GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 11/2003
Ý Chung: “Xin cho Kitô hữu Tây phương luôn tăng thêm kiến thức và cảm nhận về tu đức cùng truyền thống phụng vụ của các Giáo Hội Đông Phương”
Ý Truyền Giáo: “Xin cho Giáo Hội ở Mỹ Châu, khi cử hành Hội Nghị Truyền Giáo Mỹ Châu Lần Hai ở Guatemala, được phấn khởi dấn thân hoạt động truyền bá phúc âm hóa hơn nữa, đến nỗi vượt cả ra ngoài biên giới của mình”.
___________________________________________
2-8/11/2003
8/11 Thứ Bảy
Thánh Giuse NGUYỄN ĐÌNH NGHI, Linh mục (1793 - 1840)
Đọc lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, ta thấy: Khi thuộc hạ các thượng tế đến bắt Đức Giêsu trong vườn cây Dầu, Ngài nói với họ:
“Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi”.
Thế là ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người, Cha đã trao phó cho con, con không để thất lạc một ai” (Ga 18:8-9). Đó là điều cha Giuse Nguyễn đình Nghi hằng suy niệm trong thời bách hại. Lúc nào trong người cha cũng mang sẵn vài nén bạc, để nếu bị bắt ở nhà người khác, thì có tiền chuộc chủ nhà. Cha sẵn sàng hy sinh tử đạo, nhưng không muốn liên lụy đến ai.
Giuse Nguyễn đình Nghi sinh năm 1793 tại xứ Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, cậu Nghi đã dâng mình cho Chúa, sống với cha Liêm xứ Kẻ Vồi. Học xong trường thầy giảng, thầy lại trở về giúp xứ nhà. Các cha thấy thầy thông minh hiền hậu, nên cho theo thần học, và năm ba mươi tuổi, thầy Nghi thụ phong linh mục. Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha làm phó xứ Sơn Miêng một năm, phó xứ Kẻ Vạc bốn năm, rồi phụ giúp cha Khoan ở Phúc Nhạc. Do khả năng quản trị, ngài được về làm cha sở xứ Đa Phạn khoảng mười năm. Cuối cùng đang làm cha xứ Kẻ Báng thì bị bắt. Cha Nghi có nếp sống rất đạo hạnh, chuyên chăm việc giảng dạy và siêng năng ngồi tòa giải tội. Cha có biệt tài giúp tội nhân thống hối hoán cải. Cha ăn chay nhiều ngày cách nghiệm ngặt, các thầy giảng lo cho sức khỏe, phải can gián cha nhiều lần. Tính tình cha hòa nhã vui vẻ, nhanh nhẹn hoạt bát, nhất là thông thạo luật đạo đời, nên trong giao tế, cha được mọi người kính trọng mến yêu. Lương dân chung quanh thường đồn đãi với nhau là: Nếu ông này không đi tu chắc phải làm quan lớn lắm...
Trong những năm vua Minh Mạng cấm đạo, cha biểu lộ niềm mong ước tử đạo, nhưng ngài nói: “Tôi mong sẽ bị bắt ở đồng vắng, để không hại đến anh chị em tín hữu”. Khi đi làm mục vụ, cha cẩn thận mang theo ít tiền để chuộc chủ nhà, nếu không may bị bắt.
Thánh Phaolô NGUYỄN NGÂN Linh Mục (1790-1840)
Điều bận tâm lớn nhất trong đời linh mục của thánh Phaolô Ngân là theo gương Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân hiền. Trong thời bách hại, cha thường than thở với mọi người rằng: “Chủ chăn khó đi tìm chiên lạc, khó biết tên từng con một quá...”. Cha thường tỏ ra tiếc vì hoàn cảnh không săn sóc kỹ lưỡng từng tín hữu của mình được.
Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cậu đi tu từ nhỏ, đến khi vào chủng viện thì học cùng lớp với cha Nghi. Sau khi thụ phong linh mục, cha về giúp xứ Phúc Nhạc, phụ trách luôn họ Duyên Mậu và các họ lẻ chung quanh. Được ít lâu cha bị sốt rét phải đi nghỉ, và dạy học ở chủng viện Vĩnh Trị khoảng bảy năm. Khi khỏi bệnh, cha phụ trách xứ Trình Xuyên ba năm nữa. Cuối cùng về làm phó xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi mới được khoảng một năm thì bị bắt.
Thánh Martino TẠ ĐỨC THỊNH Linh mục (1760-1840)
Sau tám mươi năm phụng sự Chúa, tóc đã bạc, chân mỏi, sức hầu cạn, cộng với cơn bệnh đang dằn vặt trong mình, cha Martino Thịnh vẫn cảm thấy phải dâng hiến cho Chúa phần còn lại là chính mạng sống để làm chứng cho Người. Tuy có thể thoát thân trong cuộc truy lùng, cha đã trả lời cho người lính hỏi: Ông có phải là đạo trưởng không, bằng lời xác nhận “Phải tôi đây”. Lời xác nhận đó đưa cha đến chỗ chết, nhưng cũng đưa cha lên đài vinh quang cho muôn đời noi gương.
Martino Tạ đức Thịnh sinh 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, nay thuộc khu vực Hà Nội, trong một gia đình nề nếp. Năm 18 tuổi, cha mẹ định cho anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mị, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng anh xin hoãn lại để suy nghĩ, và cuối cùng quyết định xin đi tu dâng mình cho Chúa. Thầy Thịnh thụ phong linh mục trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo. Cha làm bí thư cho Đức cha Giacôbê Longer Gia một thời gian, đã tháp tùng Đức cha đến yết kiến vua Gia Long về đăng quang tại Thăng Long năm 1803.
Theo sự bổ nhiệm của Đức giám mục, cha phục vụ tại nhiều giáo xứ: Trước tiên là Cửa Bạng rồi Đồng Chuối, sau về xứ Nam Xang phục vụ hai mươi năm liền. Cuối cùng làm cha sở xứ Kẻ Trình. Khi đó cha đã gần 80 tuổi, là một người cha già đạo đức hiền lành, được tất cả các tín hữu kính nể và yêu mến. Một hôm, cha bỗng bị nhọt ở má, rồi lở miệng, nửa hàm răng bị mưng mủ và đau nhức khôn tả. Ông Cỏn lên thăm, thấy tình cảnh cha như vậy liền rước về nhà cháu ở xứ Kẻ Báng để chăm sóc chữa trị. Được độ tám tháng, cha bị bắt cùng hai cha Nghi và Ngân.
* * *
Tai Họa Cho Làng Kẻ Báng
Tổng đốc Trịnh quang Khanh là một cộng tác viên đắc lực nhất của vua Minh Mạng trong việc bách hại đạo Công giáo. Trong vòng ba năm, ông phá hủy hơn bốn trăm nhà thờ, tu viện và chủng viện. Ông cho phóng thích một tội nhân phạm tội hình sự đang bị giam ở Nam Định, để anh ta đến làng Kẻ Báng dọ thám, lập công chuộc tội. Anh này tuy không trong đạo, nhưng quen biết nhiều, nên ra vào và gặp gỡ các giáo hữu dễ dàng. Khi biết chắc trong làng có ba linh mục, anh liền đi tố giác với quan.
Ngày 30.5.1840 theo tin mật báo, quan tổng đốc liền đem một ngàn quân đến vây làng Kẻ Báng. Rồi ông cho phát loa kêu gọi dân ra đình điểm danh. Tất cả đàn ông thanh niên trên mười lăm tuổi đều bị trói lại và tập trung ở một chỗ, quân lính canh gác cẩn thận. Họ bắt cứ phải ngồi vậy phơi nắng phơi sương suốt hai ngày, chị em phụ nữ lo cơm nước tiếp tế cho lính và thân nhân. Đồng thời quan lính đi lục soát tất cả “hang cùng ngỏ hẻm”. Ngày đầu tiên không tìm thấy linh mục nào, ông nản lòng định rút quân, nhưng người tố giác cứ nhất quyết, lấy đầu ra mà thề, nên ông lại cho lục soát tiếp.
Ngày thứ ba, quan ra lệnh phá các vách dầy trong làng, thì quả thật bắt được cha Nghi đang ẩn giữa hai lớp vách nhà bà Duyễn. Quan cho gọi bà ra bước qua thánh giá nhưng may mắn quân lính nghe lộn ra bà Doãn, bà này ngoại giáo nên sẵn sàng bước qua, nhờ đó bà Duyễn thoát mạng. Khoảng giữa trưa thì lính bắt thêm được cha Ngân đang ẩn ở nhà ông Thọ và cha bị bắt trói, điệu ra chỗ cha Nghi ngoài đình.
Về cha Thịnh, thì giả điếc nằm ngay võng nhà ông Chiền là cháu ông Cỏn, quân lính đi ngang thấy cụ già nhà quê bệnh tật, nên chẳng ghi ngờ gì. Nếu có hỏi, thì cô Thanh một nữ tu họ Kẻ Trình đi theo phục vụ cha khai là: “Bố tôi đấy, ông bị bệnh nặng nên không ra điểm danh được”. Đến khi nghe tin hai cha Nghi và Ngân đã bị bắt, cha Thịnh không muốn im lặng nữa. Nhân một cai đội hỏi cụ: “Ông có phải là đạo trưởng không?”. Cha Thịnh liền đáp: “Phải, tôi đây”. Thế là cha Thịnh đồng số phận bị bắt với hai bạn cùng chí hướng. Lợi dụng cơ hội này, quân lính ùa vào làng cướp tiền của, thóc lúa, trâu bò... Họ vừa đập phá, vừa reo hô chiến thắng vang dậy cả làng. Sau đó quan cho đóng gông và áp giải ba linh mục, ông Thọ, ông Cỏn và hai mươi tín hữu Kẻ Báng về nhà lao Nam Định.
Vững Vàng Tuyên Tín
Suốt một tháng đầu, ba cha ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân, nhưng chưa phải ra tòa. Đến đầu tháng Bảy, quan gọi ra công đường, bắt bước qua thập giá, các cha đều can đảm từ chối. Cha Thịnh lên tiếng: “Tôi đã bằng này tuổi đầu mà còn sợ chết nữa sao? Tôi không thể làm theo lời quan được”. Quan lại hỏi về tên và chỗ ở của các thừa sai, nhưng các cha đều chối không biết. Quan liền truyền trói ba vị bắt quỳ giang nắng suốt ngày không cho uống nước.
Ba ngày sau (6.7), Tổng đốc Trịnh quang Khanh lại cho gọi ba cha và nói: “Nếu các ông không đạp lên thập giá, các ông sẽ phải chết”. Cha Nghi trả lời: “Thưa quan nếu quan thương, chúng tôi nhờ, nếu không thương, chúng tôi cũng xanh rì nấm mộ, còn bước qua thập giá, chúng tôi không dám”. Quan liền cho đánh mỗi người năm mươi roi. Thấy không hiệu quả, ông cho đưa cha già Thịnh đánh thêm mười roi nữa, vì nghĩ tuổi già sức yếu, cha sẽ chịu khuất phục. Nhưng ông không ngờ cha Thịnh mạnh mẽ can đảm chịu đòn cách vui vẻ. Tức giận, quan lại bắt ba vị ra phơi nắng một ngày nữa.
Hạnh Phúc Thiên Thu
Thấm thoát ba cha đã ở trong ngục được năm tháng. Với nhiều trận đòn chí tử, nhiều ngày giang nắng ngoài trời... Các vị vẫn không nản lòng, cứ một mực tuyên xưng niềm tin vào Đấng chịu khổ nạn. Các quan thấy các ngài cương quyết giữ vững lập trường, liền làm án gởi về kinh đô. Vua Minh Mạng phê chuẩn và ra lệnh thi hành. Được tin ấy, ba cha hớn hở vui mừng, giải tội cho nhau và chuẩn bị tâm hồn sốt sắng lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Ngày 8.11.1840, cha Thịnh, cha Ngân, cha Nghi, ông Thọ, ông Cỏn bị đoàn lính năm trăm người điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Đến nơi, tất cả các ngài quỳ xuống cầu nguyện một lát, rồi ra hiệu đã sẵn sàng. Theo lệnh quan lý hình chém rơi đầu năm chiến sĩ đức tin, kết thúc cuộc đời dương thế và khai nở cuộc sống vĩnh hằng trên thiên quốc. Thi thể hai cha Nghi và cha Ngân được đưa về Kẻ Báng. Còn cha Thịnh được mai táng ở xứ Vũ Điện, sau dời về quê hương ngài là Kẻ Sét, Hà Nội.
Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn ba linh mục Giuse Nguyễn đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martino Tạ đức Thịnh lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900.
Thánh Martino THỌ Viên thuế (1787 - 1840)
Tiểu sử Thánh Martino Thọ được ghi nhớ cách đặc biệt qua những lời trăn trới với các con vào thăm trong tù. Di ngôn của ông đáng trở thành bản mẫu cho những người cha Kitô hữu trong giờ phút cuối của cuộc đời: Vừa thực tế, vừa dạt dào tình cảm, mà cũng đầy tin tưởng:
“Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mọi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.
Martino Thọ sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bán, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn Thọ là tên người con Thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình.
Dân trong làng biết ông ngay thẳng, nên cử ông trách việc thâu thuế đinh. Ông sống rất thanh liêm, không nhận hối lộ, không ăn chận của ai, cũng không quỵ lụy cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm nên rất có uy tín. Ngoài ra ông Thọ còn thức khuya dậy sớm lao động như mọi người, vừa làm ruộng vừa ươm tơ nuôi tằm. Ông thường khuyên các con: “Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”. Dành dụm được chút nào, ông giúp đỡ người nghèo, hoặc góp phần vào việc chung, trong làng, trong giáo xứ. Nhà ông ở luôn mở rộng cửa tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông không sợ chết, lại còn tỏ ra muốn được chết vì đạo nữa.
Năm 1838, khi nghe tin hai ông trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm tại pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dò con cái:
“Các con yêu dấu, nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt hãy giữ vững đức tin”.
Thánh Gioan Baotixita Cỏn Lý trưởng (1805 - 1840)
Đối với ông Gioan Cỏn, việc tử đạo là biến cố ông hân hoan hằng mong đợi. Trên đường ra pháp trường, ông vẫn tươi cười chào giã biệt mọi người dù quen hay không. Khi thấy một người đang khóc thương mình, ông dừng lại nói: “Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ?”. Có lẽ ông đã thấy cửa thiên đàng đang rộng mở đón tiếp mình.
Gioan Cỏn sinh năm 1805 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và có họ hàng xa với ông Martino Thọ. Ông sống bằng nghề nông, cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, gia đình tuy nghèo khó nhưng luôn thuận hòa ấm êm. Là một tín hữu sáng suốt và nhiệt thành, ông Cỏn ý thức phải đem Tin mừng thánh hóa môi trường mình đang sống. Ông đã thành công trong vụ kiện một người lý trưởng cậy thế chiếm đoạt tiền của dân chúng.
Từ sau vụ kiện đó, uy tín ông càng ngày càng gia tăng cho đến khi ông được dân tín nhiệm đề cử làm lý trưởng. Trong chức vụ ấy ông hết lòng tận tụy với việc chung. Tuy nhiên, do bạn bè lôi kéo, ông thường bê trễ trong các sinh hoạt tôn giáo. Bù vào đó, ông rất sẵn lòng phục vụ anh em vì đạo. Có lần ngay giữa đêm khuya, ông lặn lội mưa gió mời linh mục đến giúp một bệnh nhân hấp hối. Khi vua Minh Mạng ra lệnh truy nã các thừa sai và linh mục, ông Cỏn bố trí xếp đặt cho các vị đến ẩn trong làng. Ông bị bắt vì tội chứa chấp các đạo trưởng: Cha già Thịnh ở Kẻ Trình bị bệnh nặng và không có chỗ chữa trị, ông Cỏn đón về để cha ở trong nhà cháu mình, để dễ dàng chăm sóc thuốc thang, và thế là hai cha con bị bắt ở đấy.
*
* *
Đạo Tại Tâm
Ngày 30.5.1840, nghe báo tin ở Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh quang Khanh đưa hàng ngàn lính về bao vây làng. Ông chia lính thành những tốp mười người đi sục sạo hết các xó xỉnh, các bụi rậm. Sau hai ngày lục soát họ bắt được ba linh mục: Cha Nghị, cha Ngân và cha Thịnh. Ông Thọ và ông Cỏn cũng bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. Quan cho lệnh đóng gông và giải tất cả về tỉnh Nam Định.
Một tháng đầu quan bỏ lơ không nói gì đến. Sau đó cho gọi ra bắt bước qua thập giá, các ông không chịu, quan truyền đánh mỗi người năm mươi roi, rồi bắt phơi nắng cho đến tối không được ăn uống gì cả. Lần khác quan lại gọi ra và dụ dỗ: “Cứ đạp đi rồi xưng tội là khỏi tội thôi mà”. Hai ông vẫn từ chối. Trịnh quang Khanh liền cho lính nắm gông khiêng các ngài qua ảnh chuộc tội. Hai ông co chân lên và khẳng định tuyên bố:
“Đạo tại tâm. Quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi không thuận, thì chẳng mắc tội gì”.
Thế là quan nổi giận, nảy ra một sáng kiến kinh dị: Khi ba vị linh mục cùng bị bắt vừa chịu tra tấn, máu me loang lỗ khắp mình, quan bắt hai ông hoặc liếm máu nơi các vết thương ấy, hoặc bỏ đạo. Hai ông liền quỳ xuống thực hiện điều quan yêu cầu một cách cung kính. Trịnh quang Khanh vừa rùng mình, vừa kinh ngạc nói với các quan: “Xem kìa bọn chúng kính trọng các đạo trưởng biết bao. Chẳng lẽ chúng bị bỏ bùa mê sao?”. Rồi ông truyền đem trói hai ông lại, bắt quỳ trên cát giữa nắng gắt suốt ngày.
Chắp Cánh Cùm Gông, Roi Đòn Gió Thoảng
Một lần quan tra hỏi về các thừa sai, ông Thọ trả lời: “Thưa quan tôi có biết Đức cha Giacôbê, nhưng ngài đã qua đời, còn các thừa sai khác vua bắt hết rồi, còn đâu? Hơn nữa chúng tôi ở trong tù làm sao biết các vị ấy ở đâu được?”. Tức giận, quan cho lính hôm đó tự do đánh đập tùy thích. Ông Cỏn chịu được sáu mươi roi thì kiệt sức, máu miệng trào ra, được quân lính khiêng về trại. Còn ông Thọ bị đánh đúng một trăm năm mươi roi. Về sau ông nói với con cái rằng: “Năm mươi roi đầu đau đớn khôn tả, còn một trăm roi sau, nhờ ơn Chúa, cha thấy nhẹ nhàng như gió thoảng vậy.
Quan thấy hình khổ không làm cho các ông xiêu lòng, nên cho lệnh bắt vợ con để áp lực, buộc các ông bỏ đạo. May mắn hai ông biết trước, vội nhắn tin cho gia đình lẫn tránh nơi khác. Tuy thế, quan vẫn nói với các ông:
“Nếu ta đưa vợ con các ngươi đến đây để giết, thì các ngươi có chịu bỏ đạo không?”. Ông Cỏn đáp: “Thưa quan, cửa nhà vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi chẳng có gì tiếc xót cả. Nếu vợ con tử đạo, chúng tôi càng mong ước về thiên đàng”. Ông Thọ nói thêm: “Gông cùm và roi vọt của quan là hai cánh đưa chúng tôi bay về thiên quốc”.
Nghe thế, quan càng giận dữ hành hạ ác liệt hơn nữa: Ban ngày phơi nắng, ban đêm bắt nằm ngoài cống rãnh nước thải của trại tù, và bớt phần ăn suốt tuần lễ. Đến ngày thứ Bảy, cô Thuyên con gái ông Thọ tìm cách vào thăm cha. Thấy cha nằm dài bất tỉnh, cô lấy nước rót vào miệng, nhưng phải khá lâu ông mới hồi tỉnh nhận ra con mình. Lần khác, khi gặp lại con cái, ông nói với chúng những lời dặn dò sau hết.
Bản án trảm quyết gởi vào kinh đô và được vua Minh Mạng ký duyệt. Ngày 6.11, các ông biết tin, tìm cách gặp các cha cùng bị bắt để xưng tội và chuẩn bị tâm hồn. Ngày 8.11.1840, cùng với ba vị linh mục, hai ông bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Dọc đường hai vị vẫn tươi cười chào hỏi mọi người. Đến nơi, hai ông quỳ cầu nguyện một lát, rồi đưa tay cho quân lính trói vào cọc. Theo lệnh quan, lý hình vung gươm, đưa các ngài về quê hương mong ước. Một vị 35 tuổi, một vị 53 tuổi từ nay mãi mãi bên nhau trong vinh quang bất diệt. Thi hài hai Đấng tử đạo được đưa về an táng ở xứ Kẻ Báng.
Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn hai ông Martino Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900.Hiếu Trung
Hạt Cải Đức Tin Đại Thụ Đức Mến
Trò Chơi Phúc Âm Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm B
Phúc Âm
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giaœ bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài saœn cuœa các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng boœ tiền vào hòm, và có lắm người giàu boœ nhiều tiền. Chợt có một bà góa nghèo đến boœ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và baœo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã boœ tiền vào hòm, bà góa nghèo nầy đã boœ nhiều hơn hết. Vì tất caœ những người kia boœ cuœa mình dư thừa, còn bà nầy đang túng thiếu, đã boœ tất caœ những gì mình có để nuôi sống”.
