Để có thể dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động...
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XVI Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh,
qua hình ảnh Matta và Maria, chúng ta thấy Chúa Giêsu có vẻ nhấn mạnh đến đời
sống nội tâm và cầu nguyện hơn đời sống tông đồ và hoạt động. Tuy nhiên, không
phải vì thế mà đời sống tông đồ và cầu nguyện không cần bằng hay kém giá hơn đời
sống nội tâm và cầu nguyện. Trái lại, hai đời sống này phải đi song song với
nhau và nâng đỡ nhau. Nếu chỉ chuyên hoạt động đến không có giờ cầu nguyện thì
hoạt động sẽ như cành nho lìa khỏi thân nho và sẽ không sinh hoa kết trái gì;
trái lại, một người lại chỉ chuyên chú nội tâm và cầu nguyện đến không quan tâm
gì đến phần rỗi các linh hồn theo tinh thần tông đồ thì cũng chẳng khác gì như
cây vả xum xuê hoa lá cành mà không có trái, cũng sẽ bị nguyền rủa mà chết đi
như Phúc Âm Thánh Marcô thuật lại ở đoạn 11 câu 13, 20 và 21.
Để có thể dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động, trước hết, về phương
diện lý thuyết và nguyên tắc, chúng ta cần lưu ý đến những điều sau đây:
Trước hết, nói đến đời sống nội tâm là nói đến một đời sống giao tiếp với vị
“Thiên Chúa là Thần Linh trong tinh thần và chân lý” (Jn 4:24), và nói đến đời
sống hoạt động là nói đến đời sống tông đồ phục vụ tha nhân trong Thiên Chúa hay
phụng sự Thiên Chúa nơi tha nhân. Bởi thế, nếu đời sống nội tâm liên quan đến
lòng yêu mến “Chúa là Thiên Chúa” hết tình, thì đời sống hoạt động liên quan đến
lòng yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Thực ra, nếu “đức tin hoạt
động qua đức mến” (Gal 5:6), thì đời sống nội tâm liên quan đến đức tin, đến vị
“Thiên Chúa là Thần Linh”, và đời sống hoạt động liên quan đến đức ái, đến tha
nhân. Trong cuộc chủng thẩm, Chúa Kitô Vua, Thẩm Phán Tối Cao sẽ phán xét con
người về hoạt động đức ái đối với tha nhân, nhưng hoạt động này không thể nào có
nếu họ không sống đức tin, tức dù không thấy Người cũng làm ơn cho tha nhân là
hiện thân của Người (x Mt 25:40).
Đó là lý
do, một khi đức tin đối với Thiên Chúa yếu kém, con người sẽ không thể nào yêu
thương tha nhân trọn lành như Cha trên trời được (x Mt 5:48), trái lại, còn đi
đến chỗ tỏ ra những hành động phản lại tinh thần Phúc Âm, thậm chí muốn nhân
danh cả Thiên Chúa để khủng bố tha nhân nữa, như trường hợp của các môn đệ muốn
khiến lửa trời xuống thiêu hủy một ngôi làng Samaria vì đã không chịu tiếp đón
Thày mình trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hai tuần trước (x Lk 9:54-55). Như thế,
đức tin càng mạnh, đức ái càng trọn hảo, và đức ái càng trọn hảo càng chứng tỏ
con người đã đạt tới mức độ đức tin thần hiệp, mức độ yêu thương trọn lành như
Thiên Chúa.
Kinh nghiệm sống đạo thực tế cho thấy Kitô hữu chỉ có thể yêu thương tha nhân
như bản thân mình một khi họ thật lòng và hết lòng yêu mến Thiên Chúa, hay nói
đúng hơn, Kitô hữu chỉ có thể yêu thương tha nhân một cách chân tình và trọn hảo
bằng chính tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Đó là lý do Chúa Kitô đã truyền dạy
cho môn đệ của Người là “các con hãy mến thương nhau như Thày đã yêu thương các
con” (Jn 13:34, 15:12). Qua câu khẳng định này, Chúa Kitô muốn khẳng định với
Kitô hữu chúng ta là thành phần môn đệ của Người là: “Thày là cây nho, các con
là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong họ sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái, vì
ngoài Thày ra các con không thể làm được gì cả” (Jn 15:5).
Linh Đạo Kitô Giáo là như thế, là ở chỗ, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã
nhấn mạnh trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban hành ngày Lễ Hiển
Linh 6/1/2001, dịp bế mạc Đại Năm Thánh 2000, đâm rễ vươn cao, là “duc in altum”
(Lk 5:4), tức thả lưới ở chỗ nước sâu mới bắt được nhiều cá. Bằng không, dù tài
giỏi mấy đi nữa và vất vả cật lực mấy đi nữa, như trường hợp các tay thuyền chài
chuyên nghiệp trước khi bỏ hết mọi sự theo Chúa Kitô, vẫn không thể bắt được một
con cá nào.
Kinh nghiệm hoạt động tông đồ cũng cho chúng ta thấy rõ điều này. Có những người
rất hăng say hoạt động. Hội đoàn nào cũng tham gia. Công tác nào cũng có mặt.
Thế nhưng, hơi gặp trái ý một chút là bất mãn, than trách, chia rẽ. Bị phê bình
chỉ trích là nản lòng, sợ hãi, bỏ cuộc. Phải chăng thành phần hoạt động tông đồ
này đã như cây nho dính liền với thân nho? Nếu quả thực họ đã sống trong Chúa
Kitô và Chúa Kitô sống trong họ thì không thể nào xẩy ra tình trạng phản sống
đạo như thế được. Đó là những trường hợp của thành phần hoạt động thiếu đời sông
nội tâm.
Trái lại, cũng có trường hợp sống đạo đức mà chẳng sinh hoa kết trái gì, thậm
chí còn sinh trái xấu nữa. Điển hình là những Kitô hữu, như ở Việt Nam xưa chẳng
hạn, hằng ngày vốn có thói quen sáng lễ, trưa nguyện, chiều chầu, tối kinh: Tức
sáng nào cũng dự lễ rước lễ, trưa nào cũng không quên nguyện Kinh Truyền Tin,
chiều nào cũng đi chầu Thánh Thể, tối nào cũng đọc kinh chung gia đình. Ngày nào
bị ngăn trở không thực hiện thói quen đạo đức này thì cảm thấy áy náy và lấy làm
hết sức khó chịu. Thế mà, vừa thấy con gái mình “không chồng mà chưa mới ngoan”,
đã có người trong họ liền bảo “mày phải phá nó đi cho tao”, hay thấy con mình
long đong lận đận khổ sở với người phối ngẫu của nó liền khuyên: “mày cứ bỏ mẹ
nó đi cho xong”, “con cứ ly dị nó quách đi cho rồi” v.v. Đấy là chưa kể đến
nhưng hành vi cử chỉ ăn gian nối dối trong việc làm ăn hay công sở chỉ vì một
chút lợi lộc trần gian.
Tóm lại, muốn làm chứng cho ai cần phải biết đích xác về người ấy thế nào, thì
muốn làm chứng cho Chúa Kitô, tức muốn hoạt động tông đồ để Người được nhận biết
và yêu mến, người môn đệ đích thực của Người cũng phải sống hết sức thân tình
mật thiết với Người trong nội tâm của mình, bằng những giờ chiêm niệm nguyện cầu
như vậy.
Trên phương diện thực hành, để có thể dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động,
chúng ta cần lưu ý đến những điểm chính yếu thực tế sau đây:
Về mặt tiêu cực liên quan đến đời sống nội tâm:
1. Đừng sợ bỏ giờ ra cầu nguyện là uổng phí mất thời giờ
cần thiết cho rất nhiều hoạt động và hãy cầu nguyện chẳng những bằng việc tham
dự phụng vụ, đọc kinh, mà còn bằng cả việc đọc sách thiêng liêng và trầm lặng
chiêm niệm nữa.
2. Đừng động một tí, tức không có lý do khẩn thiết, là bỏ cầu nguyện; nếu thật sự cần thiết có thể châm chước việc cầu nguyện, nhưng cố gắng làm bù lại bao nhiêu có thể.
3. Đừng vì khô khan, không cảm thấy hứng thú mà lơ là với việc cầu nguyện, trái lại, càng cảm thấy nguội lạnh càng cần phải bỏ giờ ra cầu nguyện nhiều hơn.
