Lời mở đầu:
Giáo Hội Trong Tuần là mục tin về
Giáo Hội Trong Tuần, tức về sinh hoạt của Giáo Hội ở Tòa Thánh Rôma, nhất là về
nhưng lời giáo huấn của ĐTC cung như chủ trương của Tòa Thánh được phát biểu qua
nhưng sinh hoạt này. Bởi đó, mục tin về Giáo Hội Trong Tuần này, như đa thông
báo ở trang Thực Hiện, được lấy từ Màn Điện Toán Toàn Cầu Vatican Information
Service (VIS). Tuy nhiên, mục Giáo Hội Trong Tuần đây cung được tổng hợp từ
nguồn tin Zenit chuyên về Tòa Thánh, nhờ đó vừa có thêm nhưng tin tức liên quan
khác, vừa nhanh hơn một chút. Ngoài ra, để có thể so sánh quan điểm của dân sự
với tôn giáo, đôi khi có một số tin tức được lấy từ Màn Điện Toán CNN. Báo chí
hay tác giả nào muốn lấy nguồn tin về Giáo Hội được tuyển hợp, trích dịch và
cung cấp ở đây, xin cứ tự tiện, miễn là cho biết xuất xứ từ ThờiĐiểmMaria.Net.
Đa tạ quí vị.
___________________________________________
20-26/10/2002 |
Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng
Mười
Ý Chung: “Xin cho các giáo lý viên được nâng đỡ bằng những lời cầu nguyện
và việc hợp tác với các cộng đồng giáo xứ để hoàn thành một cách tốt đẹp việc
tân truyền bá phúc âm hóa”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các vị thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cách
loan báo một cách can đảm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô giành cho kẻ
nghèo”.
___________________________________________
26/10 Thứ Bảy
CÙNG MẸ CỬ HÀNH MẦU NHIỆM
MÂN CÔI CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
“Kinh Mân Côi là một cái nhìn chiêm ngắm dung nhan Chúa
Kitô
được thể hiện qua ánh mắt của Mẹ Maria.
Kinh Mân Côi kiến tạo hòa bình cũng vì kinh nguyện này,
trong khi kêu cầu ân sủng của Thiên Chúa,
gieo vào con người lần hạt mầm giống của sự thiện
làm nẩy sinh hoa trái công lý và đoàn kết đáng mong ước nơi cá nhân cũng như nơi cộng đồng”.
(ĐTC Gioan Phaolô II, Huấn Từ
Truyền Tin 29/9/2002)
Ngay trong lúc tình hình thế giới
hết sức biến loạn hiện nay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhân dịp mở màn năm
thứ 25 Giáo Triều của Ngài hôm 16/10/2002 vừa qua, đã chẳng những ban hành bức
Tông Thư ‘Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria’ mà còn tuyên bố mở ‘Năm Mân Côi’ bắt
đầu từ tháng 10 năm nay tới tháng 10 năm 2003. Vậy, để thiết tha nguyện cầu cho
hòa bình thế giới trong tình thế hết sức khẩn trương hiện nay, nhất là để khai
mạc ‘Năm Mân Côi’ như Đức Thánh Cha muốn được bắt đầu ngay từ Tháng Mân Côi 2002
này, Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống phát động và thực hiện buổi CÙNG
MẸ CỬ HÀNH MẦU NHIỆM MÂN CÔI CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI được tổ chức vào ngày Thứ Bảy
26/10/2002, tại Đền Thánh Đức Mẹ Dâng Con Corona.
Chương Trình
4:00 PM Khai mạc
(Giuse Trần Mỹ Duyệt: giới thiệu chương trình và điều hành chương trình)
4:05 Lời chào mừng
(Thomas Tống Văn Tuệ)
4:10 Kinh Mân Côi: Khí Giới Hòa Bình Trong Tình Hình Thế Giới Hiện Nay
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh)
4:25 Vũ Hoa Dâng Mẹ
(Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Mân Côi Pomona)
4:35 Mẹ Maria trong Năm Mầu Nhiệm Vui
(Cha Lê Ngọc Anh, Dòng Don Bosco)
4:50 Cộng Đoàn Cùng Mẹ Cử Hành Năm Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Vui
(Maria Thúy Nga và Kristine Kiều Hạnh: luân phiên đọc Lời Chúa trước mỗi chục kinh cho cả 15 ngắm)
5:15 Vũ Hoa Dâng Mẹ
(Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Thăm Viếng El Monte)
5:25 Mẹ Maria trong Năm Mầu Nhiệm Thương
(Cha Nguyễn Quang Đán, Dòng Đồng Công)
5:40 Cộng Đoàn Cùng Mẹ Cử Hành Năm Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Thương
6:05 Vũ Hoa Dâng Mẹ
(Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Sầu Bi San Gabriel)
6:15 Mẹ Maria trong Năm Mầu Nhiệm Mừng
(Cha Nguyễn Quang Đán, Dòng Đồng Công)
6:30 Cộng Đoàn Cùng Mẹ Cử Hành Mầu Nhiệm Mân Côi Năm Mùa Mừng
6:55 Vũ Hoa Dâng Mẹ
(Đoàn Thiếu Nhi Fatima Đức Mẹ Lộ Đức Los Angeles)
7:00 Thánh Lễ Đồng Tế thay Chúa Nhật
(Chủ tế: Cha Vũ Minh Vạn, Dòng Đồng Công;
Giảng thuyết: Cha Trịnh Đức Hòa, Dòng Chúa Cứu Thế;
Bài đọc 1 Têrêsa Hà Kim Luông;
Bài đọc 2 Thomas Tống Văn Tuệ;
Thánh ca: Ca Đoàn Thiếu Nhi Đền Thánh;
Lời cảm tạ cuối lễ: Giuse Trần Mỹ Duyệt)
8:00 Bế mạc
NĂM MẦU NHIỆM ÁNH SÁNG
Trong Huấn Dụ ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ
Maria ngày 16/10/2002, Đức Thánh Cha đã
nói rõ lý do tại sao Ngài thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng này như sau:
• “Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn hơn, cũng như
để thêm khởi sắc, trong Tông Thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, Tôi đã đề
ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong Kinh
Mân Côi, và Tôi đã gọi 5 mầu nhiệm mới này là ‘những mầu nhiệm ánh sáng’. Những
mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố
phép rửa ở sông Dược-Đăng cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn. Mục đích của việc đề
ra này là để mở rộng chân trời Kinh Mân Côi, nhờ đó, ai lần hạt Mân Côi với lòng
sùng mộ, chứ không phải một cách máy móc, mới có thể càng đi sâu hơn nữa vào nội
dung của Tin Mừng, và càng kết hợp cuộc sống của mình hơn nữa với cuộc sống của
Chúa Kitô”.
Trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (ở đoạn 21) ban
hành ngày 16/10/2002, ĐTC Gioan Phaolô II đã thêm 5 Mầu Nhiệm Ánh Sáng vào 15
Mầu Nhiệm Mân Côi Vui, Thương, Mừng vốn có. Sau đây là những gợi ý để ngắm 5 Mầu
Nhiệm Ánh Sáng này theo đúng như cung cách của 15 Mầu Nhiệm Mân Côi hiện hành.
Thứ nhất thì ngắm:
Chúa Giêsu đến lãnh nhận phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ở sông Dược-Đăng,
ta hãy xin cho được sống trọn ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Thứ hai thì ngắm:
Chúa Giêsu biến nước thành rượu ở tiệc cưới Cana để bắt đầu tỏ mình ra,
ta hãy xin cho được nghe lời Mẹ Maria thực hiện những gì Người bảo.
Thứ ba thì ngắm:
Chúa Giêsu loan báo Nước Trời và kêu gọi loài người ăn năn thống hối,
ta hãy xin cho được hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ trước Tin Mừng Sự Sống.
Thứ bốn thì ngắm:
Chúa Giêsu biến hình trên núi cao sau khi tỏ cho các môn đệ biết Mầu Nhiệm Vượt Qua,
ta hãy xin cho được bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo Chúa.
Thứ năm thì ngắm:
Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể để tỏ lòng yêu thương loài người cho đến cùng,
ta hãy xin cho được hiệp nhất với Người trong tinh thần và chân lý.
Cũng trong Huấn Dụ ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria ngày 16/10/2002, Đức Thánh Cha đã cho biết rõ 3 lý do khiến Ngài mở Năm Mân Côi như sau:
• “Cùng với việc ban hành văn
thư nói về kinh nguyện Mân Côi này, Tôi cũng công bố một năm kéo dài từ Tháng
Mười 2002 tới Tháng Mười 2003, đó là ‘Năm Mân Côi’. Tôi làm như vậy, chẳng những
vì đây là năm thứ 25 giáo triều của Tôi, mà còn vì là dịp kỷ niệm 120 năm Thông
Điệp ‘Supremi Apostolatus Officio’ được Vị Tiền Nhiệm của Tôi là Đức Lêô XIII
ban hành vào ngày 1/9/1883 để mở màn cho một loạt các văn kiện đặc biệt khác của
Ngài về Kinh Mân Côi. Ngoài ra, còn có một lý do nữa, đó là trong lịch sử của
Các Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm còn có một truyền thống tốt lành, ở chỗ, sau Năm Thánh
dâng kính Chúa Kitô và tôn kính công cuộc Cứu Chuộc của Người còn có một năm
dâng kính cho Mẹ Maria nữa, như thể muốn kêu cầu với Mẹ để Mẹ giúp cho các ân
sủng đã nhận lãnh từ Năm Thánh được sinh hoa kết trái”.
TIN MỪNG SỰ SỐNG
Ngày nay, hơn bao giờ hết, lịch sử đang chứng kiến một sự
thật hiển nhiên đã được Đấng Sáng Lập Kitô Giáo tiên báo từ 2000 năm trước, đó
là: “Vì tội lỗi tràn lan mà lòng mến nơi nhiều người đã trở nên nguội lạnh” (Mathêu
24:12).
Là “một thành xây trên núi không sao khuất được nữa” (Mathêu 5:14), “Giáo Hội
trong thế giới tân tiến”, kể từ Công Đồng Vaticanô II, đã nỗ lực canh tân để có
thể chiếu giãi rạng ngời trên dung nhan mình ánh sáng muôn dân là Chúa Kitô qua
việc truyền bá phúc âm hóa (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân,
đoạn 1). Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã muốn Giáo Hội đặc
biệt long trọng Mừng Đại Năm Thánh 2000 và coi đó là Thời Điểm Hồng Ân để mở màn
cho một Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ trong Ngàn Năm Thứ Ba.
Theo chiều hướng canh tân chính mình và nhân loại ấy của chung Giáo Hội, Chương
Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống xin được mạo muội đến với quí vị, với mục đích
để thành phần môn đệ theo Chúa Kitô chúng ta cùng nhau Sống Thánh Chứng Nhân
Trong Ngàn Năm Thứ Ba theo tinh thần của Tông Thư “Vào Lúc Mở Màn Ngàn Năm Mới”
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày bế mạc Năm Thánh 2000, 6/1/2001.
Chúng tôi thâm tín rằng, có cảm nhận được Lời Chúa, “những lời là thần linh và
là sự sống” (Gioan 6:63), và có Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô theo Phụng Vụ của Giáo
Hội, những Lời Chúa và Mầu Nhiệm được Giáo Hội luôn luôn tin tưởng và truyền dạy
suốt giòng lịch sử thế giới, nhất là trong thế giới đang phá sản văn hóa và
khủng hoảng đức tin ngày nay, Kitô hữu chúng ta mới được biến đổi trong Chúa
Kitô, và mới “đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu” (xem Êphêsô 4:13,
15), nhờ đó Người cũng mới có thể sống trong thành phần môn đệ đích thực chúng
ta, và tiếp tục tỏ mình ra cho thế gian qua Kitô hữu chứng nhân chúng ta cho đến
khi Người lại đến trong vinh quang.
VẬY ĐỂ CÙNG NHAU SỐNG THÁNH
CHỨNG NHÂN TRONG NGÀN NĂM THỨ BA,
XIN KÍNH MỜI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA ĐÓN NGHE:
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH CÔNG GIÁO TIN MỪNG SỰ SỐNG,
ĐƯỢC LIÊN TỤC BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 17/9/2000 TỚI NAY,
TRÊN LÀN SÓNG 106.3 FM VÀO MỖI THỨ SÁU TỪ 9 ĐẾN 9 GIỜ 30 TỐI.
NỘI DUNG THỨ TỰ GỒM CÓ:
PHẦN HƯỚNG DẪN PHÚC ÂM THEO PHỤNG VỤ LỜI CHÚA HẰNG TUẦN CỦA CÁC CHA;
PHẦN GIÁO DÂN CHIA SẺ SỐNG ĐẠO THEO Ý NGHĨA CỦA CÙNG BÀI PHÚC ÂM;
PHẦN HỌC HỎI VỀ MẸ MARIA VÀO NHỮNG NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG THÁNG;
PHẦN TIN SINH HOẠT VÀ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI HIỆN NAY.
5/10 Thứ Sáu
Diễn Văn của Đại Diện Tòa
Thánh ở Liên Hiệp Quốc về Văn Hóa và Phát Triển
ĐTGM Renato Martino, trưởng phái đoàn quan sát viên thường trực của Tòa Thánh
Vatican ở Liên Hiệp Quốc, hôm 17/10/2002, đã ngỏ lời cùng Buổi Họp Chung lần thứ
57 trong cuộc bàn luận về “Văn Hóa và Phát Triển” như sau.
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Tòa Thánh hân hoan tham dự vào việc bàn luận về mối liên hệ giữa mọi khía cạnh
của văn hóa với việc phát triển. Về vấn đề này, phái đoàn Đại Biểu chúng tôi đã
đón nhận Bản Ghi Nhận của văn phòng Tổng Thư Ký chuyển đại cho biết về Bản Tường
Trình của Văn Phòng Tổng Giám Đốc UNESCO.
Mới đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “… Cuộc khủng bố tấn công tắc
trách ngày 11/9 năm vừa qua, và nhiều tình trạng bất công dồn dập xẩy ra trên
khắp thế giới, nhắc cho chúng ta nhớ rằng Ngàn Năm Mới vừa được mở màn với những
thử thách cả thể. Nó đòi cá nhân, các dân tộc và các quốc gia phải thực hiện một
cuốc dấn thân dứt khoát và thẳng thắn để bênh vực những quyền lợi bất khả vi
phạm cùng phẩm giá của hết mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại. Đồng thời nó
cũng đòi phải xây dựng một thứ văn minh đoàn kết toàn cầu, được thể hiện chẳng
những nơi cơ cấu kinh tế hay chính trị hiệu năng hơn, mà quan trọng hơn nữa còn
phải được thể hiện nơi tinh thần tương kính và cộng tác với nhau trong việc phục
vụ công ích nữa” (Pope John Paul II, Address to H.E. Mrs. Kathryn Frances
Colvin, 7 September 2002).
Bản Tường Trình ở trước mắt chúng tôi đây đã đề ra “Những nguyên tắc liên quan
đến sự ảnh hưởng của văn hóa về tính cách thích hợp, về sự thành đạt và về khả
năng bảo trì của những qui chế phát triển”.
Thế nhưng, những nguyên tắc này là gì, những nguyên tắc giúp bày tỏ cho thấy
những vấn đề xót xa của UNESCO về “việc nhổ tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ,
nhất là tình trạng cùng khổ, việc đóng góp của những kỹ thuật về tín liệu cũng
như truyền thông vào việc phát triển giáo dục, khoa học và văn hóa, cũng như
việc kiến tạo nên một xã hội khả thức”?
Những nguyên tắc này cần phải được căn cứ vào sự nhìn nhận phẩm giá con người,
vào việc bảo vệ các quyền lợi cùng với những quyền tự do căn bản của con người,
và vào việc tôn trọng những khác biệt và đặc thù của văn hóa. Có hiểu biết sâu
xa như thế mới tiến đến một thứ đoàn kết nhân loại làm cho xã hội gắn bó lại với
nhau và cảm nhận được sâu xa hơn “cái gia sản chung của nhân loại”.
Tòa Thánh nói lên điều này căn cứ vào những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II: “Chỉ có tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu có thể làm cho con người nam nữ
của hết mọi nòi giống và văn hóa trở thành anh chị em với nhau, mới có thể làm
biến đi những chia rẽ đau thương, những tương khắc về ý hệ, những chênh lệch về
kinh tế và những lạm dụng bạo lực còn đang áp đảo nhân loại mà thôi” (Pope John
Paul II, Message for World Mission Day, 18 May 2002).
Điều này cũng âm vang cả lời phát biểu của Tòa Thánh trong Thượng Hội về Việc
Phát Triển Khả Thủ mới đây, lời phát biểu là: “Sự kiện trái đất cùng với tất cả
mọi nguồn lợi của nó thuộc về ‘gia sản chung của toàn thể nhân loại’ là sự kiện
tạo nên một ý thức nuôi dưỡng sự liên thuộc lẫn nhau, một ý thức nhấn mạnh đến
trách nhiệm và là một ý thức đề cao tầm quan trọng của nguyên tắc đoàn kết toàn
cầu. Thực tại này trở thành một nền tảng cho việc phát triển khả thủ theo những
lề luật luân lý về sự công chính, sự hợp tác quốc tế, nền hòa bình, sự an ninh,
và ước vọng tăng bổ hạnh phúc về tinh thần cũng như vật chất cho các thế hệ cả
hiện tại lẫn tương lai.
Những vấn đề này không phải chỉ là những tư tưởng tốt lành hay là những lời cầu
chúc tốt đẹp nhất cho tương lai. Chúng cũng không phải là trách nhiệm của một
nhóm hội, tổ chức hay cơ quan duy nhất nào. Vấn đề bàn luận này cũng không chỉ
nhắm đến việc bảo vệ văn hóa khỏi những nguyên tắc phát triển có thể chi phối nó.
Trái lại, vấn đề bàn luận ở đây là cần phải nhắm đến việc tìm kiếm phương cách
để làm sao cho văn hóa có thể bổ túc vào việc phát triển cũng như việc phát
triển cần phải bổ túc cho văn hóa.
Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã nhận thấy được cách thực hiện tiến trình này. Chúng ta
đã bàn đến vấn đề Văn Hóa Hòa Bình, chúng ta đã có những trao đổi giữa các nền
văn minh, và chúng ta đã hoạt động để bảo vệ gia sản văn hóa. Chúng ta qui tụ
lại với nhau để bàn giải đủ mọi thứ vấn đề.
Cần phải tiếp tục thực hiện những cuộc bàn luận này. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc là
một nơi hội ngộ tuyệt vời cho những cuộc bàn luận và trao đổi tư tưởng như thế.
Theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thì “Tổ Chức này là tiêu biểu cho một đường lối
cần phải có của nền văn minh tân thời cũng như của nền hòa bình thế giới” (Pope
Paul VI, Address to the Twentieth Session of the General Assembly, 4 October
1965).
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Phái đoàn đại biểu chúng tôi nghe đi nghe lại là “thế giới đang thay đổi dữ dội”.
Thực sự là thế giới đã thay đổi. Thế nhưng, sự thiện căn bản, phẩm giá của con
người, những mơ ước và khát mong của con người vẫn tiếp tục thúc đẩy con người
trên thế giới, nhất là những ai tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn cho chính mình
cũng như cho các thế hệ mai sau.
Nếu đó là mục tiêu và mục đích cho việc bàn luận hôm nay đây thì nó cần phải đi
đến chỗ chú trọng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thể nhân loại khi cảm
nhận được những nền văn hóa khác nhau làm cho mỗi người trong chúng ta chuyên
biệt đặc thù.
Xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.
23/10 Thứ Năm
Bài Giáo Lý 54 về Thánh Vịnh,
bài Thánh Vịnh 85 [86]: Lời Cầu Tin Tưởng
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 85 là một lời cầu nguyện sống động về lòng tin tưởng vào Thiên
Chúa và đức tin nơi Thiên Chúa, Đấng mang ơn cứu độ đến cho những ai kêu lên
Ngài. Chúa đầy lòng cảm thương và nhân hậu đối với các tôi tớ của Ngài, với
những ai tìm cách nhận biết các đường lối của Ngài và sự thật của Ngài. Tất cả
mọi dân nước trên trái đất này được kêu gọi để tôn thờ Thiên Chúa và tôn vinh
danh của Ngài. Chính qua Chúa Kitô, Đấng Thánh duy nhất, mà tất cả mọi dân nước
trên địa cầu trở thành dân thánh của Thiên Chúa, trong đức tin, đức cậy và đức
mến, khi họ nâng tiếng chúc tụng vị Chúa duy nhất của trời đất.
(Xin xem toàn bài vào cuối tuần này ở trang Giáo Lý Hằng Tuần)
Hội Đồng Cứu Xét Qui Chế Của
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Về Vấn Đề Linh Mục Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em
Ngày 14/10/2002, ĐHY Re Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục đã gửi cho ĐGM Gregory, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một bức thư về vấn đề châu phê Bản Qui Chế về vấn đề linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, trong đó ĐHY đề nghị nên có một hội đồng hỗn hợp gồm 8 vị giám mục, 4 vị từ 4 phân bộ của Tòa Thánh và 4 vị từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngày 15/10/2002, ĐGM Gregory đã gửi thư cho ĐHY tỏ ý hoàn toàn chấp nhận lời đề nghị này của ĐHY. Sau đây là danh sách 8 vị trong hội đồng cứu xét này. Bốn vị từ các phân bộ của Tòa Thánh là ĐHY Darío Castrillĩn Hoyos, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ; ĐTGM Julian Herranz, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Các Bản Luật; ĐTGM Tarcisio Bertone, Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin; và ĐTGM Francesco Monterisi, Thứ Ký Thánh Bộ Giám Mục. Bốn vị từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là ĐHY Francis Eugene George, TGM Chicago; ĐTGM William Levada, TGM San Francisco; ĐGM Thomas Doran Giáo Phận Rockford; và ĐGM Edward Lori Giáo Phận Bridgeport. Khía cạnh chính yếu của ủy ban này là xác định rõ vấn đề “lạm dụng tình dục” và các qui tắc phải làm sao hợp với Giáo Luật.
