Trích Giáo Lý Cẩm Nang do Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch
NHÂN ĐỨC
67- Nhân đức là một thói quen làm hoàn hảo các tài năng của linh hồn và xui khiến con người làm việc tốt.
68- Nhân đức được phân loại như sau: Theo nguồn gốc, có nhân đức tự nhiên (do con người tập thành) và nhân đức siêu nhiên (do Thiên Chúa phú bẩm). Theo đối tượng, có nhân đức đối thần (trực tiếp hướng về Thiên Chúa) và nhân đức luân lý (hướng về các tạo vật). Các nhân đức luân lý được móc nối với (cardo) và có thể được rút gọn lại thành bốn nhân đức trụ (cardinal virtues) là khôn ngoan, công bằng, tiết độ và đại đảm.
69- Các nhân đức tự nhiên được tập thành và tăng lên bằng việc thực hành, tức bằng việc lập đi lập lại các tác động tốt. Chúng sẽ bị yếu đi và sau cùng mất hẳn bởi những tác động thường xuyên nghịch lại chúng, tuy nhiên, chúng không bị mất đi chỉ vì một tội trọng nghịch lại chúng.
70- Các nhân đức siêu nhiên được Thiên Chúa trực tiếp phú bẩm vào linh hồn, được chính Thiên Chúa làm cho tăng tiến qua các tác hành luân lý tốt nơi con người, và bị mất đi vì tội nặng phản nghịch lại với các thần đức này. Các nhân đức siêu nhiên ban cho các tài năng của linh hồn một khả năng bền bỉ và một khuynh hướng nội tâm để linh hồn thực hiện được các việc lành thánh một cách siêu nhiên.
71- Việc liên hệ giữa các nhân đức: Các nhân đức tập thành (tự nhiên) và các nhân đức thiên bẩm (siêu nhiên) hoàn toàn độc lập với nhau.
72- Các nhân đức tập thành (acquied) là các nhân đức gắn bó với nhau đến nỗi nếu có một nhân đức (nhất là đức khôn ngoan) tới mức trọn lành thì cũng có tất cả các nhân đức còn lại. Tuy nhiên, bao lâu chưa trọn hảo thì các nhân đức này vẫn không lệ thuộc nhau, do đó, một người dâm dục vẫn có thể là một người quảng đại.
73- Các nhân đức thiên bẩm (infused) tin và cậy có thể không cần đến các luân đức (nhân đức luân lý), nhưng đức mến không thể nào tách biệt với các luân đức được. Đức tin và đức cậy được ban cùng với đức mến, đức cậy không thể không có đức tin, và đức mến không thể nào không có đức tin và đức cậy.
74- Cấp trật của các nhân đức: Nhân đức siêu nhiên cao trọng hơn nhân đức tự nhiên. Trong các nhân đức siêu nhiên, nhân đức đối thần hay thần đức cao trọng hơn nhân đức luân lý hay luân đức. Trong các thần đức, đức cậy cao trọng hơn đức tin và đức mến cao trọng hơn cả đức tin cùng đức cậy, vì đức tin tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa, đức cậy giúp chúng ta tiến đến với Ngài và đức mến kết hợp chúng ta với Ngài.
75- Việc nên trọn lành Kitô Giáo hay việc đi đàng nhân đức trọn lành, Kitô hữu một phần buộc phải thực hành theo phận sự, một phần được khuyên nên trọn lành hơn. (Việc Kitô hữu được khuyên nên trọn lành hơn thuộc về lãnh vực tu đức học, spirituality, hay tu đức thần học, như ngành thần học khổ luyện, ascetics và ngành thần học chiêm niệm, mystics; còn việc Kitô hữu theo phận sự phải nên trọn lành thì thuộc về lãnh vực luân lý thần học, phần về các giới luật).