4. Đừng dấn thân hoạt động một khi cảm thấy tâm hồn thật sự sa sút đến mức nguy hiểm, bỏ ơn gọi hay phạm trọng tội; nếu cần phải tạm ngưng mọi hoạt động để lấy lại quân bình nội tâm, thậm chí phải dứt bỏ hay xin thôi hoạt động, dù hoạt động có ích lợi mấy đi chăng nữa.
5.
Đừng tìm thành công ở những lời khen tặng hay ở mức đông đảo dân chúng tuốn đến
với mình, mà là ở chỗ chu toàn Thánh Ý Đấng đã muốn mình làm việc của Ngài và
cho Ngài.
Về mặt tích cực liên quan đến đời sống hoạt động:
1. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng xem thực sự Chúa muốn mình làm
gì, và luôn làm sao để sống trọn và sống theo những ước nguyện của Kinh Lạy Cha
ở mọi nơi và trong mọi lúc.
2. Hãy dấn thân thực hiện, bất chấp mọi giá hy sinh và gian nan khốn khó, một khi đã biết rõ ý Chúa muốn mình làm gì.
3. Hãy dâng từng việc làm cho Chúa khi bắt đầu làm và cố giữ tâm hồn bình thản trong khi làm để có thể lắng nghe tiếng Chúa nói trong mọi nơi mọi lúc hầu mau mắn đáp ứng kịp thời, như trường hợp Mẹ Maria là tâm hồn đã sống hết sức gắn bó và cởi mở với Chúa, bằng thái độ luôn giữ và suy niệm trong lòng những cảm nghiệm thần linh xẩy ra trong cuộc đời của Mẹ.
4. Hãy luôn ý thức rằng vì mình làm việc của Chúa và cho Chúa, nên Chúa sẽ lo hoàn tất việc của Ngài, phần mình chỉ là phương tiện được Ngài sử dụng, hãy ngoan ngoãn ở trong bàn tay tinh khéo toàn năng của Ngài.
5.
Hãy nhớ rằng không có máu tử đạo không thể và không xứng làm việc của Chúa và
cho Chúa, bởi vì chính vào lúc người mẹ lâm bồn quằn quại đớn đau lại là lúc một
con người mới vào đời (x Jn 15:21), và cành nào sai trái lại càng cần phải được
cắt tỉa để càng trở nên sai trái hơn (x Jn 15:2).
Một gương mẫu hết sức sống động trong việc sống đời sống nội tâm và hoạt động
tông đồ, một đời sống đã thực sự trổ sinh muôn vàn hoa trái ngay trong thế kỷ
20, đó là gương của Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta. Chưa có một dòng tu nào trong
lịch sử Giáo Hội đã phát triển nhanh và mạnh như Dòng Chư Thừa Sai Bác Ái của mẹ,
trong vòng 47 năm (1950-1997) đã lan tràn trên 120 quốc gia trên thế giới. Chưa
có một vị sáng lập nào đã lập nhiều ngành tu trì và hoạt động tông đồ như mẹ.
Chưa có một nữ tu nào đi khắp thế giới và làm được nhiều việc bác ái xã hội phi
thường như mẹ. Nếu theo sức tự nhiên không ai có thể làm được những gì mẹ làm,
thì không phải là mẹ đã có một đời sống nội tâm hết sức thâm hậu, với một sinh
lực thần linh thật là dồi dào phong phú hay sao? Một đời sống nội tâm thậm chí,
như những gì được khám phá ra sau khi mẹ qua đời cho thấy, có những lúc mẹ cảm
thấy như Thiên Chúa không hiện hữu và mẹ cảm thấy mình như đang ở trong hỏa ngục.
Tóm lại, để dung hòa đời sống nội tâm và hoạt động, Kitô hữu chúng ta cần phải
làm sao để luôn có một tâm tình tràn đầy ước nguyện của Kinh Lạy Cha, đến nỗi,
nhiệt thành biểu lộ ra qua các việc làm của mình, nhất là những việc tông đồ của
mình, những hoạt động hay những tác hành nhân chứng mà ai giao tiếp với chúng ta
cũng có thể nhận thấy một cách rõ ràng là rằng chúng ta thực sự sống động là để
cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên
trời vậy. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL