Lời mở đầu:
 

Giáo Hội Trong Tuần là mục tin về Giáo Hội Trong Tuần, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua nhưng sinh hoạt này. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Trong Tuần này, như đa thông báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan khác, vừa nhanh hơn một chút. Báo chí hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net. Đa tạ quí vị.
 

___________________________________________

 

 

 15-21/9/2002

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng Chín
 

Ý Chung: Xin cho trẻ em và giới trẻ ở các trường Công Giáo, trong thời gian học hành, gặp được những nhà giáo dục vững mạnh và khôn ngoan để giúp họ phát triển về đức tin đạo giáo cũng như về những thái độ sống lành mạnh”.

Ý Truyền Giáo:
“Xin Chúa Thánh Thần, qua sự đóng góp của Giáo Hội cũng như của các Cộng Đồng giáo hội, giúp cho hai Chính Phủ của Quần Đảo Đại Hàn được tái nhận thức được những lý do sâu xa trong việc hòa giải với nhau”.

 

___________________________________________

 

21/9 Thứ Bảy


Quan Điểm của Tòa Thánh Vatican về Người Già

 

"Một xã hội đa thế hệ chân thực là một xã hội làm cho người già cảm thấy rằng họ hoàn toàn thuộc về nó, một xã hội bao giờ cũng bảo vệ phẩm vị của họ, một xã hội họ không cảm thấy lo âu sợ hãi, và là một xã hội tôn trọng việc đóng góp của họ và biết ơn sự khôn ngoan của họ".


Trong Hội Nghị Âu Châu Về Việc Phục Vụ Người Già, một hội nghị được Hội Đồng Kinh Tế Liên Hiệp Quốc Về Âu Châu bảo trở, được tổ chức ở Bá Linh từ ngày 11 đến 13/9/2002, ĐTGM Diarmuid Martin, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã ngỏ lời như sau:


“Ngày nay, việc sống lâu và tuổi già rất thường bị liệt kê vào các thứ nạn. Việc sống lâu thực ra là một tặng ân của Thiên Chúa, cần phải được hoan hưởng và lợi dụng một cách lợi lộc. Ở hấu hết các nơi trên thế giới, việc sống lâu có thể nói là đặc tính của thời đại chúng ta. Bởi thế, thành phần già có quyền được xã hội nhận ra tất cả những khả năng và tài năng họ có, cũng như có quyền chiếm được chỗ đứng thực sự của mình trong xã hội.


Về phần xã hội cùng với các cơ cấu của xã hội, kể cả tổ chức tư, cần phải mặc lấy một vai trò chặt chẽ hơn trong việc bảo đảm có được một kế hoạch đầy đủ nhờ đó con người, khi về già, nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục đóng những vai chính chủ động. Chúng ta chưa hoàn toàn cứu xét tầm quan trọng rộng lớn của những đổi thay về mức sinh tử sẽ phát xuất từ tình trạng tăng thêm tuổi thọ ở Âu Châu.


Chương trình hành động được Hội Nghị này phác họa nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải bảo tồn một hình ảnh tích cực hơn về người già. Chúng ta phải nhìn nhận xã hội của chúng ta như là những xã hội đa hệ, trong đó người già không phải là thành phần chầu rìa. Việc xã hội nhìn nhận này không được dính liền với nguyên vấn đề sản xuất về kỷ nghệ. Phẩm vị bất khả xúc phạm của mỗi một người già không lệ thuộc vào sự hữu dụng trông thấy của họ là người nam hay nữ.


Những đổi thay trong các kiểu mẫu gia đình ở nhiều quốc gia Âu Châu đã đẩy các người già đi đến chỗ bị cô lập. Tình trạng sa sút mức sinh sản một phần là vì chiều hướng cá nhân chủ nghĩa theo triết lý xã hội hiện nay, gây ra bởi những quyết định liên quan đến số lượng cũng như đến khoảng cách sinh con không để ý tới cho lắm vai trò của các gia đình hướng đến tương lai xã hội. Kiến thức theo cá nhân chủ nghĩa tương tự về con người có thể làm suy giảm khả năng của gia đình trong việc thi hành vai trò của nó nơi tình đoàn kết giữa các thế hệ.


Thật là khó khăn trong việc thiết lập mức quân bình thực sự khi chú trọng đến quyền cá nhân tiến tới tình trạng viên trọn con người với trách nhiệm phải sống đoàn kết. Tuy nhiên, tình đoàn kết bao giờ cũng phải trả cái giá của nó. Qui chế xã hội phải được thiết lập làm sao để tình đoàn kết liên thế hệ – một giá trị căn bản của xã hội loài người – không thể thực hiện chỉ vì phải trả một giá quá cao. Trong trường hợp những liên hội công/tư đa cấp cần bảo trì những ngân qũi hưu trí thì phải có đầy đủ những thứ an toàn để bảo đảm những quyền lợi căn bản và nhu cầu của người già đối với mức thăng trầm của thị trường.


Dĩ nhiên thành phần những người già có những nhu cầu đặc biệt liên quan đến nhà cửa và môi trường sinh sống thích ứng với những điều kiện khác nhau của họ. Lúc nào cũng chú ý và nâng đỡ thành phần này về nơi họ muốn sống, nếu có thể, gần với môi trường mà họ sẽ sống hầu hết cuộc đời của họ và nhất là gần gũi với gia đình của họ.


Sự kiện tràn lan và phát triển tuổi thọ đòi hỏi chẳng những các thứ thay đổi trong xã hội của chúng ta mà còn nơi những chọn lựa của con người nữa. Nhiều vấn đề trục trặc người già gặp phải thực sự là những chọn lựa lối sống không đúng trong cuộc sống trước đó, dính dáng đến vấn đề kiêng cữ và dinh dưỡng bất quân bình, thiếu vận động thể dục cũng như thiếu phương tiện về những biện pháp ngăn ngừa sức khỏe tối thiểu.


Để bảo đảm rằng thành phần người già có thể tiếp tục sống tự động và chủ động trong một thời gian dài lâu nhất có thể, cần phải chú trọng tới vấn đề các cơ cấu giáo dục, như Đại Học cho người già, cũng như các nhóm cận nhân cùng với những hiệp hội khác, những cơ cấu có thể cung ứng những hứng khởi về tri thức cũng như biết được những nhu cầu tinh thần của người già.


Một xã hội đa thế hệ chân thực là một xã hội làm cho người già cảm thấy rằng họ hoàn toàn thuộc về nó, một xã hội bao giờ cũng bảo vệ phẩm vị của họ, một xã hội họ không cảm thấy lo âu sợ hãi, và là một xã hội tôn trọng việc đóng góp của họ và biết ơn sự khôn ngoan của họ.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch từ tài liệu Anh ngữ của Holy See Mission được Màn Điện Toán Zenit phổ biến ngày 20/9/2002)

 

20/9 Thứ Sáu


Bài Giảng của ĐTC trong Thánh Lễ An Táng ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

 

"Bí mật của ĐHY là chính niềm tin tưởng bất khuất của mình nơi Thiên Chúa, một niềm tin tưởng được nuôi dưỡng bằng lời nguyện cầu và chịu khổ vì yêu."


Thánh Lễ An Táng ĐHY Thuận được cử hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 6 giờ 30 chiều hôm nay, tức 9 giờ 30 sáng hôm nay tại California. ĐTC đã đi từ nhà nghỉ mát của Ngài ở Castel Gandolfo về chủ tế Thánh Lễ này. Trong bài giảng, ĐTC đã nói: “ĐHY Thuận đã đặt trọn đời mình ở dấu hiệu của niềm hy vọng”. Thật vậy, ĐTC đã nhắc lại là ĐTGM Nguyễn Văn Thuận bấy giờ, vào Tháng Ba Năm 2000, bắt đầu những bài giảng tuần phòng cho Tòa Thánh Vatican bằng lời mời gọi hy vọng. ĐTC nhận định rằng, ở trong “tù, ĐHY đã hiểu được rằng nền tảng của đời sống Kitô giáo là ‘chọn một mình Thiên Chúa’, như các vị tử đạo Việt Nam đã thực hiện vào thế kỷ trước đó. Các vị tử đạo đã dạy chúng ta hãy thưa ‘vâng’: một tiếng ‘xin vâng’ vô điều kiện hay vô giới hạn trong việc mến yêu Chúa; thế nhưng cũng là một tiếng ‘không’ dứt khoát với hư ảo, với trung lập, với bất chính – có lẽ được biện minh bằng mục đích để cứu lấy sự sống của mình. Bí mật của ĐHY là chính niềm tin tưởng bất khuất của mình nơi Thiên Chúa, một niềm tin tưởng được nuôi dưỡng bằng lời nguyện cầu và chịu khổ vì yêu. ĐHY cử hành Thánh Lễ hằng ngày trong tù với 3 giọt rượu và 1 giọt nước trong lòng bàn tay của mình. Đó là bàn thờ, là vương cung thánh đường của ngài. Mình Chúa Kitô là ‘linh dược’ của ngài’… Trung thành cho đến cùng, ngài đã giữ được bình tâm và niềm vui ngay cả trong thời gian dài dẳng và đớn đau trong bệnh viện. Vào những ngày cuối cùng, khi không còn nói được nữa, ngài đã nhìn thẳng lên cây thập giá trước mắt. Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi mà cuộc hy tế cùng tận của ngài lên đến tuyệt đỉnh, tôn vinh cuộc đời được đánh dấu bằng việc hào hùng nên giống Chúa Kitô trên thập giá”.


ĐTC gặp gỡ Các Đan Viện Phụ và Đan Viện Mẫu Dòng Khổ Tu Trappist

 

“Ngay từ đầu các đan sĩ Cistercians đã được nổi tiếng bằng một thứ ‘đam mê thần bí’, chứng tỏ cho thấy cách họ đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa bằng một đời sống khổ hạnh mang lại niềm vui khôn tả của một hội ngộ phu thê với Ngài trong Chúa Kitô. Linh đạo cao quí này vẫn giữ được tất cả giá trị chứng từ của nó trong môi trường văn hóa hiện nay, một môi trường mà tất cả thường bùng lên ước muốn thèm thuồng những sự thiện giả tạo và những thiên đường nhân tạo”


Nhắn nhủ 220 vị đan viện phụ mẫu của Dòng Trappist Ngành Ngặt đang họp Công Đồng ở Rôma từ ngày 4 đến 24/9/2002. ĐTC đã nhắc lại là “ngay từ đầu các đan sĩ Cistercians đã được nổi tiếng bằng một thứ ‘đam mê thần bí’, chứng tỏ cho thấy cách họ đang thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa bằng một đời sống khổ hạnh mang lại niềm vui khôn tả của một hội ngộ phu thê với Ngài trong Chúa Kitô. Linh đạo cao quí này vẫn giữ được tất cả giá trị chứng từ của nó trong môi trường văn hóa hiện nay, một môi trường mà tất cả thường bùng lên ước muốn thèm thuồng những sự thiện giả tạo và những thiên đường nhân tạo”. Đó là lý do ĐTC đã kêu gọi thành phần tu sĩ này “hãy làm chứng cho lý tưởng nên thánh cao cả, một lý tưởng được tóm gọn ở lòng mến yêu Thiên Chúa vô vị lợi, được thể hiện ở tình yêu ôm ấp toàn thể nhân loại trong cuộc sống thần bí nguyện cầu”.


ĐTC Gioan Phaolô II cũng đặc biệt nhớ đến 7 đan sĩ Trappist ở Notre Dame d’Atlas bị giết năm 1996 bởi những nhóm Hồi Giáo. Ngài nói rằng máu của các vị tử đạo đổ ra “sẽ là mầm mống sinh nhiều ơn gọi thánh thiện cho các đan viện của anh chị em ở Âu Châu, nơi mà các cộng đồng nam đan sĩ và nữ đan sĩ trở nên già đời trông thấy, cũng như ở các phần khác của thế giới là nơi cũng xẩy ra tình trạng khẩn trương trong việc bảo đảm việc huấn luyện các người muốn theo đuổi đời sống Cistercian”. ĐTC nói đến việc phát triển của hội dòng, “nhất là ở Cận Đông”, nơi các đan sĩ “tiếp xúc với các truyền thống tôn giáo khác nhau… Cần phải dấn thân vào một cuộc trao đổi khéo léo và khôn ngoan để ánh sáng chuyên nhất của Chúa Kitô được chiếu giãi ở tất cả mọi nơi theo chiều hướng đa văn hóa. Chúa Giêsu là mặt trời quang sáng mà Giáo Hội phải trung thành phản chiếu”.


Số đan viện của gia đình hội dòng này đã tăng gấp đôi trong vòng 6 thập niên qua, từ 82 vào năm 1940 đến 127 vào năm 1990, tới 169 vào đầu thế kỷ mới này. Vào thập niên năm 1940, chỉ có một đan viện ở Phi Châu và không có đan viện nào ở Mỹ Châu Latinh. Hiện nay có 17 ở Phi Châu và 13 ở Mỹ Châu Latinh. Ở Á Châu và Thái Bình Dương Châu có 6 đan viện nay lên tới 23. Cũng trong khoảng thời gian này, số đan sĩ nam và đan sĩ nữ đã giảm xuống 15%, với tổng số 2500 nam và 1800 nữ. Trung bình mỗi đan viện là 25 vị, ít hơn một nửa số trong các thời gian trước đây.


Thánh Bộ Các Giám Mục qui tụ 120 Vị Tân Giám Mục 10 Ngày để Cầu Nguyện và Chia Sẻ


Cuộc họp này được diễn tiến từ ngày 15-24/9/2002 ở Regina Apostolorum Pontifical Athenaeum, trung tâm đại học của Dòng Đạo Binh Chúa KitôRôma với 120 vị Giám Mục từ 33 quốc gia qui tụ về. Số đông các vị đến từ Ba Tây 16, Ý 11, Peru 10, Mỹ 9, Phi Luật Tân 8, Canada 7, Ukraine 7, Pháp 6, Úc Châu 5 và Chí Lợi 4. Trong số các thuyết trình viên có ĐHY Joseph Ratzinger, bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, với đề tài “Giám Mục: Thày Dạy và Bảo Viên Đức Tin”. ĐHY Christoph Schunborn, TGM Vienna, với đề tài “Giám Mục: Một Con Người của Cầu Nguyện và của Đời Sống Thiêng Liêng”. ĐHY Fransesco Pompedda, Bộ Trưởng the Apostolic Signature, Tối Cao Pháp Viện của Giáo Hội, bàn đến vấn đề “Các Tòa Án Giáo Hội và Tiến Trình Hủy Hôn Bí Tích Hôn Phối”. ĐHY Alfonso Lĩpez Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình, với đề tài “Việc Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình” nơi thừa tác vụ giám mục. ĐHY Cormac Murphy-O’Connor, TGM Westminster, bàn đến vấn đề hằng ngày trong “việc quản trị giáo phận” cũng như “những vấn đề pháp lý, tổ chức tòa giám mục và các cuộc viếng thăm mục vụ”. TGM Peter Smith ở Cardiff, Wales, nói về các vị linh mục, nhất là những vị gặp trục trặc bề tâm lý và luân lý. ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo chia sẻ về đề tài đại kết. ĐHY Zenon Grocholewski, Bộ Trưởng Thánh Bộ Về Việc Giáo Dục Kitô Giáo, cắt nghĩa về vai trò của giám mục trong việc nuôi dưỡng ơn gọi và trông coi các chủng viện. Chúa Nhật tuần tới, ĐHY Giobanni Battista Re, Bộ Trưởng Thánh Bộ Về Giám Mục sẽ chủ tế Thánh Lễ Đồng Tế với các Giám Mục ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Thứ hai sau đó, ĐTC Gioan Phaolô II sẽ tiếp riêng các vị tại nhà nghỉ mát của Ngài ở Castel Gandolfo.

 

19/9 Thứ Năm


Tòa Thánh Vatican mời các vị lãnh sự thuộc Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu họp về tình hình Iraq và Nga, về bản Hiến Pháp Âu Châu và về Việc Phát Triển Khả Thủ.


Hôm Thứ Hai 16/9/2002 vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã mời 55 vị lãnh sự đang làm việc với Tòa Thánh đến tham dự buổi họp đặc biệt, trong đó có cả hai lãnh sự Nga và Hoa Kỳ. Theo tờ nhật báo Il Corriere della Sera, ĐTGM Tauran, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, đã gợi ba ý tưởng căn bản trước vấn đề sử dụng võ lực chống lại Iraq. Đó là, thứ nhất, một chiến tranh ngăn ngừa không phải là “phương tiện thích hợp” để loại trừ mối đe đọa do quân lực Iraq gây ra cũng như để có được một thứ hòa bình thực sự “chín mùi”; thứ hai, nếu sau đó tiến đến chỗ “việc sử dụng đến võ lực” thì cần phải được quyết định trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc; và thứ ba, một quyết định như vậy phải chú trọng đến những hậu quả của nó gây ra cho thành phần dân sự.


ĐTGM Tauran cũng nêu lên mối quan tâm của ĐTC trong việc tôn giáo là yếu tố hình thành lục địa Âu Châu đang bị loại trừ không cho vào bản hiến pháp Âu Châu, như Ngài đã lên tiếng trước phái đoàn ngoại giao với Tòa Thánh ngày 10/1/2002, cũng như nhiều lần với các vị lãnh sự Âu Châu trong tháng Chín này. Vấn đề Nga trục xuất những vị giáo sĩ thừa sai ngoại quốc cũng được ĐTGM bộ trưởng ngoại giao nêu lên, một vấn đề càng ngày càng trở nên trầm trọng, đã được vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cho là “một cuộc bắt đạo thực sự”. Sau hết, về thành quả của Thượng Hội Thế Giới Về Phát Triển mới đây ở Nam Phi, ĐTGM cho biết Tòa Thánh hài lòng về “quyết tâm” của Thượng Hội này, song vẫn phàn nàn là vấn đề con người chưa được đặt làm tâm điểm của việc phát triển theo nh74ng nguyên tắc căn bản, dù Thượng Hội này không chấp nhận đề nghị của một số vị đại biểu muốn đưa việc phá thai vào toàn khối của bản dự án thực hiện.


Cuộc họp đặc biệt với các vị lãnh sự theo vùng như lần này cũng đã được thực hiện vào tháng 3 năm 1999, khi ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano gặp gỡ các vị đại diện thuộc khối NATO và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để bàn về cuộc khủng hoảng ở Balkan.


Balan chống lại việc trục xuất các linh mục Công Giáo ở Nga


Theo nguồn tin Agence France-Presse 19/9/2002, Thủ Tướng Balan là ông Wlodzimierz Cimoszewicz than phiền việc Nga gần đây trục xuất một vị giám mục và hai vị linh mục Balan ra khỏi Nga. “Chúng tôi hết sức phiền muộn về biến cố này, nhất là vì thẩm quyền Nga không giải thích lý do quyết định thực hiện việc này”. Vị thủ tướng này cho biết chính quyền của ông đã chuyển “phản ứng nghiêm trọng” này của nước ông cho vị lãnh sự Nga ở Warsaw để hỏi xem lý do tại sao. Chúng ta hãy chờ đợi xem Nga đáp lại ra sao. Đối với Tòa Thánh Rôma Bộ Ngoại Giao Nga còn không chịu giải thích gì thì không biết trường hợp của Balan ra sao?
 

18/9 Thứ Tư


Bài Giáo Lý 50 về Thánh Vịnh, Thánh Vịnh 95 (96): Hãy Tôn Thờ và Chúc Tụng Vua Vũ Trụ
 

Anh chị em thân mến,


Nhiều bài Thánh Vịnh nói về sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng bảo trì vũ trụ và quản trị lịch sử loài người chúng ta. Bài Thánh Vịnh 95 mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa được cử hành trong một phụng vụ uy nghi của Đền Thờ trên Núi Sion. Ở đó, một thứ dân nhỏ bé và bị đàn áp đã bày tỏ tất cả niềm cậy trông của mình nơi Vị Thiên Chúa chân thật, cho thấy rằng những vị thần linh của các dân ngoại đều chẳng là gì.


Thế nhưng, chính tất cả vũ trụ mới là những gì tỏ hiện sự cao cả của Thiên Chúa: “biển khơi và tất cả những gì trong đó…. Đất đai và tất cả những gì nó chất chứa” đều cất tiếng hát khen chúc tụng Đấng Hóa Công.
Bởi thế, bài Thánh Vịnh này là một lời mời gọi chúng ta hãy biến lời cầu nguyện cá nhân cũng như phụng vụ thành một bài hát tôn thờ hoan hỉ, ca tụng và chúc phúc cho Đức Vua của chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng hiển trị từ trên Cây Thập Giá.
(xin xem toàn bài vào cuối tuần này ở trang Giáo Lý Hằng Tuần)


Kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần này, ĐTC đã lên tiếng kêu gọi hòa bình như sau:


“Trong mấy ngày vừa qua, sau những cơn gió chiến tranh đe dọa đảo lộn toàn miền Trung Đông, Tôi lại nhận được tin tức về việc nước Iraq có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế một lần nữa. Tôi tha thiết xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện để Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo các quốc gia biết hướng về và bảo trì những thái độ thiện tâm, cũng như biết dẫn nhân loại đã chịu đựng quá nhiều sự dữ đến một cuộc chúng sống phi chiến tranh và bạo lực”.


Bức Thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gửi Tổng Thống Mỹ về Trận Đánh Araq.


Thư gửi Tổng Thống Bush về Iraq
Giám Mục Wilton D. Gregory
Ngày 13/9/2002

Ngài George W. Bush
Tòa Bạch Ốc
Washington, D.C. 20500

Tổng Thống quí mến:

Vào cuộc họp của mình tuần vừa rồi, Ủy Ban Quản Trị của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ gồm có 60 thành viên đã xin tôi viết một lá thư để gửi đến tổng thống về tình hình ở Iraq. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của tổng thống về việc lôi kéo thế giới chú trọng tới nhu cầu cần phải nói lên vấn đề Nước Iraq đàn áp và theo đuổi thực hiện những loại vũ khí có sức tán sát từng loạt bất tuân lệnh của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Cuộc họp của Ủy Ban Quản Trị của chúng tôi diễn ra trước bài diễn văn Tổng Thống đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, thế nhưng tôi nghĩ rằng tôi cần phải bày tỏ những vấn đề chúng tôi coi là hệ trọng liên quan đến tính cách hợp pháp về luân lý trong việc đơn phương ra tay sử dụng lực lượng quân sự trước để lật đổ chính quyền nước Iraq.

.....

Chúng tôi kính cẩn tha thiết xin tổng thống hãy lùi bước trước bờ vực chiến tranh và hãy giúp vào việc dẫn thế giới cùng nhau tác hành trong việc thực hiện một đáp ứng toàn cầu có tác hiệu đối với những đe dọa ở Iraq, một đáp ứng hợp với phạm vị luân lý truyền thống trong việc sử dụng lực lượng quân sự.

Chân thành,

Đức Cha Wilton D. Gregory,
Giám Mục Giáo Phận Belleville,
Chủ Tịch.

 

(xin xem toàn bài vào cuối tuần này ở trang Thời Sự của Mục Hội Ngộ Tâm Linh)

 

 

17/9 Thứ Ba


ĐTC Gioan Phaolô II đã gửi 3 điện tín phân ưu  ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận qua đời

 

“Giáo Hội nhận thấy nơi người con của bà một chứng nhân trung thành và can đảm của Phúc Âm, một con người vì yêu mến Chúa Kitô và Trinh Nữ Maria đã trung thành giữa cuộc thử thách”


Nghe tin ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận vừa qua đời, ĐTC đã gửi ba bức điện tín. Một điện tín để phân ưu cùng bà cố Ngô Đình Thị Hiệp hiện đang ở Rôma, Ngài viết: “Giáo Hội nhận thấy nơi người con của bà một chứng nhân trung thành và can đảm của Phúc Âm, một con người vì yêu mến Chúa Kitô và Trinh Nữ Maria đã trung thành giữa cuộc thử thách”. Bức điện tín nữa ĐTC gửi cho ĐGM Nguyễn Văn Hòa Giáo Phận Nha Trang, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, để bày tỏ niềm cảm thông với Giáo Hội Việt Nam, trong đó Ngài nhắc lại rằng “nhân vật thuộc hàng tư tế và giáo phẩm cao cả này của xứ sở Quí Huynh, một con người đã làm chứng cho đức tin của mình nơi Chúa Kitô, bằng một lòng can đảm và trung thành gương mẫu của mình, ở chỗ gắn bó chặt chẽ với sứ vụ của mình qua việc thi hành thừa tác vụ cũng như gắn bó với hoạn nạn bằng việc chịu đựng khổ đau. Về Hội Đồng Tòa Thánh thì con người này là một tay thủ công nghệ, một thủ công viên với niềm xác tín đầy cảm mến, hòa giải, công lý và hòa bình giữa loài người cũng như giữa các dân tộc…. Chớ gì chứng từ của con người ấy kiên cường và phấn chấn các vị mục tử và tín hữu trong việc loan báo Phúc Âm”. Bức điện tín nữa ĐTC gửi cho ĐGM Giampaolo Crepaldi, thư ký của Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình, vị đã nói về ĐHY Thuận qua đời là "một vị thánh đã chết", cũng như cho các phần tử của hội đồng này, như sau: “Người anh em thân yêu quá cố của Quí Huynh đã để lại một dĩ vãng bất khả xóa mờ của một đời sống gắn bó liên lỉ và can trường với ơn gọi của mình, như là một linh mục chú trọng tới các nhu cầu của dân Kitô Giáo cũng như là một vị mục tử đầy nhiệt thành vì Phúc Âm, luôn luôn trung thành với Giáo Hội, ngay cả trong thời gian bị bách hại bầm dập”. ĐTC sẽ cử hành lễ an táng  vào lúc 5 giờ 30 chiều Thứ Sáu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Thánh lễ an táng này cũng sẽ được một số ĐHYđồng tế, trong đó có Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano.


ĐTC tiếp các ĐGM Ba Tây (vùng Bắc và Tây Bắc) dịp Viếng Thăm Ngũ Niên của các vị

 

"Các cộng đồng giáo hội cần những vị mục tử là những con người của đức tin và là những vị hiệp nhất với nhau, có khả năng đương đầu với những thách đố của một xã hội đang có khuynh hướng càng ngày càng bị tục hóa và theo trào lưu hưởng thụ"


Trong bài huấn từ của mình ngỏ cùng các vị mục tử đợt ba của Hàng Giáo Phẩm Ba Tây ngày Thứ Bảy 14/9/2002, ĐTC đã nhấn mạnh đến khía cạnh vai trò của các vị mục tử trong thế giới ngày nay. “Các cộng đồng giáo hội cần những vị mục tử là những con người của đức tin và là những vị hiệp nhất với nhau, có khả năng đương đầu với những thách đố của một xã hội đang có khuynh hướng càng ngày càng bị tục hóa và theo trào lưu hưởng thụ… Một phần lớn dân chúng đã lãnh nhận phép rửa nơi Giáo Hội Công Giáo đôi khi lại tỏ ra thiếu đức tin vững chắc và minh tường… Tình trạng lạnh lùng dửng dưng đối với các giá trị về tôn giáo cũng như các nguyên tắc về luân thường đạo lý là một trở ngại lớn cho việc truyền bá phúc âm hóa. Tình trạng này lại càng khó hơn nữa với sự hiện diện của các giáo phái và những nhóm ngụy giáo mới… Là những bậc thày dạy tín lý, được kêu gọi để chỉ dẫn đường đến cùng Chúa Cha… Quí Huynh đừng bao giờ thôi cống hiến giáo huấn thuộc Huấn Quyền, liên kết như những vị thừa kế Các Tông Đồ… Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội của Người một tín lý vững chắc… Chúng ta có một kho tàng khoa học vô tận, đó là Lời của Thiên Chúa, được Giáo Hội bảo trì; đó là ân sủng của Chúa Kitô được ký thác cho các vị mục tử của Người qua việc các vị ban phát các Bí Tích… Hàng giáo phẩm cũng được bắt nguồn từ mối hiệp nhất của Giáo Hội”.

 

16/9 Thứ hai


ĐTC tiếp Đội Túc Cầu Vô Địch Âu Châu

 

"Khi vượt trên những khó khăn của các thứ văn hóa và ý hệ, thể thao là một cơ hội tuyệt vời cho các dân tộc trao đổi và hiểu biết nhau, để xây dựng một thứ văn minh yêu thương như lòng mong ước”


Từng yêu chuộng túc cầu từ khi còn là giới trẻ, ĐTC đã nói với đội túc cầu Real Madrid này tại nhà nghỉ của Ngài tại Castel Gandolfo rằng Giáo Hội “coi các thể thao như một khí cụ giáo dục khi nó nuôi dưỡng những lý tưởng về nhân bản và tinh thần; khi nó đào luyện giới trẻ sống theo con đường toàn vẹn của các giá trị như trung thành, bền chí, thân hữu, đoàn kết và bình an. Khi vượt trên những khó khăn của các thứ văn hóa và ý hệ, thể thao là một cơ hội tuyệt vời cho các dân tộc trao đổi và hiểu biết nhau, để xây dựng một thứ văn minh yêu thương như lòng mong ước”. Ngài kêu gọi đội túc cầu này “hãy mang ra thực hành những giá trị ấy, những giá trị được đặt nền tảng trên phẩm giá con người, đối đầu với những xu hướng có thể làm đen tối tính cách cao cả của chính thể thao”. Đội túc cầu này sẽ giao đấu ở Rôma một trận vào ngày mai Thứ Ba để tranh hùng chức vô địch của mình. Trong buổi triều kiến ĐTC này, họ đã biếu ĐTC một bản sao Vận Động Trường Santiago Bernabeu, một chiếc áo thun có chữ ký của tất cả mọi cầu thủ của đội túc cầu này và một thẻ hội viên ủng hộ đội cầu Real Madrid.


Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã qua đời


Sau thời gian dài chịu bệnh ung thư, qua hai lần mổ xẻ, ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý Và Hòa Bình của Tòa Thánh, đã từ trần hôm nay, lúc 6 giờ chiều tại Rôma, tức 9 giờ sáng ở California cùng ngày Thứ Hai 16/9/2002, hưởng thọ 74 tuổi. Trong khi đó, bà cố, em ruột của tổng thống Ngô Đình Diệm, của ngài vẫn còn sống tại Úc ở vào tuổi bách niên giai lão. Năm 1975, ĐTC Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm TGM Phó Sài Gòn mấy ngày trước khi Cộng Sản chiếm Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, dưới thời Cộng Sản, ngài đã bị bắt đi cải tạo 13 năm. Được Cộng Sản Việt Nam thả ra năm 1991 và bị đẩy ra hải ngoại. Ngài đã được ĐTC Gioan Phaolô II ủy thác cho một số trách nhiệm, cho đến khi làm Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình vào năm 1998 và được thăng tước hồng y vào tháng hai năm 2001. Vào Mùa Chay Năm 2000, ĐTGM Nguyễn Văn Thuận đã là vị giảng phòng cho Giáo Triều Rôma, có ĐTC tham dự, những bài chia sẻ đã được in thành sách dưới nhan đề “Chứng Từ của Niềm Hy Vọng” (Pauline Books & Media). ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuần sinh ngày 17/4/1928, thụ phong linh mục ngày 11/6/1953, và thụ phong Giám Mục ngày 24/6/1967, vị giám mục thứ 31 trong 71 vị (cho tới nay) và là vị Hồng Y thứ bốn trong 4 vị (cho tới nay) của hàng giáo phẩm Việt Nam.


Người Nga cần biết những lý do trục xuất các linh mục Công Giáo


Ông Serguei Mitrokhin thuộc Đảng Cấp Tiến Yabloko đã ghi nhận những ảnh hưởng quốc tế bởi những vụ trục xuất này và đã đặt vấn đề lý do về những vụ trục xuất ấy với vị đứng đầu của ngành ngoại giao Liên bang Nga là ông Igor Ivanov. Vị quyền trưởng của đảng này đặt vấn đề là có những vị linh mục Công Giáo khác trong sổ đen thuộc những cá nhân sẽ bị trục xuất hay chăng, và “cái nguy hiểm gây ra cho nền an ninh quốc gia” là gì nơi việc trục xuất Giám Mục Jerzy Mazur. Vì Văn Phòng Bộ Nhân Quyền Nga đã nói rằng vị giám mục này đã bị trục xuất theo Khoản 27 về việc xuất nhập của ngoại kiều, một khoản luật nại vào “nền an ninh quốc gia” như lý do để trục xuất ngoại kiều hay cấm ngoại kiều nhập cảnh. Ông Ivanov phải trả lời trong vòng một tháng, nguồn tin quốc hội cho biết như thế.


ĐTGM Milingo cho biết mưu đồ của Rev Moon trong cuốn sách tự thuật vừa xuất bản của mình.


Theo cuốn sách của ĐTGM Millingo thì Rev Sun Myung Moon đã viết một văn kiện hoạch định dự án gây nên một cuộc ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo, bắt đầu ở Phi Châu, với sự hỗ trợ của người Zambian. Dự án thực hiện một cuộc ly giáo này ngay từ đầu được phân chi cho 5 triệu Mỹ kim. Tiếc thay một cuộc ly giáo chỉ xẩy ra khi có một vị giám mục tách lìa khỏi Giáo Hội như trường hợp cận đại nhất của ĐTGM Marcel Lefebvre ở Pháp sau Công Đồng Chung Vaticanô II. Trong khi đó ĐTGM Millingo đã trở về với Giáo Hội Công Giáo.
 

15/9 Chúa Nhật


Huấn Từ về Thập Giá của ĐTC cho Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin Hằng Tuần

 

"Kể cả cho đến ngày hôm nay, theo giáo huấn của các vị Giáo Phụ xưa, Giáo Hội cho thế giới thấy cây thập giá như là “cây sự sống”, một cây con người có thể từ đó học được ý nghĩa tối hậu và hoàn toàn của cuộc sống của mỗi người cũng như của toàn thể lịch sử loài người".


Anh Chị Em thân mến!


1.- Lễ Tôn Vinh Thánh Giá, một lễ được cử hành hôm qua, hôm nay được tiếp theo với lễ nhớ Đức Mẹ Đau Thương. Hai cuộc cử hành phụng vụ này kêu gọi chúng ta hãy thực hiện một cuộc hành trình lên đồi Canvê. Hai lễ này khuyến khích chúng ta hãy liên kết bản thân chúng ta với Trinh Nữ Maria trong việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm thập giá.


Kitô giáo có biểu hiệu chính yếu ở nơi cây thập giá. Bất cứ ở nơi nào Phúc Âm đâm rễ thì ở đó cây thập giá cũng nói lên cho thấy việc hiện diện của các Kitô hữu. Trong các nhà thờ và gia đình, trong các bệnh viện và học đường, trong các khu nghĩa trang – cây thập giá đã trở nên một dấu hiệu trên hết cho thấy một thứ văn hóa mang lại chân lý và tự do, tin tưởng và hy vọng phát xuất từ sứ điệp của Chúa Kitô.


Trong tiến trình tục hóa làm nên đặc tính của một phần lớn thế giới hiện nay, các tín hữu lại càng phải gắn mắt nhìn lên dấu hiệu chính yếu của Mạc Khải mà học lấy ý nghĩa sâu xa và thực sự của dấu hiệu này.


2.- Kể cả cho đến ngày hôm nay, theo giáo huấn của các vị Giáo Phụ xưa, Giáo Hội cho thế giới thấy cây thập giá như là “cây sự sống”, một cây con người có thể từ đó học được ý nghĩa tối hậu và hoàn toàn của cuộc sống của mỗi người cũng như của toàn thể lịch sử loài người.


Vì Chúa Giêsu đã làm cho cây thập giá trở thành dụng cụ cứu độ mà cây thập giá không còn đồng nghĩa với một cái gì bị nguyền rủa, trái lại, đồng nghĩa với ân phúc. Đối với con người bị quằn quại bởi ngờ vực và tội lỗi thì cây thập giá cho họ thấy rằng “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con duy nhất của Ngài, để ai tin Con Ngài thì không phải chết song được sự sống đời đời” (Jn 3:16). Tóm lại, thập giá là dấu hiệu cao cả nhất của tình yêu.


Đó là lý do giới trẻ Kitô giáo hiên ngang vác thập giá qua các nẻo đường thế giới, phó dâng cho Chúa Kitô tất cả mọi lo âu của họ cũng như tất cả mọi ước mong của họ về tự do, công lý và hòa bình.


4.- Đứng dưới chân c6ay thập giá, Trinh Nữ Maria, hoàn toàn hiệp nhất với Con mình, đã được thông phần một cách chuyên biệt vào vực thẳm của nỗi đớn đau và tình yêu thương trong việc Người hy tế. Không ai hơn Mẹ có thể dạy cho chúng ta biết mến yêu thập giá. Chúng ta hãy hiến dâng giới trẻ và các gia đình, các dân nước và toàn thể gia đình nhân loại cho Vị Trinh Nữ Sầu Bi. Chúng ta nài xin Mẹ đặc biệt cho thành phần yếu bệnh và khổ đau, cho các nạn nhân vô tội của bất công và bạo lực, cho những Kitô hữu bị bách hại vị đức tin của họ. Chớ gì Cây Thập Giá vinh hiển của Chúa Kitô là bảo quyết của niềm hy vọng, cứu độ và bình an cho tất cả mọi người.


Nga có cả một cuốn sổ đen về các vị linh mục Công Giáo sẽ bị trục xuất


ĐGM Joseph Werth ở Novosibirsk được nhóm Hỗ Trợ Giáo Hội Đang Thiếu Thốn mời tham dự những cuộc thảo luận và hội họp tuần vừa rồi ở Thụy Sĩ. Khi phê bình về “làn sóng mới bắt đạo” tấn công Giáo Hội Công Giáo ở liên bang Nga Sô cho biết rằng cảnh sát có cả một tá tên tuổi các vị linh mục chẳng mấy chốc sẽ bị trục xuất. Vị Giám Mục này cho biết Nga cần “một cuộc tái sinh về tinh thần, vì dân chúng muốn cảm nghiệm thấy một niềm xác tín thật sự tận trong lòng”. Chỉ có 1% người Chính Thống Giáo Nga còn đến nhà thờ mà thôi. Cũng theo vị Giám Mục này, lòng thù hằn cộng đồng Công Giáo đến từ các vị đại diện hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo, nhưng dân chúng chẳng có mấy ai theo các vị. “Ở tầng lớp dân chúng thì tín hữu không ghét thành phần thiểu số Công Giáo. Tháng Tư vừa rồi, có chừng 2000 người Chính Thống Giáo ở trên 10 thành phố đã tổ chức những cuộc biểu tình chống Công Giáo. Mặc dù được các giáo xứ Chính Thống kêu gọi, dân chúng cũng không ồ ạt kéo ra đường phố để chống đối sự hiện diện của Công Giáo”.


Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Nga có thể gặp ĐGH tại một xứ sở trung lập


Cha Vsevolod Tchaplin thuộc Giáo Hội Chính Thống Nga, hôm qua Thứ Bảy đã nói rằng một cuộc họp như thế có thể sẽ xẩy ra để “giải quyết tất cả mọi vấn đề đang còn lập lửng, nhất là vấn đề dụ giáo của Công Giáo ở Nga”. Vị linh mục này nghĩ rằng Slovenia có thể sẽ là địa điểm cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Nga Alexy II. Vị linh mục này cho biết qua đài truyền thanh Echo Moscow là “Đức Thượng Phụ Moscow có những liên hệ thân tình với ĐTGM Franc Rode ở Ljubljana, vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Slovene. Vị linh mục này thêm: “Chỉ vì muốn giải quyết tất cả những bất đồng mới có một cuộc họp như vậy giữa hai vị đứng đầu hai Giáo Hội”.