GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 9/2003
Ý Chung: “Xin cho các xứ sở đang chịu cảnh chiến tranh, khủng bố và bạo loạn được tìm thấy đường lối hòa giải, hòa hợp và hòa bình”.
Ý Truyền Giáo: “Xin cho các cộng đồng Kitô hữu ở Trung Á đang sống giữa thành phần thuộc các truyền thống tôn giáo khác biết dấn thân truyền bá tin mừng Nước Trời bằng chứng từ tích cực đức tin của họ”.
___________________________________________
7-13/9/2003
13/9 Thứ Bảy, 6 năm an táng Mẹ Têrêsa Calcutta
Mẹ Têrêsa Calcutta: Di Sản
Huân Chương
Trong số 124 Bằng Tưởng Thưởng Mẹ nhận được, trong đó có 10 bằng đặc biệt là:
1. Padmashree Award (từ Tổng Thống Ấn Độ) 8/1962;
2. Pope John XXIII Peace Prize 1/1971;
3. John F. Kennedy International Award 9/1971;
4. Jawahalal Nehru Award for International Understanding 11/1972;
5. Templeton Prize for "Progress in Religion" 4/1973;
6. Nobel Peace Prize 12/1979;
7. Bharat Ratna (Jewel of India) 3/1980;
8. Order of Merit (từ Nữ Hoàng Elizabeth) 11/1983;
9. Gold Medal of the Soviet Peace Committee 8/1987;
10. United States Congressional Gold Medal 6/1997.
Sự Nghiệp
7/10/1950:
Hội dòng Thừa Sai Bác Ái được chính thức hình thành trước Giáo quyền. (Bấy giờ hội dòng mới có 12 người. Người đầu tiên theo Mẹ vào tháng 3/1949. Người thừa kế đầu tiên thay Mẹ làm bề trên tổng quyền của cả hai ngành hoạt động và chiêm niệm là Sơ M. Nirmala, MC).
25/3/1963:
Ngành NamThừa Sai Bác Ái được chính thức thành hình ở Calcutta. (Cha Ian Travers-Ball, SJ, dòng Tên đã gia nhập ngành này năm 1965, với tên gọi là Sư Huynh Andrew, MC, và là bề trên tiên khởi của ngành nam. Bề trên tổng quyền của ngành nam được gọi là Tổng Phục Vụ [The Servant General] và vị Tổng Phục Vụ hiện nay là Sư Huynh Yesudas, MC)
3/1969:
Ngành Cộng Tác Viên của Mẹ Têrêsa được chính thức bắt đầu. (Ngành này bao gồm tất cả mọi giáo dân, thuộc đủ mọi tôn giáo, quốc gia và nếp sống, muốn cùng với Mẹ Têrêsa làm giãn cơn khát yêu thương và các linh hồn của Thiên Chúa, bằng việc hiến dâng cho Ngài tình yêu của họ và làm cho tình yêu của Ngài được cảm nhận, cách riêng nơi thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, nhất là nơi những ai thuộc gia đình riêng của các phần tử ngành này. Ngành Cộng Tác Viên giáo dân đây còn có thể được thực hiện bởi một người “Cộng Sự Viên Bệnh Nhân và Đau Khổ” với một vị Thừa Sai Bác Ái).
25/6/1976:
Ngành chiêm niệm Nữ được thành hình ở Nữu Ước. (Sứ vụ của các nữ tu MC ngành chiêm niệm này là tìm kiếm các linh hồn nghèo nhất trong các người nghèo qua việc tông đồ cầu nguyện, nhất là việc tôn thờ Thánh Thể, cũng như qua các hoạt động tình thương về tinh thần)
19/3/1979:
Ngành chiêm niệm Nam được thành hình ở Rôma. (Dưới sự hướng dẫn của Cha Sebastian Vazhakala, MC, ngành nam chiêm niệm đã chính thức cộng nhận như một hội dòng thuộc giáo phận ở Rôma vào năm 1993).
1980:
Thành lập Phong Trào Thân Thể Chúa Kitô Cho Linh Mục (Corpus Christi Movement for Priests) cho các vị linh mục muốn thông dự vào linh đạo của Mẹ. (Cha Joseph Langford đã cộng tác vào việc này. Phong trào này đã tiếp tục lan rộng nơi các linh mục triều trên khắp thế giới dưới sự lãnh đạo hiện nay của Cha Pascual Cervera ở Nữu Ước. Ngoài ra, Mẹ Têrêsa còn muốn hỗ trợ các vị linh mục hơn nữa bằng chương trình Veronica Intercessors For Priests - Verônica Chuyển Cầu Cho Các Vị Linh Mục, một chương trình thừa nhận thiêng liêng giữa một vị linh mục với một nữ tu hy sinh cầu nguyện cho ngài, theo chiều hướng của Chị Thánh Têrêsa Nhỏ trước đây. Chương trình này đã được các vị giám mục cổ võ và lan truyền đến nhiều dòng tu khác nhau).
16/4/1984:
Ngành Thừa Sai Bác Ái Giáo Dân được thành hình. (Mục đích là để giáo dân sống đời sống thiêng liêng được tổ chức theo đặc sủng của Mẹ Têrêsa).
13/10/1984:
Ngành Thừa Sai Bác Ái Linh Mục được thành hình ở Bronx, Nữu Ước. (Cha Joseph Langford đã cộng tác vào việc thành lập ngành này. Mục đích của ngành này là để tạo cơ hội cho các vị linh mục phục vụ người nghèo nhất trong các người nghèo, giúp vào việc thiêng liêng cho gia đình Thừa Sai Bác Ái, cũng như để truyền bá linh đạo cùng sứ vụ của Mẹ Têrêsa. Ngành này đã trở thành một hội dòng thuộc giáo phận ở Tijuana, Mễ Tây Cơ năm 1992. Như thế, ngành nữ chiêm niệm và hoạt động chỉ là một dòng, thì ngành nam, kể cả Sư Huynh và Linh Mục, lại có ba dòng (ngành chiêm niệm Nam MC, ngành Sư Huynh MC và ngành Linh Mục MC). Nhưng tất cả đều có một mục đích duy nhất là thực hiện đặc sủng của Mẹ Têrêsa, người “Mẹ” duy nhất của tất cả các ngành, trong việc làm giãn cơn khát của Thiên Chúa, bằng đời sống thánh thiện cũng như bằng việc phục vụ phần rỗi và thánh hóa thành phần nghèo nhất trong các người nghèo).
Khi Mẹ Têrêsa qua đời 5/9/1997, tổng số Chị Em Thừa Sai Bác Ái là 3.914 ở 594 cộng đồng tại 123 quốc gia trên khắp thế giới. (Có thể vì nhiều ngành khác nhau như được kể đến trên đây mà con số này hơi khác với con số được Zenit phổ biến ngày 29/8/2003 như sau: “Vào năm 1997, năm đấng sáng lập qua đời, dòng này có 456 nhà ở 101 quốc gia, giờ đây, kể cả 10 nhà nguyên trong năm 2003 này, tất cả số nhà lên đến 710 ở 132 quốc gia. Theo niên giám 2003 của Tòa Thánh dòng này có 4.690 nữ tu kể cả tập sinh”).
Danh Ngôn (của Mẹ Têrêsa)
Về Đức Bác Ái:
• “Hãy làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”.
• “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc cùng nhau cầu nguyện”.
• “Thiên Chúa đã bảo chúng ta rằng ‘Hãy yêu thương tha nhân như bản thân mình’. Bởi vậy trước hết tôi phải yêu bản thân tôi một cách thích đáng, rồi yêu thương tha nhân của mình như bản thân mình. Thế nhưng làm sao tôi có thể yêu bản thân mình trừ phi tôi chấp nhận bản thân tôi như Thiên Chúa đã dựng nên tôi?”
• “Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để yêu thương và được thương yêu, và đây là khởi đầu của việc cầu nguyện, đó là biết rằng Ngài yêu thương tôi, tôi được dựng nên cho những gì là cao cả”.
• “Những việc làm yêu thương bao giờ cũng là những việc làm hòa bình”.
Về gia đình
• “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là gia đình cùng nhau chung sống, và nếu họ cùng nhau chung sống họ sẽ yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người trong họ”.
• “Con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa ban cho gia đình. Mỗi một con trẻ được dựng nên theo hình ảnh đặc biệt và tương tự như Thiên Chúa cho những sự cao cả, đó là yêu thương và được thương yêu”.
Về tình đoàn kết
• “Điều tôi làm được quí vị lại không làm được. Điều quí vị có thể làm thì tôi lại bất lực. Thế nhưng, cùng nhau chúng ta vẫn có thể làm một điều gì tuyệt vời cho Thiên Chúa”.
Về hoạt động và chiêm niệm
• “Chúng ta không phải là những cán sự xã hội. Trước mắt một số người chúng ta đang làm việc xã hội, nhưng chúng ta cần phải là những con người chiêm niệm giữa lòng thế giới”.
Về sự thánh thiện
• “Thánh thiện không phải là vấn đề hào nhoáng của một số người; thánh thiện chẳng qua chỉ là một nhiệm vụ đối với quí vị và đối với tôi mà thôi”.
Về cảm nghiệm phục vụ
“Vào một buổi tối kia, chúng tôi ra đường và thấy được 4 người. Một người trong họ hết sức thê thảm. Tôi nói với các chị em rằng: ‘Các con hãy chăm sóc 3 người kia; còn mẹ lo cho người tệ nhất ấy’. Thế là tôi đã làm tất cả những gì tình yêu của tôi có thể làm cho người phụ nữ này. Tôi đặt người phụ nữ ấy lên giường và chị đã nở ra một nụ cười tuyệt vời. Chị đã nắm lấy tay tôi nói lời duy nhất ‘cám ơn Mẹ’, rồi chị qua đời. Tôi không thể nào không xét mình trước chị phụ nữ ấy. Tôi ngẫm nghĩ: ‘Tôi sẽ nói gì nếu ở vào trường hợp của chị?’ Câu trả lời của tôi rất dễ thôi. Tôi sẽ nói rằng: ‘Tôi đói khát, tôi chết mất, tôi lạnh lẽo, tôi đau đớn’ hay một câu nào đó. Thế nhưng, chị đã cho tôi còn hơn thế nữa. Chị đã cho tôi tấm lòng ưu ái tri ân của chị. Và chị đã chết với một nụ cười trên khuôn mặt.
“Sau đó chúng tôi đã nhặt được một người đàn ông ở một cái cống rãnh, một nửa thân mình đã bị sâu bọ rúc rỉa, và sau khi chúng tôi đã mang ông ta vào nhà, ông chỉ nói rằng: ‘tôi đã sống như một con thú trên đường phố, nhưng tôi sắp chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc’. Đoạn, sau khi chúng tôi đã lấy hết mọi thứ sâu bọ khỏi mình mẩy của ông, tất cả những gì ông nói với chúng tôi kèm theo nụ cười tươi là ‘Sơ ơi, tôi sắp về cùng Thiên Chúa’, rồi ông tắt thở. Thật là tuyệt vời khi chứng kiến thấy sự cao cả của con người đàn ông đã có thể nói như thế mà không trách cứ bất cứ một ai, không so sánh bất cứ sự gì. Như một thiên thần, đó là sự cao cả của con người phong phú về tinh thần ngay cả trong lúc nghèo khổ về vật chất”.
Nhận định (của ĐTC Gioan Phaolô II)
• “Nơi nụ cười, lời nói và việc làm của Mẹ Têrêsa, Chúa Giêsu lại bước đi trên các nẻo đường thế giới như người Samaritanô Nhân Lành”.
• “Hành trình khắp các nẻo đường thế giới, Mẹ Têrêsa đã ghi dấu vết lịch sử thế kỷ của chúng ta: Mẹ đã can đảm bênh vực sự sống; Mẹ đã phục vụ tất cả mọi người, bao giờ cũng đề cao phẩm giá của họ và lòng trọng kính đối với họ; Mẹ làm cho ‘những ai bị mát mát sự sống’ cảm thấy sự êm ái dịu dàng của Thiên Chúa, cảm thấy Người Cha yêu thương tất cả mọi tạo vật của Ngài. Mẹ đã làm chứng cho Phúc Âm bác ái, một Phúc Âm được nuôi dưỡng bằng việc tự nguyện ban phát bản thân mình cho đến chết… Chớ gì gương sáng bác ái của Mẹ trở thành nguồn an ủi và đổi thay cho gia đình thiêng liêng của Mẹ, cho Giáo Hội cũng như cho toàn thể nhân loại”.
• “Chúng ta đã quá rõ đâu là bí mật của Mẹ, đó là Mẹ được tràn đầy Chúa Kitô, nhờ đó, Mẹ đã nhìn thấy mọi người với con mắt và bằng trái tim của Chúa Kitô… Bởi thế Mẹ đã không ngần ngại ‘thừa nhận’ người nghèo như con cái của Mẹ”.
• “Dân chúng thời đại chúng ta khâm phục Mẹ là điều không có gì lạ cả. Mẹ đã làm hiện thực một thứ tình yêu được Chúa Giêsu khẳng định như dấu hiệu làm nên thành phần môn đệ của Người: ‘Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày, nếu các con yêu thương nhau’ (Jn 13:35)”.
• “Chúng ta đừng bao giờ quên tấm gương cao cả Mẹ Têrêsa để lại cho chúng ta, chúng ta đừng nhớ đến tấm gương này chỉ bằng lời nói mà thôi! Chúng ta hãy luôn can đảm lấy con người làm ưu tiên”.
“Mẹ Têrêsa đã sống cho người nghèo. Thế nhưng, giờ đây thế giới đã trở nên nghèo hơn nữa từ đó, từ tối ngày Thứ Sáu 5/9, tối Mẹ đã không thể chống trả nổi cuộc tấn cống cuối cùng của bệnh tim và đã chết tại nhà mà Mẹ và chị em của Mẹ đã sống ở Calcutta từ thập niên 1940. Mẹ hưởng thọ 87 tuổi và dung nhan của Mẹ, nhỏ nhắn như toàn thân của Mẹ, và hết sức nhăn nheo, đã trở thành một thứ tuyệt phẩm của đức bác ái cũng như của việc Mẹ hoàn toàn hiến thân cho kẻ khác. Mẹ được gọi là Mẹ của kẻ nghèo. Thế nhưng, ngay trong số các hình thức khác nhau của bần cùng, Mẹ Têrêsa đã sống đến mức độ tận cùng, như tình của Mẹ đã triệt để và hoàn toàn yêu Chúa Kitô. Mẹ đã muốn sống với thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, và trong cuộc tìm kiếm này Mẹ đã làm cho thế giới, kẻ có tín ngưỡng cũng như vô tín ngưỡng, đọc được những trang Phúc Âm sống, một thứ Phúc Âm tác động giữa những chiếm đạt và mẫu thuẫn của thời đại chúng ta. Cái chết của Mẹ Têrêsa đã gây xúc động và đau buồn sâu xa khắp thế giới. Đức bác ái của Mẹ đã lưu dấu vết ở hết mọi lục địa” (câu cuối cùng này là của ĐTGM Angelo Comastri, TGP Loreto).
12/9 Lễ Thánh Danh Ðức Mẹ
Liên Hệ Lễ Mẹ Ðau Thương với Lễ Sinh Nhật Ðức Mẹ
Chắc một số quí vị đi lễ hằng ngày, kể cả lễ hôm nay, sẽ lấy làm lạ tại sao chúng tôi, trong lời mở đầu, nói hôm nay là Lễ Kính Thánh Danh Mẹ Maria, nhưng thực tế cho thấy không có một nhà thờ nào làm lễ kính Thánh Danh Đức Mẹ cả. Tại sao thế? Đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tại sao Giáo Hội xếp Lễ Đức Mẹ Đau Thương sau Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ đúng một tuần? Hai lễ này có liên hệ gì với nhau hay chăng?
Về vấn đề thứ nhất, quả thực hôm nay các nhà thờ không cử hành Lễ Kính Thánh Danh Đức Mẹ. Bởi vì, Giáo Hội chưa ban hành Sách Lễ mới với những điều chỉnh về Phụng Vụ, những điều chỉnh đã được Đức Thánh Cha châu phê từ Năm Thánh 2000, và được Thánh Bộ Phượng Tự ban hành vào Mùa Chay 2002, trong đó, Đức Mẹ có thêm hai lễ mỗi năm. Đó là Lễ Mẹ Fatima được ấn định vào ngày 13/5 và Lễ Thánh Danh Mẹ được kính vào ngày 12/9 hằng năm, sau Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 4 ngày. Nếu kể cả 2 lễ mới về Đức Mẹ này nữa thì mỗi năm Giáo Hội cử hành 16 lễ kính Mẹ, thứ tự được chia ra như sau:Tháng Giêng có một lễ là Lễ Trọng Mẹ Thiên Chúa 1/1, ngày Đức Phaolô VI chọn làm Ngày Hòa Bình Thế Giới hằng năm; Tháng Hai có hai lễ là Lễ Mẹ Dâng Con 2/2, ngày Đức Gioan Phaolô chọn làm Ngày Tận Hiến hằng năm, và Lễ Mẹ Lộ Đức 11/2, ngày Đức Gioan Phaolô II chọn làm Ngày Bệnh Nhân; Tháng Ba có một lễ là Lễ Trọng Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể 25/3; Tháng Tư không có lễ nào; Tháng Năm có hai lễ là Lễ Mẹ Fatima 13/5 và Lễ Mẹ Thăm Viếng 31/5; Tháng Sáu thường có một lễ là Lễ Trái Tim Đức Mẹ vào Thứ Bảy sau Lễ Thánh Tâm trong tuần Lễ Mình Máu Thánh Chúa; Tháng Bảy có một lễ là Lễ Mẹ Carmêlô 16/7; Tháng Tám có hai lễ là Lễ Mẹ Mộng Triệu 15/8 và Lễ Mẹ Nữ Vương 22/8; Tháng Chín có 3 lễ là Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9, Lễ Thánh Danh Đức Mẹ 12/9 và Lễ Mẹ Đau Thương 15/9; Tháng Mười có một lễ là Lễ Mẹ Mân Côi 7/10; Tháng Mười Một có một lễ là Lễ Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh 21/11; Tháng Mười Hai có một lễ là Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12. Ðấy là chưa kể đến các lễ Mẹ chưa được Giáo Hội hoàn vũ cử hành, như Lễ Mẹ Xuống Tuyết 5/8, Lễ Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi 24/9 và Lễ Mẹ Guađalupê 12/12 v.v.
Về vấn đề ý nghĩa liên hệ của hai Lễ Sinh Nhật Mẹ và Mẹ Đau Thương ở chỗ nào và tại sao? Kính thưa quí vị, việc Giáo Hội sắp xếp các lễ chẳng những có liên hệ với nhau về thời điểm mà còn về cả ý nghĩa nữa. Về liên hệ thời điểm, như Lễ Mẹ Nữ Vương sau Lễ Mẹ Mông Triệu đúng một tuần, vì sau khi Mẹ được triệu về trời rồi Chúa mới tưởng thưởng Mẹ, hay như Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô 25/12 sau Lễ Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể 25/3 đúng chín tháng, hoặc lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6 sau Lễ Truyền Tin 25/3 ba tháng vì Mẹ Maria được sứ thần báo bà Isave có thai được sáu tháng, hay Lễ Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm 8/12 trước Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9 đúng 9 tháng v.v. Về liên hệ ý nghĩa, chẳng hạn Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9 với Lễ Mẹ Đau Thương 15/9. Hai lễ này có liên hệ với nhau về ý nghĩa ở chỗ, theo tôi, ngoài sự kiện Lễ Mẹ Đau Thương được Giáo Hội sắp xếp ngay sau Lễ Thánh Giá (14/9), mà còn ở chỗ là Mẹ Đau Thương nói lên vai trò Đồng Công của Mẹ Maria trong Dự Án và Công Cuộc Cứu Độ loài người của Thiên Chúa, một vai trò là nguyên nhân cho việc Mẹ hiện hữu trên đời, là ơn gọi Mẹ vào đời vậy. Nếu Lời Nhập Thể là để thực hiện sứ vụ cứu độ loài người thế nào thì Mẹ Maria cũng hiện hữu để Đồng Công với Con Mẹ cứu độ loài người như vậy. Đó là lý do tại sao Lễ Mẹ Đồng Công hay Đau Thương được Giáo Hội cử hành sau Lễ Sinh Nhật Mẹ đúng một tuần lễ.Nhân dịp Giáo Hội mừng kính Mẹ Đau Thương 15/9, Quan Thày của Dòng Đồng Công, một hội dòng Việt Nam thuần túy đầu tiên do người Việt Nam sáng lập là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ từ năm 1942 và đã được Tòa Thánh công nhận vào ngày 2/2/1953, cách đây 50 năm, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân của Ngài xuống trên Hội Dòng ở VN cũng như ở HK trong Ngày Quan Thày và trong Năm Kim Khánh Lập Dòng 2003 này.
ĐTC chia sẻ với các vị giám mục Ấn Độ viếng thăm Tòa Thánh ngũ niên đợt bốn về vấn đề học đường Công giáo.
Hôm Thứ Bảy 6/9/2003, ĐTC đã tiếp các vị giám mục Ấn Độ thuộc Agra, Delhi và Bhopal. Trong bài chia sẻ của mình, Ngài đã nhấn mạnh đến vấn đề học đường Công giáo như sau. Trước hết, Ngài nhắc đến sự kiện “Tông Đồ Tôma, Thánh Phanxicô Xaviê và Mẹ Têrêsa là một ít những gương nổi bật về lòng nhiệt thành truyền giáo luôn tồn tại ở Ấn Độ”.
3. Từ những ngày đầu tiên hiện diện ở mảnh đất Ấn Độ này, Giáo Hội Công Giáo đã chứng tỏ việc dấn thân sâu xa về phương diện xã hội trong các lãnh vực chăm sóc sức khoẻ, phát triển, an sinh và nhất là giáo dục. Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở chúng ta rằng việc giáo dục của Công Giáo là yếu tố chính yếu trong việc sửa soạn cho giới trẻ Công Giáo trở thành những người lớn trung thành. ‘Việc giáo dục như thế không phải chỉ phát triển mức trưởng thành về con người, mà còn nhất là hướng đến chỗ bảo đảm là những ai đã được lãnh nhận phép rửa, hằng ngày cảm nhận hơn nữa tặng ân đức tin họ đã lãnh nhận” (x "Gravissimum Educationis," 2). Nhiều học đường của Quí Huynh có một tỉ lệ đông đảo thày cô và học sinh không phải là Công Giáo. Sự hiện diện của họ nơi các học đường của chúng ta có thể giúp vào việc phát triển sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người Công Giáo và thuộc các tôn giáo khác ở vào lúc những hiểu lầm có thể trở thành nguyên cớ gây ra đau khổ cho nhiều người. Nó cũng còn có thể là cơ hội cho các học sinh không Công Giáo được giáo dục theo một đường lối chứng tỏ khả năng huấn luyện giới trẻ trở thành những người công dân có trách nhiệm và mang lại lợi ích cho xã hội.
Một trong những đóng góp lớn lao nhất nơi các cơ sở giáo dục của chúng ta, cũng như nơi tất cả mọi học đường Công Giáo, có thể cống hiến cho xã hội ngày nay đó là Công Giáo tính bất dung hòa của họ. Các học đường Công giáo cần phải nhắm đến việc “tạo nên một bầu khí thấm nhiễm tinh thần tự do và bác ái của Phúc Âm trong việc cố gắng liên kết từ từ tất cả mọi thứ văn hóa nhân bản với tin mừng cứu độ, nhờ đó ánh sáng đức tin sẽ chiếu giãi kiến thức học sinh dần dần hấp thụ từ thế giới, từ đời sống cũng như từ gia đình nhân loại” (ibid. 8). Vì lý do ấy, các tổ chức giáo dục của Quí Huynh cần phải bảo tồn căn tính Công Giáo vững chắc. Điều này đòi phải có một học trình bao gồm việc tham dự cầu nguyện và cử hành Bí Tích Thánh Thể, cũng như đòi tất cả mọi thày cô phải là những người lành nghề chẳng những nơi ngành của họ mà còn cả nơi đức tin Công Giáo nữa. Đáng phải ghi nhận là rất nhiều giáo phận của Quí Huynh đang cố gắng áp dụng những lời khuyên của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Giám Mục “Giáo Hội Tại Á Châu”, bằng việc gửi đến hết mọi trường học khi nào có thể những vị linh mục, tu sĩ và cố vấn lành nghề. Việc này sẽ bảo đảm là hết mọi phần vụ và hoạt động đều từ từ tỏ hiện tinh thần của Giáo Hội Chúa Kitô một cách tốt đẹp (x Tông Thư Giáo Hội Tại Á Châu, 47).
4. Sự hiện diện và ảnh hưởng của vị linh mục nơi các học đường Công Giáo là một đường lối cho thấy góp phần vào nuôi dưỡng các ơn kêu gọi. Ít có những điều nào thu hút giới trẻ đang suy nghĩ về đời sống linh mục hay việc phục vụ của tu sĩ hơn là gương của một vị linh mục nhiệt thành chẳng những yêu quí thiên chức linh mục mà còn thực thi thừa tác vụ của mình một cách hân hoan và tận tâm. Qua tình làm cha thei6ng liêng của một vị linh mục, Chúa Thánh Thần mời gọi nhiều người theo sát bước chân của Chúa Kitô hơn: “Hãy theo Thày, Thày sẽ làm cho các con thành những tay bắt cá người” (Mt 4:19). Về khía cạnh này, Tôi vui mừng nhận thấy việc Qúi Huynh tiếp tục dấn thân cổ võ ơn kêu gọi ở địa phương hơn nữa. Nhiều chương trình cho giới trẻ của Qúi Huynh rất hay. Những nhóm và trại giúp giới trẻ chuyên về giáo lý, phát triển con người, huấn luyện lãnh đạo và tìm hiểu ơn gọi là những mảnh đất phì nhiêu tạo cho những con người nam nữ trẻ trung nhìn ra tiếng Thiên Chúa kêu gọi vang lên trong đời sống của họ (cf. "Pastores Dabo Vobis," 9).
Tôi đặc biệt cầu nguyện cho những con người nam trẻ trung đã quyết định chấp nhận việc học làm linh mục. Những vị thừa tác viên tương lai này của Giáo Hội cần phải được huấn luyện xứng hợp về triết lý, thần học và thiêng liêng đạo đức, để họ có thể hiểu biết một cách thực tế giá trị của một cuộc đời sống khó nghèo, thanh tịnh và tuân phục. Càng cần phải sống như thế hơn bao giờ hết các vị linh mục được kêu gọi trở thành những dấu xung khắc trong những xã hội hằng ngày càng trở nên trần tục và vật chất hơn nữa. “Cái lôi cuốn của cái được gọi là ‘xã hội hưởng thụ’ mạnh mẽ nơi giới trẻ đến nỗi họ hoàn toàn bị chi phối và chạy theo một thứ chiều hướng sống theo cá nhân, vật chất và khoái lạc” (cf ibid. 8). Thái độ này có những lúc có thể lọt vào đời sống các chủng sinh và linh mục của chúng ta, cám dỗ họ đừng sống “theo lý lẽ của ban phát và quảng đại” (cf. ibid). Vị Giám Mục có nhiệm vụ đặc biệt phải bảo đảm là các chủng viện và các nhà huấn luyện có được những vị linh mục nêu gương sáng về nhân đức và là những bậc thày nổi bật về Đức Tin. Như Thượng Hội Giám Mục Á Châu đã minh định: “Công việc khó khăn và tế nhị đang đợi chờ các vị trong việc giáo dục thành phần linh mục tương lai. Đây là một việc tông đồ rất quan trọng đối với tình trạng phúc hạnh và sinh tồn của Giáo Hội” (cf. Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, 43).
11/9 Thứ Năm Kỷ Niệm 2 Năm Biến Cố 911
Tiến Hành Những Vụ Kiện liên quan đến Biến Cố 911
Nếu năm ngoái Hoa Kỳ đã kỷ niệm đặc biệt Biến Cố 911 còn hơn một ngày lễ nghỉ toàn quốc, thì năm nay đã bắt đầu xẹp dần, không còn sôi nổi nữa. Tuy nhiên, những vấn đề lòng thòng liên quan đến vụ này vẫn chưa xong. Cái lòng thòng thứ nhất đã và đang xẩy ra đó là vấn đề chính phủ của Tổng Thống Goerge Bush cho rằng cựu Tổng Thống Saddam Hussein có liên quan đến khủng bố nên cần phải đề phòng bằng việc bất chấp Liên Hiệp Quốc chưa thanh tra vũ khí đại công phá ở nước này xong tự động ra tay tấn công giải giới Iraq. Cái lòng thòng thứ hai thuộc phạm vi nội bộ, đó là vấn đề gần 70 người bị thương hay đại diện cho người đã chết trong vụ 911 đệ đơn kiện American Airlines, United Airlines, Boeing, Port Authority of New York và New Jersey, và đã được vị thẩm phán US District Court là Alvin Hellerstein ban một phán quyết dài 49 trang cho phép tiến hành vụ kiện này.
Trong khi luật sư James Kriendler, vị đại diện cho một số thân chủ bị chết oan này, cho rằng phán quyết này là một chiến thắng: “Thẩm phán Hellerstein đã làm một việc đúng. Tôi nghĩ rằng thật là một chuyện ngu xuẩn khi nói theo luật pháp là các hãng máy bay và thẩm quyền ấy không chịu trách nhiệm gì về pháp lý đối với thành phần đã chết trong các tháp lầu ấy”. Phán quyết này có thể mở đường cho hàng loạt các vụ kiện khác của những gia đình nạn nhân vụ 911 này, những người chưa nộp đơn đòi bồi thường từ Ngân Quĩ Bồi Thường Nạn Nhân của vụ này. Vì những ai đã nộp đơn đòi bồi thường rồi thì phải bỏ quyền kiện cáo hay hủy bỏ các vụ kiện chưa được xét đến. Hạn chót của việc nộp đơn đòi bồi thường này là ngày 22/12/2003.
Bên bị kiện đã lập luận là họ “không thể nghĩ được rằng những tay khủng bố có thể thực hiện cuộc không tặc một số máy bay phản lực, hủy hoại chúng, sát hại các hành khách, phi hành đoàn và cả mấy ngàn người trên mặt đất bao gồm cả bản thân họ”. Vị thẩm phán đã công nhận như thế trong hồ sơ phán quyết của ông.
Vị phát ngôn viên của Port Authority là Steve Coleman cho rằng trách nhiệm là ở “những kẻ sát nhân thực hiện các cuộc tấn công. Lòng chúng tôi thông cảm với tất cả mọi gia đình của những vị anh hùng ngày 9/11, trong đó có cả các phần tử của gia đình thuộc cơ quan chúng tôi”.
Còn hai hãng máy bay American và United đã tuyên bố là họ sẽ khiếu nại về phán quyết này. Ông Todd Burke, phát ngôn viên của hãng American cho biết qua lời phát biểu thành văn như sau: “Ngày 11/9 là một ngày thê lương buồn thảm chưa từng thấy trong lịch sử của đất nước chúng ta. Chúng tôi vẫn tin rằng chúng tôi không có trách nhiệm gì về các biến cố xẩy ra trong ngày ấy. Nhận thấy điều ấy nên lập tức ngay sau cuộc khủng bố tấn công Quốc Hội đã thông qua điều khoản bồi thường cho các nạn nhân. Chúng tôi tin rằng đó là cách công bằng nhất và hữu hiệu nhất trong việc bồi thường cho những người ấy. Bởi thế chúng tôi không đồng ý với phán quyết này”. Hãng máy bay United cũng tỏ ra bất mãn như sau: “Hãng Máy Bay United tuy không nghĩ rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm bảo vệ những nạn nhân trên mặt đất khỏi những cuộc tấn công này, cũng không nghĩ rằng những gia đình của những ai bị thiệt mạng trong ngày ấy lại không được bù đắp gị cả”. Cũng trong lời phát biểu thành văn của mình, hãng máy bay United cho rằng “các gia đình này có thể đòi bồi thường từ Ngân Quĩ Bồi Thường Nạn Nhân”.
Bản Tường Trình của Quốc Hội Hoa Kỳ điều tra về Vụ Khủng Bố Tấn Công 911
Tình báo Hoa Kỳ chẳng những bị mất uy tín về vụ Iraq mà còn cả về vụ 911 nữa. Theo bản tường trình của quốc hội được phổ biến ngày 24/7, cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA đã “bỏ lỡ cơ hội” để ngăn chặn kịp thời cuộc khủng bố tấn công kinh hoàng này. Bản tường trình dài gần 800 trang này viết: “Không ai có thể biết được những gì có thể xẩy ra liên quan tới những mảnh tin rải rác khác nhau này… Điểm quan trọng ở đây là cộng đồng tình báo vì những lý do nào đó đã không thu hợp và hết sức khảo sát một loạt tín liệu có thể giúp họ khám phá ra để ngăn ngừa dự án của bin Laden phác họa tấn công Hiệp Chủng Quốc ngày 11/9/2001”.Thí dụ điển hình được bản tường trình trích dẫn là có những liên lạc giữa những tay không tay với một số người ở Hoa Kỳ, trong đó có một số đã bị FBI theo dõi. Ít là có 14 người đã liên lạc với 6 tay không tặc trước cuộc tấn công đã bị FBI chú ý trong cuộc điều tra chống khủng bố hay phản tình báo. Bản tường trình còn cho biết thêm, có 4 trong 14 người liên lạc với các tay không tay bấy giờ đang ở Hoa Kỳ này đã bị FBI theo dõi sát nút. Những kẻ liên lạc ấy đã giúp các tay không tặc thuê mướn chỗ ở, mở trương mục, lấy bằng lái xe và tìm trường học bay. Thế nhưng, một viên chức của chính phủ cho CNN biết rằng FBI không tin rằng một trong những người ấy biết được âm mưu không tặc. Phải chăng đó là lý do, trong bài diễn văn ngày 7/10/2002, Tổng Thống Bush đã đành phải thú nhận để lấy cớ nghiêm trọng hóa vấn đề tấn công Iraq: “Cuộc tấn công ngày 11/9 đã cho xứ sở của chúng ta thấy rằng những đại dương bao la cũng không thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm được nữa. Trước ngày thảm thương này, chúng ta chỉ có những tín hiệu mập mờ cho thấy những ý đồ và hoạch định của tổ chức al Qaeda”.
Bản tường trình này là công trình điều tra kéo dài 10 tháng trời của hai tiểu ban tình báo Hạ Viện và Thượng Viện về cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, sát hại 3 ngàn người, một cuộc khủng bố tấn công bởi 19 tay không tặc điều khiển 4 phản lực hàng không, 2 đâm sập Trung Tâm Thương Vụ Thế Giới ở Nữu Ước, 1 đâm vào Ngũ Giác Đài ở ngoài Washington và 1 bị rớt tan tành ở một cánh đồng Pennsylvania. Nhiều tín liệu trong bản tường trình này đã được phổ biến trước đây. Bản tường trình là một sản phẩm của 5 ngàn cuộc phỏng vấn và là một cuộc nghiên cứu gần 1 triệu văn kiện. Các nhà lập pháp của đảng Cộng Hòa không phê bình Tòa Bạch Ốc nhưng nói rằng bản tường trình cho thấy rõ sự thất bại của ngành tình báo và nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải được cải tiến. Bản tường trình nêu lên 19 điều đề nghị để đẩy mạnh những nỗ lực chống khủng bố. Trong một bản văn, vị Giám Đốc FBI Robert Mueller đã cám ơn hai tiểu ban quốc hội về bản tường trình và cho biết cơ quan ông đã áp dụng hay đang ở trong tiến trình áp dụng nhiều điều đề nghị trong vấn đề chống khủng bố.Giải Giới Iraq: Bí Mật Bật Mí
Ông Brian Jones, vị lãnh đạo một nhóm khoa học gia ở ngành Nhân Viên Tình Báo Quốc Phòng (DIS: Defence Intelligence Staff) đã cho ban điều tra pháp lý ở Luân Đôn do ông Lord Hutton lãnh đạo biết hôm Thứ Tư 3/9/2003 là một trong những phân tính gia các loại vũ khí hóa chất đã bày tỏ “quan tâm đặc biệt” liên quan đến các bản thảo về hồ sơ của các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq. Ông nói: “Điều quan tâm của người này là có một số câu ở trong tập hồ sơ không trình bày một cách chính xác việc ông ta thẩm định về chi tiết tình báo tôi đang có trong tay”. Ông Jones còn cho biết chi tiết trong bản hồ sơ cho rằng Iraq có thể tung ra các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng trong vòng 45 phút là chi tiết nhân viên của ông đã yêu cầu bỏ ra khỏi hồ sơ: “Chúng ta không hề cho rằng chi tiết tình báo này không được ở trong bản hồ sơ. Chúng ta nghĩ rằng đó là một chi tiết tình báo quan trọng”. Chính ông này cũng bày tỏ mối quan tâm của mình như sau: “Những gì tôi quan tâm là khả năng của các thứ vũ khí hóa chất cũng như các thứ vũ khí sinh trùng của Iraq không tiêu biểu một cách chính xác về mọi khía cạnh trước chứng cớ nắm được trong tay. Nhất là… tôi được cho biết rằng không hề có chứng cớ nào quan trọng về việc sản xuất hết, cả về tác nhân hóa chất chiến tranh lẫn các thứ vũ khí hóa chất”.
Chúa Nhật 7/9/2003, một tờ nhật báo ở Luân Đôn phổ biến kết quả một cuộc thăm dò qua thư gửi bưu điện cho biết 43% dân chúng cho rằng Thủ Tướng Blair nên từ chức, 42% đồng ý ông có thể tại chức và 15% lưỡng lự. Cuộc thăm dò YouGov này được thực hiện sau ngày ban điều tra pháp lý do Thẩm Phán Lord Hutton lãnh đạo về cái chết tự vẫn của David Kelly liên quan đến những chi tiết của bản hồ sơ tình báo trong vấn đề các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq.
Hậu Chiến Iraq: Giải Pháp An Ninh
Nếu tiền chiến Iraq đã phân rẽ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra làm hai phe, chủ chiến và phản chiến thế nào, thì hậu chiến Iraq cũng xẩy ra y hệt như vậy nơi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc này. Sau cuộc khủng bố tấn công vào Đền Thờ Hồi Giáo mới đây nhất, một cuộc khủng bố cho rằng do Saddam Hussein và đám tàn quân của vị nguyên tổng thống Iraq này gây ra, nhưng cuốn băng cho là tiếng của Saddam Hussein mới đây đã phủ nhận điều này. Lợi dụng tình thế, Hoa Kỳ phác họa giải pháp tăng thêm quân lực ở Iraq với sự đóng góp của các nước, nhưng dưới quyền điều khiển của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn không chịu nhường quyền kiểm soát hoàn toàn về cả chính trị lẫn kinh tế cho Liên Hiệp Quốc, trong khi vẫn không tìm ra được những gì cần phải giải giới là yếu tố chính đáng đã khiến Hoa Kỳ ngang nhiên qua mặt Liên Hiệp Quốc để đơn phương tấn công Iraq.
Tuy nhiên, lần này có điều lạ là, quốc gia vốn thuộc phe phản chiến thời tiền chiến Iraq là Nga, nay lại sẵn sàng theo phác họa của Mỹ về phương diện nguyên tắc, chỉ trừ Pháp và Đức vẫn tỏ ra không bằng lòng, với chủ trương ủng hộ vai trò then chốt của Liên Hiệp Quốc ở Iraq, chứ không phải Hoa Kỳ. Hôm Thứ Năm 4/9/2003, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga là Sergei Ivanov đã cho biết “tình hình Iraq đang rẽ một khúc quanh nguy hiểm làm cho Nga phải lo âu. Những cuộc khủng bố tấn công cứ tiếp tục diễn ra dữ dội cùng với tất cả mọi thứ người khủng bố qui về đó. Tình trạng này không thể nào không khiến chúng ta phải lo âu. Ngoại Trưởng Nga là Igor Ivanov tỏ ra đồng ý nhiều điểm ở bản thảo của Hoa Kỳ: “Bản quyết định dự thảo mới này về Iraq có những khoản cho thấy những nguyên tắc Nga nhất định ủng hộ, thế nhưng nó cần phải được cẩn thận bàn luận.
Thứ Sáu, 5/9/2003, Hội Đồng Bảo An sẽ họp kín về bản dự thảo của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào ngày Thứ Năm, 5 phần tử có quyền phủ quyết của hội đồng này đã họp nhau 90 phút để bàn về bản thảo ấy. Cũng vào ngày Thứ Năm, Tổng Thống Pháp Jacques Chirac và Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder, trong một cuộc họp báo ở phía đông thành phố Dresden ở Đức đã cho biết phản ứng của họ là bản thảo của Mỹ không đầy đủ. Tổng thống Pháp nói: “Bản dự thảo thực sự không vươn tới mục tiêu chính, tức là chuyển trách nhiệm chính trị cho một chính quyền Iraq sớm bao nhiêu có thể”. Còn thủ tướng Đức nói rằng bản dự thảo sẽ được Đức ủng hộ chỉ khi nào Liên Hiệp Quốc “nắm trách nhiệm tiến trình chính trị, và nếu thực sự có thể thiết lập một chính quyền Iraq lãnh trách nhiệm điều hành xứ sở này”.
Chúa Nhật 7/9/2003, chừng 200 nhân công trước đây ở Dinh Cộng Hòa thủ đô Baghdad, trong đó có cả các kỹ sư, nhân viên làm vườn và thu dọn, đã biểu tình ngay trước dinh thự này đòi phải trả lương cho họ trong 6 tháng vừa qua. Họ cầm những tấm ảnh của vị nguyên Tổng Thống Saddam Hussein vừa giơ lên vừa hát “Chúng tôi hy sinh cả tâm hồn và máu huyết của chúng tôi cho ông, Saddam”. Câu này là câu dân chúng thường dùng trong những cuộc xuống đường do quốc gia tổ chức để tỏ ra ủng hộ chế độ Saddam.
Cùng ngày Chúa Nhật 7/9/2003, vào buổi tối ở Hoa Kỳ, Tổng Thống Bush đã ngỏ lời cùng dân chúng về ngân qũi cần phải có liên quan đến vấn đề Iraq hậu chiến. Ông cần đến 87 tỉ cho cuộc hậu chiến ở A Phú Hãn và Iraq. Sở dĩ vị tổng thống này yêu cầu như vậy là vì, theo nguồn tin của quốc hội, căn cứ vào những dự tưởng là chi phí cho những hành động quân sự ở Iraq mà thôi sẽ vượt quá 4 tỉ một tháng tối thiểu trong vòng năm tới. Ngoài ra, còn tốn cả bao nhiêu tỉ cho việc tái thiết nước Iraq nữa, một việc mà Tòa Bạch Ốc có lần đã nói sẽ được trang trải hầu hết bởi số thu được từ dầu hỏa Iraq. Tổng Thống Bush nhấn mạnh đến mấy điểm sau đây trong bài diễn văn quốc dân của mình:
“Điều này cần thời gian và đòi hỏi hy sinh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm những gì cần thiết – chúng ta sẽ chi phí cho những gì cần thiết, để đạt được cuộc chiến thắng thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố, cổ võ tự do, và làm cho quốc gia của chúng ta an ninh hơn… Tôi biết rằng không phải tất cả bạn hữu của chúng ta đều đồng ý với quyết định của chúng ta trong việc nắm giữ các quyết định của Hội Đồng Bảo An cũng như trong việc lật đổ Saddam Hussein. Tuy nhiên, chúng ta không thể để cho những cái khác nhau trong quá khứ chi phối những phận vụ hiện tại”. Các phần tử của Liên Hiệp Quốc, theo ông, “có cơ hội và trách nhiệm nắm vai trò rộng lớn hơn trong việc bảo đảm cho nước Iraq được trở thành một quốc gia tự do và dân chủ. Chính sách của chúng ta ở Iraq có ba mục tiêu, đó là việc tiêu diệt những kẻ khủng bố, kêu họi sự ủng hộ của các quốc gia khác cho một nước Iraq tự do, và giúp những người Iraq nắm lấy trách nhiệm tự vệ và lo cho tương lai của họ”.
Bài trình bày 15 phút với quốc dân của Tổng Thống Bush nhận được phản ứng vừa thuận lợi vừa bất lợi như sau:
Về phản ứng thuận, trước hết có Dân Biểu Christopher Shays, Connecticut, chủ tịch Phụ Tiểu Ban An Ninh Quốc Gia thuộc Tiểu Ban Hạ Viện Về Việc Cải Tiến Chính Quyền, đã công nhận trong chương trình “Larry King Live” của CNN là tổng thống đã “trình bày một cách chân thành” về những gì cần phải làm để mang lại ổn định cho Iraq: “Vấn đề ở đây là tổng thống đã nói rõ rằng chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức ở đấy. Ông chân tình và đối diện với những gì chúng ta cần phải thực hiện để chiến thắng. Nên tôi không thể nào tin rằng có người lại cho là chúng ta muốn thua cuộc ở Iraq”.
Thượng Nghị Sĩ John Kyl, Arizona, cho biết quốc hội không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chi tiền: “Vấn đề là ở chỗ chúng ta có dám thua trong trận chiến tấn công khủng bố hay chăng? Không có gì đe dọacho công dân Hoa Kỳ bằng các tên khủng bố, nên quốc hội sẽ chấp nhận những gì cần phải chấp nhận, bằng bất cứ con số nào đi nữa. Thất bại không phải là giải pháp ở đây. Rút lui không phải là giải pháp”.
Về phản ứng bất lợi, trước hết có Thượng Nghị Sĩ Bob Graham, Florida, người đã phản chiến và là một nhân vật có thể được đảng Dân Chủ đề ra để tranh cử tổng thống đã cho chương trình “Larry King Live” biết con số 87 tỉ “nhiều hơn con số chính quyền Liên Bang chi tiêu cho việc giáo dục năm nay, gấp đôi con số chính phủ liên bang sẽ chi tiêu cho vấn đề đường xá lưu thông và hệ thống chuyên chở công cộng. Tổng thống rõ ràng cho thấy rằng vấn đề quan trọng đối với chúng ta là tái thiết Iraq và A Phú Hãn hơn là giải quyết những vấn đề rất trầm trọng chúng ta đang phải đối đầu ở Hiệp Chủng Quốc”.
Nguyên Thống Đốc Vermont Howard Dean, cũng là một đảng viên Dân Chủ dẫn đầu trong cuộc ra tranh cử tổng thống tới đây, đã nhận định rằng: “Trong 15 phút, tổng thống đã cố gắng tạo nên 15 tháng đánh lừa dân chúng Hoa Kỳ và 15 tuần làm bày nhày việc tái thiết”. Thổng thống đã cho Iraq là “tuyến đầu” của cuộc chiến tranh chống khủng bố và nói là các tay khủng bố ngoại quốc phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo động mới đây ở đó. Thế nhưng, ông cựu thống đốc này nhận định là tình trạng mất an ninh gây ra bởi chính cuộc chiến phải chịu trách nhiệm về tình trạng này: “Vị tổng thống này đã gây nên một tình trạng càng nguy hiểm hơn nhiều ở Iraq. Vị tổng thống này đã làm cho Iraq trở thành tuyến đầu của nạn khủng bố”.
Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Bắc CarolinaJohn Edwards, cũng là một nhân vật có thể ra tranh cử tổng thống tới đây, đã cho biết vị tổng thống này “đã tái sử dụng cùng một thứ ngôn ngữ về tiến bộ và hòa bình không hợp với thực tại đang xẩy ra hằng ngày ở Iraq. Đó là một xứ sở đầy những xao động, chứ không phải là một kiểu mẫu tiến bộ sáng ngời trong cuộc chiến tranh chống khủng bố”.
Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy, Massachusetts, cho biết ông “đã mong nghe thấy vị tổng thống này nhìn nhận những thua bại của chúng ta ở Iraq về cuộc chiến tranh chống khủng bố cũng như về những dự án củ thể của chính phủ trong việc giải quyết những dự án này với các đồng minh của chúng ta và qua Liên Hiệp Quốc. Việc trình bày bản quyết định với Liên Hiệp Quốc chưa đủ. Chúng ta phải có một quyết định đúng đắn, không rõ chính phủ này đã sẵn sàng nuốt đi cái kiêu hãnh của mình chưa mà làm thế chưa. Lời nói là một chuyện. Chúng ta cần những việc làm kìa”.
Bài Giáo Lý về Chiến Tranh Iraq
Cuối tuần lễ đầu tháng 9/2003, ngày 6 và 7, Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Los Angeles đã tổ chức một khóa học hỏi giáo lý hằng năm. Năm nay được tổ chức tại Cộng Đoàn Phục Sinh San Gabriel, nơi trung độ cho việc di chuyển của các giáo lý viên thuộc 14 cộng đoàn trong một TGP rộng nhất Hoa Kỳ. Tổng cộng được khoảng 60 giáo lý viên. Vị giảng huấn là linh mục Vũ Thế Toàn, SJ. Phu nhân của tôi cũng tham dự khóa này. Tối về nàng nói cha cho homework, đó là phải tìm hiểu và chia sẻ một vấn đề về luân lý đang “hot” trong xã hội hiện nay. Nàng hỏi tôi về vụ chiến tranh Iraq xét theo quan điểm luân lý. Tôi đã góp ý kiến với nàng như sau:
Trước hết, không phải việc Giáo Hội Công giáo phản chiến đối với chiều hướng chủ chiến của Hoa Kỳ là bênh Saddam Hussein, mà là muốn bảo vệ công lý và xây dựng hòa bình, một thứ công lý bao gồm bao mạng sống vô tội và một thứ hòa bình liên quan đến chẳng những Trung Đông và thế giới mà còn đến Kitô giáo và Hồi giáo.
Vậy công lý đây ở chỗ nào? Nếu không phải là ở chỗ con người được quyền tự vệ khi bị tấn công, nhưng không được phép tấn công trước dù để đề phòng khủng bố, nhất là một thứ khủng bố không có bằng chứng hiển nhiên, cả về vấn đề liên hệ với các tổ chức khủng bố lẫn vấn đề có các thứ vũ khí đại công phá để khủng bố. Bằng không, con người sẽ đi đến chỗ law of force hơn là force of law, tức đi đến chỗ luật rừng mạnh được yếu thua.
Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, khoản 1750 và 1755 thì hành động luân lý của con người bao gồm 3 yếu tố: việc làm, ý hướng và hoàn cảnh hay cách thức; và hành động tốt là hành động bao gồm cả 3 yếu tố luân lý đều tốt. Vậy áp dụng vào trường hợp chiến tranh Iraq, dù Hoa Kỳ có ý hướng tốt là giải giới Saddam Hussein để đề phòng khủng bố đe dọa nền an ninh cho Trung Đông, cho Mỹ và thế giới, nhưng việc đánh nhau tự bản chất là xấu (trừ trường hợp tự vệ), ngoài ra, hoàn cảnh đánh nhau này cũng xấu ở chỗ Hoa Kỳ tự động tấn công Iraq bất chấp thẩm quyền Liên Hiệp Quốc là cơ quan đang thanh tra vũ khí Iraq nhưng vốn chưa thấy gì, nên việc Hoa Kỳ đánh Iraq là một hành động xấu, bậy.
Thời hậu chiến Iraq đã cho thấy cái xấu của cuộc chiến này, chẳng những cả năm tháng trời (từ giữa tháng tư đến giữa tháng chín) vẫn chưa tìm ra một chút manh mối nào về các thứ vũ khí đại công phá của Iraq cần phải giải giới, mà vấn đề tín liệu tình báo càng ngày càng cho thấy những lem nhem của vấn đề này nữa. Thêm vào đó, thời hậu chiến Iraq chẳng những không khá hơn thời Saddam Hussein như Hoa Kỳ mong ước khi đem quân “giải phóng” Iraq để mang lại hạnh phúc cho dân tộc này, mà còn gây thêm lộn xộn trong vị thế vừa giữ an ninh vừa nắm chính trị của nước này, không chịu để cho Liên Hiệp Quốc nắm vai trò chủ yếu trong việc tái thiết đất nước này về lãnh vực chính trị và kinh tế.
Mắt Đền Mắt Răng Đền Răng tại Thánh Địa vẫn dữ dội tiếp diễn
Hôm Thứ Ba 9/9/2003, lại xẩy ra hai vụ khủng bố tấn công cùng một ngày ở thủ đô Tel Aviv và Giêrusalem đã sát hại 13 mạng người Do Thái nữa. Trước hết là vụ xẩy ra vào lúc 6 giờ chiều ở một trạm xe buýt gần đồn quân đội Do Thái phía đông thủ đô Tel Aviv, kết quả là 15 người bị trọng thương và 7 người bị tử thương. Sự vụ thứ hai xẩy ra sau đó 5 tiếng ở bên ngoài quán cà phê ăn khách Hillel ở phía Tây Giêrusalem, cách độ 5 dặm, nơi có cả chục bàn được kê ở ngoài quán. Một nhân viên cứu thương tên Eli Beer cho CNN biết tên khủng bố thoạt tiên cố đột nhập vào quán cà phê song không được vị lính gác ngoài cửa, tuy nhiên, hắn vẫn cho nổ bom ở ngoài quán vì thấy cũng có nhiều người ngồi ở đó.
Nhóm chiến đấu quân Hamas tuyên bố là họ đã thực hiện hai cuộc khủng bố tấn công này. Đây là một cuộc trả đũa chưa đầy một ngày quân đội Do Thái hạ sát vị lãnh đạo quân đội của họ là Ahmed Bader ở Hebron vùng Tây Ngạn, nhân vật sở dĩ bị giết là vì bên Do Thái cho biết đã thực hiện cuộc khủng bố tấn công ngày 19/8 làm thiệt mạng 21 người. Sau hai cuộc khủng bố tấn công cùng một ngày, cùng một buổi tối trên đây, cả mấy chục đám trẻ Palestine tuốn ra đường phố mù mịt vào đêm khuya la hò chiến thắng.
Ông Mark Sofer, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Do Thái, nói với CNN là Do Thái sẽ không bỏ quyền bảo vệ dân chúng của mình: “Đây là lần thứ hai trong cùng một buổi tối những người Do Thái đã bị chặt chém bởi những tay khủng bố man rợ. Đúng thế, nạn khủng bố xẩy ra dữ dội, thế nhưng việc Do Thái dứt khoát bảo vệ nhân dân của mình lại càng dữ dội hơn”.
Ông Ahmed Qorei, vị thủ tướng Palestine mới được bổ nhiệm thay ông Abbas, đã lên án những cuộc tấn công này, cho rằng chẳng giúp ích gì cả. Riêng Thủ Tướng Do Thái Ariel Sharon khi biết được những gì xẩy ra tại quốc nội, trước khi ông dùng bữa tối với Thủ Tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee, đã phát biểu như sau: “Khủng bố là một vấn đề toàn cầu cần phải dứt khoát không ngừng chống phá. Không có vấn đề hòa hoãn trong việc chống phá khủng bố”.
10/9 Thứ Tư
Tương Phản giữa Người Công Chính và Kẻ Gian Ác
(Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh thứ 84 Thứ Tư 3/9/2003 - Thánh Vịnh 91[92]: Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Bốn)
1. Chúng ta vừa nghe bài ca vịnh về một con người trung thành với Vị Thiên Chúa thánh hảo. Đó là bài Thánh Vịnh 91[92], bài mà theo nhan đề cũ, được truyền thống Do Thái sử dụng cho “một ngày hưu lễ” (câu 1). Bài thánh thi ca mở đầu với một lời kêu gọi chung là hãy hân hoan chúc tụng Chúa bằng đàn ca (câu 2-4). Đó là chiều hướng cầu nguyện dường như không bao giờ bị đứt đoạn, như tình yêu thần linh cần phải được tuyên tụng vào buổi sáng, khi ngày sống bắt đầu, song còn phải được loan truyền trong cả ngày sống và suốt đêm trường (câu 3).Thật vậy, chi tiết về những nhạc cụ được vị tác giả Thánh Vịnh sử dụng trong phần mời gọi nhập đề, lời mời gọi đã gợi lên nơi Thánh Âu Quốc Tinh bài suy niệm trong “Lời Dẫn Giải về bài Thánh Vịnh 91” của ngài: “Hãy hát lên những bài thánh thi ca của Sách Thánh Vịnh nghĩa là gì thưa anh em. Sách Thánh Vịnh là một thứ nhạc cụ được trang bị bằng những giây đàn. Sách Thánh Vịnh của chúng ta là công việc của chúng ta. Ai ra tay thực hiện những việc lành phúc đức là hát lên những bài thánh thi ca dâng lên Thiên Chúa với Sách Thánh Vịnh. Ai tuyên xưng bằng môi miệng là ca tụng Thiên Chúa. Ca tụng bằng môi miệng! Hãy hát những bài Thánh Vịnh qua các việc làm của mình!... Thế nhưng, vậy thì ai là người ca tụng đây? Những ai hân hoan làm lành. Thật vậy, ca hát là dấu hiệu của niềm vui. Thánh Tông Đồ đã nói gì? ‘Thiên Chúa yêu thích kẻ hân hoan ban phát’ (2Cor 9:7). Bất cứ anh em làm gì, hãy vui vẻ mà làm. Có thế, việc anh em làm lành mới là việc anh em làm đẹp. Trái lại, nếu anh em buồn bã ma ụ làm. Cho dù anh em có làm lành, thì không phải là anh em làm lành, ở chỗ anh em chỉ cầm cuốn Sách Thánh chứ không chúc tụng” ("Esposizioni sui Salmi," III [Expositions on the Psalms], Rome, 1976, pp. 192-195).
2. Qua những lời lẽ của Thánh Âu Quốc Tinh ấy chúng ta có thể đi sâu vào cốt lõi của bài chúng ta suy niệm, và nói lên đề tài chính yếu của bài Thánh Vịnh, đề tài về lành dữ. Cả hai điều này đều được vị Thiên Chúa công chính và thánh hảo “muôn đời trên cao” (câu 9) cân nhắc, Đấng hằng hữu và vô cùng, biết hết mọi tác động của con người.
Như thế là có hai kiểu tác hành nghịch đảo cứ đối địch nhau. Việc làm của thành phần tín nghĩa nhắm đến chỗ cử hành các công cuộc thần linh, thấm nhiễm sâu xa các tư tưởng của Chúa, và nhờ đó đời sống của họ mới chiếu tỏa ánh sáng và niềm vui (câu 5-6).
Ngược lại, con người hư đốn được bộc lộ qua những cái đần độn của họ, họ không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của các việc con người làm. Cơ may tạm thời làm cho họ lên mặt, nhưng thật ra nội tâm của họ dòn mỏng, để rồi sau cái thành công bề ngoài ấy là thất bại và tàn rụi (câu 7-8). Vị tác giả Thánh Vịnh, sau kiểu giải thích hoan hỉ về Cựu Ước, đến việc giải thích về hình phạt đích đáng, đã thâm tín rằng Thiên Chúa sẽ đền bù cho kẻ công chính ngay ở đời này, ban cho họ một tuổi già phúc hạnh (câu 15) và sẽ sớm trừng phạt kẻ gian ác.
Trên thực tế thì, như ông Gióp sau này xác nhận và như Chúa Giêsu dạy, không thể giải thích lịch sử theo hàng dọc như thế. Bởi thế, nhãn quan của vị tác giả Thánh Vịnh trở thành một lời kêu cầu Đấng Tối Cao công chính (câu 9) để Ngài tham dự vào hàng chuỗi các biến cố của nhân loại màphân xử chúng, làm cho người lành chiếu sáng.
3. Cái tương phản giữa người công chính và kẻ gian ác lại được con người nguyện cầu tiếp nối. Một đàng chúng ta nhìn thấy ‘các kẻ thù’ của Chúa, ‘các kẻ hành ác’, một lần nữa lại bị phân tán và thất bại (câu 10). Đáng khác, thành phần tín nghĩa hiện lên với tất cả rạng ngời của mình, được hiện thân nơi vị tác giả Thánh Vịnh, người đã diễn tả mình bằng các thứ hình ảnh mầu mè, phát xuất từ biểu hiệu tính Đông phương.
Kẻ công chính có một sức mạnh bất khả chống cưỡng của một con trâu, và sẵn sàng đối đầu với hết mọi đối thủ, vầng trán sáng sủa của họ được xức bằng dầu thần linh bảo vệ, trở nên như một thứ thuẫn che chở an toàn cho họ (câu 11). Từ đỉnh cao quyền lực và an ninh của mình, con người cầu nguyện thấy được cái đại gian ác đẩy chính mình họ vào vực thẳm hủy hoại (câu 12).
Bài Thánh Vịnh 91[92], bởi thế, là hạnh phúc, tin tưởng, lạc quan: các thứ tặng ân chúng ta đã phải xin Thiên Chúa cho, nhất là thời đại chúng ta, một thời đại có khuynh hướng thiếu đức tin, thậm chí tuyệt vọng một cách dễ dàng.
4. Trước cảnh yên hàn thư thái thấm nhập nó, bài thánh thi ca của chúng ta phóng một cái thoáng nhìn về ngày tháng tuổi già của thành phần công chính và thấy được rằng họ vẫn bình an thư thái như vậy. Ngay cả khi những ngày tháng này chợt đến đi nữa thì tinh thần của con người cầu nguyện sẽ vẫn nhiệt tình, hạnh phúc và siêng năng chuyên cần (câu 15). Họ cảm thấy như cây dừa và cây hương bá được trồng nơi khuôn viên đền thờ Sion (câu 13-14).
Gốc rễ của kẻ công chính đâm sâu vào Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ sáp ân sủng thần linh. Sự sống của Chúa nuôi dưỡng họ và biến đổi họ, khiến họ nở hoa và hào nhoáng, tức là, có thể hiến mình cho kẻ khác và làm chứng cho đức tin của mình. Những lời cuối cùng của vị tác giả Thánh Vịnh, trong việc diễn tả về một cuộc sống công chính và chuyên cần, cũng như về một tuổi già đầy đặn và chủ động, được liên kết với việc loan báo lòng trung thành viễn viễn của Chúa (câu 16).
Do đó, chúng ta có thể kết luận bằng lời loan báo về bài ca được dâng lên cho Vị Thiên Chúa hiển vinh trong Sách Khải Huyền, một cuốn sách viết về cuộc đối chọi khủng khiếp giữa lành và dữ, nhưng cũng về niềm hy vọng ở việc Chúa Giêsu chiến thắng lần cuối cùng: “Công việc của Chúa cao cả và tuyệt vời. Ôi Chúa là Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng! Đường lối của Ngài công chính và chân thật, Ôi Vua các thế hệ!... Vì chỉ có mình Ngài là thánh, tất cả mọi quốc gia sẽ đến thờ lậy Chúa, vì các phán quyết của Chúa đã được tỏ lộ ra… Chúa công chính nơi những phán quyết này của Chúa, Ôi Đấng Thánh, Đấng là và không là. Vậng Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, phán quyết của Chúa chân thực và công chính!” (15:3-4, 16:5-7).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 91 diễn tả cái tương phản giữa người công chính và kẻ dối gian. Người công chính hiểu biết và cử hành các việc làm của Thiên Chúa, được kiên cường bằng lời cầu nguyện cũng như được đầy niềm vui trong tuổi già. Con người gian ác sống trong tăm tối, và không biết gì đến đường lối của Thiên Chúa. Những việc làm của con người này, thậm chí kể cả được thành công, cũng phải chết. Niềm hy vọng của vị tác giả Thánh Vịnh cũng như của tất cả mọi kẻ công chính, là ở nơi Thiên Chúa, Đấng sẽ không để cho sự dữ thắng vượt sự lành.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/9/2003)TGP Boston đồng ý bồi thường 85 triệu Mỹ kim cho 552 nạn nhân bị linh mục lạm dụng tình dục
Sau nhiều tháng điều đình với nhau, cuối cùng đã đi đến bản thỏa ước với nhau giữa Giáo Hội và các nạn nhân: Giáo Hội hứa tránh tình trạng lạm dụng tình dục trong tương lai và các nạn cảm thấy nỗi đớn đau được bù đắp. Theo thỏa ước này thì các nạn nhân nhận được tiền bồi thường từ 80 ngàn đến 300 ngàn, số tiền được căn cứ vào loại lạm dụng, thời gian kéo dài và tình trạng tổn thương gây ra bởi việc lạm dụng. Cha mẹ của nạn nhân đưa đơn kiện cũng được hưởng 20 ngàn Mỹ kim. Ngoài ra, Giáo Hội tiếp tục trang trải cho nạn nhân nào cần tham vấn về tâm lý bao lâu còn cần. Một số nạn nhân được ở trong hội đồng kiểm tra vấn đề lạm dụng này.
Giáo Hội TGP Boston vẫn đang tìm cách trang trải món bồi thường khổng lồ này, chẳng hạn bán đi những tài sản dư thừa và kiện các hãng bảo hiểm của TGP. Số tiền điều đình 85 triệu này được thỏa thuận sau khi TGP, khoảng 1 tháng trước đây đã chịu bồi thường 55 triệu, trong khi các luật sư bên nạn nhân đòi tới 120 triệu. Cuộc điều đình lần cuối đã kéo dài từ Chúa Nhật tới mãi sáng Thứ Hai, 8/9/2003. Luật sư Roderick MacLeish, Jr. của văn phòng pháp lý đại diện cho gần nửa số nạn nhân nói rằng 85 triệu đã được chấp nhận sau khi cứu xét tới hoàn cảnh tài chính của TGP cũng như tới nỗi căng thẳng hơn nửa nơi các nạn nhân khi còn bị rắc rối với việc phân sử.
Vụ linh mục lạm dụng tình dục ở TGP này bùng nổ từ vụ của linh mục John Geoghan, rồi sau đó các vụ khác bị tố cáo. Tổng số linh mục lạm dụng tình dục từ vụ bùng nổ hồi 1/2002 này là 325 (trong tổng số 46 ngàn linh mục) đã bị treo chén. ĐHY Bernard Law cũng đã từ nhiệm TGM của một TGP 2 triệu 1 Kitô hữu vào Tháng 12/2002. Vào tháng 9/2002, TGP đã đồng ý trả 10 triệu Mỹ kim cho 86 nạn nhân của linh mục Geoghan, vị linh mục 68 tuổi, đã bị tù và bị giết chết trong tù tháng vừa qua bởi một tù nhân khác đã có ý định tấn công hơn cả tháng nay.
Vấn đề linh mục độc thân: xoa dịu hay chữa trị?
Nếu ở TGP Milwaukee có 163 vị linh mục ký vào một bức thư yêu cầu Giáo Hội xét lại vấn đề linh mục độc thân, bằng cách để vấn đề độc thân trở thành một sự lựa chọn hơn là luật buộc, thì ở Harrisburg, Pennsylvania có hơn 600 vị linh mục đã công khai nhất định nắm giữ đời sống độc thân linh mục. Những vị linh mục phò luật độc thân linh mục của Giáo Hội này thuộc về Những Phần Tử của Huynh Hội Giáo Sĩ Công Giáo. Các vị này, sau bức thư của 163 vị linh mục ở Milwaukee, đã viết gửi cho ĐGM Wilton Gregory, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, đồng thanh bày tỏ sự ủng hộ luật độc thân linh mục của Giáo Hội và nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh hay hủy bỏ luật linh mục độc thân này vẫn không giải quyết được những vấn đề của Giáo Hội.
Linh mục chủ tịch của Huynh Hội này là cha John Trigilio viết: “Vấn đề linh mục tùy ý không phải là câu giải đáp, hay là một thứ chữa trị (panacea), mà là một thứ xoa dịu (placebo). Nó chẳng có công hiệu gì hết. Tình trạng khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ có ba khía cạnh. Thần học dở, phụng vụ dở và luân lý dở đã gây ra đổ vỡ, và như một cái bướu độc cần phải được cắt bỏ. Chỉ khi nào lấy lại tính cách linh thánh, bằng việc bênh vực những chân lý được mạc khải cũng như bằng việc chấp nhận lề luật luân lý tự nhiên, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi đối với cuộc khủng hoảng đức tin đang chi phối Giáo Hội hiện nay”.
Huynh Hội Giáo Sĩ Công Giáo này được thành lập từ năm 1975 để tìm cách áp dụng lời kêu gọi của Công Đồng Chung Vaticanô II đ61i với vấn đề liên tục huấn luyện giáo sĩ về kiến thức, linh đạo cũng như mục vụ. Huynh Hội này tổ chức đại hội hằng năm, phát hành tờ tam cá nguyệt san Sapientia cũng như có các cuộc họp ở các khu vực địa phương.
Giáo Hội Chính Thống Nga đã đến lúc cần phải thay đổi trong mối liên hệ với Giáo Hội Công Giáo
Hôm Thứ Hai 8/9/2003, ĐTGM Kyrill ở Smolensk và Kaliningrad đã ngỏ lời với cuộc họp “Con Người và Các Tôn Giáo” do Cộng Đồng Thánh Egidio cùng với tổng giáo phận địa phương tổ chức ở Aachen, Đức Quốc, một phiên họp ba ngày, được kết thúc hôm 9/9/2003, một cuộc họp với con số 500 vị lãnh đạo tôn giáo tham dự. Vị lãnh đạo của Phân Bộ Liên Hệ Nước Ngoài thuộc tòa Thượng Phụ Giáo Chủ đã lên tiếng trong cuộc bàn luận về đề tài “Người Công giáo và Chính Thống giáo: Một Thách Đố của Việc Đại Kết”.
ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo cũng tham dự cuộc bàn luận này. ĐTGM Kyrill cho biết: “Giờ đã đến để thay đổi tình hình khó khăn hiện tại giữa Giáo Hội Chính Thống giáo ở Moscow với Giáo Hội Công Giáo. Moscow sẵn sàng bàn bạc; các vấn đề đang được bàn luận. Một khi những vấn đề khó khăn này được thắng vượt thì cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và vị thượng phụ Moscow sẽ giúp vào việc quay hẳn trang sử quá khứ khó khăn này lại”. Lần này ĐTGM tránh dùng chữ “dụ giáo”, thay vào đó, vị TGM này đã ám chỉ đến “một cuộc tranh thủ truyền giáo”, một tranh thủ liên quan đến “ý hệ về một thị trường tự do của các tôn giáo”.
Về vấn đề ĐTC có thể thăm Nước Nga, vị TGM nói: “Chuyến đi của Ngài đến Moscow là tiêu biểu của một biến cố lịch sử là một biến cố cần phải sửa soạn một cách thích hợp. Những chuyến ĐGH thăm viếng các xứ sở thuộc truyền thống Chính thống đã mang lại một ý nghĩa tích cực… Nếu chúng ta muốn tái tấu vấn đề đại kết, chúng ta phải thay đổi thái độ của chúng ta và chú tâm đến việc bênh vực các giá trị Kitô giáo nơi xã hội hiện đại.
9/9 Thứ BaHuấn Từ Truyền Tin về Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng để Kết Thúc Năm Mân Côi
Ngay sau khi chấm dứt loạt bài huấn từ truyền tin trong mùa hè (13/7-31/8) tại nhà nghỉ mát của mình về một Âu Châu cần phải phục hồi căn tính Kitô giáo của mình, Chúa Nhật đầu Tháng 9/2003, ngày 7, Ngài bắt đầu tiến sang cuộc hành trình kết thúc Năm Mân Côi.
Anh Chị Em thân mến!
1. Chỉ còn đúng một tháng nữa, vào ngày 7/10, nếu Chúa muốn, Tôi mong đến Đền Pompeii. Bấy giờ sẽ là một giây phút đặc biệt quan trọng của Năm Mân Côi là năm được khai mạc từ ngày 16/10 năm ngoái qua việc ký ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô bức Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria”. Hôm nay đây Tôi muốn khởi sự một cuộc hành hương đến đền thờ Thánh Mẫu nổi tiếng, trung tâm linh đạo mân côi, để cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô nơi những mầu nhiệm vui, sáng, thương và mừng của Người.
Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ, một lễ được cử hành vào ngày mai 8/9, là cơ hội hết sức thuận tiện cho việc thực hiện cuộc hành trình thiêng liêng này. Thật vậy, việc Mẹ vào đời tạo nên một thứ “khai mào” cho Việc Nhập Thể: Mẹ Maria, như rạng đông, đi trước mặt trời của một “ngaỳy mùi”, tiên báo niềm vui Đấng Cứu Chuộc.
2. Các mầu nhiệm mùa vui giúp cho chúng ta chiêm ngưỡng thấy được một niềm vui “chiếu tỏa từ biến cố Nhập Thể” này (Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, 20); một niềm vui không hề quên đi thảm cảnh của thân phận con người, song phát xuất từ nhận thức là “Chúa đến” (x Phil 4:5), tức là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23; x Is 7:14).
“Hãy vui lên!” Lời mời gọi hân hoan của Thiên Thần đã chiếu rạng tia sáng cho tất cả 5 mầu nhiệm mùa vui. Nơi các mầu nhiệm này, “Mẹ Maria giúp chúng ta học được cái bí mật của niềm vui Kitô giáo, nhắc nhở chúng ta rằng Kitô giáo trước hết là “euanghelion”, là tin mừng, một tin mừng có trọng tâm, thật thế, chính nội dung của tin mừng này, ở nơi con người Chúa Kitô” (cùng tông thư trên, 20).
3. Xin Mẹ Maria giúp dân Kitô giáo biết tái nhận thức kinh mân côi thánh như là một kinh nguyện đơn sơ hết sức sâu xa (a simple prayer of great profundity). Nếu được nguyện cầu một cách tốt đẹp, kinh nguyện này đưa con người tới một cảm nghiệm sống động về mầu nhiệm thần linh và làm cho lòng trí họ, gia đình họ và toàn thể cộng đồng của họ hướng về một thứ bình an chúng ta hết sức cần đây.
Tòa Thánh không phải là một quyền lực chính trị cho bằng là một quyền lực về lãnh vực luân lý
ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, trong chuyến viếng thăm Á Căn Đình, đã diễn thuyết tại Đại Học Công Giáo Á Căn Đình về vai trò của Tòa Thánh trong việc cổ võ nhân quyền trên bình diện quốc tế, nhất là ở Liên Hiệp Quốc, nơi vị chủ tịch này đóng vai trò làm đại biểu của Đức Thánh Cha trong 16 năm mới đây. Bài diễn thuyết của ngài được trình bày vào dịp “Những Ngày Quốc Tế” với đề tài “Việc Bảo Toàn Các Thứ Quyền Lợi Nồng Cốt của Con Người”, được tổ chức ở Đại Học Lateran trước đây ở Rôma cũng như ở đại học trên đây lần này, nhân dịp mừng kỷ niệm 40 năm Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế của Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII.
Vị TGM đã liệt kê 4 phương diện Tòa Thánh đã dấn thân với tư cách là “một quyền lực về lãnh vực luân lý”, “một quyền lực luân lý chứ không phải quyền lực chính trị, quyền lực có thể hoạt động trên bình diện quốc tế. Hơn thế nữa, cùng với việc dấn thân phục vụ về chính trị, nhân loại tân tiến hết sức cần đến việc dấn thân phục vụ về luân lý nữa”. Phương diện thứ nhất là việc cổ võ và bênh vực nhân quyền, phương diện thứ hai là việc cổ võ quyền phát triển, phương diện thứ ba là việc cổ võ quyền sống hòa bình, và phương diện thứ bốn bao gồm các thứ nhân quyền và trật tự quốc tế.
Về phương diện thứ nhất là phương diện dấn thân cổ võ và bênh vực nhân quyền, ĐTGM chủ tịch đã nhắc lại hai trường hợp điển hình Tòa Thánh đã làm tại Hội Nghị Dân Số ở Cairô 1994 và Hội Nghị Về Phụ Nữ ở Bắc Kinh 1995: “Việc đóng góp quyết liệt của Tòa Thánh trong việc cộng đồng quốc tế nhìn nhận, bằng các phương tiện pháp lý và chính trị, quyền sống từ khi thụ thai cũng như việc công nhận phẩm giá riêng của giới phụ nữ”. Ơ ỹ cả hai hội nghị này, với sự hỗ trợ của một thiểu số phái đoàn đại biểu, trong đó đặc biệt của nước Á Căn Đình, “quyền quốc tế cho phá thai” ở hội nghị Cairo và “việc công bố phá thai như là một thứ nhân quyền” ở hội nghị Bá Linh, đã bị loại trừ trong bản đúc kết của hai hội nghị này.
Về phương diện thứ hai là phương diện dấn thân cổ võ cho quyền phát triển nhất là đối với các nước khốn cực, ĐTGM chủ tịch nói: “Thế giới ngày nay đang run sợ bởi một thứ hòa bình mong manh và thiếu hy vọng bởi những lời hứa hẹn thất tín. Quá nhiều người sống một đời sống vô vọng, hiếm có cơ hội để xây dựng tương lai khá hơn. Gia đình các quốc gia không thể để cho một ngày nữa qua đi mà không hết sức nỗ lực chiếm lấy những mục tiêu ấy, bằng cách đạt tới mức tiến bộ cụ thể nơi việc nhổ tận gốc rễ tình trạng nghèo khổ”.
Về phương diện thứ ba là phương diện dấn thân cổ võ cho quyền sống hòa bình, nơi lãnh vực giải giới, ngưng leo thang và loại trừ các loại vũ khí đại công phá, ĐTGM đa õ phải than lên rằng: “Vấn đề giải giới nguyên tử chưa hề tiến bộ. Ngược lại, nó lại còn thụt lùi lo ngại nữa là đàng khác. Không thể chấp nhận về luân lý bất cứ chủ trương quân sự thiận về các thứ vũ khí nguyên tử. Mối quan tâm của Tòa Thánh về giai đoạn ù lì hiện nay của tiến trình giải giới vì thiếu sự hợp tác của một số quyền lực nguyên tử”.
Về phương diện thứ bốn là phương diện bao gồm các thứ nhân quyền và trật tự quốc tế, ĐTGM nhấn mạnh rằng “Tòa Thánh đã bày tỏ bằng trăm ngàn cách lòng tin tưởng của mình nơi giá trị cộng đồng các quốc gia, một thứ giá trị được thể hiện qua những mối liên hệ quốc tế có tính cách tương kính và đoàn kết chung, hay qua những tổ chức quốc tế làm nên những gì có thể nói là xương sống cho sinh hoạt và sinh lực của gia đình chư quốc, cũng như tin tưởng vào một thứ trật tự quốc tế có được một thẩm quyền chung trên thế giới”.
Ở phần cuối của bài thuyết trình của mình, ĐTGM đã nói rằng ngài thường nghe thấy là “vấn đề ngoại giao của Tòa Thánh là nhất”. Ngài cho biết nhận định của ngài như sau: “Tôi không biết sự thật về lời khẳng định này như thế nào. Nếu Tòa Thánh lập được nhiều công lớn thì những thứ công lênh này không phát xuất nhiều từ những khả năng thượng đẳng về chính trị hay ngoại giao, trái lại, và nhất là, từ khả năng của Giáo Hội trong việc cống hiến cho bài diễn văn về đạo lý và luân lý liên quan đến định mệnh của con người nam nữ cũng như đến các thứ quyền lợi nồng cốt của họ một thứ giá trị hiện hành chung cùng với thị năng ngôn sứ… Tòa Thánh có thể thi hành phận vụ của mình trong việc cổ võ con người cùng các thứ quyền lợi căn bản của họ, cổ võ hòa bình và phát triển, một cách càng hiệu nghiệm hơn khi nhất định tập trung vào những gì xứng hợp với Giáo Hội, đó là việc hướng về Thiên Chúa, việc giảng dạy tình yêu huynh đệ đại đồng và việc cổ võ một thứ văn hóa đoàn kết. Chính vì theo chiều hướng như thế mà Tòa Thánh đã cương quyết thi hành hoạt động của mình, ngày nay hơn bao giờ hết, một hoạt động được bảo trì bởi niềm hy vọng không còn hy vọng”.
Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: Cựa quậy loay hoay
Cho dù Tổng Thống Thẩm Quyền Palestine là Arafat có phủ nhận những xung khắc giữa ông và Thủ Tướng Abbas, nhưng sự thật là trong phiên họp tường trình 100 ngày làm việc của mình cho quốc hội Palestine hôm Thứ Năm 4/9/2003, Thủ Tướng Abbas đã yêu cầu Hội Đồng Lập Pháp này cho ông thêm quyền lực chính trị. Ông nói: “Một là quí vị ủng hộ tôi để tôi có thể trung thành với lòng quí vị tin tưởng nơi tôi hai là quí vị lấy nó lại”. Trong bản tường trình của mình, ông cũng kêu gọi tất cả mọi phe đảng hãy loại bỏ bạo lực ở Trung Đông để tìm kiếm những giải pháp chính trị hầu giải quyết tình trạng xung khắc giữa Do Thái và Palestine: “Giờ đây tôi kêu gọi mọi người hãy hoạt động để thoát khỏi cơn lốc tác động và phản động. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm quá khứ”, và thực hiện “nỗ lực hết sức để mang lại sự sống cho lãnh vực chính trị cùng xa tránh việc sát hại và hủy hoại”. Ông này cũng kêu gọi cả Khối Tứ Tượng đã khởi xướng Lộ Trình Hòa Bình Trung Đông: “Chúng tôi tin rằng khối tứ tượng này cần phải hoạt động nhiều hơn nữa để cứu vãn tình thế, mang sự sống lại cho dự án đã được nhiều người phê chuẩn và chấp thuận”.
Hội Đồng Lập Pháp Palestine sẽ có một cuộc họp kín với Thủ Tướng Abbas vào Thứ Ba tuần tới, và muốn có cả sự hiện diện của Tổng Thống Arafat. Hội Đồng Trung Ương Palestine gồm có 143 phần tử và Hội Đồng Lập Pháp Palestine có 88 ghế, trong đó có 3 chỗ còn trống. Sở dĩ Arafat lập thêm chức thủ tướng vào Tháng 3/2003 vừa rồi là vì áp lực quốc tế trong việc muốn Thẩm Quyền Palestine phải cải tiến. Ông đã mời Abbas,vị Lãnh Đạo Tổ Chức Giải Phóng Palestine giữ vai trò này. Chủ trương của vị đệ nhất thủ tướng Palestine này là muốn nắm lực lượng an ninh để đối đầu với các nhóm chián đấu quân đang thực hiện những cuộc khủng bố tấn công Do Thái. Ông nói không muốn dùng võ lực mà là đối thoại với các nhóm này. Những lý do thủ tướng Abbas muốn xin từ chức được ông liệt kê như sau:
“Vấn đề chính yếu là Do Thái không chịu áp dụng những cuộc dấn thân theo lộ trình này cũng như không thực hiện những biện pháp xây dựng. Liên Hiệp Quốc (và cộng đồng quốc tế) không hết sức gây ảnh hưởng trên Do Thái trong việc thi hành những cuộc dấn thân trên lộ trình đẩy mạnh tiến trình hòa bình hơn nữa hay chấm dứt việc leo thang quân lực. Thiếu sự nâng đỡ từ các qui chế chính quyền. Tình trạng nổi loạn nội bộ dữ dội và nguy hiểm chống lại chính quyền và làm ngăn trở việc tác hành của chính quyền. Những cáo giác bất công cho rằng chính quyền và thủ tướng đã có khuynh hướng hoặc là muốn kiểm soát mọi sự, hai là không nắm giữ gì hết”.
Tóm lại, Thủ Tướng Mahmoud Abbas đã nộp đơn lên Tổng Thống Arafat xin từ chức hôm Thứ Bảy 6/9/2003, vì thấy rằng cả lộ trình hòa bình Trung Đông không được phe đối phương Do Thái tích cực cộng tác, cộng đồng quốc tế (nhất là Hoa Kỳ) bất lực và phe Palestine lại không cho ông đủ quyền hành để thực hiện những việc làm cần thiết hợp với lộ trình này.
Để thay thế vị trí của vị thủ tướng 100 ngày này, Tổng Thống Arafat đã bổ nhiệm ông Qorei, cũng gọi là Abu Ala, sinh tại Abu Dis gần Giêrusalem năm 1937 và là một trong những phần tử tiên khởi của phong trào Fatah của Arafat.Ông đã là vị lãnh đạo của tiểu ban phân bộ kinh tế của Tổ Chức Giải Phóng Palestine năm 1983, làm bộ trưởng kinh tế và giao thương của Thẩm Quyền Palestine giữa năm 1994-1996, thời gian ông được tuyển vào Hội Đồng Lập Pháp Palestine. Sau đó ông được bầu là phát ngôn viên của hội đồng này, vị sẽ thay tổng thống khi trống ngôi.
8/9 Thứ Hai Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria
SINH VÀO TRẦN THẾ
(Trích Thần Đô Huyền Nhiệm của Nữ Tu Ðáng Kinh Maria D'Agreda)
Ngày mồng tám tháng chín, thánh nữ Anna hiểu rằng bà sắp sinh Người Con bà hằng ước nguyện. Bà xấp mình cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho con mình. Lúc đó, Mẹ Maria được Chúa cho xuất thần rất cao cả, không thấy được mình sinh vào trần gian như thế nào. Lúc ra khỏi cơn xuất thần ấy, Mẹ đã thấy mình đẹp đẽ nằm trên tay thân mẫu mình. Thánh nữ Anna được gìn giữ khỏi mọi đau đớn thông thường nơi các bà mẹ sinh con, bà dâng lên Thiên Chúa lời nguyện rằng: "Lạy Đấng Sáng Tạo mọi loài, con xin dâng Chúa người con mà con vừa được lòng lành Chúa ban cho. Con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa định đoạt cho mẹ con con theo ý Chúa. Con xin chúc tụng Chúa muôn đời. Con là một kẻ bất xứng, xin dạy con biết cách nuôi nấng người con của Chúa".
Thiên Chúa trả lời trong lòng bà, là bà cứ cư xử như mọi người Mẹ cư xử với con mình, đừng tỏ ra một niềm tôn kính nào bề ngoài, cứ tôn kính trong tâm hồn là đủ. Nhưng phải hết sức cẩn trọng và yêu đương.
Các thiên thần hầu cận Mẹ, cùng với vô số thiên thần khác tháp tùng, đến tỏ niềm tôn kính Mẹ. Họ hát lên một khúc ca thiên đàng, rồi bắt đầu phục vụ Mẹ. Lần đầu tiên Mẹ nhìn thấy họ dưới hình người. Mẹ mời họ ca tụng Chúa với Mẹ và nhân danh Mẹ.
Đức tổng thiên thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến báo cho các thánh ở u ngục biết tin mừng Mẹ sinh ra, một tin mừng làm các ngài hoan hỉ và tri ân vô ngần.
Tất cả những sự việc đó qua đi rất mau chóng. Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ Maria nhiều sự việc rất lạ lùng khác nữa. Việc đầu tiên là sai các thiên thần rước Mẹ lên thiên đàng. Các ngài chỉnh đốn hàng ngũ thành một cuộc khải hoàn long trọng, vừa rước Mẹ lên cao vừa ca hát cho tới trước uy nghi Thiên Chúa. Mẹ xấp mình thờ lạy Chúa.
Ngôi Lời nâng Mẹ lên, đặt bên hữu mình. Lĩnh nhận nhiều mạc khải mới, tất cả các tài năng của Mẹ tăng triển thêm. Mẹ được nhìn thấy thần tính Thiên Chúa tỏ ra ở một góc độ tuyệt vời. Bừng cháy nhiệt tâm cho danh Chúa cả sáng, Mẹ nái xin Thiên Chúa mau thi hành đơn Nhập Thể để cứu chuộc thế gian. Thiên Chúa đoan quyết với Mẹ là ước nguyện ấy của Mẹ sắp được thực hiện.
Sau đó, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ cho các thiên thần biết rằng từ đời đời Ngài đã tác tạo cho Mẹ và cho Ngôi Con danh hiệu Maria và Giêsu. Trong hai danh hiệu đó, Ngài được thỏa lòng hoàn toàn. Rồi Ngài phán: "Danh hiệu Maria phải được hiển vinh lạ thường. Những ai thành thực sốt sắng kêu cầu danh hiệu ấy sẽ được ban nhiều ân sủng. Những ai kính cẩn đọc lên sẽ được ủi an. Mọi người đều tìm được trong danh hiệu ấy phương dược trị liệu bệnh tật mình; được ánh sáng soi đường; được kho tàng cứu giúp sự túng nghèo. Danh hiệu Maria làm run sợ hoả ngục và đạp nát đầu cựu xà Satan".
Chính Chúa đặt danh hiệu ấy cho Mẹ. Mẹ đón nhận với những lời ca ngợi lạ lùng. Lúc Thiên Chúa đọc danh hiệu ấy lên, các thiên thần đều phủ phục, bái chào, hát lên thánh ca tán tụng, nhất là những vị mang biểu hiệu danh hiệu ấy càng nhiệt liệt tán tụng hơn. Sau đó, cũng các Thiên Thần đã rước Mẹ lên trời lại rước Mẹ xuống đặt trên tay Thánh Nữ Anna nhưng bà không hề biết gì về sự mẹ vắng mặt. Trong lúc đó, bà được ơn xuất thần, biết được nhiều sự kiện cao cả về chức phẩm Mẹ Thiên Chúa.
Tám ngày sau, rất đông thiên thần từ trời xuống, mang theo một biểu ngữ sáng láng, ghi danh hiệu Maria. Họ nói với Thánh Nữ Anna phải mau kíp đặt tên ấy cho Con bà. Bà đi nói với Thánh Gioan Kim. Ông bà liền tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn, mời bà con thân thuộc và một tư tế đến dự. Trong niềm trịnh trọng hân hoan, ông bà đặt tên rất dịu dàng Maria cho Con Rất Thánh của mình. Các thiên thần lại tấu lên một khúc nhạc tuyệt vời, chỉ có hai mẹ con bà Anna được thưởng thức. Hạnh phúc cho trái đất biết bao, vì đã có Mẹ Đấng Cứu Chuộc.
Lời Mẹ nhắn nhủ:
Con hay gắng noi gương Mẹ trong việc Mẹ đã làm suốt đời Mẹ từ khi Mẹ sinh ra. Lúc ngày mới bắt đầu, Mẹ sấp mình dưới chân Chúa, ca tụng Chúa vì những ưu phẩm vô cùng của Ngài, rồi nhìn nhận chủ quyền tuyệt đối của Ngài trên vạn vật. Mẹ cũng cảm tạ Chúa vì Ngài đã kéo Mẹ ra khỏi hư vô. Mẹ hoàn toàn phó thác dâng mình cho Ngài, để Ngài định đoạt về Mẹ tùy ý Ngài muốn trong ngày, cũng như trong suốt cuộc sống của Mẹ. Mẹ cầu xin Ngài cho Mẹ biết được những gì đẹp lòng Ngài để Mẹ chu toàn. Mẹ xin Ngài hướng dẫn, ban phép lành và chúc phúc cho hết mọi việc Mẹ làm. Mẹ còn nhắc đi nhắc lại những hành vi đó nhiều lần trong ngày.
Càng thực tâm nhiệt thành tôn kính danh hiệu rất dịu ngọt của Mẹ, con càng đi trên đường của Mẹ. Con nên biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Danh Hiệu ấy không biết bao nhiêu là ân sủng và đặc ân. Mẹ không thể nghĩ đến hay nghe đọc đến Danh Hiệu ấy mà lại không dâng lời cảm tạ Chúa. Cho nên Mẹ quyết định làm những việc cả thể cho Chúa là Đấng đã ban cho Mẹ Danh Hiệu quí báu ấy.
Mẹ Maria được thoát khỏi tất cả mọi tư tội
(Bài Giáo Lý Thánh Mẫu của ÐTC Gioan Phaolô II)
1.- Việc xác định tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội chỉ trực tiếp liên quan đến giây phút đầu tiên của cuộc đời Mẹ Maria, từ đó Mẹ được “gìn giữ khỏi hết mọi tì vết nguyên tội”. Như thế, Huấn Quyền của giáo hoàng chỉ muốn xác nhận sự thật từng là đề tài tranh luận qua các thế kỷ: đó là việc Mẹ được gìn giữ khỏi nguyên tội, chứ không xác nhận nhân đức thánh thiện kéo dài nơi Vị Trinh Mẫu của Chúa Kitô.
Sự thật này vốn được chung dân Kitô giáo nhận thức. Được gìn giữ khỏi nguyên tội, Mẹ Maria thực sự cũng được gìn giữ khỏi tất cả mọi tội mình làm, và sự thánh thiện nguyên khởi này đã được ban cho Mẹ là để cho cả cuộc đời của Mẹ.
2.- Giáo Hội đã liên lỉ coi Mẹ Maria được thánh thiện cũng như được thoát khỏi tất cả mọi tội lỗi hay khỏi tất cả mọi bất toàn về luân lý. Công Đồng Triđentinô đã diễn tả niềm xác tín này khi xác nhận là không một ai “có thể tránh được tất cả mọi thứ tội lỗi, ngay cả các tội nhẹ, suốt cả cuộc sống của mình, trừ khi họ được đặc ân riêng, như Giáo Hội chủ trương về trường hợp của Đức Trinh Nữ” (DS 1573). Ngay cả trường hợp người Kitô hữu được ân sủng biến đổi và canh tân cũng không thoát được việc họ vẫn có thể phạm tội. Ân sủng không gìn giữ họ khỏi tất cả mọi thứ tội lỗi trong suốt cuộc đời của họ, trừ khi, như Công Đồng Chung Triđentinô chủ trương, họ được ban cho một đặc ân riêng để bảo toàn tình trạng miễn nhiệm tội lỗi này. Đó là những gì đã xẩy ra nơi trường hợp Mẹ Maria.
Công Đồng Chung Triđentinô không muốn xác định đặc ân này, nhưng lại công bố là Giáo Hội mạnh mẽ khẳng định đặc ân ấy như là một “Giáo điều” (Tenet), tức là Giáo Hội vững tin điều đó. Quyết định ấy, chẳng những không làm giảm giá sự thật này đối với niềm tin đạo hạnh hay đối với chủ trương sùng kính, mà còn xác nhận bản chất của nó như là một giáo điều vững chắc, hoàn toàn hợp với đức tin của Dân Chúa. Hơn nữa, niềm xác tín này được căn cứ vào thứ ân sủng mà thiên thần đã qui về cho Mẹ Maria trong giây phút Truyền Tin. Gọi Mẹ là “đầy ơn phúc”, kecharitoméne, vị thiên thần tuyên nhận Mẹ như là một người nữ được trang bị bằng một sự trọn lành bền bỉ cũng như bằng một mức độ hoàn toàn thánh đức, không hề có một bóng mờ tội lỗi hay bất toàn nào về luân lý hay về tâm linh.
3.- Có một số giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, những vị chưa xác tín về tình trạng thánh đức trọn lành của Mẹ, đã qui cho Mẹ Maria những sự bất hảo hay những khiếm khuyết về luân lý. Một số tác giả gần đây cũng đã chủ trương giống như vậy. Tuy nhiên, các đoạn Phúc Âm được họ trích dẫn để biện minh cho những ý kiến này không có nền tảng vững chắc đối với việc họ qui cho Mẹ của Đấng Cứu Chuộc một tội nào, kể cả một điều bất toàn nào về luân lý.
Câu Chúa Giêsu trả lời cho mẹ của Người vào năm lên 12 tuổi: “Cha mẹ tìm Con làm chi? Cha mẹ không biết rằng Con phải ở trong nhà của Cha Con hay sao?” (Lk 2:49), đôi khi được hiểu như một lời trách móc kín đáo. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ đoạn trình thuật này, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã không trách cứ Mẹ của Người và Thánh Giuse về việc tìm kiếm Người, vì các vị có trách nhiệm phải coi sóc Người.
Sau khi lo lắng tìm kiếm Người, Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu với câu hỏi “tại sao” Người làm như vậy mà thôi: “Hỡi Con, tại sao Con lại đối xử với chúng ta như vậy?” (Lk 2:48). Và Chúa Giêsu đã trả lời bằng một vấn đề “tại sao” khác, không hề khiển trách tí nào, song chỉ có ý nói đến mầu nhiệm vai trò làm con thần linh của Người.
Những lời Người nói ở tiệc cưới Cana cũng vậy: “Này Bà, Tôi với bà đâu có can dự gì? Giờ của Tôi chưa đến” (Jn 2:4), được cắt nghĩa như là một lời khiển trách. Thấy được cái khả dĩ bất lợi gây ra cho đôi tân hôn bởi việc thiếu rượu, Mẹ Maria đã nói với Chúa Giêsu một cách giản dị, ký thác vấn đề cho Người. Mặc dù biết rằng mình là Đấng Thiên Sai buộc phải vâng lời nguyên ý muốn của Cha mà thôi, Người cũng đã đáp ứng điều yêu cầu dụng ý của Mẹ. Trước hết, Người đáp lại đức tin của Vị Trinh Nữ, và bởi thế Người cũng đã thực hiện phép lạ đầu tiên để qua đó Người có thể tỏ vinh quang của Người ra.
4.- Sau này còn có một số đã giải thích cách tiêu cực về lời Chúa Giêsu phát biểu khi Mẹ Maria và họ hàng của Người yêu cầu được gặp Người vào lúc mở màn cho cuộc đời công khai của Người. Thuật lại cho chúng ta nghe câu Chúa Giêsu trả lời với kẻ trình Người rằng “Mẹ của Người và anh em của Người đang đứng ở bên ngoài mong được gặp Người”, Thánh Ký Luca đã cống hiến cho chúng ta một mấu chốt cắt nghĩa cho trình thuật này, một trình thuật phải được hiểu theo những hướng chiều nội tại của Mẹ Maria, những hướng chiều hoàn toàn khác với của các “anh em” Người. Chúa Giêsu đã đáp lại rằng: “Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những người nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy” (Lk 8:21). Ở trình thuật Truyền Tin, Thánh Luca thật sự đã cho thấy Mẹ Maria là mẫu gương lắng nghe lời Chúa và hết sức dễ dạy. Hiểu theo khía cạnh này thì lời Chúa Giêsu đáp trong đoạn Mẹ muốn gặp Con Mẹ là lời hết sức ca ngợi Mẹ, một con người đã hoàn toàn làm trọn dự án thần linh nơi cuộc đời của mình. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có trái ngược với nỗ lực của anh em Người (trong việc họ cố gắng chu toàn dự án của Thiên Chúa như Mẹ Maria - người dịch hiểu ý ĐTC muốn nói ở chỗ này là như thế), những lời ấy cũng ca ngợi lòng trung thành của Mẹ Maria với ý muốn của Thiên Chúa, và ca ngợi vai trò làm mẹ cao cả của Mẹ nữa, một vai trò Mẹ sống chẳng những về phương diện thể lý mà còn về cả phương diện thiêng liêng nữa.
Trong việc bày tỏ lời khen tặng một cách gián tiếp này, Chúa Giêsu sử dụng một phương pháp đặc biệt, đó là Người nhấn mạnh đến tính cách cao quí nơi tác hành của Mẹ Maria theo ý nghĩa của những câu phát biểu tổng quát, và chứng tỏ cho thấy rõ hơn về sự liên kết và gần gũi của Vị Trinh Nữ này với loài người trên con đường nên thánh khó khăn.
Sau hết, những lời “Phúc thay cho ai nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy!” (Lk 11:28), được Chúa Giêsu nói để trả lời cho người đàn bà đã khen Mẹ diễm phúc, chẳng những không gây ra sự nghi ngại về sự toàn thiện bản thân của Mẹ Maria, mà còn làm sáng tỏ việc Mẹ trung thành hoàn tất lời của Thiên Chúa: Giáo Hội đã hiểu những lời này như thế, nên đã đặt câu nói ấy vào việc cử hành phụng vụ để tôn kính Mẹ Maria.
5.- Đặc ân riêng Thiên Chúa đã ban Mẹ, một con người “toàn thánh”, khiến chúng ta phải lên tiếng ca ngợi những kỳ công ân sủng đã thực hiện nơi cuộc đời của Mẹ. Đặc ân riêng này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Mẹ Maria luôn luôn và hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, và không có một bất toàn nào có thể tác hại đến tình trạng Mẹ hoàn toàn sống hòa hợp với Thiên Chúa.
Đời sống trần gian của Mẹ do đó đã được đánh dấu bằng một cuộc liên lỉ lớn lên một cách cao quí trong đức tin, đức cậy và đức mến. Như thế, đối với các tín hữu, Mẹ Maria là dấu chỉ sáng ngời tỏ ra Tình Thương thần linh, và là một vị hướng đạo lành nghề dẫn đến những chóp đỉnh thánh thiện và mức thiện toàn của Phúc Âm.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ
Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 26/6/1996)
Những Gì Cũ Kỹ đã qua, Tất Cả Mọi Sự đã nên Mới
(Thánh Andrew of Crete, Giám Mục: Hom. 1:PG 97; 806-810)
Việc nên trọn lề luật là chính Chúa Kitô, Đấng không dẫn đưa chúng ta xa khỏi chữ nghĩa cho bằng nâng chúng ta lên tới tinh thần của chữ nghĩa. Vì việc làm trọn lề luật là ở chỗ chính Đấng ban lề luật đã hoàn thành công việc của Người và đã đổi chữ nghĩa thành tinh thần, tóm tắt hết mọi sự nơi chính mình Người, và mặc dầu lệ thuộc vào lề luật, Người lại sống theo ân sủng. Người vâng phục lề luật, song lại hiệp nhất ân sủng với lề luật một cách hòa hợp, không lẫn lộn những đặc tính riêng biệt giữa điều này với điều kia, nhưng làm cho hiệu thành việc chuyển đổi này một cách xứng hợp nhất đối với Thiên Chúa. Người đã thay đổi những gì nặng nề, lệ thuộc và thấp hèn trở thành những gì nhẹ nhàng và thanh thoát, để chúng ta không còn, như Thánh Tông Đồ nói, bị làm tôi cho những tinh thần tầm thường của thế gian nữa, và không còn gắn liền với chữ nghĩa của lề luật như những người đầy tớ nô tỳ.
Đó là phúc đức hết sức ước mong cao cả nhất Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Đó là mạc khải của một mầu nhiệm, một nhiệm là việc hư không hóa bản tính thần linh, là việc hiệp nhất nên một giữa Thiên Chúa và loài người, và là việc thần linh hóa một thân phận con người được Người mặc lấy. Việc Thiên Chúa đến với con người một cách vinh quang và tỏ hiện ấy thật sự cần đến một dạo khúc hân hoan mở đầu để giới thiệu tặng ân cứu độ cao cả được ban cho chúng ta. Ngày lễ hôm nay đây, ngày lễ sinh nhật của Người Mẹ Thiên Chúa, là dạo khúc mở đầu đó, mà chung kết là việc hiệp nhất tiền định giữa Lời và xác thịt. Hôm nay là ngày Vị Trinh Nữ vào đời, được chăm sóc và hình thành, sửa soạn cho vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng là Vua chung của các thế hệ.
Vậy chúng ta có lý cử hành mầu nhiệm này, vì mầu nhiệm ấy là biểu hiệu cho chúng ta thấy một thứ ân sủng lưỡng diện. Chúng ta được dẫn đến chân lý, và chúng ta được đưa ra khỏi thân phận lệ thuộc của chúng ta vào chữ nghĩa của lề luật. Điều này xẩy ra thế nào đây? Tối tăm tan biến khi ánh sáng chiếu soi, và ân sủng mang lại tự do thay thế lề luật. Thế nhưng, mầu nhiệm hôm nay đây ở giữa hai tình trạng này, giới tuyến mà những kiểu cách và biểu hiệu nhường chỗ cho thực tại, và những gì cũ kỹ được thay thế bằng cái những cái mới mẻ.
Thế nên, tất cả mọi tạo vật hãy hát ca và nhẩy nhót, hãy hợp nhau để góp phần một cách xứng đáng vào việc cử hành ngày hôm nay. Các thánh trên trời và con người dưới thế hãy cử hành một ngày lễ chung duy nhất. Hết mọi sự, dưới thế cũng như rên trời, hãy hợp nhau hân hoan cử hành. Hôm nay thế giới tạo thành này được nâng lên phẩm vị của một nơi thánh, xứng với Đấng đã dựng nên tất cả mọi sự. Thiên nhiên tạo vật được sửa soạn trở thành nơi cư ngụ thần linh cho Đấng Hóa Công.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1544-1545)
7/9 Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B
Không phải chúng ta tự mình nghe được lời Chúa
mà là chính Lời Chúa làm cho chúng ta nghe được Lời Người
Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm B tuần này trình thuật việc Chúa chữa lành cho một người câm điếc ở miền Thập Thành. Nếu chủ đề của Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh là Mầu Nhiệm Chúa Kitô Sự Sống Tái Sinh thì phép lạ chữa lành câm điếc của Chúa Giêsu có liên hệ như thế nào? Trước hết, chúng ta chẳng những cần phải nhớ lại ý nghĩa của bệnh hoạn tật nguyền với tội lỗi, sau đó phải còn để ý tới tiến trình và cách thức chữa lành của Chúa Giêsu nữa.
Về ý nghĩa của bệnh nạn tật nguyền liên quan đến tội lỗi, chúng ta vẫn được Giáo Lý dạy cho biết đau khổ và sự chết nơi thân xác là hậu quả của tội lỗi, của nguyên tội. Tuy nhiên, bệnh nạn tật nguyền, tình trạng bất toàn về sự sống thể lý và không toàn vẹn của thân xác con người, chẳng những là thực tại của đau khổ và là hiện thân của sự chết thể lý, mà còn là tiêu biểu cho tội lỗi nữa. Thật thế, những thứ tật nguyền như mù lòa, câm điếc, bất toại, kể cả chính tình trạng tột cùng tối hậu của đau khổ là chết chóc, thậm chí cả tình trạng bị quỉ ám, cũng đều nói lên ý nghĩa và tác dụng của tội lỗi nơi con người.
Con người tội lỗi không phải là con người mù lòa hay sao, và tội lỗi không làm cho con người càng bị mù lòa hay sao? Đó là lý do Chúa Giêsu đã nói với viên chức trong Hội Đồng Do Thái là ông Nicôđêmô rằng: “Con người chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều gian ác. Ai làm điều gian ác thì ghét ánh sáng; họ không đến gần ánh sáng vì sợ các việc làm của họ bị bại lộ” (Jn 3:19-20). Trong trường hợp chữa lành cho một người mù từ lúc mới sinh, sau khi nghe Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi đến thế gian để phân rẽ thế gian, để làm cho kẻ mù được thấy còn kẻ thấy bị mù”, các người Pharisiêu nói với Người rằng: “Thế thì ông cho chúng tôi toàn là những kẻ mù hay sao?”, nên đã được Người xác nhận: “Nếu quí vị mù thì quí vị vô tội, đằng này quí vị nói ‘chúng tôi thấy’ nên tội của quí vị vẫn còn đó” (Jn 9:39-41). Nguyên tội chính là tác động mù lòa đầu tiên của con người, ở chỗ, con người đã bỏ Đấng Tạo Hóa của mình để đi nghe theo tên cám dỗ bùi tai, và sau khi đã phản bội Chúa là Thiên Chúa của mình rồi, con người đã đâm ra mù quáng, không biết giơ tay hái cây trường sinh cũng được Thiên Chúa trồng ở giữa vườn cùng với cây biết lành biết dữ (x Gen 2:9) mà ăn để tự giải độc gây ra bởi trái cấm oan nghiệt, lại cuống lên sau khi mở mắt ra thấy mình trần truồng liền ẩn trốn và đổ thừa cho nhau (x Gen 3:7,12-13).
Con người tội lỗi không phải là con người câm điếc hay sao, và tội lỗi không làm cho con người càng trở thành câm điếc hay sao? Thật ra, ngay từ ban đầu con người không phải là thành phần câm điếc bẩm sinh, vì ngay sau khi nghe tên cám dỗ xui dại, miệng con người còn nhắc lại những gì tai họ đã nghe thấy chính Chúa là Thiên Chúa của mình dặn bảo (x Gen 3:2-3), những gì đã được Ngài in ấn hay ghi khắc sâu xa trong lương tâm làm người của họ. Và sau khi con người đã sa ngã phạm cái tội đầu tiên được gọi là nguyên tội ấy, con người vẫn còn nghe thấy tiếng Chúa di động trong vườn địa đường như tiếng lương tâm ray rứt, và đã trả lời những vấn đề được Ngài đặt ra (x Gen 3:8-13). Thế nhưng, việc nghe được tiếng Chúa mà còn phạm tội không phải là dấu chứng tỏ con người chủ động muốn trở thành câm điếc hay sao, ở chỗ họ đã muốn bịt tai trước tiếng nói của lương tâm để có thể âm thầm làm theo ý riêng của mình? Ngày nay con người đã đến bậc câm điếc rối loạn, đến nỗi chẳng những không nghe được tiếng lương tâm, ở chỗ đã mất ý thức tội lỗi, nhưng lại nghe được những tiếng quái gở khác, được thể hiện điển hình qua các việc họ cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh ngoại nhiên.
Con người tội lỗi không phải là con người bất toại hay sao, và tội lỗi không làm cho con người càng trở thành bất toại hay sao? Thật vậy, ngay từ ban đầu, con người đã tỏ ra bất lực trước những gì mình biết là tốt, là sự sống mà không làm theo, không làm nổi, trái lại, làm theo những gì sai trái, những gì mang lại chết chóc cho mình. Hậu quả ngay sau nguyên tội là con người đã không có đủ can đảm để nhận sự thật, lại đi đổ lỗi cho nhau. Nghĩa là, cho dù có thể làm được (theo quyền năng tự do) những gì không được làm (vô luân và tội lỗi) nhưng con người thật sự bị bất toại trước sự lành và hoàn toàn trở thành bất toại trước sự thật. Bởi đó, tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà là làm những gì hợp với sự thật để có thể đạt được sự thiện, tức làm những gì khiến con người nên hoàn thiện hơn, đạt được cùng đích chân thật của mình, bằng không, nó sẽ làm cho con người trở thành một thứ nô lệ phục vụ đam mê nhục dục, làm tay sai của sự dữ, làm hiện thân của tử thần. Một con người nghiện ngập không thể chừa bỏ không phải là một kẻ bất toại hay sao?
Con người tội lỗi không phải là con người bị chết chóc hay sao, và tội lỗi không làm cho con người càng bị chết chóc hay sao? Đúng thế, tội lỗi được thể hiện rõ nhất nơi tình trạng chết chóc của thân xác. Nếu chết là trường hợp linh hồn lìa xác, hay xác trở thành vô hồn, thì một khi con người phạm tội là con người không còn được Thiên Chúa hằng hữu ở với họ nữa, nghĩa là một khi Thiên Chúa là nguyên lý hiện hữu của con người và nơi con người không còn ở với họ nữa thì toàn thể hữu thể của họ trở thành như một cái xác vô hồn, mang đầy những tính chất chết chóc, cho tới ngày họ thực sự là bụi đất trở về với đất bụi (x Gen 3:19). Thực tế cho thấy, sau nguyên tội, thậm chí kể cả sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội tái sinh, con người vẫn còn ở trong tội lỗi, vẫn mang trong mình những dấu vết của tội lỗi, mầm mống của tội lỗi, vẫn đầy những tính mê nết xấu trong tâm hồn, và vẫn phải chịu đau khổ rồi chết đi nơi thân xác. Nếu chết là tình trạng phân ly giữa hồn và xác thì cuộc sống con người là một cái chết liên lỉ về tâm linh, ở chỗ, như Thánh Phaolô cảm nghiệm những gì tôi muốn thì tôi không làm, còn cái gì tôi ghét thì tôi lại làm (x Rm 7:15), tôi không làm điều lành tôi muốn làm mà là điều xấu tôi không muốn làm (x Rm 7:19). Nếu hiện tượng lạnh ngắt, cứng đơ và nặng trịch nơi thi thể của người chết là dấu hiệu cho thấy sự sống không còn nơi họ thế nào, thì con người còn sống động nơi thân xác đây thật sự cũng mang trong mình những tính chất hay dấu vết của sự chết thiêng liêng như vậy. Dấu vết chết chóc về tâm linh thứ nhất nơi con người đó là tâm hồn con người “lạnh ngắt” và dửng dưng trước tình trạng cùng khổ của tha nhân, kể cả người thân yêu nhất của mình; việc các cường quốc thực hiện mưu đồ tân thực dân đối với các nhược quốc trong thế giới ngày nay, cùng với trào lưu ly dị và phá thai hiện tại không phải là hiện tượng lạnh ngắt lòng người hay sao? Dấu vết chết chóc về tâm linh thứ hai nơi con người đó là phản ứng của con người “cứng đơ” trước tiếng lương tâm, ở chỗ họ không thể đáp lại sự thật tối cao và sự thiện chân chính là những gì làm cho họ hoàn toàn sống tự do và hạnh phúc trường sinh vinh phúc. Dấu vết chết chóc về tâm linh thứ ba nơi con người đó là hành động của con người “nặng trịch” trước việc làm lành lánh dữ.
Con người tội lỗi không phải là con người bị quỉ ám hay sao, và tội lỗi không làm cho con người càng trở thành ô uế hay sao? Sự kiện hay hiện tượng con người bị quỉ ám là dấu chứng tỏ rõ ràng nhất cho thấy con người không còn sự sống thần linh là Thiên Chúa ở nơi bản thân họ. Con người của họ đã bị thần dữ chiếm đoạt và làm chủ, xui khiến họ làm những gì bất xứng với phẩm giá của họ, và họ trở thành dụng cụ, thành tay sai hay thừa sai gieo rắn “văn hóa sự chết” cho hắn. Ngoài trường hợp bị quỉ ám thực sự, bình thường con người còn bị các thứ thần ô uế ám nữa. Đó là các thứ đam mê nhục dục, tính mê nết xấu nơi họ, nhất là các thứ ngẫu tượng do họ tạo ra, như đã được đề cập đến trong bài chia sẻ tuần trước về “bảy thần ô uế khác”. Trường hợp bị quỉ ám hay các thứ thần ô uế ám là trường hợp con người còn bị chi phối và điều khiển bởi “quyền thống trị của tối tăm” (Col 1:13), “quyền lực sự chết” (Heb 2:14), “quyền lực tội lỗi” (Rm 3:9), “quyền lực của tên gian ác” (1Jn 5:19).
Tóm lại, việc trừ thần ô uế, hồi sinh kẻ chết và việc chữa lành các thứ tật nguyền bệnh hoạn, như việc chữa lành cho một người câm điếc trong bài Phúc Âm tuần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu, đúng như lời Thánh Gioan xác tín: “Con Thiên Chúa tỏ mình ra là để phá hủy các việc làm của ma quỉ” (1Jn 3:8), tức là Người đến để cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết, đúng hơn Người đến là để tái sinh con người “bởi trên cao” (Jn 3:3), “bởi nước và Thần Linh” (Jn 3:5), nhất là bằng Cuộc Vượt Qua của Người, ở chỗ Người chết đi để tiêu diệt sự chết và sống lại để phục hồi sự sống. Như thế, nơi mỗi phép lạ, cách riêng phép lạ chữa lành, đều có hai phần, phần Chúa tỏ mình ra và phần con người nhận biết, chẳng khác gì như việc ánh sáng chiếu trong tăm tối và xua tan tối tăm vậy. Nếu con người, nhất là thành phần nạn nhân của tật nguyền bệnh hoạn, như người câm điếc trong bài Phúc Âm tuần này, nhờ thân xác họ được chữa lành mà tâm linh họ nhận biết “Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi” (Lk 1:47), thì không phải là họ được Lời Nhập Thể là Chúa Kitô tái sinh hay sao? Vì “sự sống đời đời” chính là ở chỗ nhận biết Chúa là Thiên Chúa của mình (Jn 17:3), là trở về với nguyên lý hiện hữu tối cao của mình.
Chưa hết, trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, chúng ta còn thấy cách thức Chúa Giêsu chữa lành ngươiụi câm điếc nữa. Vẫn biết, với quyền năng vô hạn của mình, Chúa Kitô có thể chữa lành bằng bất cứ cách nào dễ nhất và nhàn nhất, chẳng hạn phán một lời “Ephrata”, “hãy mở ra” cũng đủ, đằng này, trước khi phán lời quyết liệt đó, Người còn phải dẫn anh ta ra khỏi đám đông, rồi đặt các ngón tay vào lỗ tai của anh ta và bôi nước bọt lên miệng anh ta nữa mới được. Nếu từng tác động Chúa Giêsu làm đều không phải là vô nghĩa thì những tác động Người chữa lành câm điếc cho nạn nhân của bài Phúc Âm Chúa Nhật này cũng phải có một ý nghĩa nào đó? Trước hết, Chúa Giêsu không chữa lành câm trước mà là điếc trước. Bởi vì, bình thường người bị điếc bẩm sinh sẽ là người cũng bị câm luôn, vì một khi bộ phận tiếp nhận âm thanh của họ là đôi tai bị hỏng thì bộ phận phát thanh của họ là miệng lưỡi của họ cũng bị tịt luôn. Đó là lý do Chúa Giêsu đã chữa thính giác của nạn nhân đã rồi mới tới khả năng phát ngôn của anh ta. Phúc Âm đã ghi lại rõ ràng thứ tự này như sau: “Tức thì tai anh ta mở ra… và bắt đầu nói năng bình thường”. Ở đây chúng ta thấy rằng cần phải nhận được mạc khải đã mới có thể loan truyền mạc khải. Chắc hẳn người câm điếc được chữa lành này không hề nghe thấy lời Chúa Giêsu phán “hãy mở ra”, nhưng chính quyền năng của lời này đã làm cho tai anh ta mở ra và nghe thấy. Ở đây chúng ta còn thấy một điều quan trọng khác nữa, đó là không phải chúng ta tự mình nghe được lời Chúa mà là chính Lời Chúa làm cho chúng ta nghe được Lời Người.
Sau nữa, ba cử chỉ Chúa Giêsu làm nơi nạn nhân trước khi Người phán lời “hãy mở ra” mang ý nghĩa gì, nếu không phải đều là những gì cần thiết để nạn nhân có thể được chữa lành sau lời truyền phán “hãy mở ra” của Người. Tự Người không cần phải làm thêm ba cử chỉ này, nhưng sở dĩ Người làm như thế là vì để sửa soạn cho nạn nhân câm điếc, thành phần cần hội đủ ba điều thiết yếu ấy để có thể nghe thấy và nói được. Tu đức đã cho thấy rõ ba tác động cần thiết đối với một tâm hồn vốn bị câm điếc trước mạc khải thần linh, ba tác động có thể giúp họ chẳng những nghe được tiếng Chúa mà còn đáp ứng lời Chúa là ở chỗ, họ cần phải sống yên tĩnh, xa lánh tình trạng ồn ào của thế gian, để nhờ đó chuyên chú lắng nghe Chúa nói qua những gì Người đã dùng ngón tay của Người ghi khắc trong lòng họ (x Rm 2:15), và sau đó sẵn sàng loan truyền những gì (như nước miếng chẳng hạn) “phát ra từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4:4).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
HÃY MỞ RA
Què! Đui! Hủi! Điếc! Đó là 4 điều tệ hại ghê gớm. Và đó cũng là những đại họa cho cuộc đời một người cũng như của chung nhân loại. Mắc vào một trong 4 chứng tật này, là bước vào một nhà tù vô hình và mang trong mình một bản án chung thân vĩnh viễn. Không hề mong có ngày giảm án, hoặc phóng thích.
Xưa nay chưa hề nghe có một lương y, một bác sĩ tài danh nào như Hoa Đà bên Trung Quốc trước đây mà có thể làm cho một cái chân đã què hay đã cụt được mọc ra lành lặn mà người bệnh có thể đi, đứng, chạy, hoặc nhẩy được.
Một cách tương tự, chưa thấy vị bác sĩ nào có thể làm cho một con mắt hay hai con mắt đã mù, nhất là mù tự bẩm sinh có thể nhìn thấy ánh sáng. Khoa học văn minh ngày nay có thể giúp ta nối võng mặc, ghép võng mô, cắt mộng mắt, hoặc chỉnh lại độ cận, độ viễn do con mắt kém vì lão hóa, hoặc bệnh tật. Nhưng tuyệt nhiên không ai đã có thể phục hồi nhãn lực của một con mắt đã mù. May ra chỉ có những người dư tiền, nhiều của có thể thay mắt của một người, hoặc mang mắt giả như một hình thức thẩm mỹ.
Riêng đối với chứng nan y, cố hữu đã có ngay từ thời xa xưa là bệnh hủi thì cho đến ngày nay khoa học cũng đành bó tay. Những bệnh nhân này ngày ngày bị tra tấn bởi hàng triệu, triệu những con vi trùng rúc rỉa và xoi mói tận tim gan, và xương tủy. Họ không những đau đớn nhìn thấy từng phần thân thể mình rụng xuống, mà còn bị bao vây và xa cách bởi những cái nhìn lạnh nhạt, đôi khi khinh bỉ của đồng loại. Họ là những người đang chết dần đi trong câm nín và tuyệt vọng.
Còn những người điếc thì sao? Đối với họ, thế giới âm thanh, thế giới của tiếng nói, và thế giới của những lời thì thầm yêu đương là những gì hoàn toàn xa lạ. Họ không hiểu người khác và người khác cũng không mong hiểu họ. Bức tường âm thanh và ngôn ngữ là một nhà tu vô hình chôn kín đời họ. Họ cô đơn và lặng lẽ. Họ nhìn người khác cười, nói mà không hiểu.
Việt Nam ta có câu “thanh, sắc” để ám chỉ về những hấp dẫn và thu hút của lòng người. Nhưng đối với những người câm, điếc, mù, lòa những hấp dẫn ấy dường như bị chôn kín, hoặc ít ra chỉ có trong trí tưởng tượng. Họ làm sao nghe được những lời dịu ngọt, thì thầm “anh yêu em” hoặc “em yêu anh”. Họ làm sao có thể hạnh phúc với thế giới muôn màu sắc của người và cảnh vật chung quanh đang diễn ra trước mắt họ. Đối với họ, đời là một bãi tha ma trống vắng, yên lặng, và là một màu đen tang chế.
Nhưng nếu con người phải sợ hãi, kinh hoàng, than khóc và bó tay trước những căn chứng hiểm nghèo và vô phương cứu chữa ấy, thì Thiên Chúa lại làm được. Con người không làm được, hoặc không vượt qua được những giới hạn ấy, nhưng “Đối với Chúa thì không có gì mà không thể làm được” (Lc 1:37). Và đó là lý do tại sao trong Thánh Kinh ghi lại những lần Chúa Giêsu đã chữa cho người què đi được, chỉ bằng một câu nói: “Hãy đứng dậy vác giường mà về” (Mt 9:6). Hoặc đối với người mắc chứng phong cùi, Ngài cũng chỉ bảo họ: “Ta muốn anh lành sạch” (Mt 8:3), thì lập tức người bệnh được lành sạch. Và hôm nay, cũng bằng một câu nói rất đơn giản “Ephphetha” tức là hãy mở ra, Ngài lại cho một anh điếc và câm nghe và nói được.
Theo Thánh Máccô, thì Chúa Giêsu đã chữa cho một thanh niên câm và điếc trước sự chứng kiến và bỡ ngỡ của nhiều người. Vì Ngài chỉ cần nói một lời “Ephphetha! Hãy mở ra!” (Mc 7:34) là đem anh vào thế giới của âm thanh, của ngôn ngữ và của tiếng nói. Anh sung sướng vì từ nay sẽ cảm thông được với mọi người. Anh hạnh phúc vì mọi người cũng có thể cảm thông và hiểu được anh. Đúng thế, Chúa Giêsu đã dùng quyền năng mình để bảo tai và lưỡi anh là “hãy mở ra”, và lập tức chúng vâng lời.
Nhưng nếu tai và lưỡi con người mau mắn nghe lời Thiên Chúa, thì ngược lại, chính con người lại tỏ ra bướng bỉnh, và bất phục tùng. Điều này thường xẩy ra cả trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Tưởng chỉ là chuyện đùa, nhưng đó là sự thật, vì con người đã không vâng lời Thiên Chúa bằng chính tai và lưỡi của họ. Chứng kiến phép lạ Chúa mở tai và lưỡi người câm và điếc, dân chúng hôm đó bỡ ngỡ và sung sướng quá, và vì thế mặc dù Chúa đã ngăn cấm, họ vẫn cứ làm rùm beng chuyện này. Người này kể cho người kia. Người kia kể lại cho người khác, cứ thế câu truyện được mau chóng lan rộng, và họ không cần biết là Chúa cấm hay không cấm: “Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn”. (Mc 7: 36). Họ đã loan truyền quyền năng Thiên Chúa, đã muốn giới thiệu việc làm của Ngài theo cảm quan và lối suy nghĩ riêng của họ.
Ta có thể bào chữa cho những hành động ấy khi cho rằng vì quá vui mừng, và quá thán phục việc Chúa làm nên họ không thể tự kìm hãm nổi mà không nói ra, vì xưa nay đã có ai làm được những việc phi thường như thế. Ngoài ra, có thể họ nghĩ rằng nói ra như vậy là một lối diễn tả và bộc lộ niềm cảm khích, biết ơn và tri ân: “Họ đầy lòng thán phục” (Mc 7: 37).
Trong đời sống tâm linh, những việc theo cảm tình, và ý riêng như thế rất tai hại, vì nó ngược lại với Thánh Ý của Thiên Chúa. Hình ảnh của đám đông nô nức và ồn ào hôm ấy, khác hẳn với hình ảnh của những người làm công trong tiệc cưới Cana. Tại Cana, khi Đức Mẹ nói với những người làm công: “Ngài bảo gì hãy làm như vậy” (Gio 2:5), họ chỉ âm thầm múc nước đổ đầy các chum như Chúa Giêsu đã bảo họ. Chính thái độ vâng phục và theo ý Chúa ấy, và qua sự hợp tác của con người, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên là biến nước lã hóa thành rượu ngon.
“Hãy mở ra” (Mc 7:34)! Hãy vâng lời. “Hãy làm những gì Ngài bảo”, đó là yếu tố căn bản và quyết định để làm nên phép lạ. Không những ta phải cần để cho lỗ tai và miệng lưỡi mở ra trước lời của Thiên Chúa, mà chính con người mình cũng phải làm chuyện đó. Phải mở miệng ra để ca khen tình yêu Chúa. Thực tế, nhiều người nghe lời Chúa, nhưng ít kẻ hiểu và yêu mến, thực hành lời Ngài. Bởi vì họ đã không lắng nghe kỹ lời Ngài. Và nghe rồi thì lại không làm điều Ngài bảo. Kết quả là không bao giờ họ trở thành chứng nhân cho tình thương ấy.
Không lắng nghe, thì làm sao hiểu? Và nếu không hiểu thì làm sao yêu mến? Và nếu không yêu mến thì sao giữ lời Ngài, nhất là làm cho người khác cũng yêu mến và nắm giữ?!!! Thiên Chúa đang nói với con người và mỗi người qua từng biến cố cuộc đời họ, hoặc qua muôn kỳ công, tạo vật mà Ngài đã tạo dựng. Và Thiên Chúa cũng đang lắng nghe tâm sự của con người. Hãy mở ra. Chỉ khi nào con người mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài vào cuộc đời mình, lúc ấy họ mới có thể để Ngài đồng hành, và lúc ấy họ mới có thể đi bên Ngài vào mọi ngõ ngách của cuộc đời.
“Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Gio 6:68), điều mà Thánh Phêrô đã tuyên xưng và được Thánh Gioan ghi lại, hôm nay đã được Thánh Máccô ghi lại dưới một hình thức khác. Lời ban sự sống đời đời ấy không những nuôi sống tâm hồn, mà còn chữa lành thân xác con người. Lời Ngài là sức mạnh và là lời đầy uy lực. Nhưng cái khó ở đây, là liệu con người có để cho Chúa hành động theo ý Ngài, và có đón nhận Thánh Ý ấy hay không. Hay chỉ cái tai, cái lưỡi họ vâng lời Ngài, còn chính họ thì lại cứ làm theo những gì mà thị hiếu, cảm quan, và nhất là ý của riêng mình sai khiến.
Trần Mỹ Duyệt