Hướng Dẫn
Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy cái nhiều nhất, lớn nhất trước mặt Chúa không phải là những gì về vật chất mà là tấm lòng. Bà góa dâng cúng vào đền thờ Chúa ít nhất mà lại đẹp lòng Chúa nhất, vì bà đã quảng đại nhất, yêu mến nhất, ở chỗ đã dâng lên cho Chúa tất cả những gì mình có.
Hành động quảng đại đến điên dại của bà goá trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cho thấy cả đức tin lẫn đức mến của bà. Bài Phúc Âm tuần trước về giới răn cao trọng nhất liên quan đến cả đức tin lẫn đức mến đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi trường hợp của bà góa của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này.
Thật vậy, nếu bà không tin tưởng “Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất”, bà sẽ không thể nào dám liều lĩnh dâng cùng tất cả những gì bà có như vậy cho Ngài. Ở đây không phải là số tiền nhỏ bé ấy của bà, mà là chính mạng sống của bà. Vì số bạc nhỏ bé ấy là tượng trưng cho chính mạng sống của bà, đúng như trường hợp của bá góa trong bài đọc thứ nhất của cùng Chúa Nhật tuần này.
So với tiền bạc của người giầu có bỏ vào đền thờ, mấy đồng bạc cắc của bà góa này chẳng khác gì như hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng lại là hạt giống mọc lên thành cây vĩ đại đến nỗi làm nổ cho chim trời, làm gương sáng được Chúa Kitô khen tặng trước mặt các tông đồ là nền tảng Giáo Hội Chúa.
Bởi thế giờ đây chúng ta hãy sinh hoạt trò chơi Phúc Âm Hạt Cải Đức Tin Đại Thụ Đức Mến.
Sinh Hoạt
1. Mỗi nhóm cử ra một người giỏi chơi bài. Người quản trò chia bộ bài 52 quân cho những người tham dự cuộc chơi. Nếu có ba người thì chia cho mỗi người ba quân bài, nếu 5 thì chia 5, nếu bảy thì chia bảy. Quân bài cuối cùng chia cho từng người được lật lên để xem ai lớn nhất thì ra quân bài đầu tiên.
2. Người ra quân bài đầu tiên là quân bài gì (cơ, rô, chuồn, hay bích) thì những người tham dự cuộc chơi có quân bài nào cùng loại lớn hơn thì ra quân để giữ mạng sống của mình. Cho đến khi trên tay mỗi người tham dự chỉ còn một quân bài duy nhất, mà ai chưa thắng một quân bài nào thì kể như bị loại.
3. Những người còn lại sẽ lật quân bài cuối cùng của mình lên xem ai là người có quân bài nhỏ nhất thì thắng, nhất là người nào có con ách, tức con bài vừa là con số một vừa là con lớn nhất, tượng trưng cho đồng tiền của bà góa ít nhất nhưng lại có giá trị nhiều nhất.
4. Có thể chơi đi chơi lại ba hay năm ván bài để tổng kết xem nhóm nào thắng nhiều ván bài nhất thì đoạt giải Hạt Cải Đức Tin Cổ Thụ Đức Mến.Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, gợi ý
7/11 Thứ Sáu
Thánh Vinh Sơn PHẠM HIẾU LIÊM, Linh mục dòng Đaminh
(1732 - 1773)
Hội Đồng Tứ Giáo
Đọc lại chuyện các anh hùng tử đạo, chúng ta thấy các ngài làm chứng cho Đức Kitô hai lần: bằng mạng sống và bằng lời nói. Các vị đã nói để tuyên xưng niềm tin của mình. Có vị giải thích những dư luận sai lầm, có vị cắt nghĩa giáo lý. Nhưng chuyện hy hữu nhất trong chuyện 117 thánh tử đạo Việt Nam, là linh mục Vinh Sơn Liêm và một linh mục bạn, cha Jacinto Gia, đã tranh luận suốt ba ngày với đại diện ba tôn giáo lớn ở nước ta khi đó, là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.
Con người bởi đâu mà có? Sống ở đời để làm gì? và chết rồi đi đâu? Đó là ba vấn đề lớn của cuộc nhân sinh, đã được đem ra trao đổi trong Hội đồng tứ giáo. Những lời lẽ nhã nhặn và sáng sủa, những phân tích sâu sắc về lịch sử với các trích dẫn chính xác kinh điển của Khổng Tử, Lão Tử và Phật giáo, đã được ghi lại trong cuốn “Hội đồng tứ giáo” từng tái bản tới mười bốn lần tại Sàigòn (1), sẽ mãi mãi nhắc chúng ta nhớ đến cha Vinh Sơn Liêm, tác giả cuốn sách, là người tham gia cuộc trao đổi, và là linh mục Việt Nam tử đạo đầu tiên.
Vinh Sơn Hòa Bình
Vinh Sơn Phạm hiếu Liêm mở mắt chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ cậu, ông Antôn Doãn, là một thân hào trong thôn. Thân mẫu cậu, bà Maria Doãn, một người mẹ đạo đức, đã hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong Nhà Đức Chúa Trời tại Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha dòng Đaminh khi đó đang phục trách địa phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của vua Tây Ban Nha, gởi đi tu học Manila (Phi Luật Tân) tại trường Juan de Letran.
Sau ba năm học thành công xuất sắc, thầy Liêm xin gia nhập dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 9.9.1753. Năm sau thầy tuyên khấn trọng thể cùng với ba tu sĩ đồng hương (2) và lấy biệt hiệu là Vinh Sơn Hoà Bình (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thầy Vinh Sơn học thêm bốn năm thần học và được thụ phong linh mục năm 1758.
Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm liền chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày ba tháng mười năm đó, khi giã từ các giáo sư và thân hữu để xuống tàu hồi hương, cha không thể giấu nổi niềm xúc cảm với bao lưu luyến những bạn bè quen thuộc trong tám năm qua. Về đến Trung Linh ngày 20.1.1759, cha đã không cầm nổi nước mắt, vì vui mừng được gặp lại cha chính Huy ra đón tận bến đò, được tái ngộ cùng thân quyến, đồng bào xóm làng, và nhất là các giáo hữu đang nôn nao đón chờ ngày “vinh quy” của vị linh mục du học hải ngoại.
Người Loan Báo Tin Mừng
Về Việt Nam, trước hết cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của linh mục Vinh Sơn Hòa Bình lại là loan báo Tin mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt đãm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Ổn.
Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách, nhất là từ thời Chúa Trịnh Sâm (1767-1782). Tại bất cứ nơi nào, cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên ai ai cũng hết lòng thương mến. Cha khích lệ mọi người thêm can đảm, cha an ủi những người buồn sầu, và không nề hà bất cứ điều gì vì lợi ích thiêng liêng của họ.
Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình. Trong các thơ của cha, ta còn đọc được: “Xin Đức cha và cha bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh nguyện, để mỗi ngày con được hoàn thiện hơn, vui lòng đón nhận những khốn khó theo ý Chúa”. Một ông hoàng, em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi từ trần đã lãnh bí tích Thánh tẩy nhờ công của các cha thừa sai, cha Liêm đón nhận tin đó như niềm vui của Giáo hội Việt Nam, và loan báo cho bề trên Giám tỉnh ở Manila. (3)
Lời Chứng Giữa Công Hội
Năm 1773, cha Vinh Sơn Liêm đi giảng cho họ Lương Đổng, chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Các quan nghe tin, liền cho ông Điều Cam đem quân vây bắt cha tại nhà ông Nhiêu Nhuệ ngày 2.10. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ Matthêô Vũ, Giuse Bích, rồi đem nộp cho chánh tổng Xích Bích. Viên chánh tổng giam cha mười hai ngày, không thấy các tín hữu đưa tiền chuộc, sau đó mới chịu giải lên Phố Hiến nộp cho quan trấn. ở đây, cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Castaneda Gia đã bị giam ở đó. Hai anh em sung sướng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong cảnh tù tội.
Ngày 20.10 quan trấn bắt hai cha mang chiếc gông có ghi bốn chữ “Hoa Lang Đạo Sư”, rồi trao cho quan phủ Thần Khê giải hai cha và hai cậu giúp lễ về kinh đô Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm. Chính tại đây đã diễn ra hội đồng tứ giáo.
Có một quan lớn là chú của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Mẹ của quan lớn, bà Thương Trâm, quê xứ Hải Dương, vốn có đạo. Nhiều lần bà khuyên con tòng giáo. Quan lớn liền nảy ra sáng kiến triệu tập đại diện bốn tôn giáo để trình bày về đạo của mình. Quan nói: “Lòng ta chuộng sự thật muốn biết đạo nào là đạo chính để thờ phượng”. Cuộc trao đổi kéo dài ba ngày, mỗi ngày một vấn đề về nguồn gốc con người, mục đích cuộc đời và đời sau của mỗi người. Cha Liêm và cha Gia đại diện cho đạo Thiên Chúa đã khéo léo trình bày đến nỗi quan lớn phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng vì biết phủ chúa vẫn cấm đạo, nên quan vẫn ngần ngại chưa theo. (4)
Sau đó ít bữa, hai cha lại có cơ hội để nói về đạo với Thái Tôn, mẹ của chúa Trịnh Sâm. Bà vì tò mò, đã cho vời các ngài vào. Không nói rõ nội dung buổi nói chuyện ra sao, nhưng cuối cùng Thái Tôn hỏi: “Nếu chỉ có đạo các thầy là đạo thật, thì những người không theo đạo ấy, chết rồi đi đâu?”. Cha Liêm đáp: “Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ” (5). Nghe thế, Thái Tôn Dương Hậu đùng đùng nổi giận, bà dùng uy tín ép con là Tĩnh Đô Vương phải xử tử cả hai vị linh mục. Do đó, ngày 4.11, Tĩnh Đô Vương lên án trảm quyết hai cha, hai cậu giúp lễ bị kết án lưu đày, đến khi nộp một trăm quan tiền chuộc, thì được trả lại tự do.
Ngày 7.11 hai cha bị đem đi xử, dân chúng đi xem rất đông. Khi đoàn người dừng trước cửa hoàng cung, một viên quan đọc bản án. Theo phong tục thời đó, lúc này vua có thể ân xá cho tội nhân. Một viên quan khác lớn tiếng nói: “Hoa Lang Đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến nay, chưa người dân Việt nào bị xử tử vì đạo này (6) nên vua đại xá cho tên Liêm. Nghe thế cha Liêm vội lên tiếng thưa rằng:
“Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ đó, thì cũng phải lên án trảm quyết cho tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi, thì cũng không được kết án cha Gia. Vì tôi là công dân nước Việt, lẽ ra tôi phải giữ luật nước hơn ngài. Nhưng nếu giết cha Gia, còn tôi lại tha, án của nhà vua không công bằng. Yêu cầu tha thì tha cả hai, giết thì giết cả hai. Thế mới là án công bình”.
Những lời lẽ minh bạch của cha Liêm có thể là phát xuất từ tình nghĩa huynh đệ, không muốn xa lìa người anh em, cũng có thể là lời xin tha cho linh mục bạn, vì nhiều người chứng kiến cảm động và muốn cả hai được tha. Nhưng lời lẽ đó cũng có thể do lòng ao ước muốn dâng hiến chính mạng sống mình để làm chứng cho đạo thật.
Dầu sao thì bản án vẫn không thay đổi. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin kính và hát kính Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Đông Mơ. Những nhát gươm định mệnh đã giúp hai vị hoàn tất sứ mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Đức Kitô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.
Ngày 20.5.1906 Đức Giáo Hoàng Piô X suy tôn các ngài lên bậc Chân Phước.
Thánh Vinh Sơn Phạm hiếu Liêm, nhiều trường học đã nhận ngài làm Bổn mạng, trong đó có trường Cao đẳng Juan de Letran ở Phi Luật Tân. Thánh nhân là ánh vinh quang của dân tộc Việt Nam ở hải ngoại.
(1): Imprimerie de la Mission, Tân Định 1959.
(2): Gioan Thi Công, Phêrô Thiêng, Gioan Huy, Bùi Đức Sinh, dòng Đaminh TĐ Việt, q I, tr. 83.
(3): Hai thư đề ngày 17.6.1764 gởi bề trên tỉnh Pedro Yre và Đức cha Bernado Vetaria, tân giám mục địa phận Nueva Segovia.
(4): Cuốn “Hội Đồng Tứ Giáo” được lưu truyền ở Bắc Hà ghi rõ thời vua Cảnh Hưng và chúa Trịnh Sâm, xác định rõ có hai linh mục bị giam ở Thăng Long: một Tây và một bản quốc. Gispert (tr. 276-277) khẳng định đó là hai cha Gia và Liêm.
(5): Xin coi thêm trong chuyện cha Gia, tr. 255.
(6): Có lẽ viên quan không nhớ đến anh Phanxicô tử đạo khoảng 1630-1631 ở Bắc Hà. Xc Võ long Tê, Lịch sử văn học CGVN Sàigòn 1961, tr. 97.
Thánh Jacinto CASTANEDA GIA, Linh mục dòng Đaminh (1743 - 1773)
Từ Lời Kinh Tạ Ơn Của Bà Mẹ
Cuối năm 1773, tin tức linh mục Castaneda tử đạo đã về tới quê hương ngài ở Tây Ban Nha. Em trai thánh nhân là Clêmentê biết trước tiên, đã hết sức thận trọng báo tin cho mẫu thân. Bà sửng sốt hỏi: “Tại sao Jacinto của mẹ lại chết? Anh ấy chết bệnh hay bị giết?”. Clêmentê chợt nghĩ anh mình thất lộc ở tuổi ba mươi, sợ mẹ buồn nên hỏi lại: “Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào?” Bà đáp: “Mẹ mong vì đức tin mà Jacinto con mẹ bị giết”. Clêmentê liền nói: “Thưa mẹ, chính vì đức tin, người ta đã chém đầu anh ấy”. Ngay chiều hôm đó, bà mẹ đến nhà thờ dòng Đaminh để cùng các tu sĩ hát lên lời kinh tạ ơn TE DEUM.
Dấn Thân và Gian Khổ
Jacinto Castaneda Gia sinh ngày 13.10.1743 tại Jativa, thuộc giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Cậu được trời phú cho một khuôn mặt xinh đẹp đặc biệt. Nhiều người so sánh cậu đẹp như thiên thần trong các tranh của nhà danh họa Tây Ban Nha Murille (1682). Hơn thế nữa, chàng thanh niên tuấn tú ấy lại có một tâm hồn cao quý, đã sớm quyết tâm dâng hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa và truyền giảng Tin mừng cho thế giới. Để thực hiện lý tưởng cao cả đó, cậu đã gia nhập dòng Đaminh tại tu viện Thánh Philiphê ở Valencia.
Lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa thầy Jacinto đến Phi Luật Tân năm 1762. Sau khi thụ phong linh mục, cha tình nguyện đi loan báo Tin mừng ở Trung Hoa. Dầu Trung Hoa đang cơn cấm cách, cha đã đến nơi vào tháng 4.1766 cùng với cha Lavilla giảng đạo ở Phúc Kiến. Sau ba năm nhiệt thành phục vụ, ngày 18.7.1769 hai vị linh mục bị bắt giữ mười lăm ngày ở Phú An, rồi gần hai tháng với mười bốn cuộc thẩm vấn ở Phúc Kiến, cuối cùng các ngài bị trục xuất về Macao.
Không nản chí và cũng không chùn bước, tại Macao, gặp hai cha dòng khác từ Manila tới để đi Việt Nam, cha Castaneda và Lavilla liền xin bề trên cho phép đồng hành sang Việt Nam. Sau đó, bốn vị cùng đáp tàu đến Bắc Việt ngày 23.2.1770. Cha Gia ở lại Trung Linh học tiếng và phong tục Việt trong hai tháng, rồi được cử đi truyền giáo ở khu Lai Ổn, Kẻ Diền, phủ Thái Ninh. Cha tự thuật như sau: “Hiện nay tôi đảm nhiệm một khu vự thật lớn, phụ trách hơn sáu mươi nhà thờ với sự cộng tác của hai linh mục bản xứ. Quả thật, tôi không đủ sức cáng đáng hết những việc phải làm”.
Vì sáu mươi làng có đạo mà cha Gia phụ trách ở rải rác cách xa nhau, nên cha phải liên tục di chuyển hết làng này đến làng khác, và chẳng bao lâu, sức khỏe cha giảm sút mau lẹ. Dù vậy, cha vẫn cố gắng đến thăm từng họ đạo. Giáo hữu rất yêu mến cha, nhưng lương dân cố lập mưu bắt cha để được tiền chuộc hoặc tiền thưởng. Do đó nhiều lần cha phải đổi chỗ để thoát khỏi những cặp mắt đang rình rập.
Ba năm truyền giáo đã trôi qua. Ngày 12.7.1773, sau khi ban bí tích cho một bệnh nhân ở Lai Ổn, cha Gia và thầy Tân đi về Kẻ Diền thì lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Để đánh lạc hướng, thầy Tân nhanh trí chèo thuyền qua bên kia sông Luộc, rồi lập tức quay lại cùng cha trốn vào ở làng Gia Đạo. Không ngờ, người gia chủ đi báo với quan để lãnh thưởng nên cả hai đều bị bắt.
Qua trung gian chánh tổng Xích Bích, quan đòi ba ngàn quan tiền chuộc. Cha đáp: “Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền chuộc. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết”. Sau nhiều ngày hành hạ cha đủ cách, quan phủ không còn hy vọng đòi tiền chuộc nữa, mới cho giải nộp lên quan trấn thủ Sơn Nam ở Phố Hiến (Hưng Yên), và cha Gia bị tống giam vào ngục.
Giữa tháng 10.1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 2.10 tại Lương Đông, cũng bị chánh tổng Xích Bích giam giữ mười hai ngày trước khi giải lên đây. Thật là niềm vui lớn, hai anh em cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh quang tử đạo. Ngày 20.10, quan trấn truyền đóng gông hai cha có ghi chữ “Hoa Lang Đạo Sư” (1), rồi trao cho quan phủ Than Khê áp giải lên Thăng Long.
Suy Tôn Thánh Giá Trong Phủ Chúa
Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục dòng thuyết giáo có nhiều cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc tranh luận nổi tiếng nhất được mệnh danh là “Hội Đồng Tứ Giáo” giữa đại diện bốn tôn giáo: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Ba đề tài được đưa ra: Người ta bởi đâu mà có? Sống ở đời này để làm gì? Và chết rồi đi về đâu? Cha Gia với kinh nghiệm giảng đạo ở Phúc Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những điển tích, châm ngôn của Trung Hoa, khiến viên quan tổ chức, chú của chúa Trịnh Sâm, phải hết sức khâm phục.
Chính Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm cũng thích hỏi hai cha nhiều chi tiết về đạo. Một hôm, ông yêu cầu cha Gia cử hành vài nghi lễ cho các quan xem, cha liền mặc áo lễ, cắt nghĩa lễ phục và trình bày giáo lý cho các quan. Sau đó, cha đặt tượng Thánh giá trước ngai Tĩnh đô Vương, quỳ xuống hôn kính sốt sắng và đọc bằng tiếng Việt các kinh Ăn năn tội, kinh Tin kính, kinh Lạy Cha. Tiếp đó cha nâng cao ảnh Đức Mẹ và đọc kinh Lạy Nữ Vương. Cử chỉ và lời kinh của cha gây nhiều xúc động cho những người hiện diện. Nhưng số phận của cha đã được định đoạt trong chiếu chỉ của phủ chúa rồi. Có điều bản án đến sớm hơn vì bà mẹ của chúa Trịnh Sâm.
Khi Bà Thái Tôn Nổi Giận
Nguyên do bà mẹ của Tĩnh đô Vương rất sùng đạo Phật. Khi nghe tin có hai linh mục trẻ tuổi, thông thái, lại điển trai và ăn nói văn hoa, liền yêu cầu được gặp mặt và nói chuyện. Thế là hai vị được dẫn đến ra mắt Thái Tôn. Rồi một hồi trao đổi thân mật, bỗng nhiên bà hỏi: “Nếu như các thầy nói chỉ có đạo các thầy là đạo thật, vậy những người không theo đạo, chết rồi đi đâu?”. Cha Liêm điềm nhiên trả lời: “Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ” (2). Câu trả lời của vị linh mục làm Thái Tôn nổi giận, không thèm nghe giải thích thêm, đòi xử tử hai ông đạo sư ngay lập tức. Từ đó, hai cha bị cách ly, không cho gặp ai nữa. Ngày 4.11.1773, sau một buổi nghị án, chúa Trịnh Lâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.
Ngày 7.11.1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Đồng Mơ thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc kinh Tin kính và hát Salve Regina (kinh Lạy Nữ Vương). Hai vị chứng nhân Chúa Kitô cùng được lãnh triều thiên tử đạo. Cha Jacinto Gia khi ấy mới ba mươi tuổi, với sáu năm truyền giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng máu ngài đổ ra đã vun tưới cho bao hạt giống Tin mừng âm thầm trổ bông.
Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ Trung Linh. Ngày 13.11.1775, trong diễn văn trước Hồng Y đoàn, Đức Giáo Hoàng Piô VI đã nhắc đến chiến thắng vinh quang của hai vị.
Ngày 20.5.1906, Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc Chân Phước.
(1): Thời này người ta gọi các linh mục là đạo sư, thầy đạo.
(2): Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Đó là chân lý Giáo hội vẫn khẳng định. Nhưng Giáo hội vẫn tin rằng: có thể có người chưa rửa tội mà sống ngay lành, thì dù họ không ngờ, họ đang ở trong Giáo hội (Xc. HCGH, số 16).
Hiếu Trung, OP
Tòa Thánh Công Giáo Vatican tại Liên Hiệp Quốc: Lương Tâm nhắc nhở Thế Giới
Trong Tháng 10/2003, tại Liên Hiệp Quốc, với tư cách là một quan sát viên thường trực quốc tế, Tòa Thánh Vatican, vốn như tiếng lương tâm của nhân loại từ trước đến nay, đã tiếp tục nhắc nhở nhân loại về đủ mọi vấn đề được tổ chức quốc tế Liên Hiệp Quốc thành lập sau Thế Chiến Thứ II này quan tâm và bàn đến. Sau đây là thứ tự các vấn đề được Tòa Thánh trình bày theo nhận định và chủ trương của mình, được diễn tiến thứ tự như sau.• Ngày Thứ Tư 8/10/2003, về vấn đề hoàn toàn tổng giải giới,
• Ngày Thứ Ba 14/10, về vấn đề quốc tế kiểm soát các thứ thuốc nghiện,
• Ngày Thứ Bảy 18/10/2003, về Ngày Thế Giới Thực Phẩm 2003,
• Ngày Thứ Hai 20/10, về Vấn Đề Cổ Võ và Bảo Vệ Quyền Lợi của Trẻ Em,
• Ngày Thứ Ba 21/10, về “Qui Ước Quốc Tế Chống Lại Việc Tạo Sinh Sao Bản Con Người”,
• Ngày Thứ Tư 22/10, về vấn đề du lịch,
• Ngày Thứ Ba 28/10, về “Thập Niên Giáo Dục cho Việc Phát Triển Khả Thủ”.Xin xem các tài liệu này vào tuần tới do Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch cho phần Giáo Hội Hiện Thế và Muối Ðất Men Bột của www.thoidiemmaria.net
6/11 Thứ Năm
ĐTC GPII với Tổng Thống Nga Putin về vấn đề đại kết Kitô giáo
Chiều hôm qua, 5/11/2003, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã phổ biến nội dung cuộc gặp gỡ giữa ĐTC GPII và Tổng Thống Nga Putin sau khi cuộc họp chấm dứt như sau:
“Chiều nay, ĐTC đã tiếp ông Vladimir V. Putin, tổng thống của Liên Bang Nga. Cuộc gặp gỡ này rất thân tình, kéo dài 30 phút. ĐTC đã yêu cầu bức ảnh Đức Bà Kazan được giữ ở trong phòng và Ngài đã cho Tổng Thống Putin thấy”.
Theo bản tin của văn phòng báo chí này thì Tổng Thống Putin đã nói với ĐTC về cảm nhận của ông về việc gặp gỡ giữa ông và ĐTC lần trước rằng: “Mặc dù 3 năm đã qua đi nhưng nó dường như mới ngày hôm qua”.
Bản thông báo viết tiếp: “Trong cuộc đàm thoại, những đề tài về thiện ích của nhau đã được kiểm điểm, nhất là vấn đề những người Công Giáo ở Nga cũng như những cơ cấu giáo hội của họ ở đấy. Cả hai đều bày tỏ hy vọng thấy được việc phát triển tích cực trong việc đối thoại giữa Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Moscow. Về các vấn đề quốc tế hai bên đã trao đổi ý kiến về cuộc xung khắc ở Thánh Địa cũng như về vấn đề Iraq. ĐHY Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano cũng gặp ông Igor Ivanov, bộ trưởng ngoại giao Nga và các vị bộ trưởng trong phái đoàn tùy tùng. Trong cuộc đàm thoại với nhau, hai bên đã trao đổi ý kiến về tình trạng đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống. Sau đó các vị xét đến những sáng kiến mới về hòa bình ở Thánh Địa và Iraq”.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là mối liên hệ giữa Tòa Thánh Rôma và Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga ở Moscow đã gặp khó khăn trục trặc từ khi ĐTC GPII quyết định vào tháng 2/2002 về việc thành lập 4 giáo phận mới ở Nga, một việc mà giáo hội Chính Thống Nga cho rằng qua mặt Nga, và đã làm cho Giáo Hội này bắt đầu đẩy mạnh việc bài Công Giáo, cho rằng Công Giáo muốn thực hiện việc dụ giáo thành phần Chính Thống giáo ở Nga, nên đã tìm cách tống khứ một số vị linh mục và cả giám mục ngoại quốc ra khỏi Nga trong năm 2002.
Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, theo vị thông dịch viên Vatican, ĐTC nói với vị trợ tá của mình mang bức ảnh Đức Bà Kazan vốn được treo ở nguyện đường của Ngài đến Thư Phòng là nơi Ngài gặp gỡ Tổng Thống Putin để vị này được thấy. Vị tổng thống này đã nhìn ĐTC làm phép bức ảnh và sau đó ông hôn bức ảnh. Theo các phóng viên Nga ở trong Thư Phòng bấy giờ thì sau đó ĐTC đã nói bằng tiếng Nga như sau: “Tôi xin cám ơn Tổng Thống Putin về tất cả những gì ông làm cho việc xích lại gần nhau của Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo cũng như cho hòa bình thế giới”.
Trước khi rời Nga đến Rôma thăm Ý quốc, tổng thống này đã nói với các ký giả Ý ở Moscow rằng ông muốn đóng góp vào việc chấm dứt việc trục trặc giữa Vatican và Giáo Hội Chính Thống, thế nhưng Nga sẽ bênh vực đức tin và căn tính của mình: “Tôi cảm thấy công việc của tôi không phải là bảo đảm việc ĐGH viếng thăm Nga, mà là giúp vào việc tiến đến hiệp nhất. Theo tự nhiên thì nó chỉ xẩy ra khi hai Giáo Hội tiến đến chỗ đồng ý với nhau mà thôi”.
ĐTC với Đại Hội của Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo về Tiến Bộ của Việc Đại Kết
Nhân dịp đại hội của Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo về đề tài “Linh Đạo Đại Kết”, ĐTC đã gửi bức thư đề ngày 3/11/2003 cho ĐHY Chủ Tịch của hội đồng này là Walter Kasper như sau:
“Sau 25 năm được chọn lên Tòa Thánh Phêrô, Tôi tạ ơn Chúa vì Tôi có thể nói rằng, bất chấp một số biến cố xẩy ra, những bước tiến quan trọng và đáng kể đã được thực hiện trên con đường đại kết hướng đến mục tiêu hiệp nhất Kitô giáo. Con đường đại kết chắc chắn không phải là dễ bước…. Mục tiêu của mối hiệp thông hữu hình trọn vẹn có những lúc đã tạo nên những hoàn cảnh và những phản ứng đau đớn nơi những ai muốn đẩy mạnh tiến trình này bằng mọi giá, hay nơi những ai cảm thất nản chí trên con đường dài mà vẫn chưa được bắt đầu. Tuy nhiên, nơi học đường đại kết, chúng ta đang học sống bằng một đức tin khiêm tốn cái giai đoạn trung gian này, ý thức rằng nó tiếp tục là một giai đoạn không lui bước. Chúng ta muốn cùng nhau thắng vượt những khác biệt cũng như những khó khăn, chúng ta muốn cùng nhau nhìn nhận những thiếu sót và trì trệ trên con đường hiệp nhất, chúng ta muốn tái thiết lập ước mong hòa giải ở nơi có thể bị đe dọa bởi sự khác biệt và nghi ngờ… Chỉ có một thứ linh đạo đại kết chặt chẽ được sống theo tinh thần đơn sơ dễ dạy với Chúa Kitô và hoàn toàn cởi mở trước những tác động của Thần Linh, mới giúp chúng ta sống bằng một nghị lực cần thiết giai đoạn trung gian này, một giai đoạn chúng ta cần phải chấp nhận cả tiến bộ và thách đố của chúng ta, ánh sáng và bóng tối diễn ra trên con đường đại kết”.
Về phần vị HY chủ tịch, hôm Thứ Hai, 3/11, trong phần mở đầu, đã đề cập đến khía cạnh tích cực và tiêu cực của nỗ lực đại kết như sau:
“Những căng thẳng giữa các Giáo Hội Chính Thống độc lập, hay những căng thẳng hiện nay nơi Giáo Hội Anh Giáo, nơi các cộng đồng theo truyền thống Cải Cách, cũng như nơi Giáo Hội Công Giáo, đang tác hại đến việc đối thoại. Việc thiếu hụt một thứ hiệp ước nội tại đang tạo nên chướng vật và có những lúc làm ngăn cản việc thỏa thuận để đạt tới một hiệp ước ngoại diện”. Vị chủ tịch nhận định thêm là việc thiếu hiệp nhất nội tại “dẫn đến tình trạng tê liệt vấn đề đại kết thậm chí làm cho nó trở thành bất lực”. ĐHY cho biết thêm: Một đàng thì những đối đầu đang được thắng vượt, hay ít là chúng ta đang xích lại gần nhau, đàng khác lại xẩy ra những khác biệt mới”. Những khác biệt mới này, theo ĐHY, như Đài Phát Thanh Vatican trích lời của ngài, liên quan đến những vấn đề đạo lý, “như vấn đề phá thai, ly dị, trợ an tử và đồng tính luyến ái. Thế nhưng cả những vấn đề về sắc tộc, xã hội và chính trị cũng thường gây ra chia rẽ nữa”.
ĐTC Gioan Phaolô II với các vị Giám Mục Phi Luật Tân đợt 3 về vấn đề dấn thân tham gia vào “việc tân truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn”.ĐTC đã tiếp phái đoàn Giám Mục Phi Luật Tân đợt ba sang thăm tòa thánh ngũ niên, những vị thuộc các giáo tỉnh Manila, Lingayen-Dagupan, Nueva Segovia, San Fernando, Tuguegarao và the military ordinariate
Quí Huynh thân mến trong Hàng Giáo Phẩm,
1.- Tôi rất vui mừng được đón tiếp quí huynh là nhóm Giám Mục Phi Luật Tân đợt ba vào lúc chúng ta kết thúc một loạt viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên này…. Tôi tạ ơn Chúa Toàn Năng vì trong mấy tháng vừa qua đã cho Tôi được hân hạnh gặp gỡ hầu hết mọi vị giám mục thuộc xứ sở của quí huynh, nơi có nhiều người Công giáo nhất ở Á Châu và là nơi có những cộng đồng Công giáo sinh động nhất trên thế giới. Những cuộc viếng thăm này chẳng những củng cố mối liên kết giữa chúng ta, mà còn cống hiến cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để nhìn kỹ hơn vào những thành đạt chiếm được cũng như những thách đố vẫn đang gây khó khăn cho Giáo Hội tại Phi Luật Tân. Về khía cạnh này, Tôi muốn trao phó cho tất cả quí huynh về hoạt động thành công của quí huynh ở Cuộc Tham Vấn Mục Vụ Toàn Quốc. Quí huynh quá rõ là việc áp dụng một dự án có tầm vóc rộng lớn như thế không phải là một việc dễ làm, song quí huynh cũng nên ý thức rằng quí huynh không đảm trách việc này một mình đâu. Thật vậy, như “những vị Mục Tử coi sóc đàn chiên Chúa”, quí huynh biết rằng quí huynh có thể cậy dựa vào ân sủng thần linh khi quí huynh thi hành thừa tác vụ làm giám mục của mình (cf. "Pastores Gregis," 1).
Vì đã bàn đến những đề tài liên quan đến vấn đề Giáo Hội của người nghèo cũng như vấn đề cộng đồng môn đệ Chúa Kitô, Tôi muốn suy tư về vấn đề dấn thấn tham gia vào “việc tân truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn”.
2. Chúa Kitô đã để lại cho những ai Người yêu lệnh truyền phổ biến Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước khắp mọi nơi (x Mk 16:15). Lời đoàn nguyền của Giáo Hội tại Phi Luật Tân dấn thân vào việc tân truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn cho thấy Giáo Hội muốn bảo đảm là đức tin cùng với các giá trị Kitô giáo phải được thấm nhiễm vào hết mọi khía cạnh của xã hội. Bản Văn Viễn Ảnh Sứ Vụ diễn tả việc truyền bá phúc âm hóa như thế này: “Chúng ta sẽ phải bắt đầu việc tân truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn và việc làm chứng cho Phúc Âm cứu độ và giải phóng của Chúa Giêsu Kitô bằng lời nói, việc làm và đời sống của chúng ta”. Lời diễn tả về “việc tân truyền bá phúc âm hóa” này nhìn nhận một cách rõ ràng là yếu tố thiết yếu của tiến trình ấy là việc làm chứng. Thế giới ngày nay là một thế giới lúc nào cũng đầy ắp những ngôn từ và tín liệu. Vì lý do ấy và có lẽ hơn lúc nào hết trong giòng lịch sử gần đây, những điều Kitô hữu cần phải nói thì vang to hơn những điều họ nói. Có lẽ đó là lý do tại sao đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta nói với rất nhiều tâm hồn. Mẹ đã mang những gì đã nghe ra hoạt động, loan truyền tình yêu của Chúa Kitô cho tất cả mọi người Mẹ gặp, lúc nào Mẹ cũng nhìn nhận rằng “vấn đề không phải là chúng ta đã làm bao nhiêu, mà là chúng ta đã yêu thương bao nhiêu nơi những gì chúng ta làm” mới là điều đáng kể. Thật vậy, “dân chúng ngày nay đặt tin tưởng vào các chứng nhân hơn vào các bậc thày, vào cảm nghiệm hơn vào giảng dạy, và vào đời sống và hoạt động hơn vào lý thuyết”. Bởi thế, chứng từ yêu thương của đời sống Kitô hữu bao giờ cũng là “hình thức trên hết và bất khả thay thế của việc truyền giáo” ("Redemptoris Missio," 42).
3. Những con người nam nữ ngày nay mong muốn có những mẫu sống của thành phần chứng nhân đích thực cho Phúc Âm. Họ mong mỏi được nên giống Chúa Kitô hơn, và điều này hiển nhiên nơi nhiều cách thức được người Công giáo Phi Luật Tân dùng để bày tỏ đức tin của họ. Một thí dụ về nỗ lực mang Chúa Kitô cho người khác được thấy nơi việc Giáo Hội phát triển những chương trình an sinh xã hội giành cho người nghèo và người bị ruồng bỏ, cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương. Việc dấn thân truyền bá Tin Mừng này cũng hiển nhiên tỏ hiện nơi việc sử dụng một cách hiệu nghiệm các phương tiện truyền thông đại chúng để nhấn mạnh đến tính chất tinh tế về luân lý cũng như để phấn khích mối quan tâm về các vấn đề xã hội. Ngoài những thánh đạt đáng kể ấy vẫn còn có những chướng ngại vật khác nhau, như sự kiện có một số người Công giáo gia nhập các giáo phái chỉ biết mê tín dị đoan; tình trạng không quen thuộc với các giáo huấn của Giáo Hội; sự kiện chấp nhận của một số thái độ phản sự sống đã tỏ ra chủ động cổ võ vấn đề ngừa thai, phá thai và tử án; và, như Tôi đã đề cập đến ở bài chia sẻ vừa rồi với các vị giám mục Phi Luật Tân, tình trạng phân rẽ kéo dài giữa đức tin và đời sống (cf. Proceedings and Addresses of the NPCCR, January 2001, p. 146).
Đường lối vững chắc để nói lên những mối quan tâm này được tìm thấy nơi việc quí huynh dấn thân để làm sinh động và phát triển sứ vụ truyền giáo “cho muôn dân”. Chúa Giêsu, “nhà truyền bá phúc âm hóa chính”, đã chỉ định các vị tông đồ hãy theo bước chân của Người bằng việc trở nên những “đặc phái viên” riêng của Người. Là những người thừa kế của các vị, nhiệm vụ linh thánh của quí huynh là bảo đảm rằng những ai phụ giúp quí huynh trong việc mục vụ thừa tác đều phải sẵn sàng mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho thế giới (cf. Catechism of the Catholic Church, 858-859). Quí huynh có thể bảo đảm được việc sẵn sàng như thế nếu quí huynh bảo đảm là những người Phi Luật Tân có được những cơ hội thuận tiện để nghe lời Chúa, để cầu nguyện và chiêm niệm, để cử hành mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, cũng như để nhìn thấy các gương mẫu của “mối hiệp thông thực sự của sự sống và tính cách nguyên vẹn của yêu thương” (Giáo Hội tại Á Châu, 23). Một lần nữa, Tôi khẳng định là “Cộng đoàn Kitô hữu càng được bắt nguồn từ cảm nghiệm về Thiên Chúa, một cảm nghiệm phát xuất từ một đức tin sống động, cộng đoàn này càng có uy tín để loan báo cho kẻ khác biết hoàn tất của vương quốc Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” (ibid)
4. Những biến cố xẩy ra trong những năm gần đây ở Phi Luật Tân cho thấy rõ ràng nhu cầu khẩn trương cho việc truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn tất cả mọi lãnh vực xã hội, nhất là nơi những gì liên quan đến chính quyền và chính sách chung. Là những Kitô hữu và công dân thế giới quan tâm, chúng ta không bao giờ được coi thường “sự dữ bại hoại đang làm suy yếu việc phát triển về xã hội và chính trị của rất nhiều dân tộc” (Message for the 1998 World Day of Peace, 5). Về khía cạnh này, cần phải làm sáng tỏ vấn đề là không một vai trò phục vụ công chúng nào có thể được coi như là sản vật tư riêng hay như là một đặc quyền riêng tư. Coi vai trò phục vụ công chúng như là một thứ lợi nhuận chắc chắn sẽ đi đến chỗ thiên vị là những gì dẫn tới việc lạm dụng hay sử dụng sai trái công quĩ, hối lộ, nịnh hót, xui xiểm, và băng hoại (cf. Proceedings and Addresses of the NPCCR, January 2001, p. 120).
Dân chúng Phi Luật Tân biết rằng để công khai cáo giác tình trạng băng hoại đòi phải có một lòng can đảm mạnh mẽ. Để loại trừ tình trạng băng hoại cần phải được tất cả mọi người công dân dấn thân hỗ trợ, phải được các vị có thẩm quyền dứt khoát giải quyết và phải có một lương tâm vững chắc về luân lý. Ở chỗ này, Giáo Hội giữ một vai trò trọng yếu vì Giáo Hội là tác nhân chính trong việc hình thành lương tâm của con người một cách thích đáng. Trách vụ của Giáo Hội, theo nguyên tắc, không phải là trách vụ trực tiếp can thiệp vào những vấn đề hoàn toàn chính trị, mà là trách vụ hoán cải con người cũng như truyền bá phúc âm hóa văn hóa, để nhờ đó tự xã hội có thể tiếp tục công cuộc cổ võ việc biến đổi xã hội và phát triển một cảm quan sắc bén về tính cách trong sáng nơi chính quyền và về tính cách ghê tởm của sự băng hoại (cf. "Apostolicam Actuositatem," 7, and the Message for the 1998 World Day of Peace, 5).
5. Cách duy nhất có thể bảo đảm xã hội chủ động và trung thành tham dự vào cuộc truyền bá phúc âm hóa đó là thực hiện việc huấn luyện xứng hợp cho giới trẻ một cách sớm sủa trong cuộc hành trình đức tin và đời sống của họ. Việc Tôi đến với Ngày Giới Trẻ ở Manila năm 1995 đã cho Tôi lần đầu tiên thấy được nhiệt tình giới trẻ tỏ ra đối với Chúa Kitô cũng như đối với Giáo Hội của Người. Lòng nhiệt thành muốn biết hơn nữa về đức tin của họ đã được chứng tỏ cho thấy nơi nhiều giới trẻ tham gia vào sinh hoạt giáo xứ. Tôi có lời khen ngợi Giáo Hội tại Phi Luật Tân về tất cả những gì Giáo Hội ở đây đã làm để cung cấp việc chăm sóc mục vụ thích hợp cho giới trẻ. Nhiều giáo phận của quí huynh đã thực hiện những cuộc cấm trại mùa hè, những cuộc tĩnh tâm, những Thánh Lễ giới trẻ thường xuyên và những văn phòng huấn luyện giới trẻ. Điều đáng chú ý nhất là cách thức các cộng đồng địa phương của quí huynh tỏ ra lắng nghe những quan tâm và đề nghị của giới trẻ, khiến họ có tiếng nói chủ động trong Giáo Hội (cf. "Ecclesia in Asia," 47).
