Nếu thế giới này không thể nào và không khi nào có hòa bình thực
thì cầu nguyện cho hòa bình mà làm gì?
Cầu Nguyện Cho Hòa Bình: Lý Do và Ý Nghĩa
Trong thời gian trước khi xẩy ra trận chiến tấn công Iraq vào đầu năm 2003, tôi đã kêu gọi gia đình tôi cầu nguyện cho hòa bình thế giới vào mỗi buổi kinh tối chung nhà. Có một lần đứa con trai thứ hai 17 tuổi của tôi đặt vấn đề đại ý thế này: Bố có nghĩ là thế giới sẽ có hòa bình thực sự hay chăng? Nếu không thì cầu nguyện làm gì, vì hòa bình không bao giờ có, không bao giờ sẽ xẩy ra cả. Tôi đột nhiên bị chưng hửng trước vấn nạn bất ngờ nhưng rất hữu lý của một con người trẻ đang lớn trong một thế giới đầy bạo loạn ngày nay. Cháu là đứa trẻ ngay từ nhỏ đã có những suy tư về đạo rất nan giải.
Ðối với vấn nạn trằn trọc liên quan đến vấn đề hòa bình trần thế này của cháu, tôi đã cho cháu biết rằng, lịch sử loài người ngay từ ban đầu cho tới nay cho thấy thật sự con người tự mình, vì bản tính đã hư đi theo nguyên tội, sẽ không thể nào và không bao giờ có thể thiết lập được hòa bình hay kiến tạo hòa bình được. Thế nhưng, cũng chính vì hòa bình thực sự là tặng ân của Thiên Chúa, là những gì ngoài tầm với của con người, mà chúng ta mới cần phải nguyện cầu để được Ngài ban cho tặng ân đó. Bởi thế, cầu nguyện là điều kiện tiên quyết và tối yếu để chiếm đạt tặng ân hòa bình. Khi cầu nguyện cho hòa bình là con người thật sự chẳng những nhận biết giá trị cao cả của tặng ân hòa bình, mà còn thú nhận mình hoàn toàn bất lực trong việc kiến tạo hòa bình cùng nhìn nhận chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của con người mà thôi.
Về phần Thiên Chúa, Ngài sẽ ban hòa bình cho con người khi họ xứng đáng lãnh nhận tặng ân này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu thế gian chúng ta đang sống đây là một thửa ruộng bao giờ cũng có cả lúa là kẻ lành lẫn cỏ dại là kẻ dữ (x Mt 13:24-30) thì nó sẽ không bao giờ hoàn toàn có hòa bình như nhân loại mong ước, hay như chính Thiên Chúa mong muốn, một thứ hòa bình ở chỗ mọi người biết coi nhau là anh chị em của mình trong một gia đình có Thiên Chúa chân thật duy nhất là Cha trên trời, luôn tỏ ra yêu thương gắn bó với nhau, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh phục vụ nhau, hoàn toàn thông cảm nhịn nhục tha thứ lẫn cho nhau.
Cũng chính vì thế gian này là một thửa ruộng lẫn lộn cả lúa mạch lẫn cỏ dại mà hòa bình là thành quả của một cuộc chiến đấu, nếu không muốn nói là chính cuộc chiến đấu chống sự dữ và bảo vệ sự lành. Ðó là lý do Chúa Giêsu đã khẳng định là "Thầy đến thế gian không phải để mang lại hòa bình mà là gươm giáo" (Mt 10:34). Thế nhưng, chính khi con người chiến đấu chống lại sự dữ và bảo vệ sự lành là lúc con người sống trong hòa bình, là lúc con người chẳng những tìm kiếm hòa bình cho bản thân mình mà còn loan truyền hòa bình trên thế gian này nữa. Ðến nỗi, chính lúc họ khốn cực và khổ đau nhất họ lại được bằng an sung sướng, như trường hợp các vị thừa sai truyền giáo hay thừa sai tử đạo từ trước tới nay. Ở chỗ, như Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con sẽ than van khóc lóc còn thế gian sẽ hân hoan; các con sẽ chịu sầu khổ trong một thời gian, nhưng nỗi sầu khổ của các con sẽ trở thành niềm vui" (Jn 16:20). Chính vì thế Chúa Giêsu đã nhấn mạnh với các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly là "Thày để lại bằng an cho các con. Thày ban bình an cho các con không phải như thế gian ban" (Jn 14:27), tức là một thứ bình an cần phải được chiếm đoạt bằng "gươm giáo", một thứ bằng an cần phải thấm đẫm huyết lệ. Như thế, càng chiến đấu cho chân lý con người càng có bình an, con người càng kiến tạo hòa bình.
Ðúng thế, sau khi con người đã ăn trái cấm, Thiên Chúa Hóa Công đã không cứu độ con người ngay lúc bấy giờ, bằng cách cho phép con người hái trái cây sự sống ở giữa vườn (x Gen 2:9) mà ăn, như lấy thiện trừ ác. Trái lại, Ngài đã bắt con người sa phạm phải đền tội bằng sự chết đã rồi mới được hưởng phước sự sống, như lấy của độc giải độc, nghĩa là bắt họ phải vượt qua sự chết rồi mới được vào sự sống (x Jn 5:24). Ðó là lý do, để ban cho loài người đã bị hư đi theo nguyên tội sự sống, một “sự sống dồi dào hơn” (Jn 10:10) thuở ban đầu nữa, chính Thiên Chúa đã phải chẳng những hóa thân Làm Người, mặc lấy một bản tính vô cùng hèn hạ đối với Thần Tính toàn thiện vô cùng cao cả của Ngài, mà còn phải Vượt Qua vô cùng nhục nhã trong thân phận Con Người. Vậy thì loài người cũng chỉ có một đạo lộ cứu độ duy nhất mà thôi, đó là phải vượt qua chiến tranh (Tử Giá) mới đến hòa bình (Phục Sinh).
Trong đời sống tu đức, một tâm hồn xin Chúa ban cho mình đức khiêm nhượng mà biết chấp nhận nhục nhã Chúa an bài gửi đến cho mình, qua hành động tha nhân khinh khi giầy đạp họ, thì chính lúc nhục nhã ấy là lúc họ thực sự sống khiêm nhượng hay được ơn khiêm nhượng thế nào, cũng vậy, trong đời sống xã hội, loài người hằng cầu xin Thiên Chúa ban cho mình ơn hòa bình mà biết chấp nhận “gươm giáo”, cương quyết chiến đấu chống sự dữ và khống chế gian ác, thì chính lúc họ bảo vệ sự thiện, bênh vực chân lý, là họ chẳng những được hưởng hòa bình, sống trong hòa bình mà còn kiến tạo hòa bình và truyền đạt hòa bình nữa, một thứ hòa bình không giống như thế gian mơ tưởng và có thể ban cho con người, một thứ hòa bình không có chiến tranh hay cần phải cân bằng võ lực (x. Gaudium et Spes, 78), trong khi nơi con người còn đầy những mầm mống tội lỗi và sự chết không chịu canh tân hoán cải.
Thật vậy, hòa bình không thể nào là một thực tại như Thiên Chúa ấn định ngay từ nguyên thủy khi mới dựng nên tất cả mọi sự, trong đó có con người, và như lòng con người mong ước, mà là một cuộc chiến đấu liên lỉ giữa thiện ác nơi con người. Lịch sử cho thấy, nhân loại thực sự không thể nào đạt được hòa bình hoàn toàn, ở chỗ, về mặt tiêu cực, vĩnh viễn chấm dứt hết mọi cuộc chiến tranh, trái lại, về mặt tích cực, tất cả mọi dân tộc sẽ coi nhau như anh em một nhà, tứ hải giai huynh đệ, được thể hiện cụ thể qua việc các nước giầu thịnh chẳng những biết hủy bỏ nợ nần quốc tế cho nhau, như ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi dịp Giáo Hội Công Giáo sửa soạn long trọng mừng Ðại Năm Thánh 2000, mà còn biết hủy bỏ vấn đề chế tạo và thi đua võ trang để lấy ngân quĩ tiêu xài cho việc sát hại nhau này giúp vào việc phát triển các quốc gia chậm tiến nghèo khổ.
Chính vì nhân loại không thể nào đạt được hòa bình hoàn toàn như thế, cho đến khi Thiên Chúa là nguyên thủy và là cùng đích canh tân lại tất cả mọi sự (x Rev 1:8, 21:5), mà hòa bình mới là chân trời của đời sống con người trên trần gian, là đích điểm con người cần phải hướng về và nỗ lực tìm kiếm, đến nỗi, chính khi khao khát và tìm kiếm hòa bình, con người càng chiếm đạt hòa bình, tức càng nên trọn lành, hay càng sống đức ái trọn hảo, cho đến độ họ đáng "được gọi là con cái Thiên Chúa" (Mt 5:9).
