KHOA GIÁO HỘI HỌC

CỦA CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin
Bài Mở Đầu cho Hội Nghị Mục Vụ của Giáo Phận Aversa Ý Quốc chiều ngày 15/9/2001

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chuyển dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, N.4- 23/1/2002, trang 5-7

 



Ngay sau Thế Chiến I, Romano Guardini đã tạo ra một lời phát biểu chẳng mấy chốc trở thành khẩu hiệu cho những người Công Giáo Đức, đó là câu: “Một biến cố hết sức quan trọng đang xẩy ra: Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Kết quả của việc tỉnh giấc này cuối cùng là Công Đồng Chung Vaticanô II. Qua những văn kiện khác nhau của mình, Công Đồng này đã bày tỏ và làm nên một phần gia sản cho toàn thể Giáo Hội những gì, trong 4 thập niên (1920-1960) dậy men và hy vọng, đã chín mùi kiến thức có được bởi đức tin. Để hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II người ta cần phải nhìn lại giai đoạn này và tìm cách thấy được, ít là tổng quát, những trào lưu và chiều hướng cùng hội tụ lại nơi Công Đồng này. Tôi sẽ trình bày cho thấy những tư tưởng đã đi tiên phong trong giai đoạn này, sau đó sẽ diễn tả những yếu tố chính yếu nơi giáo huấn của Công Đồng về Giáo Hội.

I.- Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô

1) Hình Ảnh Nhiệm Thể

“Giáo Hội đang tỉnh giấc trong các tâm hồn”. Lời diễn tả này của Guardini đã được khéo léo công thức hóa, vì tận kỳ cùng thì nó được công nhận và nghiệm thấy Giáo Hội như là một cái gì đó ở trong chúng ta, chứ không phải là một cơ cấu ở ngoài chúng ta mà là một cái gì đó sống trong chúng ta.

Nếu cho tới khi ấy chúng ta vốn nghĩ rằng Giáo Hội căn bản là một cơ cấu hay một tổ chức, thì bấy giờ, chúng ta cuối cùng cũng đã ý thức được rằng chính chúng ta là Giáo Hội nữa. Giáo Hội còn hơn là một tổ chức: Giáo Hội là một cơ chế của Thánh Linh, một cái gì đó sống động, chi phối thâm tâm của chúng ta. Ý thức này đã được diễn tả bằng ngôn từ diễn tả quan niệm “Nhiệm Thể Chúa Kitô”, một cụm từ nói lên cho thấy một thứ cảm nghiệm mới mẻ và thanh thoát về Giáo Hội. Vào cuối cuộc đời của mình, trong cùng năm Công Đồng ban hành Hiến Chế về Giáo Hội, Gardini đã viết thế này: Giáo Hội “không phải là một cơ cấu do con người phát minh và thiết dựng… mà là một thực tại sống động… Giáo Hội vẫn sống qua giòng thời gian. Như tất cả mọi thực tại sống động, Giáo Hội cũng phát triển, cũng đổi thay… song tự bản chất sâu xa của mình, Giáo Hội vẫn không thay đổi; trọng tâm của Giáo Hội là Chúa Kitô… Nếu chúng ta thấy Giáo Hội như là một tổ chức… như là một hiệp hội…. chúng ta chưa tiến đến chỗ thật sự hiểu được Giáo Hội. Giáo Hội thật ra là một thực tại sống động và mối liên hệ giữa chúng ta với Giáo Hội phải là sự sống” (La Chiesa del Signore [Giáo Hội của Chúa]; Morcelliana, Brescia 1967, p. 160).

Ngày nay, khó lòng nói lên được cái hào hứng và niềm vui mừng phát xuất từ sự nhận thức này vào lúc bấy giờ. Trong kỷ nguyên của chủ nghĩa giải phóng trước Thế Chiến Thứ Nhất, Giáo Hội Công Giáo được quan niệm như là một thứ tổ chức hóa thạch, ngang bướng chống lại tất cả mọi thứ thành đạt tân thời. Thần học đã quá chú trọng tới vấn đề thượng quyền để làm cho Giáo Hội hiện lên thật sự như là một tổ chức tập trung, đến nỗi người ta dường như trung thành bênh vực chỉ những gì liên hệ đến bề ngoài mà thôi. Một lần nữa, vấn đề đã trở nên rõ ràng là Giáo Hội còn hơn thế nữa – Giáo Hội là một cái gì đó được tất cả chúng ta làm thăng tiến trong đức tin bằng một đường lối sống động, cũng như Giáo Hội làm cho chúng ta thăng tiến vậy. Thật ra Giáo Hội đã nghiệm thấy được việc phát triển về cơ cấu qua nhiều thế kỷ, và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay. Qua Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể vẫn còn tồn tại tới ngày nay: Chúa Kitô vẫn tiếp tục chuyển động qua giòng thời gian. Nếu chúng ta tự đặt vấn đề yếu tố nào hiện diện ngay từ ban đầu vẫn còn được thấy nơi Công Đồng Chung Vaticanô II, lời giải đáp cho chúng ta đó là câu Giáo Hội định nghĩa về Kitô Học. J.A. Mohler, một nhà lãnh đạo việc phục hưng thần học Công Giáo bị tàn phá bởi Thời Minh Tri, có lần đã nói rằng: một thứ thần học sai lạc có thể bị bêu diễu bằng câu ngắn ngủi này: “Từ ban đầu Chúa Kitô đã thiết lập phẩm trật và bởi đó đã trọn vẹn chăm sóc cho Giáo Hội đến ngày cùng tháng tận rồi”. Ngược lại với quan niệm này là sự kiện Giáo Hội là một Nhiệm Thể; Chúa Kitô và việc Người thiết lập Giáo Hội không bao giờ cùng song luôn mới mẻ. Trong Giáo Hội, Chúa Kitô không bao giờ chỉ thuộc về quá khứ mà thôi, Người bao giờ cũng là và trên hết là hiện tại và tương lai. Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa Kitô: Người đồng thời với chúng ta và chúng ta là những người đương thời của Người. Giáo Hội sống là ở chỗ này, ở chỗ Chúa Kitô hiện diện trong tâm hồn của chúng ta và chính nơi đó Người hình thành Giáo Hội của Người. Đó là lý do tại sao nguyên khởi của Giáo Hội là Chúa Kitô chứ không phải chính Giáo Hội. Giáo Hội lành mạnh ở chỗ Giáo Hội dồn mọi chú tâm vào Người. Công Đồng Chung Vaticanô II đã khéo đặt quan niệm này ở chỗ móc nối cho những cân nhắc của mình; bản văn nền tảng về Giáo Hội này được mở đầu bằng những lời lẽ Lumen gentium cum sit Christus: “vì Chúa Kitô là Ánh Sáng Thế Gian… Giáo Hội là gương soi vinh quang của Người; Giáo Hội phản ánh rạng ngời của Người”. Nếu chúng ta muốn hiểu được Công Đồng Chung Vaticanô II một cách đúng đắn, chúng ta luôn phải trở về với lời phát biểu mở đầu này…


Tiếp đến, từ khởi điểm ấy, chúng ta cần phải nắm được cả tính chất nội tại của Giáo Hội lẫn bản chất thông đạt của Giáo Hội nữa. Giáo Hội phát triển từ bên trong và hường ngoại chứ không ngược lại. Trước hết, Người là dấu hiệu của mối hiệp thông mật thiết nhất với Chúa Kitô.. Giáo Hội được hình thành chính yếu là ở đời sống nguyện cầu, ở các bí tích cũng như ở những thái độ tin, cậy, mến sâu xa. Bởi thế nếu có ai hỏi tôi cần phải làm những gì để trở nên Giáo Hội và để phát triển như Giáo Hội thì câu trả lời phải như thế này: quí vị phải trở nên một con người sống đức tin, cậy và mến. Cái xây dựng Giáo Hội là việc cầu nguyện và mối hiệp thông của các bí tích; nơi các bí tích lời cầu nguyện của Giáo Hội gặp gỡ chúng ta. Kỳ hè vừa rồi tôi đã gặp một linh mục giáo xứ nói với tôi rằng giáo xứ của ngài chưa hề có được một ơn gọi linh mục nào từ nhiều năm qua. Vị linh mục ấy cần phải làm gì? Chúng ta không thể sản xuất ra các ơn gọi, Chúa mới là Đấng tạo nên các ơn gọi. Như thế chẳng lẽ chúng ta cứ chực chờ một cách vô dụng hay sao? Vị linh mục này đã quyết định hằng năm thực hiện một cuộc hành hương, một cuộc hành hương xa xôi và khó nhọc đến Đền Thánh Mẫu Altotting để cầu xin cho các ơn gọi, đồng thời cũng kêu mời những ai có cùng chí nguyện với ngài cùng ngài hành hương và chung lời cầu nguyện. Từ năm này qua năm khác, con số tham dự vào cuộc hành hương gia tăng cho đến cuối cùng, năm nay, cả làng hết sức vui mừng cử hành Thánh Lễ đầu tiên được vị linh mục phát xuất từ giáo xứ này dâng…

Giáo Hội phát triển từ bên trong: đó là ý nghĩa của lời diễn tả “Thân Mình Chúa Kitô”. Cụm từ này còn hàm ý hơn thế nữa, ở chỗ Chúa Kitô đã hình thành cho Người một thân mình. Nếu tôi muốn tìm Người và biến Người thành của tôi, tôi liền được kêu gọi trở thành một phần thể bé nhỏ, hoàn toàn và trọn vẹn của Thân Mình Người, và việc trở thành một trong những phần thể của Người, trở thành một bộ phận của Thân Mình Người trên thế gian này, tôi sẽ đời đời là như thế. Tư tưởng của thần học giải phóng cho rằng trong khi Chúa Giêsu tự mình thoải mái thì Giáo Hội lại là một thực tại khốn khổ, là tư tưởng hoàn toàn trái nghịch với ý thức ấy. Chúa Kitô chỉ ban phát Mình trong thân thể của Người mà thôi, chứ không bao giờ lại là một thứ thuần lý tưởng. Nghĩa là Người trao ban Bản Thân Người cùng với những thứ khác, nơi một mối hiệp thông bất gián đoạn kéo dài qua năm tháng và là chính Thân Mình của Người. Điều này có nghĩa rằng Giáo Hội không phải là một tư tưởng, Giáo Hội là một Thân Thể. Cái vấp phạm trước việc trở thành nhục thể nơi biến cố nhập thể của Chúa Giêsu vốn xẩy ra nơi rất nhiều người đương thời của Người đã được tái diễn nơi “đặc tính gây vấp phạm” của Giáo Hội. Trong trường hợp này, lời của Chúa Giêsu vẫn có giá trị: “Phúc cho kẻ nào không vì Ta mà vấp phạm”.

Bản chất thông đạt của Giáo Hội cần phải bao gồm cả đặc tính “chúng ta” của Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một cái gì ở đâu đó tách khỏi chúng ta, chính chúng ta là thành phần làm nên Giáo Hội. Không một người nào có thể nói “tôi là Giáo Hội”, nhưng mỗi người trong chúng ta có thể và phải nói “chúng tôi là Giáo Hội”. Cái “chúng ta” không tiêu biểu cho một nhóm biệt lập mà là một nhóm hiện hữu trong toàn thể cộng đồng của tất cả mọi phần tử của Giáo Hội, còn sống cũng như đã qua đời. Đó là lý do một nhóm có thể thực sự nói: “chúng tôi là Giáo Hội”. Giáo Hội là ở chỗ này, ở chỗ “chúng tôi” phổ quát xóa bỏ đi những biên giới xã hội và chính trị, cả biên giới giữa trời và đất nữa. Chúng ta là Giáo Hội. Điều này làm phát sinh một thứ đồng trách nhiệm cũng như khả năng hợp tác theo cá thể. Ý thức này đã làm nẩy sinh quyền được bình phẩm nhưng việc bình phẩm của chúng ta trước hết phải là tự bình phẩm bản thân mình. Chúng ta cần lập lại là Giáo Hội không “ở một nơi nào đó”; hay Giáo Hội là một “người nào đó”. Chính chúng ta xây dựng Giáo Hội. Những tư tưởng này đã chín mùi và đã dẫn thẳng tới Công Đồng Chung Vaticanô II. Hết mọi điều được nói về trách nhiệm chung của giáo dân, cùng với những hình thức pháp lý được thiết định để làm dễ dàng cho việc thi hành trách nhiệm chung này một cách rõ ràng, đều là thành quả của luồng tư tưởng ấy.

Sau hết, quan niệm về việc phát triển và vì thế về cả năng động lịch sử của Giáo Hội đều có liên hệ với vấn đề này. Một thân thể tự nó vẫn còn nguyên theo giòng đời bởi sự kiện là nó luôn canh tân mình theo tiến trình của sự sống. Đối với vị đại Hồng Ý Người Anh Newman thì tư tưởng về việc phát triển là một chiếc cầu thực sự và xứng hợp dẫn đến biến cố trở lại Công Giáo của ngài. Tôi tin rằng tư tưởng về việc phát triển thuộc về nhiều quan niệm nền tảng của Công Giáo chưa hoàn toàn được khai triển. Một lần nữa, chúng ta phải biết ơn Công Đồng Chung Vaticanô II vì công đồng này cũng đã long trọng thiết lập công thức về tư tưởng này trong một văn kiện chính thức của Huấn Quyền. Ai chỉ muốn thắt kết mình với những dẫn giải theo nghĩa đen về Thánh Kinh hay với những thể thức về Giáo Hội của các Giáo Phụ là bắt Chúa Kitô giam giữ vào “ngày hôm qua”. Hậu quả xẩy ra, một là đức tin hoàn toàn tàn héo không có gì để nói với thời đại của chúng ta đây, hai là cao ngạo cho rằng mình có quyền qua mặt 2 ngàn năm lịch sử, gán ghép cho những tháng năm lịch sử ấy như một thùng rác chất đầy những lỗi lầm, và cố gắng xem làm cách náo để Kitô giáo xứng hợp với Thánh Kinh hay với Chúa Giêsu. Thành quả duy nhất khả đạt sẽ là một thứ sáng chế nhân tạo do chính chúng ta thực hiện, làm trống rỗng tất cả những gì là nhất trí. Căn tính đích thực được bắt đầu từ Chúa Kitô chỉ khả hữu chỉ khi nào có đươc một sự liên tục sống động làm phát triển cái ban đầu ấy và thực sự bảo trì được cái ban đầu này bằng việc phát triển ấy.

2) Giáo Hội Học Thánh Thể

Chúng ta hãy trở về để nhìn xem những phát triển trong kỷ nguyên tiền Công Đồng. Tư tưởng về Nhiệm Thể Chúa Kitô đã đánh dấu giai đoạn đầu tiên nơi việc Giáo Hội tái khám phá nội tại của mình; tư tưởng này được bắt đầu từ Thánh Phaolô, dẫn tới chỗ đặt nền tảng cho sự hiện diện của Chúa Kitô cùng với những năng động của những gì tồn tại (trong Người và nơi chúng ta). Việc nghiên cứu hơn nữa đã góp phần làm cho vấn đề nhận thức thêm tươi mới. Trước hết, hơn bất cứ một ai khác, nhà thần học người Pháp Henri de Lubac, trong những nghiên cứu sáng chói và thức giả của mình đã làm sáng tỏ vấn đề là từ ban đầu chữ “corpus mysticum” ám chỉ về Thánh Thể. Đối với Thánh Phaolô và các vị Giáo Phụ thì tư tưởng về Giáo Hội như Thân Mình Chúa Kitô được thắt kết bất khả phân ly với ý niệm về Thánh Thể là bí tích Chúa Kitô hiện diện một cách thể lý và là bí tích Người ban cho chúng ta Thân Mình của Người làm lương thực. Đó là lý do xuất hiện vấn đề giáo hội học về Thánh Thể.

Hôm nay chúng ta có ý nói gì đối với “vấn đề giáo hội học về Thánh Thể” đây? Tôi sẽ cố gắng giải đáp câu hỏi này bằng cách đề cập ngắn gọn tới một số điểm nồng cốt. Điểm thứ nhất đó là Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có thể được định nghĩa như là một biến cố thành lập Giáo Hội. Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ của Người Phụng Vụ Tử Nạn và Phục Sinh này, đồng thời Người cũng ban cho các vị Bữa Tiệc Sự Sống. Trong Bữa Tiệc Ly, Người đã lập lại giao ước ở Núi Sinai – hay nói cách khác, những gì ở Núi Sinai chỉ là một dấu hiệu hay là một nguyên mẫu giờ đây hoàn toàn trở thành một thực tại, đó là mối hiệp thông bằng máu và sự sống giữa Thiên Chúa và loài người. Hiển nhiên là Bữa Tiệc Ly ấy đã hướng về cũng như đã giả định trước Cây Thập Giá và Cuộc Phục Sinh, bằng không Bữa Tiệc Ly này là một cử chỉ trống rỗng. Đó là lý do tại sao các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã có thể sử dụng một hình ảnh đẹp đẽ khi nói rằng Giáo Hội đã được hạ sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa kitô là nơi máu và nước chảy ra. Khi tôi nói rằng Bữa Tiệc Ly là khởi nguyên của Giáo Hội, tôi thực sự nói đúng như thế theo một quan điểm khác. Công thức này có nghĩa là Thánh Thể liên kết tất cả mọi người lại với nhau, không phải chỉ với nhau thôi mà với Chúa Kitô nữa; nhờ đó Thánh Thể biến cả hai thành “Giáo Hội”. Công thức này đồng thời cũng diễn tả cho thấy hiến pháp chính yếu của Giáo Hội: đó là Giáo Hội hiện hữu nơi các cộng đồng Thánh Thể. Thánh Lễ của Giáo Hội là hiến pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội tự bản chất là một Thánh Lễ (“missa” nghĩa là được sai đi), là việc phụng sự Thiên Chúa, và bởi thế cũng là việc phục vụ con người và là một việc phục vụ để biến đổi thế giới.


Thánh Lễ là mô thức của Giáo Hội, tức là nhờ Thánh Lễ Giáo Hội phát triển một mối liên hệ hoàn toàn nguyên tuyền không có ở một nơi nào khác, một mối liên hệ vừa đa dạng lại vừa duy nhất. Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi mỗi một lần cử hành Thánh Thể. Người đã sống lại và không còn chết nữa. Người không thể nào bị phân chia thành nhiều phần khác nhau nữa. Người luôn luôn trao ban Bản Thân Người trọn vẹn và hoàn toàn. Đó là lý do tại sao Công Đồng viết: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ của tín hữu, những cộng đồng hiệp nhất với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội theo Tân Ước” . Bởi vì, theo địa phương của mình, những Giáo Hội này là Dân mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và đầy lòng tin tưởng (x 1Thes 1:5)… Nơi những cộng đồng này, mặc dù thường là nhỏ bé và nghèo nàn, hay sống lưu lạc, Chúa Kitô vẫn hiện diện, và nhờ quyền năng của Người mới phát sinh ra một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” (Lumen Gentium, 26). Điều này tức là giáo hội học về các Giáo Hội địa phương phát xuất từ công thức vấn đề giáo hội học về Thánh Thể. Đây là một tính chất tiêu biểu của Công Đồng Chung Vaticanô II cho thấy nền tảng nội tại và có tích cách bí tích của tín lý về đoàn tính chúng ta sẽ nói đến sau.

Để hiểu đúng giáo huấn của Công Đồng này, trước hết chúng ta phải nhìn kỹ hơn vào những gì Công Đồng thực sự muốn nói. Công Đồng Chung Vaticanô II đã biết đến các mối quan tâm của cả thần học Chính Thống lẫn Tin Lành và đã hội nhập chúng lại thành một thứ kiến thức Công Giáo bao rộng hơn. Nơi thần học Chính Thống Giáo, tư tưởng giáo hội học về Thánh Thể đầu tiên được phát biểu bởi những nhà thần học Nga bị lưu đầy để chống lại những ý nghĩ cho rằng Rôma là chính. Họ khẳng định là bao lâu có Chúa Kitô một cách trọn vẹn thì hết mọi cộng đồng Thánh Thể tự bản chất đã là Giáo Hội rồi vậy. Do đó, việc hiệp nhất ngoại tại với các cộng đồng khác không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Bởi thế, họ kết luận là vấn đề hiệp nhất với Rôma không phải là yếu tố làm nên Giáo Hội. Một cuộc hiệp nhất như thế là một điều tuyệt vời, vì nó nói lên cho thấy tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô trước thế giới ngoại tại, thế nhưng nó không thiết yếu vì không có gì cần phải thêm thắt vào cái hoàn toàn của Chúa Kitô cả. Kiến thức của Tin Lành về Giáo Hội cũng theo cùng một chiều hướng. Luther không công nhận Thần Linh của Chúa Kitô nơi Giáo Hội hoàn vũ; ông trực tiếp coi Giáo Hội này là một công cụ của tên phản Kitô. Ông cũng không coi Các Giáo Hội Quốc Gia Tin Lành của Thời Cải cách là Giáo Hội theo đúng ý nghĩa của từ ngữ. Những giáo hội này chỉ là những thực thể chính trị xã hội cần thiết cho những mục đích riêng và lệ thuộc vào các thứ quyền lực chính trị, ngoài ra không còn gì nữa. Theo Luther, Giáo Hội hiện hữu trong cộng đồng. Chỉ có hội đồng nào lắng nghe Lời Chúa ở một nơi đặc biệt nào đó mới là Giáo Hội. Ông đã thay thế chữ “Giáo Hội” bằng chữ “cộng đồng” (Geneinde). Giáo Hội đã trở thành một quan niệm tiêu cực.

Giờ đây nếu chúng ta trở lại với bản văn của Công Đồng chúng ta sẽ thấy rõ một số sắc thái. Bản văn không chỉ nói suông: “Giáo Hội hoàn toàn hiện diện nơi mỗi một cộng đồng cử hành Thánh Thể”, mà nói: “Giáo Hội của Chúa Kitô đây thực sự hiện diện nơi tất cả mọi cộng đồng địa phương hợp lệ, những cộng đồng liên kết với các vị chủ chiên của mình, được gọi là Giáo Hội”. Ở đây có hai yếu tố rất quan trọng: để là Giáo Hội, cộng đồng phải là một cộng đồng “hợp lệ”; các cộng đồng hợp lệ là những cộng đồng “liên kết với các vị chủ chiên”. Điều này nghĩa là gì? Trước hết, không ai có thể tự mình làm Giáo Hội. Một nhóm không thể chỉ cần qui tụ lại với nhau, đọc Tân Ước rồi tuyên bố: “Lùa này đây chúng tôi là Giáo Hội vì Chúa hiện diện nơi nào có hai ba người tụ họp nhân danh Người”. Yếu tố “nhận lãnh” là yếu tố thiết yếu đối với Giáo Hội, như vấn đề đức tin từ “nghe” mà có chứ không phải là kết quả của việc con người quyết định hay suy tư mà có. Đức tin là điểm hội tụ với một điều gì đó không do tự mình tôi nghĩ được hay sản xuất ra; đức tin cần phải đến đón gặp tôi. Chúng ta gọi cơ cấu của việc gặp gỡ này là một “Bí Tích”. Nó là một phần của thể thức nồng cốt nơi một bí tích cần phải được nhận lãnh chứ không tự ban phát lấy cho mình. Không ai có thể tự rửa tội lấy cho mình. Không ai có thể tự truyền chức lấy cho mình. Không ai có thể tự tha tội lỗi lấy cho mình. Việc thống hối cách trọn không thể chỉ là một điều gì đó ở trong lòng, theo yếu tính của mình, việc thống hối cách trọn này cần đến một thể thức gặp gỡ về Bí Tích. Cả điều này cũng là thành quả của một thứ cấu trúc căn bản nơi bí tích như là một cuộc gặp gỡ (Chúa Kitô). Vì lý do này mối hiệp thông với chính mình không phải chỉ là một thứ vi phạm về những khoản của Giáo Luật liên quan đến bề ngoài, mà còn là một thứ tấn công đến chính bản chất sâu xa nhất của bí tích. Để một vị linh mục có thể ban phát bí tích đặc thù này, và chỉ bí tích này thôi, chính ngài phải trở thành một phần của mầu nhiệm uy linh mysterium tremendum được Thánh Thể bao hàm. Nơi Thánh Thể, vị linh mục tác hành “in persona Christi”, với tư cách Chúa Kitô (là Đầu); đồng thời, trong khi đóng vai đại diện cho Chúa Kitô ngài vẫn là một tội nhân, hoàn toàn sống bởi việc lãnh nhận Tặng Ân của Chúa Kitô.

Người ta không thể tạo ra Giáo Hội mà chỉ lãnh nhận Giáo Hội thôi; người ta lãnh nhận Giáo Hội nơi Giáo Hội ở, nơi Giáo Hội thực sự hiện diện: đó là nơi cộng đồng bí tích của Thân Thể Chúa Kitô qua giòng lịch sử. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm khó khăn này nếu chúng ta thêm điều này là “các cộng đồng hợp lệ”. Chúa Kitô là tổng thể ở tất cả mọi nơi. Đây là công thức quan trọng nhất của Công Đồng cũng như của anh em Chính Thống Giáo. Đồng thời Chúa Kitô chỉ là một ở khắp mọi nơi, nên tôi có thể chiếm hữu Vị Chúa duy nhất này chỉ nơi mối hiệp nhất Người có, nơi mối hiệp nhất của tất cả những ai là Thân Mình của Người và những ai nhờ Thánh Thể càng cần phải trở nên hiệp nhất hơn. Bởi thế, mối hiệp nhất hỗ tương này của tất cả những cộng đồng cử hành Thánh Thể không phải là một cái gì đó ngoại tại được thêm vào cho vấn đề giáo hội học về Thánh Thể, nhưng là một điều kiện nội tại: chỉ có Một Đấng Duy Nhất nơi mối hiệp nhất. Đó là lý do tại sao Công Đồng này đã nhắc nhở đến trách nhiệm xứng hợp của các cộng đồng song loại trừ những gì là tự mãn. Công Đồng này đã khai triển một khoa giáo hội học bao gồm vấn đề làm người Công Giáo, tức là bao gồm vấn đề hiệp thông với các tín hữu ở tất cả mọi nơi và trong mọi lúc, một vấn đề không phải chỉ là một yếu tố ngoại tại của một hình thức tổ chức, mà là một tiêu biểu cho ân sủng phát xuất từ bên trong, đồng thời cũng là dấu hiệu hữu hình của ân sủng Chúa là Đấng duy nhất có thể thiết lập mối hiệp nhất bằng cách phá vỡ vô vàn những ranh giới cách ngăn.

II.- Giáo Hội là Dân Chúa


Sau cái hào hứng ban đầu trước sự khám phá ra tư tưởng Thân Mình Chúa Kitô, các học giả đã phân tích và dần dần hoàn chỉnh quan niệm này và thực hiện những điều sửa chữa theo hai chiều hướng. Chúng ta đã đề cập đến chiều hướng thứ nhất nơi những điều sửa chữa này qua công cuộc của Henri de Lubac. Vị này đã nêu lên một ý tưởng cụ thể về Thân Mình Chúa Kitô bằng cách thực hiện một khoa giáo hội học về Thánh Thể, và từ đó gợi lên những vấn đề thực tiễn liên quan đến trật tự pháp chế của Giáo Hội cũng như về những mối liên hệ hỗ tương giữa các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ. Một hình thức khác của vấn đề sữa chữa này được bắt đầu ở Đức vào thập niên 1930, nơi có một số thần học gia phê bình sự kiện là căn cứ vào tư tưởng Nhiệm Thể thì có một số mối liên hệ không được rõ ràng giữa vấn đề hữu hình và vô hình, giữa luật lệ và ân sủng, giữa trật tự và sự sống. Bởi thế họ đề nghị quan niệm “Dân Chúa” là quan niệm trước hết được thấy trong Cựu Ước, như là một quảng diễn về Giáo Hội giúp người ta có thể dễ dàng áp dụng vào những thể loại về xã hội hay pháp chế. Tuy Nhiệm Thể Chúa Kitô thật sự vẫn là một “hình ảnh” quan trọng, song tự mình, nó không thể đáp ứng nổi nhu cầu đòi hỏi của thần học trong việc diễn đạt những điều liên quan đến “các thứ quan niệm”.


Thoạt tiên thì việc bình phẩm về tư tưởng Thân Mình Chúa Kitô là một cái gì đó nông nổi. Việc tìm hiểu sâu xa hơn nữa về tư tưởng Thân Mình Chúa Kitô đã cho thấy được những gì tích cực của nó; quan niệm “Dân Chúa”, cùng với quan niệm Thân Mình Chúa Kitô, đã đi vào khoa giáo hội học của Công Đồng này. Người ta đã nghĩ rằng hình ảnh Nhiệm Thể có thể là một khởi điểm quá hạn hẹp để xác định nhiều hình thức thuộc về Giáo Hội mà giờ đây được thấy là rắc rối nơi lịch sử loài người. Nếu chúng ta sử dụng hình ảnh thân thể để diễn tả “việc thuộc về” là chúng ta chỉ giới hạn vào hình thức cho thấy là “phần tử”. Một là phần tử hai là không phải là phần tử chứ không có những trường hợp khác. Vậy người ta có thể đặt vấn đề là hình ảnh về thân thể quá hạn hẹp vì nó bộc lộ cho thấy thực sự chỉ có những cấp độ trực tiếp thuộc về thôi. Vì lý do ấy, Hiến Chế về Giáo Hội đã thấy rằng cần phải sử dụng quan niệm “Dân Chúa”. Quan niệm này có thể diễn tả mối liên hệ của những anh chị em Kitô hữu không phải là Công Giáo đối với Giáo Hội như đang “ở trong mối hiệp thông”, cũng như mối liên hệ của những người không phải là Kitô hữu như đang “hướng về” Giáo Hội là nơi, trong cả hai trường hợp, người ta có thể sử dụng tư tưởng Dân Chúa (Lumen Gentium, 15,16).

Về một phương diện người ta có thể nói rằng Công Đồng này đã sử dụng tư tưởng “Dân Chúa” trước hết như là một chiếc cầu nối cho vấn đề đại kết. Nó còn áp dụng cho cả khía cạnh khác nữa, đó là khía cạnh tái khám phá về Giáo Hội sau Thế Chiến Thứ I, một thứ tái khám phá lúc ban đầu đã là một hiện tượng chung cho cả người Công Giáo lẫn Tin Lành. Phong trào về phụng vụ thực sự không hề có ý định chỉ giới hạn nơi Giáo Hội Công Giáo thôi. Đặc tính chung này đã gây nên vấn đề phê phán lẫn nhau. Tư tưởng về Thân Mình Chúa Kitô đã được phát triển trong Giáo Hội Công Giáo, khi Giáo Hội được ấn định như “Chúa Kitô tiếp tục sống trên trần gian” và vì thế Giáo Hội được diễn tả như là việc nhập thể của Con tiếp tục cho đến tận thế.

Tư tưởng này đã gây nên vấn đề chống đối nơi anh chị em Tin Lành, thành phần thấy nơi giáo huấn này một thứ đồng hóa Giáo Hội với Chúa Kitô, một thứ đồng hóa không thể nào chấp nhận được. Theo anh chị em Tin Lành thì Giáo Hội dường như tôn thờ bản thân mình và cho rằng mình bất khả sai lầm. Dần dần, tư tưởng này đã làm cho các tư tưởng gia Công Giáo suy nghĩ, thành phần, cho dù không đến nỗi đi quá xa như thế, cũng thấy rằng ý thức về Giáo Hội ấy làm cho hết mọi tuyên ngôn của Giáo Hội cùng với hoạt động mục vụ của Giáo Hội trở thành tối hậu đến nỗi khiến cho bất cứ một lời bình phẩm nào cũng đều như là một thứ tấn công chính Chúa Kitô mà hoàn toàn quên đi yếu tố con người, có những lúc rất con người, của Giáo Hội. Cần phải rõ ràng nhấn mạnh đến việc phân biệt về Kitô Học, ở chỗ, Giáo Hội không đồng hóa với Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội đừng trước nhan Người. Giáo Hội là một Giáo Hội của tội nhân, hằng cần phải được thanh tẩy và canh tân, cần phải trở nên Giáo Hội. Tư tưởng về việc canh tân đã trở thành một yếu tố quan trọng nơi quan niệm về Dân Chúa, nhưng khó phát triển quan niệm canh tân theo cấu trúc về Thân Mình Chúa Kitô.

Còn một yếu tố thứ ba cũng thuận lợi cho tư tưởng về “Dân Chúa” nữa. Vào năm 1939, có một nhà diễn giải Thánh Kinh Tin Lành là Ernst Kasemann đã đặt tên cho vấn đề chuyên khảo của mình về Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái nhan đề Dân Chúa Hành Hương. Trong tiến trình bàn luận của Công Đồng, nhan đề này lập tức trở thành một câu tâm niệm, vì nó giúp làm cho một số vấn đề được hiểu rõ hơn nữa trong những cuộc bàn luận liên quan đến Hiến Chế về Giáo Hội, ở chỗ, Giáo Hội chưa đạt tới đích điểm của mình. Niềm hy vọng thực sự và xứng hợp của Giáo Hội vẫn còn ở trước mặt Giáo Hội. Vấn đề chấp nhận “chiều kích cánh chung” liên quan đến quan niệm về Giáo Hội đã sáng tỏ. Cụm từ “Dân Chúa” bao hàm mối hiệp nhất của lịch sử cứu độ liên quan đến cả dân Do Thái và Giáo Hội trong cuộc hành trình của Giáo Hội. Cụm từ này cũng diễn tả cho thấy bản chất lịch sử của một Giáo Hội hành hương sẽ chưa đạt tới tầm vóc viên trọn của mình cho tới khi trải qua cuộc hành trình theo giòng thời gian và phát triển trong bàn tay Thiên Chúa. Cụm từ ấy cho thấy mối hiệp nhất của Dân Chúa nơi tính cách đa dạng, như ở nơi tất cả mọi dân tộc khác, của những thừa tác vụ và dịch vụ khác nhau; tuy nhiên, vượt lên trên và vượt ra ngoài tất cả những khác biệt ấy, tất cả đều là những kẻ hành hương thuộc về cùng một cộng đồng Dân Chúa hành hương. Tổng quát mà nói, nếu người ta muốn tóm lại những yếu tố nào quan trọng đối với Công Đồng liên quan tới quan niệm “Dân Chúa”, họ có thể nói rằng cụm từ “Dân Chúa” là yếu tố đã cho thấy bản chất lịch sử của Giáo Hội, cho thấy mối hiệp nhất nơi lịch sử của Thiên Chúa với con người, mối hiệp nhất nội tại của dân Chúa vượt ra ngoài các biên giới của những bậc sống về bí tích. Nó bao hàm cả động năng cánh chung, bao hàm bản chất tạm thời và mỏng dòn của Giáo Hội hằng cần phải canh tân; và sau hết nó cho thấy chiều kích đại kết, một chiều kích đa dạng về đường lối là những gì giúp cho mối hiệp thông cũng như cho việc hướng về Giáo Hội có thể hiện hữu và thực sự hiện hữu, ngay cả ở ngoài biên giới của Giáo Hội Công Giáo.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu những nhà bình luận đã cắt nghĩa chữ “dân” trong quan niệm “Dân Chúa” theo chiều hướng chính trị nói chung. Với những ai phát động thứ thần học giải phóng thì “dân” nếu được hiểu theo nghĩa chủ nghĩa cộng sản Marxist thì đó là thành phần chống lại tầng lớp cai trị, hay nói một cách tổng quát hơn, nó được ám chỉ tới một thứ chủ quyền đại chúng vốn đã từng được áp dụng vào trường hợp của Giáo Hội kéo dài một thời gian rất lâu. Vấn đề này đã gây ra những cuộc tranh luận bao rộng liên quan đến các thứ cấu trúc về Giáo Hội. Có trường hợp câu biểu hiệu này đã được hiểu theo một ý nghĩa chuyên biệt Tây Phương như là “việc dân chủ hóa”, hay cũng theo ý nghĩa được gọi là Đông Phương là “Các Thứ Cộng Hòa Nhân Dân”. Dần dần hiện tượng “pháo bông về ngôn từ” (N. Lohfink) này tàn cuộc, một là vì những trò chơi thế lực bị kiệt sức, nhường bước cho công việc bình thường ở các hội đồng giáo xứ, hai là vì cuộc nghiên cứu thần học sáng giá đã cho thấy một cách vững chắc là không thể nào chính trị hóa một quan niệm vốn đã được tạo nên theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Bochum Werner Berg đã cống hiến một thí dụ về việc tỉ mỉ giải thích cho thấy cuộc nghiên cứu thần học này khi khẳng định là: “Cho dù chỉ có một số ít đoạn đề cập tới ‘Dân Chúa’ (một cụm từ hiếm thấy trong Thánh Kinh), vẫn hiển nhiên thấy được một yếu tố chung duy nhất đó là: lời diễn đạt về ‘Dân Chúa’ nói lên mối liên hệ với Thiên Chúa, mối liên hệ giữa Thiên Chúa với những ai được ấn định làm Dân Chúa, bởi thế nó là một ‘liên hệ theo hàng dọc’. Lời diễn đạt ấy không dễ dàng nghiêng chiều về một thứ cơ cấu phẩm trật của cộng đồng này, nhất là trường hợp lời diễn đạt ‘Dân Chúa’ được sử dụng ‘nghịch lại’ với các vị thừa tác viên…” Nếu chúng ta bắt đầu với ý nghĩa thánh kinh của lời diễn đạt này thì nó không còn được hiểu một cách dễ dàng như là một tiếng kêu chống đối những vị thừa tác viên nữa, vì “Chúng ta là Dân Chúa”. Josef Meyer zu Schlochtern, Giáo Sư Thần Học Cơ Bản ở Paderborn, đã đúc kết việc bàn luận của mình về quan niệm “Dân Chúa” bằng một nhận định liên quan đến Hiến Chế về Giáo Hội của Công Đồng. Bản hiến chế này đã kết thúc bằng “việc phác tả cấu trúc Ba Ngôi Thiên Chúa như là nền tảng cho ấn định tối hậu về Giáo Hội…”. Vấn đề bàn luận này đã xoay chiều về điểm chính yếu của nó, đó là vấn đề Giáo Hội không hiện hữu cho mình; trái lại, Giáo Hội là dụng cụ của Thiên Chúa trong việc qui tụ nhân loại lại trong Ngài và sửa soạn cho thời điểm khi “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28). Chính quan niệm về Thiên Chúa đã không hề được đề cập tới trong suốt cuộc nổ “pháp bông” liên quan đến lời diễn đạt này, do đó, đã làm mất đi ý nghĩa của nó. Một Giáo Hội chỉ hiện hữu cho mình sẽ là một thứ giáo hội vô bổ. Dân chúng sẽ nhận ra ngay điều ấy. Cuộc khủng hoảng về Giáo Hội được phản ảnh qua lời diễn đạt “Dân Chúa” là một “cuộc khủng hoảng về Thiên Chúa”. Nó phát xuất từ việc chúng ta loại trừ cái chính yếu. Tất cả những gì còn lại chỉ là một cuộc tranh đấu về quyền lực mà thôi. Loại chiến đấu này vẫn từng xẩy ra đầy giẫy trên thế giới, Giáo Hội không cần phải nhào vô đấu trường này.


III.- Một Giáo Hội Học Hiệp Thông

Vào khoảng thời gian của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới ngoại lệ năm 1985, một thượng hội cố gắng để thẩm định Công Đồng sau 20 năm bế mạc, đã có một nỗ lực mới trong việc tổng hợp khoa giáo hội học của Công Đồng. Việc tổng hợp này liên quan đến một quan niệm cơ bản, đó là khoa giáo hội học hiệp thông. Tôi rất thích thú với mục tiêu mới này về khoa giáo hội học, và tôi đã nỗ lực bao nhiêu có thể để giúp thực hiện vấn đề này. Trước hết, người ta cần phải công nhận rằng chữ “communio” đã không chiếm được một vị thế chính yếu trong Công Đồng. Cũng phải công nhận là, nếu được hiểu đúng, nó có thể giúp vào việc tổng hợp những yếu tố chính yếu cho khoa giáo hội học của Công Đồng. Tất cả mọi yếu tố chính yếu của quan niệm Kitô Giáo về “hiệp thông” có thể thấy được nơi đoạn quen thuộc ở trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (1:3); nó là một điểm qui chiếu để hiểu được đúng đắn về “mối hiệp thông” của Kitô Giáo. “Những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe chúng tôi loan truyền cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông (communio) với chúng tôi; mối hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha và với Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi viết điều này để niềm vui của chúng tôi được nên trọn”. Khởi điểm của vấn đề hiệp thông đã trở nên hiển nhiên rõ ràng trong đoạn thư này, đó là mối hiệp nhất với Người Con của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến với loài người qua việc Giáo Hội loan báo. Mối hiệp thông nơi loài người được phát xuất ở chỗ này và vươn tới mối hiệp thông với Vị Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi. Người ta có thể tiến đến mối hiệp thông với Thiên Chúa qua việc hiện thực mối hiệp thông của Thiên Chúa với con người – đó là nơi ngôi vị Chúa Kitô. Việc gặp gỡ Chúa Kitô tạo nên mối hiệp thông với Người và nhờ đó với Cha trong Thánh Thần. Điều này hiệp nhất con người lại với nhau. Mục đích của tất cả mọi sự này đó là niềm vui trọn vẹn, ở chỗ Giáo Hội ôm ấp trong lòng mình một thứ năng lực cánh chung. Lời diễn tả “trọn vẹn niềm vui” này gợi nhớ đến lời từ biệt của Chúa Giêsu, nhắc lại mầu nhiệm Vượt Qua của Người và nhắc lại việc Chúa trở lại qua những lần hiện ra Phục Sinh tiên báo việc Người trở lại lần sau hết ở một thế giới mới. “Các con sẽ phải sầu đau, nhưng nỗi đau buồn của các con sẽ trở thành niềm vui… Thày sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ hân hoan…. hãy xin các con sẽ được ban cho để niềm vui của các con được trọn vẹn” (Jn 16:20,22,24). Nếu câu này được đem so sánh với lời mời gọi nguyện cầu trong Phúc Âm Thánh Luca (11:13), thì rõ ràng là “niềm vui” này và “Thánh Thần” đồng nghĩa với nhau. Mặc dù Thánh Gioan không minh nhiên đề cập đến Chúa Thánh Thần trong Bức Thư Thứ Nhất của mình (1:3), ngài cũng đã bao hàm trong chữ “niềm vui” ấy. Theo chiều hướng thánh kinh này, chữ “hiệp thông” có một đặc tính thần học, Kitô học, cứu độ học và giáo hội học. Nó hoan hưởng cả chiều kích bí tích hết sức hiển nhiên nơi Thánh Phaolô nữa: “Chén chúc tụng chúng ta chúc tụng không phải là một cuộc hiệp thông trong máu của Chúa Kitô hay sao? Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc hiệp thông nơi thân mình của Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất chúng ta dù nhiều cũng chỉ là một thân thể duy nhất…” (1Cor 10:16ff). Khoa giáo hội học về hiệp thông tận căn bản của mình là khoa giáo hội học về Thánh Thể. Chính vì rất gần gũi với khoa giáo hội học về Thánh Thể mà các thần học gia Chính Thống Giáo đã rất hăng say khai triển vấn đề này trong thế kỷ vừa qua. Nơi khoa giáo hội học về Thánh Thể này, như chúng ta đã thấy, khoa giáo hội học đã trở nên cụ thể hơn, trong khi vẫn hoàn toàn có tính cách thiêng liêng, siêu việt và cánh chung. Nơi Thánh Thể, Chúa Kitô, hiện diện nơi bánh cùng rượu và ban Mình một lần nữa, xây dựng Giáo Hội là Thân Mình của Người, và bằng Thân Thể Phục Sinh của mình, Người hiệp nhất chúng ta với Vị Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi cũng như với nhau. Thánh Thể được cử hành ở những nơi khác nhau đồng thời cũng được cử hành một cách phổ quát, vì chỉ có một Chúa Kitô duy nhất và chỉ có một thân thể duy nhất của Chúa Kitô. Thánh Thể hiến cho việc làm tư tế cái ý nghĩa đại diện Chúa Kitô “repraesentatio Christi” cũng như cho cơ cấu của việc làm ấy một ý nghĩa tổng hợp cho cả mối hiệp nhất và đa dạng được diễn tả nơi từ ngữ “hiệp thông”. Người ta thật sự có thể nói rằng quan niệm hiệp thông này nói lên một thứ tổng hợp cho khoa giáo hội học, một tổng hợp bao gồm việc đối thoại của Giáo Hội với việc đối thoại của Thiên Chúa cũng như với sự sống bởi Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Vấn đề tổng hợp này gồm tóm tất cả mọi ý hướng chính yếu của khoa giáo hội học của Công Đồng Chung Vaticanô II và nối kết các ý hướng này với nhau một cách thích hợp.