Việc truyền bá phúc âm hóa nơi giới trẻ đồng thời cũng vẫn có những chướng ngại vật. Nơi một số gia đình cha mẹ không khuyến khích con cái tham gia vào các sinh hoạt được Giáo Hội bảo trợ. Khả năng của giới trẻ bị đe dọa bởi nạn mù chữ, bởi lòng ham muốn các thứ của cải vật chất, bởi thái độ xu thời đối với vấn đề dục tính cũng như đối với chước cám dỗ nghiện hút và say men. Quí huynh đã đề cập đến việc quí huynh cảm thấy buồn nản về nhiều giới trẻ đã bỏ Giáo Hội Công Giáo theo các giáo phái cực đoan, trong đó có nhiều giáo phái chú trọng tới vấn đề giầu sang vật chất hơn là vấn đề phong phú thiêng liêng. Để đáp ứng cho những mối quan tâm này, Tôi cầu xin để quí huynh tiếp tục gắn bó với giới trẻ, nhất là thành phần đang gặp nguy hiểm, bằng cách cung cấp cho họ phương tiện để được hưởng một nền giáo dục Công giáo khả thủ cùng với những sinh hoạt được Giáo Hội hỗ trợ, cũng như bằng cách giúp cho họ hiểu biết hơn nữa là chỉ có một mình Chúa Kitô mới có những lời ban sự sống đời đời mà thôi” (x Jn 6:63).
6. Sau hết, quí huynh thân mến, Tôi xin quí huynh hãy tiếp tục khích lệ hàng giáo sĩ và tu sĩ là thành phần đang bỏ rất nhiều thời gian và nghị lực của mình để cố gắng khai triển những đường lối mới mẻ và hiệu nghiệm để truyền bá sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô. Hãy bảo đảm với họ rằng vai trò chuyên nhất của họ là những người truyền bá Phúc Âm là những gì thiết yếu cho việc thành công của vấn đề truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn. Về vấn đề này, Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của Tôi với cả những vị thừa sai và tu sĩ trong quá khứ đã mang Chúa Giêsu đến cho nhân dân Phi Luật Tân, lẫn những ai tiếp tục làm cho Người hiện diện hôm nay đây. Chúng ta tạ ơn Thiến Chúa vì, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói: “Chúa luôn luôn kêu gọi từ số những môn đệ của Người những ai Người muốn… đ63 Người sai họ đi rao giảng cho các dân nước” ("Ad Gentes," 23). Tôi hy vọng rằng tất cả mọi tín hữu của Giáo Hội sẽ tiếp tục phấn khích những con người nam nữ trẻ trung đáp ứng tiếng kêu mời sống “ơn gọi đặc biệt” được mô phỏng theo ơn gọi của các vị tông đồ này (cf. "Redemptoris Missio," 65).
7. Quí Huynh Giám Mục thân mến, vào lúc quí huynh lên đường trở về với các Giáo Hội địa phương của mình, Tôi xin Chúa kiên cường quí huynh trong việc quí huynh dấn thân thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa toàn vẹn, trong những nỗ lực của quí huynh để “trình bày cho thấy Đấng khai mở một kỷ nguyên mới lịch sử và là Đấng loan báo cho thế giới tin mừng của một ơn cứu độ trọn vẹn và đại đồng chất chứa niềm hứa hẹn về một thế giới mới sẽ không còn đau thương và bất chính mà là vui mừng và mỹ lệ” ("Pastores Gregis," 65). Ký thác quí huynh, hàng giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu giáo dân Phi Luật Tân cho Mẹ Maria Mẹ Giáo Hội phù hộ, Tôi thân ái ban phép lành tòa thánh của Tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 30/10/2003
5/11 Thứ Tư
Thánh Đaminh HÀ TRỌNG MẬU, Linh mục dòng Đaminh (1794 - 1858)
Thánh Lễ Mạng Sống
Lời chứng của bà Maria Di có lẽ cũng nói lên được tâm tình của Thánh Đaminh Hà trọng Mậu trong ngày tử đạo. Ba mươi năm linh mục, với bao nhiêu thánh lễ trên bàn thờ, chắc chắn giờ đây cha cũng hân hoan khi được hiến dâng chính nạmg sống mình như Đức Giêsu xưa trên đồi Golgotha. Tại bờ sông Hưng Yên hôm ấy, giữa tiếng quát tháo ồn ào của quân lính và dân chúng, ngài đã quỳ đó thinh lặng, ngây ngất cầu nguyện và nghiêng mình lãnh nhận nhát gươm hồng phúc.
Gian Nan Chẳng Sờn
Năm 1794, làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, quê hương của Thánh Tôma Dụ và Đaminh Đạt, đã được vinh dự chào đón ngày sinh của bé Đaminh Hà trọng Mậu, vị tử đạo tương lai. Lớn lên cậu xin phép cha mẹ, ông bà Đaminh và Maria Mỹ, dâng mình cho Chúa và chung sống với những bạn đồng chí hướng. Như hạt giống tốt được ươm vào mảnh đất phì nhiêu, nơi đây, cậu Mậu được học chữ nghĩa và tập tành các nhân đức. Càng thêm tuổi, cậu càng thêm khôn ngoan và đạo đức càng được mọi người mến thương.
Tiếp đó cậu nhận thấy Chúa muốn cho mình tiến xa hơn, nên cậu xin vào chủng viện và kiên trì học tập cho đến ngày thụ phong linh mục. Năm 1829 cùng với mười linh mục khác trong địa phận, cha Mậu xin vào dòng Đaminh để có thể kết hiệp mật thiết hơn với Chúa, và gắn bó với nhau trong sứ vụ rao giảng Tin mừng. Năm sau, cả mười một vị khấn dòng. Lớp tập của cha sau này tử đạo bảy vị, sáu vị kia đều thuộc danh sách các Đấng đáng kính chờ được phong lên bậc Chân Phước. (1)
Trải qua những ngày gian khổ dưới cuộc bách hại của vua Minh Mạng, rồi những ngày bình an hơn dưới thời vua Thiệu Trị, cho đến mười năm đầy khó khăn thời vua Tự Đức, cha luôn luôn tỏ ra là một linh mục tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, không lùi bước trước khó khăn, đem hết tâm trí sức lực mưu ích cho các linh hồn. Cha đảm nhiệm nhiều giáo xứ, nhưng bất cứ nơi nào cần, cha sẵn sàng đến, coi thường mọi hiểm nguy.
Ngày 27.8.1858, quan quân đến vây làng Kẻ Diền và bắt được cha Mậu, những người phục vụ trong nhà xứ và một số giáo dân khác, giải về Hưng Yên. Hơn hai tháng bị giam trong ngục, dầu phải mang gông xiềng và chịu tra tấn nhiều lần, cha vẫn cương quyết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, cha biến nhà giam thành một trụ sở hoạt động mới. Tại đây, cha gặp gỡ và khích lệ các giáo hữu cùng bị giam chấp nhận mọi khổ đau vì niềm tin. Tại đây, cha giúp nhiều tội nhân hoán cải đời sống. Đặc biệt, một số phụ nữ đạo đức tìm cách đưa giáo hữu ở ngoài vào thăm để được xưng tội với cha.
Hiến Lễ Tình Yêu
Mặc dù phải ra tòa nhiều lần, nhưng cha luôn luôn giữ trong mình chuỗi tràng hạt Mân Côi. Cha cố dành ra những giờ rảnh rỗi để cầu nguyện và suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với mọi người, cha luôn cư xử cách nhân ái yêu thương, săn sóc nên ai cũng quý mến cha. Bà Ana Nguyễn Hoan, một người vẫn thường xuyên vào thăm cha trong tù, khẳng định rằng: “Các lính canh cũng kính nể và khâm phục cha”.
Khi thấy không thể làm cho vị chiến sĩ đức tin bỏ đạo, quan tỉnh Nam Định làm án trảm quyết cho cha và hai mươi mốt giáo hữu khác. Khi biết tin này, cha Mậu tỏ ra hân hoan, giúp đỡ các giáo hữu xưng tội và chuẩn bị đón nhận hồng phúc tử đạo.
Ngày 5.11.1858, trên đường ra pháp trường mọi người đi dự đều có cảm tưởng cha đang nghiêm trang cử hành thánh lễ. Ngước mắt lên trời, đôi khi tay chắp lại, cha dẫn đầu đoàn người tử đạo. Khi đến nơi xử, bên bờ sông Hưng Yên, cha quỳ gối xuống, tiếp tục cầu nguyện ít lâu, rồi đưa cổ cho lý hình chém. Thi thể cha được mai táng trọng thể tại nhà thờ xứ Mai Linh, tỉnh Nam Định.
Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn cha Đaminh Hà trọng Mậu, linh mục dòng thuyết giáo lên bậc Chân Phước ngày 29.4.1951
(1) Xc: Bùi Đức Sinh, Đaminh TĐ Việt I, tr. 154.
Sáu Đấng đáng kính là: Đaminh Khang, Phêrô Khanh, Nicolao Tý, Phêrô Cảnh, Phêrô Quyền và Vinh Sơn Trí.
Thánh Jacinto CASTANEDA GIA, Linh mục dòng Đaminh (1743 - 1773)
Từ Lời Kinh Tạ Ơn Của Bà Mẹ
Hiếu Trung, OP
Cuối năm 1773, tin tức linh mục Castaneda tử đạo đã về tới quê hương ngài ở Tây Ban Nha. Em trai thánh nhân là Clêmentê biết trước tiên, đã hết sức thận trọng báo tin cho mẫu thân. Bà sửng sốt hỏi: “Tại sao Jacinto của mẹ lại chết? Anh ấy chết bệnh hay bị giết?”. Clêmentê chợt nghĩ anh mình thất lộc ở tuổi ba mươi, sợ mẹ buồn nên hỏi lại: “Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào?” Bà đáp: “Mẹ mong vì đức tin mà Jacinto con mẹ bị giết”. Clêmentê liền nói: “Thưa mẹ, chính vì đức tin, người ta đã chém đầu anh ấy”. Ngay chiều hôm đó, bà mẹ đến nhà thờ dòng Đaminh để cùng các tu sĩ hát lên lời kinh tạ ơn TE DEUM.
Dấn Thân và Gian Khổ
Jacinto Castaneda Gia sinh ngày 13.10.1743 tại Jativa, thuộc giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Cậu được trời phú cho một khuôn mặt xinh đẹp đặc biệt. Nhiều người so sánh cậu đẹp như thiên thần trong các tranh của nhà danh họa Tây Ban Nha Murille (1682). Hơn thế nữa, chàng thanh niên tuấn tú ấy lại có một tâm hồn cao quý, đã sớm quyết tâm dâng hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa và truyền giảng Tin mừng cho thế giới. Để thực hiện lý tưởng cao cả đó, cậu đã gia nhập dòng Đaminh tại tu viện Thánh Philiphê ở Valencia.
Lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa thầy Jacinto đến Phi Luật Tân năm 1762. Sau khi thụ phong linh mục, cha tình nguyện đi loan báo Tin mừng ở Trung Hoa. Dầu Trung Hoa đang cơn cấm cách, cha đã đến nơi vào tháng 4.1766 cùng với cha Lavilla giảng đạo ở Phúc Kiến. Sau ba năm nhiệt thành phục vụ, ngày 18.7.1769 hai vị linh mục bị bắt giữ mười lăm ngày ở Phú An, rồi gần hai tháng với mười bốn cuộc thẩm vấn ở Phúc Kiến, cuối cùng các ngài bị trục xuất về Macao.
Không nản chí và cũng không chùn bước, tại Macao, gặp hai cha dòng khác từ Manila tới để đi Việt Nam, cha Castaneda và Lavilla liền xin bề trên cho phép đồng hành sang Việt Nam. Sau đó, bốn vị cùng đáp tàu đến Bắc Việt ngày 23.2.1770. Cha Gia ở lại Trung Linh học tiếng và phong tục Việt trong hai tháng, rồi được cử đi truyền giáo ở khu Lai Ổn, Kẻ Diền, phủ Thái Ninh. Cha tự thuật như sau: “Hiện nay tôi đảm nhiệm một khu vự thật lớn, phụ trách hơn sáu mươi nhà thờ với sự cộng tác của hai linh mục bản xứ. Quả thật, tôi không đủ sức cáng đáng hết những việc phải làm”.
Vì sáu mươi làng có đạo mà cha Gia phụ trách ở rải rác cách xa nhau, nên cha phải liên tục di chuyển hết làng này đến làng khác, và chẳng bao lâu, sức khỏe cha giảm sút mau lẹ. Dù vậy, cha vẫn cố gắng đến thăm từng họ đạo. Giáo hữu rất yêu mến cha, nhưng lương dân cố lập mưu bắt cha để được tiền chuộc hoặc tiền thưởng. Do đó nhiều lần cha phải đổi chỗ để thoát khỏi những cặp mắt đang rình rập.
Ba năm truyền giáo đã trôi qua. Ngày 12.7.1773, sau khi ban bí tích cho một bệnh nhân ở Lai Ổn, cha Gia và thầy Tân đi về Kẻ Diền thì lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê. Để đánh lạc hướng, thầy Tân nhanh trí chèo thuyền qua bên kia sông Luộc, rồi lập tức quay lại cùng cha trốn vào ở làng Gia Đạo. Không ngờ, người gia chủ đi báo với quan để lãnh thưởng nên cả hai đều bị bắt.
Qua trung gian chánh tổng Xích Bích, quan đòi ba ngàn quan tiền chuộc. Cha đáp: “Quan muốn tha thì tha chứ tôi không có tiền chuộc. Tôi sẵn sàng chịu mọi gian khổ kể cả cái chết”. Sau nhiều ngày hành hạ cha đủ cách, quan phủ không còn hy vọng đòi tiền chuộc nữa, mới cho giải nộp lên quan trấn thủ Sơn Nam ở Phố Hiến (Hưng Yên), và cha Gia bị tống giam vào ngục.
Giữa tháng 10.1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 2.10 tại Lương Đông, cũng bị chánh tổng Xích Bích giam giữ mười hai ngày trước khi giải lên đây. Thật là niềm vui lớn, hai anh em cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh quang tử đạo. Ngày 20.10, quan trấn truyền đóng gông hai cha có ghi chữ “Hoa Lang Đạo Sư” (1), rồi trao cho quan phủ Than Khê áp giải lên Thăng Long.
Suy Tôn Thánh Giá Trong Phủ Chúa
Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục dòng thuyết giáo có nhiều cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc tranh luận nổi tiếng nhất được mệnh danh là “Hội Đồng Tứ Giáo” giữa đại diện bốn tôn giáo: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Ba đề tài được đưa ra: Người ta bởi đâu mà có? Sống ở đời này để làm gì? Và chết rồi đi về đâu? Cha Gia với kinh nghiệm giảng đạo ở Phúc Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những điển tích, châm ngôn của Trung Hoa, khiến viên quan tổ chức, chú của chúa Trịnh Sâm, phải hết sức khâm phục.
Chính Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm cũng thích hỏi hai cha nhiều chi tiết về đạo. Một hôm, ông yêu cầu cha Gia cử hành vài nghi lễ cho các quan xem, cha liền mặc áo lễ, cắt nghĩa lễ phục và trình bày giáo lý cho các quan. Sau đó, cha đặt tượng Thánh giá trước ngai Tĩnh đô Vương, quỳ xuống hôn kính sốt sắng và đọc bằng tiếng Việt các kinh Ăn năn tội, kinh Tin kính, kinh Lạy Cha. Tiếp đó cha nâng cao ảnh Đức Mẹ và đọc kinh Lạy Nữ Vương. Cử chỉ và lời kinh của cha gây nhiều xúc động cho những người hiện diện. Nhưng số phận của cha đã được định đoạt trong chiếu chỉ của phủ chúa rồi. Có điều bản án đến sớm hơn vì bà mẹ của chúa Trịnh Sâm.
Khi Bà Thái Tôn Nổi Giận
Nguyên do bà mẹ của Tĩnh đô Vương rất sùng đạo Phật. Khi nghe tin có hai linh mục trẻ tuổi, thông thái, lại điển trai và ăn nói văn hoa, liền yêu cầu được gặp mặt và nói chuyện. Thế là hai vị được dẫn đến ra mắt Thái Tôn. Rồi một hồi trao đổi thân mật, bỗng nhiên bà hỏi: “Nếu như các thầy nói chỉ có đạo các thầy là đạo thật, vậy những người không theo đạo, chết rồi đi đâu?”. Cha Liêm điềm nhiên trả lời: “Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ” (2). Câu trả lời của vị linh mục làm Thái Tôn nổi giận, không thèm nghe giải thích thêm, đòi xử tử hai ông đạo sư ngay lập tức. Từ đó, hai cha bị cách ly, không cho gặp ai nữa. Ngày 4.11.1773, sau một buổi nghị án, chúa Trịnh Lâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.
Ngày 7.11.1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Đồng Mơ thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ cầu nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc kinh Tin kính và hát Salve Regina (kinh Lạy Nữ Vương). Hai vị chứng nhân Chúa Kitô cùng được lãnh triều thiên tử đạo. Cha Jacinto Gia khi ấy mới ba mươi tuổi, với sáu năm truyền giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng máu ngài đổ ra đã vun tưới cho bao hạt giống Tin mừng âm thầm trổ bông.
Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ Trung Linh. Ngày 13.11.1775, trong diễn văn trước Hồng Y đoàn, Đức Giáo Hoàng Piô VI đã nhắc đến chiến thắng vinh quang của hai vị.
Ngày 20.5.1906, Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc Chân Phước.
(1): Thời này người ta gọi các linh mục là đạo sư, thầy đạo.
(2): Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Đó là chân lý Giáo hội vẫn khẳng định. Nhưng Giáo hội vẫn tin rằng: có thể có người chưa rửa tội mà sống ngay lành, thì dù họ không ngờ, họ đang ở trong Giáo hội (Xc. HCGH, số 16).ĐTC Gioan Phaolô II mừng Thánh quan thày Charles Borromeo 4/11 hằng năm
Ngày lễ quan thày của ĐTC Gioan Phaolô II là ngày lễ nghỉ ở Vatican. Thật vậy, ĐTC GPII muốn cử hành ngày quan thày 4/11 của mình cũng như ngày Ngài được bầu làm giáo hoàng 16/10 hằng năm hơn là Ngài mừng sinh nhật của Ngài. Ngài đã ăn trưa với một số thân cận nhất của mình, trong đó có ĐHY Quốc Vụ Khanh Sodano. Buổi tối, ĐTC đến Sảnh Đường Phaolô VI tham dự “Tối Thi Ca của ĐTC” được tổ chức để mừng giáo triều của Ngài. Thi phẩm “Roman Triptych” của Ngài sáng tác vào mùa hè 2002, sau chuyến tông du về Balan cùng năm, đã được đọc lên trong Buổi Tối Thi Ca Giáo Hoàng này. ĐTC đã cám ơn các nghệ sĩ đã điều hành chương trình này và chào phái đoàn hành hương Balan thuộc TGP Danzica luôn sang Rôma mừng Ngài vào dịp lễ quan thày hằng năm của Ngài này.
ĐTC Gioan Phaolô II đã có công tạo dựng nên một mối liên hệ mới giữa Do Thái giáo và Công giáo
Tôn sư trưởng Do Thái giáo ở Rôma, Riccardo di Segni, đã đối đáp với Zenit khi kết thúc cuộc mừng ngân khánh giáo hoàng của ĐTC Gioan Phaolô II, một cuộc đối đáp được Zenit phổ biến vào ngày 31/10/2003 như sau. Vị tôn sư trưởng này sinh năm 1949, có gia đình, với 3 người con, đang làm chuyên viên quang tuyến ở bệnh viện Thánh Gioan ở Rôma, và vừa lên làm tôn sư trưởng Do Thái giáo ở Rôma năm ngoái, thay cho tôn sư Elio Toaff đã giữ vai trò này 50 năm trời. Theo vị tân tôn sư trưởng này thì “Chưa từng có một vị Giáo Hoàng nào trong lịch sử đã nuôi dưỡng được những mối liên hệ tốt đẹp như thế giữa Do Thái giáo và Giáo Hội Công giáo như Đức Gioan Phaolô II. Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng chúng tôi đang ở trước những trạng huống lịch sử bất thường của Giáo Hội cũng như của những mối liên hệ Giáo Hội này tỏ ra đối với cộng đồng Do Thái”.
Vấn: Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi những liên hệ với Do Thái giáo ở những cách thức nào?
Đáp: Theo lịch sử, vốn có những trục trặc khác nhau nơi cuộc đối thoại giữa người Do Thái giáo và Kitô giáo, nhất là những tổn thương liên quan đến những người Do Thái. Qua các thế kỷ, chúng tôi đã nhận thấy rằng đó là một thứ thiếu tin tưởng nung nấu bởi những ý hệ và những cổ tục. Kiểu cách đối xử với những thứ khác biệt của Do Thái giáo này đã được hạ màn nhờ một loạt những tác động của Đức Gioan Phaolô II, những tác động mạnh mẽ còn hơn các bài diễn từ của ngài. Tôi muốn nói đến đặc biệt việc vị Giáo Hoàng này viếng thăm Hội Đường Rôma cũng như đến việc Ngài viếng thăm Bức Tường Phía Tây ở Giêrusalem. Đức Gioan Phaolô đã cất đi những thái độ khinh khi và đã thiết lập một mối liên hệ đặt trên căn bản tôn kính và qúi trọng nhau.
Vấn Có nhiều giá trị chung giữa những người Do Thái và Kitô hữu
Đáp Nó phát xuất từ sự kiện là hai tôn giáo này có nguồn gốc của mình nơi Thánh Kinh. Truyền thống Thánh Kinh nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phẩm vị và sự sống con người, tới cảm quan cho rằng cuộc sống phải có một lý tưởng, tới cảm quan về tình đoàn kết xã hội. Những giá trị căn bản này, những giá trị Thánh Kinh sâu xa và là của chung người Do Thái lẫn Kitô hữu. Theo quan điểm này thì hai thế giới ấy bao giờ cũng đã đi với nhau, thậm chí còn mật thiết với nhau, thường ở trong một lãnh vực đạo hạnh.
Vấn Ngài thẩm định ra sao về giáo triều của Đức Gioan Phaolô II?
Đáp Đây là một giáo triều tích cực, mặc dù vẫn còn những khía cạnh rắc rối về lãnh vực thần học. Với giáo triều này chúng ta thật sự đã tiến tới chỗ hoàn toàn tôn trọng phẩm vị con người cũng như tôn trọng các truyền thống tôn giáo, thế nhưng về nhiều vấn đề khác vẫn còn cần phải bàn luận.
Vấn Ngài cho giáo triều này sáng giá tới đâu?
Đáp Đức Gioan Phaolô II đã có thể cống hiến một hình ảnh thật tích cực về công việc của Ngài cũng như về những gì Giáo Hội thực hiện. Tôi không biết tín hữu chấp nhận những lời huấn dụ của Ngài bằng một cảm quan đầy đủ về trách nhiệm tới đâu.
Vấn Ngài nói vậy có nghĩa là gì?
Đáp Đa số dân chúng không ngớt khen ngợi vị Giáo Hoàng này, vị có một ảnh hưởng to lớn về bản thân mình, một ảnh hưởng về truyền thông đến nỗi ngài đã từng chịu đau khổ; khả năng lôi cuốn hằng triệu người theo các hoạt động của ngài. Thế nhưng tôi không biết điều này có thể đổi thay hành vi cử chỉ của dân chúng bao nhiêu. Chẳng hạn, tôi không biết có bao nhiêu người đồng ý với việc ngài chống lại vấn đề ly dị, hay việc ngài chống lại một số hình thức tác hành dục tính như được luân lý Công giáo nói đến.
Vấn Vấn đề bênh vực sự sống, chống lại việc trợ an tử, bênh vực phẩm giá con người và các thứ quyền lợi của con người, là những vấn đề ngài thiết tha.
Đáp: Về việc chống lại vấn đề trợ an tử, chúng tôi chủ trương giống Giáo Hội Công giáo. Thế nhưng chúng tôi có những chủ trương khác với những gì những người Công giáo hiểu về việc bênh vực sự sống. Không phải vì chúng tôi không bênh vực thai nhi, nhưng theo thần học Do Thái giáo, vấn đề bắt đầu sự sống được qui định theo pháp lý về tiêu chuẩn khác với những gì Giáo Hội Công giáo truyền dạy, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng những gì Giáo Hội này xác nhận. Bởi thế, những chủ trương về giáo điều không phải bao giờ cũng đồng nhất với nhau. Chúng tôi hết lòng tôn trọng các thứ quyền làm người cũng như các thứ quyền lợi của con người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu của Zenit ngày 31/10/2003
4/11 Thứ Ba, Lễ Thánh Charles Borromeo
, quan thày của ÐTCGPII với tên thánh theo tiếng Balan là KarolĐTC GPII với các vị Giám Mục Anh Quốc và Wales ngày 23/10/2003 về Tình Trạng Vấn Đề Tục Hóa và việc Truyền Ba Phúc Âm Hóa Văn Hóa
1. …. Việc qúi huynh viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên lần đầu tiên cho thiên kỷ mới này là cơ hội để quí huynh xác nhận việc quí huynh dấn thân trong việc làm cho dung nhan của Chúa Kitô càng ngày càng hiện tỏ hơn trong Giáo Hội cũng như xã hội, bằng việc nhất trí làm chứng cho Phúc Âm là chính Chúa Giêsu (x Tông Huấn Giáo Hội tại Âu Châu”, đoạn 6).
2. Anh Quốc và Wales, mặc dù có một nguồn gốc phong phú gia sản Kitô giáo, ngày nay cũng phải đối diện với tình trạng tăng phát khắp nơi trào lưu tục hóa. Cốt lõi của tình trạng này là nỗ lực phát động một nhãn quan về con người lìa xa Thiên Chúa và tách khỏi Chúa Kitô. Nó là một thứ tâm thức làm tăng bội khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, làm phân nứt mối liên kết thiết yếu giữa tự do và sự thật, và bởi đó làm hủy hoại đi mối ràng buộc hỗ tương làm nên sinh hoạt xã hội. Cái mất mát cảm quan về Thiên Chúa này thường được cảm nghiệm như “tình trạng rơi rụng của con người” (ibid., 9). Việc phân hóa xã hội, những cái đe dọa cho đời sống gia đình, cũng như những ám ảnh ghê rợn sợ hãi của thái độ bất khoan nhượng về chủng tộc và chiến tranh, đã làm cho nhiều con người nam nữ, nhất là giới trẻ, cảm thấy phiêu lưu và thậm chí nhiều khi cảm thấy vô vọng. Như thế, không phải chỉ có Giáo Hội mới đụng đầu với những tác dụng rắc rối do trào lưu tục hóa gây ra mà cả đời sống dân sự cũng bị nữa.
Chúa Giêsu Kitô đang sống động trong Giáo Hội của Người mới là Đấng giúp chúng ta thắng vượt được tình trạng hỗn loạn của thời đại chúng ta. Là những vị Giám Mục, chúng ta được kêu gọi để linh hoạt thi hành nhiệm vụ của mình trong việc loan báo bằng một niềm xác tín rõ ràng và hào hùng là Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch hy vọng; một hy vọng không làm thất vọng (x Rm 5:5). Tín hữu Anh quốc và Wales hết lòng mong đợi quí huynh giảng dạy một Phúc Âm đánh tan bóng tối và chiếu soi đường lối sự sống. Việc loan báo Phúc Âm hằng ngày và đời sống thánh đức là ơn gọi của Giáo Hội ở hết mọi thời và mọi nơi. Phận vụ bộc lộ căn tính sâu xa của Giáo Hội này cần phải được hết sức quan tâm.
Hiện tượng tục hóa và tình trạng đầy những khô đạo, tình trạng giảm sút ơn gọi linh mục và Tu Sĩ, và những cái hết sức khó khăn cha mẹ cảm thấy trong việc cố gắng dạy dỗ giáo lý cho con cái của mình, tất cả đều chứng thực rằng các vị Giám Mục cần phải gắn bó với sứ vụ căn bản của mình trong việc trở thành những nhà rao giảng Lời Chúa chân truyền và uy tín (Tông Huấn “Pastores Gregis”, 29). Để đạt được điều này, các vị Giám Mục, được Chúa Kitô kêu gọi làm bậc thày dạy đức tin, “có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng và bảo toàn mối hiệp nhất đức tin cũng như phải hỗ trợ nề nếp kỷ cương là những gì áp dụng chung cho toàn thể Giáo Hội” (Lumen Gentium, 23). Chính nhờ việc trung thành với huấn quyền bình thường của Giáo Hội, nhờ việc gắn bó với kỷ cương của Giáo Hội hoàn vũ, và nhờ những lời lẽ tích cực để rõ ràng hướng dẫn tín hữu, mà vị Giám Mục gìn giữ dân Chúa khỏi bị những lệch lạc và sai xuất, cũng như bảo đảm cho họ có cơ hội khách quan để tuyên xưng niềm tin chân thực không sai lầm (x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 890).
3. Quí Huynh thân mến, các bản tường trình của quí huynh cho thấy là quí huynh đã ấp ủ niềm xác tín sâu xa của Tôi đó là tân thiên kỷ đòi phải có ‘một tác lực mới trong sinh hoạt Kitô giáo’ (Tông Thư Mở Màn Thiên Kỷ Mới, 29). Nếu Giáo Hội cần phải làm thỏa mãn cơn khát của con người nam nữ trong việc tìm kiếm chân lý và các thứ giá trị chân thực là những gì xây dựng cuộc sống của họ, thì phải vận dụng mọi nỗ lực trong việc tìm tòi những sáng kiến mục vụ hữu hiệu để làm cho Chúa Giêsu Kitô được nhận biết.
Trước những tác lực hoạt động gây chia rẽ, nghi ngờ và chống đối, chúng ta đang phải đương đầu với một thách đố lớn lao đó là làm sao cho Giáo Hội trở thành một ngôi nhà và một học đường hiệp thông (x inid., 43), nhìn nhận Giáo Hội là “một dân tộc được mang tới mối hiệp nhất từ mối hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần” (Lumen Gentium, 4). Bởi thế vấn đề hết sức quan trọng là các chương trình giáo dục về giáo lý và đạo đức quí huynh đã khơi mào cần phải được tiếp tục để tín hữu có một kiến thức và tình yêu sâu xa đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Phương pháp sư phạm thực sự dạy nguyện cầu, việc dạy giáo lý một cách thấm thía về ý nghĩa của phụng vụ và tầm quan trọng của vấn đề cử hành Thánh Thể Chúa Nhật, và việc phát động năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải (cf. Congregation for Clergy: Instruction: "The Priest, Pastor and Leader of the Parish Community," 27), sẽ là những gì góp phần rất nhiều để đạt được mục tiêu mục vụ này, cũng như để làm bột phát lên nơi tâm can dân chúng của quí huynh niềm vui và sự an bình bởi tham phần vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.
4. Gắn liền với việc thành đạt nơi những chương trình về canh tân mục vụ của quí huynh là vai trò của thừa tác vụ linh mục. Giáo Hội cần những vị linh mục khiêm tốn và thánh thiện, với cuộc hành trình hoán cải hằng ngày của các vị làm phấn khởi toàn thể Dân Chúa trong việc nên thánh theo ơn gọi của mình (x Lumen Gentium, 9). Gắn bó sâu xa bằng một mối liên hệ và thân tình hiệp thông riêng tư sâu xa với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, vị linh mục chẳng những tìm kiếm việc thánh hóa bản thân mà còn trở thành một mô phạm thánh đức cho thành phần dân Chúa được ngài phục vụ. Quí huynh hãy bảo đảm với các linh mục của quí huynh là thành phần tín hữu Kitô giáo, thực sự cả xã hội nói chung, đều lệ thuộc vào các vị ấy và hết sức biết ơn các vị. Tôi tin rằng về khía cạnh này quí huynh sẽ tỏ cho các linh mục của mình thấy lòng quí huynh đặc biệt cảm mến họ, bằng việc quí huynh đồng hành với họ như bậc cha anh suốt các nẻo đường của đời sống thừa tác họ trải qua (cf. "Pastores Gregis," 47).
(……. về đời sống tu trì liên quan đến “văn hóa ơn gọi” và giới trẻ liên quan tới “giới trẻ 2000”…….)
5. Việc truyền bá phúc âm hóa văn hóa là một khía cạnh chính yếu của việc tân truyền bá phúc âm hóa, vì “ở tâm điểm của hết mọi văn hóa là thái độ con người tỏ ra trước mầu nhiệm cao cả nhất, đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa” (Thông Điệp Bách Niên, 24). Là các vị Giám Mục, quí huynh có quyền tìm cách để trình bày sự thật về Chúa Kitô hợp với diễn trường quần chúng. Về khía cạnh này Tôi thấy được việc đóng góp tốt đẹp của quí huynh qua những bức thư và phát ngôn mục vụ về những vấn đề đáng quan tâm nơi xã hội của quí huynh. Tôi xin quí huynh hãy tiếp tục bảo đảm là những lời phát biểu ấy hoàn toàn bộc lộ một cách rõ ràng tất cả giáo thuyết thuộc huấn quyền của Giáo Hội. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc nâng đỡ tính cách độc nhất của đời sống hôn nhân như là một cuộc hiệp nhất trọn đời giữa một người nam và một người nữ, một cuộc hiệp nhất với tư cách là vợ chồng họ được tham dự vào công cuộc tạo dựng ưu ái của Thiên Chúa. Việc làm cho đời sống hôn nhân ngang hàng với các hình thức gắn bó khác là làm lu mờ đi linh thánh tính của hôn nhân và phạm đến giá trị cao quí của nó theo những gì Thiên Chúa ấn định cho loài người (cf. "Familiaris Consortio," 3).
Yếu tố chính yếu thực sự hình thành văn hóa ngày nay là vấn đề truyền thông đại chúng. Điều đòi hỏi căn bản về luân lý đối với tất cả mọi thứ truyền thông đó là vấn đề tôn trọng sự thật và phục vụ sự thật. Những nỗ lực của quí huynh trong việc hỗ trợ những ai hoạt động trong ngành này thực thi trách vụ của họ là những gì đáng khen. Mặc dù các nỗ lực ấy có những lúc gặp chống đối, Tôi vẫn xin quí huynh hãy cố gắng cùng nhau hoạt động với những con người nam nữ truyền thông. Hãy mời họ bắt tay cùng với quí huynh trong việc phá đổ những chướng ngại vật thiếu tin tưởng, và cố gắng mang các thành phần lại với nhau trong sự thông cảm và tôn trọng.
6. Sau hết, trong vấn đề truyền bá phúc âm hóa văn hóa, Tôi muốn tri ân việc đóng góp tốt đẹp do các trường học Công giáo của quí huynh thực hiện trong việc vừa thăng tiến đức tin của cộng đồng Công giáo lẫn phát triển cái tuyệt hảo nơi đời sống dân sự nói chung. Thấy được những thay đổi sâu xa chi phối thế giới giáo dục, Tôi xin các thày cô, giáo dân hay tu sĩ, thực hiện sứ vụ chính yếu của mình để bảo đảm là những ai đã lãnh nhận phép rửa “mỗi ngày một cảm nhận được tặng ân đức tin họ đã lãnh nhận” ("Gravissimum Educationis," 2). Vấn đề giáo dục đạo lý, tâm điểm của bất cứ trường học Công giáo nào, dù ngày nay đang là một việc tông đồ cam go và trầm mình, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy giới trẻ muốn học về đức tin và mạnh mẽ thực hành đức tin.
Nếu tình trạng bừng lên về đức tin này tăng phát, chúng ta cần những thày cô hiểu biết một cách rõ ràng và xác đáng bản chất và vai trò đặc biệt của việc giáo dục Công giáo. Điều này cần phải nêu lên ở mọi trình độ nếu giới trẻ của chúng ta và gia đình họ cần phải cảm nghiệm được mối hòa hợp giữa đức tin, đời sống và văn hóa (cf. Congregation for Catholic Education, "Consecrated Persons and their Mission in Schools," 6). Đến đây Tôi muốn đặc biệt kêu gọi thành phần Tu Sĩ của quí huynh đừng loại bỏ việc tông đồ học đường (cf. "Pastores Gregis," 53), và thực sự lập lại việc họ dấn thân phục vụ ở cả những trường học tọa lạc ở những khu vực nghèo nàn. Ở những nơi có nhiều điều thu hút giới trẻ xa rời con đường chân lý và tự do chân thực thì chứng từ của con người tận hiến đối với các lời khuyên phúc âm là một tặng ân bất khả thế.
7. (chào chúc và phép lành tòa thánh).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 23/10/2003
Hậu Chiến Iraq hay Diễn Chiến Iraq
Tình hình Trung Đông tại Thánh Địa tạm yên những cuộc khủng bố tấn công của các phe Palestine chiến đấu quân và bởi đó cũng hết tấn công khủng bố của lực lượng Do Thái trả đũa. Trái lại, theo vị tân thủ tướng Palestine Ahmed Qorei hôm Thứ Tư 29/10/2003, thì các phe Hamas cùng các nhóm chiến đấu quân khác đang muốn tái nói chuyện với Do Thái về việc ngưng chiến. Chưa hết, cũng vào ngày Thứ Tư này, Do Thái đã cho phép 3 ngàn nhân công Palestine từ Tây Ngạn và Do Thái và 1500 người Palestine khác làm việc tại vùng kỹ nghệ Atarot gần Giêrusalem. Ngoài ra, hôm Chúa Nhật 2/11/2003, phe Do Thái lại cho thêm 10 ngàn người Palestine nữa tử giải Gaza vào Do Thái. Trong khi đó, tại Iraq, tình hình lại sôi động hơn bao giờ hết từ ngày Tổng Thống Bush tuyên bố chấm dứt cuộc tấn công giải giới hôm 1/5/2003.
Thật vậy, theo Tướng Mark Hertling cho biết, những cuộc tấn công hôm Thứ Hai, 27/10/2003, không giống như những cuộc tấn công của nhóm tàn quân của Saddam Hussein, mà là, “tình báo” lẫn “cách tác hành” cho thấy đó là việc làm của các tay chiến đấu ngoại quốc. Đó là những cuộc nổ bom tự vẫn bằng xe, sát hại khoảng 30 người, trong đó có hai quân nhân Mỹ, và làm cho hơn 200 người bị thương. Những cuộc tấn công này nhắm vào các trung tâm của Tiểu Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế ở trung tâm thủ đô Baghdad và 3 trạm cảnh sát Iraq.
Những cuộc đụng độ giữa những đám quần chúng cuồng loạn và các lực lượng liên minh sử dụng xe tăng và phi công kéo dài 7 tiếng rưỡi đồng hồ ở ngoại ô phía tây thủ đô Baghdad hôm Thứ Sáu 31/10/2003, khiến 14 người Iraq bị chết và 5 bị thương. Thoạt tiên là dân chúng khoảng từ 500 tới 1 ngàn người ném đá vào một chiếc xe đi tuần của lực lượng liên minh, rồi đốt bánh xe, nhất là bắn những trái cối vào trạm cảnh sát.
Về vụ tấn công đoàn xe của Hoa Kỳ làm chết 3 nhân viên an ninh của hãng thầu quân đội DynCorp hôm 15/10/2003 vẫn được chính phủ Hoa Kỳ điều tra theo dõi và đã treo giải thưởng 5 triệu Mỹ kim cho ai, Giải thưởng này là của Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ. Chương trình treo giải Công Lý này cũng đã trả 30 triệu Mỹ kim cho một người đưa tin giúp cho quân đội Hoa Kỳ đến nhà của hai người con Saddam Hussein là Uday và Qusay trú ẩn. Tuần này Bộ Nội Vụ cũng đã trả 5 triệu Mỹ kim cho một tín liệu giúp Hoa Kỳ bắt được Abu Musab al Zarqawi, một người Jordan có liên quan đến nhóm khủng bố quốc tế al Qaeda bị tình nghi đã bày mưu nổ bom ở Tòa Lãnh Sự Jordan ở thủ đô Baghdad.
Chúa Nhật 2/11/2003, một chiếc trực thăng của quân đội Hoa Kỳ từ Fallujah đến Baghdad đã bị nạn làm chết 16 quân nhân và bị thương 20 ở phía tây Baghdad. Nguyên nhân không biết từ đâu, song phát ngôn viên của tướng William Darley cho biết có người thấy có những vết phi đạn khi chiếc trực thăng này hạ cánh. Ngoài ra, cũng trong ngày Chúa Nhật này, còn có một quân nhân Hoa Kỳ và hai thường dân Mỹ làm nghề contractor của hãng EOD Technologies Inc., a Knoxville, Tennessee, bị bom ở Fallujah trên 1 chiếc xe đến Baghdad. Tổng số quân nhân Hoa Kỳ chết hôm Chúa Nhật này là con số cao thứ nhì, chỉ sau ngày 21/3 là ngày 29 quân nhân Hoa Kỳ chết trận ở tỉnh Nasiriya. Sau cuộc tấn công này, dân chúng ở Fallujah đã nhào đến hiện trường hô hào những câu chống Mỹ bài Hoa Kỳ. Còn cuộc tấn công khác cùng ngày bằng lưu đạn ở khu chợ Abu Ghraib phía tây thủ đô Baghdad, nơi có 14 người Iraq bị chết vì cuộc đụng độ với quân đội Hoa Kỳ, chưa biết thiệt hại ra sao. Tổng số tử vong của quân đội Hoa Kỳ thời hầu chiến Iraq tính tới ngày Chúa Nhật 2/11 lên tới 139 mạng.
Thứ Hai 3/11/2003, lại xẩy ra một cuộc tấn công khác bằng 3 đầu phi đạn lúc 9 giờ tối, một trúng vào trại lính 2nd Armored Cavalry Regiment và hai gần trung tâm thủ đô Baghdad. Không thiệt hại nào đã được tường trình. Ngoài ra, còn quả bom nổ cũng vào Thứ Hai trước 8 giờ một chút, trước một khách sạn trống người ở Karbala, cách thủ đô Baghdad 55 d8ạm về phía namm nhưng con số tử vong và thương vong chưa rõ. Ở bắc thủ đô này, chiều cùng ngày Thứ Hai, một quân nhân Hoa Kỳ thuộc 4th Infantry Division đã bị nạn ở Tikrit bởi mìn nổ chiếc xe của người quân nhân này. Bên ngoài tỉnh Uja, đoàn tuần tiểu cũng của quân đoàn trên bị tấn công bằng những vũ khí nhẹ vào tối Thứ Hai này, nhưng không bị thiệt hại gì.
Trong khi đó, vào hôm Chúa Nhật 2/11/2003, các vị ngoại trưởng Ả Rập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc bàn luận hai ngày ở Damascô về cuộc khủng hoảng ở Iraq, đã lên án những cuộc khủng bố tấn công nổ bom ở Iraq và kêu gọi các viên chức Iraq hãy cộng tác với việc kiểm soát biên phòng.
3/11 Thứ Hai
Thánh Phêrô Phanxicô NÉRON BẮC, Linh mục Thừa sai Paris (1818 - 1860)
Chọn Việt Nam Làm Quê Hương
Tuy chỉ ở Việt Nam hơn mười một năm, Thánh Phêrô Néron Bắc đã trở nên như người Việt Nam chính gốc. Cha cũng tập ăn tương cà như mọi người. Cha có công phiên dịch ra tiếng Việt sách toán Pháp, chuyển ngữ các bài triết học, thần học cho các chủng sinh, và cuối cùng gởi nắm xương tàn cho mảnh đất thân yêu này, như ước nguyện khẩn cầu với Đức Mẹ Mân Côi trong những ngày tu học ở hội Thừa sai Paris.
Phêrô Phanxicô Néron Bắc sinh ngày 21.9.1818, tại Bordeaux, địa phận Saint Claude, nước Pháp. Là con thứ năm trong gia đình có chín anh em. Thuở thơ ấu của Héron khá vất vả. Tuy được đi học, nhưng mỗi ngày cậu phải ra đồng chăn súc vật, vì thế chịu nhiều ảnh hưởng xấu của các bạn. Thế nhưng một biến cố đã thay đổi cuộc đời cậu. Năm 17 tuổi, một người cho cậu mượn một cuốn sách đạo đức, cậu đọc và nhận ra tiếng Chúa kêu gọi mình. Từ đó, cậu thay đổi hẳn lối sống.
Năm 19 tuổi, Néron xin nhưng mãi đến ngày 14.2.1839 (21 tuổi) mới được vào chủng viện Neteroy. Sau sáu năm, thầy lên học tại chủng viện Saunier, rồi xin gia nhập hội Thừa sai Paris và thụ phong linh mục ngày 17.6.1848. Bề trên cử cha Néron đi giảng đạo tại Việt Nam. Trong những ngày đợi tàu, cha Néron thường xin Đức Mẹ Mân Côi cho mình được dâng hiến mạng sống vì sứ vụ tại xứ truyền giáo. Ước nguyện của cha là một khi đã vào được Việt Nam, sẽ không bao giờ phải rời khỏi đất nước này.
Ngày 28.3.1849, cha đến trình diện Đức cha Retord Liêu, khi ấy đang coi địa phận Tây Đàng Ngoài. Đức cha gởi cha Néron đến Kẻ Vĩnh để học tiếng Việt và đặt cho ngài tên mới là Bắc. Năm 1852, Đức cha trao cho cha giúp xứ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1854, Đức cha cử cha làm bề trên chủng viện Kẻ Vĩnh coi sóc một trăm năm mươi em. Cha kiên nhẫn giảng dạy chủng sinh các kiến thức cần thiết và dịch cho họ sách toán học ra tiếng Việt. Với các lớp đại chủng sinh, cha dạy họ về triết lý và thần học. Một lần cha bị bắt, nhưng được Đức giám mục chuộc lại.
Những Chặng Đường Thập Tự
Dù bận rộn với việc giảng dạy, cha Bắc đã không sao lãng đời sống nội tâm. Mỗi ngày cha đều quỳ suy niệm cuộc thương khó Đức Chúa Giêsu qua mười bốn chặng đường thánh giá. Cha ăn chay các ngày thứ sáu, các ngày vọng lễ trọng, suốt mùa chay và đặc biệt cả những ngày vọng lễ Đức Mẹ. Năm 1858 đang khi phụ trách bốn giáo xứ ở trấn Sơn Tây, coi sóc 160 ngàn tín hữu, cha bị bắt lần thứ hai, phải chuộc ba trăm lạng bạc.
Ngày 17.1.1860, vì thất bại trong việc quan hệ với Pháp, vua Tự Đức đã ra một chiếu chỉ cấm đạo gắt gao hơn: “Tất cả các quan phải triệt để thi hành chỉ thị của Trẫm. Nếu theo ý riêng mình như xẩy ra trước đây, sẽ bị nghiêm phạt như kẻ vi phạm luật nhà nước”. Chiếu chỉ trên khiến các quan địa phương không dám chểnh mảng trong việc bách hại đạo nữa. Cha Phêrô Bắc lại là người Âu châu da trắng, vóc dáng cao lớn, nên rất dễ bị lộ. Các giáo xứ Công giáo cũng không dám cho cha trú ẩn lâu ngày. Chỗ ẩn thường xuyên của cha giờ đây là rừng rậm. Nhưng rừng rậm đâu phải là dễ đi. Có lần cha bị mất liên lạc với giáo hữu, bị đói khát đến kiệt sức ngất xỉu dưới một gốc cây. May mắn sau đó dân làng Tạ Xá tìm thấy liền lấy nước cháo tiếp cho cha từng muỗng, một giờ đồng hồ sau cha mới tỉnh lại được.
Một hôm có tin báo là quân lính đã biết cha ở làng Tạ Xá, dân làng liền xin lỗi rồi mời cha lên một ghe nhỏ đẩy ra giữa đồng, tiếp tế ít lương thực, rồi đưa cha đến làng Yên Tập. Dân Yên Tập cũng hoảng quá, liền cử một cụ già dẫn cha lên một đỉnh núi vắng vẻ, ở trong lều lợp bằng lá chuối. Cha phải ở đó với cụ già ba tuần lễ, mỗi ngày chỉ được một nắm cơm nguội. Vì nếu chụm lửa nấu cơm sẽ bị phát hiện. Thức ăn duy nhất là một hũ tương, thỉnh thoảng mới được một ít quả cà muối. Cũng may là cha đã làm quen với món ăn này từ trước.
Cơn bách hại ngày càng gay gắt, cha Bắc lại phải tiếp tục di chuyển. ở làng Suồng ba tháng trong nhà người ngoại giáo tốt bụng, rồi ở Chiêu ửng, bị quan quân rượt chạy sang làng Ru Bơ, rồi ẩn trong rừng rậm nửa tháng, lại về Yên Tập, Tạ Xá và bị bắt. Có một người tên Luyện đánh bạc thua ông lý trưởng một trăm quan, ông hứa tha nợ nếu anh chỉ chỗ cha Bắc ẩn trú. Và anh “Giuđa” này đã bán cha với giá tiền đó.
Ngày 5.8.1860, theo sự chỉ dẫn của anh Luyện. Lý trưởng và cai tổng Mờn đem lính đến bắt cha đang ẩn nấp tại nhà bà Truật. Cha xứ Yên Tập cho giáo hữu đem tiền chuộc. Viên cai đội này không chịu, nhưng ông vẫn nhận tiền và hứa ghi vào hồ sơ là bắt được cha Bắc ở đồng vắng, nhờ thế không có ai bị liên lụy. Đó cũng điều bận tâm nhất của cha Bắc. Trước mặt quan Sơn Tây, cha luôn luôn bình tĩnh, khẳng khái và cẩn mật. Quan hỏi cha đã gặp những ai, ở nhà nào và được ai giúp đỡ. Cha thẳng thắn trả lời: “Xin quan đừng hỏi làm chi, tôi sẽ không khai ai hay vùng nào cả. Tôi không muốn người ấy hay vùng đó bị các quan làm khó đâu”. Quan truyền đánh đòn cha bốn mươi roi, nhưng cha cắn răng chịu, không khai một lời cũng không than một tiếng.
Ông Thần Sống
Điều làm cho quan, lính và dân miền Sơn Tây ngạc nhiên hơn cả, là cha đã nhịn ăn hai mươi mốt ngày liền, mỗi ngày chỉ uống một bát nước. Ngồi trong cũi chật hẹp mà khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi. Các vết thương lở loét, cha cũng không xin thuốc chữa trị gì hết. Dân chúng đồn thỗi với nhau coi cha như một “Ông thần sống”. Họ bảo: “Không ăn mà vẫn sống, thật lạ lùng”. Thấy để cha sống lâu, dư luận bất lợi, quan tỉnh liền làm án về kinh đô xin chém đầu và bêu giữa chợ ba ngày rồi thả trôi sông. Vua Tự Đức liền châu phê theo bản án xin.
Ngày 3.11.1860 vị tông đồ bị dẫn đi xử tại pháp trường Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng năm mươi cây số. Cha xin được cởi trói, cổ vẫn mang gông, bước đi nhẹ nhàng giữa tốp lính bên người cầm gươm sáng loáng. Đến pháp trường, vị chứng nhân quỳ xuống sốt sắng cầu nguyện, rồi giơ cổ cho lý hình chém. Hai người lính đứng hai bên tử tội cùng vung gươm một lượt, giữa lúc chiêng trống khua lên ba hồi chín tiếng.
Vì việc tuyệt thực hai mươi mốt ngày trước đây, dân chúng người ngoại đạo cũng tranh nhau thấm máu “ông thần sống”. Cha Độ, chánh xứ Bách Lộc, nhờ một người ngoại giáo đến xin thi thể vị tử đạo để chôn cất, nói rằng: “Tội nghiệp ông Tây không có thân nhân nên làm phúc để đức cho con cháu”. Ba ngày sau, cha Độ tìm cách chuyển thi hài về an táng ở nhà xứ. Thủ cấp vị tử đạo bị ném xuống sông Hồng, sau các giáo dân tìm vớt mà không thấy.
Địa phận nguyên quán, Saint Claude, hằng năm tổ chức lễ trọng thể ngày 3.11 với bài lễ riêng và chọn ngài làm Bổn mạng giới trẻ trong địa phận.
Đức Thánh Cha Piô X suy tôn linh mục Phêrô Néron Bắc lên bậc Chân Phước ngày 2.5.1909.
Hiếu Trung, OP
Huấn Từ Truyền Tin của ĐTC về Lễ Các Thánh và Các Đẳng
Trưa Thứ Bảy, 1/11/2003, Lễ Các Thánh, và trưa Chúa Nhật 2/11/2003, Lễ Các Đẳng, qua hai huấn từ truyền tin, ĐTC GPII đã nhắn nhủ phái đoàn hành hương tụ họp ở Công Trường Thánh Phêrô về ý nghĩa của hai Lễ này liên quan đến Kinh Mân Côi như sau:
Anh Chị Em thân mến!
1. Hôm nay chúng ta cử hành lễ trọng Chư Thánh. Bằng việc mời gọi chúng ta hãy nhìn lên đoàn lũ đông đảo những vị đã tiến vào quê hương vinh phúc, lễ này cũng cho chúng ta thấy con đường dẫn chúng ta đến đích điểm này.
Các vị thánh nhân và chân phước trên Thiên Đàng nhắc nhở chúng ta là thành phần đang lữ hành trên thế gian này rằng việc cầu nguyện trước hết là chất bổ dưỡng hằng ngày không làm cho chúng ta lạc hướng định mệnh đời đời của chúng ta. Đối với nhiều vị thì chính Kinh Mân Côi, một kinh nguyện có cả một Năm Mân Côi vừa được kết thúc hôm qua, đã cống hiến cho các vị một phương tiện thuận lợi để đối thoại hằng ngày với Chúa. Kinh Mân Côi dẫn các vị đến chỗ thân tình hơn bao giờ hết với Chúa Kitô cũng như với Đức Trinh Nữ.
2. Kinh Mân Côi thực sự có thể là một đường lối đơn sơ và khả thủ cho tất cả mọi người nên thánh là ơn gọi của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa, như tính cách trọng thể của thánh lễ hôm nay cho thấy.
Trong tông thư “Bắt Đầu Tân Thiên Kỷ” Tôi đã nhắc nhở tất cả mọi tín hữu rằng thánh thiện là điều đòi hỏi ưu tiên của đời sống Kitô hữu (số 30-31).
Chớ gì Mẹ Maria, Nữ Vương Chư Thánh, vị đã chìm ngập trong vinh hiển thần linh, giúp chúng ta hăng hái tiến bước trên con đường gay go của sự trọn lành Kitô giáo. Xin Mẹ giúp chúng ta hiểu được và cảm nhận được hơn nữa việc lần hạt mân côi như một đường lối phúc âm để chiêm niệm mầu nhiệm Chúa Kitô cũng như để trung thành gắn bó với ý muốn của Người.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp):
Theo tập tục đạo đức, trong những ngày này, tín hữu thường đi thăm mộ của những người thân yêu để cầu cho họ. Bằng tinh thần, Tôi cũng đi đến các nghĩa trang ở các phần đất khác nhau trên thế giới, nơi nghỉ ngơi của những người ra đi trước chúng ta trong dấu hiệu đức tin. Tôi đặc biệt cầu cho những người không ai nghĩ đến họ nữa, cũng như cho nhiều nạn nhân của bạo lực. Tôi xin phó dâng tất cả mọi người cho Lòng Thương Xót Chúa.
Anh Chị Em thân mến!
1. Sau khi cử hành lễ Các Thánh hôm qua, ngày 2/11 này, ánh mắt nguyện cầu của chúng ta lại hướng về những ai đã ra khỏi thế gian này và đang đợi chờ tiến vào Thiên Đô. Giáo Hội luôn luôn kêu gọi hãy cầu nguyện cho kẻ chết. Giáo Hội mời gọi các tín hữu hãy nhìn tới mầu nhiệm sự chết không phải như là phán quyết cuối cùng về thân phận con người, mà là cuộc vượt qua để vào sự sống trường sinh. Chúng ta đã đọc thấy trong Kinh Tiền Tụng hôm nay là: “Trong khi nơi cư ngụ ở chốn lưu đầy trần gian này đang bị hủy diệt đi thì nơi ở vĩnh hằng cũng được sửa dọn trên trời”.
2. Việc cầu nguyện cho kẻ chết là việc quan trọng và thích hợp, vì, cho dù họ có chết trong ơn nghĩa Chúa, họ có lẽ vẫn cần phải chịu thanh tẩy hơn nữa để được vào hoan hưởng thiên đình (x Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1030). Việc chuyển cầu cho các vị được bày tỏ bằng một số cách thức khác nhau, trong đó có cả việc thăm viếng nghĩa trang. Việc viếng thăm những nơi thánh này là một cơ hội thuận lợi để suy tư về ý nghĩa cuộc sống trần gian, đồng thời cũng để nuôi dưỡng niềm hy vọng vào cõi vĩnh phúc Thiên Đình.
Xin Mẹ Maria là Cửa Thiên Đàng giúp chúng ta đừng bao giờ quên mất hay lạc mất quê hương thiên đình, đích điểm cuối cùng cho cuộc hành trình trần gian của chúng ta.
Giáo Hội Anh Giáo ở Hoa Kỳ tấn phong vị tân Giám Mục đồng tính luyến ái và hậu quả
Bất chấp mọi chống đối và mối nguy cơ làm phân rẽ Giáo Hội Anh Giáo thế giới, như đã được bộc lộ từ khi Giáo Hội Anh Giáo Hoa Kỳ tuyển chọn một vị giáo sĩ công khai sống đồng tính luyến ái, nhất là qua cuộc họp thượng đỉnh của giáo hội này mới đây trong Tháng Chín, Giáo Hội Anh Giáo Episcopal đã tấn phong giám mục cho Rev. Gene Robinson hôm Chúa Nhật 2/11/2003.
Theo luật của Giáo Hội Anh Giáo ở Hoa Kỳ thì giáo dân và giáo sĩ ở mỗi giáo phận chọn lấy cho mình một vị giám mục, vị cũng phải được hội đồng toàn quốc chấp thuận. Tháng Tám 2003, Giáo Hội Episcopal Hoa Kỳ, trong cuộc Tổng Nghị ở Mineapolis đã bỏ phiếu chấp thuận tấn phong cho giáo sĩ Robinson làm giám mục ở New Hampshire. Sau đó ĐTGM Giáo chủ Giáo Hội Anh Giáo thế giới đã triệu tập một phiên họp để bàn về vấn đề tuyển chọn ấy. Hơn 2 ngàn giáo sĩ và giáo dân của giáo hội Anh Giáo Hoa Kỳ này đã họp ở Plano, Texas, trong Tháng 10 để xét đến việc tách khỏi Giáo Hội Episcopal Hoa Kỳ.
Chừng 4 ngàn người đã tham dự lễ nghi tấn phong giám mục này ở thao trường đại học New Hampshire. Buổi tấn phong được diễn tiến trước đó bằng những chứng từ cũng như những phản chứng về vị tân giám mục. Về phản chứng, có 3 vị lên tiếng như sau. Trước hết là giám mục phụ tá Albany New York là David Bena, nhân danh 36 vị giám mục chống đối thuộc giáo hội Episcopal Hoa Kỳ và Giáo Hội Anh Giáo Canada: “Lối sống cố tình của (Robinson) không xứng với Thánh Kinh và giáo huấn của giáo hội này”. Thứ hai là giáo sĩ Earle Fox thuộc giáo phận Pittsburgh: “Chúng ta không được phán xét con người, song được phán xét hành vi cử chỉ”. Thứ ba là một phụ nữ thuộc giáo phận New Hampshire đã cho việc tấn phong là một “hành vi hèn nhát” và cảnh giác là “nếu việc tấn phong này tiến hành thì tấm vải Hiệp Thông Anh Giáo sẽ bị rách nát. Chúng ta không được tiếp tục gây ra lầm lỗi kinh khủng này”.
ĐTGM Canterbury đã lên tiếng: “Cuộc họp của các vị lãnh đạo Anh Giáo tháng vừa rồi đã hoàn toàn công nhận là việc tấn phong Gene Robinson làm giám mục New Hampshire sẽ gây ra các hậu quả rất trầm trọng cho việc liên kết của Giáo Hội Anh Giáo. Những cuộc chia rẽ đang xẩy ra là một vấn đề hết sức đáng tiếc; chúng sẽ càng rõ ràng hơn nữa ở chỗ hết mọi giáo phận thuộc Giáo Hội này không thể chấp nhận Gene Robinson thực hiện thừa tác vụ giám mục”.
Phản ứng của các vị giám mục Anh Giáo trên khắp thế giới, từ Úc Đạo Lợi tới Phi Châu, hết sức phẫn nộ về việc tấn phong giám mục này của Giáo Hội Anh Giáo Hoa Kỳ.
ĐGM Peter Jensen ở Sidney đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Theo tôi thì ông ta không phải là một giám mục. Thật là một ngày rất đáng buồn cho giáo hội”. ĐGM Thomas Brown ở Wellington New Zealand cũng lập lại quyệt nghị chung của Giáo Hội này là việc sống đồng tính luyến ái “không hợp với Thánh Kinh”.
Thư ký của giáo phận Namirembe thuộc Giáo Hội Uganda Phi Châu là Jackson Turyagyenda đã nói: “Chúng tôi cực lực lên án việc tấn phong cho những kẻ sống đồng tính luyến ái cho thừa tác vụ của giáo hội. Chúng tôi cũng hết sức chống lại vấn đề đồng tính luyến ái hay những gì phản lại giáo huấn của Thánh Kinh. Không có vấn đề nguy cơ phân rẽ giáo hội của chúng ta – chúng ta đoàn kết để chống lại vấn đề đồng tính luyến ái”. Tuy nhiên, một vị giám mục hồi hưu ở Uganda là Christopher Ssenyonjo đã lập lại việc ông ủng hộ như sau: “Giám mục Robinson không tự mình lựa chọn mà là được tuyển bởi người khác. Theo tôi, dường như Thiên Chúa đã tác động họ bỏ phiếu ngày hôm đó”.
Vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo Irish là Robin Eames, được ĐTGM Canterbury Williams chỉ định làm trưởng ủy ban cứu xét và giải quyết vấn đề này, đã kết luận khi nói với Đài Phát Thanh BBC như sau: “Đây là một bức tranh rắc rối nhất và phức tạp nhất. Chúng tôi đang tiến đến một vùng vô định. Tôi không nghĩ rằng quí vị có thể ngăn cản được việc tái cân bằng. Tôi thành thật hy vọng rằng chúng tôi có thể tránh được những gì quí vị gọi là phân ly”.
ĐTGM Greg Venables, vị lãnh đạo Giáo Hội Anh Giáo ở Nam Mỹ Châu, đã nêu lên những điều tương phản giữa Giáo Hội Anh Giáo với Giáo Hội Công Giáo Rôma về vấn đề kỷ luật với Đài Phát Thanh BBC là: “Chúng ôia đang phải đối diện với một tình hình chia rẽ trầm trọng. Vấn đề đó là chúng tôi không có một vị Giáo Hoàng hay một tiểu ban trung ương để giải quyết vấn đề cho chúng tôi. Chúng tôi có vị TGM ở Canterbury, nhưng ngài là một vị lãnh đạo ở Anh Quốc với thẩm quyền về luân lý khắp thế giới, chứ không có thẩm quyền theo hàng dọc. Những gì đã xẩy ra đó là Hiệp Chủng Quốc đã tuyên bố rằng họ độc lập vậy”.
2/11 Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B
THÁNH! THÁNH! THÁNH!
Ngày 1 tháng 11 hằng năm Giáo Hội dùng để mừng kính toàn thể các Thánh trên trời. Và ngày 2 tháng 11 là ngày kính nhớ và cầu nguyện cho các thánh còn đang bị thanh luyện nơi chốn luyện hình. Tất cả những người sống và chết trong ân nghĩa Chúa, đều được gọi là những vị Thánh. Trong ý nghĩa này, thì mọi tín hữu sau khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, sống mật thiết với Thiên Chúa cũng được gọi là “thánh”, và được gọi là “những thánh nhân của Thiên Chúa”. Thánh ở trên trời. Thánh trong chốn luyện hình. Thánh trên chốn dương gian: “Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng” (Kh 7:9).
Khi còn nhỏ, mỗi lần đọc truyện các thánh tôi đã tỏ ra rất thán phục, và kính trọng những vị này. Đối với tôi, mỗi vị thánh là một anh hùng, xuất sắc, và siêu việt. Tôi tưởng tượng ra những khuôn mặt lý tưởng, và những việc làm hào hùng của các vị. Thực ra, đời sống của mỗi vị ra sao, tôi cũng không biết rõ ràng, đầy đủ. Nhưng những trang tiểu sử mà tôi đọc, tôi thấy các thánh quả là những con người phi thường. Những hư cấu do trí tưởng tượng, và do tâm lý thán phục càng làm cho tôi say mê và kính phục các ngài hơn nữa. Tuy nhiên, trừ một vài vị thánh hiện đại, tuyệt đại đa số các thánh mà tôi nhìn thấy qua những tấm hình đều là thánh “vẽ”.
Thật vậy, các thánh được thấy qua những bức vẽ ra ấy một phần đã cho tôi cái quan niệm và nhận định sai lầm về hai chữ “thánh thiện”, rằng thánh chỉ dành cho một số ít những người phi thường. Họ là những người sống trong chay tịnh, hãm xác, và khổ hạnh. Họ oai nghiêm, chăm chỉ, nghiêm chỉnh. Họ không cười, nói, hoặc vui đùa như những mọi người. Tóm lại, thánh là một nhân vật ngoại hạng, phi phàm, chỉ có trong trí tưởng tượng, chứ không thực tế và hiện hữu trong đời sống của tôi.
Nhưng cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Giáo Hội về những vị thánh gần đây mà tôi có dịp đọc, nhìn, hoặc nghe được tiếng nói của các Ngài. Những con người bằng xương, bằng thịt kia đã làm tôi thay đổi nhãn quan, thay đổi ý nghĩ về một vị thánh. Vị thánh mà tôi được nhìn bằng hình chụp đó là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Những tấm hình chụp đó do nữ tu Céline, chị của Thánh Nữ chụp bằng chiếc máy của gia đình mà Têrêsa đã nói tới trong cuốn tự truyện Một Tâm Hồn. Tiếp đến là nhờ báo chí, truyền thanh và truyền hình, tôi đã được nhìn qua hình ảnh thật của một số vị như Thánh Maximien Kole, linh mục Dòng Phanxicô, người Balan đã chết thay cho một bạn tù thời Đệ Nhị Thế Chiến. Thánh Piô Năm Dấu. Á Thánh Đamiêng, tông đồ người hủi tại Mônôkai, Hawaii. Á Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Á Thánh Têrêsa Calquita, người mẹ của những kẻ khốn cùng tại Aán Độ. Á Thánh Phanxicô, Giaxinta là hai trong ba thiếu nhi được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917.
Nhờ xem hình, nghe tiếng nói, và nhìn thấy những con người ấy đi lại, nói cười như bao người khác. Nhất là nhờ vào hàng loạt các tài liệu được viết, được diễn tả, và thảo luận về những con người ấy, tôi đã khám phá ra rằng những vị thánh cũng là những con người như tôi. Một con người với những ưu và khuyết điểm. Một con người với những dị biệt về cá tính, và những điều có thể làm người này, người khác khó chịu. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, lòng yêu mến Thiên Chúa, và sự tha thiết với phần rỗi các linh hồn vẫn luôn luôn thôi thúc, và ảnh hưởng mọi nỗ lực và sinh hoạt của các vị. Những điều mà Chúa Giêsu đã gói gọn trong hai giới răn “mến Chúa” và “yêu người” của Ngài.
Cũng từ nhận định trên, tôi tái khám phá ra rằng những cái gì tôi nhìn thấy qua dáng dấp và thái độ bên ngoài ấy, ẩn chứa một sự cố gắng và nỗ lực hoàn chỉnh mà mỗi vị đều phải phấn đấu. Thánh Gioan Boscô, sáng lập Dòng Don Bosco và là một nhà giáo dục tuyệt vời đã nói: “Muốn làm thánh thì phải làm người trước đã”. Đó là một nhận xét vừa có tính cách tu đức, lại vừa có tính cách tâm lý và giáo dục. Cũng từ nhận xét này, tôi một lần nữa nhìn vào đời sống của những vị thánh bằng một ý nghĩ rằng nếu tôi muốn, tôi cũng có thể bắt chước và làm thánh được.
“Phải làm người trước”. Điều này cho thấy các thánh cũng chỉ là những con người. Hơn thế nữa, đôi khi còn có những khuyết điểm cần phải sửa đổi để trở thành một con người xứng với nhân vị và nhân phẩm. Thí dụ, thánh Augustinô trước khi đổi mới cuộc sống, ông đã là một gã ăn chơi trác táng. Nhưng dù thế nào đi nữa, một khi đã nhận thức, đã chấp nhận đi vào con đường thánh thiện, tất cả đều phải cố gắng. Tất cả đều phải là những con người trưởng thành.
Đối với tôi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh mà tôi khâm phục và yêu kính nhất. Con người này thật là phi thường không phải do những hành động, và những trang tiểu sử. Vì tiểu sử của Têrêsa chẳng có gì khác hơn là một cuộc sống của một nữ tu tầm thường, tiềm ẩn, và ngắn ngủi. Cái phi thường mà tôi nhìn thấy nơi Têrêsa là một ý chí, và tâm lý sống đầy tin tưởng, lạc quan, và trưởng thành. Dưới cái nhìn của tâm lý học, tôi thấy Têrêsa đã sống rất can đảm và rất trưởng thành qua học thuyết Con Thơ Phó Thác bắt nguồn từ Thánh Kinh. Theo đó, những gì có trước mặt, những gì đang xẩy ra trong giây phút hiện tại, và những gì mình đang chiếm hữu là những gì có thật, và thuộc về mình. Sống hoài bão với quá khứ, mơ màng với tương lai, nhưng lơ là, chểnh mảng với hiện tại là một lối sống thiếu trưởng thành, thiếu thực tế, và dĩ nhiên không thể là lối sống thánh thiện.
Dĩ nhiên để sống như thế đòi hỏi một nỗ lực mà theo thánh Gioan Boscô là sự trưởng thành – làm người. Không làm người trưởng thành, không ý thức được thực tế cuộc đời, và không hiểu mình thì không trực diện, không can đảm đối đầu với những khó khăn trước mặt. Nhất là Têrêsa không chỉ phó thác, đơn sơ với tất cả những gì xẩy ra cho mình bằng thái độ buông xuôi, bỏ cuộc, nhưng bằng sự chấp nhận can đảm và trưởng thành trong Thánh Ý Thiên Chúa. Qua cuộc sống bình dị của một nữ tu dòng kín nhưng rất trưởng thành ấy, Têrêsa chỉ cần thổi vào đó một tinh thần yêu mến là trở thành một cuộc sống thánh thiện.
Đối với các thánh khác cũng vậy. Á Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII mà tôi đã say mê đọc Nhật Ký của Ngài từ khi tôi còn nhỏ. Hồi đó cuốn Nhật Ký Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII mà linh mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau này là Hồng Y đã dịch đã từng làm tôi say mê. Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần. Ngài là một Giáo Hoàng cao cả trong từng hành động rất nhỏ mọn và rất con người của mình. Sau 77 năm tôi luyện và tập sống trưởng thành trong cái ý nghĩa thánh thiện, Thiên Chúa đã chọn Gioan XXIII làm Giáo Hoàng. Gioan XXIII đã nhẫn nại hay Thiên Chúa đã nhẫn nại! Có lẽ cả hai. Điều này đã được chứng minh qua câu nói của Ngài trong Nhật Ký, đó là “tôi không bao giờ phạm một tội trọng”. Và lời Ngài khuyên một linh mục bạn thân đang gặp thử thách, đại khái, nếu qua bề trên mà Chúa muốn mình chỉ đi đếm những cột nhà thờ thôi, thì cũng hãy vui vẻ mà làm.
Và mới đây nhất, hình ảnh của Mẹ Têrêsa Calquita, một nữ tu nhỏ bé, ốm yếu. Một con người thực sự bộc lộ trọn vẹn khả năng và sức mạnh của ý chí, của tâm hồn và nói lên được sự trưởng thành của mình trong cái thánh thiện đáng kính. Tôi thích nhìn và say sưa theo dõi hình ảnh của Mẹ bên những người người đau ốm, bệnh tật, hôi hám của đường phố Calquita. Và tôi đã khám phá ra rằng nếu không có sức mạnh phi thường ở bên trong con người ấy, thì cũng không có những hành động phi thường mà tôi nhìn thấy ở bên ngoài.
Hôm nay, khi nhìn vào đoàn lũ các Thánh mà Giáo Hội mừng kính. Và khi nhìn lại gương tích một số vị, tôi cảm thấy được an ủi, và thêm phấn khởi. Thật ra tôi đâu cần tìm kiếm xa xôi những nguyên nhân đem tôi lại với sự thánh thiện. Tôi đâu phải làm gì to tát, cầu kỳ. Tôi chỉ cần là một con người như tôi hiện nay, và chỉ cần là một người trưởng thành với cái nhìn thực tế về cuộc đời. Và qua cuộc sống của một con người trưởng thành ấy, tôi lồng vào những hành động của tôi ý tưởng thánh hóa bằng một tình mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, là tôi đã sống trong sự thánh thiện vậy. Tuy nhiên, làm sao ý thức và sống trưởng thành. Làm sao để trở thành một con người cho cái chất thánh thiện ấy được phát sinh trong mọi hành động của mình, thì việc ấy tôi phải bắt đầu từ hôm nay, và ngay trong giây phút này: “Oâng kia, bà nọ làm thánh được. Tại sao tôi không?” (Th. Augustinô).Trần Mỹ Duyệt
Thánh Thiện là Đức Ái Trọn Hảo
Qua bài Phúc Âm Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B, chúng ta thấy được 4 điều sau đây:
Thứ nhất, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy chúng ta chẳng những phải kính mến Chúa hết mình mà còn phải yêu thương nhau như mình nữa mới trọn, chứ không phải chỉ kính mến Chúa hết mình, nói cách khác, kính mến Chúa hết mình còn ở tại việc yêu nhau như mình nữa, hay yêu nhau như mình là dấu chứng tỏ kính mến Chúa hết mình.
Thứ hai, theo ý nghĩa của bài Phúc Âm, chúng ta còn thấy, con người chỉ có thể kính mến Chúa hết mình và yêu nhau như mình khi họ tin nhận “Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất” mà thôi. Hay nói cách khác, chính vì con người tin nhận chỉ có một Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài ra không còn Vị Chúa Tể hay thần tượng hoặc ngẫu tượng nào khác, mà họ phải kính mến Ngài hết mình và yêu nhau như mình.
Thứ ba, cái quí giá nhất trên đời này, trước mặt Chúa cũng như trước mắt thế gian, đó là yêu thương: yêu thương trọng hơn tất cả mọi lễ vật hiến dâng lên cho Chúa là thế, đúng như người luật sĩ thưa với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, và cũng hợp với những gì Chúa Giêsu dạy ở bài giảng trên núi về việc về làm hòa với người xúc phạm tới mình trước khi dâng của lễ trên bàn thờ (x Mt 5:23-24).
Thứ bốn, thế nhưng, nhận biết giá trị tuyệt hạng của giới răn trọng nhất là mến Chúa hết mình và yêu nhau như mình như người luật sĩ trong bài Phúc Âm mà thôi chưa đủ, còn phải mang ra thực hành nữa mới được, mới được rỗi. Đó là lý do Chúa Giêsu đã nói với nhà luật sĩ này sau khi ông trình bày cảm nhận của mình về giới răn trọng nhất, như sau: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”.
Chúa Nhật XXXI Thường Niên Quanh Năm, dù thuộc chu kỳ nào đi nữa, A, B hay C, cũng thường ở trong thời điểm cuối tháng 10 hay đầu tháng 11, hoặc vào chính ngày Lễ Trọng Kính Chư Thánh Nam Nữ hay vào Lễ Các Đẳng (năm A: 31/10/1999, 1/11/1987 và 3/11/2002; năm B: 30/10/1994 và 2/11/1997 hay 2/11/2003; năm C: 1/11/1992 hay 1/11/1998, 2/11/1986). Riêng chu kỳ Năm B 2003, Lễ Các Thánh rơi vào ngày Thứ Bảy 1/11 và Lễ Các Đẳng vào Chúa Nhật 2/11. Tuy nhiên, bài Phúc Âm Chúa Nhật Thường Niên XXXI Năm B tuần này cũng rất hợp với ý nghĩa của cả hai lễ này. Ở chỗ, bài Phúc Âm cho chúng ta thấy một yếu tố then chốt để nên thánh, đó là mến Chúa hết mình và yêu nhau như mình. Đức Ái chẳng những là yếu tố then chốt để nên thánh mà còn là yếu tố cần thiết để đền tội nữa, đền tội cho chính bản thân mình và đền thay cho nhau nữa, nhất là cho những linh hồn trong luyện ngục. Thánh Phêrô tông đồ đã khẳng định “tình yêu bù đắp muôn vàn tội lỗi” (1Pt 4:8), và chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định về người phụ nữ tội lỗi trong thành đã tỏ lòng ăn năn thống hối là “chị ta được tha nhiều vì đã yêu nhiều” (Lk 7:47).
Thật vậy, điều quan trọng nhất trên trần gian này không phải là được làm lớn, làm tổng thống về phương diện chính trị, làm thần tượng về phương diện nghệ sĩ, hay làm giám mục, giáo hoàng về phương diện tôn giáo, mà là làm thánh. Không làm thánh thì làm gì thì làm con người nói chung và Kitô hữu nói riêng cũng có thể làm mất lòng Chúa, vì họ chỉ sống theo tự nhiên, sống theo xác thịt là những gì vốn phản lại với Thần Linh, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô: “cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt; cái gì sinh bởi Thần Linh là Thần Linh” (Jn 3:6), hay với các tông đồ: “Thần Linh mới làm cho sống, xác thịt chẳng có ích gì” (Jn 6:63)). Điển hình nhất là trường hợp đã xẩy ra cho tông đồ Phêrô, dù có ý hết sức ngay lành trong việc can thiệp vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, vị tông đồ này cũng đã bị Người nặng lời khiển trách là đồ Satan (x Mt 16:22-23). Thật ra, Kitô hữu chúng ta đã được thánh hóa, đã là Thánh ngay từ khi được lãnh nhận Phép Rửa. Bởi vậy, là những ngọn đèn đã được Chúa Kitô thắp lên để trên cao hầu soi sáng cho cả nhà thế gian, chúng ta phải sống đúng với ơn gọi “là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14) của mình. Mà ánh sáng chúng ta chiếu giải để soi sáng thế gian tăm tối sặc mùi tử khí văn hóa sự chết đây là gì nếu không phải là một đức ái trọn hảo.
Nếu theo Mạc Khải Thần Linh qua phần Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, Phúc Âm nói riêng, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói đến giới răn cao trọng nhất là giới răn yêu thương, yêu Chúa hết mình và thương người như mình, thì trong phần áp dụng thực hành những gì Chúa tỏ dạy cho chúng ta biết ấy, chúng ta cảm nhận và đáp ứng thế nào trước Lời Chúa? Chắc mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy khó nên thánh quá! Lời Chúa khó áp dụng quá! Nhưng cũng chính vì Lời Chúa siêu việt trên cả trí khôn hiểu biết của loài người lẫn khả năng thực hiện của họ mới thực sự chứng tỏ cho thấy “Đó là Lời Chúa”, chứ không phải là lời thường, lời của con người, dù là của các bậc hiền triết thánh nhân, những lời Chúa siêu việt này đều “là thần linh và là sự sống” (Jn 6:63), như Chúa Giêsu đã khẳng định với các tông đồ. Đó là lý do, để phấn khích tinh thần Sống Thánh Chứng Nhân của chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta có các tấm gương của những vị thánh, những con người cũng hèn yếu như chúng ta. Chẳng hạn như vị tân chân phước Têrêsa Calcutta được Giáo Hội tuyên phong vào chính Chúa Nhật Truyền Giáo 19/10/2003, “một trong những vị đại thừa sai của thế kỷ 20”, như ĐTC Gioan Phaolô II đã công bố ngày 20/10/2003 với phái đoàn hành hương đến dư ỉ lễ tuyên phong của Mẹ, vị mà trong hồ sơ phong chân phước đã được gọi là “biểu hiệu của Đức Ái Kitô giáo”, căn cứ vào các việc bác ái anh hùng được tỏa sáng từ người nữ tu thánh sống này.Mẹ Têrêsa Calcutta, sau khi đã nghe thấy tiếng Chúa nói trong tâm hồn của Mẹ, kêu gọi Mẹ là: “Hãy đến, hãy trở thành ánh sáng của Cha. Hãy mang Cha tới hang hầm tối tăm của thành phần nghèo khổ”, Mẹ đã bắt đầu đi vào đêm tối tăm nội tâm, một đêm tối tăm bắt đầu xuất hiện khi Mẹ mới bắt tay vào việc phục vụ người nghèo cho tới khi Mẹ qua đời, một đêm tối tăm, như Mẹ chia sẻ với cha linh hướng và Đức Tổng Giám Mục địa phương, có những lúc Mẹ thấy thiên đàng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, Thiên Chúa không còn hiện hữu nữa v.v., nhưng đồng thời đời sống Mẹ lại thực sự chiếu tỏa “rạng ngời chân lý” Chúa Kitô, mang “Phúc Âm sự sống” chẳng những đến cho thế giới Ấn Giáo mà còn cho cả thế giới văn minh duy nhân bản, duy thực dụng, duy vật vô thần của thế kỷ 20 nữa. Sau đây hai trường hợp điển hình do Mẹ kể lại cho chúng ta.
“Vào một buổi tối kia, chúng tôi ra đường và thấy được 4 người. Một người trong họ hết sức thê thảm. Tôi nói với các chị em rằng: ‘Các con hãy chăm sóc 3 người kia; còn mẹ lo cho người tệ nhất ấy’. Thế là tôi đã làm tất cả những gì tình yêu của tôi có thể làm cho người phụ nữ này. Tôi đặt người phụ nữ ấy lên giường và chị đã nở ra một nụ cười tuyệt vời. Chị đã nắm lấy tay tôi nói lời duy nhất ‘cám ơn Mẹ’, rồi chị qua đời. Tôi không thể nào không xét mình trước chị phụ nữ ấy. Tôi ngẫm nghĩ: ‘Tôi sẽ nói gì nếu ở vào trường hợp của chị?’ Câu trả lời của tôi rất dễ thôi. Tôi sẽ nói rằng: ‘Tôi đói khát, tôi chết mất, tôi lạnh lẽo, tôi đau đớn’ hay một câu nào đó. Thế nhưng, chị đã cho tôi còn hơn thế nữa. Chị đã cho tôi tấm lòng ưu ái tri ân của chị. Và chị đã chết với một nụ cười trên khuôn mặt.
“Sau đó chúng tôi đã nhặt được một người đàn ông ở một cái cống rãnh, một nửa thân mình đã bị sâu bọ rúc rỉa, và sau khi chúng tôi đã mang ông ta vào nhà, ông chỉ nói rằng: ‘tôi đã sống như một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc’. Đoạn, sau khi chúng tôi đã lấy hết mọi thứ sâu bọ khỏi mình mẩy của ông, tất cả những gì ông nói với chúng tôi kèm theo nụ cười tươi là ‘Sơ ơi, tôi sắp về cùng Thiên Chúa’, rồi ông tắt thở. Thật là tuyệt vời khi chứng kiến thấy sự cao cả của con người đàn ông đã có thể nói như thế mà không trách cứ bất cứ một ai, không so sánh bất cứ sự gì. Như một thiên thần, đó là sự cao cả của con người phong phú về tinh thần ngay cả trong lúc nghèo khổ về vật chất”.
Đó là lý do, trong bài giảng Lễ Phong Chân Phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, ĐTC Gioan Phaolô II chẳng những đã đề cập đến cuộc khủng hoảng nội tâm của Mẹ Maria liên quan đến lòng mến Chúa hết mình của Mẹ, mà còn hết lời ca ngợi đức ái xả thân quên mình của Mẹ trước thế giới nơi thành phần cùng khốn nhất loài người như sau:“’Khi các ngươi làm cho một trong thành phần hèn mọn nhất trong anh em Ta là các ngươi làm cho chính Ta’ (Mt 25:40). Sứ điệp Phúc Âm này, một sứ điệp rất quan trọng để hiểu được việc Mẹ Têrêsa phục vụ người nghèo, là nền tảng cho niềm xác tín đầy tin tưởng của Mẹ đến nỗi khi đụng chạm đến những thân xác tan nát của người nghèo là Mẹ sờ chạm tới thân mình của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu, ẩn mình dưới bộ mặt buồn thảm của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo là mục tiêu cho việc phục vụ của Mẹ nhắm đến. Mẹ Têrêsa đã làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa nhất của việc phục vụ, một tác động yêu thương, một hành động làm cho người đói, kẻ khát, người lạ, kẻ trần trụi, người bệnh, kẻ tù phạm (x Mt 25:34-36) là làm cho chính Chúa Giêsu” (Đoạn 4).
Phần Kitô hữu Công giáo chúng ta, đôi khi chúng ta khiêm nhượng quá đến trốn tránh trách nhiệm, đến sống phản lại sự thật. Điển hình nhất là việc thực hành ơn gọi Sống Thánh Chứng Nhân của chúng ta đây. Không phải hay sao, trong khi Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng “Các con là ánh sáng thế gian”, thế mà có ai trong Kitô hữu chúng ta dám tự nhận mình “là ánh sáng thế gian” không? Chính vì chúng ta không dám nhận mình “là ánh sáng thế gian”, hay thậm chí phủ nhận căn tính Kitô giáo “là ánh sáng thế gian”, là truyền giáo, là làm tông đồ, làm chứng nhân cho Chúa Kitô như thế, mà chúng ta đã tiếp tục sống tầm thường, sống phản lại với tinh thần của Chúa Kitô, sống trong tăm tối, theo khuynh hướng dễ dãi tự nhiên, theo xác thịt phản lại Thần Linh ban sự sống.
Phải, chỉ khi nào chúng ta dám chân nhận mình tôi “là ánh sáng thế gian”, chúng ta mới nỗ lực làm gương sáng, mới có thể tỏa Chúa Kitô “là ánh sáng thế gian” ra, mới trở thành chứng nhân trung thực phản ảnh Chúa Kitô, mới phát tỏa Tin Mừng Sự Sống cho thế gian vốn yêu chuộng tối tăm hơn ánh sáng này. Nếu đức ái trọn hảo của Kitô giáo “là ánh sáng thế gian” thì ánh sáng đức ái này được chiếu tỏa từ ngọn đèn đức tin. Đức ái càng sáng chứng tỏ đức tin càng mạnh và sự sống nội tâm càng dồi dào nơi thành phần Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô. Nếu đức tin thuộc về hay liên quan đến đời sống nội tâm cầu nguyện thì đức ái thuộc về hay liên quan tới đời sống hoạt động tông đồ. Trong cuộc chung thẩm, Vị Thẩm Phán Tối Cao Giêsu chỉ cần xem quả biết cây (x Mt 7:15-20), chỉ cần phán xét đức ái là biết đức tin của con người (x Mt 25:34-37): cả hai thành phần chiên và dê đều trả lời không thấy Chúa, nhưng thành phần chiên dù không thấy vẫn làm việc bác ái.
Đó là hình ảnh một con chiên Têrêsa Calcutta, dù không thấy Chúa, tức nội tâm của con chiên này bị tối tăm cả nửa đời người (1947-1997), tức suốt thời gian phục vụ người nghèo, không thấy Chúa đâu, nhưng vẫn hăng say làm việc bác ái, vẫn lấy đức tin nhìn nhận Người nơi “những người anh em hèn mọn nhất” của Người tại miền đất bần cùng nhất trên thế giới. Chính việc bác ái Kitô hữu thực hiện chứng tỏ họ thực sự yêu mến Thiên Chúa, hay thực sự họ nhận biết Thiên Chúa, một Thiên Chúa chân thật duy nhất là Đấng họ phải kính mến hết mình, “hết lòng muốn, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”, như Chúa Giêsu tái xác nhận với người luật sĩ trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này. Và chính kiến thức thần linh, được sáng tỏ qua đức bác ái, đã cho thấy người Kitô hữu này đã thực sự sống dồi dào “sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô” (Jn 17:3).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
YÊU THƯƠNG LÀ BẢN TÍNH HOÀN THIỆN
YÊU THƯƠNG LÀ MỘT MẦU NHIỆM
Nói đến yêu thương là nói đến một mầu nhiệm, chẳng khác gì như một mầu nhiệm về thần linh, một mầu nhiệm con người hầu như không thể nào hiểu được. Đó là lý do người ta vốn nói ai có thể định nghĩa được tình yêu. “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, thi sĩ Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ Vì Sao của mình như thế. Và chính vì yêu thương là một mầu nhiệm như thế, nên những kẻ yêu như lạc vào một chốn thiên thai, một vùng trời không lối thoát.
Thi sĩ Hồ Dzếnh đã diễn tả cái lẩn quẩn của yêu thương trong bài Lỡ Hẹn thế này:
“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Anh sẽ trách cố nhiên nhưng rất nhẹ.
Nếu trót đi em hãy gắng quay về.
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.
Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở”.
Robert Browing cũng cảm nhận được cái trò ma quái của yêu thương trong bài thơ Yêu Là Sống như sau:
“Định trốn anh sao? Đừng cưng nhé!
Em là em anh vẫn sẽ là anh.
Khi địa cầu còn chứa đựng chúng mình.
Thì hai đưa vẫn chơi trò cút bắt”.
Nguyễn Bính trong bài thơ Ghen đã diễn tả cái mộng tưởng yêu thương là chiếm đoạt thế này:
“Cô nhân tình bé của tôi ơi,
tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười,
những lúc có tôi và mắt chỉ,
nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi…
Thế là ghen quá đấy mà thôi.
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi.
Và nghĩa là cô là tất cả.
Cô là tất cả của riêng tôi”.
Thật vậy, chính vì yêu thương là một mầu nhiệm, một mầu nhiệm lại hết sức tỏ tường và hiện thực nơi mỗi một con người, đến nỗi trí khôn không thể hiểu được lý lẽ của ci lòng, yêu thương mới kích thích con người tìm hiểu nó, nhưng không phải tìm hiểu bằng lý trí, mà bằng cả cảm nghiệm của con tim. Thi sĩ Xuân Diệu đã diễn tả cảm nghiệm của mình về ý nghĩa yêu thương “Yêu là chết ở trong lòng một ít” trong bài thơ Yêu Là Chết. Người Pháp cũng chia sẻ cảm nghiệm về ý nghĩa yêu thương bằng câu định nghĩa yêu là cho: “Aimé c’est donné”.
YÊU LÀ CHO, YÊU LÀ CHẾT
Vẫn biết còn nhiều câu định nghĩa khác về yêu thương, như “yêu là cùng nhìn về một hướng”. Nhưng thiết nghĩ câu định nghĩa trên của Xuân Diệu và của Người Pháp cũng đủ cho thấy những gì căn bản nhất về yêu thương. Trước hết, “yêu là chết ở trong lòng một ít”. Câu định nghĩa này thật sự không nói lên được cái mãnh lực mạnh hơn sự chết của yêu thương, một khi chưa yêu hoàn toàn. “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, chứ không phải chết “nhiều tí”, chết hoàn toàn, không sống được nếu không yêu, thì tình yêu này mới là tình yêu chớm nở, tình yêu một chiều, tình yêu ngập ngừng, tình yêu cân nhắc, đúng như Xuân Diệu diễn tả trong cùng bài thơ Yêu Là Chết của mình:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít.
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu.
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”.
Đúng thế, vì “yêu là cho”, như Người Pháp cảm nghiệm về yêu thương, mà nếu cho ít hay cho rụt rè sợ lỗ theo kiểu Yêu Là Chết của Xuân Diệu thì quả thực “yêu là chết ở trong lòng một ít” thôi, chứ không nhiều lắm. Trái lại, nếu Yêu Là Cho, cho hoàn toàn, cho tất cả, cho như kiểu Ghen của Nguyễn Bính: “Và nghĩa là cô là tất cả. Cô là tất cả của riêng tôi”, thì người ta có thể Ghen đến độ tạt át xít vào mặt tình địch như đã từng xẩy ra một vụ đánh ghen nổi tiếng ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960 ngày xưa. Tuy nhiên, “yêu chính là cho” theo kiểu tạt át xít như thế không phải là cho mà là đòi thì đúng hơn. Kinh nghiệm tâm lý cho thấy khi thực sự yêu nhau, người ta có thể sẵn sàng cho nhau tất cả mọi sự, kể cả trinh tiết hay danh giá, gia tài và sự nghiệp v.v. Thế nhưng, kinh nghiệm thực tế cũng phũ phàng cho thấy, nếu “cho rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết” như Xuân Diệu cảm nhận, thì tình yêu sẽ trở thành hận thù: “yêu nhau lắm cắn nhau đau” là thế!
Bởi vậy, câu định nghĩa “Yêu Là Chết” của Xuân Diệu và “Yêu Là Cho” của Người Pháp mới chỉ diễn tả phần nào ý nghĩa khiếm diện của mầu nhiệm yêu thương mà thôi, chứ chưa hoàn toàn nói lên được cốt li đích thực hay chân dung sống động của yêu thương. Dầu sao, hai câu định nghĩa này, một câu nhấn mạnh đến tình trạng khổ đau bất khả thoát của yêu thương: “Yêu Là Chết”, và một câu đề cao tác động hy sinh bất khả thiếu của yêu thương: “Yêu Là Cho”, cả hai cũng đồng qui ở một điểm đó là mối hiệp thông. Thật vậy, nói đến yêu thương là nói đến hiệp thông; nếu không hiệp thông thì không thể nói đến yêu thương. Tác động “chết” hay “cho” đều chứng thực hết sức thực tế về mối hiệp thông nội tâm sâu xa này. Nếu không yêu thương thì đâu có cảm thấy khổ, dù chỉ “chết ở trong lòng một ít”. Và nếu không yêu cũng đâu có thể nào dám dấn thân hy sinh cho nhau, đến nỗi có thể đi đến chỗ chết cho nhau hay chết vì nhau, như câu truyện ngắn Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng cho thấy, hay như trường hợp của Maximilianô Kolbe người Balan, tù nhân mang số 16670 ở trại Auschwitz đã hy sinh chết vào năm 1941 thay cho một người cha bị xử tử vì tội trốn ngục là ông Francois Gajawniczek. Thực tế còn cho thấy những cặp tình nhân, biết được chắc chắn họ không thể nào chung sống trọn đời với nhau, đã cùng nhau tự tử để không gì làm họ có thể xa cách nhau và không bao giờ họ bị cách xa nhau, như những vụ tự tử song nguyền vẫn thường xẩy ra ở Suối Lồ Ồ thuộc Quận Thủ Đức Việt Nam trong thập niên 1960 ngày xưa.
YÊU THƯƠNG CHÍNH LÀ HIỆP THÔNG
Như thế, yêu thương chính là hiệp thông, một mối hiệp thông được thể hiện cụ thể qua đời sống hôn nhân gia đình. Và cũng chính vì yêu thương là hiệp thông như thế mà con người mới có phái tính nam nữ để có thể hướng về nhau, thu hút nhau, tìm đến nhau, và nên một với nhau. Thánh Kinh Do Thái Giáo, ngay ở đoạn cuối của chương thứ hai cuốn Sáng Thế Ký, đã cho thấy thực tại yêu thương chính là hiệp thông như thế này: “Chúa là Thiên Chúa phán con người ở một mình không tốt. Ta sẽ dựng nên cho nó một đồng bạn xứng hợp với nó… Vậy Chúa là Thiên Chúa làm cho con người chìm vào một giấc ngủ say, để rồi trong khi con người ngủ, Ngài đã rút lấy một trong những xương sườn của con người, lấy thịt đắp vào chỗ chiếc xương sườn được Ngài lấy đi ấy. Đoạn Chúa là Thiên Chúa làm chiếc xương sườn Ngài đã lấy từ con người thành một người nữ. Khi Ngài đem người nữ đến cho con người, con người đã nói: ‘Cuối cùng người này mới là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi’… Đó là lý do tại sao người nam bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ, và cả hai trở nên một thân thể”.
Phải chăng vì tự nhiên cảm nhận được thực tại yêu thương chính là hiệp thông, là “trở nên như một thân thể”, đúng như mạc khải thần linh được Thánh Kinh Do Thái Giáo ghi nhận trên đây, mà tục lệ hôn nhân Á Đông, như ở Trung Hoa và Việt Nam, đã cho phép vợ chồng gọi nhau là “anh - em”, “huynh – muội”, kiểu gọi nhau có tính cách ruột thịt như anh em cùng một mẹ cha, kiểu “anh em như thể tay chân”, thậm chí còn được gọi nhau là “mình”, là chính thân thể của nhau, hết sức thân mật, hết sức hiệp thông. Nếu yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông thì tất cả những thứ tình yêu nào không đưa con người đến chỗ thực sự hiệp thông thì không phải là tình yêu chân chính, mà chỉ là một thứ xúc động tình cảm mau qua hay một thứ nhu cầu tình dục đòi hỏi thôi.
Hiện tượng và trào lưu ly dị ngày nay hoàn toàn phản lại với bản chất yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông, do đó, những cuộc hôn nhân “anh đi đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thể thôi” hết sức phổ thông ngày nay không phải là yêu thương, hay chỉ là một cuộc yêu thương không đích thực. Chính vì thế, lịch sử cho thấy, sau khi hôn nhân được luật pháp nới rộng cho phép ly dị từ thập niên 1960 tại Âu Mỹ, thì phong trào phá thai cũng đã được luật pháp bảo vệ từ đầu thập niên 1970. Việc trùng hợp trước sau hết sức ăn khớp với nhau này giữa hiện tượng ly dị và phá thai đã không chứng thực nhận định vừa rồi hay sao: “Nếu yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông thì tất cả những thứ tình yêu nào không đưa con người đến chỗ thực sự hiệp thông thì không phải là tình yêu chân chính, mà chỉ là một thứ xúc động tình cảm mau qua hay một thứ nhu cầu tình dục đòi hỏi thôi”?
HIỆP THÔNG LÀ NHẬN BIẾT NHAU
Thế nhưng, vấn đề ở đây là, nếu không yêu nhau thì làm sao người ta có thể lấy nhau được, và đã lấy nhau rồi thì làm sao người ta lại bỏ nhau như thế? Chẳng lẽ họ chưa yêu, hay yêu lầm, hoặc yêu vội? Văn minh ngày nay không còn chỗ đứng cho tục lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa. Ấy thế mà trong chính lúc người ta có quyền tự do luyến ái và lập gia đình với nhau, người ta lại động một tí là bỏ nhau, là ly dị nhau? Phải chăng người ta chưa tìm hiểu nhau cho tường tận, cho kỹ lưỡng? Về chung sống vợ chồng với nhau rồi mới biết bộ mặt thật của nhau, mới biết con người trần trụi của nhau? Đó là lý do chúng ta thường hay nghe thấy những câu nói thoát ra từ cửa miệng của một người đã lập gia đình cả chục năm hay mấy chục năm: “Bây giờ tôi mới hiểu anh ấy” hay “đến bây giờ tôi mới biết nhà tôi” v.v. Vậy cái biết lúc đầu khi mới quen nhau, khi mới tìm hiểu nhau, trước khi lấy nhau, và cái biết bấy giờ, cái biết sau khi lấy nhau được một thời gian, khác nhau ở chỗ nào, nếu không phải chỉ khác nhau về cấp độ hiểu biết nơi chủ thể yêu, hơn là khác nhau nơi cùng một đối tượng yêu. Có thể nói, yêu thương là tiến trình hiểu biết dẫn đến hiệp thông.
Thật ra, chính yếu tố “biết nhau” cũng là một chứng từ cho thấy yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông. Đúng thế, trước khi tiến đến tình trạng hiệp thông ngoại tại với đối tượng yêu, ở chỗ, “cả hai nên một thân thể”, Mạc Khải Thần Linh trong Thánh Kinh Do Thái Giáo cho thấy mối hiệp thông này đã có sẵn ngay ở nội tại của con người, khi con người bộc lộ cái ý thức của mình về đối tượng yêu: “người này mới là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Như thế, tình trạng hiệp thông ngoại tại, hiệp thông bề ngoài là hiện thực, là phản ảnh của nhận thức hiệp thông nội tại, hiệp thông bề trong nơi con người. Yêu thương ở đây, bởi vậy, mới chính là tác động diễn đạt hay thể hiện nhận thức hiệp thông nội tại của con người. Yêu ở đây đồng nghĩa với biết, và biết ở đây cũng không còn là điều kiện của yêu nữa, theo kiểu “vô tri bất mộ”. Phải chăng vì thế mà Sách Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo, ở ngay câu thứ nhất của đoạn 4, đã viết: “Con người biết Evà vợ mình, để rồi nàng đã thụ thai và hạ sinh Cain”? Động từ “biết” hay tác động “biết” ở đây được một số bản dịch dùng chữ “ăn ở với” hay “giao hợp với” thay thế! Thánh Kinh Kitô Giáo cũng cho thấy một trường hợp tương tự, đó là trường hợp của trinh nữ Maria ở Nazarét, trong ngày được sứ thần Gabriel truyền tin Thiên Chúa tuyển chọn trinh nữ làm mẹ của Chúa Kitô, trinh nữ đã trả lời: “Làm sao việc ấy thành sự được, vì tôi không biết đến nam nhân” (Lk 1:34). Động từ “biết” hay tác động “biết” ở đây cũng thế, cũng đã được một số bản văn dịch theo ý nghĩa thực tế của nó thành “liên hệ xác thịt”.
HIỆP THÔNG LÀ CHẤP NHẬN NHAU
Yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông chẳng những được bắt nguồn từ tâm thức nhận biết nhau mà còn được thể hiện ở chỗ chấp nhận nhau nữa. Đó là lý do trong tiếng Việt, chữ yêu thường đi với chữ thương – “yêu thương”, khác với chữ yêu đi với chữ thích - “yêu thích”, hay chữ yêu đi với chữ mến – “yêu mến”. “Yêu mến”, nhất là “yêu thích”, thường là một thứ tình cảm hướng đến những gì hợp với mình, hợp với chủ thể yêu, như nhan sắc, tài giỏi, giầu sang, danh tiếng, lợi lộc, quyền bính, nhục dục v.v., từ đó, tình cảm “yêu mến” hay “yêu thích” này tự nhiên cảm thấy ghét bỏ và tìm hết cách tránh né tất cả những gì không hợp với mình, dù bản chất của những sự ấy tốt lành. Trái lại, nếu yêu có thương trong đó mới thực sự là hiệp thông, và mới giữ được mối hiệp thông này. Vì nếu yêu kéo con người lại với nhau, thì thương giữ con người lại với nhau.
Nếu yêu hướng đến những cái gì tốt đẹp và hợp với mình, thì thương là ôm ấp cả những cái gì xấu xa, tồi tệ và không hợp với mình. Do đó, chỉ khi nào con người yêu biết thương, tình yêu của họ mới mạnh hơn sự chết, mới thắng vượt sự dữ, mới là sự thiện tối thượng, một sự thiện được Thánh Kinh Kitô Giáo cảm nhận là chính tình yêu, qua câu định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Bằng không, yêu mà không thương, một lúc nào đó, cái được gọi là tình yêu có thể sẽ biến thành một quyền lực phá hoại, thành một hung thần tán ác nhất, thành một tà thần ghê tởm nhất. Lịch sử đã chẳng cho thấy hiển nhiên hay sao, tình yêu dân tộc đi đến chỗ sát hại hay tàn sát các chủng tộc khác, như ở Thánh Địa từ năm 1948 tới nay, nhất là từ cuối năm 2000 tới giữa năm 2002 đây, hay như ở Yugoslavia trong suốt thập niên 1990, không phải là những chứng cớ hùng hồn cho thấy thực tại yêu thương chính là hiệp thông và thực sự là hiệp thông hay sao?
Có thể nói, thương là tuyệt đỉnh của tình yêu, là cốt li của tình yêu, là chính con tim của tình yêu. Thế nhưng, theo tâm lý tự nhiên, con người chỉ thích được yêu chứ không muốn “bị” thương. Vì trở thành đối tượng được thương là trở thành một cái gì hèn hạ, thua kém, nhục nhã. Do đó, con người tự ái thường phản ứng bằng những câu nói rất tự trọng như: “Tôi không cần thương”. Tuy nhiên, nếu thương không phải là bố thí mà thương đây cũng chính là yêu, thì đối tượng được thương không phải là một cái gì tầm thường, một cái gì đáng khinh bỉ, đáng thương hại, mà là một cái gì hết sức trân quí, hết sức cao trọng, một cái gì phải coi trọng như chính bản thân của chủ thể tỏ tình thương. Như Mẹ Têrêsa đã hoàn toàn sống hiệp thông với mỗi một con người và tất cả mọi con người bần cùng nhất xã hội loài người tại Calcutta Ấn Độ trong 50 năm (1947-1997) Mẹ phục vụ họ vậy. Nếu loài người biết thương nhau như anh chị em trong một đại gia đình, nếu các dân tộc biết chấp nhận đồng loại của mình như một thân thể duy nhất, cho dù văn hóa khác biệt và văn minh chênh lệch, thì thế giới làm gì xẩy ra chiến tranh suốt giòng lịch sử của mình như thế. Bởi vì, nói đến thương là nói đến thứ tha, nói đến một tinh thần rộng lượng bao dung, chân dung đích thực của tình yêu trọn hảo, của một sự sống viên mãn, của một sự sống thắng vượt tội lỗi và sự chết, của một sự sống trường sinh vinh phúc.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 14, 21/4/2002)