Một Rạp Hát ở Moscow bị đám
người Chechens uy hiếp
Tối Thứ Tư 23/10, vào
lúc 9 giờ 5 phút, có cả trăm cảnh sát và công an cùng nhiều xe cứu thương đến
một rạp hát có khoảng 700 người bấy giờ đang bị một bọn khoảng 15-30 người võ
trang súng ống bắn chỉ thiên và không cho một người lớn nào ra khỏi rạp. Thành
phần bị bắt làm con tin này đã gọi điện thoại cầm tay ra đài phát thanh cho biết
rằng nếu cảnh sát bắn vào rạp hát giết một người trong đám người này thì họ sẽ
bắn chết 10 con tin trả đũa. Đám người ấy cũng cho cảnh sát biết rằng họ có cả
lựu đạn nữa. Đám người này đã thả 18-20 em nhỏ ra khỏi rạp. Một số người lớn
cũng may mắn thoát ra được khỏi rạp, trong đó có một phụ nữ nói cùng CNN rằng
đám người này tự xưng họ là những người Chechens.
23/10 Thứ Tư
Cái Trục Gian Ác
Các phạm nhân Iraq:
Mới cuối tuần vừa rồi cả 10 ngàn tù nhân (không còn một ai trong tù) được Tổng
Thống Saddam Hussein thả ra để gọi là biết ơn nhân dân đã tin tưởng ông và 100%
đã bầu ông làm tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa, một biến cố chưa từng có trong 23
năm cai trị của vị tổng thống này, thì đột nhiên cũng xẩy ra một biến cố chưa
từng có, đó là một cuộc công khai xuống đường hôm Thứ Ba 22/10/2002 trước Bộ
Thông Tin để hạch hỏi chính quyền về những người thân của họ không thấy đâu sau
thời gian bị tù. Họ tản ra sau khi nghe tiếng vũ khí tự động nổ trên không trung
gần đó, nhưng sau đó một số trở lại với những người khác để tiếp tục cuộc xuống
đường phản đối và ghi tên của những người thân của họ bị mất tích. Hôm Thứ Bảy
19/10/2002 vừa qua, một viên chức Hoa Kỳ đã cho biết theo sắc lệnh đã được tổng
thống Bush ký, với số tiền là 92 triệu Mỹ Kim, thì Ngũ Giác Đài sẽ bắt đầu vào
tháng tới huấn luyện cho cả mấy ngàn quân nhân Iraq vốn chống chế độ Saddam
Hussein và vì thế họ đã bị đầy ra hải ngoại mà nơi chính yếu là ở Luân Đôn. Vào
tuần này phân bộ Quốc Phòng và Nội Vụ phải trình bày đại quan về những dự án
huấn luyện cho những sĩ quan Iraq này những khả năng hướng đạo và cố vấn trận
chiến cho bộ binh của Hoa Kỳ v.v. Trong thời tổng thống Clinton 140 quân nhân
Iraq đã được huấn luyện một phần nào rồi.
Bom nguyên tử Bắc Hàn:
Sau khi bị lộ tẩy, Bắc Hàn mới tự thú nhận đã ngầm chế tạo bom nguyên tử và muốn
nói chuyện với Hoa Kỳ. Việc thú nhận này xẩy ra trong cuộc họp hôm Thứ Sáu mùng
4-10-2002 giữa phái đoàn của Hoa Kỳ do ông James Kelly, phụ tá thứ trưởng nội vụ
về Á Châu Vụ và viên chức cao cấp nhất của Bắc Hàn (được cho như cánh tay phải
của Kim Jong II) là ông Kang Suk Ju. Trong buổi gặp gỡ cao cấp lần đầu tiên giữa
hai nước trong hai năm vừa qua, ông Kelly nói với ông Kang là Hoa Kỳ đã biết
được rằng Bắc Hàn đã thực hiện một chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử với “kỹ
thuật khác” với những kỹ thuật được sử dụng trước năm 1994, năm Bắc Hàn đồng ý
với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn là sẽ hủy bỏ dự án chế tạo nguyên tử và Hoa Kỳ
đồng ý giúp Bắc Hàn về năng lực, và Bắc Hàn đã có đủ chất Plutonium cho ít nhất
là hai trái bom nguyên tử. Bấy giờ viên chức cao cấp của Bắc Hàn đã làm cho ông
Kelly giật mình khi viên chức ấy nhìn thắng vào ông mà nói: “’Tổng thống của quí
vị đã cho chúng tôi là một phần tử của cái trục gian ác’… Quân quốc của quí vị
đang dàn trận trên đảo Đại Hàn…. Dĩ nhiên là chúng tôi có một chương trình chế
tạo bom nguyên tử”. Quả thực đầu năm nay tổng thống Bush ghép Đại Hàn với Iraq
và Iran như cái trục gian ác. Một bản tường trình của Tình Báo Hoa Kỳ trong
Tháng Giêng 2002 đã cho biết là vào cuối nửa năm vừa rồi Bắc Hàn “đã tiếp tục nỗ
lực thu thấp kỹ thuật khắp thế giới để thực hiện chương trình chế tạo nguyên tử
của họ…. Chúng tôi ước lượng là Bắc Hàn đã sản xuất đủ chất Plutonium cho ít là
một, có thể hai trái bom nguyên tử”. Thánh 8/1988, Bắc Hàn đã bắn một phi đạn
bay sang Nhật Bản làm cho Nhật Bản bắt đầu chuyện làm thuẫn chống phi đạn, một
dự án đã được Hoa Kỳ đồng ý. Theo vị trưởng phái đoàn đại biểu của Nam Hàn là
ông Jeong Sehyun, sau ngày họp với Bắc Hàn, thì Bắc Hàn đã sẵn sàng để nói
chuyện với Hoa Kỳ về việc họ vi phạm những gì họ đã thỏa hiệp năm 1994. Ông Kim
đã phát biểu là “Chúng tôi thấy tình hình vừa rồi nghiêm trọng. Nếu Hoa Kỳ sẵn
sàng rút lại chính sách thù hận của mình đối với Bắc Hàn thì Bắc Hàn sẵn sàng
giải quyết những quan tâm về an ninh bằng việc đối thoại”. Thượng Nghị Sĩ Bob
Graham, D-Florida, chủ tịch ủy ban tình báo của thượng viện, đã cho đài truyền
hình CBS hôm Chúa Nhật 20/10/2002 biết rằng ông coi những tham vọng nguyên tử
của Bắc Hàn và khả năng về phi đạn của họ là một mối đe dọa cho Hoa Kỳ còn lớn
hơn cả Iraq nữa, nên ông khuyên Tòa Bạch Ốc hãy xét lại những ưu tiên của mình.
Thế nhưng bà Rice, cố vấn của tổng thống Bush cho rằng: “Hai tình trạng này
không thể nào so sánh với nhau được. Cả hai đều nguy hiểm. Thế nhưng chúng ta
tin rằng chúng ta có các phương cách khác nhau thành công ở Bắc Hàn mà lại rõ
ràng là đã không và sẽ không thành công ở Iraq”.
Khủng bố Đông Nam Á:
Một số tay hoạt động của nhóm al Qaeda đã tiết lộ bí mật về vụ khủng bố tấn công
ở Bali và các quán cũng như các hộp đêm ở Đông Nam Á. Những tay hoạt động này
đang bị nhốt ở Hoa Kỳ, như Mohammed Mansour Jabarah, người đã thú nhận với FBI
là đã hoạch định những cuộc tấn công tự sát bằng bom vào các tòa lãnh sự Hoa Kỳ
ở Singapore và Phi Luật Tân. Jabarah hoạt động với một tay khác trong nhóm al
Qaeda là Omar Al Faruq, tháng vừa qua, người này đã cho Tình Báo Mỹ biết về dự án phá
hủy một số tòa lãnh sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Tay hoạt động thứ ba không bị tù
là Riduan Isamuddin, tự Hambali. Những thẩm quyền tình báo nói rằng Hambili giữ
vai trò quyền vị và trưởng ban hoạt động của nhóm Jemaah Islamiya (JI), một nhóm
Hồi Giáo hiếu chiến bị nghi ngờ là có dính dáng đến vụ nổ bom ở Bali cũng như
các vụ khủng bố tấn công gần đây ở Phi Luật Tân. Jabarah nói với nhân viên phỏng
vấn FBI là Hambali đã hoạch định “thực hiện những cuộc nổ bom nhỏ ở các quán
nhậu, quán cà phê hay hộp đêm thường được các người tây phương lui tới ở Thái
Lan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân và Nam Dương”. Một viên chức cao cấp đã cho
hãng thông tấn CNN biết rằng chính phủ Bush dự định đưa JI vào danh sách của các
tổ chức khủng bố quốc tế của mình tuần này.
22/10 Thứ Ba
Hàng Giáo Phẩm Việt Nam Lên
Tiếng Phản Đối Chính Phủ Cộng Sản Việt Nam về việc bắt bớ những người Công Giáo
thiểu số.
Lần đầu tiên từ ngày thành lập vào năm 1979 đến nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
chính thức bày tỏ mối quan tâm của mình về những vi phạm đến nhân quyền của
những người Công Giáo sống ở Komtum, ở những miền cao nguyên trung phần, cũng
như ở khu vực phía bắc tỉnh Sơn La. Theo Cha Antôn Nguyễn Văn Sơn, thư ký của
Hội Đồng Giám Mục, thì cuộc phản đối này phát xuất từ cuộc họp thường niên của
hội đồng giám mục hôm 12-17/10/2002 vừa qua. ĐGM Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch Hội
Đồng Giám Mục, đã gặp một vị đại diện của Hội Đồng Nhà Nước để bàn về tình trạng
những người Công Giáo thượng du. Ngài cũng gửi một bức thư cho những vị có thẩm
quyền của nhà nước. Cha Sơn không cho biết nội dung bức thư này thực sự ra sao,
nhưng cơ quan Giáo Hội Tại Á Châu đã cho biết bức thư này có nhiều chi tiết liên
quan đến những trường hợp bách hại những người Công Giáo ở miền trung và miền
bắc Việt Nam. Cơ quan này còn cho biết cũng có một cuộc phản đối tương tự xẩy ra
hôm 9/10 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được trình lên ông Lê Quang Vinh, giám
đốc Văn Phòng Tôn Giáo Vụ của nhà nước. Theo báo cáo thì “các viên chức nhà nước
đi vào nhà của các tín hữu đập phá bàn thờ và ảnh tượng, tịch thu sách vở và
tràng hạt. Họ bắt tín hữu ký vào những bản văn viết sẵn với lời hứa bỏ đạo cũng
như thôi dạy giáo lý cùng rao giảng Phúc Âm”.
Những vụ chống đối của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trùng vào dịp phái đoàn Tòa Thánh thăm viếng Việt Nam từ ngày 13-16/10/2002. Thế nhưng, nhà nước Việt Nam không cho phái đoàn của Tòa Thánh do Đức ông Celestino Migliore, phó thư ký đặc trách việc liên hệ với các quốc gia theo dự định đến thăm các giáo phận Thanh Hóa ở miến bắc, Xuân Lộc ở miền nam, và Kontum với Ban Mê Thuật ở cao nguyên trung phần. Phái đoàn chỉ được thăm giáo phận Bùi Chu ở miền bắc và Đà Năng ở miền trung. Theo những nguồn tin truyền giáo thì trong những cuộc thương lượng, chính phủ không chấp nhận việc bổ nhiệm ĐGM Nguyễn Văn Hòa, giám mục Nha Trang kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, làm giám mục phó Hà Nội. Việc bổ nhiệm giám mục cho giáo phận Hưng Hóa vốn trống tòa từ năm 1992, và giám mục cho Xuân Lộc cũng không được chấp thuận. Chính phủ cũng muốn có thêm giờ để cứu xét đến hai yêu cầu của phái đoàn Tòa Thánh, đó là việc bổ nhiệm một giám mục cho miền bắc thay thế vị tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Hà Nội là tổng giáo phận đang được coi sóc bởi một vị hồng y 84 tuổi, và việc bổ nhiệm một vị thay thế cho giám mục Kontum 75 tuổi vào tháng tới. Nhà nước chấp thuận việc bổ nhiệm cho một vị giám mục ở Hải Phòng đã trống tòa 3 năm cũng như việc bổ nhiệm một vị phó giám mục cho giáo phận Cần Thơ.
Mới tìm thấy một dấu vết
cổ thời cả gần 2000 năm trước về Chúa Giêsu
Màn Điện Toán Zenit ngày Thứ Hai 21/10/2002 đã loan tin về một hộp người Do Thái
từ năm 20 trước Công Nguyên tới năm 70 sau Công Nguyên, hàng chữ bằng tiếng
Aramaic được dịch là “Giacôbê, con Giuse, anh em của Giêsu”.
Andre Lemaire, một chuyên gia về chữ viết cổ thời kiêm giáo sư đại học Sorborne
ở Balê đã bất ngờ tìm thấy hộp xương này từ hồi Thánh Sáu vừa rồi và tự mình
nghiên cứu. Tiếng Aramaic, một cổ ngữ Semitic ở Trung Đông qua nhiều thế kỷ. Vào
thời của Chúa Giêsu Aramaic là thứ ngôn ngữ chung của người Do Thái. Hebrew là
ngôn ngữ của chính quyền, tôn giáo và những giai cấp thượng lưu. Trong bài viết
về những khám phá của mình trong tờ báo mới của Biblical Archaeology Review,
Lamaire đã cho rằng “rất có thể” cái hộp ấy là của Giacôbê, người anh em của
Chúa Giêsu, vị tông đồ lãnh đạo Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem. Hầu hết các học
giả đều công nhận Chúa Giêsu hiện hữu, nhưng không có một chứng cớ về thể lý nào
từ thế kỷ thứ nhất dính dáng một cách vững chắc với đời sống của Người.
Hai khoa học gia thuộc viện nghiên cứu địa chất của chính phủ Do Thái đã thử
nghiệm cái hộp này vào tháng vừa rồi đã dùng kính hiển vi để khảo sát, và họ đều
đồng ý là vật này có trên 19 thế kỷ. Ông Hershel Shanks, chủ bút tờ Khảo Cổ
Thánh Kinh đã nói rằng: “Khó lòng tránh được việc đi đến chỗ kết luận là ba tên
gọi của ba nhân vật này rất hợp với Tân Ước”. Giáo sư Lemaire cho biết trong số
cả mấy trăm hộp đựng xương có chữ Aramaic như vậy chỉ có hai hộp nói đến một anh
em, do đó, những nhà học giả đã suy ra rằng một khi nhắc đến anh em này thì hẳn
họ phải là những người anh em quan trọng. Giáo sư Lamaire cho biết những tên gọi
Giacôbê, Giuse và Giêsu là những tên gọi thông dụng ở thành Giêrusalem xưa, một
thành phố có khoảng 40 ngàn dân, và có chừng 20 tên Giacôbê trong thành này có
anh em tên Giêsu và có cha là Giuse. Thế nhưng không thể nào lại có hơn một tên
Giacôbê là anh em với một nhân vật quan trọng được khắc tên ở trên một hộp xương
như thế.
Theo ông chủ bút Shanks thì người chủ của hộp xương có khắc hàng chữ lịch sử này
là một người Do Thái khảo cổ đã mua hộp xương này với giá từ 200 đến 700 Mỹ kim
khoảng 15 năm trước từ một tiệm bán đồ cổ. Những hộp xương này, ông Shanks nhận
định: “không thịnh hành trên thị trường vì… dân chúng không muốn một hộp đựng
xương như vậy được trưng bày ở trong phòng khách của họ”. Người khảo cổ mua hộp
đựng xương lịch sử này không hề biết rằng Giêsu có một người anh em, cho đến khi
gặp giáo sư Lamaire ở một bữa dạ tiệc vào mùa xuân vừa rồi, và xin vị giáo sư
này giải thích một số chữ Aramaic được viết trên một số những đồ khảo cổ của ông.
Ông đã giơ hai tay lên trời mà nói: “Làm sao Con Thiên Chúa lại có một người anh
em được?”. Theo dự định thì hộp xương lịch sử này sẽ được trưng bày ở Bảo Tàng
Viện Royal Ontario ở Toronto Canada trong cuộc họp thường niên của các nhà học
giả Thánh Kinh vào Tháng 11 năm nay.
Lại Ôm Bom Tự Sát Khủng
Bố Tấn Công ở Thánh Địa
Ngay trước giờ giờ nhộn nhịp của buổi trưa Thứ Hai ở miền bắc Do Thái, giữa Tel
Aviv và Haifa, (khoảng đường vào tháng 6 vừa rồi cũng đã bị một cuộc khủng bố
tấn công khác làm cho 18 người thiệt mạng ở Megiddo Junction), có người lái một
chiếc xe đầy chất nổ, khoảng 250 pounds, cạnh chiếc xe buýt số 841 đang đi về
Tel Aviv chật cứng hành khách cho phát nổ gây thiệt mạng 14 người, và thương
tích cho 7 người, trong đó có một em gái 4 tuổi. Chiếc xe buýt bốc cháy ở trạm
Karkur Junction. Có người chứng kiến thấy một người lính mình mẩy đang bị đốt
cháy chạy ra từ xe buýt. Các vị có thẩm quyền còn cho biết một người trong những
chiếc xe đi bên chiếc xe búyt này cũng bị nạn. Chiếc xe buýt cuối cùng chỉ còn
lại một đống sắt vụn đen ngòm đang bốc khói. Ngay sau cuộc nổ khủng bố này, tổ
chức Thánh Chiến Hồi Giáo lên tiếng chấp nhận trách nhiệm cuộc tấn công đó, một
cuộc tấn công xẩy ra sau khi lệnh giới nghiêm được hủy bỏ ở tỉnh lân cận Jenin
vùng Tây Ngạn và ngay sau vụ xe tăng Do Thái bắn vào Giải Gaza.
Tổng Thống Yasser Arafat thuộc Thẩm Quyền Palestine đã lên án cuộc tấn công này
với các phóng viên: “Chúng tôi hoàn toàn lên án những hoạt động khủng bố sát hại
thường dân này, dù là thường dân Do Thái hay Palestine”. Ở Giêricô, vị Trưởng
Ban Thương Thảo Palestine là ông Saeb Erakat cũng lên án vụ này: “Chúng tôi xin
lập lại là đường lối duy nhất để phá vỡ cái vòng bạo động tội lỗi xấu xa này là
hãy bắt đầu lại tiến trình hòa bình một cách hợp tình hợp lý”. Ông Ra’anan
Gissin, vị cố vấn của Thủ Tướng Ariel Sharon chia sẻ cảm nhận: “Chúng tôi nhận
thấy có những bày tỏ lẫn lộn từ Thẩm Quyền Palestine và nhà lãnh đạo của họ. Một
đàng, họ công khai kêu gọi hòa bình, nhưng một mặt thì cứ tiếp tục hỗ trợ… những
tên ôm bom tự sát thực hiện cuộc tấn công hôm nay”.
21/10 Thứ Hai
ĐTC nhắn nhủ Đại Hội của Hội
Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình
Cuộc đại hội này diễn ra
vào những ngày 17-19/10/2002, với chủ đề “Việc Chăm Sóc Mục Vụ Gia Đình và Các
Cặp Vợ Chồng Đang Gặp Khốn Khó”. Thứ Sáu, 18, ĐTC đã ngỏ lời với đại hội này về
hai điều gia đình cần phải thực hành trong thời điểm lịch sử này, đó là cầu
nguyện và đối thoại với nhau, như sau:
“Trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa thì việc các gia đình tín hữu cần
phải có một ý thức về ơn gọi và sứ vụ của mình càng quan trọng hơn bao giờ hết…
Trong hết mọi liên hệ và trường hợp, khởi điểm cho vấn đề ý thức này là ở chỗ
bảo trì và tăng phát lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện liên lỉ cùng Chúa để
tăng thêm đức tin cho con người và làm cho đức tin của họ mẹnh mẽ hơn… Như Tôi
viết trong tông thư ‘Kinh Mân Côi của Trinh Nữ Maria’, được ban hành hôm Thứ Tư
để mở màn năm thứ 25 cho giáo triều này, đó là ‘Gia đình nào cùng nhau cầu
nguyện là gia đình cùng nhau chung sống’… Thật vậy, khi con người ta trải qua
những giây phút đặc biệt, thì khoa học có thể trợ giúp, nhưng không gì có thể
thay thế đức tin nhiệt thành, bản vị và cậy trông hướng về Chúa cả… Không bao
giờ được bỏ bê việc cầu nguyện, việc thường xuyên chạy đến với bí tích hòa giải,
việc linh hướng, bằng cách sử dụng những kỹ thuật khác của những hỗ trợ về nhân
bản và tâm lý thay thế…”
Về thực tế, ĐTC nhận định: “Việc các gia đình vững mạnh về đời sống thiêng liêng
đạo đức và luân lý giúp đỡ về gia đình cho các cặp vợ chồng, nhất là những cặp
còn trẻ” đã trở thành một trong những việc tông đồ quan trọng nhất “vào thời
điểm lịch sử này… Thường gia đình không có giờ để sống với nhau và nói chuyện
với nhau. Nhiều lúc cha mẹ cảm thấy không muốn, thậm chí họ sợ lãnh nhận nhiệm
vụ của mình trong việc giáo dục một cách trọn vẹn cho con cái của họ… Có thể con
cái chính vì thiếu trao đổi với nhau, cảm thấy những trở ngại trầm trọng trong
việc nhìn thấy nơi mẹ cha của mình những mô phạm chân thực để bắt chước nên tìm
ở những nơi khác các mẫu sống và lối sống thường sai lầm và tai hại cho phẩm giá
của con người cũng như cho tình yêu chân chính… Tình trạng sôi nổi về tình dục,
trong một xã hội sặc mùi nhục dục và thiếu vững chắc về những nguyên tắc của
luân thường đạo lý, là tình trạng có thể làm hủy hoại đời sống của trẻ em, thiếu
niên và thanh niên, làm trở ngại cho đào luyện chúng biết yêu thương một cách ý
thức trưởng thành, và phát triển nhân cách của chúng một cách hòa hợp”.
Cũng vào ngày Thứ Sáu, ĐHY chủ tịch hội đồng này là Alfonso López Trujillo, đã
nhận định tổng quan về tình trạng gia đình thì đây là “một thời điểm khó khăn
nhất trong lịch sử đối với việc sống còn của đời sống gia đình”. Khó khăn nhất ở
chỗ nào? ĐHY vạch ra những hiện tượng thực tế, chẳng hạn như gia đình đang bị
nguy hiểm bởi “việc lèo lái văn hóa cho đến độ nhìn nhận những cặp vợ chồng de
facto và những đôi phối ngẫu đồng tính được hưởng cùng quyền lợi như những gia
đình thành hôn theo tòa đời hay theo bí tích… Theo chiều hướng văn hóa thì gia
đình ngày nay hiện lên như là một chướng ngại vật cho việc thành toàn của một
người phụ nữ, như thể làm vợ và làm mẹ là những gì kỵ nhau trong việc họ hội
nhập vào sinh hoạt xã hội và chính trị… Hôn nhân được coi như một biến cố tư
riêng, không dính dáng gì đến việc dấn thân hay trách nhiệm đối với người phối
ngẫu, đối với chung con cái cũng như đối với toàn thể gia đình… Cơ cấu gia đình
tiếp tục là một sự thiện cần phải có và là một sự thật quan trọng, là căn bản và
là nền tảng cho việc chung sống của con người, ở vào thời điểm lịch sử khó khăn
nhất cho sự tồn vong của gia đình cũng như cho thực tại nhân bản của nó…” Đó là
lý do tại sao, như ĐHY cho biết, Giáo Hội hy vọng bảo toàn “gia đình khỏi thứ
văn hóa tục hóa đang cho thấy một cách mờ ám những lý do và luận chứng về những
khoản luật bất chính”. Bởi thế, ĐHY tiết lộ là hội đồng của Ngài đang dọn một
cuốn tự điển 1000 trang, có “90 từ ngữ mập mờ được các quốc hội khắp nơi trên
thế giới sử dụng, khi họ tranh luận và lập luật về vấn đề gia đình”. Sáng kiến
này, ĐHY kết luận, là một nỗ lực để “soi sáng lương tâm và nuôi dưỡng việc ý
thức cần thiết theo quan điểm về luân thường đạo lý”.
Các Giám Mục Pháp chống lại
chiến tranh Iraq, coi cuộc chiến này như là “một cuộc thám hiểm không lối thoát”
Bản tin Zenit Chúa Nhật
20/10/2002 loan tin rằng
Hội Đồng Thường Trực của
Hàng Giám Mục Công Giáo Pháp đã công khai lên tiếng bằng một bản tuyên ngôn
chống lại cuộc chiến tranh tấn công Iraq, trong đó có chữ ký của ĐTGM chủ tịch
Hội Đồng Giám Mục Pháp, Jean-Pierre Ricard TGP Bordeaux, và ĐHY Jean-Marie
Lustiger, TGM Paris và là thành viên của hội đồng này. Sau đây là những lời phát
biểu trong bản tuyên ngôn ấy:
“Môi trường bạo động chúng ta đang bị lún xuống bởi các cuộc tấn công ở những
phần đất khác nhau trên thế giới khiến chúng ta tái xác nhận là việc tôn trọng
sự sống của hết mọi con người là điều kiện tạo lập hòa bình.
“Đối diện với việc Liên Hiệp Quốc từ từ tiến đến những hành động quân sự chống
lại Iraq, chúng tôi cảm thấy mình có một phần nào sứ vụ cần phải nhắc nhở là để
giải quyết những khác nhau giữa các dân nước, không thể coi chiến tranh như là
một trong những phương tiện, một phương tiện có thể sử dụng theo những cân nhắc
về lợi lộc hay cơ hội.
“Đối với Bản Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc cũng như đối với truyền thống đạo lý
của Công Giáo thì tất cả những việc sử dụng bạo lực bằng vũ khí, ngay cả nó có
mục tiêu đáng làm vì công ích đi nữa, cũng tạo nên một quyết định nghiêm trọng ở
chỗ người ta không thể sử dụng nó, trừ khi trong trường hợp cực khẩn cấp và sau
khi đã hội đủ những điều kiện ngặt nghèo.
“Hiện nay, tín liệu cần có không cho phép khẳng định là đã hội đủ điều kiện –
như được tóm tắt trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (số 2309) – Chúng tôi có
cùng một cảm nhận với những hội đồng giáo phẩm đã bày tỏ về vấn đề này cũng như
với vị quan sát viên của Tòa Thánh Vatican ở Liên Hiệp Quốc.
“Mặc dù bị kết án về những vi phạm nhân quyền trong nước và luật quốc tế ngoài
nước, chế độ Iraq có trở thành một mối đe dọa cấp bách và tức thời, đến độ được
quyền tự vệ hợp pháp hay chăng? Nếu Iraq thực sự trở thành một mối đe dọa thì đã
sử dụng tất cả mọi phương tiện phi quân sự để loại trừ mối đe dọa này hay chưa?
“Những hậu quả của cuộc ‘mạo hiểm không lối thoát’ này, một cuộc mạo hiểm vốn là
bản chất của mọi cuộc chiến, đang làm cho công luận lo âu.
“Cuộc đối chọi giữa một nước Ả Rập và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ làm kiên cố hơn
lập luận của thành phần Hồi Giáo cực đoan trong việc làm bừng dậy lòng hận thù
của những đám người thiếu chế ngự và thiếu hiểu biết chống lại ‘Tây Phương’ (được
đồng hóa một cách sai lầm với Liên Hiệp Quốc) cũng như chống lại những giá trị
dân chủ và nhân nhượng.
“Một trận chiến đào rộng thêm cái hố vốn đã sâu giữa dân chúng của chúng ta và
dân chúng của miền đất ấy, nơi mà chúng ta còn có nhiều người anh em trong Chúa
Kitô của chúng ta nữa, một cái hố sâu xa cái cảm giác hơn nữa khi thấy có những
đại quyền lực sử dụng ‘hai biện pháp nặng cân khác nhau’ trong việc áp dụng
những giải quyết của Liên Hiệp Quốc ở miền đất này.
“Giờ đây, hơn bao giờ hết, công lý là nền tảng và là điều kiện của hòa bình vậy”.
20/10 Chúa Nhật
ĐTC Gioan Phaolô II Phong 6 Tân Chân Phước
Nhân dịp Chúa Nhật Truyền Giáo, ĐTC Gioan Phaolô II đã
phong thêm 6 chân phước nữa, tăng các vị chân phước được Ngài phong trong gần 25
năm (22/10/1978-2002) lên 1.303 vị. Cuộc phong chân phước này được cử hành tại
Quảng Trường Thánh Phêrô, với những điệu vũ phụng vụ và thánh ca Phi Châu và Ấn
Độ. Trong số 6 vị tân chân phước này có 2 em Phi Châu tuổi thanh thiếu niên là
Daudi Okelo và Jildo Irwa đã hoạt động truyền giáo ở miền bắc nước Uganda và bị
giết chết năm 1918. Về riêng hai vị chân phước Phi Châu này, ĐTC nói trong bài
giảng của Ngài rằng: “Họ được nêu gương thánh thiện và nhân đức cho toàn thể
cộng đồng Kitô hữu, như những mẫu mực và như những vị cầu bầu cho thành phần
giáo lý viên khắp thế giới, nhất là nơi những nơi giáo lý viên vẫn còn chịu đựng
khổ đau vì đức tin của mình, đôi khi gặp phải tình trạng bị xã hội loại trừ,
thậm chí bị nguy hiểm cho bản thân nữa”. Bốn vị tân chân phước khác gồm có ĐGM
Andrea Giacinto Longhin, Dòng Capucchin, cai quản giáo phận Treviso thời Thế
Chiến I; Cha Mercantonio Durando, sáng lập hội dòng Chị Em Nazareth; Mẹ Marie de
la Passion, sáng lập hội dòng Chị Em Truyền Giáo Phanxicô của Đức Maria; và chân
phước Liduina Meneguzzi, một phần tử của Học Viện Chị Em Thánh Phanxicô Salêsiô.
Trao Đổi Văn Thư giữa Tòa
Thánh và Giáo Hội Hoa Kỳ về Bản Qui Chế Linh Mục Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em
ĐHY Trưởng Thánh Bộ Giám Mục gửi ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch Hội Đồng Giám
Mục Hoa Kỳ để trả lời cho văn kiện của các Đức Giám Mục Hoa Kỳ về “Những Qui Tắc
Thiết Yếu cho Các Qui Chế Giáo Phận trong việc Hành Sử với Những Vụ Tố Giác về
Việc Các Linh Mục, Phó Tế hay Các Viên Chức Khác Trong Giáo Hội Lạm Dụng Tình
Dục Trẻ Em”. Các vị Giám Mục Hoa Kỳ xin Tòa Thánh châu phê văn kiện này, một văn
kiện đã được các vị bỏ phiếu chấp thuận vào Khóa Họp Bán Niên 13-15/6/2002 vừa
qua ở Dallas. Sau đây là nguyên văn bức thư đề ngày 14/10/2002 của ĐHY Thánh Bộ
Trưởng Re:
“Tòa Thánh trước hết xin chuyển đến các Vị Giám Mục Hoa Kỳ với tất cả sự gắn bó
trong việc các vị mạnh mẽ cương quyết lên án những việc làm sai lệch về tình dục
đối với trẻ em và hết sức thông cảm với tình trạng buồn thảm xẩy ra trong mấy
tháng nay nơi Giáo Hội ở Hoa Kỳ. Đồng thời Tòa Thánh cũng muốn khích lệ những nỗ
lực của Hội Đồng Giám Mục trong việc trợ giúp các Vị Giám Mục để bàn đến những
vấn đề khó khăn này.
“Việc lạm dụng tình dục trẻ em thật sự là một việc ghê tởm. Với hết lòng thương
cảm trước những đau khổ của các nạn nhân cũng như của gia đình họ, Tòa Thánh
muốn nâng đỡ các Vị Giám Mục Hoa Kỳ trong việc các vị nỗ lực mạnh mẽ đáp lại
những hành động tình dục lệch lạc của một số rất ít những vị thừa tác hay hoạt
động để phục vụ Giáo Hội. Thế nhưng, một số rất nhỏ này không thể phủ lấp ‘một
sự thiện lớn lao về thiêng liêng, nhân bản và xã hội được một số rất đông những
linh mục và tu sĩ ở Hiệp Chủng Quốc vẫn từng thực hiện và còn đang thực hiện’
(Pope John Paul II, Address to the Cardinals and to the Presidency of the
Episcopal Conference of the United States, April 23, 2002).
“Tòa Thánh cũng nhìn nhận những nỗ lực đã được Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ thực hiện
qua ‘Những Tiêu Chuẩn’ và những hướng dẫn trong Bản Hiến Chương Bảo Vệ Trẻ Em và
Giới Trẻ, để bảo vệ trẻ em cũng như để ngăn chặn những tái diễn những việc lạm
dụng ấy sau này. Những cố gắng ấy phải góp phần vào việc bảo trì hay phục hồi
lòng tin tưởng của tín hữu nơi các vị mục tử của họ.
“Cho dù đã thực hiện những cố gắng như vậy, việc áp dụng những khoản qui chế
được Cuộc Họp Chung ở Dallas chấp nhận này vẫn có thể là những gì gây ra hiểu
lầm và mập mờ, vì Những Qui Tắc và Bản Hiến Chương này chứa đựng những dự khoản
không hợp lắm với luật chung của Giáo Hội ở một số khía cạnh nào đó.
“Vì lý do này, thích hợp nhất là, trước khi được ‘phê chuẩn’ bản văn kiện này
cần phải được xét lại kỹ hơn và điều chỉnh lại Những Qui Tắc và bản Hiến Chương
đây. Để công việc được dễ dàng, Tòa Thánh đề nghị là cần phải thiết lập một Ủy
Ban Hỗn Hợp, gồm có 4 vị Giám Mục do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chọn, và 4 vị do
những Phân Bộ của Tòa Thánh có khả năng thực sự về vấn đề này, đó là Thánh Bộ
Tín Lý Đức Tin, Thánh Bộ Giám Mục, Thánh Bộ Giáo Sĩ, và Hội Đồng Tòa Thánh Về
Những Bản Văn Lập Pháp”.
Sau đây là bức thư của ĐGM Gregory đề ngày 15/10/2002, rả lời cho ĐHY Re Tổng
Trưởng Thánh Bộ Giám Mục của Tòa Thánh về bức thư của Ngài trên đây.
Trọng Kính Đức Hồng Y
Giovanni Battista Re,
Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục
Thưa ĐHY,
Cám ơn ĐHY rất nhiều về bức thư đề ngày 14/10/2002 của ngài, trong đó, ngài đã
cho tôi biết về phản ứng của Tòa Thánh đối với lời yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục
Hoa Kỳ xin được phê chuẩn Những Qui Tắc được Cuộc Họp Chung ở Dallas chấp thuận
ngày 14/6/2002. Các Giám Mục Hoa Kỳ xin hết lòng biết ơn Tòa Thánh, cả về mối
quan tâm huynh đệ đối với Giáo Hội tại Hiệp Chủng Quốc trong lúc khó khăn này,
cũng như về việc ân cần cứu xét đến lời yêu cầu của chúng tôi.
Về vấn đề ĐHY nhắc đến trong bức thư gửi cho tôi liên quan tới cách thức hay
nhất chúng tôi cần phải theo sát để bản Qui Tắc của chúng tôi được phê chuẩn,
tôi xin nhân danh Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hân hoan chấp nhận, lời đề nghị của
Tòa Thánh về việc thiết lập một Ủy Ban Hỗn Hợp để cứu xét kỹ hơn và điều chỉnh
một số khía cạnh của Bản Hiến Chương được các Đức Giám Mục chấp thuận ở Dallas
và Những Qui Tắc được phác họa để xin Tòa Thánh châu phê. Tôi mong được thông
đạt tới ĐHY trong một ngày rất gần về tên của bốn Phần Tử trong Hội Đồng của
chúng tôi, những vị sẽ làm việc với 4 vị đại diện của bốn Phân Bộ của Tòa Thánh
có khả năng thực sự về vấn đề này đối với chúng tôi.
Cá nhân tôi xin cám ơn ĐHY, thưa ĐHY, về nhiều ưu ái ĐHY giành cho Hội Đồng của
chúng tôi, và tôi xin bày tỏ một lần nữa những tâm tình cảm mến cùng với những
lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi.
Chân thành trong Chúa Kitô,
Đức Cha Wilton D. Gregory
Giám Mục Belleville
Chủ Tịch
15/10/2002
MỚI TUẦN VỪA RỒI