn toàn trở thành chính bản thân mình.
Tóm lại, chúng ta nghĩ rằng sự dữ căn bản là tốt, chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần đến nó, ít là một chút, để cảm nghiệm được cái trọn vẹn của hữu thể. Chúng ta nghĩ rằng Mephistopheles – tên cám dỗ – đúng khi hắn nói rằng hắn là một quyền lực “luôn muốn sự dữ và luôn làm sự lành” (J.W. von Goethe, “Fault” I,3). Chúng ta nghĩ rằng một chút mặc cả với sự dữ, khi giữ cho mình một chút tự do phạm đến Thiên Chúa, căn bản là một điều tốt, thậm chí là một điều cần thiết.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào thế giới bao quanh chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng nó lại không phải là như thế; nói cách khác, sự dữ bao giờ cũng độc hại, không thăng hóa con người mà hạ giá và đầy đọa họ. Nó không làm cho họ cao cả hơn tí nào, tinh tuyền hơn hay sang giầu hơn, mà là tác hại họ và thu hẹp họ lại.
Đó là những gì chúng ta thực sự cần phải học hỏi trong ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm: Con Người hoàn toàn phó mình vào bàn tay Thiên Chúa không trở thành người nộm của Thiên Chúa, một “con người xin vâng” tẻ nhạt; họ không mất quyền tự do của mình. Chỉ có con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa mới được tự do thực sự, một thứ tự do hành thiện cao cả đầy sáng tạo.
Con người hướng về Thiên Chúa không trở thành nhỏ bé hơn mà là cao cả hơn, vì nhờ Thiên Chúa và với Thiên Chúa, họ trở nên cao cả, họ trở thành thần linh, họ thực sự trở thành chính mình. Con người đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa không tách mình khỏi người khác, khi thu mình vào việc cứu độ tư riêng; trái lại, chỉ tới lúc ấy lòng họ mới thực sự bừng tỉnh và họ trở thành một con người nhậy cảm nhờ đó nhân hậu và cởi mở.
Một người càng gần Thiên Chúa họ càng gần với con người. Chúng ta thấy điều này nơi Mẹ Maria. Sự kiện Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa là lý do tại sao Mẹ rất gần gũi với con người. Vì thế mà Mẹ có thể là Mẹ của mọi niềm ủi an và mọi sự trợ giúp, một Người Mẹ mà bất cứ ai cũng có thể nói đến bất cứ loại nhu cầu nào về yếu đuối và tội lỗi, vì Mẹ hiểu biết mọi sự và, đối với mọi người, Mẹ là thứ quyền năng cởi mở của sự thiện hảo sáng tạo.
Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã in ấn hình ảnh của Ngài, hình ảnh của Đấng theo con chiên lạc của mình cho tới tận các đồi núi và giữa các bụi gai tội lỗi trên thế giới này, để mình bị xâu xé bởi mạo gai những tội lỗi ấy hầu vác chiên trên vai mang về nhà.
Là một người mẹ xót thương, Mẹ Maria là hình ảnh tiền thân và là bức chân dung vĩnh viễn của Người Con. Như thế, chúng ta thấy rằng hình ảnh của Người Trinh Nữ Sầu Thương, của Người Mẹ, vị chia sẻ khổ đau của mình và tình yêu của mình, cũng là hình ảnh thực sự của Mẹ Vô Nhiễm. Trái tim của Mẹ đã được nới rộng bằng việc Mẹ cùng với Thiên Chúa hiện hữu và cảm nhận. Nơi Nẹ, sự thiện hảo của Thiên Chúa trở nên rất gần gũi với chúng ta.
Vậy Mẹ Maria đứng trước chúng ta như một dấu hiệu của niềm ủi an, phấn chấn và hy vọng. Mẹ hướng về chúng ta mà nói: “Hãy can đảm thách thức Thiên Chúa! Hãy thử làm như thế! Đừng sợ Ngài! Hãy can đảm liều mình sống đức tin! Hãy can đảm liều mình sống thiện hảo! Hãy can đảm liều mình sống bằng một con tim tinh tuyền! Hãy dấn thân cho Thiên Chúa thì các con sẽ thấy rằng chính nhờ làm thế mà cuộc sống của các con mới trở nên nẩy nở và nhẹ nhàng, không tẻ nhạt mà tràn đầy vô vàn những hào hứng phấn khởi, vì sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa không bao giờ hao mòn!”
Vào ngày lễ này đây, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về dấu hiệu cả thể của sự thiện hảo Người đã ban cho chúng ta nơi Mẹ Maria, Mẹ của Người và Mẹ của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Người hãy đặt Mẹ Maria trên con đường chúng ta đi như một thứ ánh sáng cũng giúp chúng ta trở thành ánh sáng và chiếu ánh sáng này vào đêm tối lịch sử. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20051208_anniv-vat-council_en.html
(những tiểu đề là do người dịch bản Việt ngữ này tự động thêm vào)