Như thế, qua những người con cái là thành phần sống đức ái trọn hảo, thành phần kiến tạo hòa bình cho nhân loại, điển hình nhất trong thời đại của chúng ta đây là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, hay tân chân phước Têrêsa Calcutta, Thiên Chúa vẫn ban cho nhân loại tặng ân hòa bình. Qua Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thiên Chúa đã không làm cho Khối Cộng Sản Ðông Âu tự động giải thể vào cuối năm 1989, thậm chí làm cả cho "Nước Nga trở lại" vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991 hay sao? Qua Mẹ Têrêsa Calcutta, Thiên Chúa cũng không ban hòa bình cho nhân loại nơi thành phần nghèo khổ nhất trong các người nghèo hay sao, ở chỗ, thành phần cùng cực, bất hạnh, thiệt thòi nhất trong cuộc đời này đã cảm thấy ủi an khi bị bỏ rơi, cảm thấy có giá khi bị khinh bỉ, nhất là cảm thấy mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời?
Bởi vậy, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, trước hết và trên hết, chính là việc nguyện cầu cho chính bản thân mình và cho nhau được trở thành những phương tiện thuận lợi đế Thiên Chúa có thể tự do sử dụng chúng ta trong việc ban tặng ân hòa bình cho trần thế nơi những ai muốn lãnh nhận. Thành phần kiến tạo hòa bình chính là những tâm hồn ở đâu cũng mang lại bình an ở đó, hay ở đâu cũng lan tỏa bình an ra chung quanh, đúng như Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người thực hiện trong sứ vụ truyền giáo của các vị là "Vào nhà nào các con hãy chúc bình an cho nhà ấy" (Mt 10:12). Bởi vì, hòa bình đã ngự trị trong lòng họ và tràn đầy cuộc đời họ, một thứ hòa bình của Ðấng được toàn quyền trên trời dưới đất sau khi Người sống lại từ cõi chết đã thông ban cho họ nơi Giáo Hội qua các vị tông đồ chứng nhân tiên khởi (x Mt 28:18; Jn 20:19,21,26), một thứ hòa bình chẳng những trở thành quyền lực làm cho họ có thể khống chế sự dữ, bằng việc khu trừ ma qủi, bắt rắn trong tay, không sợ độc dược, mà còn là tin mừng cứu độ cho tất cả mọi tạo vật nữa (x Mk 16:17-18, 15).
Như thế, Thiên Chúa quả thực có ban tặng ân hòa bình của Ngài cho thế giới và cách thức Ngài ban hòa bình cho thế giới là ban cho thế giới những người con đích thực của Ngài, những con người kiến tạo hòa bình, cho đến khi Ngài hoàn toàn thiết lập vương quốc của Ngài trên thế gian vào lúc Con Người vinh hiển đến trên may trời có tất cả các thiên thần hậu cận để phân xử muôn dân (x Mt 25:31-32), "để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Cor 15:28), hay để tất cả mọi sự cuối cùng được canh tân trở thành nơi cho Thiên Chúa muôn đời ngự trị (x Rev 21:5,3).
Với những chia sẻ để giải đáp vấn nạn "nếu thế giới này không thể nào và không khi nào có hòa bình thực thì cầu nguyện cho hòa bình mà làm gì?", chúng ta thấy rằng nếu Thiên Chúa quả thực có ban tặng ân hòa bình của Ngài cho thế giới và cách thức Ngài ban hòa bình cho thế giới là ban cho thế giới những người con đích thực của Ngài, những con người kiến tạo hòa bình, thì việc chúng ta cầu nguyện cho hòa bình thế giới chính là việc chúng ta cầu xin Thiên Chúa hãy tiếp tục ban cho thế giới được có những con người dấn thân kiến tạo hòa bình, những con người, như Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Sứ Ðiệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2004, giảng dạy hòa bình, chẳng những về phương diện lý thuyết liên quan đến công lý (luật lệ) mà cả phương diện thực hành liên quan đến bác ái (yêu thương) nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL