Trích Giáo Lý Cẩm Nang do Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, soạn dịch

 

 

 

Giới Luật Chúa Thứ Năm

 

 

152-  Giới luật Chúa thứ năm, trước hết cấm tất cả những việc sát hại bất chính, phạm đến bản thân mình hay kẻ khác, sau nữa, cấm tất cả những hành động gây thương tích hay cắt bỏ phần chi thể của mình một cách bất chính, sau hết, buộc phải bảo trì sự sống và sức khỏe của mình để ngăn ngừa chết chóc.

 

153-  Trực tiếp tự sát bao giờ cũng là tội trọng, kể cả việc có ý tự sát bằng việc cứ uống rượu hay hút thuốc vô độ, tuy nhiên, cũng có thể hành án tử cho mình theo lệnh chính quyền. Gián tiếp tự sát cũng bị cấm, song có thể được phép làm nếu có lý do cân xứng, như nhẩy từ lầu cao xuống để tránh cháy nhà vì không còn cách nào khác và thấy rằng chỉ có cách đó mới hy vọng sống sót, hay đốt thành đối phương khi lâm  chiến dù có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình…

 

154-  Được phép làm hại tới sự sống của mình chỉ khi nào có đủ lý do chính đáng tương đương với nguy hiểm, như săn sóc bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm có thể nguy hại đến sự sống của mình, liều mạng trốn tù để tránh án chung thân hay tử hình, tuy nhiên, đấu võ hay đấm bốc tranh giải tự bản chất vốn là những điều không được phép làm, vì có thể gây ra thương tích và mất mạng.

 

155-  Cắt bỏ phần thân thể của mình (mutilation) thường là một tội trọng. Tuy nhiên, khi cần để cứu mạng sống của mình, thì vẫn được phép làm. Nếu cắt bỏ đi phần thể không quan trọng thì có tội nhẹ, ngoài ra đều có tội trọng, như việc thiến hoạn (castration), dù cho khỏi bị cám dỗ xác thịt, hay việc cắt bỏ đi các nội phận sinh dục để có ý ngừa thai (vasectomy hay hysterectomy).

 

156-  Mong muốn chết đi được phép khi có lý do chính đáng và hoàn toàn phó mặc trong tay Chúa, như muốn hưởng tôn nhan Chúa trên Thiên Đàng hay muốn thoát khỏi đau khổ và khốn khó qúa sức, ngoài ra, nếu thực tình muốn chết chỉ để cho khỏi phải chịu các sự khốn khó thông thường của cuộc sống thì mắc tội trọng.

 

157-  Việc bảo trì sự sống và sức khỏe đòi phải sử dụng ít là các phương tiện thông thường, như đồ ăn, áo mặc, nhà ở, giải trí, thuốc men, khám bệnh, ngoài ra, không buộc phải dùng đến các phương tiện ngoại thường, như tìm bác sĩ thượng hạng, cho dù sẽ bị chết nếu không gặp bác sĩ này đi nữa.

 

158-  Theo nguyên tắc chung, không bao giờ được phép trực tiếp giết một người nào vô tội mà không mặc trọng tội, như phá thai hay làm cho chết êm dịu (euthanasia), hay làm cho người mẹ chết sớm để kịp rửa tội cho thai nhi v.v.

 

159-  Việc gián tiếp giết người vô tội tự bản chất vốn là một việc cấm, tuy nhiên, cũng có thể được phép làm nếu có đủ lý do chính đáng, như có thể đâm ngang chiếc xe sang một bên để tránh tình trạng xe bị hư thắng đang đâm xuống dốc, cho dù có gây nguy hại cho người bên lề, hay có thể cứu mạng thai mẫu khi không còn cách nào khác, cho dù có hại đến thai nhi.

 

160-  Chính quyền được phép xử tử một trọng phạm (criminal). Đối với một người tấn công bất chính (unjust aggressor) cũng được phép đối phó dù có hại đến sinh mạng của họ, nếu hội đủ các điều kiện sau đây: cần phải bảo vệ những gì qúi giá, như mạng sống, trinh tiết, thanh liêm và các đồ vật đắt giá; việc tấn công thực sự xẩy ra chứ không phải mới có cử chỉ đe dọa, (sau khi bị tấn công mà giết người là trả thù); việc tự vệ phải vừa đủ, chứ không được làm tổn thương đối phương qúa đáng, nếu trốn được thì nên trốn, nếu có thể đả thương hoặc có thể chế ngự đối phương thì không được giết.

 

161-  Rủ nhau giao đấu bằng vũ khí giết người (dueling) chỉ được phép nếu vì lợi ích an sinh có thể bị tổn thất trong chiến cuộc, ngoài ra là một việc có tội. Không được tình nguyện tham dự cuộc chiến bất chính tỏ tường.

 

162-  Các vị có thẩm quyền được phép sửa phạt phần xác phạm nhân. Tuy nhiên, vô lý hành hạ thú vật là một việc có tội (nhẹ), không phải vì tác nhân không có quyền làm mà là vì tác nhân lạm dụng quyền của mình để làm một việc ngược lại với lý lẽ cấm gây ra hình khổ và chết chóc.