Vấn đề triệt sinh an tử

theo quan điểm luân lý nơi giáo huấn Giáo Hội Công Giáo

 

 

 

Theo nguyên tắc luân lý phổ quát và lý lẽ tự nhiên thì không ai tự mình mà có, do đó cũng không ai có toàn quyền tuyệt đối trên sự sống của chính mình hay của bất cứ một ai. Đó là lý do chính yếu cho Giáo Hội Công Giáo chủ trương cổ võ văn hóa sự sống và chống lại văn hóa sự chết.

 

Giáo Hội Công Giáo chủ trương tôn trọng sự sống của con người ngay từ lúc nó được thụ thai cho tới khi tự nhiên qua đời; bởi đó, Giáo Hội Công Giáo đều cực lực lên án và cương quyết chống đối tất cả những gì phạm đến sự sống, như ngừa thai nhân tạo, triệt sản, phá thai, diệt sinh an tử và tuyên án tử hình v.v.

 

Riêng về vấn đề diệt sinh an tử, Giáo Hội Công Giáo chủ trương 3 điều sau đây:

 

Thứ nhất, thành phần bệnh nhân ở trong tình trạng vốn được một số chuyên viên y khoa gọi một cách mỉa mai và khinh thường là tình trạng thực vật, tức ở trong tình trạng không còn ý thức như con người hay cảm xúc như con vật mà chỉ sinh động và tồn tại một cách vô tri vô cảm như loài cỏ cây, thì họ vẫn còn là người, nên vẫn phải tôn trọng họ như thường, giống như một mầm thai chưa thành hình người và chưa biết cựa quậy cũng cần phải tôn trọng vì nó đã là người rồi vậy.

 

Thứ hai, theo Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, ở đoạn 65c, thì được phép sử dụng các loại thuốc giảm đau cho dù loại thuốc này có gây ra hậu quả tai hại cho chính sự sống của con người, nhưng với mục đích duy nhất là để giảm đau khi cần thiết mà thôi, chứ không phải với mục đích dùng nó để làm cho bệnh nhân nguy tử chết sớm hơn.

 

Thứ ba, cũng theo Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, ở đoạn 65b, thì được tháo ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra, nếu những phương tiện này không còn đạt được mục đích của mình nữa, tức khi thân thể của người bệnh không còn tiếp nhận được các thứ dinh dưỡng và thủy dưỡng nữa, nói cách khác, nghĩa là thân xác người bệnh đã hoàn toàn chết rồi, cho dù có dùng dụng cụ để khiến cho tim còn đập một cách giả tạo.

 

Tất cả những chủ trương trên đây, nhất là chủ trương thứ nhất, chủ trương nống cốt nhất, đã được phản ảnh trong câu nói bất hủ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sau đây: “Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất sự sống của những người khác”.

 

Thật vậy, vào ngày Thứ Bảy 20/3/2004, tại Sảnh Đường Clementine, ĐTC đã tiếp 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”, do Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo (FIAMC: World Federation of Catholic Medical Associations) và Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống tổ chức tại Augustinianum Patristic Institute ở Rôma từ Thứ Tư 17 đến hết Thứ Bảy 20/3/2004. Cuộc hội nghị quốc tế này diễn tiến với sự tham dự của 40 ký giả khoa học và 370 vị khác đến từ 49 quốc gia, kể cả từ Saudi Arabia, Israel và Kazakhstan. Có 40 bài nói chuyện của các chuyên viên khoa học và 30 bản tường trình.

 

Trong bài huấn từ của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định “Giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất sự sống của những người khác”. Ngoài ra, cũng trong bài huấn từ này, ngài còn nói rõ những vấn đề thiết yếu sau đây: 1) Thế nào là tình trạng thực vật? 2) Con người có thể ra khỏi trong tình trạng này hay chăng? 3) Phẩm chất sự sống của con người ở trong tình trạng này ra sao? 4) Bệnh nhân ở trong tình trạng này cần phải được đối sử như thế nào? 5) Có bao giờ được rút ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra hay chăng? Thế nào là việc triệt sinh an tử? 6) Tại sao người ta muốn diệt sinh an tử bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật? 7) Việc triệt sinh an tử có thật sự là một việc làm của lòng xót thương hay chăng? 8) Giáo huấn về vấn đề triệt sinh an tử nơi vụ của Terry Schiavo ở Florida Hoa Kỳ ra sao? 9) Giáo huấn về vấn đề triệt sinh an tử có tác dụng ra sao nơi ngành y khoa?

 

1.      Thế nào là tình trạng thực vật?

 

Ở đoạn 2 của bài huấn từ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác định bệnh nhân sống trong tình trạng thực vật như thế này:

 

“Thật vậy, con người ở trong trạng thái thực vật không tỏ ra cho thấy dấu hiệu nào về việc họ nhận thức được bản thân của họ hay những gì xẩy ra chung quanh họ, và dường như không thể nào giao tiếp với người khác hoặc phản ứng trước những kích thích đặc biệt….

 

“Chữ trạng thái thực vật thường trực là chữ đặc biệt được gán ghép để ám chỉ tình trạng của những bệnh nhân tiếp tục sống trong ‘trạng thái thực vật’ hơn cả năm trời. Thật ra không có vấn đề định bệnh nào tương hợp với một định nghĩa như vậy cả, mà chỉ là một phán đoán tiên liệu theo chiều hướng chung liên quan đến sự kiện là, theo thống kê, việc bệnh nhân được hồi phục càng trở nên khó khăn hơn nữa nếu đã ở vào trạng thái thực vật quá lâu như thế. …”

 

2.      Con người có thể ra khỏi trong tình trạng này hay chăng?

 

Cũng ở cùng đoạn 2 của bài huấn từ, Đức Thánh Cha đã cảnh giác về vấn đề định bệnh sai lầm, vì có trường hợp bệnh nhân đã được phục hồi nhờ được chữa trị thích đáng:

 

“… Các khoa học gia và các nhà nghiên cứu đều nhận thức rằng, trước hết, người ta cần phải tiến đến chỗ định bệnh xác đáng là việc thường đòi phải quan sát lâu dài và cẩn thận ở những trung tâm chuyên môn, vì tường trình đã cho thấy xẩy ra nhiều vụ định bệnh sai lầm. Hơn nữa, không phải là ít người ở trong trạng thái thực vật này, nhờ việc chữa trị thích đáng cũng như những chương trình phục hồi chuyên môn, đã có thể ra khỏi trạng thái thực vật này. Trái lại, bất hạnh thay, nhiều người khác vẫn bị giam nhốt trong trạng thái này qua một thời gian lâu dài mà không được hỗ trợ cần thiết về kỹ thuật gì cả.

 

“… Tuy nhiên, chúng ta không được lãng quên hay coi thường có những trường hợp được ghi nhận rõ ràng là ít ra vẫn có thể hồi phục một phần nào thậm chí sau cả nhiều năm; nên chúng ta có thể nói rằng khoa y học, cho tới nay, vẫn chưa thể tiên đoán được chắc chắn trong số bệnh nhân ở trạng thái thực vật này sẽ hồi phục hay không thể hồi phục”.

 

Thật vậy, ở Ý đã xẩy ra một trường hợp là một bệnh nhân tỉnh giấc sau hai năm trời bị hôn mê. Bệnh nhân này tên là Salvatore Crisafulli, 38 tuổi, ở Catania, Sicily, bị hôn mê sau một tai nạn xe cộ ngày 11/9/2003, và đã được chăm sóc bởi người anh em của mình là Pietro. Người anh em của nạn nhân cũng yêu cầu và nhận được sự giúp đỡ của vị bộ trưởng sức khỏe là Francesco Storace. Nạn nhân đã tỉnh giấc vào mùa hè năm 2005. Giờ đây anh ta nói chuyện và nói rằng trong khi anh ta ở trong tình trạng hôn mê, anh ta đã trông thấy và nghe thấy hết mọi sự.

 

3.      Phẩm chất sự sống của con người ở trong tình trạng này ra sao?

 

Ở đoạn thứ 3 của bài huấn từ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bác bỏ việc sử dụng từ ngữ “tình trạng thực vật”,  và khẳng định là dù ở trong trạng thái nào đi nữa con người vẫn không bị mất đi nhân phẩm bẩm sinh của mình, như ngài nói thế này:

 

“Đối diện với những bệnh nhân ở cùng một tình trạng bệnh lý ấy, có một số người đặt vấn đề về việc liên tục của chính ‘phẩm chất con người’, hầu như thể tĩnh từ ‘thực vật tính’ (hiện nay được sử dụng quen thuộc) là những gì tiêu biểu cho một tình trạng bệnh lý, cũng có thể hay phải được áp dụng vào trường hợp của bệnh nhân như thế nữa, một áp dụng thực sự làm giảm giá trị của họ và phẩm giá con người họ. Về khía cạnh này cần phải lưu ý là từ ngữ này, cho dù có được giới hạn vào trường hợp bệnh lý, thực sự vẫn không phải là những gì thích đáng nhất để áp dụng vào con người.

 

“Ngược lại với những chiều hướng suy nghĩ như thế, Tôi cảm thấy có nhiệm vụ cần phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ là giá trị tự tại và phẩm giá cá thể của hết mọi con người không thay đổi, bất kể hoàn cảnh đặc biệt nào xẩy ra trong đời sống của họ. Con người, cho dù có bị bệnh nạn trầm trọng đến đâu và có bị hư hoại khả năng thi hành những phần hành cao nhất của họ, vẫn là và luôn là những con người chứ không bao giờ lại là ‘loài thực vật’ hay ‘thú vật’. Anh chị em của chúng ta ở trong trường hợp bệnh lý của ‘trạng thái thực vật’ vẫn còn nguyên phẩm giá của họ. Ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa là Cha vẫn tiếp tục nhìn đến họ, nhìn nhận họ là con cái nam nữ của Ngài, nhất là khi họ cần giúp đỡ”.

 

4.      Bệnh nhân ở trong tình trạng này cần phải được đối sử như thế nào?

 

Chính vì con người vẫn còn nguyên phẩm giá của mình dù ở trong trạng thái thực vật như khoa học nhận định như thế mà sự sống của họ cần được tận tình chăm sóc và cứu vớt bao nhiêu có thể. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh như thế trong đoạn 4 của bài huấn từ của ngài. Ngài nói:

 

“Thành phần bệnh nhân trong trạng thái thực vật, đang đợi chờ được phục hồi hay được tự nhiên qua đi, có quyền được chăm sóc căn bản về sức khỏe (dinh dưỡng, thủy dưỡng, vệ sinh, độ ấm v.v.), cũng như có quyền được ngăn ngừa khỏi bị những biến chứng liên quan đến việc họ nằm liệt giường. Họ cũng có quyền được chăm sóc thích hợp về phục hồi cũng như được theo dõi về những dấu hiệu bệnh lý cho thấy tình trạng từ từ hồi phục.

 

“Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức điều hành việc cho ăn uống, ngay cả trong trường hợp bằng nhân tạo, cũng là một phương tiện tự nhiên để bảo trì sự sống, chứ không phải là một hành động y khoa. Bởi thế, theo nguyên tắc, cần phải coi việc sử dụng phương tiện này là những gì bình thường và thích hợp, do đó buộc phải làm theo luân lý, cho tới chỗ và cho tới khi được coi là đạt được mục đích xứng hợp của nó, một mục đích mà, trong trường hợp này, bao gồm cả việc cung cấp dưỡng chất cho bệnh nhân và việc làm giảm bớt đớn đau cho họ.

“Trách nhiệm phải cung cấp ‘việc chăm sóc bình thường cho các bệnh nhân ở trong những trường hợp như vậy’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, “lure et Bona”, p. IV), thật sự bao gồm việc sử dụng cả dưỡng chất và thủy chất (x Hội Đồng Giáo Hoàng “Cor Unum”, “Dans le Cadre”, 2,4,4; Hội Đồng Giáo Hoàng Về Trợ Giúp Mục Vụ Cho Các Cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, Bản Hiến Chương Của Các cán Sự Chăm Sóc Sức Khỏe, 120).

 

5.      Có bao giờ được rút ống dinh dưỡng và thủy dưỡng ra hay chăng? Thế nào là việc triệt sinh an tử?

 

Cũng ở đoạn 4 trong bài huấn từ của mình, vì khẳng định phẩm giá của con người vẫn còn nguyên vẹn dù họ ở trong bất cứ trạng thái nào, và bởi thế họ vẫn cần phải được quyền tôn trọng sự sống của họ, ở chỗ, khi họ còn sống, còn hơi thở, người ta vẫn buộc phải cung cấp tất cả mọi phương tiện để bảo tồn sự sống của họ, không bao giờ được tự ý để cho họ bị chết đói. Ngài nói như sau:

 

“Việc thẩm định về những cơ hội, được căn cứ vào những nỗi hy vọng hồi phục yếu ớt khi trạng thái cỏ cây kéo dài hơn một năm trời, thì về đạo lý, cũng không thể trở thành cớ để biện minh cho việc loại bỏ hay chấm dứt việc chăm sóc căn bản cho bệnh nhân, bao gồm cả việc cung cấp dưỡng chất  và thủy chất. Cái chết vì bị bỏ đói hay thiếu chất nước thực sự chỉ là thành quả khả dĩ gây ra bởi việc không chịu cung cấp những chất ấy. Về khía cạnh này, nếu thực hiện một cách ý thức và cố tình, thì nó quả là một thứ triệt sinh an tử ở chỗ bỏ không chịu làm những gì cần phải làm.

 

“Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã viết trong Thông Điệp ‘Phúc Âm Sự Sống’, khi làm sáng tỏ vấn đề là ‘việc triệt sinh an tử theo đúng nghĩa và xác nghĩa cần phải hiểu là một việc làm hay việc bỏ không chịu làm mà tự bản chất của nó có ý định sát hại với mục đích để loại trừ đi tất cả mọi đớn đau’, một hành động như thế bao giờ cũng là ‘một vi phạm trầm trọng đến lề luật của Thiên Chúa, vì nó là một việc sát nhân cố ý bất khả chấp về luân lý’ (số 65). Ngoài ra còn có nguyên tắc luân lý hết sức tỏ tường nữa, đó là ngay cả khi còn hơi nghi ngờ rằng một con người còn đang sống, thì buộc phải hoàn toàn tôn trọng họ và không được thi hành bất cứ điều gì nhắm đến việc có thể làm cho họ bị chết đi”.

 

Ở đây chúng ta nên nhớ rằng, như các tín điều Thánh Mẫu được hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của ngài dùng quyền tối cao tuyên tín, (Đức Piô IX với Tín Điều Vô Nhiễm ngày 8/12/1854, và Đức Piô XII với Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu ngày 1/11/1950), ngài cũng đã mạnh mẽ chính thức sử dụng quyền bính tối cao của mình để tuyên tín luân điều của Giáo Hội về sự sống buộc phải tuân giữ, (một sự kiện tuyên tín về luân lý như thế chưa từng xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội), trực tiếp liên quan tới vấn đề cấm phá thai (Thông Điệp Evangelium Vitae, khoản 62), cũng như tới hành động không được triệt sinh an tử (cùng thông điệp này ở khoản 65). Tính cách long trọng được ngài tuyên phán về tín điều luân lý này như sau:

 

“Sau khi cẩn thận phân biệt như thế, hợp với Huấn Quyền của các vị tiền nhiệm, và hiệp thông với các vị giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi xác định rằng việc triệt sinh an tử là một việc trầm trọng vi phạm tới lề luật của Thiên Chúa, vì nó là việc cố tình sát hại bất khả chấp về luân lý một con người. Tín lý này được căn cứ vào luật tự nhiên cũng như vào lời Chúa, được truyền đạt bởi Thánh Truyền và được giảng dạy bởi Huấn Quyền thông thường và hoàn vũ”.

 

6.      Tại sao người ta muốn diệt sinh an tử bệnh nhân ở trong tình trạng thực vật?

 

Ngoài, ra, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn cho biết lý do tại sao con người ngày nay muốn thực hiện việc triệt sinh an tử, đó là vì con người tân tiến về khoa học và kỹ thuật ngày nay căn cứ vào phẩm chất của sự sống, tức là đã sống cho ra sống, bằng không chết quách đi cho rồi, một chủ trương theo chiều hướng của thuyết tiến hóa mạnh còn yếu mất, hay theo đường lối tranh đấu giai cấp của Cộng Sản. Ngài đã khẳng khái chống lại quan niệm vừa phò phẩm chất sự sống đi đến chỗ diệt chính sự sống của con người văn minh tân tiến thời nay, ở đoạn 5 và 6 trong bài huấn từ của mình như sau:

 

“Những cứu xét về ‘phẩm chất của sự sống’ là những gì thực sự thường bị chi phối bởi những áp lực về tâm lý, xã hội và kinh tế, không thể nào lấn át những nguyên tắc chung. Trước hết, không có một thẩm định nào về tốn phí có thể quan trọng hơn giá trị của sự thiện nồng cốt đang được chúng ta cố gắng bảo vệ, đó là giá trị sự sống con người.

 

“Tuy nhiên, như thế vẫn không đủ để tái khẳng định nguyên tắc chung là giá trị sự sống của một con người không thể nào lại tùy thuộc vào phán quyết về phẩm chất của những người khác; cần phải cổ võ những hoạt động tích cực để đối đầu với áp lực muốn ngưng việc thủy dưỡng và dinh dưỡng như cách thức để chấm dứt sự sống của những bệnh nhân này”.

 

Theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trên đây, vào ngày 4/10/2005, Tiểu Ban Đạo Đức Sinh Vật (NBC: National Bioethics Committee) đại đa số đã chấp thuận một văn kiện bày tỏ ‘một quyết định không đình chỉ việc dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo’ cho các bệnh nhân chỉ tự nhiên sinh động theo sự sống và tự động hít thở, cho dù họ không ý thức gì hết.

 

Nhận định về quyết định này của NBC, Đức Giám Mục Elio Sgreccia, chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện về Sự Sống, đã nhấn mạnh trên Đài Phát Thanh Vatican rằng ’bệnh nhân sống miên man trong tình trạng thực vật là người bệnh chưa chết. Họ chỉ cần được dinh dưỡng theo nhân tạo bằng không họ sẽ chết đói. Việc dinh dưỡng và thủy dưỡng không phải là một thứ trị liệu tàn ác …. Đây không phải là vấn đề trị liệu, nó là một việc hỗ trợ quan thiết cần phải được cung cấp như một phận vụ đối với bất cứ ai đang sống”.

 

7.      Việc triệt sinh an tử có thật sự là một việc làm của lòng xót thương hay chăng?

 

Trong Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống ở đoạn  66, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dứt khoát khẳng định là KHÔNG, như sau:

 

“Thậm chí cả khi không bị thôi thúc bởi việc chối từ theo lòng vị kỷ trong vấn đề mang vác gánh nặng cuộc sống của một con người đang bị khổ đau, thì việc triệt sinh an tử cũng được coi là một thứ thương hại giả tạo, mà thực sự là một thứ ‘xuyên tạc’ tác hại lòng xót thương. ‘Lòng trắc ẩn’ thực sự dẫn con người tới chỗ chia sẻ đớn đau với người khác; chứ không sát hại con người chịu đựng khổ đau chúng ta không thể chấp nhận.

 

“Việc quyết định thực hiện việc triệt sinh an tử lại càng trở nên trầm trọng hơn khi nó mặc hình thức của một cuộc sát nhân gây ra bởi người khác cho một con người không thể xin làm điều này hay không bao giờ tỏ ra đồng ý như thế. Cái tột đỉnh của những thứ độc đoán chuyên quyền và bất chính đạt tới là lúc có một số người, như các vị y sĩ hay lập pháp gia, yêu sách cho mình quyền quyết định cần phải sống chết một người nào đó”.

8) Giáo Huấn về vấn đề triệt sinh an tử nơi vụ của Terry Schiavo ở Florida Hoa Kỳ ra sao?

 

Căn cứ vào giáo huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong cả bài huấn từ của ngài liên quan tới các khía cạnh của trường hợp bệnh nhân sống trong trạng thái thực vật, lẫn Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, như những đoạn được trích dẫn trên đây, thì vụ Terry Schiavo ở Florida Hoa Kỳ, một nạn nhân đã qua đời hôm 1/4/2005, ngay trước ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời 2/4 cùng năm, có ít là bốn điều sai lầm:

 

Thứ nhất, đó là vấn đề không có bằng cớ chính xác và rõ ràng cho thấy nạn nhân đã ngỏ ý muốn chết, không muốn được dinh dưỡng và thủy dưỡng bằng ống;

 

Thứ hai, đó là vấn đề cho dù nạn nhân có muốn như thế đi nữa, nhưng chính nạn nhân không có toàn quyền trên sự sống của mình, do đó không ai được làm thỏa mãn ước nguyện bất chính và bất hợp pháp này;

 

Thứ ba, đó là vấn đề nạn nhân vẫn còn sống, tim còn đập, miệng còn thở, mắt còn chợp, chỉ bị cho là não bộ đã hoàn toàn hư hại không còn biết gì nữa, mà đã bị bỏ đói cho tới chết;

 

Thứ bốn, đó là vấn đề trong khi có thể cứu sống hay kéo dài sự sống của nạn nhân này, dù ở trong tình trạng hôn mê mắt mở như thế, cả một hệ thống quan tòa của một đệ nhất cường quốc trên thế giới vẫn cứ nhất định khăng khăng bác bỏ ý nguyện của cha mẹ nạn nhân, những người đã tình nguyện và nhất định tranh đấu để cứu sống con họ.

 

9) Giáo huấn về vấn đề triệt sinh an tử có tác dụng ra sao nơi ngành y khoa?

 

Bác sĩ Gian Luigi Gigli, chủ tịch Tổ Chức Liên Hiệp Thế Giới Các Hiệp Hội Y Khoa Công Giáo FIAMC (The World Federation of Catholic Medical Associations) cho biết trạng thái thực vật (vegetative state) là “một từ ngữ có nghĩa miệt thị xấu xa” mang ngụ ý là tình trạng thiếu hụt về nhân tính.

 

Vị bác sĩ chủ tịch này là tác giả viết chung với bác sĩ Nathan Zasler cuốn sách tựa đề “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống trong Tình Trạng Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Các Vấn Đề Nan Giải Về Đạo Lý”, cuốn sách được in lại thành một số đặc biệt của tờ Neurorehabilitation review, do Iospress xuất bản. Tác phẩm này là thành quả của một hội nghị về đề tài như thế.

 

Trong cuộc phỏng vấn của mạng điện toán toàn cầu Zenit, một bài phỏng vấn được Zenit phổ biến ngày 28/2/2005, khi được hỏi về huấn từ trên đây của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hôm 20/3/2004 ngỏ cùng 400 tham dự viên của Hội Nghị Thế Giới về chủ đề “Những Trị Liệu Bảo Trì Sự Sống và Trạng Thái Thực Vật: Các Tiến Bộ Về Khoa Học và Những Nan Giải Về Đạo Lý”, ông đã cho biết như sau:

 

Vấn:     Đức Gioan Phaolô II đã nói gì mới mẻ trong việc chữa trị thành phần bệnh nhân ở vào trạng thái thực vật qua bài huấn từ lịch sử của ngài hôm 20/3/2004 năm ngoái?

 

Đáp:    Đức Thánh Cha, như quí vị nói trong bài huấn từ “lịch sử” của ngài, đã nói lên những lời lẽ giúp làm sáng tỏ những thứ hiểu lầm nơi những người Công giáo, chẳng hạn tránh đừng ngưng việc thủy dưỡng và dinh dưỡng trong những trường hợp không được làm, như đã bất hạnh thay xẩy ra ở một số bệnh viện Công giáo Bắc Mỹ.

 

Bất kể sự kiện là đang có nhiều nỗ lực từ các luân lý gia cùng các tổ chức Công giáo phục vụ sức khỏe trong việc làm giảm thiểu mục tiêu nhắm tới của những lời được Đức Giáo Hoàng huấn dụ, sứ điệp của ngài là những gì rất rõ ràng. Đối với Đức Giáo Hoàng, phán quyết về phẩm chất sự sống cũng như về vấn đề tốn phí chăm sóc không thể thắng vượt được việc tôn trọng cần phải có đối với sự sống của bệnh nhân.

 

Việc thủy dưỡng và việc dinh dưỡng cần phải được coi là những phương tiện thông thường và cân xứng đối với mục tiêu chúng nhắm tới, đó là việc nuôi dưỡng bệnh nhân. Do đó, chúng là những gì buộc phải làm theo luân lý, cho dù chúng được thực hiện bằng ống.

 

Đối với Đức Giáo Hoàng thì sự kiện rất có thể bệnh nhân sẽ không lấy lại được nhận thức cũng không thể biện minh cho việc ngưng vấn đề chăm sóc căn bản bao gồm việc thủy dưỡng và dinh dưỡng. Bằng không sẽ xẩy ra việc triệt sinh an tử bởi bỏ không chăm sóc.

 

Ngoài ra, ĐGH đã kêu gọi gia tăng mức độ văn minh nơi các xã hội của chúng ta, việc hết sức cảm thông nâng đỡ gia đình của bệnh nhân trong trạng thái thực vật.

 

Theo những lời của Đức Giáo Hoàng, tôi tin rằng đối với một vị bác sĩ, một người y tá hay một tổ chức Công giáo về sức khỏe, thì việc dinh dưỡng và thủy dưỡng chỉ được phép ngưng, nếu chúng không còn đạt được công hiệu của chúng, hay chúng gây ra gánh nặng trầm trọng cho bệnh nhân, người tỏ ra chịu đựng chúng một cách đáng khen qua nhiều năm, hay cho các phần tử gia đình họ, những gì không được xẩy ra ở các xứ sở văn minh là nơi việc chăm sóc căn bản không phải là một thứ xa xỉ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL