Trích Giáo Lý Cẩm Nang do Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch
BA GIỚI RĂN MẾN CHÚA
Giới Luật Chúa Thứ Nhất
118- Giới luật Chúa thứ nhất buộc chúng ta, về mặt tích cực, phải thờ phượng Thiên Chúa bằng việc hiến tế, tôn kính cũng như cầu nguyện, và về mặt tiêu cực, cấm chúng ta không được bất kính với Ngài bằng các việc làm mê tín và vô phép.
119- Hiến tế trong Thánh Lễ là điều buộc phải thực hiện để tôn thờ Thiên Chúa theo Tân Luật.
120- Tôn kính được chia ra làm ba loại, tôn thờ (cultus latriae) phải được qui về một mình Thiên Chúa, tôn sùng (cultus duliae) dành cho các thánh (kể cả tôn sùng chính bản thân các ngài hay thánh tích của các ngài trên khắp thế giới; các vị á thánh chỉ được tôn sùng ở địa phương; và các vị đáng kính chỉ được tôn sùng âm thầm theo cá nhân), và biệt tôn (cultus hyperduliae) dành riêng cho một mình Mẹ Maria.
121- Cầu nguyện là điều buộc. Tuy nhiên, việc cầu nguyện thường xuyên như thế nào thì không được ấn định. Nhưng nếu tự ý bỏ việc cầu nguyện hằng ngày thường khó có thể tránh được mọi lầm lỗi. Buộc phải nguyện giờ kinh là hàng giáo sĩ và các tu sĩ khấn trọng thể, nếu bỏ mà không có lý do bất khả kháng chính đáng về luân lý hay thể lý thì mắc trọng tội.
122- Mê tín là việc thờ quấy đối với Đấng là Thiên Chúa chân thật (cultus indebitus) hay thờ thật đối với tà ma ngoại đạo (cultus falsi numinis), gồm có những hình thức như thờ ngẫu tượng (idolatry) bao giờ cũng mắc trọng tội, dù tích cực (formal) hay bề ngoài (material); như tin dị đoan (superstition) theo nghĩa ngặt, chẳng hạn bói toán (divination) và tà thuật (sorcery), luôn luôn là tội trọng, vì kêu cầu (invocation) ma qủi một cách tỏ tường (explicit) hay ngấm ngầm (implicit); như chiêu hồn thuật (spiritism/spiritualism) bao giờ cũng là tội trọng, dù thực hiện hay tham dự.
123- Vô phép là việc đặc biệt bất kính Thiên Chúa, một là trực tiếp phạm đến Ngài hay đến những gì (cả người lẫn vật) được thánh hiến cho Ngài, như tội thử thách Chúa, tội phạm sự thánh và tội mua bán đồ thánh.
124- Tội thử thách Thiên Chúa (tempting God) bao giờ cũng là tội trọng, dù tỏ tường hay ngấm ngầm; trừ trường hợp ngấm ngầm thử Chúa trong điều nhẹ thì chỉ phạm tội nhẹ.
125- Tội phạm sự thánh (sacrilege) đối với những gì đã được thánh hiến cho Chúa, như giáo sĩ hay tu sĩ (personal), nhà thờ hay đền thánh (local), hoặc chén thánh, dầu thánh, thánh tích (real), tự bản chất vốn là tội trọng.
126- Tội mua bán sự thánh (simony), như mua bán ơn Chúa, á bí tích, kinh nguyện, ân xá, quyền linh v.v., bằng tiền bạc hay các vật khác (munus a manu), bằng lời cầu nguyện, chúc tụng hay việc bảo vệ (munus a lingua), hoặc bằng công tác (munus ab obsequio). Tội mua bán linh quyền bao giờ cũng là tội trọng ex toto genere suo.
Giới Luật Chúa Thứ Hai
127- Giới luật Chúa thứ hai trực tiếp cấm tỏ ra bất kính Thiên Chúa bằng việc làm ô Danh Thánh của Ngài, như các tội lộng ngôn (blasphamy) hay kêu tên Ngài vô cớ (profanation), ngược lại, phải giữ lời khấn hứa (vow), lời thề nguyền (oath) và lời cầu khiến (adjuration).
128- Mọi lời khấn hứa vì lòng đạo đức buộc thành tội nặng hay nhẹ tùy theo ý của nhân vật khấn hứa hay của vấn đề khấn hứa. Ai hứa ngày nào cũng bố thí một chút mà bỏ không giữ trong nhiều ngày liền (materia gravis) thì có tội trọng, còn ai hứa mỗi ngày đọc một Kinh Lạy Cha chẳng hạn (personal service) mà bỏ không làm trong một thời gian dài cũng chỉ phạm tội nhẹ. Ai lỗi điều hứa vốn buộc phải giữ thì phạm hai tội, như trường hợp hứa giữ mình đồng trinh mà phạm tội tà dâm. Không cần phải có ý chu toàn lời hứa, chỉ cần thực hiện cho xong là đủ, trừ khi làm mà có ý không phải để giữ trọn lời hứa.
129- Lời thề nguyền là lời lấy Thiên Chúa để làm chứng cho sự thật mình biết, hay cho lòng chân thành và trung thành hứa quyết của mình.
130- Lời thề nguyền thành hiệu đòi phải theo một công thức như “nhân danh Chúa tôi xin thề” hoặc “vậy xin Chúa giúp tôi”, và phải có ý thề, bằng không sẽ vô hiệu.
131- Lời thề nguyền hợp pháp đòi người thề phải nắm vững sự thật của điều mình xác tín (thề gian bao giờ cũng là trọng tội và thề ẩu nặng nhẹ tùy theo mức độ coi thường việc tìm hiểu sự thật), điều xác tín đó phải hợp pháp về luân lý (thề hứa một điều xấu thì mắc tội trọng nếu điều hứa đó là điều trọng tội), và phải có đủ lý do để thề (thề cách vội vã sẽ mắc tội nhẹ nếu lời thề sai trái không tác hại gì).
132- Thề nguyền đoan hứa (promissory oath) sẽ làm một điều gì đó vì lòng đạo đức thì buộc phải giữ lời hứa của mình. Giống như lời khấn, lời thề hứa cũng buộc thành tội trọng hay nhẹ tùy theo tầm quan trọng của điều thề hứa.
133- Lời cầu khiến là việc nỗ lực thuyết phục kẻ khác làm hay bỏ điều gì (như trường hợp trừ qủi), bằng cách kêu lên Thiên Chúa, lên một thánh nhân hay một vật thánh. Để lời cầu khiến hợp lệ người cầu khiến cần phải nghiêm nghị, có đủ lý do và chỉ cầu khiến điều được phép cầu khiến. Thiếu hai điều kiện đầu thì phạm tội nhẹ, và thiếu điều kiện thứ ba thì phạm trọng tội nếu điều cầu khiến là một trong những điều bị cấm ngặt.
134- Lộng ngôn là lời nói hay cử chỉ chất chứa lòng khinh bỉ hay xỉ nhục Thiên Chúa, luôn luôn là một tội trọng.
135- Kêu tên Chúa vô cớ hay chỉ vì bộc giận tự nó chỉ là tội nhẹ, tuy nhiên nó sẽ trở thành tội trọng nếu cơn giận nhắm đến Chúa mà kêu đến tên Ngài, hay nếu nó gây ra gương mù.
Giới Luật Chúa Thứ Ba
136- Giới luật Chúa thứ ba truyền phải tôn kính Thiên Chúa vào các Chúa Nhật và các Ngày Lễ, bằng việc nghỉ ngơi Chúa Nhật và tham dự Thánh Lễ.
137- Việc nghỉ ngơi Chúa Nhật buộc phải kiêng tất cả mọi việc phần xác, xử kiện và buôn bán, trừ những trường hợp có lý do chính đáng bất thường.
138- Việc tham dự Thánh Lễ trọn vẹn, về phía Thánh Lễ, phải trọn vẹn từ đầu đến cuối, (nếu bỏ phần không quan trọng thì phạm tội nhẹ, song tự ý bỏ phần quan trọng như phần truyền phép thì phạm tội trọng và kể như không trọn lễ), và phải được cử hành ở nhà thờ, nơi công cộng hay ở một hội trường bán công hoặc ở ngoài trời; còn về phía người tham dự, phải hiện diện thực sự (trong vòng 60 bộ hay 100 mét trở lại, dù không trông thấy chủ tế) và phải tham dự cách sốt sắng (chủ ý và chú ý dự lễ, song chỉ cần có ý dự lễ là đủ, không cần có ý chu toàn bổn phận dự lễ Chúa Nhật). Nếu có bất cứ lý do nào quan trọng vừa phải cũng có thể được chước dự lễ, như bị bệnh nặng, qúa thiếu thốn, hay sẽ gây nguy hại bề trong hoặc bề ngoài cho chính mình hay kẻ khác v.v.