Vì những lý do ấy mà tôi vừa biết ơn vừa vui mừng khi thấy Thượng Hội năm 1985 đã đặt vấn đề “hiệp thông” làm trọng tâm bàn luận của mình. Những năm sau đó đã cho thấy sự kiện là không có một lời lẽ nào mà lại an toàn tránh được bị hiểu lầm, ngay cả chữ hay nhất và ý nghĩa nhất. Đối với “hiệp thông” là vấn đề đã dễ dàng trở thành một câu tâm niệm, nó đã bị hạ bệ và bóp méo. Như đã từng xẩy ra cho quan niệm “Dân Chúa”, người ta đã phải vạch ra cho thấy một thứ kiến thức phát triển theo hàng ngang là một thứ kiến thức loại trừ quan niệm về Thiên Chúa. Khoa giáo hội học về hiệp thông đã bị biến thành một thứ ý nghĩa liên hệ giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ; điều này lại được biến thành vấn đề xác định lãnh vực thẩm quyền của mỗi Giáo Hội (địa phương và hoàn vũ). Theo đó vấn đề bình đẳng một lần nữa nhập cuộc, đó là vấn đề chỉ hoàn toàn bình đẳng mới có thể “hiệp thông”. Cả ở đây nữa cũng lại xẩy ra vấn đề tranh luận giữa các môn đệ về việc ai làm kẻ cả trong các vị. Vấn đề này hiển nhiên là vấn đề không thể giải quyết được trong một thế hệ duy nhất. Đoạn trình thuật của Thánh Marcô về biến cố này là một trình thuật hay nhất. Trên đường đi từ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nói với các Môn Đệ của Người về Cuộc Khổ Nạn của Người lần thứ ba. Khi các vị tới Capernaum, Người đã hỏi các vị về những gì các vị nói với nhau ở dọc đường. “Các vị đều nín thinh”, vì các vị đã bàn với nhau xem ai là kẻ cả, một thứ bàn luận về tối thượng quyền (Mk 9:33-37). Đó không phải chính là những gì đang xẩy ra hôm nay đây hay chăng? Nếu Chúa Kitô đang tiến đến Cuộc Khổ Nạn của Người, thì với Chúa Kitô Giáo Hội cũng đang chịu đau khổ, trong khi đó chúng ta lại nhào vào việc bàn luận thích thú của mình là ai sẽ là kẻ cả nắm quyền bính. Nếu Người xuất hiện giữa chúng ta và hỏi chúng ta đang nói gì thế chúng ta sẽ thẹn thùng không dám nói năng gì.

Điều này không có nghĩa là không cần phải bàn đến việc quản trị tốt đẹp cũng như đến việc phân phối trách nhiệm trong Giáo Hội. Thật sự là có những điều bất quân bình cần phải sửa chữa. Chúng ta cần phải chú ý và nhổ tận gốc rễ một thứ tập trung hóa vào Tòa Thánh Rôma một cách thái quá là những gì bao giờ cũng có thể gây nguy hại. Thế nhưng, những vấn đề thuộc loại này cũng không được làm cho chúng ta phân tâm thi hành sứ vụ thật sự của Giáo Hội, bởi vì, Giáo Hội không được loan báo về mình mà là về Thiên Chúa. Chính vì để bảo đảm cho vấn đề này được thực hiện một cách thuần khiết nhất mới có vấn đề kiểm điểm trong Giáo Hội. Vấn đề kiểm điểm này phải bảo đảm được một thứ tương quan giữa việc đối thoại với Thiên Chúa và việc phục vụ chungỉ. Tóm lại, không phải ngẫu nhiên những lời Chúa Giêsu phán “kẻ làm đầu sẽ làm kẻ cuối rốt và kẻ cuối rốt sẽ là kẻ cả” đã xẩy ra hơn một lần trong Phúc Âm. Những lời ấy giống như tấm gương soi luôn ở trước mặt tất cả chúng ta.

Đối diện với việc biến quan niệm về “hiệp thông” hậu thượng hội 1985, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã nghĩ rằng cần phải dọn một “Bức Thư gửi Các Vị Giám Mục Công Giáo liên quan đến Một Số Khía Cạnh về Giáo Hội được hiểu như là một Mối Hiệp Thông”. Bức Thư này đã được ban hành vào ngày 28/5/1992. Ngày nay bất cứ thần học gia nào quan tâm đến thế giá của mình đều cảm thấy cần phải phê phán tất cả mọi văn kiện của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Bức Thư của chúng tôi gặp phải một trận bão tố phê phán, rất ít đoạn trong bản văn này được chấp nhận. Câu gây ra cuộc tranh luận nhiều nhất là câu này: “nơi mầu nhiệm chính yếu của mình Giáo Hội hoàn vũ là một thực tại có trước hết mọi Giáo Hội riêng về phương diện bản chất cũng như trần thế” (đoạn 9). Câu nói này được căn cứ vào một trích dẫn ngắn theo nhận định Giáo Phụ học là Giáo Hội duy nhất đặc thù có trước việc thiết lập các Giáo Hội riêng và hạ sinh ra các giáo hội riêng này. Các Vị Giáo Phụ đã lập lại một quan niệm của hàng tôn sư Do Thái là Sách Ngũ Kinh và dân Do Thái đã có trước. Việc tạo dựng đã được cưu mang như để cung cấp chỗ cho Ý Muốn của Thiên Chúa. Ý Muốn này cần có một dân tộc sống cho Ý Muốn của Thiên Chúa và làm cho Ý Muốn này trở thành Ánh Sáng thế gian. Vì các Vị Giáo Phụ đã nhận thấy rõ căn tính tối hậu của Giáo Hội và của dân Do Thái, các vị đã không thể nào cho Giáo Hội như là một điều gì đó ngẫu nhiên, một điều gì đó mới được thiết lập; trong cuộc qui tụ dân chúng này lại theo Ý Muốn của Thiên Chúa, các vị Giáo Phụ đã công nhận thần học nội tại của việc tạo dựng. Bắt đầu với khoa Kitô học, hình ảnh này được nới rộng và đào sâu, ở chỗ, các vị đã cắt nghĩa lịch sử, theo ảnh hưởng của Cựu Ước, như là một câu truyện yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa tìm kiếm và sửa soạn cho Con Ngài một vị Hôn Thê, vị Hôn Thê có một không hai chính là Giáo Hội đặc thù. Theo ý nghĩa của Sách Khởi Nguyên đoạn 2 câu 24, đoạn trình thuật người nam và người nữ là “hai trở nên một thân thể”, hình ảnh về Vị Hôn Thê hiện lên với ý nghĩ về việc Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô, một so sánh theo phụng vụ Thánh Thể. Thân Mình đặc thù của Chúa Kitô đã được sửa soạn; Chúa Kitô và Giáo Hội là “hai trở nên một”, một thân thể duy nhất, nhờ đó, “Thiên Chúa sẽ trở nên mọi sự cho mọi người”. Tính cách tiền hữu về bản thể của Giáo Hội hoàn vũ, một Giáo Hội đặc thù, một Thân Mình đặc thù, một Hôn Thê đặc thù, so sánh với những tỏ hiện theo kinh nghiệm và cụ thể của các Giáo Hội riêng khác nhau, là những gì tôi thấy được là quá hiển nhiên, đến nỗi tôi thấy khó lòng mà hiểu được những lời chống đối không chấp nhận vấn đề này. Những chống đối này chỉ có thể xẩy ra khi người ta không muốn hay không thể công nhận một Giáo Hội cao cả đã được Thiên Chúa cưu mang, có thể là vì họ bị thất vọng trước những thiếu sót về phương diện trần gian của Giáo Hội. Những điều chống đối này giống như những thứ gào thét về thần học. Tất cả những điều này vẫn là một thứ hình ảnh kinh nghiệm về những mối tương hệ của các Giáo Hội cùng với những xung khắc của những giáo hội này. Như thế có nghĩa là Giáo Hội được coi như là một đề tài về thần học đã bị loại bỏ rồi. Nếu người ta chỉ có thể nhìn thấy Giáo Hội như là một cơ cấu phàm nhân, thì tất cả những gì còn lại chỉ là tàn rụi thôi. Trong trường hợp này, người ta đã loại trừ chẳng những khoa giáo hội học của các vị Giáo Phụ, mà còn cả khoa giáo hội học của Tân Ước cũng như của ý thức dân Do Thái theo Cựu Ước nữa. Không phải chỉ có những ngụy thư Phaolô sau này và Sách Khải Huyền đã xác nhận tính cách tiền hữu theo bản thể của Giáo Hội hoàn vũ đối với các Giáo Hội riêng (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin cũng đã tái xác định như thế). Quan niệm này có thể được thấy nơi những bức đại thư của Thánh Phaolô, chẳng hạn trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata, Thánh Tông Đồ đã nói về Giêrusalem trên trời không phải như một điều gì đó có tính cách lớn lao và cánh chung, mà là như một điều gì đó có trước chúng ta: “Giêrusalem này là mẹ của chúng ta” (Gal 4:26). H. Schlier giải thích là đối với Thánh Phaolô, vị được thấm nhuần truyền thống Do Thái, thì Giêrusalem trên trời là một thời đai mới. Đối với Thánh Phaolô thì thời đại mới này đã hiện hữu rồi “nơi Giáo Hội Chúa Kitô. Đối với ngài, Giáo Hội là Giêrusalem thiên đình nơi con cái của Giáo Hội”.


Tôi xin kết luận thế này. Để hiểu được khoa giáo hội học của Công Đồng Chung Vaticanô II, người ta không thể coi thường không biết đến hai chương 4 và 7 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân. Những chương này bàn về thành phần giáo dân, về ơn gọi phổ quát nên thánh, về chiều hướng đạo nghĩa và cánh chung của Giáo Hội. Trong những chương này, mục tiêu sâu xa của Giáo Hội, yếu tố thiết yếu nhất của bản thể Giáo Hội, lại được nổi bật là sự thánh thiện, nên giống Thiên Chúa. Cần phải giành chỗ cho Thiên Chúa trên thế giới này, nơi Ngài có thể tự do ngự trị nhờ đó thế giới này trở nên “Vương Quốc” của Ngài. Sự thánh thiện là điều cao cả hơn phẩm chất luân lý. Nó là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi loài người, của loài người với Thiên Chúa; nó là “chiếc lều” của Thiên Chúa được cắm nơi loài người ở giữa chúng ta (x Jn 1:14). Nó là một cuộc tái sinh, không phải bởi huyết nhục mà bởi Thiên Chúa (Jn 1:13). Hướng chiều về sự thánh thiện cũng là một thứ hướng chiều về sự cánh chung. Bắt nguồn từ sứ điệp của Chúa Giêsu, nó là nền tảng đối với Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để trở nên nơi Thiên Chúa ngự trị trên thế gian này, là để trở nên “thánh thiện”. Đây là lý do duy nhất Giáo Hội cần phải tranh đấu, chứ không phải vấn đề tiền hữu hay vấn đề chiếm được chỗ nhất. Tất cả những vấn đề này đã được lập lại và tổng hợp ở chương cuối cùng của Hiến Chế về Giáo Hội, chương giành cho Người Mẹ của Chúa Kitô.

Như mọi người đều biết, vấn đề giành hẳn một văn kiện đặc biệt cho Mẹ Maria đã được tranh luận rất nhiều. Dù sao tôi cũng tin rằng việc đưa yếu tố Thánh Mẫu trực tiếp vào tín lý về Giáo Hội là điều thích hợp. Có thế, khởi điểm của vấn đề chúng ta cân nhắc đây một lần nữa được sáng tỏ hơn: ở chỗ, Giáo Hội không phải là một thứ thiết bị, cũng không phải là một tổ chức xã hội trong nhiều tổ chức xã hội khác. Giáo Hội là một con người. Giáo Hội là một người nữ. Giáo Hội là một Người Mẹ. Giáo Hội sống động. Kiến thức Thánh Mẫu về Giáo Hội hoàn toàn phản lại với quan niệm về Giáo Hội như là một thứ chế độ quan liêu phong kiến hay chỉ là một thứ tổ chức thuần túy. Chúng ta không thể tạo nên Giáo Hội, chúng ta cần phải là Giáo Hội. Chúng ta là Giáo Hội, Giáo Hội ở trong chúng ta chỉ ở tại chỗ đức tin của chúng ta hơn là hành động của chúng ta khuôn đức hữu thể của chúng ta. Chỉ bằng việc trở thành Thánh Mẫu chúng ta mới có thể trở thành Giáo Hội. Ngay từ khởi nguyên của mình, Giáo Hội đã không được tạo thành nên mà là được hạ sinh ra. Giáo Hội hiện hữu nơi linh hồn của Mẹ Maria từ lúc Mẹ thốt lên lời xin vâng. Đây là ý muốn sâu xa nhất của Công Đồng, đó là Giáo Hội phải được thức tỉnh nơi tâm hồn của chúng ta. Mẹ Maria chỉ cho chúng ta thấy con đường này.