GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 3/2003

 

 

Ý Chung: “Xin cho mi mt người trong Dân Chúa và trong các vị Mục Tử Dân Chúa được tăng thêm việc nhận thức của mình về tầm quan trọng của bí tích Hòa Giải, tặng ân của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa”


Ý Truyền Giáo:
“Xin cho các Giáo Hội Ðịa Phương ở Phi Châu, giữa những hoàn cảnh khốn khó của lúc này đây cảm thấy được nhu cầu cần phải loan báo Phúc Âm một cách thiết tha và can trường”.

 

 

___________________________________________

 15-21/3/2003

 

 21/3 Thứ Sáu

Tòa Thánh Lên Tiếng Về Cuộc Khai Chiến Đánh Iraq

Thứ Năm 20/3/2003, Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, qua vị Tiến Sĩ Giám Đốc Joaquin Navarro-Valls, đã tuyên bố những lời sau đây về cuộc khai chiến tấn công Iraq của Hoa Kỳ:

“Tòa Thánh hết sức đau khổ được tin về diễn tiến mới xẩy ra nhất ở Iraq. Trước hết, Tòa Thành tiếc rằng chính quyền Iraq đã không chấp nhận những quyết định của Liên Hiệp Quốc và lời kêu gọi của chính Đức Giáo Hoàng, khi cả hai đã yêu cầu xứ sở này giải giới. Sau nữa, thật là đáng tiếc vì đường lối thương thảo theo luật lệ quốc tế để mang lại giải pháp ôn hòa cho thảm kịch Iraq đã bị cắt ngang. Trước những hoàn cảnh này, thật là vui mừng được biết rằng các cơ quan khác khau của Công Giáo ở Iraq vẫn tiếp tục thi hành các hoạt động của mình để giúp đỡ các dân chúng ở đó. Để góp phần vào công việc tỏ tình đoàn kết này, thậm chí Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, thuộc thẩm quyền của ĐTGM Fernando Filoni, cũng vẫn mở cửa văn phòng của mình ở Banghdad trong giai đoạn này”.

Thoidiemmaria.net hết sức vui mừng khi đọc được những lời lẽ này của Tòa Thánh. Vì chính thoidiemmaria cũng đã diễn tả cảm nhận như vậy cách đây hai hôm, Thứ Tư 19/3/2003, với tựa đề “Ánh sáng Kitô giáo bừng lên trong tăm tối Iraq giữa bầu trời Hồi giáo” và bằng những lời lẽ như sau: “Nếu ban thanh tra Liên Hiệp Quốc không rút khỏi Iraq, liệu Hoa Kỳ có dám tấn công Iraq hay chăng? Tại sao ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lại ra lệnh rút các thanh tra viên ra khỏi Iraq vì lời yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi vấn đề chưa được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng ý, vì các thanh tra viên đến cũng là do quyết định của hội đồng này? Thế mới biết bác ái Kitô Giáo là gì và khác với những gì được gọi là viện trợ “nhân đạo” của thế giới tư bản. Nếu các nước Pháp, Nga và Đức không rút người của mình ra khỏi Iraq và ban thanh tra vẫn làm việc như thường theo quyết định 1441 thì chưa chắc Hoa Kỳ đã dám ra tay? Thế nhưng, ở đây mới biết được tình yêu cao cả nhất đúng như Chúa Kitô dạy là thí mạng sống vì người yêu (x Jn 15:13). Tòa khâm sứ Tòa Thánh Công Giáo và nhân viên Hội Bác Ái Công Giáo không sợ chết, dấn thân phục vụ nhân dân Iraq trong thời loạn này thật là một gương sáng cả thể, đúng là ‘đèn sáng được để trên giá soi cho cả nhà’ (Mt 5:15-16). Không ngờ cuộc chiến tranh đen tối này đã là dịp làm sáng tỏ Ánh Sáng Kitô Giáo nơi vùng đất của Hồi Giáo, như Mẹ Têrêsa Calcutta, ‘biểu tượng bác ái Kitô giáo’, giữa thế giới Ấn Giáo vậy”.

Tử thần đã xuất hiện giữa bầu trời văn minh nhân loại

Sau tối hậu lệnh 48 tiếng của Tổng Thống Bush 2 tiếng 15 phút, và sau khi đã bàn thảo kỹ lưỡng với vị Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ là George Tenet và các viên chức Ngũ Giác Đài gần 4 tiếng đồng hồ tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Tư 19/3/2003, thành phần đã cho biết để khỏi bỏ “mất cơ hội” nếu không đánh nhanh đánh mạnh, Tổng Thống Bush, qua truyền hình toàn quốc, đã đọc lệnh tấn công (dài 4 phút) tức vào lúc 10 giờ 15 bên Washington DC như sau:

Đồng bào thân mến, vào giờ này đây, lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh đang ở vào những giai đoạn đầu của những cuộc hoạt động quân sự để giải giới Iraq.

Theo lệnh của tôi, lực lượng liên minh đã bắt đầu nhắm đánh vào những mục tiêu quân lực quan trọng để làm suy yếu khả năng gây chiến của Saddam Hussein. Đây là giai đoạn mở màn cho một cuộc đối chọi rộng lớn và dứt điểm.

Hơn 35 quốc gia đã hết mình ủng hộ, từ việc cho sử dụng những căn cứ hải quân và không quân, cho đến việc cộng tác về tình báo và quân vận, đến việc dàn quân cho những đơn vị chiến đấu. Hết mọi quốc gia thuộc liên minh này nhất định lãnh trách nhiệm và chia sẻ vinh dự được phục vụ việc bảo vệ chung của chúng ta.

Với tất cả mọi con người nam nữ của lực lượng quân sự Hiệp Chúng Quốc giờ đây đang ở Trung Đông, hòa bình của một thế giới hỗn loạn và niềm hy vọng của một dân tộc bị đàn áp giờ đây tùy thuộc vào anh chị em.

Lòng tin tưởng này thật là xứng đáng.

Các địch thù anh chị em đang phải đương đầu sẽ nhận thấy được khả năng và lòng can trường của anh chị em. Nhân dân anh chị em giải phóng sẽ chứng kiến thấy tinh thần khả kính và tốt lành của quân đội Hoa Kỳ.

Trong cuộc xung đột này, Hoa Kỳ đối diện với một kẻ thù đã không coi trọng các qui ước về chiến tranh hay những qui luật của luân lý. Saddam Hussein đã đặt quân đội Iraq và dụng cụ máy móc ở những vùng dân sự, cố gắng lợi dụng thành phần đàn ông, đàn bà và trẻ em để làm thuẫn che chở cho quân đội của hắn; đó là một điều hết sức ác độc phạm đến nhân dân của hắn.

Tôi muốn nhân chúng Hoa Kỳ và cả thế giới biết rằng lực lượng liên minh sẽ cố gắng hết sức để tránh hại đến những thường dân vô tội. Cuộc chiến ở một lãnh thổ khó khăn hiểm trở thuộc quốc gia rộng bằng tiểu bang California có thể sẽ kéo dài và khó khăn hơn là một số nghĩ tưởng. Và việc giúp cho những người Iraq chiếm được một quê hương hiệp nhất, vững chắc và tự do đòi chúng ta phải kiên cường dấn thân.

Tôi biết rằng gia đình của quân đội chúng ta đang cầu nguyện để cho tất cả mọi người ra đi phục vụ được trở về bình an và mau chóng.

Cả triệu người Hoa Kỳ đang cầu nguyện với quí vị cho sự an toàn của những người thân yêu của quí vị cũng như cho việc bảo vệ của thành phần vô tội.

Với sự hy sinh của mình, quí vị được nhân dân Hoa Kỳ biết ơn và trân kính, và quí vị nên biết rằng lực lượng của chúng ta sẽ trở về ngay khi xong việc.

Quốc gia của chúng ta đã ngại ngùng nhúng tay vào cuộc xung đột này, nhưng mục đích của chúng ta rất rõ. Nhân dân Hiệp Chủng Quốc và đồng bạn của chúng ta cũng như đồng minh của chúng ta không thể sống may rủi trước một chế độ đe dọa hòa bình bằng những thứ khí giới sát hại hàng loạt.

Giờ đây chúng ta sẽ đương đầu với mối đe dọa này bằng Quân Đội của chúng ta, Không Quân, Hải Quân, Quân Cảnh Duyên Hải và Thủy Quân Lục Chiến, nhờ đó chúng ta sẽ không đụng độ với mối đe dọa này bằng những đoàn chữa lửa, cảnh sát và bác sĩ trên các đường phố ở các thị thành của chúng ta.

Giờ đây cuộc xung đột ấy đã xẩy ra, đường lối duy nhất để hạn chế thời gian kéo dài của nó là sử dụng một lực lượng mãnh liệt. Và tôi bảo đảm với quí vị là, đây không phải là một cuộc chiến nữa vời và chúng ta sẽ không chấp nhận bất cứ thành quả nào khác ngoài thành quả chiến thắng.

Đồng bào thân mến, những nguy hiểm xẩy đến cho xứ sở của chúng ta cũng như cho thế giới sẽ được khống chế. Chúng ta sẽ vượt qua thời điểm hiểm nghèo này để thực hiện công cuộc hòa bình. Chúng ta sẽ bảo vệ tự do của chúng ta. Chúng ta sẽ mang lại tự do cho những người khác. Và chúng ta sẽ chiến thắng.

Xin Chúa chúc lành cho xứ sở của chúng ta cũng như cho tất cả mọi con người bảo vệ xứ sở này.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ tài liệu được CNN phổ biến ngày 20/3/2003
 

Thoidiemmaria.net thấy rằng: Qua lệnh khai chiến này, Tổng Thống Bush nói: “Hoa Kỳ và các lực lượng liên minh đang ở vào những giai đoạn đầu của những cuộc hoạt động quân sự để giải giới Iraq (thế nhưng ban thanh tra đang làm việc và chưa thấy những thứ khí giới cần phải giải, và bản chương trình hoạt động sắp được công bố với ngày tháng hạn định vấn đề giải giới đều là đồ bỏ hay sao? Tại sao Hoa Kỳ không chịu giải giới chính mình bằng cách hủy bỏ luật cho phép dùng súng là những gì vốn nguy hiểm chỉ sát hại mạng ống con người như thực tế cho thấy từ trước đến nay. Thì ra, một trong những yếu tố chính yếu đưa đến cuốn chiến tấn công có tính cách khủng bố trắng trợn này do vì xã hội đệ nhất siêu cường này thích chơi súng và nghiện súng không thể bỏ được), để giải phóng dân tộc này (thế nhưng dân tộc này họ có kêu gọi Hoa Kỳ hay chăng, phận sự của Liên Hiệp Quốc ở đâu? Một gia chủ đánh đập vợ con, người hàng xóm nhẩy vô đập chết người gia chủ đó và làm tan nhà nát cửa của gia đình này thì gọi là giải phóng hay sao? Vai trò của cảnh sát để làm gì?) cũng như để bênh vực thế giới khỏi cái hiểm nguy trầm trọng (thế nhưng đại đa số các quốc gia trong HĐBA LHQ không sợ hay chưa sợ cái nguy hiểm trầm trọng này cơ mà!). "Cuộc chiến ở một lãnh thổ khó khăn hiểm trở thuộc quốc gia rộng bằng tiểu bang California có thể sẽ kéo dài và khó khăn hơn là một số nghĩ tưởng" (thế nhưng, tại sao vấn đề giải giới Iraq bằng đường lối ôn hòa là thanh tra vũ khí đang được thực hiện và đang có kết quả mà phe chủ chiến, nhất là Hoa Kỳ đòi phải có hạn định rõ ràng, thì việc giải giới bằng võ lực là đường lối gây ra chết chóc, đầy những thiệt hại cho nền kinh tế thế giới và gây hận thù rất nguy hiểm lại không có hạn định chứ? Thì ra bạo lực bao giờ cũng là bạo lực, bạo lực từ trong lập luận, một thứ lập luận của bạo lực, một pháp luật của bạo lực)

Sau đó mấy tiếng, truyền hình Iraq cho thấy Tổng Thống Saddam Hussein, trong bộ quân phục, đã chỉ trích cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu là một “tội ác”: “Chúng ta thề rằng chúng ta sẽ đương đầu với các kẻ xâm lược”. Vị tổng thống này còn thêm việc chống cự của Iraq sẽ gây cho đám liên minh “mất đi niềm hy vọng trong việc thành đạt những gì họ bị xui bẩy bởi đám tội ác Ái Quốc Do Thái và những kẻ khác theo các mưu đồ của họ… Muôn năm thánh chiến quân, muôn năm Palestine”. Tại Liên Hiệp Quốc, vị lãnh sự của Iraq là Mohammed Aldouri nói rằng: “Dường như cuộc chiến tranh tấn công xứ sở của tôi đã bắt đầu”. Ông bảo hành động quân sự này là “một vi phạm luật lệ quốc tế” và nói sẽ xin LHQ và HĐBA họp vào Thứ Năm, 20/3/2003, để chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này.

 

Lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh bắt đầu tiến từ Kuwait sang Iraq vào 8 giờ tối giờ Washington DC ngày Thứ Năm 20/3/2003. Phe liên minh đã gặp nạn đầu tiên với chiếc trực thăng CH-46 ở phía bắc Kuwait cách biên giới Iraq 9 dặm vào sáng sớm Thứ Sáu giờ địa phương, gây thiệt mạng 16 người, 12 UK và 4 US. Vào tối Thứ Năm ở Baghdad, một cuộc dội bom khủng khiếp đã làm sụp hai dinh thự, trong đó có cả các văn phòng của Phó Thủ Tướng Tariq Aziz. Iraq đã phản ứng bằng việc bắn ít là 4 phi đạn sang phía bắc Kuwait, hai phi đạn bị chặn bởi các phi đạn của US. Hồng Thập Tự cho biết đã có một người bị chết và 14 người bị thương. Cũng vào ngày Thứ Năm, Tổng Thống Bush đã họp Nội Các của ông để cứu xét những sách lược với Iraq. Vị tổng thống này cũng cho phóng viên báo chí biết liên minh đã lên tới 40 quốc gia. Trong khi đó, vào cùng ngày, các quốc gia thành viên của HĐBA lên tiếng lên án cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Tầu: “hết sức quan tâm” về cuộc mở màn hận thù và kêu gọi “những quốc gia liên hệ ngưng ngay hành động quân sự”. Sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố khai chiến, phát ngôn viên của ngoại trưởng Trung Hoa là Kong Quan lên tiếng trong một cuộc họp báo bảo Hoa Kỳ đã vi phạm hiến chương LHQ và sẽ “cảm thấy mình càng bị cô lập hơn”. Ông cũng nói Trung Hoa “lấy làm tiếc” về việc chấm dứt chính sách việc thanh tra vũ khí và lập lại chủ truơng của Trung Hoa là “mục đích của việc tước đoạt các thứ vũ khí đại công phá khỏi bàn tay Iraq có thể đạt được bằng phương tiện ôn hòa”.

Nga: Tổng Thống Putin, trong một cuộc họp ở Điện Cẩm Linh đã nói cuộc tấn công Iraq vào sáng Thứ Năm (giờ địa phương ở Nga) phải được ngưng lại sớm bao nhiêu có thể. Phóng viên CNN ở Moscow đã cho biết “Vị tổng thống này lên tiếng mạnh mẽ về hành động quân sự này. Ông ta nói đó là một lỗi lấm lớn về chính trị”. Ông cho rằng không có lý do nào lại phải đi đến chỗ võ lực như vậy, vì vấn đề Iraq có các thứ vũ khí đại công phá hay không vẫn chưa được sáng tỏ. Cơ quan thông tín Interfax tường trình từ cuộc họp này đã trích lại của vị tổng thống này nói rằng: “Iraq không gây ra một đe dọa nào vào thời gian bắt đầu hoạt động này (thanh tra vũ khí). Nếu chúng ta để cho luật đấm đá thay thế luật lệ quốc tế, thì kẻ mạnh bao giờ cũng đúng và luôn có quyền làm bất cứ điều gì. Nếu những phương tiện được sử dụng để đạt mục đích không có giới hạn thì một trong những nguyên tắc căn bản của luật lệ quốc tế sẽ có vấn đề – đó là vấn đề nguyên tắc về chủ quyền bất khả vi phạm của các quốc gia”. Màn điện toán của Điện Cẩm Linh trích lại lời nói của vị tổng thống này như sau: “Vấn đề ở đây là việc giải quyết các vấn đề quan trọng mà nhân loại sẽ phải đương đầu trong ít năm nữa và trong thập niên tới. Chủ trương của xứ sở chúng ta hoàn toàn tuân giữ vô điều kiện Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các qui tắc cùng nguyên tắc căn bản của luật lệ quốc tế. Nga chắc chắn sẽ thiên về những phương pháp ôn hòa, chính trị hợp pháp trong việc giải quyết những trường hợp xung khác, kể cả những vấn đề leo thang vũ khí nguyên tử. Cộng đồng quốc tế không có một phương tiện nào phổ quát hơn điều mà mỗi và mọi quốc gia cần ấy cả”.

Pháp: Một cuộc thăm dò của IFOP được phổ biến vào Thứ Sáu ở tờ nhật báo Le Figaro cho thấy, trong 1 ngàn người được phỏng vấn có 87 phần trăm chống chiến tranh, và gần một nửa tin rằng mục đích của chiến tranh là để chiếm dầu hỏa, và chỉ có 3 phần trăm tin là để giải giới Iraq. Tổng Thống Chirac, qua những lời được truyền hình, “Pháp lấy làm tiếc là hành động này đã xẩy ra không được LHQ chấp nhận. Tôi hy vọng những hành động này chấm dứt nhanh bao nhiêu có thể, bị thương vong ít nhất, và không gây ra một thảm họa nhân đạo. Bất kể những hành động này kéo dài bao lâu thì chúng cũng gây ra một hậu quả trầm trọng cho tương lai. Chúng ta phải liên kết với các đồng minh của chúng ta cũng như với toàn thể cộng đồng quốc tế cùng nhau đương đầu với những thách đố đang chờ đợi chúng ta”.

Ai Cập, một thành phố thủ đô lớn nhất của thế giới Ả Rập, hàng ngàn người đã xuống đường chống lại quân quốc Hoa Kỳ đặt chân lên đất của Ả Rập. Cuộc xuống đường này đòi tống cổ vị lãnh sự Hoa Kỳ ra khỏi nước và truất phế tổng thống Ai Cập, mục đích xuống đường của họ không phải là để bênh chế độ Saddam Hussein mà là nhân dân Iraq. Một tài xế tắc xi 43 tuổi ở Cairo tên là Youssef đã nói với Reuters rằng: “Cuộc chiến tranh này là một tội. Nó là một tội vì làm cho nhân dân Iraq phải khổ. Nó không phải là một tội bởi Saddam Hussein, tên quá cứng đầu. Hắn có một cái đầu sỏi đá”. Một người khác 33 tuổi, tên Moataz cho biết: “Saddam là một tay độc tài, thế nhưng Bush cũng là một tay độc tài”.

Ở thượng tầng chính trị thì các chính quyền Ả Rập đã lên án cuộc tấn công này. Ngoại trưởng Saudi là Saud al-Faisal đã lập lại chủ trương của chính phủ ông là nước ông sẽ không tham chiến chống lại người anh em Iraq. Tổng Thống Labanon Emile Lahoud đã nói cuộc chiến tranh này sẽ đẩy thế giới vào “một đường hầm tăm tối” không có lối thoát. Vua Hamad bin Isa al-Khalifa cho biết: “Chiến tranh có thể về tay phe thắng trận, nhưng hòa bình lại cần phải được tất cả mọi quốc gia chiếm lấy, nên đây là trách nhiệm của tất cả mọi quốc gia”. Tổng Thống Tunisi là Zine al-Abidine Ben Alin lấy làm tiếc vì chiến tranh bùng nổ và lo ngại về “hậu quả khủng khiếp” của nó. Vua Morocco là mohammed lên tiếng kêu gọi tôn trọng luật lệ quốc tế. Amr Moussa, vị lãnh đạo của Khối Liên Hiệp Ả Rập 22 quốc gia, đã nói đó là “một ngày đau thương buồn thảm” và kêu gọi chay tịnh quố ctế và Ả Rập hoạt động ngăn chặn cuộc chiến tranh này. Tổ Chức 56 phần tử của Hội Đồng Hồi Giáo cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc tấn công, cho rằng nó chỉ dẫn đến đổ máu, tàn rụi, bất ổn và khủng bố toàn cầu mà thôi. Ông Abdel-Aziz al-Rantisi, vị lãnh đạo của nhóm chiến đấu Hamas Palestine đã nói cuộc chiến này là một “cuộc tấn công ghê tởm” chống lại các người Ả Rập và Hồi Giáo, và kêu gọi “thánh chiến quân” đánh đuổi lực lượng Hoa Kỳ. Các viên chức Iran gọi cuộc tấn công là là “bất chính và phi lý”. Ở Kuwait là nước được Hoa Kỳ giải phóng khỏi bị Iraq chiếm đóng năm 1991, một số công dân đã hết lòng ủng hộ Hoa Kỳ. Ahmad Hussein Ahmad nói: “Cha của ông ta (Tổng Thống Bush bố) đã giải phóng Kuwait và giờ đây người con sẽ giải phóng Iraq”.

Mã Lai, Phó Thủ Tướng Abdullah Ahmad Badawi đã nói trong một bài diễn văn gửi quốc dân cho cuộc tấn công của Hoa Kỳ là “một vết đen trong lịch sử”” và “thế giới giờ đây đang chứng kiến thấy cứ mạnh là đúng”. Ấn Độ, đạo trưởng Syed Ahmed Bukhari ở đền Jama Masjid Tân Đề Li lớn nhất Ấn Độ cho biết “Các người Hồi Giáo ở Ấn Độ coi việc tấn công của Hoa Kỳ là một cuộc tấn công Hồi Giáo và nhân loại”. Pakistan có hàng ngàn người Hồi Giáo xuống đường chống chiến tranh. Ở Nam Dương, một nước đông số tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới, vị tổng thống của nước này là Megawati Sukarnoputri cho biết chính phủ của ông cực lực cống lại cuộc Hoa Kỳ tấn công Iraq và kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Tất cả lực lượng cảnh sát 250 ngàn nhân viên đã được tập trung vào việc canh gác cho các tòa lãnh sự ngoại quốc, nhất là US, Uk và Úc. Trong khi đó, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi chính phủ phò chiến còn dân thì phản chiến)

Âu Châu: Các quốc gia phò chiến tranh là UK, TBN và Ý. Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng Thống Ahmet Necdet đặt vấn đề về “tính cách hợp lý” của cuộc đơn phương tấn công của Hoa Kỳ không được LHQ chấp thuận. Bỉ: Thủ Tướng nước này cho biết nước của ông tỏ ra “hết sức bất mãn”. Hy lạp: quốc gia đương kim chủ tịch Khối Hiệp Nhất Âu Châu cho biết cảm tưởng tiếc xót vì cuộc khủng hoảng đã không được giải quyết một cách ôn hòa với sự hiệp nhất của thế giới.

Hoa Kỳ, trong khi dân chúng ở Nữu Ước, nơi của biến cố 911, cũng như ở một số nơi khác, chào mừng cuộc tấn công bắt đầu thì cũng có nhiều cuộc xuống đường ở khắp nơi chống lại cuộc chiến tấn công Iraq. Như ở ngay Nữu Ước, ở Washington DC, ở San Francisco, ở Chicago, ở Philadelphia, ở Los Angeles, ở một số trường đại học, như Massachusetts Institute of Technology ở Cambridge và University of Texas.

Sau đây là một số hình ảnh xuống đường lên án cuộc tấn công bất chính của Hoa Kỳ: Thứ tự từ trái sang phải, hàng thứ nhất: hình 1) Biểu tình phản chiến ở trước tòa lãnh sự US ở Jakarta Nam Dương, một nước đông Hồi Giáo nhất thế giới và cũng là một nơi có thể sẽ xẩy ra nổi loạn, hình 2) cảnh sát và đám phản chiến trước tòa lãnh sự UK ở Venice Ý, hình 3) các trẻ em Palestine xuống đường ở trại tị nạn Rafah ở miền nam giải Gaza; hàng thứ hai: hình 4) đám xuống đường ở thủ đô Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Saddam Hussein, hình 5) xuống đường ở thủ đô Manilla Phi Luật Tân trước tòa lãnh sự US, hình 6) xuống đường ở công trường Tahrir, thủ đô Cairô Ai Cập; hàng thứ ba: hình 7) biểu tình diễn hành trên Oxford ở Manchester, Anh Quốc, hình 8) 50 ngàn học sinh xuống đường ở Bá Linh Đức, hình 9) 100 ngàn người, phần đông là sinh viên học sinh, biểu tình diễn hành tới tòa lãnh sự US ở thủ đô Nhã Điển Hy Lạp.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

20/3 Thứ Năm

 Huấn Từ Triều Kiến Chung: Vị Quan Thày Lao Động và “Linh Đạo làm việc”

Hôm nay Thứ Tư, 19/3/2003, Lễ Thánh Giuse, Quan Thày của Giáo Hội, Giáo Hội cử hành theo bậc Lễ Trọng (solemnity) nhưng không buộc, nhưng vẫn hơn cả bậc lễ Kính (feast) của từng Thánh Tông Đồ, trừ Lễ Trọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào ngày 29/6 hằng năm. Ngày Thứ Tư hằng tuần cũng là ngày Đức Giáo Hoàng tiếp chung mọi người thường để dạy giáo lý. Tuy nhiên, vì tình hình quốc tế, như tuần trước, hay vì các dịp đặc biệt, như đi tông du về hay trùng vào Thứ Tư Lễ Tro cách đây hai tuần hay vào dịp lễ Thánh Giuse hôm nay, Ngài thường tạm ngưng loạt bài chủ đề giáo lý, như loạt bài giáo lý Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh (đã tới bài 68), để chia sẻ và huấn dụ tùy nghi. Trong bài huấn từ cho buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC đã nói về “linh đạo làm việc” (xin xem toàn bài trong mục Giáo Lý hằng tuần cuối tuần này).
 

Tối Hậu Lệnh 48 Tiếng: Hoa Kỳ - một thất bại; Iraq - một bậy bạ; Pháp - một trục trặc; Vatican - một trách nhiệm

Sau bài diễn văn khai chiến của Tổng Thống Bush tình hình thế giới ra sao? – tại Hoa Kỳ, ở Iraq, trên thế giới, và trong Vatican?

Tại Hoa Kỳ

Trong bài diễn văn khai chiến, Tổng Thống Bush chỉ ra lệnh cho Tổng Thống Saddam Hussein và gia đình của vị tổng thống này phải xuất xứ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, tức vào 8 giờ tối Thứ Tư ở Nữu Ước hay 4 giớ sáng Thứ Năm giờ Baghdad. Tuy nhiên, trong bài diễn văn ấy, Tổng Thống Bush không nói rõ dứt khoát ngày giờ khai chiến, mà chỉ nói “tùy lúc Hoa Kỳ quyết định”. Chẳng hạn như trường hợp của A Phú Hãn, sau khi Tổng Thống Bush tuyên bố giống như vậy, song mãi hai tuần sau trận chiến tấn công khủng bố mới bùng nổ. Một viên chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ đã nói với CNN rằng “vấn đề ra quân không phải là một màn ảo thuật xẩy ra chớp nhoáng vào đêm ngày mai. Tổng Thống sẽ quyết định ra quân căn cứ vào những gì quân đội nghĩ là tốt nhất. Hạn định là hạn định về chính trị giàng cho Saddam Hussein mà thôi”.

Bởi thế, theo chương trình, Tổng Thống Bush cần gặp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia vào sáng ngày Thứ Tư 19/3/2003 liên quan đến vấn đề đề phóng khủng bố tấn công, và gặp cả bộ trưởng quốc phòng Donald Rumfield về điều kiện thuận lợi liên quan đến thời tiết khí hậu ở sa mạc Iraq nữa. Các nhân viên Ngũ Giác Đài cho CNN biết hiện tượng bão cát trong sa mạc là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định thời điếm xuất trận. Những ngọn gió 20 dặm một giờ đã giảm hẳn ở sa mạc Kuwait hôm Thứ Tư, 19/3/2003, nhưng chúng chỉ giảm vào lúc trời tối và hy vọng sẽ chỉ còn 5 dặm một giờ vào sáng Thứ Năm. Tuy nhiên, dầu sao, theo các viên chức ngũ giác đài thì những trận bão cát này cũng gây trở ngại cho hoạt động trực thăng của Hoa Kỳ là phương tiện tấn công chính yếu. Theo dự định, cuộc tấn công cả không lẫn bộ xẩy ra cùng một lúc.

Trong khi đó, một số nhận định về quyết định quân sự của Tổng Thống Bush đã được nêu lên như sau. Như của hai vị thuộc House Minority. Trước hết của ông Daschle, Chủ Tịch Thiểu Số về vấn đề ngoại giao của vị tổng thống Bush con này yếu so với Bush bố trong Trận Chiến Vùng Vịnh Ba Tư 1991, một trận chiến được đồng minh trả hầu hất các chi phí và cung cấp một phần lớn quân đội. Bị chống đối vì nhận định này, ông cho biết “Là một cựu quân nhân, chắc chắn là tôi hết sức ủng hộ quân đội”, nhưng “Chúng ta phải thành thật và cởi mở trong một chế độ dân chủ. Tôi nghĩ nếu không làm những gì như thế là phản quốc và tôi đang tiếp tục nói lên những gì tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải nói”. Còn bà Nancy Pelosi (D-California) thì phê bình ông Bush đã lệ thuộc vào các nước nhiều quá trong việc quyết định giải giới Iraq: “Quân lực của chúng ta là một quân lực tinh luyện nhất và võ bị nhất thế giới… Tôi nghĩ là vị tổng thống này đã thất bại ở đường lối ông ta tiến hành. Bởi vậy, khi nào quí vị ra trận, một cách nào đó quí vị phải biết rằng Hoa Kỳ xứng đáng đóng vai trò lãnh đạo ở đường lối chúng ta giải giới Iraq”.

Trước bờ vực chiến tranh, theo thăm dò của CNN/USA Today/Gallup hôm Thứ Ba 17/3/2003, thì hai phần ba dân chúng ủng hộ tối hậu lệnh của Tổng Thống Bush ban cho Tổng Thống Saddam Hussein, và cho rằng vị tổng thống này đã làm hết sức có thể để giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao. Tuy nhiên, 7/10 người trả lời cho biết rất lo sợ về viễn ảnh chiến tranh xẩy ra.

Ở Iraq

Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu rút người của mình từ Thứ Ba 17/3/2003. Nhóm đầu tiên rời phi trường quốc tế Saddam Hussein vào lúc 10 giờ 30, sau đó không lâu đã hạ cánh xuống Larnaca, Cyprus. Phát ngôn viên thanh tra viên là Hiro Ueki cho biết ở phi trường là: “Công việc chưa xong, như cho tới nay chúng tôi đã thực hiện phần của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đã nhận được một sự cộng tác tốt đẹp tư những người Iraq. Họ thực sự đã làm cho những hoạt động thanh tra của chúng tôi được dễ dàng (song) vẫn còn một số điều chúng tôi cần họ hợp tác trọn vẹn hơn nữa”. Trước cuộc rút lui, Liên Hiệp Quốc có tất cả là 134 nhân viên ở Baghdad, trong đó có 60 thanh tra viên thuộc ủy ban UNMOVIC và cơ quan IAEA, ngoài ra còn có những cán sự nhân đạo.

Trong khi đó, Tổng Thống Saddam Hussein và hai con trai của ông bất chấp tối thượng lệnh 48 tiếng của Tổng Thống Bush. Tuy nhiên, giữa lúc chiến tranh sắp xẩy ra này, và Liên Hiệp Quốc được lệnh Hoa Kỳ từ đêm Chúa Nhật về việc rút các thanh ra viên, các viên chức cho biết hôm Thứ Hai 17/3/2003, Iraq vẫn hủy hoại thêm hai phi đạn al-Samoound 2 nữa, nâng tổng số phi đạn bị hủy hoại là 72.

Tại Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Ba, 18/3/2003, vị lãnh sự Iraq là Mohammed Aldouri đã nói tối hậu lệnh của Tổng Thống Bush là “bất hợp pháp, vô luân và bất chính”: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tổng thống của một nước ra lệnh cho tổng thống của một nước khác phải bỏ quê hương xứ sở của mình. Thật là bừa bãi. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ cái bậy bạ này”. Ở Baghdad, ngoại trưởng Naji Sabri đã gọi ông Bush là một “tên khùng” và tối hậu lệnh của ông ta “cho thấy cái chán nản và cô thế”: “Bài nói của ông ta là một dấu hiệu cho thấy cái chán nản và thất bại to lớn, cái bất mãn và thất vọng, và bởi thế ông ta đang tiến đến bờ vực thẳm, cũng như Blair đang bị đẩy xuống vực thẳm vậy”.

Bộ Trưởng Thông Tin Iraq là Muhammed Saeed Sahaf hôm Thứ Tư, 19/3/2003 cho biết quốc gia của ông sẽ chống lại bất cứ cuộc tấn công nào: “Họ (những người Hoa Kỳ) đang lừa dối binh sĩ và sĩ quan của họ là việc tấn công Iraq và xâm chiếm Iraq sẽ giống như một buổi sinh hoạt ngoài trời vậy thôi. Đây là một điều giả dối điên khùng họ nói với binh lính của họ. Những gì họ đối đầu là một cái chết nắm chắc trong tay”. Sáng Thứ Tư, Quốc Hội Iraq đạ họp và tuyên bố ủng hộ Tổng Thống Saddam Hussein trước tối hậu lệnh của Hoa Kỳ. Các phần tử của quốc hội này chúc mừng nhau về những hứa hẹn chiến đấu cho đến “giọt máu cuối cùng” chống lại “cuộc tấn công” của Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ.

Các ký giả của CNN ở Baghdad hôm Thứ Tư, 19/3/2003, cho biết “Chỉ còn ít xe cộ đi lại trên đường phố. Chúng tôi thấy xe cộ chất đầy người và đồ chứng tỏ đang rời khỏi thành phố… Người ta đi trên đường phố, thay vì cười nói như thói quen thì trông nghiêm trọng hơn, nhất là đối với các phóng viên và người ngoại quốc Tây Phương”. Nhiều hàng quán đã đóng cửa. “Người có nhiều tiền của đang rời bỏ xứ sở. Nhiều người giầu có đã gửi các gia đình của mình sang Syria để lánh nạn chiến tranh”. Tuy nhiên, đại đa số trong 5 triệu dân ở thủ đô Baghdad vẫn còn ở trong thành phố. “Họ hết sức lo lắng về những gì đang xẩy ra chứ không nguyên gì vấn đề bị dội bom. Họ biết rằng đó là một mối đe dọa lớn, nhưng họ lo lắng về những gì có thể làm xao động, những gì có thể làm đảo lộn về dân sự”. Trong khi đó, Tổng Thống Saddam Hussein ra lệnh cho dân cư chất củi và các thùng dầu đốt lửa để có thể che dấu những mục tiêu bị dội bom.

Lời tuyên bố của Hội Đồng Chỉ Huy Cách Mạng được truyền hình Iraq cho biết chế độ Iraq “bác bỏ tối hậu lệnh bạo ngược được Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush truyền khiến”. Lời tuyên bố này còn thẳng thắn cho biết Iraq sẵn sàng đương đầu với cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu. Theo lời tuyên bố này thì Bush ban tối hậu lệnh bắt Saddam Hussein và các con ông rời xứ là vì “hy vọng rằng ông ta sẽ chiếm được những mục tiêu xấu xa của ông ta mà không cần phải đánh đấm”.

Các viên chức quân lực Hoa Kỳ hôm Thứ Ba cho biết những đơn vị quân đội Phòng Vệ Cộng Hòa Iraq ở miền nam thủ đô Baghdad hiện nay có những quân liệu hóa chất chứa đầy những dạng chất thần kinh VX cũng như những chất khí hạt cải. Họ còn cho biết một trong những giếng dầu hỏa tươi ở miền nam Iraq đã tràn lên sa mạc, có thể là muốn cản đường tiến của quân lực Hoa Kỳ.

Trên Thế Giới

Ở Hiệp Vương Quốc, hôm Thứ Ba, Thủ Tướng Tony Blair vẫn còn bị đảng của ông chống đối về vấn đề tham chiến với Hoa Kỳ để tấn công Iraq. Chính phủ Blair đã kêu gọi Quốc Hội ủng hộ quyết định của mình trong việc sử dụng “tất cả mọi phương tiện cần thiết” để tước đoạt những thứ vũ khi đại công phá của Saddam Hussein. Cuối cùng, vào đêm Thứ Ba, quốc hội đã bỏ phiếu 412-149 để chấp thuận điều yêu cầu của ông.

Thủ Tướng TBN, José Maria Aznar, một đồng minh thân cận nhất với Hoa Kỳ sau UK, hôm Thứ Ba cũng đã cho biết TBN không tham chiến bắng quân quốc. Thay vào đó, TBN sẽ gửi một tầu y viện, những kỹ sư quân đội có thể gỡ mìn, và các nhóm chuyên viên điều giải những cuộc tấn công nguyên tử, hóa chất và sinh trùng.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nội Các của nước này đã họp nhau để bàn lại vấn đề cho Hoa Kỳ được sử dụng đất của họ để làm căn cứ quân sự tấn công Iraq, một vấn đề đã bị quốc hội phủ quyết. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang bị áp lực làm điều này. Họ sẽ xin quốc hội bỏ phiếu vào Thứ Năm để ít là cho Hoa Kỳ sử dụng không phận của mình. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhiệt liệt phản chống chính phủ.

Chính phủ Úc Châu, để đáp lời chính thức kêu gọi của Tổng Thống Bush, sẽ có thể tham chiến, như Thủ Tướng John Howard cho giới truyền thông Úc biết. Cũng vào ngày Thứ ba này, Thủ Tướng Nhật Junichiro Koizumi cũng bày tỏ muốn ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ nhưng không tham chiến.

Vị Tổng Thư Ký của Khối Liên Hiệp Các Quốc Gia Ả rập là Amr Moussa không có dự định đến Baghdad, vì trước đó ông đã bàn với Iraq về cuộc viếng thăm ngoại lệ này. Tuy nhiên, vì bài diễn văn của Tổng Thống Bush “khó lòng thực hiện được một chuyến đi như thế”, theo phát ngôn viên của ông là Hisham Youssef cho biết.

Cũng vào ngày Thứ Ba, Thái Tử Abdullah đã nói thay cho Vua Fadh là Saudi Arabia “sẽ không tham dự vào bất cứ hoàn cảnh nào hay bất cứ hình thức chiến tranh nào đánh người anh em Iraq của chúng ta. Quân lực của chúng ta, ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng không đặt gót vào lãnh thổ Iraq. Ông hy vọng là chiến tranh sẽ chấm dứt “vừa lúc Bản Quyết Định 1441 của LHQ được thi hành”, tức bao lâu Tổng Thống Saddam Hussein bị tước lột hết các thứ vũ khí đại công phá.

Vua nước Bahrain đã cống hiến cho Tổng Thống Saddam Hussein một “cuộc lưu vong an tòan”, vì ông hy vọng là nhà lãnh đạo Iraq này “sẽ coi trọng lời mời mọc này trước khi chiến tranh xẩy ra”. Cơ Quan Thông Tin nước này đã thông báo như thế vào hôm Thứ Tư 19/3/2003. Vua Hamad bin Isa Al Khalifa: “đã thông báo là Bahrain sẵn sàng tiếp nhận Tổng Thống Saddam Hussein, nếu ông cư trú ở đó, mà vẫn giữ danh dự cho Iraq chứ không làm nhục Iraq”. Theo vị vua này thì sáng kiến ấy “phát xuất từ những trách nhiệm ái quốc, nhắm đến việc bảo toàn nền an ninh và bền vững ở vùng này, hầu tránh xẩy ra chiến tranh ở Iraq và cho nhân dân Iraq”.

Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak hôm Thứ Tư, theo Cơ Quan Thông Tin Kuwait cho biết, cũng nói là Iraq phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông. Theo lời phát biểu của Đài Truyền Hình IV ở Ai Cập thì vị tổng thống này đã qui trách cho việc Iraq đã xâm chiếm Kuwait năm 1990 và các vị lãnh đạo Iraq không nghiêm chỉnh trong vấn đề giải giới các thứ vũ khí đại công phá.

Ông bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ Colin Powell nói là có khoảng 45 quốc gia giờ đây liên minh ủng hộ cuộc tấn công Iraq, trong đó có 15 nước không muốn được nêu tên. Trong số những nước khác là UK, Úc, Ý, Nam Hàn và Cộng Hòa Czech (là nước có khả năng chuyên môn về vấn đề đối đầu với những cuộc tấn công bằng hóa chất và sinh trùng).

Cả hai thượng và hạ viện Ý hôm Thứ Tư 19/3/2003 đều cho phép chính quyền để cho Hoa Kỳ sử dụng không phận của vá các căn cứ quân sự của mình trong cuộc chiến với Iraq, nhưng không đồng ý về những khởi điểm để trực tiếp tấn công Iraq.

Các nguồn tin tình báo cho hay tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda có thể sẽ “thực hiện các cuộc khủng bố tấn công vào các thứ nguồn lợi của Hiệp Chủng Quốc, vì họ chủ trương bênh vực những người Hồi Giáo hay ‘nhân dân Iraq’ chứ không phải là chế độ Saddam Hussein”. Trên đây là lời của Bộ An Ninh Quốc Gia.

Mặc dù phe chủ chiến quyết định loại trừ vấn đề ngoại giao liên quan đến bản quyệt định sử dụng võ lực của họ, và mặc dù Tổng Thống Bush đã đọc bài diễn văn khai chiến, các nhà ngoại giao của Hội Đồng Bảo An LHQ (ít là 7 quốc gia, trong đó có 7 quốc gia, nhất là ba quốc gia phản chiến là Pháp, Nga và Đức, vẫn dự định tái họp vào Thứ Tư 19/3/2003 để bàn về tương lai của những việc thanh tra vũ khí. Ông trưởng ban thanh tra Hans Blix đã họp với các quốc gia hội viên HĐBA để bàn đến vấn đề chưa được giải quyết ở Iraq để có thể đi đến chổ ổn định ôn hòa. Tuy nhiên, phiên họp này hoàn toàn thiếu ba vị của phe chủ chiến là bộ trưởng nội vụ US Colin Powell, ngoại trưởng UK Jack Straw và ngoại trưởng TBN Ana Palacio.

Riêng nước Pháp là quốc gia dẫn đầu trong việc cực lực chống lại phe chủ chiến hung hăng ngay từ đầu đến nay đã tỏ ra phản ứng ra sao sau bài diễn văn của Tổng Thống Bush trong tình hình hiện nay?

Hôm Thứ Ba, 18/3/2003, vị lãnh sự của Pháp ở LHQ là Jean-David Levitte, cho CNN biết nước ông có thể sẽ nghĩ lạichủ trương của mình về cuôc chiến tranh đánh Iraq nếu Saddam Hussein sử dụng các thứ khí giới đại công phá chống lại các lực lượng đồng minh: “Nếu Saddam Hussein phải sử đến các thứ khí giới hóa chất và sinh trùng thì tình hình này sẽ hoàn toàn và lập tức thay đổi chủ trương của chính phủ Pháp”. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng là điều ấy không xẩy ra. Mặc dù ông này không cho biết Pháp sẽ tham gia vào cuộc chiến ra sao, nhưng ông nói: “Chúng tôi có dụng cụ chiến đấu trong hoàn cảnh ấy”. Được hỏi tại sao chủ trương lại được thay đổi như thế, vị lãnh sự Pháp cho biết: “Không quân đội nào được các hiệp ước cho phép sử dụng các thứ khí giới hóa chất và sinh trùng. Đây là điều tuyệt đối cấm, mà nếu Saddam Hussein dám sử dụng những thứ khí giới này thì ông ta sẽ tạo nên một tình hình hoàn toàn mới mẻ cho toàn thế giới”. Vị lãnh sự này cũng muốn Hoa Kỳ trở lại Liên Hiệp Quốc và tham dự quyết định của HĐBA liên quan đến cả vấn đề trợ giúp nhân đạo và nâng đỡ thời gian hậu Saddam. Một viên chức trong phủ tổng thống nhắc lại lời của ngoại trưởng Pháp là Dominique de Villepin là: “Nếu Hoa Kỳ và đồng minh của chúng ta phải đương đầu với một trường hợp mới mẻ bất ngờ trong cuộc khủng hoảng mới này, thì hiển nhiên là Pháp sẽ về phe của họ để tỏ tình đoàn kết trong việc đương đầu với một cuộc khủng hoảng ngoại thường như thế”.

Đối với Tổng Thống Pháp là Chirac, cũng vào sáng Thứ Ba, 18/3/2003, qua những lời được truyền hình, còn lập lại chủ trương của mình sau bài diễn văn khai chiến của Tổng Thống Bush: “Quan điểm của Pháp được đại đa số cộng đồng quốc tế đồng ý. Cuộc bàn luận cuối cùng ở HĐBA (hôm Thứ Hai, 17/3/2003) đã rõ ràng chứng tỏ là họ không muốn vội vàng hấp tấp bằng những biện pháp tiến đến vấn đề chiến tranh. Hiệp Chủng Quốc đưa ra một tối hậu lệnh cho Iraq, cho dù điều này có liên quan đến vấn đề giải giới Iraq hay không, hoặc đến vấn đề hết sức mong mỏi là thay đổi tại xứ sở ấy, thì cũng không biện minh cho được vấn đề đơn phương gây chiến này”. Tổng Thống Pháp cho biết tối hậu lệnh của Tổng Thống Mỹ “là một quyết định hết sức nghiêm trọng, liên quan đến những bước tiến giải giới Iraq trong khi các việc thanh tra đã chứng tỏ cho thấy là một biện pháp khả tín để giải giới xứ sở này”. Vị tổng thống này kêu gọi hãy giữ mối hiệp nhất nơi HĐBA về vấn đề thi hành bản Quyết Định 1441: “Nó (tối hậu lệnh của Hoa Kỳ) cũng là một quyết định gây trục trặc cho những nỗ lực sau này trong việc chấm dứt tình trạng leo thang các thứ vũ khí đại công phá. Tương lai của những nỗ lực này có thế nào đi nữa thì cái tối hậu lệnh này cũng gây phiền phức cho ý nghĩ chúng ta đang có về những mối liên hệ quốc tế”.

Trong Vatican

Vào những tháng ngày gần đây, bắt đầu từ đầu Tháng Hai 2003, trước Mùa Chay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chẳng những tận dụng mọi nỗ lực về ngoại giao để can thiệp vào vụ khủng hoảng Iraq trên bình diện luân lý, mà còn kêu gọi riêng Kitô hữu Công Giáo hãy ăn chay và cầu nguyện nhiều cho hòa bình thế giới liên quan đến cuộc chiến Hoa Kỳ. “Là một con người của hòa bình, chúng ta hãy cầu xin cùng Thánh Giuse cho những ai đe dọa chiến tranh và chúng ta kêu xin tặng ân thuận hòa quí báu xuống trên toàn thể gia đình nhân loại”. Giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đã phát biểu với phóng viên báo chí sáng Thứ Ba 18/3/2003: “Ai bảo là tất cả mọi đường lối ôn hòa chúng ta có được theo luật lệ quốc tế đã được tận dụng thì phải trả lẽ nghiêm thẳng trước Thiên Chúa, trước lương tâm của mình cũng như trước lịch sử”.

Trong cuộc phỏng vấn với International Wire Services, bộ trưởng nội vụ Powell Colin đã cho biết hôm Thứ Ba 18/3/2003, ông đã gọi điện thoại cho Tòa Thánh và nói chuyện với ĐTGM Bộ Trưởng Ngoại Giao Jean-Louis Tauran ngày hôm trước, tức ngày Thứ Hai, chính ngày Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn tuyên chiến. Vị bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ này nói rằng: “Chúng tôi biết mối quan tâm của Đức Thánh Cha. Thế nhưng, đôi khi có những vấn đề xẩy ra chúng tôi không thể tránh được, song vì chúng tôi đều yêu chuộng hòa bình, chúng tôi hy vọng rằng những vấn đề ấy sẽ qua đi, và chúng tôi tin tưởng mãnh liệt đó là vấn đề duy nhất vậy”. Theo viên chức Hoa Kỳ này thì Saddam Hussein “mới là người gây ra vấn đề cho thế giới, chứ không phải là Hiệp Chủng Quốc”. Theo tờ nhật báo Ý Il Corriere della Sera cho biết hôm Thứ Tư 19/3/2003, thì Tòa Thánh tỏ lòng biết ơn về cú điện thoại này, vì, theo các nguồn tin từ Vatican, ông Powell cũng đã trấn an Tòa Thánh là “tất cả mọi cẩn trọng cần thiết đã được cứu xét để tránh xẩy ra tình trạng nạn nhân thường dân”.

Nhận định của thoidiemmaria.net:

Việc Hoa Kỳ tấn công Iraq bất chấp Liên Hiệp Quốc đã là một điều hết sức sai lầm và tệ hại, mà nếu Iraq, một khi bị dồn đến đường cùng, lại sử dụng đến các thứ đại công phá mà họ tuyên bố là hoàn toàn không có và các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc chưa tìm thấy, thì đại họa sắp xẩy đến cho thế giới. Không phải là chiến tranh nguyên tử, mà là một trật tự mới của thế giới sẽ được thành hình, một trật tự thế giới tư bản kiểu cộng sản. Tại sao? Làm sao có thể xẩy ra điều này? Theo tôi, vấn đề có thể sẽ xẩy ra là: thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ tự đại cho rằng Liên Hiệp Quốc chẳng làm gì được Iraq, chỉ có Hoa Kỳ mới lật được mặt nạ giả dối của Iraq. Bởi thế, việc Hoa Kỳ sử dụng võ lực qua mặt Liên Hiệp Quốc là chính đáng, vì mang lại kết quả tốt. Tóm lại, từ đó, hai điều xác tín sẽ được chủ trương như sau: thứ nhất, chỉ có võ lực mới là biện pháp duy nhất và trên hết để giải quyết tất cả mọi vấn đề gai góc hóc búa nhất trên thế giới này, và chỉ cần một chính phủ duy nhất, một cá nhân duy nhất, một đảng phái duy nhất mới có thể làm được việc này, chứ nhiều thày sẽ thối ma như đã điển hình xẩy ra cả sáu tháng trời ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nếu thực sự những suy đoán này là đúng, thì thực tế có thể sẽ xẩy ra như sau. Một khi Iraq sử dụng những thứ vũ khí đại công phá, Hoa Kỳ cũng sẽ sử dụng những loại vũ khí này. Tất nhiên, theo tự nhiên, Hoa Kỳ sẽ thắng vì mạnh hơn, trừ trường hợp ngoại lệ theo Mầu Nhiệm Quan Phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử thế giới. Thật vậy, nếu Iraq thật sự sử dụng các loại vũ khí đại công phá, Iraq sẽ không thể nào thắng được trận chiến này, vì Iraq đương đầu với cả thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Thế nhưng, sau khi Iraq bị hạ rồi mới là vấn đề rắc rối. Bởi vì, dù các nước có kể công đã góp phần vào cuộc chiến này, Hoa Kỳ vẫn là tay chủ chốt, bởi đã chủ chiến ngay từ đầu và lực lượng mạnh nhất, dù không có sự cộng tác của các nước khác. Theo họ, các nước khác, chẳng hạn như và nhất là Pháp, Nga và Đức là phe phản chiến vốn chống lại chủ trương võ lực của Hoa Kỳ, thì sở dĩ tam quốc phản chiến này nhào vô là để ăn ké, là để vuốt mặt mà thôi. Bởi vậy, Hoa Kỳ sẽ toàn quyền định đoạt về số phận của Iraq. Hoa Kỳ sẽ đặt để một chính phủ bù nhìn cho Iraq để tha hồ điều khiển chính trị và kinh tế của Iraq.

Liên Hiệp Quốc sau trận chiến này kể như bị loại trừ, như số phận của Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc trước Liên Hiệp Quốc vậy. Thật thế, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc được thành lập ngày 24/10/1945 sau Thế Chiến Thứ Hai. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc này được phỏng theo và tiếp nối tổ chức quốc tế đã được hình thành sau Thế Chiến Thứ Nhất, đó là Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc (League of Nations). Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc được các nước dự phần vào cuộc chiến thắng Đại Chiến Thứ Nhất là Pháp, UK, Ý , Nhật và US thành lập vào tháng Giêng năm 1920 với trụ sở chính ở Geneva Thụy Sĩ. Tổng Thống Woodrow Wilson Hoa Kỳ là người chủ chốt trong việc thành lập tổ chức quốc tế này, nhưng đã thất bại trong việc chinh phục Hoa Kỳ tham gia vào tổ chức này, một tổ chức bị giải tán vào tháng 6/1946, sau khi Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thành hình. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cũng được đa số các nước sáng lập Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc đứng ra thành lập. Đại diện của các nước này đã gặp nhau ở San Francisco vào tháng Tư năm 1945 để phác họa một dự án bảo vệ hòa bình thế giới, dự án được gọi là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (the Charter of the United Nations). Tháng 6/1945, đã có 50 nước ký nhận Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc này và đã trở thành hội viên đầu tiên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, các nước hội viên Liên Hiệp Quốc đã lên đến 159, trong đó có Việt Nam (gia nhập từ năm 1977). Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc được đặt tại Nữu Ước Hoa Kỳ. Lá cờ của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy mục đích phục vụ hòa bình của tổ chức này, đó là hình ảnh thế giới được bao đỡ bởi hai cành lá Olive tượng trưng cho hòa bình.

Hoa Kỳ chẳng những sẽ làm bá chủ thế giới về kinh tế, vì dầu hỏa của vùng Trung Đông sau trận chiến Iraq sẽ từ từ thuộc về tay Hoa Kỳ. Một Khối Liên Minh Ả Rập và Liên Minh Hồi Giáo chia rẽ nhau như đã xẩy ra trước khi Iraq bị Hoa Kỳ hạ không thể nào chống lại được Hoa Kỳ. Bởi thế, muốn sống, mỗi nước phải bang giao với Hoa Kỳ, bằng không Hoa Kỳ sẽ có lý do chính đáng, như những lý do với A Phú Hãn, với Iraq, để xâm nhập vào các nước này và làm chủ họ như A Phú Hãn và Iraq. Làm chủ kinh tế là làm chủ về chính trị. Làm chủ về chính trị là làm chủ về các thứ luật lệ, ý hệ và văn hóa, một thứ luật lệ, văn hóa và văn hóa của sự chết. Nếu thực sự tình hình sẽ đi đến chỗ độc quyền, độc quốc, độc đảng, độc đoán này thì không phải là thế giới đang được hình thành theo một trật tự mới, thật ra là một trật tự cũ, một trật tự của ngàn xưa, một trật tự của những tham vọng độc đoán vốn bẩm sinh nơi lòng trí bị nhiễm nguyên tội của con người, một trật tự tư bản theo kiểu cộng sản hay sao?
 

19/3 Thứ Tư

Ánh Sáng Ðức Ái Kitô Giáo Bừng Lên Trong Tăm Tối Iraq Giữa Bầu Trời Hồi Giáo

Giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh là tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls đã phát biểu với phóng viên báo chí sáng Thứ Ba 18/3/2003, sau ngày khi phe chủ chiến không cần Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp thuận bản quyết định sử dụng võ lực của họ, và cũng sau tối Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn khai chiến. Sau đây là những lời tuyên bố của Tòa Thánh sau khi đã làm hết sức để ngăn tránh cuộc chiến tranh vô cùng khủng khiếp này:

Ai bảo là tất cả mọi đường lối ôn hòa chúng ta có được theo luật lệ quốc tế đã được tận dụng thì phải trả lẽ nghiêm thẳng trước Thiên Chúa, trước lương tâm của mình cũng như trước lịch sử”.

Cũng vào ngày Thứ Ba 18/3/2003, ĐGM David Konstant, chủ tịch Phân Bộ Quốc Tế Vụ của Hội Đồng Giám Mục Anh Quốc và Wales đã đại diện hội đồng giáo phẩm này công bố những lời phát biểu như sau:

Cuộc Khủng Hoảng Iraq

Dường như các nỗ lực trong việc tìm một giải pháp ngoại giao ôn hòa cho cuộc khủng hoảng Iraq đã không thành công và giờ đây hành động quân sự có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Những tranh luận về việc sử dụng võ lực đã được bàn đến cho đến cùng mà vẫn có những bất đồng sâu xa giữa thành phần thiện chí muốn tìm kiếm đường lối hành động đúng đắn.

Tuy nhiên, vào thời điểm hết sức sợ hãi và căng thẳng này đây, cần phải nhìn vào những gì kéo chúng ta lại với nhau, đó là nhân tính chung của chúng ta và đức tin chung của chúng ta. Bất kể chúng ta tin tưởng ra sao về cuộc khủng hoảng này thì việc cùng nhau nguyện cầu là phận sự tiên khởi của chúng ta. Đó là việc nói lên niềm tin của chúng ta, và là tác động phục vụ thực sự. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người dính dáng đến cuộc chiến tranh kinh hoàng này, nhất là cho những thường dân vô tội Iraq, được Chúa xót thương. Chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo của chúng ta để họ có thể nhận biết việc hòa giải và công lý mới là nền tảng duy nhất cho hòa bình chân thực và bền vững mà thôi.

Chúng ta phải liên kết chúng ta với những ai bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những hậu quả của hành động quân sự này, dù họ là phần tử thuộc quân đội và gia đình họ, hay là những nhóm người ở xứ sở này có thể là nạn nhân của thành kiến.

Sau hết, giữa lúc chiến tranh sắp xẩy ra, chúng ta hãy nhớ ơn gọi đích thực của mình là phải trở thành những con người xây dựng hòa bình, nói cách khác, để cân bằng trật tự được Phúc Âm kêu gọi dựng xây trên sự thật, công lý, tự do và yêu thương.

Vị khâm sứ Tòa Thánh ở thủ đô Baghdad lập lại ý định của mình là ở lại Iraq cho dù chiến tranh xẩy ra để bày tỏ lòng gắn bó của ngài với những ai khổ đau. Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni, vị làm khâm sứ Tòa Thánh ở đây chưa đầy một năm đã nói: “Chúng tôi ở đây và chúng tôi ở nơi đây, cho dù xẩy ra chiến tranh. Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác, bao lâu còn được phép là bấy lâu chúng tôi còn ở”. Vị TGM Khâm Sứ Tòa Thánh này giải thích là ngài muốn “gần gũi với những ai chịu khổ đau để làm cho họ cảm thấy rằng họ không bị bỏ rơi” và bảo đảm “việc phục vụ Giáo Hội địa phương”. Về thành phần Công Giáo với 2.8% trong tổng số dân 24 triệu, vị khâm sứ cho biết các sinh hoạt của Công Giáo “vẫn tiếp tục như thường”: “Có một số vấn đề liên quan đến gia đình các chủng sinh của chúng tôi, thế nhưng, các chủng viện vẫn mở cũng như các giáo xứ để sửa soạn cho bất cứ những gì dần dần xẩy ra, trong khi vẫn thi hành hoạt động đã được ấn định”.

Ngay trước khi Hoa Kỳ gửi tối thượng lệnh cho chế độ Saddam Hussein thì liên hiệp thế giới của các tổ chức trợ giúp Giáo Hội Công Giáo đã loan báo việc bắt đầu dự án cấp cứu để cung cấp cùng với các thứ khác việc sử dụng các nhà thờ làm nơi trú ẩn. Hội Bác Ái Iraq có 80 cơ quan và 15 trung tâm khắp nước này để phân phát lương thực cho khoảng 10 ngàn gia đình và 20 ngàn trẻ em, nươc uống cho 300 ngàn người, và chăm sóc y tế cho khoảng 6 ngàn người. Hội này đã huấn luyện phòng hờ 400 bác sĩ và tình nguyện viên, và 87 nhà thờ để làm nơi trú ngụ cũng như các trung tâm bảo vệ thường dân. Ngoài ra, các Hội Bác Ái của các nước lân bang cũng hợp tác với Hội Bác Ái Iraq để phục vụ nhân dân Iraq. Lời phát biểu của Hội Bác Ái Iraq cho biết: “Syria đã nhận 40 ngàn người Iraq tị nạn và sẵn sàng đón nhận hơn nữa. Hội Bác Ái Jordan có một tổ chức thiện nguyện hùng hậu sẵn sàng vận dụng khi cần. Ở Iran là nơi làn sóng tị nạn có thể lên từ 258 tới 900 ngàn người, một dự án cấp cứu rộng lớn đang được hoạch định bao gồm cả Giáo Hội và các vị có thẩm quyền địa phương cũng như các tổ chức địa phương và quốc tế”. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các trại tản cư cũng đang được thiết lập ở vùng biên giới nước này với Iraq.

Nhận định của thoidiemmaria.net: Nếu ban thanh tra Liên Hiệp Quốc không rút khỏi Iraq, liệu Hoa Kỳ có dám tấn công Iraq hay chăng? Tại sao ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lại ra lệnh rút các thanh tra viên ra khỏi Iraq vì lời yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi vấn đề chưa được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng ý, vì các thanh tra viên đến cũng là do quyết định của hội đồng này? Thế mới biết bác ái Kitô Giáo là gì và khác với những gì được gọi là viện trợ “nhân đạo” của thế giới tư bản. Nếu các nước Pháp, Nga và Đức không rút người của mình ra khỏi Iraq và ban thanh tra vẫn làm việc như thường theo quyết định 1441 thì chưa chắc Hoa Kỳ đã dám ra tay? Thế nhưng, ở đây mới biết được tình yêu cao cả nhất đúng như Chúa Kitô dạy là thí mạng sống vì người yêu (x Jn 15:13). Tòa khâm sứ Tòa Thánh Công Giáo và nhân viên Hội Bác Ái Công Giáo không sợ chết, dấn thân phục vụ nhân dân Iraq trong thời loạn này thật là một gương sáng cả thể, đúng là “đèn sáng được để trên giá soi cho cả nhà” (Mt 5:15-16). Không ngờ cuộc chiến tranh đen tối này đã là dịp làm sáng tỏ Ánh Sáng Kitô Giáo nơi vùng đất của Hồi Giáo, như Mẹ Têrêsa Calcutta, biểu tượng bác ái Kitô giáo”, giữa thế giới Ấn Giáo vậy.
 

Diễn văn khai chiến của Tổng Thống Bush 17/2/2003

Thưa đồng bào, những biến chuyển ở Iraq giờ đây đã tới những ngày quyết định cuối cùng.

Hơn một thập niên, Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia khác đã thực hiện những nỗ lực một cách nhẫn nại và trân trọng để giải giới chế độ Iraq mà không cần đến chiến tranh. Chế độ đó đã hứa tiết lộ và hủy hoại tất cả mọi thứ vũ khí đại công phá như điều kiện để kết thúc Cuộc Chiến Vùng Vịnh năm 1991.

Từ đó, thế giới đã dấn thân cả 12 năm ngoại giao. Chúng ta đã thông qua hơn 12 bản quyết định ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chúng ta đã gửi hàng trăm thanh ra viên đến để xem xét việc giải giới của Iraq.

Thế nhưng lòng tin tưởng của chúng ta không được đền bù. Chế độ Iraq đã lợi dụng vấn đề ngoại giao như một thứ trò chơi để câu giờ và tìm lợi thế. Nó đã nhất loạt công khai bất tuân các bản quyết định của Hội Đồng Bảo An đòi phải giải giới.

Các thanh tra viên vũ khí Liên Hiệp Quốc nhiều năm đã bị các viên chức Iraq đe dọa, bị dò la bằng điện toán và bị lừa đảo một cách có phương pháp. Những nỗ lực giải giới ôn hòa chế độ Iraq vẫn cứ thất bại hoài vì chúng ta không đối đầu với những con người ôn hòa.

Tình báo được những chính quyền này nọ đã thu thập cho thấy rõ ràng là chế độ Iraq tiếp tục chiếm hữu và giấu diếm một số những thứ khí giới sát hại nhất chưa hề nghĩ tới. Chế độ này đã sử dụng các thứ khí giới đại công phá tấn công các quốc gia láng giềng và dân chúng Iraq.

Chế độ này có một lịch sử hung hăng tàn bạo ở Trung Đông. Nó có một mối hận thù sâu xa với Hoa Kỳ và các bạn hữu của chúng ta, và nó đã trợ giúp, huấn luyện và che chở cho các tay khủng bố, bao gồm cả những hoạt động của tổ chức al-Qaida.

Mối nguy hiểm đã hiển nhiên: Việc sử dụng các thứ vũ khí hóa chất, sinh trùng, hay một ngày nào đó, các thứ vũ khí nguyên tử, có được trong tay với sự trợ giúp của Iraq, những tay khủng bố có thể thành đạt những tham vọng được chúng tuyên bố và sát hại hàng ngàn hay hàng trăm ngàn người vô tội ở xứ sở chúng ta hay bất cứ xứ sở nào khác.

Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia khác có làm gì đâu để xứng đáng chịu đựng mối đe dọa này hay để làm mồi cho mối đe dọa ấy, song chúng ta sẽ làm mọi sự có thể để đánh bại nó. Thay vì xuôi theo thảm trạng, chúng ta sẽ tiến đến chỗ an toàn.

Trước ngày khủng khiếp có thể xẩy ra, trước khi ra trở tay quá trễ, cần phải loại trừ mối nguy hiểm này đi.

Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ có chủ quyền trong việc sử dụng võ lực để bảo đảm an ninh cho quốc gia của mình. Phận sự đó là ở nơi tôi với tư cách là tổng tư lệnh theo lời tôi đã thề và là lời thề tôi sẽ giữ.

Nhận thấy mối đe dọa cho xứ sở của chúng ta, Quốc Hội Hiệp Chủng Quốc năm ngoái đã hồ hởi bỏ phiếu ủng hộ việc sử dụng võ lực đáng Iraq.

Hoa Kỳ đã cố gắng làm việc với Liên Hiệp Quốc để nói lên mối đe dọa này, vì chúng ta muốn giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Chúng ta tin vào sứ vụ của Liên Hiệp Quốc.

Lý do duy nhất Liên Hiệp Quốc đã được thành lập sau Thế Chiến II là để đối đầu với những tay độc tài hung bạo một cách chủ động và sớm sủa, trước khi họ có thể tấn công thành phần vô tội và hủy hoại hòa bình.

Trong trường hợp Iraq, Hội Đồng Bảo An đã hoạt động từ đầu thập niên 1990, Theo các Bản Quyết Định 678 và 687, cả hai vẫn còn hiệu lực, thì Hiệp Chủng Quốc và đồng minh của chúng ta được quyền sử dụng võ lực để tước các thứ vũ khí đại công phá của Iraq.

Đây không phải là vấn đề quyền bính, nó là vấn đề của ý muốn.

Tháng Chín năm ngoái, tôi đã ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thúc giục các quốc gia trên thế giới hãy đoàn kết với nhau để kết thúc mối nguy hiểm này. Vào ngày 8/11, Hội Đồng Bảo An đã nhất loạt chấp thuận bản Quyết Định 1441, khi thấy Iraq vi phạm những điều nước này buộc phải làm và ngăm đe những hậu quả trầm trọng nếu Iraq không hoàn toàn và lập tức giải giới.

Hôm nay đây, không một quốc gia nào có thể cho rằng Iraq đã giải giới. Và nước này sẽ không giải giới bao lâu Saddam Hussein còn nắm trong tay quyền hành.

Trong 4 tháng rưỡi vừa qua, Hiệp Chủng Quốc và các đồng minh của chúng ta đã làm việc với Hội Đồng Bảo An để áp dụng những đòi hỏi lâu năm của hội đồng này. Tuy nhiên, một số thành viên thường trực của HĐBA đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ phủ quyết bất cứ quyết định nào bắt buộc Iraq phải giải giới. Những chính quyền này đồng ý với chúng ta về mối nguy hiểm ấy nhưng không cùng chúng ta nhất quyết đương đầu với nó.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã dứt khoát và can đảm hành động chống lại mối đe dọa hòa bình này, và cuộc liên minh rộng lớn này giờ đây qui tụ lại để thi hành những đòi hỏi chính đáng của thế giới.

Trong mấy ngày gần đây, một số chính quyền ở Trung Đông đã thi hành phần của họ. Họ đã công khai hay âm thầm gửi các sứ điệp thúc giục nhà độc tài này rời Iraq để việc giải giới có thể được tiến hành một cách ôn hòa.

Cho tới nay hắn vẫn không chịu làm theo.

Tất cả những thập niên lùa dối và tàn bạo giờ đây đã tới lúc kết thúc. Saddam Hussein và các con trai của hắn phải bỏ xứ trong vòng 48 tiếng. Việc họ từ chối làm điều này sẽ mang lại cuộc xung đột quân sự được bắt đầu vào lúc chúng ta định đoạt.

Tất cả các người ngoại quốc, bao gồm cả các phóng viên báo chí và thanh tra viên, vì sự an toàn bản thân, phải ra khỏi Iraq ngay lập tức.

Nhiều người Iraq có thể nghe thấy tôi tối nay qua một đài phát thanh được thông dịch, và tôi có một sứ điệp gửi cho họ, đó là, nếu chúng tôi buộc phải bắt đầu cuộc ra quân thì nó sẽ nhắm đến những kẻ vô luật pháp đang cai trị xứ sử của quí vị chứ không nhắm đến quí vị.

Khi liên minh của chúng tôi tước đoạt quyền hành của họ, chúng tôi sẽ gửi lương thực và thuốc men quí vị cần.

Chúng tôi sẽ bẻ gẫy các thứ trang bị khủng bố và chúng tôi sẽ giúp quí vị xây dựng lại một nước Iraq mới thịnh vượng và tự do.

Trong một nước Iraq tự do sẽ không còn những cuộc chiến tranh khủng bố tấn công các nước láng giềng của quí vị, không còn những hãng chế tạo chất độc, không còn những cảnh xử trảm thành phần bất đồng, không còn những phòng hành xích và những phòng hãm hiếp.

Tên tàn bạo chẳng mấy chốc sẽ phải ra đi. Ngày giải phóng của quí vị gần tới.

Việc Saddam Hussein còn nắm quyền hành đã quá trễ mất rồi. Cũng không quá trễ cho việc quân đội Iraq hãnh diện bảo vệ xứ sở của quí vị, bằng việc để cho các lực lượng liên minh có thể an toàn tiến vào để loại trừ các thứ khí giới đại công phá. Các lực lượng của chúng tôi sẽ cho các đơn vị của quân đội Iraq những lời chỉ dẫn rõ ràng về những hành động họ có thể làm để tránh bị tấn công và tiêu diệt.

Tôi tha thiết kêu gọi hết mọi phần tử của quân đội Iraq và ngành tình báo là nếu chiến tranh xẩy ra, xin đừng chiến đấu cho một chế độ đang ngấp ngoái không xứng đáng với mạng sống của quí vị.

Tất cả mọi người lính Iraq và nhân viên thường dân Iraq phải lắng nghe kỹ lưỡng điều cảnh giác này, đó là, trong bất cứ cuộc đụng độ nào, số mạng của quí vị lệ thuộc vào hành động của quí vị. Đừng hủy hoại các giếng dầu hỏa, một nguồn mạch phong phú thuộc về nhân dân Iraq. Đừng tuân hành bất cứ mệnh lệnh nào trong việc sử dụng các thứ vũ khí đại công phá sát hại ai, bao gồm cả nhân dân Iraq. Các tội ác chiến tranh sẽ bị truy tố, các tội đồ chiến tranh sẽ bị trừng phạt và sẽ không còn chữa mình được là “tôi chỉ làm theo mệnh lệnh”.

Nếu Saddam Hussein quyết đương đầu thì nhân dân Hoa Kỳ nên biết rằng hết mọi biện pháp đã được sử dụng để tránh chiến tranh và hết mọi biện pháp sẽ được sử dụng để thắng trận chiến này.

Dân Hoa Kỳ hiểu được những giá phải trả cho cuộc xung đột này vì chúng ta đã trả những giá ấy trong quá khứ. Chiến tranh không có gì nắm chắc cả, ngoại trừ nắm chắc vấn đề hy sinh.

Tuy nhiên, cách duy nhất để giảm thiểu cái hại và thời gian kéo dài của chiến tranh là việc áp dụng tất cả lực lượng và sức mạnh quân đội của chúng ta, và chúng ta đã sửa soạn làm điều này.

Nếu Saddam Hussein cố gắng bám chặt lấy quyền hành thì hắn sẽ một kẻ tử thù cho tới cùng.

Trong tình trạng tuyệt vọng, hắn và các nhóm khủng bố có thể sẽ cố gắng vận dụng các hoạt động khủng bố tấn công nhân dân Hoa Kỳ và bạn hữu của chúng ta. Những cuộc tấn công này không phải không thể tránh được. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể xẩy ra.

Và đó chính là sự kiện cho thấy rõ lý do chúng ta không thể sống dưới sự đe dọa chập chờn này. Mối đe dọa khủng bố gây ra cho Hoa Kỳ và thế giới sẽ bị giảm đi vào lúc Saddam Hussein bị giải giới.

Chính quyền chúng ta sẽ đề cao cảnh giác đối với những mối nguy hiểm này. Như chúng ta đang sửa soạn nắm chắc chiến thắng ở Iraq thế nào, chúng ta cũng hành động hơn nữa để bảo vệ quê hương của chúng ta.

Trong những ngày gần đây các thẩm quyền Hoa Kỳ đã trục xuất khỏi đất nước này một số phần tử có dính dáng tới ngành tình báo Iraq.

Trong số những biện pháp khác nhau, tôi đã chỉ thị phải tăng thêm an ninh ở các phi trường của chúng ta và tăng cường các Tuần Canh Duyên Hải ở các hải cảng chính. Bộ An Ninh Quê Nhà đang hoạt động sát cánh với các vị thống đốc của quốc gia này trong việc tăng gia tình trạng an ninh võ bị ở các cơ sở chính yếu khắp Hoa Kỳ.

Nếu kẻ thù đánh vào xứ sở của chúng ta là họ đang cố gắng để đánh lạc chú tâm của chúng ta bằng sự hoảng hốt và làm mất tinh thần của chúng ta bằng cảm giác sợ hãi. Họ sẽ thất bại về việc này.

Không có một hành động nào của họ có thể xê dịch được tiền trình này hay làm nao núng cái cương quyết của xứ sở đây. Chúng ta là một thứ dân ôn hòa, nhưng chúng ta không phải là một thứ dân dòn mỏng. Và chúng ta sẽ không sợ hãi trước những tên tội ác và sát hại.

Nếu những tên thù địch của chúng ta dám đánh chúng ta, họ và tất cả những họ giúp họ sẽ chịu những hậu quả ghê sợ.

Giờ đây chúng ta ra tay vì những cái nguy hiểm của bất động sẽ còn nguy hiểm hơn thế nữa. Trong một năm, hay năm năm, quyền lực của Iraq trong việc gây tai hại cho tất cả các nước tự do sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Với những khả năng này, Saddam Hussein và các nhóm liên minh khủng bố của hắn có thể chọn thời điểm cho cuộc xung đột chí tử vào lúc họ mạnh mẽ nhất. Chúng ta quyết định đương đầu với mối đe dọa ấy lúc này đây khi nó mới chớm mọc, trước khi nó bất ngờ xuất hiện dưới bầu trời và các thành phố của chúng ta.

Vì hòa bình, tất cả mọi quốc gia tự do cần phải nhận ra những thực tại mới mẻ và bất khả phủ nhận này. Trong thế kỷ 20, một số người đã quyết định mặc kệ cho các tay độc tài sắt máu thực hiện các thứ đe dọa đã đưa đến chỗ thảm sát và thế chiến.

Trong thế kỷ này, khi những ác nhân mưu đồ cuộc khủng bố hóa chất, sinh trùng và nguyên tử, thì cái thứ chính sách làm suy yếu kẻ thù có thể gây ra một thứ hủy hoại chưa bao giờ thấy trên mặt đất này. Các tay khủng bố và các quốc gia khủng bố không tiết lộ những thứ đe dọa này bằng cách chính thức tuyên bố đàng hoàng tử tế.

Và phản ứng với những thứ kẻ thù như vậy chỉ sau khi chúng đã đánh mình trước thì không phải là tự vệ. Mà là tự sát. Tình trạng an ninh của thế giới đòi phải giải giới Saddam Hussein bây giờ.

Khi chúng ta thi hành những đòi hỏi chính đáng này của thế giới, chúng ta cũng sẽ tôn kính những việc dấn thân hết mình của xứ sở chúng ta.

Không như Saddam Hussein, chúng ta tin rằng nhân dân Iraq xứng đáng và có khả năng hưởng tự do làm người, và khi tên độc tài này ra đi, họ có thể trở thành một tấm gương cho tất cả vùng Trung Đông về một quốc gia sinh động, thái bình và tự trị.

Hiệp Chủng Quốc cùng với các quốc gia khác sẽ hoạt động để phát triển tự do và hòa bình ở miền này. Mục đích của chúng ta sẽ không đạt được nội trong vòng một đêm mà là có thể kéo dài thời gian. Quyền năng tự do nhân bản và lời kêu gọi tự do nhân bản đều cần thiết cho hết mọi cuộc đời và hết mọi miền đất, và quyền lực mạnh mẽ nhất của tự do đó là việc thắng vượt hận thù và bạo lực, và hướng những tặng ân sáng tạo của con người nam nữ đến việc theo đuổi hòa bình. Đó là tương lai chúng ta quyết chọn.

Các quốc gia tự do có nhiệm vụ phải bảo vệ nhân dân chúng ta bằng việc liên kết chống lại bạo lực, và tối hôm nay đây, như chúng ta đã từng làm trước đây, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta chấp nhận trách nhiệm ấy.

Chúc quí vị ngủ ngoan và xin Chúa tiếp tục chúc lành cho Hoa Kỳ.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ bản văn được CBS phổ biến ngày 17/3/2003

Nhận định của thoidiemmaria.net: Thú thực, trong khi dịch những (3) bài diễn văn như thế này của Tổng Thống Bush, nhất là bài trên đây, tôi cảm thấy hết sức khó chịu. Vì nó giả dối làm sao. Vì nó mâu thuẫn hết sức. Vì nó cao ngạo quá chừng. Như ở những chỗ tôi in đậm chữ trong bài diễn văn này. Nhưng vì phải đọc kỹ tài liệu và cần tài liệu mới có thể phân tích và nhận định tình hình một cách chính xác, tôi đã phải cầm mình dịch cho xong.

Tóm lại, bài diễn văn khai chiến này của Tổng Thống Bush cũng chỉ lập lại như hai bài diễn văn lần trước (7/10/2002 và 28/1/2003), nhất là lần thứ hai, luận điệu cáo buộc của ông để có đủ lý do chính đáng tấn công Iraq. Luận điệu cáo buộc của ông là Iraq có các thứ vũ khí đại công phá, (những thứ mà thanh tra quốc tế tìm chưa ra và đã tuyên bố là không có), những thứ vũ khí này lại ở trong tay một nhà độc tài vô nhân đạo là Saddam Hussein, một con người có liên hệ với các tay khủng bố trên thế giới, (lời cáo buộc không có bằng cớ rõ ràng và chính xác, bằng không Iraq cũng đã bị Hoa Kỳ tấn công như A Phú Hãn sau vụ 911 rồi), nên rất nguy hiểm, cần phải diệt trừ ngay bây giờ kẻo nguy hiểm cho thế giới và Hoa Kỳ sau này, (tức là ông công nhận cuộc chiến tranh do ông ra lệnh là cuộc chiến đấu tấn công chứ không phải tự vệ, hay nói cách khác, một cuộc tấn công để tự vệ xa, vì chưa có gì nguy hiểm ngay bây giờ, thế thì tại sao Hoa Kỳ không làm gì Bắc Hàn là nước công khai mình có vũ khí nguyên tử bất hợp pháp, trong khi đó Iraq chưa kiếm ra thứ vũ khí nguy hiểm của họ).

Và cái lợi của cuộc chiến này là giúp cho nhân dân Iraq sống tự do hạnh phúc hơn và bảo vệ nền an ninh của Hoa Kỳ cũng như của thế giới hơn, (vậy thì cái hại của cuộc chiến này như thế nào? Hoa Kỳ có hoàn toàn bảo đảm 100% là khủng bố sẽ ít đi hơn hay chăng sau khi Saddam Hussein bị hạ? Thế giới có chắc chắn 100% được an ninh hơn hay chăng hay là Thế Chiến Thứ 3 xẩy ra, giữa Ả Rập và Tây Phương, giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo? Iraq chắc chắn sẽ xây dựng lại đất nước hay chăng hay chính Hoa Kỳ đang khủng hoảng kinh tế thì còn cứu ai được nữa, hay lại nhào vô ăn ké các thứ giầu thịnh của nước này để cứu vãn tình thế của mình, vì trong bài diễn văn Tổng Thống Bush nói sau khi lật đổ Saddam Hussein rồi thì chỉ mang lại cho Iraq thực phẩm và thuộc men mà thôi: “Khi liên minh của chúng tôi tước đoạt quyền hành của họ, chúng tôi sẽ gửi lương thực và thuốc men quí vị cần”, còn chồng hay vợ hoặc con cái của họ, nhà cửa ruộng vườn của họ bị chiến tranh cướp đi và hủy diệt thì sao, Hoa Kỳ có đền bù được chăng, có trả lại cho họ được chăng? Kể cả vấn đề một Iraq thịnh vượng và tự do hơn như thế nào? Với chính quyền do Hoa Kỳ lập nên hay do nhân dân Iraq bầu lên? Phải chăng Hoa Kỳ có ý nhúng tay vào ngay bây giờ để có thế giá, với tư cách là vị cứu tinh của dân tộc này, mà lập chính quyền Iraq theo ý họ, bằng không, sau này để cho Liên Hiệp Quốc, như dự án của một số nước trong Khối Liên Minh Ả Rập đề ra, họ sẽ không làm được như ý của họ, từ đó, họ sẽ không làm chủ được Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung, một vùng dầu hỏa mà họ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở họ sẽ không thể nào làm bá chủ thế giới về kinh tế như lòng mong ước).

Nguyên việc Hoa Kỳ tự động tấn công Iraq để giải giới nước này trong khi ban thanh tra Liên Hiệp Quốc còn đang làm việc của mình và không có sự đồng ý của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thực sự là một vi phạm. Hoa Kỳ đã không coi công pháp và quốc tế không ra gì. Nếu Hoa Kỳ căn cứ vào các quyết định 678 và 687 trước đây của HĐBA để tấn công Iraq thì tại sao trước đây không làm đi bây giờ mới làm, (trước đây Iraq còn nguy hiểm hơn bây giờ, với gần 70 phi đạn tầm xa Iraq vừa hủy hoại đi theo lệnh của Liên Hiệp Quốc? Phải chăng Hoa Kỳ lợi dụng Iraq đã bị yếu thế để nhào vô đập cho dễ? Và phải chăng Hoa Kỳ không thể chờ đợi hơn được nữa, dù là một tháng, kẻo bất lợi cho nền kinh tế đang bị khủng hoảng hết cỡ của mình?), và tại sao đã được quyền sử dụng võ lực như hai quyết định 678 và 687 cho phép mà còn phải phác thêm các quyết định sau đó làm gì, như quyết định 1441 liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh tra vũ khí không hạn định ngày tháng, do chính Hoa Kỳ phác họa song chính Hoa Kỳ sau đó lại kêu không thể kéo dài vô hạn, nhất là còn phải phác họa ra bản quyết định cuối cùng làm gì, bản quyết định nói thẳng đến việc sử dụng võ lực, một bản quyết định phe chủ chiến vào phút chót, sáng Thứ Hai, 27/3/2003, thấy rằng không thể thắng nổi đã bỏ cuộc để tự động quyết định sử dụng võ lực không cần LHQ chấp thuận nữa.

Ôi, chớ gì những mạng sống vô tội và những khổ đau của những ai bị cuộc chiến bất chính này gây ra bù đắp lại lỗi lầm và tham vọng của những người anh em ngông cuồng mù tối này của họ. Xin Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần ra tay giải cứu cả những ai vô tội (nạn nhân) và đáng thương (phạm nhân) trong cuộc chiến này. “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Bản Tuyên Cáo của Hội Đồng Giám Mục Á Nhĩ Lan về Iraq

Kết thúc cuộc họp mùa xuân tuần này, Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã chính thức lên tiếng về vấn đề Iraq hôm 14/3/2003 tại thủ đô Dublin như sau:

Trong lúc chúng tôi đang sửa soạn mừng Lễ Kính Thánh Patrick, vị đã mang Phúc Âm Hòa Bình đến Ái Nhĩ Lan thì thế giới đang đầy những căng thẳng liên quan đến tình hình Iraq. Cuộc chiến tranh này có được tuyên bố tấn công Iraq hay chăng thì nó cũng gây nên những vấn đề cần phải hếvô tuyến truyền hình sức quan tâm về luân lý và tôn giáo, như đã thấy nơi những cuộc xuống đường công khai mới đây ở Ái Nhĩ Lan. Trong lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sửa soạn tái họp để cứu xét một Bản Quyết Định nữa về Iraq thì thái độ của chúng ta ở Ái Nhĩ Lan đối với cuộc tranh luận này cần phải được căn cứ vào những nguyên tắc luân lý và nhân đạo lành mạnh.

Trước đây trong năm nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh là “Không có vấn đề chiến tranh… Chiến tranh là bao giờ cũng có thể tránh được. Nó luôn là một thảm bại của nhân loại”. Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan muốn thêm vào tiếng nói này của Đức Thánh Cha, cũng như với tiếng nói của các Hội Đồng Giám Mục Hiệp Chủng Quốc, Anh Quốc và Wales, Pháp và nhiều quốc gia khác về vấn đề này. Việc sử dụng chiến tranh đối với Iraq thực sự là một thảm bại của nhân loại, và tất cả chúng ta sẽ bị nó làm suy yếu rất nhiều. Ngoài ra, chúng ta cần phải để ý tới những hậu quả của bất cứ cuộc chiến nào gây ra cho nhân dân Iraq.

Chúng tôi lấy làm phấn khởi khi thấy chủ trương mới đây của chính phủ Ái Nhĩ Lan bày tỏ ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủng hộ vai trò của Liên Hiệp Quốc và thẩm quyền của Luật Lệ quốc tế. Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đòi tất cả mọi quốc gia phải loại trừ “việc đe dọa hay việc sử dụng vũ khí nghịch lại tính cách nguyên vẹn về lãnh thổ hay tính cách nguyên vẹn về chính trị của bất cứ quốc gia nào”. Vấn đề nguy hiểm hiện nay là điều đòi hỏi chính yếu cho hòa bình và an ninh quốc tế này sẽ bị loại trừ trước biện pháp của một cuộc chiến tranh ra tay trước đang được tích cực cứu xét. Chúng tôi tha thiết kêu gọi chính quyền Ái Nhĩ Lan hãy loại trừ hành động này và tiếp tục hoạt động về phương diện ngoại giao để tiến đến một giải pháp chân chính theo các nguyên tắc luật lệ và nhân đạo. Theo những lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì “không thể nào có thể quyết định đi đến chỗ chiến tranh, cho dù là vấn để bảo đảm công ích, trừ khi nó là biện pháp cuối cùng”. Theo quan điểm của chúng tôi, trường hợp này chưa đến lúc cần đến một thứ chiến tranh như biện pháp cuối cùng này.

Trong việc kêu gọi chính quyền Ái Nhĩ Lan, và qua họ, kêu gọi các vị lãnh đạo trên thế giới, trong việc hãy sử dụng tất cả những việc có thể để tích cực cổ võ một giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng này, chúng tôi nài xin vai trò lãnh đạo Iraq hãy chấm dứt việc đàn áp nhân dân Iraq và hãy cộng tác trọn vẹn với các thanh tra viên vũ khí.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới tình trạng tàn phá về phương diện nhân đạo sẽ xẩy ra cho Iraq trong trường hợp chiến tranh. Trócaire, Cơ Quan Công Giáo Ái Nhĩ Lan phụ trách Phát Triển Thế Giới, đang đóng vai trò chính yếu trong việc sửa soạn cho một hậu quả như vậy, bằng việc giúp cung cấp thực phẩm và thuốc men cho những thường dân bị thương tích và thất tung khắp Iraq. Hơn nữa, nhiều cán sự xã hội thuộc giáo hội Iraq đã được huấn luyện chuyên môn để đương đầu với cuộc khủng hoảng có thể xẩy ra này. Chúng tôi tha thiết xin nhân dân của chúng tôi hãy quảng đại bao nhiêu có thể để đóng góp với tất cả mọi tổ chức dấn thân thực hiện việc nhân đạo này.

Để tái khẳng định việc chúng tôi ủng hộ tất cả những người và những nhóm đang dấn thân xây dựng hòa bình và cổ võ công lý, chúng tôi khuyến khích nhân dân Ái Nhĩ Lan hãy tiếp tục thiết tha cầu nguyện để có thể tìm thấy một giải pháp ôn hòa cũng như để chấm dứt một cách chính đáng và thuận thảo tình trạng khổ đau nhân bản nhiều năm ở Iraq.

“Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5:9).
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL dịch theo tài liệu do Zenit phổ biến ngày 14/3/2003

18/3 Thứ Ba

Thông Điệp về Thánh Thể

Theo nguồn tin Vatican cho Zenit biết thì Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ ban hành bức thông điệp thứ 14 của Ngài trong Năm Mân Côi, đó là bức thông điệp về Chúa Giêsu Thánh Thể. Thời điểm ban hành bức thông điệp này có thể vào Tháng Tư. Theo thoidiemmaria.net thì có thể vào Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Đức Thánh Cha vẫn có thói quen hằng năm gửi thư cho các vị linh mục. Cũng theo nguồn tin Vatican, bức thông điệp này là bức thông điệp tổng hợp tất cả mọi văn kiện của vị giáo hoàng dẫn dắt Giáo Hội 25 năm này, bắt đầu từ Thông Điệp đầu tiên vào Mùa Chay năm 1979 về Chúa Kitô mang tựa đề “Đấng Cứu Chuộc nhân trần”. Trong Tông Thư năm 1998 “Ngày Của Chúa” Dies Domini, Ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Theo thoidiemmaria.net, nếu thật sự bức thông điệp về Thánh Thể được ban hành vào Mùa Chay năm 2003 này là văn kiện tổng hợp tất cả tâm tưởng của vị giáo hoàng này, một văn kiện qui về Chúa Kitô, cân đối với bức thông điệp mở đầu cũng về Chúa Kitô, nhưng lại một Chúa Kitô Thánh Thể trong Năm Thánh Mẫu Mân Côi, thì phải chăng thời điểm đóng vai trò Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian Kế Thừa Thánh Phêrô của Ngài sắp sửa đến lúc viên trọn? 
 

Trống trận bắt đầu nổi lên…… Bí Mật Fatima sắp sửa được thực hiện?
 

Hôm Chúa Nhật, sau cuộc họp thượng đỉnh với hai nước đồng minh UK và TBN kéo dài 1 tiếng, Tổng Thống Bush đã tuyên bố sau đó là “Ngày mai là ngày chúng ta quyết định là vấn đề ngoại giao có hiệu nghiệm hay chăng. Nhiều quốc gia đã lên tiếng dấn thân cho hòa bình và an ninh thì giờ đây họ phải chứng tỏ việc dấn thân này bằng đường lối hiệu nghiệm duy nhất, đó là bằng cách ủng hộ việc giải giới Saddam Hussein lập tức và vô điều kiện. Chúng tôi đẽ đi đến chỗ quyết định. Sau 12 năm thất bại trong việc giải giới, đây là lúc chúng tôi cần phải dứt khoát”. Ông Bush cần phải bàn với hai vị lãnh đạo UK và TBN vào Thứ Hai về vấn đề có cần Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu hay chăng. Còn Thủ Tướng Blair và nội các của ông cũng cần một cuộc họp khẩn cấp vào Thứ Hai lúc 4 giờ chiều địa phương để bàn đến vấn đề đã tận dụng hết mọi nỗ lực ngoại giao hay chưa.

Nhận được thông báo của Hoa Kỳ đêm Chúa Nhật, Vị tổng giám đốc cơ quan IAEA đã cho biết: “Tôi được chính phủ Hiệp Chủng Quốc khuyên là hãy đưa các thanh tra viên ra khỏi Baghdad. Ủy ban UNMOVIC cũng nhận được cùng một lời khuyên như vậy nữa. Tôi liền thông báo cho vị chủ tịch Hội Đồng Bảo An để xin chỉ dẫn. Tôi cũng báo cho cả vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Tôi biết là Hội Đồng Bảo An sẽ cứu xét vấn đề này vào Thứ Hai”. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã dự định họp kín vào 10 giờ sáng giờ Nữu Ước vào Thứ Hai, 17/3/2003. Vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cần phải thông báo cho hội đồng là ông đang rút các thanh ra viên vũ khí ra khỏi Iraq.

Ông ElBaradei dĩ nhiên bày tỏ vấn đề an toàn của các nhân viên của ông là ưu tiên trên hết, tuy nhiên, ông vẫn hy vọng là “vào giờ phút muộn màng này vẫn có thể đạt tới một giải quyết ôn hòa cho vấn đề và thế giới sẽ tránh khỏi họa chiến tranh”. Nữ phát ngôn viên của cơ quan IAEA này là Melissa Fleming nói rằng vấn đề này “là điều chúng tôi thật sự đang dự tưởng, thế nhưng đồng thời chúng tôi cũng đang hy vọng là nó không xẩy ra”. Bà cho biết các thanh tra viên không bỏ Iraq “vào lúc này đây”. Vì, theo bà, vấn đề ấy cần phải được bàn tại cuộc họp Thứ Hai của Hội Đồng Bảo An để đi tới quyết định tối hậu. Ông Hiro Ueki, Phát ngôn viên của phái đoàn thanh tra LHQ ở Baghdad cho biết họ chưa nhận được lệnh ra khỏi Iraq. Còn khoảng 60 thanh tra viên ở Iraq trong số 150 nhân viên quốc tế. Ông Blix trưởng ủy ban UNMOVIC cho biết các thanh tra viên cần từ 24 đến 48 tiếng để rời Iraq. Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ hôm Thứ Hai cũng thúc giục tất cả mọi công dân Hoa Kỳ hãy rời Kuwait. Đức, Nga và Tầu cũng thúc giục công dân của mình rời Iraq. Các thanh tra viên tỏ ra bất mãn vì họ vốn hy vọng là việc thanh tra sẽ đưa tới vấn đề giải quyết ôn hòa cho vấn đề khủng hoảng Iraq.

Trong khi đó, các thị sát viên Liên Hiệp Quốc còn lại đã từ vùng phi quân sự (DMZ: demilitarized zone) ở vùng biên giới giữa Kuwait và Iraq về Kuwait City hôm Thứ Hai. Uỷ Ban Sứ Vụ Quan Sát Iraq-Kuwait Liên Hiệp Quốc UNIKOM (United Nations Iraq-Kuwait Observation Mission), một ủy ban được thành lập năm 1991 để giữ an toàn cho vùng biên giới giữa hai nước này, đã ra lệnh cho nhân viên của mình rời khỏi toàn vùng phi quân sự dài 124 dặm để trở về Kuwait City chờ lệnh ra khỏi Kuwait. Trong những ngày gần đây, hoạt động của quân đội Hoa Kỳ dọc theo vùng phi quân sự này đã được tường trình cho biết là họ đã cắt những đoạn lớn ở hàng rào truyền điện dọc biên giới này.

Chính phủ Iraq chưa tỏ phản ứng gì về vấn đề thanh tra viên rời Iraq này. Vị Bộ Trưởng Thông Tin Iraq là Mohammed Sa’eed al-Sahaf đã cho biết: “Chúng tôi đã làm hết mọi sự, và chúng tôi tiếp tục cộng tác với Hội Đồng Bảo An, cũng như hợp tác với tất cả mọi nỗ lực trên thế giới để ngăn tránh cuộc tấn công xứ sở chúng tôi, thế nhưng, nếu họ đẩy chúng tôi tới chân tường, chúng tôi buộc lòng phải bảo vệ xứ sở của mình, và chúng tôi sẽ làm điều này”.

Vào chiều Thứ Hai, lúc 5 giờ 45 giờ Nữu Ước, Tổng Thống Bush họp các vị lãnh đạo quốc hội. Tối Thứ Hai, Tổng Thống Bush có thể sẽ ngỏ lời cùng nhân dân Hoa Kỳ về vấn đề ra hạn chót cho Saddam Hussein phải giải giới, ra lệnh cho vị tổng thống này phải từ chức và xuất ngoại. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc là ông Ari Fleischer cho biết các nỗ lực ngoại giao để ngăn tránh chiến tranh đã kết thúc, Saddam Hussein phải bỏ Iraq để tránh xẩy ra cuộc chiến: “Liên Hiệp Quốc đã không thể bắt buộc Itaq phải lập tức giải giới. Bởi thế, cánh cửa sổ ngoại giao đã được đóng lại. Bước kế tiếp là tùy ở Saddam Hussein”. Các vị lãnh sự ở Liên Hiệp Quốc của phe chủ chiến đã xác nhận là những nỗ lực ngoại giao đã kết thúc. Ông lãnh sự UK là Jeremy Greenstock đã nói: “Các nước đồng bảo trợ (US, UK và TBN) đã đồng ý là họ sẽ không theo đuổi việc bỏ phiếu cho bản quyết định dự thảo nữa. Họ muốn giành quyền hành động trong việc giải giới Iraq. Chúng tôi đã kết luận là việc đồng ý của hội đồng không cần nữa. Một quốc gia đặc biệt đã có ý phủ quyết bản quyết định bất cứ giá nào. Quốc gia đó loại bỏ bản quyết định này trước cả Iraq nữa”. Vị lãnh sự Hoa Kỳ là John Negroponte, sau lời phát biểu của vị lãnh sự UK, đã cho biết: “Chúng tôi rất tiếc là trước sự đe dọa rõ ràng về việc phủ quyết thì vấn đề căn cứ vào việc bỏ phiếu đã trở thành một cứu xét phụ thuộc”.

Ngoại trưởng Pháp cũng thế, vào cùng ngày, qua Đài Phát Thanh Âu Châu 1 đã nói là “Pháp không thể chấp nhận quyết định được bàn đến ở Nữu Ước… ra những điều kiện đòi buộc tối hậu (ultimatum) có ý định tự động sử dụng võ lực. Pháp đã nói Pháp sẽ làm gì (nếu bản quyết định ấy được đưa ra)”. Theo vị ngoại trưởng này thì cuộc khủng hoảng hiện nay là cuộc khủng hoảng xẩy ra với Iraq chứ không phải giữa Pháp và US hay Pháp với UK. Vị ngoại trưởng này cũng lấy làm lạ là tại sao phe chủ chiến không lưu tâm đến những tiến triển nơi việc thanh tra. Thế nhưng, ông cảnh giác là “một quốc gia có thể thắng trận chiến nhưng để chiếm được hòa bình thì cần phải có hơn một quốc gia”. Pháp đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp vào Ngày Thứ Ba 18/3/2003 để ấn định thời hạn cho việc giải giới ôn hòa vấn đề Iraq. Chiều Thứ Hai, vị ngoại trưởng Pháp cho biết thêm là Pháp rất tiếc khi thấy US và đồng minh của US quyết định loại bỏ vấn đề ngoại giao: “Mặc dù thấy được rõ ràng ý muốn hiển nhiên của cộng đồng quốc tế, US, UK và TBN hôm nay vẫn cương quyết tiến đến chỗ sử dụng võ lực. Pháp rất cho một quyết định không có gì biện minh này hôm nay và là một quyết định có thể sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho miền ấy cũng như cho toàn thế giới. Trung thành với niềm xác tín của mình, Pháp tái xác nhận là trong bất cứ trường hợp nào, Liên Hiệp Quốc, một thẩm quyền quốc tế duy nhất, phải đóng vai trò chính yếu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Iraq”.

Vị lãnh sự Pháp ở LHQ Jean-Marc de La Sabliere đã nói, US, UK và TBN “đã nhận thấy là đa số quốc gia trong hội đồng chống lại bản quyết định cho phép sử dụng võ lực. Hiện nay không hợp lý trong việc cho phép sử dụng võ lực trong khi các việc thanh tra được phác họa bởi bản quyết định (1441) đang mang lại kết quả. Các nước đồng bảo trợ cho bản quyết định mới đã thực hiện việc tham vấn đêm hôm qua và sáng nay, nhưng kết quả cho thấy là đa số trong hội đồng đều khẳng định là họ không muốn cho phép chiến tranh xẩy ra”.

Sau khi phe chủ chiến không chấp nhận việc bỏ phiếu cho bản quyết định sử dụng võ lực của họ, ngoại trưởng Nga Igor Ivanov lên tiếng từ Moscow như sau: “Chúng tôi tin rằng việc sử dụng võ lực tấn công Iraq, nhất là căn cứ vào những quyết định trước đây của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là những gì không có cơ sở, kể cả cơ sở về pháp lý. Bản Quyết Định 1441, trong đó đã trích dẫn rất nhiều, không cho phép ai có quyền tự động sử dụng võ lực”. Trước tình hình khẩn trương và áp lực của phe chủ chiến, Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Hai cũng nói là Nga tiếp tục ủng hộ giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng này mà thôi, ngoài ra “bất cứ giải quyết nào khác đều sai lầm, với những hậu quả trầm trọng nhất gây ra tử thương và khiến tình hình chung thế giới bất ổn ”.

Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder cho Đài Truyền Hình ZDF biết vào chiều tối hôm Chúa Nhật là ông tiếp tục “chiến đấu tranh đấu cho việc giải giới ôn hòa”. Vị lãnh sự của nước này ở LHQ là Gunner Plugger cũng nói vấn đề quan trọng là thực hiện “100% nỗ lực” cho dù chỉ còn “1% cơ hội kiến tạo hòa bình”.

Mặc dù có những diễn biến cấp thời về quân sự, phe chủ hòa Pháp-Nga-Đức đã xin HĐBA họp vào Thứ Tư 19/3/2003 để phác họa những vấn đề chính yếu và thời hạn để giải giới Iraq như phe này đã nêu lên trong Bản Phụ Đính trước đây.

Ngoại trưởng Trung Hoa Li Zhaoxing nói: “Chúng tôi kêu gọi thực hiện một cuộc giải quyết chính trị cho vấn đề Iraq trong phạm vi của Liên Hiệp Quốc và tha thiết kêu gọi tận dụng mọi nỗ lực để tránh chiến tranh”.

Trong cuộc họp của Quốc Hội Canada hôm Thứ Hai, Thủ Tướng Jean Chretien đã nói: “Nếu xẩy ra việc sử dụng quân lực ở Iraq mà không có bảnn quyết định mới của Liên Hiệp Quốc thì Canada sẽ không góp phần”.

Vị lãnh sự của Khối Liên Minh Ả Rập cho biết: “Đây là một ngày rất trầm trọng. Đây là một ngày luật lệ quốc tế đã bị tẩy chay. Chiến tranh sẽ không giải quyết vấn đề này được. Tiếc thay những kẻ đang tiến đến chỗ chiến tranh sẽ thấy mình rất khó lòng mà thoát khỏi nó”.

Thứ Hai, 15 quốc gia hội viên HĐBA đã họp kín, cuối cùng vị Chủ Tịch của Hội Đồng này là Mamady Traore đã cho biết họ quyết đinh trở lại vào sáng Thứ Tư để bàn đến chương trình hoạt động của các thanh tra vũ khí, mặc dù vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông đã ra lệnh cho các thanh tra viên rút khỏi Iraq. Và các thanh tra viên sửa soạn rời Iraq vào Thứ Ba, 18/3/2003. Vị Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đã lập lại chủ trương của mình là nếu cuộc chiến tranh xẩy ra ở vùng này không được cơ cấu quốc tế chấp thuận thì “tính cách hợp lý của nó cần phải được đặt lại”. Ông Anna đã cho các phóng viên báo chí biết rằng: “Rõ ràng là chúng ta thấy được đường cùng ở đây. Tôi vừa thông báo với hội đồng rằng chúng tôi sẽ rút các thanh tra viên UNMOVIC và IAEA ra khỏi Iraq. Chúng tôi sẽ rút các cán sự nhân đạo của LHQ ra khỏi Iraq. Đó là một ngày buồn thảm cho hết mọi người. Chiến tranh bao giờ cũng là một thảm họa. Mục đích của những việc rút lui này là ở chỗ các phận sự của LHQ sẽ bị đình chỉ vì không thể thực hiện”.
 

Về phần Iraq, trước tình hình hết sức căng thẳng và khẩn cấp, họ vẫn bình tĩnh và sẵn sàng chiến đấu, một là chiến thắng hai là tử đạo. Qua cuộc truyền hình toàn quốc, dân chúng thấy Tổng Thống Saddam Hussein nói với các vị tướng lãnh là: “Nếu Chúa muốn, với Ngài, chúng ta sẽ chiến đấu với họ bằng dao găm, gươm kiếm và gậy gộc nếu không còn những thứ khí giới khác. Nếu đám giặc khai chiến ở một bình diện rộng lớn, chúng ta sẽ nghênh chiến ở bất cứ nơi nào có bầu trời, đất đai và nước chảy trên toàn cõi Trái Đất này”. Vị Tổng Thống này, cũng vào hôm Chúa Nhật này, vẫn cương quyết phủ nhận những lời cáo buộc của US và UK cho rằng Iraq có cả đống những thứ vụ khí đại công phá, và cho những lời cáo buộc ấy là “một thứ đại gian dối”: “Phải chăng những thứ khí giới đại công phá là một cái kim có thể được dấu ở dưới mũ đội hay khăn đội đầu của một phụ nữ già ở nhà nên các thanh tra viên không thể tìm thấy chúng?” Ông cho biết Iraq thật sự đã có các loại vũ khí đại công phá này nhưng chúng đã bị hủy hoại hết rồi. Vị tổng thống này cũng đã mời hai ông trưởng ban thanh tra Blix và ElBaradei đến Baghdad hôm Thứ Hai 17/3/2003.

Ngoại trưởng Iraq Naji Sabri cho biết Baghdad đã sửa soạn cho chiến tranh, và các viên chức chính quyền đã có đủ lương thực cho 4 triệu người dân trong vòng 5 tháng. Ông nói: “Ở Iraq chúng tôi vẫn sẵn sàng cả hai đầu. Trước hết là hoàn toàn hợp tác với các thanh tra viên, để họ có thể làm trọn các nhiệm vụ của họ theo bản quyết định của Liên Hiệp Quốc, điều này là một dấn thân rõ ràng. Thứ đến, chúng tôi sửa soạn để ra tay hạ thành phần tấn công ở sa mạc Iraq. Những ai đặt chân lên Iraq sẽ không còn mạng trở về”. Trong khi Tổng Thống Bush ra lệnh cho Tổng Thống Saddam Hussein rút lui để tránh chiến tranh thì vị ngoại trưởng Iraq này lên tiếng ngược lại cho rằng Tổng Thống Bush phải rút lui: “Ông ta phải ra đi. Hắn phải thôi làm tổng thống để nhân dân Hoa Kỳ sống yên ổn với các quốc gia khác, chứ không phải một cuộc sống hung hăng, một chính sách ngông cuồng chống lại các quốc gia khác. Chính sách ấy chỉ mang lại cho Hiệp Chủng Quốc những tan nát mà thôi. Vậy, để cho Hiệp Chủng Quốc sống một cách xứng hợp trên thế giới cũng như để cho các quốc gia trên thế giới sống trong hòa bình thì con người điên khùng này phải ra đi… Nếu vị tổng thư ký LHQ rút các thanh tra viên khỏi Baghdad… thì điều này có nghĩa là vị tổng thư ký đã bỏ trách nhiệm của mình trong việc bảo trì hòa bình và an ninh trên thế giới”.

Nhận Định của thoidiemmaria.net:

Theo diễn tiến cho thấy, phe chủ chiến cảm thấy không thể thuyết phục bằng đường lối ngoại giao nên đã không mang bản quyết định võ lực của họ ra bàn với HĐBA/LHQ nữa. Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh của phe này, họ còn có ý định thử ngoại giao lần cuối vào Thứ Hai 17/3/2003. Như thế, vấn đề ngoại giao bị tắc nghẽn không phải là do phe chủ hòa, vì phe này vẫn muốn nói chuyện. Như Pháp đã kêu gọi một cuộc họp khẩn trương của HĐBA vào Thứ Ba 18/3/2003. Vấn đề ngắc ngứ ngoại giao ở đây là vấn đề bất đồng về cả nguyên tắc lẫn áp dụng hoạt động.

Thật vậy, có mang ra bàn thảo lần nữa thì hai bên vẫn bất đồng với nhau về nguyên tắc, phe chủ chiến cứ nhất định giải giới Iraq bằng võ lực vì Iraq có những thứ vũ khí đại công phá lại không chịu tự động giải giới; nhưng phe chủ hòa lại muốn giải giới Iraq bằng việc thanh tra theo bản quyết định 1441 của HĐBA ngày 27/11/2002 để xem Iraq thực sự có những thứ vũ khí như phe chủ chiến cáo buộc hay chăng, nếu có thì Iraq có chịu giải giới như họ đã thực hiện hủy các phi đạn tầm xa từ ngày 1/3/2003 tới hay hay chăng, nếu không mới tính chuyện sau. Ngoài việc bất đồng về nguyên tắc giữa hai phe chủ chiến US-UK-TBN và phe chủ hòa Pháp-Nga-Đức, vấn đề ngoại giao cũng vẫn bị ngắc ngứ về phương diện thời hạn giải giới nữa, một vấn đề mà phe trung lập trong HĐBA muốn 45 ngày và chính ông Blix đã hứa đưa ra bản Chương Trình Hoạt Động vào cuộc họp của HĐBA Thứ Ba 18/3/2003 để cụ thể hóa và hạn định rõ vấn đề giải giới Iraq, trong khi đó phe chủ chiến lại muốn giải giới ngay, bằng không Saddam Hussein phải ra đi.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao phe chủ chiến lại vội vàng như thế? Phải chăng, trước hết, lý do sâu xa là vì phe này (US và UK) không muốn thế giới thấy rằng những lời cáo buộc của họ là gian dối, nếu ban thanh tra sau ngày hạn định không khám phá ra gì và Iraq càng ngày càng tỏ ra tích cực hợp tác, một thái độ hết sức bất lợi cho họ trước mắt thế giới; lý do trước mắt đó là lực lượng quân sự của họ dàn trận ở Vùng Vịnh càng ngày càng tốn kém và xuống tinh thần, còn trong nước thì kinh tế càng xuống, (giá xăng và phân lời tiết kiệm cũng như lãi xuất vay mượn xuống thấp chưa từng thấy), ngoài nước thì bị chống đối khắp nơi; lý do liên hệ nữa là vấn đề Tổng Thống Saddam Hussein cần phải được thay thế, một vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia, mà lại được lệnh của một vị Tổng Thống thuộc đệ nhất siêu cường (chứ không phải Liên Hiệp Quốc là thẩm quyền quốc tế chính thức) bắt phải bãi nhiệm và xuất ngoại bằng không sẽ cho toàn dân của vị tổng thống này một trận chí tử thì quả thực luật rừng trong thế giới văn minh ngày nay. Những thái độ cao ngạo và bạo quyền như vậy đã không phải là lý do tại sao vấn đề ngoại giao ở HĐBA đã bị tắc nghẹn hay sao?

Ngoài ra, thái độ cao ngạo và bạo quyền của một đệ nhất siêu cường này còn tỏ ra coi thường tất cả mọi người, trước hết là thế giá của các thanh tra viên nữa, cho họ là vô dụng vì không tìm ra những thứ phe chủ chiến cáo giác. Tại sao những gì Iraq tỏ ra thiện chí cộng tác với thanh tra viên thì chính phủ Bush cho là lừa đảo, trong khi những cáo giác của Hoa Kỳ đổ cho Iraq lại là xác đáng, chính đáng, không phải là cao ngạo và bạo quyền đối với một tiểu nhược quốc là gì? Tại sao những lời đề nghị giải giới ôn hòa của phe cường quốc chủ hòa và cả những lời đề nghị của phe trung lập thuộc các tiểu quốc cho hạn giải giới dài hơn đều không bị phe chủ chiến phủ quyết mà chỉ có những gì phe này phác ra mới đáng chấp nhận và phải chấp nhận, bằng không thì cho các “you” ra chỗ khác chơi, không phải là thái độ cao ngạo và bạo quyền đối với các thành viên như mình là gì? Đúng là thái độ của kẻ cả, của đế quốc, một thái độ ngang nhiên tỏ ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt thiên hạ. Tại sao lại cứ nhất định tấn công Iraq cho bằng được, trong khi Iraq chẳng có gì gọi là nguy hiểm đến nơi (imminent threat), trái lại, Iraq còn tỏ ra hợp tác hơn với Liên Hiệp Quốc? Việc Hoa Kỳ tự động yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải rút nhân viên thanh tra của LHQ ra khỏi Iraq, không phải là thái độ cao ngạo và bạo quyền hay sao? Chắc chắn phải có âm mưu gì trong vụ này?

Chưa hết, thái độ của một đệ nhất siêu cường này chẳng những cao ngạo và bạo quyền mà còn độc ác vô nhân đạo nữa, vì bất chấp mọi hậu quả, kể cả việc sát hại vô số thường dân Iraq vô tội vốn đã nghèo cực bởi 12 năm bị cấm vận, việc làm tăng thêm nạn khủng bố là những gì họ đang tính dẹp, việc làm cho vùng Trung Đông đã vốn bất ổn càng thêm bạo loạn, nhất là việc khinh thường cả thế giới, biến thế giới này thành một khu rừng man rợ mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Cái lợi của cuộc chiến ám muội này là gì? Chỉ là để giải giới Iraq? Thế nhưng thanh tra viên đang xem Iraq có khí giới cấm không để giải giới thì tại sao lại báo động họ phải ra khỏi Iraq, không cho họ làm việc của họ nữa? Phe chủ chiến không trả lời được cái lợi hơn cái hại ở chỗ nào và tới đâu để biện minh cho thứ chiến tranh ngăn ngừa của mình, trong khi cả thế giới thấy rõ điều ấy, đã lên tiếng phản đối qua các cuộc xuống đường từ 6 tháng nay, hay đã lên tiếng cảnh giác qua các vị lãnh đạo tôn giáo, kể cả các vị lãnh đạo tôn giáo của phe chủ chiến, mà họ vẫn không chịu lắng nghe, trái lại, cứ đâm đầu vào những mưu đồ đen tối của mình!

Thế nhưng, chính trong giây phút ngộp thở của lịch sử nhân loại sắp sửa sang trang này đây, Đấng ban sự sống sẽ làm việc của Ngài để canh tân bộ mặt trái đất theo đường lối và ý nhiệm của Ngài. Phải chăng chi tiết cuối cùng trong Bí Mật Fatima phần thứ hai sắp được thực hiện: “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được ban cho thời gian hòa bình”? Và phải chăng “một thời gian hòa bình” này là thời gian từ khi Nước Nga trở lại ngày 25/12/1991 cho tới nay, Mùa Chay 2003, sắp sửa chấm dứt? 

Nếu thực sự chính phủ Bush, với một lực lượng quân sự khổng lồ, cậy mình siêu cường về chính trị và kinh tế, nhất định ngang nhiên bất chấp quyền bính quốc tế là Liên Hiệp Quốc, tấn công một nước Iraq nhược tiểu yếu thế hơn mình về đủ mọi mặt, thì phải chăng “ông trời không có mắt” hay “trời là Hoa Kỳ, là một con người mang tên George Bush”? Cứ để xem ai là ông trời! Cứ để xem ông trời có mắt hay chăng? Cuộc chiến này sẽ là một bằng chứng cụ thể, hiển nhiên và không thể phủ nhận được sự hiện diện của Đấng Tối Cao trên thế gian này, Đấng Quan Phòng mọi sự, Đấng làm chủ lịch sử loài người. Ở chỗ, như những gì Mẹ Maria đã thâm tín và tuyên xưng trong Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ: “Chúa đã (sẽ) ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của họ. Chúa đã (sẽ) hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao, và nâng người hèn mọn lên. Chúa đã (sẽ) cho người đói khó no đầy thiện hảo và để người giầu có trở về tay không” (Lk 1:51-53).

 

17/3 Thứ Hai

 Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay: Lại Kêu Gọi Hòa Bình

Anh Chị Em thân mến!

1. Hôm qua, Tuần Phòng đã chấn dứt ở Điện Giáo Hoàng đây. Đó là những ngày trầm lắng suy tư và lắng nghe Lời Chúa.

Đề tài của những bài suy niệm được chọn là sự thật chính yếu của đức tin Kitô Giáo: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Trong thinh lặng nguyện cầu, chúng tôi đã có thể chiêm niệm lâu dài Tin Mừng được thế giới lúc nào cũng cần đến này. Chúng ta không được mất lòng tin tưởng, khi đối diện với một nhân loại được đánh dấu bằng những chênh lệch trầm trọng và quá nhiều bạo động: Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu chiếu soi hoàn toàn rạng rỡ trên dung nhan của Chúa Kitô, được phản ảnh một cách trung thực và xót thương trên thế giới này.

2. Chỉ có Chúa Kitô mới có thể canh tân cõi lòng và ban lại hy vọng cho các dân tộc. Phụng vụ hôm nay, khi trình bày biến cố mầu nhiệm Biến Hình, đã khiến chúng ta có thể cảm nghiệm được quyền lực của ánh sáng Người, một quyền lực ánh sáng chế ngự tối tăm của tăm tối và sự dữ.

Từ quan điểm đức tin này, Tôi muốn lập lại lời kêu gọi thiết tha về việc tăng thêm lời nguyện cầu và thống hối, để kêu cầu Chúa Kitô tặng ân hòa bình. Không thể nào có hòa bình nếu không biết hoán cải cõi lòng.

Mấy ngày tới đây sẽ là những ngày quyết liệt cho thấy thành quả của cuộc khủng hoảng Iraq. Bởi thế, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa soi sáng cho mọi bên của cuộc giằng co này được ơn can đảm và khôn ngoan.

Các vị lãnh đạo chính trị ở Baghdad chắn chắn phải có nhiệm vụ khẩn trương trong việc hoàn toàn hợp tác với cộng đồng thế giới, hầu loại trừ mọi nguyên nhân đưa đến một cuộc can thiệp bằng võ lực. Tôi muốn ngỏ lời thiết tha kêu gọi họ là xin hãy luôn đặt số phận của những người công dân của mình trên hết!

Thế nhưng, Tôi cũng xin nhắc các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt những nước thuộc Hội Đồng Bảo An biện pháp cuối cùng mới đến việc sử dụng võ lực, sau khi đã thử hết mọi giải pháp, hợp với những nguyên tắc rõ ràng của chính Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Đây là lý do tại sao, trước những hậu quả khủng khiếp do cuộc quốc tế ra quân gây ra cho nhân dân Iraq, cho tình trạng quân bình của toàn vùng Trung Đông vốn đã bị thử thách đớn đau, cũng như cho những trào lưu cực đoan sau đó, Tôi muốn nói với tất cả mọi người là Vẫn còn thời gian để thương thảo; vẫn còn chỗ cho hòa bình; không bao giờ quá trễ để tiến tới chỗ hiểu biết và tiếp tục những cuộc bàn luận.

Việc suy nghĩ về nhiệm vụ của mình, việc dấn thân nhiệt tình thương thảo không có nghĩa là chịu ô nhục mà là hoạt động cho hòa bình một cách có trách nhiệm.

Hơn nữa, Kitô hữu chúng ta xác tín rằng hòa bình thực sự và bền vững không phải chỉ là hoa trái, cho dù là cần thiết, của những hiệp ước chính trị và sự hiểu biết giữa cá nhân cũng như giữa các dân tộc, mà là tặng ân của Thiên Chúa ban cho tất cả những ai thuận phục Ngài và khiêm nhượng tri ân chấp nhận ánh sáng tình yêu của Ngài.

3. Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy tin tưởng tiến bước trong cuộc hành trình Mùa Chay của chúng ta. Xin Rất Thánh Nữ Maria xin cho chúng ta ơn đừng để cho Mùa Chay này trở thành một thời gian chiến tranh đáng buồn, mà là một giai đoạn của lòng can trường nỗ lực hoán cải và hòa bình. Chúng ta phó dâng ý chỉ này cho lời chuyển cầu của Thánh Giuse là Đấng chúng ta sẽ long trọng cử hành lễ kính vào Thứ Tư tới đây.

(Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

Tôi thuộc về thế hệ trải qua Thế Chiến Thứ Hai và nhờ Chúa vẫn còn sống sót. Tôi có nhiệm vụ nói với tất cả mọi giới trẻ, với những ai trẻ trung hơn Tôi, thành phần chưa có kinh nghiệm này là: “Đừng có đánh nhau nữa!”, như Đức Phaolô VI đã nói trong lần đầu tiên Ngài viếng thăm Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải làm mọi sự có thể! Chúng ta quá biết rằng hòa bình không thể xẩy ra ở bất cứ giá nào. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều biết trách nhiệm này nặng nề biết bao- bởi thế, hãy nguyện cầu và thống hối!

ĐHY Laghi tường trình với ĐTC sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống Bush

Thứ Bảy 15/3/2003 vừa rồi, Đức Hồng Y sứ giả Laghi mới có dịp dùng bữa với Đức Giáo Hoàng, (không thể sớm hơn vì Ngài đang ở trong tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay), để tường trình về cuộc gặp gỡ Tổng Thống Bush. Sau đó, ĐHY cho biết “vấn đề hòa bình bao giờ cũng được Đức Giáo Hoàng nhớ đến ở lời nguyện cầu của Ngài trong tuần phòng mà tôi cũng được tham dự”. ĐHY hy vọng là ba vị lãnh đạo phe chủ chiến họp nhau vào Ngày Chúa Nhật 16/3/2003 sẽ lắng nghe những lời Đức Thánh Cha đã chia sẻ với họ… Chúng tga nhấn mạnh đến việc giải giới Iraq thế nhưng chúng ta hy vọng việc này có thể được thực hiện mà không xẩy ra chiến tranh. Tôi đã bày tỏ niềm hy vọng này với ông Bush, và niềm hy vọng này vẫn còn: Chúng ta đừng bỏ mất niềm hy vọng, dĩ nhiên hôm nay đây các thứ đã trở nên hết sức phức tạp”. Đức Giáo Hoàng sợ rằng “Trung Đông sẽ bất ổn và cuộc chiến tranh với Iraq có thể xẩy ra sẽ đánh dấu cuộc mở màn cho một tình trạng bất khả điều khiển”.

Ngày Sinh Viên Đại Học Âu Châu Lần Nhất

Ngày này sẽ được tổ chức vào Thứ Bảy 15/3/2003 tại Sảnh Đường Phaolô VI, do Ban Trung Ương Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, Ủy Ban Các Tuyên Úy Đại Học Âu Châu và Văn Phòng Mục Vụ Các Đại Học của Vicariate Rôma đồng bảo trợ, với đề tài “Đức Ái Tri Thức, Linh Hồn của Tân Âu Châu”. Cuộc họp này sẽ được bắt đầu vào lúc 6 giờ chiều ngày 13/5, với những bài suy niệm về Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của ĐTC, cũng như về 6 vị thánh đồng quan thày của Âu Châu là Biển Đức, Catarina Sienna, Cyrilô và Mêthôđiô, Bridget và Edith Stein. ĐTC sẽ đến tham dự vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy 15/3/2003, sau Tuần Phòng năm của Ngài, và chủ tọa buổi lần hạt Mân Côi năm Mầu Nhiệm Ánh Sáng, sau đó Ngài ban huấn từ cho họ. Hàng ngàn giới trẻ ở Cologne, Đức; Krakow, Balan; Fatima, Bồ Đào Nha; Uppsala, Thụy Điển; Bratislava, Slovakia; và Vienna, Áo đã theo dõi Ngài qua hệ thống trực tiếp truyền hình sống động. Trong bài huấn từ Ngài đã nói đến Ngày Giới Trẻ 20 năm 2005.

“Tôi cám ơn ĐHY Cologne, Joachim Meisner đã mời Tôi, vì Tôi tin rằng lời mời này cũng được ngỏ cùng Tôi, mặc dù Tôi không còn trẻ nữa như các bạn thấy”. Câu nói này làm vang lên tràng pháo tay của tham dự viên.

“Giới trẻ Kitô hữu được mời gọi để loan báo chứng từ cho Chúa Kitô của họ và là những kiến trúc sư của mối hiệp nhất trong đa dạng, của tự do trong chân lý cũng như của hòa bình trong công chính, một thứ hòa bình thế giới đặc biệt cần đến”. ĐTC cũng kêu gọi giới trẻ Âu Châu hãy trung thành “với những nguyên tắc thiêng liêng và luân lý đã tác động các vị tiền bối của khối hiệp nhất Âu Châu”. Ngài cho thấy Âu Châu đang trải qua một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nó, bởi thế, giới trẻ phải góp phần của mình. ĐTC cũng mới các sinh viên hãy tham dự buổi lần hạt Mân Côi vào ngày 10/4/2003, “một cơ hội nguyện cầu và cử hành” ở Quảng Trường Thánh Phêrô để “có thể thay đổi định mệnh thế giới”.
 

Hóa giải công thức luân-lý/chính-trị: Bush/Saddam = tự-động-giải-giới/chiến-tranh-ngăn-ngừa
- Cả một thế giới văn minh đầy những biến-động/bấn-loạn!

Sau cả một tuần lễ bị bí tắc không thể tiến tới việc bỏ phiếu chấp thuận bản quyết định mới của mình như lòng mong ước, cũng như trước ngày Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) họp lại vào Thứ Ba 18/3/2003 để nghe ban thanh tra vũ khí trình bày Bản Chương Trình Hoạt Động như phe phản chiến Pháp-Nga-Đức đề nghị trong Bản Phụ Đính ngày 24/2/2003 và như ông trưởng ban thanh tra Hanoias Blix hứa hẹn trong bản tường trình ngày 7/3/2003, phe chủ chiến Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (US: United States of America), Hiệp Vương Quốc Đại Anh (UK: United Kingdoms of Great Britain) và TBN (Spain Tây Ban Nha) đã thực hiện một cuộc họp thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo của ba quốc gia này ở Terceira, một đảo ở Azones Bồ Đào Nha ở ngoài khơi Đại Tây Dương. Mục đích của cuộc

họp này, theo phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc cho biết là “để bàn cách hay nhất trong việc dứt khoát tiến tới chỗ cho Saddam Hussein biết rằng nếu ông ta không chịu giải giới ông ta sẽ phải hứng chịu hậu quả trầm trọng”. Bởi thế, cũng theo nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc, nhất là từ bà cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, thì nội dung của cuộc họp thượng đỉnh này chẳng những sẽ bàn đến việc giải giới Iraq bằng cách nêu lên ngày hạn định dứt khoát cho việc giải giới này, mà còn bàn đến vấn đề quyết liệt nữa là làm sao cho bản quyết định của họ được HĐBA/LHQ thông qua, bằng không họ sẽ tự động ra tay giải giới bất cần LHQ, vì Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Blair cho rằng các bản quyết định trước đây của LHQ đã cho họ quyền hạn ra quân này rồi.

Thế nhưng, phe chủ hòa cũng là phe phản chiến Pháp-Nga-Đức, hôm Thứ Bảy 15/3/2003, đã phổ biến một bản tuyên ngôn chung lập lại chủ trương của họ từ trước đến nay, một chủ trương đã được minh định rõ trong Bản Tuyên Ngôn ngày 10/2/2003, nói rằng: “Chúng tôi tái xác nhận là tình hình hiện nay không có gì biện minh cho việc chặn đứng tiến trình thanh tra vũ khí để sử dụng võ lực. Việc sử dụng võ lực chỉ là biện pháp cuối cùng mà thôi. Chúng tôi long trọng kêu gọi tất cả mọi phần tử của Hội Đồng này hãy làm mọi sự có thể” để thực hiện việc giải giới ôn hòa ở Iraq”. Ba quốc gia phản chiến này đề nghị các vị ngoại trưởng bàn đến “những ưu tiên giải giới và phác họa lịch trình triệt để và thực tế” cho việc giải giới.

Trong khi đó, ở Iraq, ngoại trưởng Đức hôm Chúa Nhật, 16/3/2003, đã kêu gọi dân Đức hãy rời Iraq. Theo vị phát ngôn viên của Tòa Lãnh Sự Đức thì có khoảng 40 người Đức, hầu hết là phóng viên báo chí đang ở Iraq. Cũng vào ngày Chúa Nhật này, Hội Đồng Chỉ Huy Cách Mạng ở Baghdad đã ra lệnh cả nước ở trong tình trạng sửa soạn ngênh chiến, và chia Iraq ra làm bốn vùng chiến thuật, mỗi vùng có một vị lãnh đạo riêng. Chính Tổng Thống Saddam Hussein chỉ huy không quân và các đơn vị phi đạn tấm xa. Con trai của ông là Qusay chỉ huy vùng thủ đô Baghdad. Bản sắc lệnh tuyên bố mục đích thực hiện việc sửa soạn nghênh chiến này như sau: “Việc này được thực hiện để đẩy lui và tiêu diệt bất cứ một cuộc tấn công ngoại quốc nào”.

Ngoài ra, Iraq hôm Thứ Bảy 15/3/2003, cũng đã mời hai ông trưởng ban thanh tra Hans Blix của ủy ban UNMOVIC và ông ElBaradei của cơ quan IAEA đến thăm Baghdad “sớm bao nhiêu có thể” để bàn đến những vấn đề giải giới còn lại. Bức thư mời của Iraq cho biết Iraq đã đạt được “tiến bộ đáng kể” về các vấn đề được đề cập đến trong bức thư ngày 6/3/2003 của UNMOVIC. Ngoài ra, theo phát ngôn viên LHQ là ông Hiro Ueki cho biết hôm Thứ Bảy 15/3/2003, Iraq cũng cho ban thanh tra vũ khí biết thêm 183 khoa học gia có liên quan đến các chương trình vũ khí hóa chất, nâng con số các khoa học gia lên 315 vị được Iraq tiết lộ, chỉ còn thiết 10 vị nữa là đủ số người LHQ yêu cầu cần phỏng vấn. Iraq cũng đã hủy hoại cho tới nay là 68 phi đạn tầm xa Al Samoud 2 từ ngày 1/3/2003 theo lệnh của ban thanh tra.

Ông Blix cho biết ông và ông ElBaradei vào cuối tuần này sẽ bàn đến những gì Iraq cống hiến. Được hỏi đây có phải là cuối tuần lễ cuối cùng của các thanh tra viên làm việc ở Iraq hay chăng, ông Blix cho biết: “Tôi hy vọng là chúng tôi có thể tiếp tục, thế nhưng chúng ta hãy chờ xem. Vấn đề không phải hoàn toàn ở trong tay của chúng tôi”.

Một lần nữa, thế giới khắp nơi lại nhộn lên về vấn đề Iraq nhức nhối. Những lần trước, các cuộc xuống đường biểu tình hoàn toàn phản chiến, lần này có thêm một số phò chiến.

Ở Âu Châu, như tại Tây Ban Nha, cả trăm ngàn người tập trung ở thủ đô Maní hô hoán câu “No a La Guerra!” – “No to War”. Cuộc xuống đường vĩ đại này xẩy ra là để nhắc nhở vị Thủ Tướng của họ là José Maria Aznar biết rằng nhiều người trong xứ sở của ông ta phản đối việc ông ta theo phe chủ chiến để giải giới Iraq. Những cuộc phản chiến lớn cũng xẩy ra ở Bỉ, Đức, Thụy Điển, Pháp, Nga và Hiệp Vương Quốc. Ở UK, những cuộc diễn hành xẩy ra ở Luân Đôn, Portsmouth, Leeds, York, Exeter và Newscastle. Ở Nga, những đảng viên cộng sản và cấp tiến thiên tả cũng xuống đường với những lá cờ mầu đỏ và các bảng hiệu như: “Hiệp Chủng Quốc – Tên Khủng Bố”, “Hãy Buông Iraq ra”, “Treo Bush lên”. Một phần của nhóm xuống đường đứng bên kia đường của Tòa Ngoại Giao Nga hô hoán: “Không chấp nhận chiến tranh ở Iraq”, “Hiệp Chủng Quốc là một nhà vệ sinh, chiến thắng sẽ về tay chúng ta”. Sau đó, họ diễn hành từ Tòa Ngoại Giao Nga tới Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, mang theo những lá cờ Iraq bự để hợp với nhóm xuống đường đang diễn ra ở đó. Đám đông theo cảnh sát ước lượng khoảng 1 ngàn người. Theo các cuộc thăm dò cho thấy 90% dân Nga chống chiến tranh, tuy nhiên, cũng có một ít cuộc xuống đường phò chiến.

Tại các nước Ả Rập Hồi Giáo, như ở những đường phố Amman nước Jordan cũng có những người phản chiến tiến về văn phòng LHQ ở đây, cầm những bảng hiệu yêu cấu các quân đoàn của Hoa Kỳ ra ra khỏi vùng Trung Đông, hay ở Pakistan là nơi chính phủ đang phò chiến. Cả chục ngàn người Yemen đã nghe Tổng Thống Ali Abdullah Saled kêu gọi đã tụ họp xuống đường. Ở Hy Lạp, những người Cypriot cũng diễn hành tới tòa lãnh sự của Hoa Kỳ để mắc vào hàng rào của trụ sở này những tấm vải với những lời phản chiến. Ở Iraq, thủ đô Baghdad Iraq, hàng ngàn người do Đảng của Tổng Thống Saddam Hussein vận động cũng xuống đường phản chiến, đánh trống, thổi kèn và nhẩy múa như ngày hội. Những cuộc phản chiến tương tự cũng diễn ra ở Karbala, Najaf và Babil. Đặc biệt cả trăm ngàn người cũng đã diễn hành ở Tikrit quê của Tổng Thống Saddam Hussein, mang hình ảnh của vị tổng thống này và hát “chúng tôi yêu Saddam”. Một người xuống đường tên Abdullat Rasheed al-Haza’a cho biết: “Chúng tôi tìm một trong hai điều: một là chiến thắng hai là tử đạo”.

Tại các nước Á Châu, như tại thủ đô Tokyo Nhật Bản có cả 10 ngàn người phản chiến chống lại ý đồ của Hoa Kỳ và kể cả chủ trương phò chiến của chính phủ Nhật. Một số mặc y phục cổ truyền, và một số mang các bảng hiệu “Hãy chấm dứt cuộc tấn công khùng dại”. Cuộc xuống đường được các người đi lại trên đường phố vỗ tay hoan hô. Hai ngàn người Nam Hàn đã quăng những con chim bồ câu bằng giấy lên trời đêm ở thủ đô Seoul. Ở Hồng Kông có khoảng 300 người đeo những thùng dầu như muốn chế nhạo chiến tranh là vì dầu hỏa chứ không phải vì vấn đề giải giới Iraq. Ở thủ đô Bangkok Thái Lan khoảng 1 ngàn người phản chiến xuống đường ở bên ngoài văn phòng LHQ.

Ở Úc Châu, hơn 4 ngàn người diễn hành tại các thành phố chính Christchurch (hơn 3 ngàn) và Dunedin (chừng 1 ngàn) thuộc miền nam xứ Tân Tây Lan hát hò “hãy cho hòa bình một cơ hội”. Ở Úc cũng có vài ngàn người trên toàn tiểu bang Victoria, trong đó, cuộc xuống đường lớn nhất diễn ra tại Traralgon, chừng 1500 người. Ở Melbourne, thành phần phản chiến tổ chức canh thức, sinh hoạt ngoài trời, các bài thuyết giảng và diễn hành.

Ở Bắc Mỹ, như tại Canada có cả chục ngàn người phản chiến tại Montreal, cuộc xuống đường lớn nhất trong số những vụ diễn ra ở hơn 40 thành phố khác. Hầu hết là phản chiến, chỉ có một số nhỏ là phò chiến.

Riêng ở Hoa Kỳ, như tại Nữu Ước, Hoa Thịnh Đốn và San Francisco, cũng có những cuộc xuống đường phản chiến đông đảo. Ở Hoa Thịnh Đốn, nơi ban tổ chức cho là có 100 ngàn người tham dự, cảnh sát cho khoảng 20 ngàn, ông nguyên đại diện Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ ở tiểu bang Maine, một trong những người tổ chức cuộc xuống đường cho biết: “Chúng ta cần thay đổi chế độ ở Hiệp Chủng Quốc”. Ông này còn thêm Saddam Hussein phải được xử tội ác chiến tranh. Nhiều người tham dự cuộc xuống đường này bày tỏ mối quan tâm về 250 ngàn quân tham gia trong cuộc chiến có thể sẽ xẩy ra, như của bà Ferris Donoso ở Rockport tiểu bang Maine: “Chúng ta không được gửi họ đi đến đó trừ phi chúng ta biết điều đó đáng làm. Đây là những người bỏ lại gia đình của mình. Tôi sẽ không kêu gọi họ tranh đấu cho cuộc chiến này”. Bà này mang bảng hiệu với hàng chữ “Ủng hộ quân đội của chúng ta. Hãy mang họ trở về”. Ở Los Angeles, bất chấp trờ mưa tầm tã cũng có hàng ngàn người tập trung ở phố Los Angeles, nơi mục sư Jesse Jackson lên tiếng chống lại chính phủ Bush như sau: “Với tác động của ý thức hoàn vũ, chúng ta cương quyết ngăn chặn một cuộc chiến tranh không cần thiết. Nếu quốc gia của chúng ta tự ra tay trước xâm chiếm một quốc gia khác mà không có sự đồng ý của thế giới, rồi sát hại và chiếm dân, thì đó là một tội ác chiến tranh, khiến chúng ta trở thành một quốc gia sống ngoài pháp luật”.

Những cuộc phò chiến cũng xẩy ra trong Ngày Thứ Bảy 15/3/2003. Như có chừng mấy tá người đứng ở góc đường Pennsylvania ở Washington. Em Anisley Hargus, 18 tuổi ở Rockville Maryland, cho biết: “Chúng ta cần phải hành động. Cứ ngồi vòng tròn mà hát Kumbaya sẽ không thay đổi được gì cả”. Cuộc phò chiến lớn nhất xẩy ra tại Atlanta, với khoảng 10 ngàn người, phất cờ Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ Bush, hô hoán “U-S-A, U-S-A”. Ở Moundsville, West Virginia có chừng 3 ngàn đến 3 ngàn rưỡi tụ họp lại ủng hộ Tổng Thống Bush. Bà Nancy Doty, một người có 3 anh em trong Thế Chiến II và một người anh em bị chết ở cuộc chiến Đại Hàn, cho biết: “Tôi không thích thấy đám trẻ ra đi, nhưng nếu họ phải đi, tôi ủng hộ họ”. Những cuộc phò chiến cũng xẩy ra ở Boston, Massachusetts; Denver, Colorado; Columbus, Ohio.

Chúa Nhật 16/3/2003, sau cuộc họp thượng đỉnh ngắn tại Azores với Thủ Tướng Tony Blair UK và Thủ Tướng José Maira Aznar TBN hôm nay, Tổng Thống Bush đã tuyên bố là ông hy vọng Liên Hiệp Quốc “sẽ làm việc của mình”, và ông cảnh giác việc Pháp đe dọa phủ quyết bất cứ quyết định nào của phe chủ chiến muốn sử dụng võ lực là “việc sát phạt những quân bài”. Một viên chức Hiệp Vương Quốc cho biết cuộc họp này là “cơ hội cuối cùng cho vấn đề ngoại giao”. Phó Tổng Thống Dick Cheney hôm Chúa Nhật cũng tiết lộ là gần đến lúc Tổng Thống Bush ra tay rồi: “Đối với vị thế chúng ta đang ở bây giờ, cả về ngoại giao cũng như ở cùng đó, thì chúng ta đang tiến đến gần giai đoạn quyết định quan trọng của tổng thống”. Tổng Thống Bush tuyên bố: “Ngày mai là giây phút thế giới biết được sự thật”. Các viên chức cho biết các vị lãnh đạo của phe chủ chiến này cảm thấy rằng cho dù họ có cố gắng dung hòa suốt ngày đêm Thứ Hai 17/3/2003 đi nữa họ cũng khó lòng hy vọng sẽ vượt qua được giải pháp ngoại giao. Cho dù họ có gặt hái được dung hòa cách nào đó qua hội đồng này thì việc ra quân cũng chỉ trong vòng một tuần mà thôi. Ông Bush cho rằng bản quyết định cũng có thể không cần phải bỏ phiếu nữa. Trong bản công bố chung, ba vị lãnh đạo chủ chiến này cho biết: “Nếu Saddam thậm chí cho tới bây giờ không chịu hoàn toàn hợp tác với Liên Hiệp Quốc thì hắn chỉ chuốc các hậu quả trầm trọng vào thân mà thôi”. Tổng Thống Bush nói: “Chế độ Iraq phải tự giải giới hay chế độ Iraq sẽ bị bắt buộc phải giải giới”.

Cũng vào ngày Chúa Nhật này, Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ Colin Powell cho CNN biết những gì liên quan đến cuộc họp thượng đỉnh của ba vị thủ lãnh phe chủ chiến rằng: “Giờ đây màn đang hạ xuống. Chúng ta không thể tiếp tục như thế này nữa. Tiếc thay có những phần tử của hội đồng này cứ nói ‘cho thêm thời gian, cho thêm thời gian’ và ‘các việc thanh tra đang làm được việc’… Võ lực đã từ từ khiến hắn (Saddam Hussein) phải làm một vài điều gì đó. Thế nhưng hắn chẳng làm gì cả vì hắn đã thay đổi chiến thuật chính trị căn bản của hắn. (Tức là nếu không có áp lực quân sự thì ông ta không chịu làm và sẽ quay về với chiến thuật cũ, ông Powell cho biết như thế). Chúng ta hãy nhớ gánh nặng bởi đâu mà ra. Nó bởi Saddam Hussein với 12 năm tác hành sai lạc, 12 năm không chịu tuân hợp với ý muốn của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã từng thấy tất cả những gì nơi Iraq và đã đến lúc phải quyết đoán có còn tiếp tục ngoại giao nữa hay chăng?”. Về vấn đề các phóng viên có đủ thời gian rút khỏi Iraq hay chăng, vị bộ trưởng nội vụ này cho biết họ nên rút lui chẳng những vì cuộc đụng độ mà còn để tránh khỏi bị Saddam Hussein bắt làm con tin. Về vấn đề thời gian có thể xẩy ra chiến tranh, ông này cho biết quân đội Hoa Kỳ không thể ở đó mãi mãi: “Cuộc xuất quân này không lệ thuộc vào khi hậu, mà vào vấn đề ngoại giao có được kết thúc hay chăng”. Về vấn đề Pháp dọa phủ quyết bản quyết định mới của phe chủ chiến, ông Powell cho biết: “Tôi rất bất mãn vì Pháp đã ngang nhiên đóng một vai trò không ích lợi tí nào trong việc làm áp lực trên Saddam Hussein”.

Bất chấp cuộc họp thượng đỉnh của phe chủ chiến này, Pháp vẫn cương quyết giữ lập trường của mình về hạn định 30 ngày sẽ được ông Blix nêu lên cho việc Iraq giải giới. Thủ Tướng Bồ Đào Nha Jose Durao Barroso đã gọi cuộc họp thượng đỉnh này là “cơ hội cuối cùng cho giải pháp chính trị. Nó có thể là một cơ hội nhỏ nhưng nếu là một cơ hội duy nhất trong cả triệu cơ hội thì cũng đáng chiếm lấy cơ hội này”. Còn Tổng Thống Saddam Hussein cảnh giác là nếu Iraq bị tấn công thì chiến tranh sẽ xẩy ra khắp thế giới “bất cứ nơi nào có bầu trời, đất đai và nước chảy”. Tổng Thống Bush tuyên bố: “Hắn phải quyết định lấy… Hắn phải quyết định sẽ giải giới hay chăng. Hắn cũng có thể quyết định bỏ xứ ra đi”. Tổng Thống Pháp đã phát biểu nhận định với đài Truyền Hình CBS là “Tôi nghĩ rằng mối liên hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ, một mối liên hệ nhân bản, thậm chí là một mối liên hệ yêu thương, tôi có thể nói như vậy. Thế nhưng, nếu tôi thấy người bạn của tôi hay một ai đó tôi rất yêu dấu đang đi vào con đường sai lạc thì tôi buộc phải cảnh giác họ hãy cẩn thận”.
 

16/3 Chúa Nhật: Những Nỗ Lực Văn Hóa Sự Sống

Bảy Điều Quyết Tâm cho Các Chuyên Viên Nghiên Cứu Ngành Y Học

Học Viện Tòa Thánh Về Sự Sống, sau Đại Hội lần chín ở Vatican vào những ngày 24-26/2/2003, đã ban bố một bản thông báo về những gì họ đã thực hiện trong thời gian đại hội về đề tài “Luân Thường Đạo Lý của Việc Nghiên Cứu Ngành Y Khoa Sinh Học trước Nhãn Quan Kitô Giáo”. Bản văn kiện này có cả phần phụ trương trong đó có 7 điều quyết tâm của những nhà nghiên cứu, những điều có thể nói phản ảnh và đúc kết tất cả những điểm chính yếu và chủ trương của Tòa Thánh được bày tỏ trong đại hội này. Sau đây là bảy điều dốc lòng cụ thể của các nhà nghiên cứu y khoa:

  1. Gắn bó với phương pháp nghiên cứu có tính cách triệt để khoa học và hết sức rõ ràng về tín liệu;

  2. Không dính dáng với việc nghiên cứu bị chi phối bởi “những xung khắc về lợi lộc theo quan điểm cá nhân, nghề nghiệp hay kinh tế”;

  3. Nhìn nhận là khoa học và kỹ thuật phải phục vụ con người, hoàn toàn tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi của con người;

  4. Nhìn nhận và tôn trọng việc nghiên cứu được căn cứ vào nguyên tắc thiện hảo về luân lý cũng như được qui chiếu theo một nhãn quan đúng đắn về các chiều kích thể lý và thiêng liêng của con người;

  5. Nhìn nhận là hết mọi con người, từ khi được hoài thai cho tới khi từ nhiên chết đi, đều phải được tôn trọng một cách trọn vẹn và vô điều kiện theo nhân phẩm của họ;

  6. Nhìn nhận nhu cầu cần phải thực hiện những cuộc thí nghiệm “theo chiều hướng của các qui tắc đạo lý” trước khi áp dụng thành quả của những cuộc thí nghiệm này cho con người, cũng như nhìn nhận phận vụ phải bảo toàn sự sống con người và sức khỏe con người;

  7. Nhìn nhận tính cách hợp lý của những cuộc thí nghiệm y khoa nơi con người, nhưng với những điều kiện xác đáng, bao gồm việc bảo toàn sự sống con người cũng như tính cách nguyên vẹn về thể lý của con người trong cuộc, và nhìn nhận rằng “cuộc thí nghiệm bao giờ cũng phải được dẫn lối bằng việc hiểu biết kỹ lưỡng, xác đáng và đầy đủ về ý nghĩa và phát triển của cuộc thí nghiệm ấy”.

Thượng Viện Hoa Kỳ trở lại vấn đề cấm việc phá thai bán phần

Thượng Viện Hoa Kỳ, hôm Thứ Năm 13/3/2003, đã dễ dàng chấp thuận, với số phiếu 64-33, một dự luật về việc cấm phá thai bán phần, một luật cấm đã bị Tổng Thống Clinton phủ quyết hai lần nhưng lại được Tổng Thống Bush hết sức ủng hộ. Giờ đây dự luật này sẽ được hạ viện là nơi năm ngoái đã ủng hộ gần 2-1. Trong tuần lễ tranh luận về dự luật này ở thượng viện, những vị chống đối cho rằng dự luật này phản lại hai quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đó là quyết định về vụ Roe vs Wade cho phép phá thai theo nhu cầu, và quyết định về vụ Stenberg vs Carhart, một quyết định được 5 trong 9 vị thẩm pjhán cho rằng quyết định của vụ trước cho phép phá thai bán phần nữa.

Trong một lời phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, ông Douglas Johnson, giám đốc ngành lập pháp của tổ chức National Right to Life Committee đã nói: “Tổng Thống Bush, 70% công chúng, 64 thượng nghị sĩ và 4 vị thẩm phán tối cao pháp viện nói rằng không có thứ quyền thuộc hiến nào cho phép sinh ra một đứa bé hầu như còn sống để rồi lấy kéo cắt cổ nó đi. Thế nhưng 5 vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lại nói rằng vấn đề phá thai bán phần được quyết định của vụ Roe vs. Wade cho phép, và 33 vị thượng nghị sĩ đã đồng ý theo. Chúng tôi hy vọng là cho tới khi việc cấm đoán này lên tới Tối Cao Pháp Viện thì ít ra năm vị thẩm phán ấy sẽ vui lòng loại bỏ việc bênh vực phá thai quá trớn của mình đi”. Thượng nghị sĩ Michael DeWine, thuộc đảng Cộng Hòa Ohio, cho biết: “Đó là một hành động ghê tởm. Nó là hành động vô luân. Nó là một việc sai lầm và là một điều không thể chấp nhận được với một xã hội văn minh”.

Kitô Hữu đưa ra 3 Dự Thảo cho Bản Hiếp Pháp Âu Châu

Hội đồng Kitô Giáo Cho Âu Châu sẽ đề nghị ba dự thảo ở hội nghị về Bản Hiếp Pháp Âu Châu, một hội nghị sẽ được Quốc Hội Âu Châu triệu tập vào ngày 3/4/2003. Kitô Giáo Cho Âu Châu là một hội đồng bao gồm các phần tử quốc hội Âu Châu, chính trị gia, viên chức ngoại giao, các nhà giáo dục, các vị học giả và các chuyên gia. Với sự giúp đỡ của Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo, hội đồng này nuôi dưỡng những mối liên hệ với các giáo phái Kitô Giáo như Chính Thống Giáo, Thệ Phản và Anh Giáo. Hội Đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu muốn thêm ba điều vào những khoản đầu tiên của bản thảo Hiệp Ước Hiến Pháp của Hội Đồng Âu Châu. Vị chủ tịch của hội đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu là Josep Mirĩi Ardeval đã nói:

“Ở Khoản 1, liên quan đến việc thành lập Khối Hiệp Nhất Âu Châu, Khối Hiệp Nhất cần phải tôn trọng căn tính của mỗi quốc gia phần tử. Khối Hiệp Nhất cũng phải tôn trọng vị thế hợp pháp của các giáo hội, các cộng đồng tôn giáo và những tổ chức vô tín ngưỡng, vì đó là một phần chính yếu thuộc căn tính quốc gia đã được nói đến”.

“Ở Khoản 2, liên quan đến những giá trị của Khối Hiệp Nhất, có nói đến phẩm giá con người, đến quyền tự do, đến nền dân chủ, đến tình trạng luật pháp, đến các quyền lợi của con người, đến việc dung nhượng, đến công lý và kết đoàn. Khoản này đối với chúng tôi rất tốt, thế nhưng vẫn thiếu những quan niệm là những giá trị Âu Châu thực sự cần phải được đề cập tới”. Những giá trị đó là “vai trò chính yếu của con người, việc bảo vệ gia đình, việc cổ võ hòa bình, việc phụ thuộc, và khía cạnh xã hội chứ không phải chỉ cá nhân nơi các quyền lợi của con người. Đó là những giá trị Âu Châu các người soạn thảo cần phải đưa vào khoản hiến pháp”.

“Ở Khoản 3, liên quan đến những mục tiêu của Khối Hiệp Nhất, chúng tôi nghĩ rằng những mục tiêu bất khả thiếu cho Âu Châu đang thiếu vắng, đó là vai trò chính yếu của con người, việc tôn trọng nơi các dân tộc, việc nhổ tận gốc cảnh bần cùng, việc bảo vệ trẻ em và gia đình, việc cổ võ hòa bình, và việc tuân hợp những quyết tâm quốc tế cần có”.

Thế nhưng, đâu là căn bản cho những giá trị Âu Châu?

Theo Antonio Arcones, thư ký của Hội Đồng Kitô Hữu Cho Âu Châu, “chúng tôi muốn nhắc nhở quyền lực chính trị là lãnh vực dân sự và chính trị biệt lập với lãnh vực giáo hội, nhưng không tách biệt khỏi lãnh vực luân lý. Khi quyền lực chính trị gạt đi lãnh vực luân lý thì cuộc sống chung của dân chúng sẽ phải trả giá cho vấn đề này. Theo ý nghĩ của chúng tôi, nếu chúng ta loại bỏ đi cái nền tảng siêu việt nơi các giá trị Âu Châu đi, những gì vốn là đường lối của đa số dân Âu Châu sống những giá trị ấy, thì những giá trị ấy bấy giờ trở thành vô nghĩa, quyền lực chính trị bấy giờ có thể trở thành độc đoán theo những tiêu chuẩn của mình, quay ra kình chống con người”.
 

15/3 Thứ Bảy

“Quyền lực của lý lẽ chứ không phải lý lẽ của quyền lực”

ĐTGM Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, qua cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Il Corriere della Sera của Ý đã cho biết nhận định của ngài về việc Hoa Kỳ vận động phiếu bầu cho bản quyết định mới của họ như sau: “Mỗi một người bỏ phiếu phải được tự do, không bị lôi kéo. Việc kẻ mạnh tăng áp lực trên kẻ yếu không có sức chống lại là việc làm không đúng. Khi đưa ra những lời hứa hẹn hay đe dọa cho tương lai của một dân tộc, bất kể là ai thực hiện những lời này, thì tiến trình đi đến quyết định sai lầm và làm tổn thương đến nguyên tắc bình đẳng về phẩm giá của các quốc gia”. Theo vị TGM chủ tịch này thì các quốc gia cần phải sử dụng “quyền lực của lý lẽ chứ không phải những lý lẽ của quyền lực” để bày tỏ chủ trương của mình về các vấn đề. “Liên Hiệp Quốc được thành lập là để bảo đảm tất cả mọi người cho khỏi những thứ lạm dụng và không thể chấp nhận tình trạng vai trò chính yếu của tổ chức này bị chi phối bởi lý lẽ thống trị”. Ngài cho rằng việc trì trệ bỏ phiếu trong tuần này là một “biến cố tốt”, vì “mọi hành động trì hoãn hành động quân sự đều là những việc đáng đón nhận. Càng có nhiều giờ hơn, sẽ càng thẩm định rõ hơn về thực tại và những quyết định sẽ càng xứng hợp hơn. Ngoài ra, trong mấy ngày qua, các quốc gia được nghe dư luận thế giới nhiều hơn nữa là những gì tôi cho là một yếu tố quyết liệt”.

Ngày Thứ Năm 14/3/2003, vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh Joaquin Navarro-Valls đã nói với các phóng viên sáng nay rằng “tòa khâm sứ của Tòa Thánh ở thủ đô Baghdad vẫn mở dù có xẩy ra trường hợp đưa tới tình trạng can thiệp bằng quân sự ở nước này. Đó là một truyền thống về thời điểm vinh hạnh của Tòa Thánh muốn được gần gũi với dân chúng là thành phần các vị đại diện của Tòa Thánh được sai đến phục vụ, cho dù trong những trường hợp hết sức nguy hiểm”. Theo tờ nhật báo Ý Avvenire, thì ở cuộc họp công khai ở Milan, cũng vào ngày hôm nay, vị giám đốc này cho biết, “cho dù chỉ còn 5 phút nữa cuộc chiến bùng nổ, thì bao giờ cũng là một thời gian hòa bình. Không bao giờ được loại bỏ niềm hy vọng hòa bình, và để có niềm hy vọng này, mọi người cần phải ý thức và có trách nhiệm hơn”.

Cũng cùng ngày Thứ Năm 13/3/2003, ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin cho biết những phác họa của Hiệp Vương Quốc “không giải đáp được những vấn đề được cộng đồng quốc tế nêu lên. Đó không phải là vấn đề ban thêm cho Iraq vài ngày nữa trước khi tiến đến chỗ sự dụng võ lực, mà là vấn đề dứt khoát tiến hành việc giải giới ôn hòa được thực hiện bởi các cuộc thanh tra là những giải pháp có uy thế hơn là chiến tranh”.

Các phần tử của Hội Đồng Bảo An (HĐBA) đã phác họa chương trình âm thầm gặp nhau vào chiều Thứ Năm để bàn về bản dự thảo của Hiệp Vương Quốc. Tuy nhiên các nước phản chiến trong ba tiếng họp kín hôm Thứ Tư, 12/3/2003. Một vị ngoại giao đã tố cáo là UK và US về “những trò chơi lừa đảo” ở chỗ họ cố gắng lừa hội đồng này tiến tới chỗ cho phép sử dụng võ lực. Ngoại trưởng Naji Sabri cũng bài bác dự định này vì cho rằng UK và US đang cố gắng nấp dưới bình phong quốc tế để tấn công Iraq.

Cũng vào ngày Thứ Năm này, vị cố vấn phòng vệ Hoa Kỳ là Richard Perle, qua cuộc phỏng vấn vời Đài Phát Thanh RTL của Pháp được truyền thanh hôm nay, cho rằng tổng thống Pháp Chirac về phe với Saddam Hussein: “Pháp đã nghiêng về phía Saddam, không còn cách nào nghĩ khác được. Tổng Thống Chirac đã nói Saddam Hussein là bạn của ông, một người bạn, một trong những tay độc tài dã man nhất thế giới”.

Trong cả tuần vừa qua Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chập chờn với những bản quyết định mới của phe chủ chiến. Vì chiến dịch ngoại giao ở vòng ngoài cho thấy không thể nào nắm chắc được phần thắng, phe chủ chiến đã không dám kêu gọi bỏ phiếu cho bản quyết định được thêm bớt sửa chữa điều chỉnh đủ thứ của họ. Tuy nhiên, phe chủ chiến vẫn tìm hết cách để đi đến cùng chiều hướng của họ. Bởi đó, cuối tuần này sẽ có một phiên họp thượng đỉnh của phe này ở căn cứ không quân Azores, một quần đảo của Bồ Đào Nha ở Bắc Đại Tây Dương, cách ven biển Bồ Đào Nha 900 dặm, với sự có mặt của ba nhà lãnh đạo US là Tổng Thống George Bush, UK là Thủ Tướng Tony Blair và Thủ Tướng Tây Ban Nha là José Maria Aznar.

Trong khi đó, vào ngày Thứ Sáu 14/3/2003, Tổng Thống Chí Lợi, Ricardo Lagos đã tuyên bố rằng quốc gia của ông, một thành viên trong HĐBA chủ trương trung lập sẽ cho Iraq 3 tuần với 5 điều kiện tương tự như của Hiệp Vương Quốc đã phổ biến trong tuần này. Tuy nhiên, dự thảo của ông không kêu gọi Tổng Thống Saddam Hussein công khai tuyên bố loại trừ các thứ khí giới đại công phá trên truyền hình hay tường trình về các phòng thí nghiệm vũ khí lưu động. Ông tuyên bố “Chúng tôi muốn muốn làm tất cả những gì chúng tôi có thể để ngăn tránh chiến tranh”. Nếu Iraq không đáp ứng những điều kiện ấy mới được sửa soạn “sử dụng võ lực” để bắt buộc giải giới.

Trong khi các hoạt động ngoại giao đang tiến hành thì hoạt động quân sự cũng diễn tiến đến ngộp thở. Bên phe US, các chiến hạm đang tiến đến Biển Đỏ, và bên Iraq đang chuyển quân và các kẩu đại bác phòng không xuống miền nam nước này, sát ranh giới Kuwait. Ngũ giác đài của US đang bày kế hoạch để ngay đêm tấn công đầu tiên đã bắt đối phương phải qui hàng.

Màn Điện Toán Zenit đã phỏng vấn tác giả Russell Shaw về quan điểm của ông đối với dự án tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq. Vị tác giả này đã viết những cuốn như “Quyền Bính Giáo Hoàng trong Ngàn Năm Thứ Ba” và “Thừa Tác Vụ hay Tông Đồ Vụ: Người Giáo Dân Công Giáo Đang Phải Làm Gì Đây?”, cả hai tác phẩm này do Our Sunday Visitor xuất bản.

Vấn     Tòa Thánh Vatican đã minh nhiên nói rằng Đức Thánh Cha không phải là một người cầu an, và chính Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi Iraq loại bỏ các thứ khí giới bị cấm của họ. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng này đã không ngừng lập đi lập lại chủ trương chống lại giải pháp quân sự đối với vấn đề này. Đâu là những yếu tố chính ở sau những quan điểm khác nhau này của chính phủ Hiệp Chủng Quốc và của Giáo Hội?

Đáp     Lý do chính cho sự khác biệt này là vì những phán đoán khôn ngoan khác nhau. Tổng Thống Bush và người của ông tin tưởng là nếu không gây chiến, nhất là cái nguy là các thứ khí giới đại công phá của Iraq sẽ lọt vào tay của những tên khủng bố, thì hậu quả xẩy ra sẽ trầm trọng hơn là chính chiến tranh. Đức Thánh Cha và các vị của Ngài chỉ tin rằng vào lúc này đây, bất cứ thiện ích nào chiếm được từ việc lật đổ Saddam Hussein cũng không cân xứng với các hậu quả của nó, chẳng hạn như gây thêm khủng bố, đổ thêm dầu vào cuộc xung khắc giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, và gây thiệt hại dài hạn cho Liên Hiệp Quốc. Tôi nghĩ Tòa Thánh Vatican và Tòa Bạch Ốc đang hoạt động hầu như theo cùng những nguyên tắc luân lý, thế nhưng, họ bất đồng ý với nhau về thành quả của những việc tiến hành khác nhau. Nói chung, tôi nghĩ rằng quan điểm của Tòa Thánh là một quan điểm xác đáng.

Vấn     “Chiến tranh chống khủng bố” hình như đã đẩy mạnh việc chống lại Iraq. Nhu cầu Hiệp Chủng Quốc tự vệ chống lại các cuộc khủng bố tấn công, cùng với những lo sợ các thứ vũ khí đại công phá trong tay Iraq có thay đổi được đường lối áp dụng nguyên tắc chiến tranh chính đáng cổ truyền hay chăng?

Đáp     Những nguyên tắc cổ truyền về lý thuyết của một cuộc chiến tranh chính đáng không có khoản nào cho thứ chiến tranh ngăn ngừa cả, tức là, cho hành động quân sự để phòng hờ tấn công chưa xẩy ra nhưng rất có thể xẩy ra. Việc thêm yếu tố này vào thuyết chiến tranh chính đáng là việc tự nó muốn hoán chỉnh những gì thuyết này đã nói về tính cách tự vệ hợp pháp, thế nhưng nó là một cái gì mới mẻ, bởi thế nó cũng là một cái gì đổi thay. Theo nguyên tắc, tôi cũng nghĩ rằng nó là một thay đổi có lý. Một quốc gia không cần phải đợi cho đến khi bị tấn công trước khi ra quân tự vệ. Thế nhưng, cho dù người ta có chấp nhận tư tưởng này theo nguyên tắc, cũng không thể căn cứ vào đó áp dụng nguyên tắc này vào trường hợp Iraq hiện nay. Trường hợp này cho tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Vấn đề cho rằng Iraq rõ ràng và hiện đang gây nguy hiểm cho Hiệp Chủng Quốc cho tới lúc này đối với tôi chỉ là một giả thuyết.

Vấn     Có một số người Công Giáo chính thống, nhất là ở Hiệp Chủng Quốc, nhấn mạnh là những quyết định tối hậu về hành động quân sự là một phán đoán khôn ngoan thuộc thẩm quyền dân sự chứ không phải thẩm quyền Giáo Hội. Vậy thì đường phân chia ranh giới giữa Thiên Chúa và Cêsar là ở chỗ nào?

Đáp     Có mấy cách để giải đáp. Một đàng thì không phải chỉ có Hiệp Chủng Quốc mới bị ảnh hưởng bởi những gì đang xẩy ra hay không xẩy ra ở Iraq, bởi thế nói rằng phán đoán khôn ngoan chỉ thuộc về thẩm quyền dân sự của Hiệp Chủng Quốc thôi là nói theo kiểu một chiều. Nhiều quốc gia cũng bị chi phối ở chỗ này nữa nên có quyền đóng góp vào việc quyết định. Đối với quyền lợi của các thẩm quyền Giáo Hội cần phải nói lên, cho dù con người chủ trương, như tôi đây, cho rằng những phán đoán được các thẩm quyền Giáo Hội bày tỏ là những phán đoán khôn ngoan đi nữa, người ta cũng phải nhìn nhận là các thẩm quyền ấy mang lại một chiều kích đặc biệt và rất hợp thời cho vấn đề các thẩm quyền ấy được tham phần vào cuộc bàn luận này. Các thẩm quyền này lại càng không chú trọng đến lợi lộc chính trị cho bằng các thẩm quyền dân sự, và các thẩm quyền này, như người ta mong đợi, lại càng phải gắn bó với truyền thống luân lý Kitô Giáo. Khi Hiệp Chủng Quốc, để đáp ứng những cuộc khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, tấn công tổ chức al-Qaida và chế độ Taliban ở A Phú Hãn thì Tòa Thánh ủng hộ hành động này như là việc tự vệ hợp lý, và tôi không cần nhắc lại là thành phần hiện nay đang phân vạch biên giới giữa Thiên Chúa và Cesar bấy giờ cũng tán thành như vậy nữa.

Vấn     Những người Công Giáo thuộc các lực lượng quân sự phải có thái độ nào liên quan đến cuộc chiến tranh đánh Iraq có thể xẩy ra này?

Đáp     Những người Công Giáo thuộc các lực lượng quân sự trong trường hợp này cần phải làm như những gì họ vốn làm, bằng việc uốn nắn lương tâm của mình theo chiều hướng của những nguyên tắc luân lý lạnh mạnh, theo lời khuyên của các vị cố vấn khôn ngoan, kể cả đặc biệt những ai ủng hộ huấn quyền của Giáo Hội, cũng như theo tầm mức hiểu biết hết sức của mình về các dữ kiện xẩy ra, để rồi làm theo những gì lương tâm sáng suốt của họ bảo họ làm. Tôi nghĩ rằng hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả sẽ chọn thi hành hết sức mình mệnh lệnh của các vị lãnh binh của họ. Nếu họ làm như thế căn cứ vào những phán đoán sáng suốt chân thành theo lương tâm họ sẽ không nghe thấy bất cứ lời bình phẩm nào của tôi cả.

Vấn     Đối với vai trò của Liên Hiệp Quốc trong việc cho phép ra quân: Trong quá khứ Giáo Hội đã mạnh mẽ chỉ trích Liên Hiệp Quốc trong các lãnh vực như vấn đề kế hoạch hóa gia đình, vấn đề phá thai và vấn đề trào lưu nữ giới. Một số người sợ mất đi tính cách hợp lý của chủ quyền quốc gia khi ủy thác tất cả mọi quyết định về quân sự cho một thứ chính quyền thế giới không được tuyển chọn. Ông thấy vai trò của Liên Hiệp Quốc ra sao?

Đáp     Phải, Giáo Hội đã chỉ trích các lãnh vực vừa được quí vị đề cập tới, tuy nhiên, Tòa Thánh cũng vẫn là mạnh mẽ ủng hộ Liên Hiệp Quốc. Tôi nghĩ chúng ta có thể tìm thấy lý do chính nơi Thông Điệp “Hòa Bình dưới thế” của Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII, một bức thông điệp chúng ta đang mừng 40 năm năm nay. Đức Gioan XXIII nói về nhu cầu cần một thứ “thẩm quyền chung” quốc tế, không phải để thay thế mà là để thêm vào những chính quyền quốc gia hiện hữu, trong việc dấn thân phục vụ cho công ích quốc tế; và ngài đã làm sáng tỏ là, mặc dù Liên Hiệp Quốc không phải là cơ cấu này, tuy nhiên nó là một bước tiến quan trọng và cần thiết – xem văn kiện số 136-145. Quan điểm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng như của Tòa Thánh sáng tỏ trong một thế giới 2003 bất ổn định, đầy nguy hiểm và càng liên thuộc nhau này. Tôi nghĩ rằng quan điểm ấy hết sức xác đáng. Nếu hiện nay không có tổ chức thì chúng ta cần phải thành lập tổ chức này, mặc dù tôi hy vọng là bấy giờ nó sẽ là một tổ chức Liên Hiệp Quốc không có tất cả mọi thứ lỗi lầm của tổ chức hiện nay. Trong khi Hiệp Chủng Quốc hay bất cứ một quốc gia nào khác có thể sẽ không hoàn toàn từ bỏ quyền hạn được quyền hành động một mình, nếu cần, để tự vệ, hay để bênh vực cho công ích quốc tế, thì việc tác hành không có Liên Hiệp Quốc hay tỏ ra công khai coi thường Liên Hiệp Quốc, trừ trường hợp thiết yếu rõ ràng, thật sự là một đường lối rất đáng ngờ vực. Đó thực sự chính là những gì Saddam Hussein đang làm. Chúng ta phải tìm kiếm những đường lối để cải tiến và củng cố Liên Hiệp Quốc chứ đừng làm suy yếu tổ chức này.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 14/3/2003

 

 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)