Theo Lịch Sử
Nhân Loại Học Kitô Giáo Là Nguồn Mạch Cho Các Thứ Nhân Quyền
Tác giả cuốn “Nhân Loại Học Kitô Giáo: Từ Công Đồng Chung Vaticanô II Tới Đức Gioan Phaolô II” là ông Juan Luis Lorda, một kỹ sư về kỹ nghệ, với cấp bằng tiến sĩ thần học, dạy ở Đại Học Navarre từ năm 1983 và là tác giả cuốn “Là Một Kitô Hữu” và “Nghệ Thuật Sống”, đã chủ trương rằng nhân loại học Kitô Giáo, theo lịch sử, là nguồn mạch khơi nay các thứ quyền làm người. Trong cuộc phỏng vấn sau đây với Zenit, vị tác giả này cho biết Đức Gioan Phaolô II đã đóng góp vào việc hiểu biết hơn nữa về nhân loại học Kitô Giáo.
Vấn: Nhân loại học Kitô Giáo từ Công Đồng Chung Vaticanô II đã được đổi mới ra sao?
Đáp: Điều quan trọng nhất đó là việc giải thích và phát triển được Đức Gioan Phaolô II cống hiến cho công đồng này, nhất là cho “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium et Spes”. Bản Hiến Chế này là một trong những cột trụ của công đồng này và Đức Gioan Phaolô II đã trực tiếp hợp tác vào việc viết văn kiện ấy. Từ đó, ngài đã thực hiện việc dẫn giải sâu xa về nó trong giáo triều của ngài.
Ngày nay mọi người quen thuộc với Khoản Số 22 nổi tiếng của “Vui Mừng Và Hy Vọng”: “Chúa Kitô hoàn toàn tỏ cho con người biết về con người”. Tuy nhiên, trước Đức Gioan Phaolô II điều này chẳng nổi nang gì. Sự kiện này có thể thấy được nơi nhiều bài dẫn giải bình luận vào thời ấy, những bài dẫn giải bình luận thậm chí không hề đề cập đến nó.
Có nhiều triết gia và thần học gia đã gây nhiều ảnh hưởng đến nhân loại học Kitô Giáo, vì khoa học này đã từng trải qua một giai đoạn rất phong phú. Thế nhưng, vấn đề tổng hợp về tín lý của những nguyên tắc này là do Đức Gioan Phaolô II.
Vấn: Edith Stein, một nữ tu Dòng Camêlô bị đảng Nazis sát hại và được Đức Gioan Phaolô II phong thánh, cũng đã đóng góp quan trọng vào khoa nhân loại học này. Vị nữ quan thày của Âu Châu đây đã có một trực giác như thế nào?
Đáp: Hình ảnh về Edith Stein là một hình ảnh thật là kỳ thú, và tôi nghĩ rằng vị thánh này sẽ chiếm một vị trí càng ngày càng quan trọng nơi tư tưởng Kitô Giáo. Về nguồn gốc, ngài là một trí giả Do Thái. Về việc học hỏi thì ngài thuộc về trường phái đầu tiên của khoa hiện tượng học, với những nghiên cứu quan trọng.
Sau khi trở lại Công Giáo, ngài đã cố gắng thiết lập liên hệ giữa những luồng triết học này với của Thánh Tôma Aquinas. Ngài đã chết như một nữ tu Camêlô ở một trại tập trung, vào lúc cao điểm của thảm cảnh Sát Tế kinh hoàng.
Khi lòng mà tìm thấy được những nhân cách có một chiều kích nhân bản hết sức sâu xa. Hiện tượng học, nhất là khoa hiện tượng được thực hiện bởi nhóm của Edith Stein, với Reinach, Max Scheler, Conrad-Martius, von Hildebrand, là một trong những luồng triết học sinh hoa trái nhất và rõ ràng nhất, đặc biệt trong việc hiểu biết bản thân nội tại của con người. Nơi Edith Stein cũng như nơi Đức Gioan Phaolô II sau đó, khoa hiện tượng học này được liên kết với truyền thống Kitô Giáo. Và đó là vấn đề rất quan trọng.
Chúng ta không được quên rằng việc khám phá ra luồng triết lý này đã giải thoát ngài khỏi những thành kiến và đặt ngài vào một vị thế lắng nghe chân lý. Đó là bước đầu tiên trên đường trở lại của ngài.
Đó là một thứ triết học và nhân loại học cần cho chúng ta hôm nay đây: loại khoa học này hướng về sự thật, khám phá ra bản thân nội tại của con người, và liên kết với đức tin Kitô Giáo. Nó cũng là một thứ triết học chúng ta cần đến nơi các phân khoa của chúng ta.
Vấn: Đâu là những đóng góp của Karol Wojtyla vào khoa nhân loại học Kitô Giáo này?
Đáp: Vẫn khó lòng trong việc phán quyết về tầm ảnh hưởng của Karol Wojtyla đối với thần học Công Giáo, vì chúng ta thiếu phối cảnh. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu về ngài nhiều năm, tôi cảm thấy rằng ảnh hưởng của ngài thật là vĩ đại, nhất là nơi nền tảng về nhân loại học của nền luân lý, như giáo huấn về tính dục, về tình yêu phối ngẫu, về việc truyền sinh cũng như về phẩm vị của sự sống con người.
Tôi tin rằng người ta phải thành thực mà nói là ngài đã cải tiến một cách đặc biệt giáo huấn về thần học nơi tất cả mọi vấn đề. Điều ấy được phản ảnh rõ ràng nơi cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Có vấn đề trước và có vấn đề sau cuốn giáo lý này.
Vấn: Tại sao khoa nhân loại học Kitô Giáo là một trong những vấn đề mạnh mẽ của việc truyền bá phúc âm hóa?
Đáp: Vì nó khám phá ra cách thức con người là cùng với những ước vọng sâu xa nhất của họ. Tâm điểm của việc truyền bá phúc âm hóa Kitô giáo là Thiên Chúa, ở chỗ dẫn con người tân tiến đến chỗ khám phá ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì Ngài là Cha của chúng ta. Đó là tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô.
Thế nhưng, con đường này trở thành dễ dàng hơn khi một người khám phá ra mình là gì và những ước vọng sâu xa nhất của họ qui hướng về Thiên Chúa. Giáo Hội có một kiến thức khôn ngoan về con người, có một nền nhân bản Kitô Giáo, một kho tàng về văn hóa thuộc đệ nhất đẳng, vì kho tàng văn hóa này làm cho đời sống có ý nghĩa, nó dẫn con người đến chỗ sống hợp với nhân phẩm, và làm cho con người cảm thấy hạnh phúc. Nó là một thứ ánh sáng lạ lùng trên thế gian này.
Có nhiều người đương thời của chúng ta đây, khi họ nghĩ về mình, họ nghĩ rằng họ là thành quả mù quáng của những tác lực về thể chất, một thứ nguyên sinh động vật biến chuyển theo may rủi. Chúng ta biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta có một Người Cha yêu thương chúng ta, chúng ta là anh em với nhau và định mệnh của tình yêu là những gì chúng ta có thể đã sống đang đợi chờ chúng ta.
Chúng ta hiểu được cái ý nghĩa của lý trí và tự do, của yêu thương và gia đình. Đó là vẻ đẹp. Còn những cái khác đều là tăm tối và đê tiện. Dostoyevsky đã nói về điều này rằng: “Chỉ có vẻ đẹp mới cứu thế giới”.
Vấn: Phải chăng khoa nhân loại học Kitô Giáo là nền tảng vững chắc cho các thứ quyền làm người, như ĐTGM Fernando Sebastian ở Pamplona đã nói đến trong lời giới thiệu cho tác phẩm của ông?
Đáp: Thậm chí tôi có thể nói rằng khoa nhân loại học Kitô Giáo về lịch sử là nguồn mạch cho các thứ quyền làm người, vì những ai góp phần vào việc hình thành giáo huấn này, mặc dù trong một số trường hợp họ đã đánh mất đức tin, họ đã nắm được cái yếu tố chính yếu về văn hóa Kitô Giáo rồi vậy.
Họ tin rằng rằng con người chúng ta là thành phần tự do và hữu trách đối với các hành động của mình; rằng chúng ta bình đẳng với nhau; rằng chúng ta là những ngôi vị; và chúng ta có một phẩm giá bất khả xúc phạm. Tất cả những điều này đều phát xuất từ đức tin Kitô Giáo.
Nếu có ai nghĩ rằng con người là thành quả mù quáng của việc tiến hóa về vật chất, một thứ nguyên sinh chất được tiến hóa theo cơ may, như tôi đã nói đến trước đây, thì họ không đạt được thành quả ấy. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta là thành phần tự do và hữu trách. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta đều bình đẳng với nhau. Họ không thể suy diễn rằng chúng ta là những con người hay chúng ta có một phẩm giá bất khả xúc phạm.
Thật vậy, chủ nghĩa duy vật về khoa học đang hủy hoại đi nền văn hóa về pháp lý và luân lý của tính cách tân tiến. Nơi những vấn đề thuộc khoa đạo lý sinh học, chúng ta đang ở vào lúc cao điểm của cuộc tấn công sự sống con người.
Những phôi bào đang được chế tạo ra cho việc sử dụng trị liệu, vì phôi bào vốn là một con người được nghĩ rằng chỉ là một chùm tế bào chẳng có phẩm giá gì, giống như bất cứ một thứ văn hóa về tế bào nào vậy thôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Zenit ngày 9/11/2004